Nguyễn Quang A: Giá như họ chấp nhận thì lẽ ra kỷ nguyên mới đã bắt đầu từ gần mười năm nay
Không có chuyện “giá như … thì” trong xã hội, nhưng trong thế giới tư duy chúng ta hoàn toàn tự do để bàn về chuyện “giá như” để tranh luận, để rút ra những bài học nên cân nhắc tiếp thu hay nên tránh, làm tăng sự hiểu biết, tích tụ kiến thưc.
- Bối cảnh
Năm 2015 tôi có loạt khoảng 10 bài giảng về dân chủ hóa cho các nhà hoạt động trẻ ở Hà Nội, theo gương các “đại học bay” của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước kia. Một bạn trẻ đã thuê được phòng học tại Đại học Y Hà Nội, mấy bài đầu diễn ra suôn sẻ, rồi người ta bảo Đại học Y không được cho “bọn này” thuê chỗ. Chúng tôi chuyển sang các nơi khác, có lúc ngay tại nhà tôi. Các bài trình bày đó được đưa lên Youtube vào cuối năm đó.
Sau bài trình bày ngày 10-11-2015 tại đại học Y về dân chủ hóa ở Myanmar [1] tôi có một bức ảnh “thách ĐCSVN làm theo Myanmar.” Gần đây một số người chắc chưa từng nghe các bài trình bày đó, và nhất là bài về Myanmar, đã dùng bức ảnh đó với ý: thấy tình hình loạn lạc ở Myanmar sau dân chủ hóa chưa? Mấy tay “dân chủ cuội” này chỉ khuyên láo; đảng ta thật sáng suốt giữ vững chế độ! Sao ông Quang A và bọn này không sang Myanmar mà sống? vân vân và vân vân.
- Học nhưng không sao chép
Học các bài học về dân chủ hóa, hay về bất cứ thứ gì, là để cân nhắc chúng ta có thể làm gì phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta, chứ tuyệt nhiên không có nghĩa là sao chép vì thời thế thay đổi, hoàn cảnh kinh tế-xã hội, lịch sử của mỗi nước một khác. Nói cách khác học có chọn lọc, thích nghi cái hay và tránh cái dở, đôi khi cái hay của người ta lại là dở với mình và ngược lại.
- So sánh Myanmar và Việt Nam
Hãy quay lại với Myanmar và Việt Nam. Những đặc điểm hệ thống quan trọng cho sức mạnh chế độ cũng như cho dân chủ hóa từ sức mạnh chế độ độc đoán của Myanmar và Việt Nam có thể tóm tắt trong bảng sau để làm rõ những sự giống nhau và những sự khác biệt:
Myanmar | Việt Nam | |
1.Chế độ độc đoán & sức mạnh | Độc tài quân sự từ 1962; sức mạnh độc đoán (2; 3; 4 kế hợp) yếu | Độc tài độc đảng từ 1975; sức mạnh độc đoán mạnh |
2. Đảng độc đoán | ● BSPP (Đảng Chương trình xã hội chủ nghĩa Miến điện; 1962) đảng của quân đội, 1988 đổi tên thành đảng Thống nhất dân tộc (NUP); ● Đảng USDP (2010) của tổng thống Thein Sein cũng do quân đội hậu thuẫn đã yếu, không có cơ sở quần chúng, không có thành tích lịch sử có thể dùng được nào (trong dân chủ hóa). | ĐCSVN (1930) là đảng quần chúng, là đảng mạnh có cơ sở quần chúng rộng, có thành tích lịch sử có thể dùng được (trong dân chủ hóa). |
3. Bộ máy nhà nước | Hoàn toàn do quân đội kiểm soát | Bộ máy dân sự có nhân tố kỹ trị với các lực lượng vũ trang mạnh |
4. Quân đội | Mạnh, thống nhất, đơn độc | Mạnh, thống nhất, không đơn độc |
5. Chủ nghĩa ly khai | Với hơn 100 sắc tộc, 7 bang, 7 khu vực, 1 lãnh thổ liên bang và chủ nghĩa ly khai mạnh | 54 sắc tộc, nhưng về cơ bản không có chủ nghĩa ly khai |
6. Địa chính trị | Các sự trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ 2011 | Các sự trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ 1994 |
