Nguyễn Hoàng Văn: Thiên đường đã dành sẵn chỗ cho Kissinger?
Henry Kissinger (1923-2023) |
Henry Kissinger đã giã từ trần thế và, liệu, ơn trên có sắp xếp cho nghỉ một thiên đường thích hợp? [1]
Nghỉ có xứng đáng để nhận visa nhập cảnh cõi ấy hay không, điều này không thuộc thẩm quyền của chúng ta. Mà, nếu đó là chuyện bất khả tri, nằm ngoài sức hiểu biết của con người thì tốt nhất là không nên bàn, dù chỉ bàn góp, nói chơi. Mà “có thiên đường hay không”, đây lại là điều mà chúng ta không nên soi xét bằng thước đo lý trí bởi đó là niềm tin thiêng liêng của mỗi người, cần phải tôn trọng. Dẫu sao thì, từ nền tảng của những niềm tin đó, chúng ta cũng có thể suy luận để phần nào hình dung nên cuộc sống vĩnh hằng mà chưa một người sống nào từng mục sở thị.
Sinh thời, với những nước cờ ngoại giao-chính trị cực kỳ tàn nhẫn, Kissinger cho thấy nghỉ là người không tin vào cái cõi sống đời đời này, đơn giản bởi nếu tin thì nghỉ đã sợ, đã chợn tay. Nhưng thử nghĩ lại đi, trong những giờ phút tuyệt vọng của cuộc khủng hoảng Watergate, nghỉ cũng đã từng quỳ gối cùng sếp lớn là nguyên Tổng thống Richard Nixon cầu khẩn ơn trên dẫu rằng Nixon, như lời tự thú, chẳng phải là một tín đồ Tin Lành Quaker thuần thành và nghỉ cũng chẳng hề là đứa con hằng mong đợi của gia đình Do Thái Giáo đạo dòng. [2]
Là con chiên lạc đạo nhưng ít ra, vào lúc đó, Nixon vẫn có quyền lạc quan bởi, theo xác quyết của các nhà truyền đạo, Thương Đế rất là hào phóng, tội lỗi đến đâu cũng tha thứ cả miễn là ăn năn và, nhất là, gìn giữ đức tin. Trong cái giây phút rùng mình nghĩ đến sự trừng phạt của luật đời, Nixon đã thành tâm quỳ xuống cầu khẩn ơn trên, cầu mong một sự can thiệp nào đó bằng luật của Trời. Cũng quỳ gối như thế nhưng Kissinger có thể rất khác, có thể chỉ vờ vịt đóng kịch vì sợ, vì không thể nói “No” với bậc bề trên chính trị của mình khi mà, vào lúc đó, nghỉ còn rất nhiều thứ để mất. Như thế, Kissinger đã rất là… người. Mà đã là con người thì, vào giây phút cuối cùng của đời mình, khi không còn gì để mất nhưng có rất nhiều thứ để lo nghĩ khi mình bước qua cái lằn ranh sinh tử, nghỉ cũng phải thoáng nghĩ đến đấng bề trên tối cao, cái đấng quyền năng từng khiến Nixon ép mình quỳ gối cầu nguyện theo chứ? Nghĩa là, lúc đó, khi thều thào những hơi thở cuối cùng, nghỉ cũng phải mấp máy đôi môi như là em bé của Trịnh Công Sơn:
Một buổi sáng mùa Ðông
Một đứa bé ra đồng
Một trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân
[…]
Một buổi sớm mùa Ðông
Một đứa bé im nằm
Ðôi môi dường thầm hỏi
Có thiên đường hay không?
