Nguyễn Hoàng Văn: Phi lịch sử và cực kỳ thời sự

“Còn đảng, còn công an”, rất có thể cái khẩu hiệu cực kỳ quái gở đối với những xã hội dân chủ và văn minh này đã lỗi thời, ngay lập tức, với vụ bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Biến cố chính trị này đã tạo ra một không khí lạnh tanh, đến rợn người, trái ngược với những tranh cãi nhốn nháo quanh cuốn phim Đất rừng phương Nam thế nhưng, nếu chịu khó để ý, chúng ta có thể nhận ra những mẫu số chung nào đó giữa hai sự việc, dẫu có phần mờ nhạt, mơ hồ.

Có những ý kiến khác nhau về vụ bắt giữ ông Nhưỡng nhưng, như là người cố giữ lấy “chữ tin”, cộng với trực giác của mình cùng những thông tin có được, tôi thiên về những người tin vào phần sáng của nạn nhân, người từng ra mặt bác bỏ thứ công lý có định mức, chỉ tiêu, loại công lý báo cáo hay “đánh giá tình hình chung” với lời tuyên bố chắc nịch: “Công lý thì làm sao có tỷ lệ. Công lý là công lý”. Không chỉ lên tiếng về những vấn đề nhạy cảm nhất như Đồng Tâm, tử tù Hồ Duy Hải, nạn nhân còn bạo gan tấn công vào thanh kiếm và lá chắn của đảng mà giọt nước tràn ly là vụ chất vấn trực diện ông trùm đang cai quản thanh kiếm – lá chắn này. [1]

Còn Đất rừng phương Nam thì gây ồn vì yếu tố gọi là “phi lịch sử”, từ cái áo “bà ba nút Tàu” đến vai trò của Thiên Địa Hội trong phong trào yêu nước ở Nam bộ. Nhưng cụm từ “phi lịch sử” này bị nhóm người phê phán kia dùng sai hay, ít ra, là không thích hợp. Có thể bảo là phim bị sai sót hay cẩu thả về lịch sử, hay nhà sản xuất ngu si, dốt nát v.v còn “phi lịch sử” có khi lại là một kỹ thuật dựng chuyện mà tác giả cố ý nhằm nói lên điều gì đó.

Áp phích chiếu rạp của phim “Đất rừng phương Nam”.

Như Phan Bội Châu với Trùng Quang tâm sử. Trong nỗ lực kích động lòng yêu nước, cụ Phan đã tái hiện cuộc nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Minh vào đầu thế kỷ 15 tại Nghệ An do Trần Quý Khoáng lãnh đạo với tiểu thuyết lịch sử này. Trong Trùng Quang tâm sử có một nữ nhân vật Liên, kể về mối căm thù với giặc Minh, cái quân xâm lược đã làm tan nát gia đình cô bằng hành vi khởi đầu “vu cho cha tôi tội nấu rượu lậu”.

Nhưng thực dân Tàu thời ấy đâu có cấm nhân dân ta nấu rượu? Chỉ có thực dân Pháp, bọn này cấm rượu để độc quyền kinh doanh sự nghiện của người Việt trên tầm mức kỹ nghệ và cụ Phan cố ý viết sai là để “đem việc xưa nói thời nay”. 

Kỹ thuật nói xéo này được gọi là “phi lịch sử”.

Nhưng vụ bắt giữ ông Nhưỡng thì rất lịch sử, cực kỳ thời sự, gắn liền với sự bất tài và bất lực của nhà cai trị.

Năng lực của nhà cầm quyền thể hiện qua nhiều yếu tố mà, trong đó, quan trọng nhất là quản trị và khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, từ tài nguyên nhiên nhiên đến tài nguyên nhân lực. Trên mặt này thì bộ máy cai trị trên đất nước chúng ta rất kém, mà phải nói là cực kỳ, cực kỳ kém. 

Thà là vô hình như chất xám. Thà là dăm ba cara hay dăm ba ký lô dễ cất giấu nhưng trị giá hàng triệu đô la như ma túy, hột xoàn. Chỉ là thứ tài nguyên thô, rẻ tiền là cát, sờ sờ trước mắt, phải cần đến số lượng cực kỳ lớn, tới hàng ngàn mét khối và để khai thác phải cần đến những phương tiện nặng cả mấy chục tấn, mà cũng quản lý không xong. Chỉ là những bờ cát sờ sờ dọc theo các triền sông hay dưới đáy sông mà cũng bất lực, không quản nổi, để bọn cát tặc lộng hành ít nhất là từ 20 năm nay giữa tiếng kêu gào của nhân dân vì nạn sạt lở, mất ruộng, mất nhà, tan nát cả cộng đồng, làng mạc.

Như thế, phải chăng việc ông Nhưỡng bị “vu cho tội hút cát lậu” – nói cho gọn từ cáo buộc “thông đồng với bọn cát tặc” — là một mũi tên bắn ba mục đích?

Thứ nhất, bẻ gãy cái gai Lưu Bình Nhưỡng này và cảnh cáo những Lưu Bình Nhưỡng khác trong tương lai!

Thứ hai, chữa thẹn cho ngành công an: sở dĩ bọn hút cát lậu có thể lộng hành là do những… thế lực như Lưu Bình Nhưỡng bao che!

Thứ ba, nếu người ta không tin vào cáo buộc trên thì, dẫu biết là dối gian, ít ra nó cũng cho thấy ngành an ninh cũng biết đổi mới, không hề dẫm theo lối mòn.

Nếu không vu cho ông Nhưỡng tội ăn cát lậu, chả nhẽ lại bắt ông với cáo buộc trốn thuế? 

