Nguyễn Nguyên: Tô Thùy Yên – Thanh Tâm Tuyền – Du Tử Lê: Thơ tự sống, thi nhân tự lớn
Cám ơn trang mạng Thi viện đã cho tôi cơ hội đọc khoảng 600 bài thơ của Tô Thùy Yên – Thanh Tâm Tuyền và Du Tử Lê trong cùng một thời điểm, cùng một tâm trạng 50 năm sau ngày Tổ quốc hình chữ S liền một dải. Đó là những nhà thơ nổi trội nhất của nền thơ miền Nam trước 1975 và thơ hải ngoại sau 1975 có mối liên hệ sinh tử với cuộc chiến tranh giành lại non sông vẹn toàn của người Việt.
Đánh giá đóng góp của các nhà thơ quan trọng nhất của thơ miền Nam trước 75 và thơ hải ngoại sau 75 trong sự phát triển văn học Việt Nam là việc của giới nghiên cứu – phê bình. Còn người đọc, như tôi, chỉ cảm nhận và thích cái hay cái đẹp của thơ cho riêng mình. Lòng người chính là mảnh đất bền lâu cho thơ tồn tại. Thi nhân nhờ đó mà lớn lên hoặc cằn cối lụi tàn cùng thơ. May mắn cho thi nhân là người Việt yêu thơ như yêu lòng nhân ái, sự cao sang. Chỉ cần thơ chạm đến khát vọng sống tự do tự tại, kêu gọi lương tri nhân ái giống nòi, độ lượng bao dung nhân tình thế thái thì sẽ sinh sôi nảy nở, vượt qua thời gian, thể chế… mà trường tồn với nhân gian. Sự thật này dẫu có thăng trầm nhưng sẽ là mãi mãi.
*
Tô Thùy Yên – Ánh tàn dư tịch mịch long lanh

Thơ Tô Thùy Yên có lẽ không nhiều – 86 bài (36 bài Thơ tuyển 1995, 44 bài Thắp tạ 2004, và một số bài không nằm trong 2 tập thơ này). Nhưng đọc Tô Thùy Yên thấy sừng sững một thi nhân. Dường như mỗi bài thơ, thậm chí một khổ thơ, một câu thơ của ông, đều gieo vào lòng người đọc nỗi niềm nào đó đau đáu nhớ thương, suy tư luyến tiếc, vỗ về bao dung cảm thán, đớn đau khắc khoải. Không ít bài thơ của ông chất chứa nỗi niềm, ngồn ngộn ưu tư, miên man lưu thủy khiến cho người đọc bất giác thảng thốt ngước nhìn. Không ít bài thơ của ông như “dát hoàng hôn” khiến người đọc sững sờ kinh ngạc.
Có rất nhiều điều khiến cho thơ ông rung động lòng người. Nhưng tôi có cảm nhận rằng điều ông muốn gieo vào lòng nhân gian nhất chính là khát vọng “Ta đi” mà ông gửi gắm trọn vẹn trong bài Ánh tàn dư. Ông khiến cho ta được tận hưởng niềm vinh quang thả mình như cơn gió phơi phới hoan lạc mênh mang trời đất lạ. Con đường mở từ lòng đầy ắp thời gian, không gian, trăm năm tự tại “già vô thủy, trẻ vô chung”. Hạnh phúc đó khiến cho lòng ông không kìm nén được những lời ca “chưa từng ai hát trong trời đất/ trước tiên vui lấy một mình ta”. Hạnh phúc đó cho ông niềm thấu cảm vô bờ với cuộc đời.
“ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc?/Một ngày nữa xuống với đời ta/vui biết mấy/và cũng buồn biết mấy”.
Không chỉ có vậy, ông “nhìn lửa nhớ tiền thân”, hằng đêm “đầu đẫm trắng sao sa”, thấy hạnh phúc nhất thời, hạnh phúc mãi mãi, “cuộc trăm năm tấm chăn nghèo/chắp chằm muôn mảnh vụn”. Để rồi chợt nhận ra “đời ta sáng mượn ánh tàn dư/Đến từ một hành trình tắt nghỉ”. Nên ông quyết đi qua những cánh cửa lớn lao mở và đóng nhanh đến mức tưởng chừng không đóng mở; kín như bưng tưởng chừng không có cửa, chỉ mong nhìn được“thế giới mà ta thấy diệu kỳ/trong khoảng sáng buồn rầu/chừng của một que diêm”. Vậy là đủ, không còn bận tâm đến ngày “Mây, gió, chim bay không có ta cùng theo”/Trời đất ngùi gùi/mưa nắng mới”.
Câu “Ôi điều ước mơ cùng thiên thu họa hoằn người sực nhớ ra chưa?” lặp lại chốt chặn bài thơ, tôi không rõ Tô Thùy Yên muốn gửi đến người đọc, muốn nhắc nhớ mình, hay muốn tri ân “thân đá địa đầu mù” khắc “lời từ biệt dị thường” nơi cổ tự? Dẫu gì, lời nhắn gửi này cho thấy Tô Thùy Yên không chỉ hào sảng với tâm thế sáng rỡ từ tiền nhân mà còn thấu rõ thiên nhiên mới là vĩnh hằng với tận cùng bi tráng. Thiên nhiên mới là nơi nương tựa, trải lòng, đón nhận chở che mọi kiếp người.
“những thân đá tiên tri già hôn mê vạn đại/Đứng rải/Đường ta đi/Như những thân bằng chờ đưa tang lễ lớn/Ruỗng tâm can/khóc thầm đời bể dâu…/Ta cũng khóc một chiều nào/Ôm chầm lấy đá/Thương cho ai/Thương cho ai…”.
Có thể thấy Ánh tàn dư là lẽ sống, là cách tiếp cận của ông với cuộc đời. Giống nòi cũng như nhân loại tồn vong nhờ sự nối tiếp của những kiếp người. Tô Thùy Yên hăm hở đón nhận, can trường vượt qua mọi trở ngại, trải lòng với đất trời cây cỏ vĩnh hằng, như một “kẻ kế thừa tiền nhân” tịch mịch.
Điều này cắt nghĩa vì sao tâm thế lớn lao này bàng bạc trong thơ Tô Thùy Yên. Ông tự hào là một gã du hành “uống giếng nước hoang ăn trái lạ, tâm hồn mãi mới tinh khôi, ra đi như một âm thanh sáng, xuyên suốt tâm linh, dội cảm sầu” (Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai). Ông giục giã “Chú bé của ta ơi, đe, tấm lòng trang trải với đời, yêu cả con sâu cùng cái kiến, thả hồn vào cỏ lá bung phơi”. (Đãng tử).
