Nguyễn Tiến Cường: Chế độ độc tài Bashar al-Assad ở Syria đã sụp đổ, tiếp theo sẽ là gì?

Cảnh đổ nát, hoang tàn, đau thương ở Syria sau nhiều năm chiến tranh và dưới chế độ độc tài sắt máu của gia đình Bashar al-Assad. Liệu sắp tới đất nước này, dân tộc này có được hưởng một cuộc sống hòa bình, ổn định, tự do, thịnh vượng?

Với sự bỏ chạy khỏi đất nước Syria, chế độ độc tài Bashar al-Assad đã chấm dứt. Mặc dù nhiều tờ báo quốc tế và chính truyền thông của Nga đã đưa tin Bashar al-Assad và gia đình đã đến tỵ nạn tại Moscow, nhưng vẫn có những nguồn tin khác nói rằng phi cơ chở Bashar đã bị bắn rơi vì hỏa tiễn của quân kháng chiến HTS (Hayat Tahrir al-Scham) – nhóm Hồi Giáo mạnh nhất – liên minh với các nhóm kháng chiến khác chống chính quyền Assad như NFL (National Front for Liberation), Ahrar al-Sham Movement, Jaish al-Izza…

Gần như cả thế giới ngạc nhiên vì sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Bashar al-Assad, và trước đó là Hafez al-Assad, cha của Bashar, một chế độ cai trị Syria trong gần 54 năm với bàn tay sắt máu đã tan rã trong vòng chưa đến 2 tuần lễ, kể từ khi kháng chiến quân HTS bắt đầu tấn công Aleppo – một thành phố lớn thứ 2 của Syria với gần 3 triệu dân sau thủ đô Damascus.

“Nhà độc tài Bashar al-Assad đã bỏ chạy khỏi Damascus, chấm dứt thời kỳ đen tối của đất nước, Syria sẽ bắt đầu một trang sử mới”, quân kháng chiến đã tuyên bố trên Telegram Onlinedienst.

Cuộc nội chiến của Syria kéo dài đã lâu, từ năm 2011 với hơn nửa triệu nạn nhân và một nửa dân số trở thành người tị nạn. Assad cũng đã không ngần ngại dùng đến hơi ngạt sát hại hàng chục ngàn người để đàn áp biểu tình, tấn công quân kháng chiến. Bashar al-Assad kéo dài sự cai trị được 24 năm là nhờ sự giúp đỡ chống lưng bằng quân sự của Vladimir Putin.

Nay Nga kiệt quệ vì vướng vào cuộc chiến tranh, xâm chiếm Ukraine, toàn thể sức mạnh quân sự của Nga đã bị Putin dồn hết cho mặt trận Ukraine đến độ Putin còn phải cầu cứu, kêu gọi Bắc Hàn viện trợ giúp đỡ từ vũ khí đến nhân lực. Sự yểm trợ quân sự của Nga cho Assad trong cuộc phản công quân kháng chiến, do đó chỉ còn là một vài phi vụ không yểm yếu ớt, không có tác dụng dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Assad.

Nhiều người Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại vui mừng trước sự sụp đổ của chế độ độc tài Syria. Họ hy vọng sự sụp đổ này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thể chế độc tài khác như Trung Cộng, Cuba, Việt Nam, hoặc chí ít làm thay đổi các chính sách cai trị nghiệt ngã của các lãnh đạo như Tập Cận Bình, Tô Lâm…

Có người Việt Nam vui mừng đến độ viết trên facebook là họ đã chờ ngày này (ngày Bashar al-Assad bỏ chạy khỏi Syria 08.12.2024) hơn 20 năm (?!)

HTS trước đây vốn có liên hệ chặt chẽ với Taliban nhưng sau đó tách ra, họ tuyên bố các chính sách nội trị cũng như ngoại giao sẽ hoàn toàn độc lập, không bị ảnh hưởng bởi Taliban.

Cho đến giờ phút này vẫn chưa có gì rõ ràng với kháng chiến quân HTS, chỉ biết họ là một tổ chức bao gồm nhiều nhóm khác biệt nhau. Liêu HTS có thành lập được một chính phủ Hồi Giáo thân Tây phương không vẫn là một câu hỏi lớn.

Phát ngôn viên của HTS đã tuyên bố “Trong thời gian gần đây chúng tôi đã tránh xa chủ trương thánh chiến của mình, sẽ không có trả thù, chúng tôi sẽ bảo vệ những nhóm thiểu số, sẽ xây dựng cấu trúc xã hội dân sự vì đó là điều khẩn cấp trong tình hình hiện tại”. Tuy nhiên trước đây và cho đến hiện nay, các nước Liên Âu, Mỹ đều đánh giá HTS là quân khủng bố.

Những lời hứa hẹn của HTS có được thực hiện không hoặc thực hiện được như thế nào sẽ có câu trả lời trong những ngày sắp tới, xem cách họ đối xử với người dân trong những vùng mà họ kiểm soát.

Mặc dù HTS chống Nga, Iran, cũng như việc Israel tuyên bố không can thiệp vào nội bộ Syria, chẳng có điều gì bảo đảm rằng người dân Syria sẽ được hưởng tự do, độc lập, không bị một thế lực ngoại bang đen tối nào ảnh hưởng.

Chắc chắn sẽ có một cuộc tranh giành quyền lực, ảnh hưởng, công lao giữa lãnh đạo các nhóm Hồi Giáo trong việc lật đổ  al-Assad. Tuy nhiên đừng quên rằng việc bầu cử tự do, công bằng cũng như nữ quyền trong xã hội Hồi Giáo hiện nay là một điều rất khó xẩy ra.

Vậy thì vui mừng liệu có quá sớm chăng?

Nguyễn Tiến Cường

********

Tham khảo:

Who are Hayat Tahrir al-Sham and the Syrian groups that took Aleppo?, Aljazeera.

Vom Hoffnungsträger zum Kriegsherrn, Tagesschau

Bundesregierung will syrische Miliz »an ihren Taten messen«, Spiegel Ausland