Sau bao nhiêu vụ “trốn thuế”, từ Điếu Cày Nguyễn Văn Hải năm nào đến nay đã có thêm bao nhiêu vụ mà, mới nhất, là Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển, nay lại còng tay ông vì tội này thì… trơ quá. 

Thôi thì cho ông phạm tội hút cát lậu.

Trở lại với Đất rừng phương Nam, bộ phim bị chê là “phi lịch sử”, nhà sản xuất toan tính gì với yếu tố này?

Tôi chưa xem phim này nên chưa dám chen ngang. Nhưng tôi hoàn toàn có đủ tư cách để phê phán tên vô văn hóa Nguyễn Văn Hùng, hiện đang giữ chức Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Thấy phim này bị chỉ trích dữ dội, Hùng ra trước Quốc hội đe là sẽ “xử lý”. 

Cũng như trước đó, ngày 15/9/2023, tên vô văn hóa này gởi công văn đến Bộ Thông tin – Truyền thông đòi “xử lý” những kẻ dám phê phán bộ của y đã thản nhiên vui chơi hát hò với cái gọi là “lễ trao giải thưởng báo chí Vì sự nghiệp phát triển văn hoá thể thao du lịch” giữa lúc Hà Nội khét lẹt mùi thịt da của 56 dân cư trong chung cư bị cháy ở Khương Hạ.

Tôi gọi y là tên vô văn hóa không chút đắn đo, dè dặt. Y vô văn hóa trong cách đi đứng nghênh ngang, không kể phép tắc lịch sự khi đón Thủ tướng Malaysia. Y vô văn hóa ở cách xử như một tên trương tuần hay cai đội ít học, hở ra là đòi “xử lý”. 

Nhưng may, dù rất thích xử lý, Hùng lại không có quyền.

Trong khi đó thì ông Nhưỡng lại bị “xử lý”, vì kẻ mà ông chất vấn lại thực sự có quyền này.

Hùng thì ráo riết đòi xử lý, nhưng càng hăm càng bị nhờn, càng bị nhạo báng. Lâm không nói gì nhưng “xử lý” cái rụp, khiến cả cả nước lạnh tanh, rờn rợn. 

Họ làm chúng ta nghĩ đến ngạn ngữ “Chó sủa chó không cắn”. Mà không chỉ người Việt, cả nhân loại cũng thấy thế, như người Anh với câu “Barking dogs never bite”.

Người Anh, cũng như người Pháp, từng bị cha ông chúng ta gọi chung là bọn người “Tây dương” và miệt thị là hạng người “răng trắng như răng chó”. Bây giờ thì người Việt chẳng ai nhuộm răng đen, ai cũng răng trắng như thế cả chỉ riêng ông trùm thì có phần khác. Miệng nhà quan có gang có thép nhưng mồm ông trùm thì không chỉ lạnh tanh mùi gang thép mà còn lấm tấm ánh vàng.

Đó là cái màu đã khiến anh bạn trẻ Bùi Tuấn Lâm lâm nạn. Chỉ vì “thấy sự bất bằng chẳng tha”, cả gan biến hàng bún bò của mình ở Đà Nẵng thành sân khấu để chế nhạo cái mồm lấm tấm ánh vàng kia, anh đã bị “xử lý”, bị “cắn”, đến hơn năm năm tù.

Nhưng anh không bị “vu” tội nấu rượu lậu, tộn trốn thuế hay hút cát lậu, mà tội còn nặng hơn, tội tuyên truyền chống đảng.

Xem ra ông trùm an ninh có cái mồm lấp lánh ánh vàng đang tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc trên đường thay đổi cái khẩu hiệu khiến cả nhân loại cười nhạo.

Từ nay thì không nhất thiết phải là “Còn đảng còn công an” bởi, đơn giản, công an đã là đảng, hay đúng hơn, bản thân ông trùm chính là đảng.

Nghĩa là ông trùm đang hành xử y như Lê Đức Thọ ngày xưa, một Đức Thọ mà nhà văn Vũ Thư Hiên diễn tả trong hồi ký Đêm giữa ban ngày, chương 18: “Nó phải hiểu Ðảng là tao, là tao đây này! Còn đi xin ở chỗ nào nữa? Đảng là tao đây này”! 

Khi sống thì Thọ dữ và oai như thế, muốn bắt hay xử lý ai là bắt, là xử lý, nhưng nay chết rồi thì không chỉ là hết mà còn chuyện quả báo, không hiểu ông trùm có nghĩ đến chuyện này hay không? [2]

Nguyễn Hoàng Văn 

————

Chú thích:

  1. https://baodautu.vn/dai-bieu-luu-binh-nhuong-cong-ly-thi-lam-sao-co-ty-le-d140222.html

“Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,0001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như thế nào. Chính vì tỷ lệ này nên ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu không khắc phục vấn đề này thì rất nguy hiểm và tỷ lệ oan sai này liên quan đến một tỷ lệ rất quan trọng, là liệu có hay không có tỷ lệ công lý? Công lý thì làm sao có tỷ lệ. Công lý là công lý” – ông Nhưỡng nhấn mạnh.

  1. Do con cháu của những nạn nhân trả thù, bao nhiêu đồ xú uế mang vứt hết vào nên mộ phần của Lê Đức Thọ ở Mai Dịch đã bị biến thành bãi chứa những thứ dơ bẩn và tanh tưởi nhất khiến con cháu chịu không nổi, phải lén lút cải táng đến một nhà mồ bí mật, không có bia mộ. Xem ra Thọ đang chịu cảnh “an táng lậu”.