Khát khao xác tín con đường dẫn tới hạnh phúc được là chính mình đâu có dễ. Tô Thùy Yên từng hối tiếc “vì cớ gì mà chẳng thả mình đi?”, “sao chẳng đứng riêng ra rực chất sáng của mình”? “Sao cứ phải ngồi trên thềm cửa tiếc thương chờ tối đến với ngọn đèn thắp sẵn”? (Những thành phố mà ta không ghé lại – Sài Gòn, 1988 Saint Paul, 1994). Ông từng âu lo “Em qua rồi núi, qua rồi biển/Gặp gì thêm ngoài núi biển ra?/Hay vẫn bàn tay vô cảm ấy/Mơn man đau rát tận cùng ta” (Em đi – 4/2005). Ông từng ao ước được ngắm trước những con đường trước khi đi trọn, một lần thấu suốt định mệnh trước ngày ly biệt nó, để rồi gục ngã.
“Ôi kiêu hùng chiến mã/Ôi hăm hở cỏ non/Giờ đây ngã quỵ, giờ đây héo xàu/Dưới chân tuổi hạc/Cao chất chồng thây xác những đam mê” (Bất tận cuộc đời hung hãn đó – 7/1992);
Rồi ông cũng tự an ủi vỗ về. “Làm sao đi hết những con đường?/Gió với cây cùng khóc hợp tan/Mỗi đóa hoa trên đồng chói lọi/Cũng xui phù thế ngậm ngùi thân” (Em nhỏ, làm chi chim biển Bắc – 4/1974).
Kẻ thừa kế mới trên con đường tiền nhân Tô Thùy Yên đem theo những đoạn trường riêng đời mình. Ở đó có những ngã rẽ ngậm ngùi, những ngã rẽ cả đời phải hối.
“Ôi những con đường đến từ đâu/Một lần gặp gỡ ngã tư nào/Rồi trong vô hạn chia lìa miết/Có cuốn theo mình bụi của nhau?” (Em nhỏ, làm chi chim biển Bắc); “Chỉ là một bước, bước trờ/Mà rồi từ đó tới giờ biệt tăm/Bao lần chạy vạy hỏi thăm/Hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ” (Biệt tăm).
Đắng cay bi thảm nhất là những con đường buộc phải đi ngoài mong đợi, lựa chọn, “bứt ruột mà đi” tù đày xa xứ. (Tàu đêm –1980)
“Ta gọi rụng rời thân ta lạc/Ta còn chẳng đủ nửa ta đây”/“Mai này xô giạt về đâu nữa/Đất lạ ơi, đừng hắt hủi ta!”.
Trong thảng thốt ông khẩn thiết kêu gọi “Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục/Cho tiếng rền vang dậy địa cầu/Lay động những tầng mê sảng tối…/Loài người, hãy thức, thức cùng nhau’’. Lạ lùng thay, trong muôn nỗi ê chề rơi lệ trên chuyến tàu đêm, Tô Thùy Yên vẫn le lói trong lòng nỗi hiền lương.
“Đất lạ, người ta sống thế nào?/Trong lòng có sáng những trăng sao/Có buồn bã lúc mùa trăn trở/Có xót thương người qua biển dâu”/“Hỡi cô con gái trăng mười bốn/Đêm có nằm mơ những hội xuân/Đời có chăng lần cam dối mẹ/Nhớ thương nào giấu thấm vành khăn?”.
Hay những dồn nén đến ngạt thở, những mong ước mơ hồ thời khắc ban đầu cho suốt “10 năm chết dấp” sau này đã tạo nên “Ta về – một bóng trên đường lớn” lay động lòng người?
Tô Thùy Yên từng “trở lại gian nhà cỏ” với tâm trạng người đi xa trở về gặp lại bạn bè “phúc tự tâm, không lý ở đời”, ngưỡng vọng dòng sông trôi vô lượng chảy vô tâm như sư phụ, thân thiết tựa tri âm; chơi với trăng mà lòng đã thương mai này trăng phải đơn côi quanh nấm mộ của mình. Trong tâm thế thanh thỏa “Thôi vướng mắc dài duyên với nợ/Ân oán đời, phong kiếm rửa tay”, ông rơi nước mắt nhớ đến những người đã chết “chết như rơm”. Ông mường tượng “sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa/Trên dốc thời gian, hòn đá tuột/Lăn dài kinh động cả hư vô” ở ngôi nhà “Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ” (Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)
Tô Thùy Yên từng rơi lệ khi nhớ về mái ấm gia đình vào một tháng giêng buồn “nghìn đêm thức trắng”, “nắm chặt tay mình trong bóng tối, biết rằng sống được đã là may”. Ông đớn đau gửi nhớ thương về “mẹ cha già như trúc trổ bông”, về người vợ “tám độ mai rơi hết mộng vàng” về đứa con phải bỏ dở học hành “ngơ ngác tuổi thơ người lớn sớm/ nhìn đâu cũng chỉ thấy bơ vơ”. Ông an ủi mình bằng hy vọng “Ngày sau con dựng ngôi nhà lớn/Trồng lại tình thương dọc nẻo đời/Tạc lại con người khôi việt đẹp/Làm nên thế giới mới tinh khôi”. (Nỗi buồn tháng giêng).
Ông còn một lần nữa trở về ngôi nhà trong giả tưởng. Cuộc trở về ấy như một câu chuyện kể về ơn dày chôn trả đất bao dung, nhận chân cơn “ly biệt chẳng từ hạt cát ngọc/ tuần hoàn đến cả giọt sương châu”; cũng thoảng gợn u hoài, trí phẫn “ta bằng lòng phận que diêm tắt/ Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông”. (Tưởng tượng ta về nơi bản trạch).
Ta về là một khác biệt. Một bóng trên con đường lớn vầng trán ông “đùa ngọn gió may” nơi chuông phá, mắt thấy “trời câm đất nín” bạc màu, thế giới già đi. Như “cánh chim qua trễ cho vội vàng thêm gió cuối mùa” mà lòng ông đã vụt thẳm sâu tĩnh lặng. Một linh hồn thuộc thánh thư vẫn không thể quỳ trước hư vô, một cái đầu cứng và trơn thượng đế không thể ngự, một khí phách “ta lớn lao và ta cô đơn” Tô Thùy Yên đã “cúi mái đầu sương điểm/Nghe nặng từ tâm lượng đất trời/Cảm ơn hoa đã vì ta nở/Thế giới vui từ mỗi lẻ loi”. Như lá rơi về cội, ông xin rưới chút rượu hồng “giải oan cho cuộc biển dâu này”. Ông còn tha thiết gọi “Ta về khai giải bùa thiêng yểm/Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!/Hãy kể lại mười năm mộng dữ/Một lần kể lại để rồi thôi”.