Mà giữa đứa bé tội nghiệp và nghỉ, Henry Kissinger, cũng có những quan hệ nào đó. Đứa bé chết là do tội ác của bọn gài mìn nhưng cách chết thương tâm, không toàn thây, lại là tội ác của bọn sản xuất mìn. Mà bọn này lại là bạn suốt đời của nghỉ. Mấy tháng trước, tháng Bảy, bọn này chẳng đã tưng bừng trải thảm đỏ chào đón nghỉ ở Bắc Kinh như bạn cố tri hay sao? Rồi cũng bọn này, mới đây, chẳng đã rầu rầu phân ưu nghỉ với giọng điệu của người tri âm tri kỷ hay sao? Mà cái bọn này thì, cả tiền bối chúng – những Tôn Tử hay Ngô Khởi từng tính toán chuyện giết người như giết ruồi – có đội mồ sống dậy cũng phải chào thua bởi toàn bộ 36 kế của họ không có thứ nào qua được mặt cái lối tính toán kim chỉ với thứ địa lôi rẻ tiền nói trên. Nó không thèm tàn sát mà tiết kiệm chất nổ, chỉ đủ để cắt cụt hai chân. Nó vừa làm tê liệt sức chiến đấu của một đơn vị hành quân vì phải tốn người chăm sóc, vừa tạo ra một gánh nặng xã hội những khoản cấp dưỡng thương binh, lại vừa tạo ra những tác động tâm lý ở hậu phương qua hình ảnh những chiến sĩ không chân trùng trùng, lớp lớp. Tham thì bọn chúng tham đến độ đòi nuốt trọn Biển Đông, đòi dây máu ăn phần cả ở Bắc Cực, Nam Cực. Ác thì, như có thế thấy qua trái mìn nổ chậm, chúng ác một cách chi ly, kim chỉ. Khỏi nhắc cụ thể những gì đã diễn ra ở Việt Nam, Cambodia, Pakistan–Bangladesh, Chile v.v. Cũng không cần đề cập cụ thể đến cảnh diệt chủng đang diễn ra tại Tân Cương ngày nay. Chỉ nói chung chung đến cái sự bắt tay rồi chắp cánh cho bọn ác kia bay cao bay rộng trong sự ác thì, chắc hẳn, nghiệp chướng của nghỉ phải nặng, nếu không nói là cực kỳ nặng. Mà đã nặng như thế thì, ít hay nhiều, cái khát vọng cứu rỗi tiềm tàng trong tâm khảm cũng phải bộc ra trong những hơi thở cuối.
Nhưng được cứu rỗi rồi thì nghỉ sẽ đi đâu, về đâu?
Hình dung cảnh nghỉ sống đời vĩnh hằng trong thiên đường dành cho cha mẹ của Nixon, vốn theo đạo Tin Lành Quaker. Chốn vĩnh hằng của những con chiên ngoan hiền này lại là điều từng khiến Lâm Ngữ Đường “hoang mang” khi, dò hỏi mãi, chỉ mơ hồ “nắm” được rằng đến đó thì sẽ “được mặc áo trắng và hát thánh ca”.[3] Hình dung thêm theo minh họa trong các tài liệu truyền đạo thì, có lẽ, nếu được phép đến đó, chúng ta sẽ được phát cho đôi cánh, mọc trên hai vai. Hãy hình dung cảnh Kissinger đến đó, không lịch lãm veston cà vạt mà chỉ khoác một mảnh vải trắng; giản dị như là nhà cách mạng bất bạo động Mahatma Gandhi nhưng lại linh hoạt như thể là bươm bướm, chuồn chuồn, chỉ để ở yên một chỗ trên không trung thôi mà cũng phải vỗ cánh liên tục, không ngừng. Nhưng lẽ nào? Lẽ nào Kissinger mà chỉ có thế, với hai việc. Bay chán thì hội nhóm thánh ca. Hát thánh ca chán thì bay. Bay rồi hát, hát rồi bay và, nhại theo câu ca dao diễu Lục Vân Tiên, thì:
(Kis)singer đập cánh bay ra
Đụng phải cột nhà, (Kis)sing(er) vào hát thánh ca
Chỉ lòng vòng hai việc ấy thì, có lẽ, chỉ chừng hai tuần lễ thôi, nghỉ sẽ phát khùng, phát điên.
Nhưng không phải là hoàn toàn tuyệt vọng bởi còn có những nơi chốn vĩnh hằng sinh động khác, như thiên đường của người Hồi giáo. Ít ra, nhìn ở bề ngoài, nó hợp với Kissinger hơn, hợp từ huyết quản tổ tiên đến nhân cách phức tạp và, nhất là, hợp với cả cái nghề đã làm nên danh vọng của nghỉ.
