Nguyễn Hoàng Hải:  Diễn biến hòa giải dân tộc, ai có thể làm chuyện này?

Diễn biến hòa giải dân tộc, ai “đủ tuổi” để làm chuyện này? Các nhân tố nào có thể thúc đẩy hay làm chậm lại quá trình này?

Hòa giải dân tộc là một cụm từ hay được nhắc đi nhắc lại trên báo chí trong và ngoài nước, trên mạng xã hội…nhất là trong những dịp quan trọng, như 50 năm ngày cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc 30/4/19785—30/4/2025, chẳng hạn.

Trước khi bị bắt, facebooker ủng hộ dân chủ nổi tiếng với hàng trăm nghìn followers Nguyễn Lân Thắng đã bình luận về trường hợp một doanh nhân Việt Nam thành đạt sang Mỹ tiếp cận cộng đồng người Việt tỵ nạn và tuyên bố muốn hòa giải dân tộc, rằng doanh nhân kia chưa “đủ tuổi” để làm chuyện này (khó như vác thang lên trời). 

Hòa giải dân tộc là một nhu cầu chính đáng để gắn kết con người Việt Nam trên toàn thế giới.  Nhu cầu đó có thể chỉ là mỹ từ của những nhà chính trị, những nhà ngoại giao. Nhưng đó là nhu cầu có thật đối với những người dân bình thường, những người Việt  thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 sau cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.  Nhu cầu là chính đáng, tuy nhiên thực tế thì như thế nào.

Việt Nam là một dân tộc bị chia rẽ mặc dù đất nước đã thống nhất từ năm 1975. Với tổng số kiều bào ước chừng trên 4 triệu người đang sống tại những nước phương Tây phát triển, và 100 triệu người trên lãnh thổ Việt Nam, nếu không có sự chia rẽ này, Việt Nam sẽ nhân được sự đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt hải ngoại; trong đó có nhiều người đang nắm các vị trí quan trọng, cũng như sở hữu kinh nghiệm và quyền lực mềm ở tại quốc gia sở tại. Từ đó có thể góp phần hỗ trợ, đưa Việt Nam, một đất nước có dân số cao hơn phần lớn các cường quốc G7 (Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý…) và có vị trí chiến lược không kém gì Singapore, trở thành một quốc gia giàu mạnh, phát triển.

Nhìn về trong nước, với sự ham học hỏi cần cù chịu khó của người lao động Việt Nam, sự năng động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam đã ký kết được nhiều thỏa thuận tự do thương mại với nhiều khu vực kinh tế mạnh như  Liên  Minh Âu Châu, Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v… Sức bật hiện chưa được cộng hưởng thêm bằng sự hỗ trợ của cộng đồng phe thua trận, một cộng đồng có nhiều thành công về mặt kinh tế và công nghệ tại các nước phương Tây giàu mạnh. Một vài ví dụ có thể nêu ra ở đây như  Eric Thich Vi Ly, nhà sáng lập LinkedIn,  Phong Le–CEO của Strategy (công ty nằm trong top 100 công ty lớn nhất của Mỹ  theo số liệu ngày hôm nay ), tỷ phú Trung Dung  nhà sáng lập OnDisplay…

 Từ năm 1975, Việt Nam thống nhất 2 miền Bắc, Nam thành một, người dân đã có thể di chuyển tự do từ cực bắc Lũng Cú, Hà Giang tới cực nam của tổ quốc là Mũi Né, Cà Mau. Người Việt sang Mỹ sống và Việt Kiều Mỹ về Việt Nam sống cũng rất nhiều. 

Tuy nhiên rất nhiều người Việt lại đang sống trong một thế giới song song. Một ví dụ điển hình là trường hợp của một ca sĩ, trong một thế giới tại Việt Nam thì anh ta khen sống ở Việt Nam sướng hơn ở nước ngoài nhiều  nhưng trong một thế giới tại Mỹ thì anh đổi phận trai hào hoa “ông hoàng nhạc Việt” (danh xưng anh ta tự gọi), lấy một người phụ nữ hơn mình gần 20 tuổi, để đổi lấy thẻ xanh của Mỹ . Trên mạng có nhiều người nghi ngờ đó là đám cưới giả. Chưa kể đến những người nói và viết sách rằng phải cảnh giác với thế lực thù  địch là Mỹ, nhưng thực tế lại chỉ nhận đô la Mỹ  chứ không nhận tiền đồng Việt Nam khi được hối lộ. Hay ngay cả cán bộ cấp cao của ngân hàng trung ương Việt Nam (nơi phát hành tiền đồng), cũng chỉ nhận đô la Mỹ 

Trên mặt trận truyền thông cả chính thống lẫn không chính thống (các kênh youtube, các trang facebook có liên quan đến đội cờ đỏ) đều có một giọng điệu rất gay gắt coi thuyền nhân và con cháu họ, thế hệ F2, F3 là kẻ thù, gọi họ một cách xách mé là Cali ba sọc, là những người có thể sử dụng bạo lực để quay lại miền Nam, với sử ủng hộ của chính quyền Hoa Kỳ.  