Như hạt sương trên cỏ kết tụ sầu nhân thế ông “khóc tạ ơn đời máu chảy”. Như sợi tơ trời trắng, ông nghe vàng đá nhắn quan sang trong tiếng gọi ai đi ngoài quãng vắng. Như đứa con phung phá khánh kiệt đời, ông tạ lỗi với mẹ cha già đèn sắp cạn. Như tiếng kêu đồng vọng ông về với người vợ “Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng/Chờ anh như biển vẫn chờ sông”. Như tứ thơ xiêu tán, như giấc mơ thần bí, như nước tào khê chảy…ông mừng nhà cũ còn nguyên vách mái, mừng “con dế vẫn là còn dế ấy/ Hát rong bờ cỏ giọng thân quen”, chấp nhận đương đầu với lãng quên, với cõi đời trống trải hơn xưa. “Ai đứng trông vời mây nước đó/Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ” khiến người đọc chạnh nhớ nàng Tô Thị, ngỡ ngàng nhận ra dân tộc Việt còn có những trượng phu trông vời mây nước ngàn năm.
Có thể thấy Ta về (7/1985) như một như một dấu lặng thẳm sâu bản tính con người Việt. Đi qua đớn đau sinh tử lòng người bỗng rõ ràng hơn nghĩa đất trời, thầm lặng bao dung cả bể dâu, cốt nhục tào khang khăng khít, giọt sương làn gió ánh trăng cũng là mình. Đi qua đau đớn sinh tử bỗng thấy lòng rộng mở ngay khi một bóng trên đường lớn vẫn tiếc cho cuộc đời hữu hạn không đủ trải hết lòng. Khiến cho người đọc phải lần giở lại những câu thơ khác của ông.
“Những ai hôm trước từng gây tội/Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình/Tự tại, thời gian chôn chính nó/Đời lên lại mãi tựa bình minh/Sẽ lo chẳng những cho người sống/Lo cả cho người khuất mặt kia/Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ/Chung lời thương tiếc khóc trên bia” (Mùa hạn –Nghệ Tĩnh 1979)
“Biểu dương – hãy biểu dương cùng tận/Vinh dự lầm than của kiếp người/Hi hữu một lần trên trái đất /Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai” (Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai)
“Hỏi ai, ai có là tri kỷ?/Ai có buồn chớp bể mưa nguồn?/Ta khóc, chẳng qua là khóc lại/Lệ nào, ôi chẳng của tiền nhân?” (Những thành phố mà ta không ghé lại)
Có phải vì thế chăng mà trong biệt giam, ông vẫn nhớ ra rằng nơi nghiệt ngã giam cầm “phản động” này cũng từng giam cầm cộng sản; chỉ có một điều không đổi thay là nỗi đau đớn, khát vọng sống của người bị giam cầm, gian truân tủi cực của thân quyến thăm nuôi.
“Tàn trận, ngồi sảng hoàng giữa bãi xác bạn, thù/Khóc loạn trí/Chính nghĩa nào thay được mạng người đây?” (Hành giả âu sầu)
Đến năm 2005, ông vẫn khuôn nguôi nỗi niềm này “Một thời lịch sử bỏ bùa ngươi/Cho ăn nằm rời rã…/Ma dại thân tàn, quẳng cửa sau/Trời đất lỗi lầm/Ngươi đứng ra ngậm ngùi xác chứng” (Bụi đời – 3/2005). Đó là nỗi chua xót của người khi nhận ra sự thật phũ phàng phải gánh chịu bởi u mê của chính mình trước thời cuộc lọc lừa tàn nhẫn.
Tô Thùy Yên còn lần thứ hai “bứt ruột ra đi”, không đau đớn tù đầy, mà đớn đau biệt xứ.
“Anh lên đường/cúi mặt lên đường/Giả tảng không nhìn nỗi sỉ nhục”/“Anh ra đi trần trụi giữa vô cùng/Hoảng loạn sao sa/Dẫu chẳng muốn bất cần cũng chẳng được”
“Anh ra đi gắng gượng chút hơi tàn/ Hân hoan ròn rã/ Để người ngoài khỏi phải xót xa lây”. (Giã biệt – cuối 93)
Điều này cắt nghĩa vì sao ông từng tự hỏi “Sao đôi ta không cùng quay lưng đi/ đến với rừng xanh núi đỏ/ vùi trọn giấc hoành môn/ không buồn trở dậy nữa”/ Ờ, sao chẳng ở lại đây luôn/Với rừng xanh, với núi đỏ/Đơn độc tột cùng/Như con thú đã già/Chọn lấy cho mình một cách sống/Chọn lấy cho mình một cách chết?”(Giấc hoành môn – Trị An 1993)
Lần biệt xứ này không có Ta về. Nhưng thơ của ông đã về. Đó cũng là sự trở về đúng nghĩa – Cuộc đời ông còn lại ở thơ.
Vẫn còn đó tâm ý về những con đường nhân thế, Tô Thùy Yên thấu hiểu sớt chia với những người bỏ mạng đường trường “Những nấm mộ đá chồng rỗng kiệt/Hình hài người chết đã tiêu tan/Nhưng chắc đâu hồn mộng chẳng còn chạy giỡn bạt ngàn/Cho tàn hả cuộc mê man cùng Vô Biên độc nghiệt” (Viễn tây – 1996)
Và những chặng đường tuổi hạc xứ người của ông cũng không ít thương cảm.
“Một bước, đã muôn trùng. Vội vàng thay, thiên cổ/ Tâm cảnh ta/ thêm một chân trời góc biển nữa”/ “Chỗ ta ngồi đây/ kẻ qua đường chỉ thấy một chỗ trống” (Tị khách – 3/2000)
“Con vượn non xa khóc ảo ảnh/ Còn ta lộn chuyến, nén mà đi…/ Sức già, đến lúc phải bỏ bớt/Bỏ lại bên đường cái bóng ta” (Thấm thoát đời ta – 7/2002)
Nhưng lòng ông vẫn tưởng nhớ về thuở trước.
“Đi như đi tới tương phùng/Coi đầu là chỗ tuyệt cùng của tâm/Gặp hoa như nguyệt đang rằm/ Sao lòng đã sớm khuyết thầm hộ hoa?” (Gặp gỡ giữa đường – 4/2000)
“Tôi giựt giành đổ máu với tôi/Từng chữ một”, Tô Thùy Yên để lại cho người đọc những câu thơ như ca dao tục ngữ, những bài thơ thẳm sâu long lanh không tì vết.
Ánh tàn dư, Ta về, Tưởng tượng ta về nơi bản trạch, Hề, ta về lại ngôi nhà cỏ, Vườn hạ, Đi về, Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai… là những bài thơ như thế. Khó mà lựa chọn đâu là câu thơ, khổ thơ hay nhất. Thâm ý và thiên nhiên đều lắng đọng, đều thấm vào tâm tưởng người đọc.
Lễ tấn phong tình yêu cũng vậy. Chỉ với 20 khổ thơ, chàng thi nhân 23 tuổi đời dường như đã cô đặc cả một trường ca. Từng chữ từng chữ một đều thẳm sâu vời vợi.