7. Phát triển kinh tế (PPP, $ 2011) | 1.206 $ (1991); 3.773 $ (2010) 4.985 $ (2015); 5.113 $ (2021) [GDP/đầu người] | 1.688 $ (1991); 4.572 $ (2010) 5.776 $ (2015); 7.508 $ (2021) |
8. Đối lập | Mạnh: Đảng Liên minh Dân chủ vì Dân chủ NLD (1988) cực kỳ được lòng dân; với lãnh tụ Aung San Suu Kyi có sức thuyết phục; thắng áp đảo trong bầu cử 1988, 2015, 2020; tín hiệu bầu cử rõ ràng | Không mạnh, không có đảng đối lập nào; bầu cử không thực chất; tín hiệu bầu cử không rõ ràng |
9. Sự tự tin ổn định | Sau khi đạt các thỏa thuận ngừng bắn với các quân đội phiến quân, và lập ra một hiến pháp tự chế (cản đối thủ chính có thể làm tổng thống; xác định tỷ lệ ghế do quân đội bổ nhiệm; đặt các bộ liên quan đến an ninh quốc gia vào trọn tay của quân đội;…), phát triển kinh tế khá; chính quyền quân sự có sự tự tin ổn định cao để chuyển đổi dân chủ | Theo các tiêu chí trên thì chế độ lẽ ra phải có sự tự tin ổn định cao nhưng dường như các lãnh đạo không tự tin lắm |
10. Sự tự tin chiến thắng | Quân đội quan tâm đến sự tự tin ổn định hơn sự tự tin chiến thắng | Theo các tiêu chí trên thì chế độ lẽ ra phải có sự tự tin chiến thắng cao nhưng dường như các lãnh đạo không tự tin |
11. Kinh nghiệm dân chủ | Không có | Chí ít một nửa đất nước đã có kinh nghiệm dân chủ nào đó trong hai thập kỷ của Việt Nam Cộng hòa |
12. Chuyển đổi dân chủ | Chủ động chuyển đổi, bắt đầu từ 2011 | Tránh chuyển đổi |
13. Tính chất của chuyển đổi dân chủ | Theo các tiêu chí phát triển xã hội-kinh tế, sức mạnh thể chế,…, thì chuyển đổi dân chủ dễ bị đảo ngược và thật bi thảm đã bị đảo ngược trong đảo chính quân sự 2021. | Tránh chuyển đổi dân chủ dù các điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, địa chính trị, sức mạnh thể chế đã cho phép chủ động chuyển đổi dân chủ mà ĐCSVN vẫn nắm được quyền và giữ được sự ổn định và phát triển kinh tế (theo kiểu Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia) |
Có thể thấy cả Myanamar và Việt Nam đều bắt đầu hiện đại hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định và kể từ 2011 khi Tổng thống Thein Sein tuyên bố cải cách chính trị nền kinh tế Myanmar còn phát triển nhanh hơn nhờ đầu tư nước ngoài, điều kiện địa chính trị thuận lợi hơn.
Chế độ độc tài Myanmar đã tự tin và chủ động dân chủ hóa với sức mạnh (dù sức mạnh độc đoán của nó là yếu nhất trong 12 trường hợp được [2] khảo sát). Tuy nhiên, sự tự tin đó đã mất dần do sức mạnh không cao như ở Indonesia (với đảng Golkar mạnh, có cơ sở rộng, còn đảng USDP thì yếu hơn rất nhiều nói chi đến so với Quốc dân Đảng ở Đài Loan hay ĐCSVN); do bộ máy nhà nước không kỹ trị như của Indonesia hay Thái Lan; do đối lập quá mạnh (mạnh hơn ở Indonesia rất nhiều) khá giống với Đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin ở Thái Lan đã làm cho phe quân đội Thái sợ và dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Thaksin trong 2006. Tất nhiên các điều kiện nền về phát triển kinh tế, xã hội dẫn đến các nguồn lực hành động hạn hẹp cũng không thuận lợi cho sự củng cố dân chủ, hay chuyển đổi dễ bị đảo ngược được nêu ở điểm 13 trong bảng trên và trong bài trình bày đó [1] tôi cho là dân chủ hóa ở Myanmar chưa xong, có thể dễ bị đảo ngược và chỉ có thể đánh giá được sau 5 hay 10 năm nữa!