Đó là một thiên đường với bảy tầng y như một xã hội giai cấp mà, trong đó, nổi bật nhất bao giờ cũng là đồng hương Do Thái. Nếu Adam – thủy tổ của nhân loại, được Thượng Đế nặn ra từ một cục đất sét – chỉ cư ngụ tại tầng một thì Chúa Jesus ngụ tại tầng hai còn Moses, Đấng Tiên Tri đã dẫn dắt dân Do Thái đi tìm đất hứa, lại ngụ tại tầng sáu trong khi Hoàng đế Abraham, tổ phụ của dân Do Thái, thì ngụ tại tầng bảy, tầng cao nhất và, hơn thế nữa, còn đóng vai trò như là “chánh văn phòng” của Thượng Đế. [4]
Thiên đường này được mô tả trong truyền thuyết dân gian Hồi giáo, khai triển từ câu chuyện “The Night Journey, Children Of Israel”, nói về chuyến du hành của Nhà Tiên Tri Muhammad, người sáng lập Đạo Hồi, trong Kinh Qur’an, chương 17, đoạn 1. Kinh sách chỉ giới thiệu khái quát chuyến du hành Mi’raj này nhưng truyền thuyết dân gian lại mở rộng với những diễn tiến sinh động về cuộc đàm phán của Muhammad với Thượng Đế nhờ vào sự hướng dẫn của Moses. Đầu tiên Muhammad vâng mệnh Thượng Đế vô điều kiện, chấp nhận mỗi ngày cầu nguyện năm mươi lần nhưng Moses khuyên rằng nên thương thuyết lại, dựa vào thực tế đời sống của mình. Muhammad quay lại và Thượng Đế giảm xuống còn mười nhưng Moses – bằng sự thấu cảm của người đã từng lăn lộn dưới thế với dân Do Thái trong thời khổ nạn và cả sự thấu cảm của đấng tiên tri đầu tiên với đấng tiên tri cuối cùng – vẫn cho là nhiều. Từ tầng trời thứ sáu, Moses đích thân đưa Muhammad quay ngược lên tầng bảy để điều đình với Thượng Đế và, từng bước, từng bước một, Moses nêu ra những khó khăn của việc phải cầu nguyện mười lần trong một ngày để con số giảm dần rồi, cuối cùng, đạt đến sự hòa giải với con số năm. Thực tâm thì Moses cũng cho rằng năm lần là hơi nhiều nhưng chủ trương thôi, không cò kè, không lạm dụng sự rộng lượng của Đấng Tối Cao. [5]
Khi hướng dẫn cho Muhammad như thế, Moses đã hành động như một “spin doctor”, tức, nói một cách bình dân, là làm “thầy dùi” hay “quân sư”, là việc Kissinger đã làm, rất nhiều. Rồi thì Moses đích thân đứng ra điều đình với Thượng Đế, càng đúng nghề Kissinger, mà là nghề ruột. Nhưng dẫu là nghề ruột thì đó là chuyện đã xưa rồi và liệu, bây giờ lên đó Kissinger sẽ thương lượng cho ai? Và sẽ thương lượng cái gì? Như Muhammad đã khẳng định từ đầu khi thành lập Đạo Hồi, ông ta là sứ giả cuối cùng, sau ông ta tuyệt đối không còn ai nữa nên, do đó, nghỉ sẽ bị thất nghiệp. Như vậy cái mà Kissinger cần phải là một thiên đường đặc biệt, của những tín đồ Hồi giáo đặc biệt.
Như Uday Hussein, con cả trưởng của Saddam Hussein. Khét tiếng là tên bạo dâm, giết người không ghê tay nhưng, theo ông bố Saddam trong cảnh đầu bạc khóc đầu xanh, thì Uday đã tử đạo, nghĩa là đã nhập thiên đường. [6]
Uday, có thể nói, là một thứ Ðặng Mậu Lân tân thời, cái tên dâm tặc hung bạo được Ngô gia văn phái diễn tả trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Lân là em trai Ðặng Thị Huệ, cô hái chè lọt mắt xanh Trịnh Sâm, trở thành sủng phi rồi khuynh loát cả phủ Chúa: cậy thế Huệ, Lân quy tụ lũ đàn em đầu trâu mặt ngựa suốt ngày đi lùng gái đẹp, khiêng cả giường chiếu theo để, nếu gặp người vừa mắt, sẽ quây màn trướng giữa đường hay giữa chợ để hãm hiếp ngay tại chỗ. Uday không bầy hầy như Lân mà hiện đại hơn, chỉ cho đàn em lái xe đưa đi dạo phố hay lùng sục trong sân trường đại học, thấy đàn bà con gái vừa mắt là bắt cóc tại chỗ lôi về nhà riêng thỏa mãn thú tính.
Sinh thời Kissinger cũng bị báo chí Mỹ diễn tả như một tay chơi khi cặp kè với nhiều ngôi sao điện ảnh Hollywood. Cho dù chúng ta chấp nhận sự phóng đại của những tờ báo lá cải Mỹ thì một Kissinger chơi bời cách mấy cũng không thể nào sánh nổi với Uday nhưng nghỉ lại cao hơn mấy mươi bậc ở khoản xem thường mạng người.