“Anh chôn sâu trong nghĩa địa lãng quên cây đàn lãng tử và thanh kiếm giang hồ, theo chân em thầm lặng trở về, nghe chừng thần thánh hát trong anh, tưng bừng như một cây tàng rậm làm lồng cho các loài chim vừa thức dậy”;
“Với thân thể lân tinh, em sáng lên trong bóng tối, hạt kim cương rạng ngời trong mỏ than ban đêm, anh trông thấy em không nhầm lẫn được./Với thịt da gỗ quí, giọt mật tinh khôi nạm giữa đài hoa thơm nức, em dâng hương/ Anh, gã du mục lạc loài trong nhớp nhúa./Với dung nhan bắt được tài tình của hy vọng, em leo mọc khắp tường thành nứt đổ đời anh, trổ bát bát ngát những nụ cười mời đón”.
Tương tự như vậy, lục bát Đi về khẽ khàng mãi thinh lặng với con người
“Khuya rồi, nước đã đầy trăng/Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?/Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?/Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi/Thấy gì chăng, chẳng thấy gì/Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê…/Chầy khuya, nước ủ trăng ê/Uổng công, bãi ấy đi về một ta…/Mãi rồi trời cũng sáng ra/Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về/Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề/Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai”
Trước Lễ tấn phong tình yêu một năm, khi mới 22 tuổi đời, Tô Thùy Yên đã có niềm ước ao rất đỗi lạ lùng với thơ của mình.
“Bằng mỗi lời độc nhất/Tôi kề tai tiết lộ với từng người/Những điều không lặp lại/Bài thơ như lá sâm” (Thi sĩ – 1960).
*
Thanh Tâm Tuyền – Đỉnh non xa ngôi nhà đỏ trăng hồng

Thanh Tâm Tuyền có Tôi không cô độc (1956), Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy (1964) và Thơ ở đâu xa (1990). Phần lớn thơ của ông sáng tác tại Việt Nam, với âm hưởng của một thi sĩ khát khao tìm “tự do” cho thơ. Âm hưởng này đậm đặc đến nỗi người đọc cảm thấy ông làm thơ để bênh vực cho khát vọng này (ngoại trừ Thơ ở đâu xa).
Thanh Tâm Tuyền đường bệ tuyên ngôn “Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy/bởi vì người vào trong đất đai của tôi/người hoàn toàn tự do/để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục/nếu người muốn nhập lãnh thổ/người hoàn toàn tự do/và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ”. (Tôi là hoàng đế đủ uy quyền).
Ông giác ngộ sâu sắc về vương quốc thơ tự do “phải có tự do chỉ có tự do/không chúng tôi thành súc vật/người mất nơi trú ẩn/lang thang như bầy cừu/được lùa nhốt trong chuồng lớn/rào gai sắc chết người/người bị móc con ngươi trái tim tinh thần/ném vào thú dữ/cấu xé nhau”. (Tôi không còn cô độc).
Với “cả tôi là tự do” ông dấn thân, tình nguyện “làm tên lính nhỏ tiên phong/cầm cờ và ca hát”, ông chấp nhận hy sinh cho cuộc đấu tranh vì tự do này.
“chẳng may tôi gục dọc đường dài/xin đừng quan trọng/lực lượng ta không hề suy suyển/tôi thiếp trong niềm vui phấp phới lên cờ/hi vọng mang hoa phủ mặt/tôi nằm lại một mình nghe bước chân dũng mãnh/cứ ngân tiếp lời ca đã khởi”. (Mắt biếc).
Ông cổ súy, biểu dương đồng đội trên con đường hướng tới thắng lợi không ít gian truân.
“không chết trần truồng không thể được/chúng tôi đập vỡ những hình hài/cuộc sống phải thừa như không khí/cuộc sống phải thừa như sớm mai”/“xin trao thi sĩ vòng hoa tặng/chúng ta đã thắng giữa cuộc đời.” (Về Quách Thoại).
“Ngực anh thủng lỗ đạn tròn/lưỡi lê thấu phổi/tim còn nhảy đập/nhịp ba nhịp ba nhịp ba/tình yêu tự do mãi mãi/anh về ngã xuống vườn nhà/cây liền kết trái/hoa rụng tơi tơi ủ xác.” (Nhịp ba).
Với tâm thế này Thanh Tâm Tuyền chấp nhận những mất mát dù đó là “cừu thù” hay đơn độc.
“Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình/Như kẻ say rót rượu lấy mà uống/Cho vui thêm cuộc hành trình/(Đúng rồi những người thù ghét thơ của tôi ơi)/Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc” (Trời sẫm).
“Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc/Khuôn mặt vỡ tan/Như cẩm thạch/Như nước mắt/Như muôn đời/Không hối hận/Con đường anh phải đi một mình/Trần truồng dã thú/Đón anh ở cuối đường/Hố sâu vĩnh viễn/Không có em”.
“Khắc tự do vào mỗi tâm hồn” Thanh Tâm Tuyền đặt niềm tin vào mùa xuân. Ấy là lúc người sống, linh hồn người chết tề tựu cùng thành thi sĩ. Tôi không còn cô độc như một vở ca kịch, với dàn hợp xướng, người em gái, ông già, người yêu, linh hồn thi sĩ bày tỏ với nhau khát vọng “một phút là thi sĩ/đủ sáng tâm hồn đầy cuộc đời/được làm thi sĩ suốt mùa xuân/tôi quỳ gối ngắm bầu trời/ân huệ lớn lao cho chúng ta”. Họ đón chào ông, đồng thanh vứt bỏ quá khứ cô độc “Không ai còn cô độc/nối kết bằng âm thanh/nối kết bằng ánh sáng/nối kết bằng tự do/bằng cườm tay mắt nhìn/bằng tim đập hơi thở/không ai còn cô độc”. (Tôi không còn đơn độc).
Đó là lúc người thi sĩ “bắt đầu cơn điên đầm ấm” đã tìm được tiếng nói, tìm thấy mặt trời của mình sau những tháng ngày vật vã phục sinh. Còn gì hạnh phúc hơn khi tâm hồn được giải phóng, hòa với đất trời, với tình yêu viên miễn.
“Bởi con chim vẫn giam trong lồng ngực/vừa được bay nên bay mau hơn ánh sáng,/anh nhìn được mắt em tuyệt vời tận muôn nghìn quá khứ./Bởi con chim đã bay kịp thời gian nên chậm lại,/anh nhìn thấu hồn em trong suốt những mai sau”.
Sống thường trực bằng hình ảnh, Thanh Tâm Tuyền có nhiều bài thơ được dựng lên bằng vạn vật, khiến người đọc Việt vốn tư duy bằng tình cảm khó nắm bắt. Nhưng ông còn có không ít bài thơ tự do lắng lại lòng người. Đỉnh non xa, Lệ đá, Thầm nhủ, Vỹ tuyến, Đêm, Tôi không còn cô đơn, Vẫn em, Cỏ… là những bài như thế.
