Nguyễn Tiến Cường: Thế giới một năm nhìn lại – 2024

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới:
Người dân reo hò trước Văn phòng Thủ tướng sau khi bà Sheikh Hasina bị lật đổ
Xe tăng Merkava của Israel trên đường phố Gaza, ngày 4 tháng 1 năm 2024
Tổng thống đắc cử Donald Trump
Người dân Syria ăn mừng sự sụp đổ của Assad tại nhà thờ Hồi giáo Umayyad, ngày 14 tháng 12 năm 2024
Putin và Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Hình chụp tháng 5/2024
Một tòa nhà dân cư ở Kharkiv sau vụ tấn công của Nga. Hình chụp tháng 4/2024.

Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2024. Một năm có rất nhiều biến động và biến động lớn nhất, ảnh hưởng tình hình chính trị của cả thế giới có lẽ không gì khác hơn là việc ông Donald Trump – người bị kết án 34 tội hình sự, đang chờ tuyên án – đắc cử lần thứ hai. Bản án chờ công bố vì thế có thể bị hủy bỏ hoặc trì hoãn đến khi ông Trump mãn nhiệm kỳ.

Tuy nhiên bên cạnh đó có những sự kiện quan trọng, đáng kể khác như thiên tai, bão lụt, động đất do biến đổi khí hậu cũng như phong trào dân túy trổi dậy mạnh mẽ ở một số nước mà nền dân chủ đã bám rễ lâu đời từ sau thế chiến thứ hai như Đức, Pháp.

Thiên tai. 

Ngay những ngày đầu tiên của năm 2024, trận động đất Noto Peninsula ở Nhật đã khiến hơn 250 người thiệt mạng, nhiều ngàn người khác bị thương. Sau đó, thời tiết khắc nghiệt đã gây ra lũ lụt, giống bão, mưa lớn nhiều ngày ở khắp nơi trên thế giới.

 Đường Asaichi ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa, đã bị phá hủy do hỏa hoạn gây ra bởi trận động đất tại bán đảo Noto năm 2024. Ảnh chụp ngày 17 tháng 2 năm 2024.

Nước Mỹ cũng không tránh khỏi. Trận bão Helene tàn phá các tiểu bang Florida, North Carolina, South Carolina, Georgia…vào cuối thàng 9 gây lũ lụt nhiều thành phố, hàng triệu người bị mất điện trong nhiều ngày, nhiều thành phố bị cô lập, đường xá, cầu cống hư hại. Thiệt hại ước lượng lên đến hơn 160 tỷ $. Trong tương lai, các hãng bảo hiểm địa ốc – đặc biệt ở Florida sẽ phải – một là bảo hiểm thiên tai sẽ phải tăng thật cao, hai là không nhận khách hàng.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida đang dọn dẹp thiệt hại ở bãi biển Keaton, Florida, sau cơn bão Helene

Chính trị.

Năm 2024 đánh dấu sự sụp đổ của chế độ độc tài tại một số nước ở Châu Á và Trung Đông.

Tại Bangladesh – một trong những nước nghèo nhất Á Châu, Bà Seikh Hasina – Thủ Tướng, vào ngày 05.08 bất ngờ từ chức và bỏ chạy qua Ấn Độ xin tị nạn khi các sinh viên biểu tình kéo về Dhaka, thủ đô của Bangladesh.

Seihk Hasina vốn thường bị phương Tây chỉ trích về sự cai trị độc tài, thường xuyên bắt giữ các chính trị gia đối lập. Sự việc lên đến cao diểm khi Hasina dùng quân đội, cảnh sát dẹp biểu tình dẫn đến việc gây ra cái chết của một số sinh viên. Những cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng, đến lúc quân đội đứng về phía sinh viên kéo về Dhaka, Hasina biết khó thoát khỏi việc bị truất phế, bị bắt nên vội vã lên tiếng từ chức, chạy qua Ấn xin tị nạn. 

Muhammad Yunus, sinh năm 1940 – khoa học gia về kinh tế, cũng là chính trị gia – người được giải Nobel hòa bình năm 2006, được sinh viên biểu tình đề cử tạm thời lãnh đạo đất nước. chờ bầu cử chính thức.

Giữa những báo cáo liên tục về những đàn áp các nhóm dân thiểu số, sự lạm phát gia tăng, chính phủ tạm thời của Yunus đang chịu một áp lực nặng nề. Vụ sát hại một luật sư Hồi Giáo cùng với vụ bắt giữ nhà sư Hindu Chinmoy Krishna làm cho tình hình chính trị thêm căng thẳng, bất ổn.

Người dân Bangladesh đang tìm kiếm và hy vọng sự ổn định chính trị và một nền hòa bình với các quốc gia trong vùng trong năm mới.