Xã hội có những cách ứng xử khác nhau với bọn này. Lấy một hay hai mạng người, bọn chúng sẽ bị tử hình hay bị tù, dài hay ngắn. Lấy độ vài chục mạng thì chúng sẽ bị xem là mắc bệnh tâm thần, sẽ bị đưa vào dưỡng trí viện. Nhưng lấy đến vài ngàn hay vài vạn mạng, bọn chúng sẽ được mời đi dự “hội nghị hòa bình” và Kissigner thuộc hàng cao cấp này, vượt xa Uday, chỉ giống nhau ở chỗ được miễn tố.
Uday bị lính Mỹ hạ sát trong cuộc hành quân này 22/7/2003 và lúc này, trong cảnh trốn chui trốn nhủi, ông bố Saddam đã tuyên bố trong cuộn băng thu lén rằng con trai mình đã “tử đạo” và, do đó, sẽ lên thiên đường. Mà cả dòng tộc Hussein cũng nói thế, lặn lội xin xác về để mai táng như thánh tử đạo. Uday bị hạ sát trong cuộc chiến mà Mỹ tiến hành để trả thù cho vụ tấn công ngày 9/11/2001, sự kiện mà Kissinger bị hụt chức Chủ tịch ủy ban điều tra. Cái vụ tấn công ở đó 19 “thánh tử đạo” al Qaeda hăm hở lao vào để được lên thiên đường, nơi mà – theo hứa hẹn của thủ lĩnh Osama bin Laden – sẽ có 72 trinh nữ trẻ đẹp chờ đón từng tên. Như thế, ngay trong cái ngày tang thương của nước Mỹ thì, ở thiên đường trong niềm tin của bọn Hồi giáo cực đoan, có đến 1368 trinh nữ trở thành đàn bà bởi những thánh tử đạo của bin Laden [7]
Tên bạo dâm xem mạng người như trò đùa Uday sẽ hành động như thế nào khi lọt vào nơi vĩnh hằng đầy gái đẹp ấy? Mà không chỉ Uday, đội quân tử đạo kia đang càng ngày càng đông đúc, hết những chiến sĩ tử đạo của al-Qaeda thì của Taliban, của Nhà nước Hồi Giáo (IS), rồi của Hamas v.v. Đông đúc mà ai cũng cực đoan, cũng đầy máu bạo động thì nguy cơ xung đột càng cao nhưng đó lại là nghề, là cơ hội của Kissinger, nghỉ tha hồ mà đi đêm, tha hồ mà đâm bị thóc thọc bị gạo, làm ngoại giao con thoi hay thiết kế những decent interval giữ thể diện.
Kissinger là phải vậy. Kissinger không thể vẫy cánh chờn vờn một chỗ như thể là bươm bướm, chuồn chuồn, bay chán thì hát thánh ca, hát chán thì lại bay. Kissinger phải mưu mô sắp đặt, phải trổ tài miệng lưỡi để dàn xếp trật tự trên cái thiên đường ác liệt đầy dẫy cái bọn xem việc giết người tập thể là con đường cứu rỗi của mình; từ bọn không tặc lao máy bay hành khách vào cao ốc đến bọn đánh bom tự sát, bọn xả súng bừa bãi giữa siêu thị, bọn lái xe bus lao vào đám đông hay, tệ ra, cũng lao ra giữa chợ vung dao, chém chết hay làm bị thương dăm ba người vô tội.
Có thể giới hâm mộ sẽ lo ngại cho sự an nguy của Kissinger bởi bọn khủng bố này thù nhất là người Do Thái, thù nhì là người Mỹ mà nghỉ lại là… cả hai. Nghỉ lại là người rất sợ chết, có sợ thế nên khi rời ghế ngoại trưởng vào cuối thập niên 1970 đã từ chối ghế giáo sư của hai đại học danh tiếng là Havard và Colombia bởi lương không đủ cho chi phí an ninh, tới 150000 đô la mỗi tháng. [8] Nhưng nên nhớ rằng nghỉ đã từ trần rồi, và ai có thể giết, có thể làm hại nổi một người không còn sống?