Một Thanh Tâm Tuyền dung dị bước xuống đời
“Hôm ta từ núi cao đi xuống/Trời phả sương mê lạnh nhạt hồn/Đá vách ngún mây kiêu bạc hống/Nhập nhoà tiếng ngậm bặt tang thương.”
“Như phiến gỗ nặng thả theo nước/Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi/Như lau lách mọc chen bờ bãi/Phất phơ tóc bạc lả theo trời.” (Đỉnh non xa – 1974).
Một Thanh Tâm Tuyền thương cảm
“đôi khi anh muốn tin/ôi những người khóc lẻ loi một mình/đau đớn lệ là những viên đá xanh/tim rũ rượi” (Lệ đá)
Một Thanh Tâm Tuyền đắm đuối gửi trao
Vẫn em thoáng trắng mây hiền hậu/Ngẩn ngơ soi mặt biển điêu linh/Vẫn em đoá quỳnh run hoảng nở/Hương thầm choàng riết cõi đêm ta.” (Vẫn em – 1973)
“Chúng ta ôm thời gian trong suốt/chẳng phân vân/như mặt trời chuyện trò cùng lũ cỏ/như lá cây thầm ngã phủ vai trần/như tiếng tim thốt cười ngoài dĩ vãng.” (Cỏ).
Hơn thế, còn có một Thanh Tâm Tuyền tột đỉnh thăng hoa với thiên nhiên và suy tư hòa quyện ngọt ngào. Ngôi nhà đỏ, trăng hồng (1/1972) lung linh ở đó. Làm sao có thể chọn được câu thơ, khổ thơ nào hay nhất bài thơ này? Vẫn ăm ắp đất trời, chứa chan tình ý, chấm phẩy bất tận mà ảo diệu thiên thai. Người đọc thôi miên buông hồn vào đó.
“Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,/Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim./Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp./Và hàm hồ buột giấc khóc êm.”
“Đừng khêu lửa. Chân mập mờ bước sóng./Buồng tim ta lửa ngún phủ thê lương./
Đừng khêu lửa. Ngọn lắt lay toả bóng./Buồng tim ta sáng quắc ánh băng”.
“Thềm quạnh quẽ gọi chân ai hồi tưởng/Gót cô đơn nghe rảo tận hiên ngoài.
Quãng trống trải, lịm say trăng thố lộ/Những âm vang cùng thẳm cuối trời.”
“Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng đuối nhớ/Thở hơi sương run rẩy. Ngã trong trời/Nhoè gió bấc, ngựa mây dồn gấp vó/Tiếng nhạn đen. Thả bổng quạnh hiu rơi.”
Ngôi nhà đỏ, trăng hồng khiến cho người đọc cảm nhận được góc khuất mơ màng huyền ảo trong con người tưởng chừng chỉ có sục sôi tranh đấu, đơn độc cô liêu Thanh Tâm Tuyền. Và cùng với Cỏ, Lệ đá, Đêm, Thầm nhủ, Vỹ tuyến… còn cho thấy thơ tự do ông hướng tới mượt mà nồng ấm.
Bên cạnh đó còn có một Thanh Tâm Tuyền gắn bó với cuộc sống thực. Thơ ở đâu xa gần như là nhật ký tâm trạng những ngày tù đầy, với đầy đủ ngày tháng, địa điểm, thời gian, công việc. Tất cả đều hiện hữu, tự nhiên, tự bạch cho thấy ông thản nhiên chấp nhận.
“Vẫn em của thuở trăng nào/Đêm hôm nở đón chiêm bao xanh ngần/Vẫn em tình của trăm năm/Đoan trang nét hạnh, thâm trầm dáng thơ/Vẫn em mối kết thiên thu/Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này.” (Thơ tình trong tù).
Thơ ở nơi xa cũng phảng phất nối nhớ nhung âm hưởng tự do xưa:
“Ngày không âm hao/bập bềnh mưa nắng/còn ai chiêm bao/bỗng gặp ta về từ quên lãng” (K 5. 80 Trà, sớm và tối);
“Cứ để yên xác tù nằm phơi/Nhìn xem gương mặt hắn thanh thản/Lộng nắng bừng say chợp ngủ vùi/Người mang cầm hãm đặng bêu riếu/Hắn cũng đành xấp ngửa theo đời/Cho hết cuộc ham mê rồ dại/Hắn tự chôn huyệt gió đáy trời.”(Sinh nhật húy nhật).
Âm hưởng này khiến người đọc bất giác cảm thán về ngày tháng Thanh Tâm Tuyền chia sẻ thời cuộc nước nhà, thời cuộc các đất nước xa xôi…
“anh sẽ xin trao tận tay các em/đất nước nguyên lành tình sông núi/cả lòng người thơm hương dạ hội/trọn ngày mai ngày mai ngày mai/không hết mùa hai mươi bay nhảy/khi em cất lời ca rún rẩy/anh ngủ giấc dài rất thơ ngây.” (Phiên khúc 20).
“Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc/vậy em biết không.Mà tổ quốc ngàn đời nín thở/Vì trời thì xanh mà khổ đau nói sao cho hết. (Nói về dĩ vãng).
“Tôi chờ đợi/ phổi đầy lửa cháy/môi đầy thẹn thùng/vục xuống nhục nhằn tổ quốc” (Bài thơ ca ngợi tình yêu).
“Hãy cho anh chết bằng da em/Trong dây xích chiến xa tội nghiệp/Anh sẽ sống bằng hơi thở em/Hỡi những người kế tiếp”/“Hãy cho anh khóc bằng mắt em/Những cuộc tình duyên Budapest.” (Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest).
Đấu tranh bất tận cho thơ tự do, Thanh Tâm Tuyền cũng nghĩ về thơ theo cách chẳng giống ai như vậy.
“hoàn thành bao nhiêu tác phẩm/chỉ để sau rốt kết luận một lời/anh hãy từ biệt mọi người bằng tác phẩm của anh/một câu thơ hay tự nhiên như lời nói/bài thơ hay là cái chết cuối cùng.” (Định nghĩa về một bài thơ hay).
*
Du Tử Lê tan chảy cùng gai góc

Trang mạng Thi viện cho tôi cơ hội đọc Du Tử Lê một lần tất cả 400 bài thơ. Làm sao ông có một trái tim thơ suốt cả cuộc đời không ngắn, không êm đềm ưu ái? Hay chính cuộc đời gắn liền với thời khắc lịch sử dân tộc Việt phải khốn khổ giằng co tự cứu lấy mình giữa muôn trùng cạm bẫy đã cho ông những trải nghiệm dẫu có đắng cay cũng là sự thật phải nhận, phải dấn thân? – “bàn tay mang ngón tật nguyền/đôi chân cắt bỏ chôn miền biển xa/mắt ngọn nguồn – lệ hoang vu/trái tim tươi rói thiên thu vẫn còn.” (Tật nguyền – 1989).