Và thật bi thảm, trong 2021 quân đội Myanmar đã làm đảo chính quân sự lật đổ chính phủ hợp pháp được bàu một cách dân chủ, chấm dứt gần hai thập niên phát triển kinh tế ngoạn mục, đẩy đất nước vào loạn lạc; và chế độ quân sự Myanmar sẽ đối mặt với sự sụp đổ. Đấy là một sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar, chứ đâu phải hệ quả tất yếu của dân chủ hóa như một số người muốn chúng ta tin như thế và kinh hãi dân chủ hóa.
Ngược lại, Việt Nam trong các năm 2010 các tiêu chí từ 1, đến 8 đều tốt cho đảng cầm quyền, không bị những khó khăn như chế độ độc tài quân sự Myanmar. Các điều kiện nền bắt đầu thuận lợi cho dân chủ hóa, sức mạnh của chế độ độc đoán (đảng, bộ máy nhà nước, các lực lượng vũ trang) thì cao hơn của Myanmar rất nhiều (dù không bằng Đài Loan nhưng không kém và có thể hơn Indonesia và Thái Lan), tuy nhiên các lãnh đạo của ĐCSVN dường như không đủ tự tin cho nên đã tránh dân chủ hóa.
Giả như các lãnh đạo ĐCSVN đã có sự tự tin ổn định và sự tự tin chiến thắng (mà rõ ràng các điều kiện của đất nước đã tạo ra cho họ) để chủ động dân chủ hóa, thì họ đã thắng trong các cuộc bầu cử trong 2016 (giả như ĐCSVN đã mở cửa thì các ứng viên của họ vẫn thắng áp đảo dù có một phong trào tự ứng cử với trên 20 ứng viên độc lập), cuộc bầu cử 2021 và chắc vẫn sẽ thắng trong cuộc bầu cử 2026 sắp tới ngay cả khi có cải cách bầu cử và đất nước tiếp tục ổn định và phát triển hơn thời gian qua nhiều.
Nhưng đáng tiếc, ĐCSVN do thiếu tự tin ổn đinh và sự tự tin chiến thắng mà lẽ ra họ đã phải có theo những phân tích ở trên, cũng như trong [2], [3], và các lãnh đạo có lẽ nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ thù và quá sợ các bóng ma không tồn tại hay do tự mình tạo ra, hay do bạn vàng nhồi sọ, nên đã tránh dân chủ hóa.
Có nhiều người nhìn sự đảo ngược của dân chủ hóa ở Myanmar và tình hình rối loạn hiện tại ở đó như một lý do để tránh hay chống dân chủ. Phân tích ở trên cho thấy họ hoặc hiểu không đúng tình hình hay cố tình tạo ra các con ngáo ộp để dọa người khác, nhất là các nhà lãnh đạo Việt Nam, để theo mô hình cùng vận mệnh của họ.
Có người sẽ lại bảo do ý thức hệ nho giáo, ý thức hệ cộng sản nên Việt Nam không dứt ra được! Thế Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ theo ý thức hệ gì? Hàn Quốc và Đài Loan có bị ảnh hưởng nho giáo không? Indonesia Muslim thì sao? Lập luận về giá trị đông phương nói chung và nho giáo nói riêng không thể đứng vững! Hãy xem bản đồ văn hóa của Donal Inlehart và Christian Welzel mà tôi trích dẫn trong [5] mà xem.
Giới lãnh đạo Việt Nam (hay người Việt Nam nói chung?) có một não trạng kỳ lạ: lúc thì quá huyênh hoang tự đắc, lúc thì lại quá nhu nhược tự ti. Cần phải bình tâm và hiểu mình hơn nữa, trưởng thành hơn để đánh giá đúng mình và thế giới để tự tin hơn.