Về mặt chính thức, cả một thời gian rất dài, nhiều người Việt chỉ vì dùng ngòi bút viết bài hay cất tiếng nói phê phán chính quyền một cách ôn hòa cũng bị kết án với quy kết là cộng tác hay nhận tiền của các tổ chức người Việt hải ngoại. Nhắc lại ở đây để nói lên cái nhìn chính thức của nhà nước Việt Nam đối với phe thua trận.  Việc cảnh giác và khắt khe của chính quyền trong nước đối với phe thua trận, cũng làm cho người dân trong nước cảnh giác với phe thua trận ở nước ngoài, cũng như người Việt ở nước ngoài nói chung. Người Việt ở nước ngoài mà viết bài phê phán chính quyền trong nước cũng rất dễ dàng bị chụp mũ là Cali ba sọc.

Một bước ngoặt bất ngờ trong tiến trình hòa giải dân tộc là sự kiện tổng thống Mỹ Joe Biden và cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký kết quan hệ đối tác chiến lược cho 2 quốc gia cựu thù.  

 Với mối quan hệ chiến lược này, nhà nước Việt Nam yên tâm là chính phủ Mỹ không bao giờ ủng hộ bất cứ một thành phần, một lực lượng nào sử dụng bạo lực chống lại Việt Nam, bao gồm “cả phe thua trận” và con cháu của họ.  Cái nhìn của chính quyền trong nước đối với phe thua trận ở nước ngoài chuyển đổi từ nhìn họ như kẻ thù tiềm năng (vì có điều kiện lợi dụng sự ủng hộ của chính phủ Mỹ) thành những kẻ gàn dở nhưng không nguy hiểm (?!)

Theo cá nhân người viết đây là một bước ngoặt giúp cho người Việt trong nước khi ra nước ngoài đi học tập hay định cư có thể bớt ngại ngùng khi giao thiệp với thế hệ người Việt thuyền nhân và con cháu của họ, những người đa phần có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sống và làm việc tại đất nước sở tại.  Độc giả có đánh giá rằng bước ngoặt này đã giúp tiến trình hòa giải dân tộc được chiếm 30% chiều dài của cái thang hòa giải dân tộc hay không? Nếu được, thì đó là công lớn của 2 người “đủ tuổi”, Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng

Cũng trong tinh thần tìm hiểu về diễn biến hòa giải dân tộc, một sự kiện truyền thông nữa đáng chú ý là đương kim thủ tướng Việt Nam phát biểu rằng đánh golf với tổng thống Mỹ mà giúp cho quốc gia Việt Nam thì ông đánh cả ngày cũng được. Đây là dịp mà những người Việt thực tâm muốn hòa giải dân tộc có thể giúp cho tiến trình hòa giải nhanh hơn bằng cách đặt câu hỏi phản biện cho những người Việt trong phạm vi tương tác của mình rằng, các thủ tướng của miền Nam trước năm 1975 họ là những người đầy tớ của Mỹ, hay cũng chỉ là những người đánh golf nhiệt tình với Kennedy, Johnson, Nickson vì ngoại giao quốc gia. 

Với thâm hụt thương mại thặng dư giữa Mỹ và Việt Nam, tổng bí thư Tô Lâm đã ngỏ lời trong một cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump, thuế 0% cho hàng Mỹ vào Việt Nam, để tiếp tục buôn bán thương mại với Mỹ. Rất có thể Tô Lâm cũng đồng ý, để tiếp tục buôn bán làm ăn với Mỹ, Việt Nam sẽ đồng ý cắt chữ “giải phóng miền Nam” khi nhắc đến sự kiện 30/04 trên truyền thông hay sách vở, hay trong dịp nghỉ lễ, chỉ để lại là “thống nhất đất nước”? Đi sâu hơn, nhiều sứ quán tại Việt Nam của các quốc gia phương Tây nơi có cộng đồng người Việt thuyền nhân đông (nhưng không mạnh, họ cũng đăng bài trên Facebook thông báo sứ quán của họ đóng cửa vào dịp nghỉ lễ 30/04 Giải Phóng Miền Nam. 