Cuộc đời ông gắn liền với sinh ly tử biệt. Sinh ly tử biệt bởi cuộc chiến chống Pháp ngay tại mảnh đất chôn nhau cắt rốn bên sông Đáy. Đó là điểm khởi đầu đẩy ông trôi dạt về phương Nam, đưa chân vào cuộc chiến ý thức hệ rạch đôi sơn hà dân tộc.
Để rồi ông thật sự phải tha hương. Như cuộc đời, thơ ông nhuộm đẫm thế sự – từ cuộc chiến đến giống nòi, quê hương, đất nước.
Có thể thấy, Du Tử Lê chấp nhận cuộc chiến này một cách tự nhiên, như một người kiêu hãnh về lịch sử oanh liệt “ngàn năm vinh nhục” của đất nước hình chữ S.“Tôi mang trong lòng hơi thở Việt Nam/ tôi mang trong tôi cuộc chiến điêu tàn”, “xin tổ quốc nhận tôi/một tên chí nguyện”/“góp mặt vào hàng ngũ cứu quê hương” (Nước mắt quê hương – 1965). Ông dấn thân và sớm nhận ra sự bi thảm của cuộc chiến:
“không lạ chứ- từ khi chúng mình mở mắt/ bom đã reo mừng đạn đã reo vui/ ngày đau thương/ đêm đã ngậm ngùi/máu vẫn chảy và thây người vẫn đổ” (Có gì đâu – 1965). “bây giờ thịt đã tan và xương đã mục”, nhưng “thịt và xương có nghĩa gì đâu khi đời người không giá trị bằng viên đạn 3 đồng 1 cắc” (Nói chuyện với anh hùng – 1965);
“rồi mai kia lớn khôn/con sẽ hiểu lý do nào đưa đến cuộc chiến khốc liệt này/bọn tư bản nước nào đã quyết đòi nuôi giữ nó”; “khi những tấm mặt nạ bị thời gian gỡ xuống/khi những nhân danh không còn súng đạn xe tăng bảo đảm/lúc đó là Việt Nam nước con/ Việt nam nước con không còn gì ngoài nước mắt” (Thơ cho Mai Tú – 1965).
Ông cay đắng “chỉ khốn nạn cho bố không biết sẽ để lại cho con những gì” nếu bất thình lình chết đi như bao người khác. Có lẽ nào là chiếc mũ sắt đã bị những vết đạn tròn như mắt trẻ thơ đã cứu mạng mình? Là khẩu súng trường “chứng tích hãi hùng” nhắc ông “đừng quên là tên sát nhân vô trách nhiệm”? Là “cuộn thép gai rỉ hoen máu người” giúp ông yên tâm mỗi khi ngồi gác trong lô cốt? là danh sách những chú bác bè bạn đã chết mà không thể nào nhớ hết? Hay là đành đem báu vật người cha khi nhắm mắt ước ao ông được hưởng một cuộc sống yên bình trao lại cho con? Để “con và bạn bè con không phải lê bước lầm than trên hành trình cốt nhục” (Khát vọng cho con – 1965).
Đó là những bài thơ ông viết vào năm 22 tuổi, năm thứ hai cầm súng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tâm trạng đó còn được dãi bày khi ông viết về người lính cùng chiến hào chết trẻ.
“Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt/ hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia/cây súng nặng hai tay cầm chẳng xuể/lựu đạn thừa không lẽ tặng mẹ cha…/hắn chợt nhớ mình còn quá trẻ/chết, khi không, chết chả làm gì/nhưng quá muộn đã ngang tầm vĩnh biệt/hơi thở cuối cùng là ân thưởng mang theo/hồn đã đi nhưng mắt còn ngoái lại/nhìn vết chân mình/bao kẻ đang theo.” (Khi người chết trẻ – 1967).
Và ông đã thốt lên “không thể xoá hận thù/bằng máu người xối chảy” (Viết ở Fort Harrison – 1969).
Nỗi nhức nhối tâm can này khiến ông không nguôi tự xót thương thân phận mình với tư cách một người dân Việt một bị đẩy vào cuộc chiến bi thương không chờ đợi.
“Trên con đường xưa tôi là lá rụng/Trên giòng sông này phù sa nuôi tôi/Phù sa nuôi tôi đi vào chiến cuộc/Đất Việt da vàng máu đỏ xương rơi”/“Trong dòng thời gian non sông héo muộn/Dưới bóng cờ bay xin làm cỏ may/Bên bờ quê hương những chiều gió lộng/Tôi mang linh hồn Việt Nam hôm nay” (Linh hồn Việt Nam – 1965);
“Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã/hồn không đi sao trở lại quê nhà”/“Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết/đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.” (Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển – 12/1977).
Tất cả tâm tưởng này của Du Tử Lê ngày một lớn lên, đọng lại trọn vẹn ở Trường khúc: Mẹ về biển Đông (1989). Ông đau đớn nhận ra 85 năm cuộc đời người mẹ tội tình của mình không chỉ phải nhẫn nhục gánh chịu mọi tang thương của gia đình; mà còn là người phải gánh gánh nặng nhất cuộc chiến. Những câu thơ đứt từng khúc ruột:
“cái thân thể có tới tám mươi lăm năm ở cùng đất nước/tám mươi lăm năm làm người Việt Nam chiu chắt/ tám mươi lăm bất biến một mầu da/tám mươi lăm năm một xác thân/nếu cắt chia thành từng phần rất nhỏ/thì mỗi phần sẽ là một cảnh tượng đất nước thân yêu/từ Nam ra Bắc/cảnh tượng nào cũng ắp đầy xác chết/cảnh tượng nào cũng vẫn một tên chung!”
“Mẹ một thuở thương đàn con khuất, lấp/nên hôm nay mất dấu quay về/trong thân xác đã khô, ròn máu đỏ/thịt da kia đành cũng bụi mù/những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước/ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam/không ai gọi, không ai còn nhắc nữa/dúm xương xưa tanh lợm, thiếu nguồn?”
Những câu thơ này không chỉ động lòng những người ra đi vì ý thức hệ, mà còn lay động tâm tư người Việt thiện lương từng ngàn đời bị ngoại bang thống trị. Non sông thống nhất hôm nay là một điều may mắn đối với giống nòi, nhưng nó đã phải trả một cái giá khủng khiếp ở cả hai đầu cuộc chiến.
Thế sự là một phần của cõi người, lớn hay nhỏ, vinh hay nhục phụ thuộc vào từng thời khắc lịch sử. Nhưng ngay trong thế sự đó, con người vẫn phải sống với những với những khát vọng bản năng về lẽ sinh diệt, vong tồn. Du Tử Lê thấm đẫm đời mình ở đó. Ông đã đi tới tận cùng “cõi tôi” chất chứa linh hồn, thể xác, chất chứa tình yêu, chất chứa thơ.