Tại sao Mông Cổ, và đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP) được thành lập từ 1921, thời xã hội chủ nghĩa họ thêm từ cách mạng vào thành Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, thực sự là ĐCSMC, chính đảng này đã tự tin dân chủ hóa trong đầu các năm 1990, lấy lại tên cũ bằng cách bỏ từ cách mạng đi. Bị kẹp hoàn toàn giữa hai nước độc đoán lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc, nhưng từ 1992 đến nay Mông Cổ vẫn là một nước dân chủ. Hơn thế nữa, trong hơn nửa thời gian kể từ 1992 Đảng MPP vẫn kiểm soát Quốc hội; bốn trong sáu tổng thống được bàu một cách dân chủ vẫn thuộc đảng MPP. Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, đảng cộng sản, đã “tự chuyển hóa” thành một đảng dân chủ. Có người bảo Mông Cổ khác ta lắm, họ đã có truyền thống hào hùng và bây giờ vẫn tự hào, tự tin vào truyền thống đó từ thời Thành Cát Tư Hãn! Chế độ Mông Cổ đó đã đô hộ cả Trung Quốc và bành trướng mãi sang châu Âu. Thế nhưng quân Nguyên-Mông bị Việt Nam đánh bại ba lần và xâm không chiếm được Việt Nam, truyền thống của cha ông ta đâu không đáng tự hào.
Quốc Dân Đảng (được thành lập trong 1919) “đã tự chuyển hóa” từ một đảng độc tài Leninist thành một đảng dân chủ và vẫn rất mạnh ở Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).
Đảng Golkar của chế độ độc tài quân sự Indonesia “đã tự chuyển hóa” thành đảng dân chủ mạnh ở Indonesia dân chủ!
Vì sao ĐCSVN không “tự chuyển hóa” như vậy mà lại ghét cay ghét đắng và chống “sự tự chuyển hóa” một cách mãnh liệt? Có lẽ nên thay đổi cái não trạng lúc thì quá huyênh hoang tự đắc, lúc lại quá nhu nhược tự ti, sợ những bóng ma không tồn tại hay do mình tự tưởng tượng ra, hay do ai đó nhồi vào đầu chúng ta, phải gạt sạch những sự lú lẫn như vậy trong kỷ nguyên mới.
Hãy chỉ xem quan niệm “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến” bị ĐCSVN cực lực chống đối. Khái niệm đó có xuất xứ từ khái niệm “cùng tồn tại hòa bình” giữa Mỹ và Liên Xô được nhà ngoại giao Mỹ George Frost Kennan ở Moscow nêu trong bức điện tín dài năm 1946 gửi về Mỹ trong khung cảnh quan hệ với Liên Xô vào cuối các năm 1940, khi ĐCSTQ còn chưa thành công lập ra Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Rồi được John Foster Dulles mở rộng thành “tiến hóa hòa bình tới dân chủ” cũng trong quan hệ Xô-Mỹ trong các năm 1950. Cả hai khái niệm này không còn thịnh hành ở Mỹ hay phương Tây từ lâu rồi. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã vơ vào mình và coi đó là “âm mưu thâm độc” của phương Tây để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và đã phát triển một lý thuyết nghiêm chỉnh để “chống diễn biến hòa bình.” Và một số nhà lý luận của ĐCSVN đã “sáng tạo” tiếp thu lý thuyết “chống diễn biến hòa bình” này và huy động toàn bộ hệ thống chính trị, kể cả quân đội [4] để chống một kẻ thù tưởng tượng, nhưng được bạn vàng nghĩ ra vì mục đích riêng của họ và nhồi vào đầu các cảnh sát tư tưởng Việt Nam mãi cho đến tận ngày nay.