Bởi vậy, nếu được cứu rỗi, nhất định Kissinger phải đến đó, nơi tụ hội của bọn cực đoan lạnh máu, cái bọn tin rằng muốn được cứu rỗi thì phải giết, giết, giết, giết sạch sành sanh bọn ngoại đạo để rồi tạo “nghiệp” cho chính tôn giáo của mình. Đạo Hồi, với “năm trụ cột” đã vạch ra trong giáo lý, là một tôn giáo tốt đẹp nhưng chính cái bọn biến thái tự phong là “nền tảng”, là fundamentalism này đã làm vấy bẩn tên đạo. Kissinger thì chủ trương rằng để cứu rỗi cho nước Mỹ thì phải giết, phải hy sinh những quốc gia, những thể chế hạng vừa hay hạng bé mà lại nằm ngoài vòng quyền lợi của nước Mỹ để rồi tạo nghiệp cho chính nước Mỹ. Nghĩ chủ trương hy sinh những nước nhỏ nhưng o bế và chắp cánh cái nước lớn cho là nằm trong quyền lợi của Mỹ để rồi, bây giờ, nó đang “trỗi dậy” như là mối đe dọa có một không hai của nước Mỹ.
Xem ra, về bản chất, giữa Kissigner và bọn khủng bố cực đoan ấy đâu có khác nhau là bao nhiêu? Nghĩ và chúng có tụ hội về một chỗ âu cũng là lẽ thường, như ngạn ngữ của người Anh: Birds of a feather flock together.
Xem ra, người Anh lịch sự hơn chúng ta nhiều khi mượn hình ảnh của loài chim, dẫu rằng chim cũng có tầng, có bậc khác nhau: chim hiền, chim dữ, chim sạch, chim dơ. Nhưng gì thì gì, chim bao giờ nghe cũng gợi nên một cảm tưởng nhẹ nhàng thanh thoát hơn là trâu ngựa, như cách nói của cha ông chúng ta: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã…
Nguyễn Hoàng Văn
————–
Chú thích, tham khảo:
-
“Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” (Kiều), “nghỉ” là từ cổ, có nghĩa là “ông ấy”. Tôi cố giữ sự trung tính khi viết về Kissinger nhưng những đại từ nhân xưng như ông ta, y, hắn, va, anh ta đều thể hiện những sắc thái thiên lệch nào đó, thôi thì tạm sử dụng từ cổ này.
-
https://www.nytimes.com/1976/03/29/archives/nixon-on-his-knees.html
President is reported to have said: “Henry, you are not a very orthodox Jew, and I am not an orthodox Quaker, but we need to pray.”
3. Lâm Ngữ Đường (1964), Một quan niệm sống đẹp, trang 115 bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, nguyên tác The importance of Living.
4. Theo Cựu ước thì Abraham đã vâng lệnh Thượng Ðế đưa bộ lạc mình đến vùng đất đất Canaan để lập một quốc gia vĩ đại. Sau khi Abrahm qua đời thì dân Do Thái bị một nạn đói khủng khiếp, phải trôi giạt sang nơi khác, chủ yếu là Ai Cập. Sau khoảng 400 năm lưu vong như những người nô lệ trên đất Ai Cập, Moses đã đưa con cháu quay lại vùng đất hưá mà ngày xưa Thượng Ðế đã ban cho tổ phụ Abraham (khoảng 1,200 B.C).
Sau nhiều thế kỷ, vùng đất này đã bị xâm chiếm nhiều lần, đầu tiên là đội quân người Syria (Assyrian), rồi Babylon (đã hủy diệt đền thờ Solomon), người Ba Tư (đã cho phép người Do Thái xây dựng đền thờ thứ hai), người Hy Lạp, người La Mã (chiếm Jerusalem vào năm 63 B.C).
Năm 70 A.D., người La Mã đối cháy đền thờ thứ hai và năm 135A.D., bắt đầu trục xuất người Do Thái ra khỏi Jerusalem và bắt đầu gọi vùng đất này là Palaestina, xuất phát từ chữ Philistia, tức đất của người Philistine.
5. Sabeeha Rehman, “If It Weren’t For Moses…”
http://www.sabeeharehman.com/blog/meeraj
6. “Saddam praises dead sons as US ‘closes in’ on former Iraqi dictator”
https://www.theguardian.com/world/2003/jul/30/iraq.jamiewilson
7. https://www.cbsnews.com/news/few-think-osama-bin-laden-greeted-by-virgins-in-heaven-poll-finds/
8. https://www.washingtonpost.com/obituaries/2023/11/29/henry-kissinger-dead-obituary/