Tan chảy vào tình yêu, Du Tử Lê cho thấy lẽ sinh tồn của con người. Người nữ được yêu như thánh thần, trời phật, như núi, như sông. Bởi nàng là lẽ sống, nàng phục sinh ông trong mọi cảnh ngặt nghèo với tấm lòng quan âm từ mẫu. Nên ông biết ơn, đền ơn với tất cả những gì có thể, từ tấm thân, tâm tưởng, hồn vía cõi trần, cõi thiên đàng, địa ngục.
“bước một lần xin bước xuống đời tôi/bước một lần như thần thánh bỏ ngôi/chung than củi với một người phẫn chí.” (Khúc cầu hoàng – 1968);
“ở chỗ nhân gian không thể hiểu/em phục sinh ta từ mộ sâu/bàn tay Bồ Tát em đời kiếp/ân nghĩa nghìn sau vẫn chói loà.” (Ân nghĩa ngàn sau vẫn chói lòa);
“tôi có giường thơ, gối mềm tư tưởng/mời em nằm, trò chuyện với chiêm bao/để em nghe hồn nhẹ vút lên cao/hiểu vũ trụ vì em mà bất tử.” (Thấy trăm năm cũng chỉ tựa một đôi giờ).
Nhưng tình yêu ở Du Tử Lê còn rất đỗi đời thường. Người nữ thần thánh ấy cũng khởi nguồn từ em tội nghiệp, từ nhỏ dấu yêu, từ nàng Eva chấp nhận tội tổ tông, từ những người con gái ngây thơ, người đàn bà trọn đời trong tâm tưởng, khát vọng của ông.
“thương người môi thanh tân/tóc nồng hương trẻ dại/ngực trầm hương ấu thơ/theo ta đời lỡ dở/ngậm tăm trong mộ sầu…/thương người nhánh hoa non/nụ đời chưa kịp nở/mộng đầu đã héo hon/tình ta như biển rộng/có đủ ru hồn người/đến cuối đời khốn khổ” (Ngực trầm ấu thơ)
“người vẫn thế gánh đời tôi thua thiệt/mắt vẫn buồn như suốt dạo tôi đi/tóc đương xanh nhưng lòng đã bạc nhiều/chân bé nhỏ đi trong sầu bão lớn”/“tình muôn thuở nên suốt đời vẫn mới/môi đam mê nên vẫn nụ hôn đầu/ngực thanh tân nên hơi thở nhiệm màu/tôi phủ phục dưới chân người – yếu – đuối”/ “tôi vẫn thế trở về đây thú tội/tội yêu người hơn cả lúc ra đi/và mai sau, tôi, nắm cỏ xanh rì/xin bia mộ ghi tên người – cứu – rỗi” (Thơ cho một người họ Huỳnh – 1969).
Đó là tình yêu “bất tử” mà những người yêu nhau đều ngong ngóng đợi chờ.
Là thề thốt đá vàng
“thân giả tạm nhưng hồn không giả tạm/em nên tin tình chưa bụi bao giờ” (Mất hay còn chưa hẳn khác nhau đâu).
Là tận cùng nỗi nhớ
“chỉ nhớ người thôi đủ hết đời/chim về góc biển. Bóng ra khơi/lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh/chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi”/“chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn/nói gì kiếp khác với đời sau.” (Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời – 1990);
“Mai kia sống với vầng trăng ấy/người có còn thương một bóng cây/Góc phố còn treo đôi mắt bão/Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?” (Ai nhớ ngàn năm một ngón tay).
Là tình duy nhất gửi trao
“tôi vẫn ở đây chiều vẫn tắt/con đường đã lạnh vết xe nhau/muôn đời em sẽ không sao hiểu/góc trái ngực tôi. tim đã khô.” (Góc trái ngực tôi tim đã khô).
Là thấm đẫm đời nhau
“hãy cho anh được thở/bằng ngực em rũ buồn/hãy cho anh được ôm/em, ngang bằng sự chết/tình yêu như ngọn dao/anh đâm mình, lút cán/thuỵ ơi và thuỵ ơi/không còn gì có nghĩa/ngoài tình anh tình em/đã ướt đầm thân thể.” (Khúc thụy du).
“Kẻ điên khăng khăng tình yêu là lẽ sống” Du Tử Lê tan chảy với tình.
Nhưng thơ Lê Tử Du cho thấy ông còn “tan chảy” vào phần gai góc nhất của con người mình. Ông tuyên ngôn, phanh phui, độc thoại đến tận cùng ngóc ngách cô độc, thất bại, đớn đau, tan đàn xẻ nghé, chẳng có lấy “một ngày vàng” trong đời.
16 tuổi khi bắt đầu làm thơ, sống cuộc đời “như con sông bắt đầu ra biển”, ông chính thức khai sinh lần thứ nhất cho mình. Tuổi 20 “bắt đầu kiêu hãnh, bắt đầu tủi hổ” viết tên mình như những dòng an ủi, buộc tội, trối trăn” khởi đầu một kiếp người trên mảnh đất muôn đời khốn khó, chia tan Du Tử Lê khai sinh cho mình lần thứ hai. Ông bắt đầu thù ghét tên mình, làm lính, và riêng yêu người con gái có mắt buồn như vì sao buồn bã nhất. Năm 24 tuổi, sau 4 năm làm lính ông nhàm chán tên mình, không có gì ngoài “sự thực như đời tôi đạn bom”, “sống nhờ mượn lốt mang danh”. 25 tuổi ông nhìn thấy đời mình trần trụi. (Tôi, Du Tử Lê – 1965). Nỗi ê chề này lê thê mãi.
“sống như người đã chết/ mộng mới chớm đã còi,/ thân chưa già đã cọc”/“tôi có trăm sự thực/ đậy trước mặt mọi người/tôi vô cùng nhục nhã/chịu trong cùng một nơi”/“tôi có một tương lai/ở cuối đường: cõi chết/tôi có một hiện tại/nhỏ từng giọt máu tươi/trên xác đời vô tội”/“chúng ta luôn cõng trên vai/mỗi người một xác chết/nếu chân có hăm hở bước về phía trước/mắt vẫn lùi vĩnh viễn về sau” (Cảnh đời – 1967);
“tôi có một trái tim bằng hạt lệ/chảy muôn năm chưa cạn sạch nỗi niềm/tôi có một trái tim bằng gỗ tạp/đời đóng lên hoài vạn dấu đinh.” (Đời đóng lên hoài vạn mũi đinh – 1989).