Cờ, pano, khẩu hiệu với những cụm từ “giải phóng miền Nam”, “toàn thắng”…xuất hiện khắp nơi. Ảnh: TTXVN, Báo Lao Động

Đó cũng là một cách để người Mỹ đính chính họ chưa bao giờ là những người thực dân, muốn biến các dân tộc khác làm nô lệ, như là điều mà thế hệ trẻ Việt Nam vẫn được tuyên truyền từ năm này đến năm khác, miền Nam là thuộc địa của Mỹ, không khác nào Việt Nam trước đây là thuộc địa của Pháp, hay Ấn Độ là thuộc địa của Anh, Công Gô là thuộc địa của Bỉ.  Đáng tiếc là những nửa đầu của thế kỷ 20, ấn tượng đầu tiên của người Việt (cũng như nhiều nước nghèo khác) về người “da trắng mắt xanh mũi lõ” như Pháp, Anh là những kẻ thực dân độc ác. Thế kỷ 19, và đầu thế kỷ 20 thời kỳ trước chiến tranh thế giới lần 2, ngoài dân tộc “da trắng mắt xanh mũi lõ£  Pháp là thực dân đối xử ác độc đối với người Việt  thì cạnh đó  thực dân “da trắng mắt xanh mũi lõ” Bỉ cũng làm điều tương tư như vậy đối với người Công Gô (Ghi chú ở đây là người  Bỉ gốc Công Gô tham gia vào chính trị tại nước sở tại  gây sức ép cho nước Bỉ phải chính thức xin lỗi , người Việt ở Pháp có thể làm điều tương tự được không) . Nhắc lại thời kỳ trước chiến tranh thế giới lần Hai để mọi người thấy việc đánh đồng người “da trắng mắt xanh mũi lõ” trên đất nước Việt Nam là một định kiến dễ được chấp nhận.  Việc đính chính Mỹ không phải là thực dân, đó là hành động cần thiết để xác minh thuyền nhân thua trận họ không phải là nô lệ, họ không phải là tay sai của bọn thực dân “da trắng mũi lõ”.  Nếu chuyện đính chính đó xảy ra thì ông ấy cũng là một người đủ tuổi để thực hiện một bước tiến lớn cho quá trình hòa giải dân tộc một cách vô tình, hay cố tình (nếu như chịu sức ép từ cử tri Mỹ gốc Việt hay các chính khách gốc Việt) cho dân tộc Việt Nam. Người viết đánh giá bước tiến này chiếm 30% chiều dài của cái thang hòa giải dân tộc.  Điều này tuy xa mà lại rất gần như đã phân tích nhu cầu buôn bán giao thương của Việt Nam. Hơn nữa các lãnh đạo Việt Nam thời “cộng sản định hướng xã hội chủ nghĩa” hiểu rất rõ là muốn đánh thuế doanh nghiệp nhiều, thì doanh nghiệp phải bán được hàng nhiều. 

30% nữa của cái thang  là khi nào nhà nước Việt Nam thả  hết tự do cho hàng trăm facebookers, youtubers, nhà báo đang bị giam giữ chỉ vì dùng ngòi bút, hay dòng trạng thái, hay tiếng nói của họ để chỉ ra hiện tình đất nước (như Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng), và khi xã hội Việt Nam  đạt được một số  tiêu chuẩn của tự do dân chủ :  như tự do ngôn luận, tự do báo chí,  tự do hội họp tự do ứng cử …v.v. Cái này thì chắc chắn còn xa vời lắm. Tuy nhiên điều này cộng đồng người Việt ở chiều bên kia có thể tác động vào được ít nhiều, theo cái cách đứng trên vai người khổng lồ. Người khổng lồ ở đây là các chính quyền sở tại phương Tây nơi họ có là phiếu, nơi họ có tiếng nói với các nghị sĩ. Với kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển ở phương Tây, trong đó cán cân thương mại bị lệch nhiều về Việt Nam (xuất nhiều, nhập it), thì các quốc gia phương Tây có cửa trên để mặc cả, ra điều kiện với chính quyền Việt Nam, giống như cách chính quyền Mỹ hiện giờ đang làm với Việt Nam. Câu hỏi là liệu cử tri người Việt tại nước dân chủ phương Tây sở tại đó, có lồng yêu cầu của mình vào được không.   

10% còn lại là khi nào các cuộc biểu tình vì quyền tự do biểu đạt cho Việt Nam tại thủ đô các nước phương Tây, không còn hình bóng của lá cờ ba sọc nữa, là cờ mà bên thắng cuộc với độ cảnh giác cao độ có thể quy kết bất cứ ai liên quan tới nó nhiều ít là có động cơ khởi động lại cuộc xung đột bằng bạo lực giữa lá cờ đỏ sao vàng và cờ vàng ba sọc đỏ 50 năm về trước.   

Nguyễn Hoàng Hải 

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.