Thật mỉa mai là cả chủ nghĩa Marx-Lenin mà ĐCSVN tôn thờ, lẫn lý thuyết chống diễn biến hòa bình mà một vài nhà lãnh đạo Việt Nam nhiệt tình theo đuổi, đều là các lý thuyết ngoại lai, được tin một cách “lú lẫn,” và hết sức mâu thuẫn về mặt lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận “chống diễn biến” là ngược hoàn toàn với triết lý cách mạng của chủ nghĩa Marx. “Chống diễn biến hòa bình” thì lại càng ngớ ngẩn khi đối lại với “chống diễn biến bạo lực,” hay họ thực sự thích bạo lực? Nếu họ bảo họ chống cả “diễn biến bạo lực” nữa, tức là họ chống “diễn biến,” hay sự thay đổi, nói chung, thì họ chống mọi sự tồn tại (đều biến đổi), thì quả là thậm lú lẫn! Về mặt thực tiễn, nó ngược với thực hành có tính thực dụng rất tốt của ĐCSVN trong việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 nước thì trong đó có 6 nước dân chủ, tức là về cơ bản thuộc thế giới “phương Tây” (bị vu là có âm mưu diễn biến hòa bình chống Việt Nam). Hãy tự tin vào sức mạnh, sức mạnh của dân tộc và tin bản thân mình, cân nhắc rất kỹ khi tiếp thu các khái niệm như “chống diễn biến hòa bình,” “chống tự diễn biến,” hay “vận mệnh chung” của người khác muốn nhồi vào đầu óc chúng ta và nhất là không được lú lẫn coi chúng là của mình hay “của chúng ta” những người “theo chủ nghĩa xã hội.” Phải vất bỏ những bùa mê, sự ngộ nhận và sự lú lẫn như vậy trong kỷ nguyên mới.
Cái não trạng không tự tin đó đã cản trở sự phát triển của đất nước. Chỉ xét một ví dụ, khi ông Nguyễn Phú Trọng củng cố được quyền lực với chức tổng bí thư ĐCSVN nhiệm kỳ 2 đầu 2016 và cuộc bầu cử quốc hội tháng Năm năm đó. Trong cuộc vận động bầu cử quốc hội 2016, lần đầu tiên có một phong trào ứng cử độc lập với hơn hai chục người tham gia. Do không tự tin nên họ đã loại tất cả những người muốn là ứng viên này ngay từ vòng “hiệp thương” để trở thành ứng viên. Giả như 25 người đó đều trở thành ứng viên độc lập và lại giả như tất cả họ đều thắng cử đi nữa (một điều không tưởng), thì ĐCSVN vẫn chiếm 95% ghế trong Quốc hội. Rồi đến cuộc bầu cử Quốc hội 2021 tất cả những người muốn ứng cử độc lập đều bị bắt! Sao lại kém tự tin đến vậy?
Giả như họ chấp nhận chủ động dân chủ hóa thì dân chủ hóa ở Việt Nam lẽ ra đã thành công, chứ không bị đảo ngược như ở Myanmar và kỷ nguyên dân chủ lẽ ra đã bắt đầu từ gần chục năm trước.
Nếu cứ khăng khăng tránh dân chủ, thì cửa sổ cơ hội cho dân chủ hóa từ sức mạnh độc đoán đóng lại và ĐCSVN sẽ phải đối mặt với trung sách (phải thương lượng chứ không tự chủ hoàn toàn được nữa) hay thậm chí hạ sách (dân chủ hóa qua sụp đổ) mà chắc ĐCSVN không hề muốn và đa số nhân dân Việt Nam có lẽ cũng chẳng muốn.
Nguyễn Quang A
——————–
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Quang A, Dân chủ hóa ở Mynanmar, https://www.youtube.com/watch?v=JUS501gLaIs
[2] Dan Slater and Joseph Wong, From Development to Democracy, transformations of modern Asia, Princeton University Press, 2022.
[3] Năm clip đầu tiên trên kênh Youtube Ý vụn và các bài viết liên quan trên tapchidantri.org
[4] Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong quân đội nhân dân Việt Nam qua tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí Cộng sản, 27-07-2024.
[5] Nguyễn Quang A, Chủ động Dân chủ hóa ở Việt Nam, tapchidantri.org