Trong nỗi bi thương đó, Du Tử Lê gai góc “tuyên ngôn”-“tôi chịu được cọc còi/nhưng đừng bắt nhau gánh đùm nhạt nhẽo/tôi hoan hỉ với dáng sần sùi cố hữu/xin đừng ai gọt nhẵn bôi trơn.” Ông thành thực với trần trụi đời mình. Cách nào yên an được khi va vào câu thơ như thế này“Tôi chợt hiểu thì ra/ con người hơn xa loài thú/ở chỗ có thể biến cả xác chết thành vũ khí trả thù/tấn công người ở lại”. (Trường khúc: Mẹ về biển Đông);
“kẻ tật nguyền trong ta/mang hình thù thú vật/đội mãi lốt con người/đôi khi lòng cũng nản” (Ngục đời 1967-1972);
“bàn chân năm ngón còn chia biệt/thì cách nào, cho tôi hết đau?”/“phố xưa trắng loá niềm thương bạn/ôi xá gì đâu! nửa kiếp sau/sống thêm cũng tợ làm nhau nhục/này bạn, lòng tôi cũng bạc màu.” (Giữa trưa có kẻ điên cuồng khóc).
May là trong Cõi tôi, Nỗi tôi, Tay gõ cửa đời, Thiên địa kinh ấy, Du Tử Lê có những thời khắc tâm tịnh về lẽ đời.
“hãy khép trang kinh trả lại đời/cứ gì sơn tự mới an vui/ủ hương cuối kiếp cho nhân/ loại/ngã mạn đời sau, em của tôi.” (Sơn tự thi);
“ừ thôi năm tháng rồi xa lắc/ta cũng rồi trong nấm mộ sâu/chiều chưa đi khuất, người sao khuất?/em hiểu vì đâu chim gọi nhau.” (Bài nhân gian thứ 3);
“nếu hiểu rồi là cát bụi/kinh nào uyên áo hơn vô ngôn/sơn tự là tôi em hãy trú/có cũng xong. mà không cũng xong.”/“ở chỗ nhân gian không thể hiểu/từng đêm tôi gọi bóng tôi ơi/mai kia nấm đất đùn thân xác/có hận thù nhau? cũng vậy thôi”/“ở chỗ nhân gian không thể hiểu/tôi biết tôi rồi như cỏ cây.” (Bài nhân gian 5).
Du Tử Lê cũng có thời khắc thăng hoa, khoáng đạt:
“Ta đứng thẳng trong tình ta lẫm liệt/Núi chưa từng khuất phục gió mưa sa/Chim lìa đời còn dập cánh thiết tha/Ngựa vẫn chạy tận cùng hơi thở cuối/Em cứ hát những lời xanh bóng tối/Những lời thầm lả tả nỗi đau riêng/Lửa sẽ về trong hồn lạnh đêm nghiêm/Em sẽ thấy thời gian như dát bạc” (Đồng giao mới);
“về trong hình tướng ra đi/sống trong tâm tưởng chết khi chào đời/ai mua? ta bán luôn trời/bán mây vô tận ở ngoài nhân gian/bán mưa chảy đúng hai hàng/bán răng khôn rụng, mà lòng chưa khôn/bán đêm sương xuống buồn buồn/bán tâm chay tịnh núi sông trùng trùng/bán ta: dơ dáng, dại hình” (Thơ ở đường Phạm Ngũ Lão);
“chào thần chết. đừng nhìn tôi thế chứ!/ông trong tôi từ thuở mẹ mang thai./trời đất những tưởng hai (mà,) vẫn một./ông hãy cười. tôi sẽ nói:- đi thôi!” (Chào thần chết).
Đi đến tận cùng và trên hết cõi đời, thơ Du Tử Lê luôn gắn với giống nòi, núi sông, đất nước. Ông có “nỗi sầu nghiêng sông núi”, có bạn bè “nhìn nhau chợt thấy ra sông núi”, có tình yêu “em tóc ngắn với tình yêu thánh nữ/tin tôi đi sông núi đợi em về”. Ông có nỗi xót thương tận cùng người mẹ phải nằm trong nấm mồ bên ngoài tổ quốc, có nỗi đớn đau phải trao cho đứa con khát vọng về cuộc sống hòa bình trên quê hương có từ đời ông nội. Niềm an ủi lớn nhất đối với ông chính là “Cái chết của mẹ tôi/ tát cạn mọi hận thù trong tôi”. Niềm mong mỏi lớn nhất của ông“khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển/nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/bên kia biển là quê hương tôi đó/rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì” như lời ông từng khẩn cầu biển Đông “đón mẹ tôi về”.
Tan chảy với lẽ sống tình yêu, Du Tử Lê cũng nói về thơ như thế…
“ôi chữ nghĩa trở về như khách lạ/vầng trăng xưa không có ngọn cờ/ngay em cũng /bỏ tôi, vào cõi khác/lấy ai nhìn tôi nhỏ máu trong thơ?” (Lấy ai nhìn tôi nhỏ máu trong thơ);
“tôi trở lại con đường khuya bóng lá/bàn tay thơ ai vẫy gọi muôn đời/em nên hiểu cuối cùng tôi đã chết/và cuối cùng sông núi để tang tôi.” (Bài T.8).
*
Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê – mỗi người một vẻ, kể cả nỗi cô đơn, kể cả lòng kiêu hãnh, nhưng họ đều “nhỏ máu trong thơ” để lại cho đời. Là bản sao đẹp nhất của thi nhân, thi ca ơn thi nhân đã sinh thành. Thi nhân ơn thơ đưa họ vượt qua thể chế, ý thức hệ để sống cùng nhân thế. Nhưng trên hết và sau hết, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê đều là con dân giống nòi tộc Việt, thơ của họ là một bộ phận của văn chương Việt. Nỗi đau của họ là một phần nỗi đau của dân tộc trong cuộc chiến bất đắc dĩ có ngoại bang Hoa Kỳ.
Làm sao có thể quên ngày thống nhất đất nước cả một dân tộc thống nhất đã khóc mừng những người trở về, khóc nhớ thương những người không bao giờ trở lại trong mỗi ngôi nhà khắp dải non sông. Biết bao bà mẹ ở cả hai đầu hậu tuyến rơi lệ cho những đứa con ở cả hai đầu chiến tuyến. Cách nào chia tách được giọt lệ cho từng đứa con? Dòng nước mắt bi tráng đó một lần nữa khắc sâu vào lòng dân tộc điều cốt tử nhất – chỉ có thống nhất sơn hà, không chiến tranh mới bảo đảm cho giống nòi thôi đổ máu.
Và Văn Cao – thi nhân, nhạc sĩ rất đỗi cao sang của nền văn học nước nhà, đã gọi phút giây thiêng ấy là mùa xuân mơ ước đầu tiên của người Việt. Âm hưởng trong trẻo mượt mà, lời ca nồng nàn thiên nhiên thánh thiện dung dị ấy đang mãi vang trong lòng người Việt yêu giống nòi Tổ quốc giang sơn.
Hà Nội, Xuân 2025
Nguyễn Nguyên