Tại Sri Lanka, Anura Dissanayake – một người theo chủ nghĩa cộng sản (Marxist) – đã trở thành Tổng Thống sau một chiến thắng huy hoàng của đảng Quyền Lực Nhân Dân (National People’s Power) trong cuộc bầu cử vào tháng 11.2024. Chiến thắng này mở ra một thời kỳ mới cho đất nước sau khi đã chứng kiến cuộc nổi dậy của người dân lật đổ Tổng Thống Gotabaya Rajapaksa vào năm 2022. Tương lai Sri Lanka dưới sự lãnh đạo của một người Marxist sẽ đi về đâu vẫn là một dấu hỏi lớn.

Ở Pakistan, cựu Thủ Tướng Imran Khan tiếp tục gặp rắc rối khi tất cả các đảng phái đối lập liên minh với nhau, ngăn chận việc thành lập chính phủ của đảng PTI (Pakistan Tehreek–e–Insaf) với Thủ Tướng Shehbaz Sharif.

Trung Đông. Tổng thống Syria, Bashar al–Assad sau 24 năm cai trị bằng một chế độ sắt máu đã cùng gia đình bỏ chạy qua Nga, xin tị nạn chính trị khi quân kháng chiến tiến gần đến thủ đô Damascus. Khi kháng chiến quân HTS (Hayat Tahrir al–Shamß) bao vây Aleppo vào cuối tháng 11, nhiều người chờ đợi một cuộc chiến khốc liệt nhưng cuộc chiến đã không xẩy ra. Al–Assad cùng gia đình nhanh chóng bỏ trốn.

Khởi thủy, Bashar al–Assad từ London trở về, kế vị Tổng Thống cha truyền, con nối, người dân Syria hy vọng Assad sẽ mang lại một luồng dân chủ, sinh khí mới cho đất nước. Assad lúc đầu tỏ ra gần gũi, thân thiện với dân chúng, thả tù nhân chính trị, cho phép các tổ chức chính trị đối thoại công khai….

Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, khi quyền lực đã vững chắc, Assad đã trở thành một nhà độc tài tàn bạo, tự do bị xiết chặt dần. Năm 2010, Mùa Xuân Ả Rập (Arabische Spring) – một làn sóng biểu tình bất bạo động nổ ra ở Tunisia – kéo theo các cuộc biểu tình ở Syria chống lại chế độ của Al–Assad, Assad dùng quân đội, cảnh sát đàn áp tàn bạo, dập tắt các cuộc biểu tình nhưng sự căm phẫn của người dân lại hình thành một mặt trận chống lại Assad, dẫn đến cuộc nội chiến với nửa triệu thương vong, hơn 12 triệu người phải bỏ đất nước, chạy đi tị nạn.

Tại Âu Châu phong trào dân túy trỗi dậy mạnh mẽ. Các nền dân chủ lớn, lâu đời bị rơi vào khủng hoảng chính trị như Pháp, Đức, Anh…Hàng loạt các cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia từ Mỹ đến châu Âu có chiều hướng làm thay đổi thể chế chính trị tại nhiều quốc gia. Nhiều đảng cầm quyền bị lật đổ, hoặc mất đa số như Đức, Anh, Pháp, Nam Hàn…

Nước Anh. Lãnh đạo đảng Công Nhân – Keir Starmer – đánh bại đảng Bảo Thủ của Rishi Sunak, chấm dứt thời kỳ nắm quyền của đảng Bảo Thủ kéo dài 14 năm ở nước Anh. Tuy nhiên, tình hình chính trị của nước Anh không vì thế mà bớt xáo trộn. Những cuộc biểu tình kéo dài trong năm 2024 chắc chắn sẽ không chấm dứt khi xung đột quyền lợi, tôn giáo, văn hóa giữa người dân bản xứ và dân nhập cư vẫn âm ỉ như một thùng thuốc súng chờ một tia lửa là phát nổ.

Nước Pháp. Nền chính trị của Pháp cũng rất bất ổn khi Thủ Tướng Michel Barnier do Tổng Thống Emmanuel Macron bổ nhiệm bị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm trong một cuộc tranh chấp về ngân sách quốc gia. Người kế nhiệm là Francois Bayrou. Như vậy chỉ trong 12 tháng, nước Pháp có 4 Thủ Tướng.

Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tình hình chính trị của Đức cũng chẳng tốt đẹp hơn, Liên Minh Đèn Giao Thông –Ampel Koalition–, gồm 3 đảng Grüne  (Xanh), SPD (Đỏ), FDP (Vàng) bị tan vỡ, Thủ Tướng Olaf Scholz (SPD) không đạt được “tín nhiệm cao” như các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nên dân Đức sẽ phải đi bỏ phiếu sớm vào ngày 23.02.2025.

Nam Hàn rơi vào một cuộc hỗn loạn trong 2 ngày khi Tổng Thống Yool Suk Yeol bất ngờ tuyên bố tình trạng thiết quân luật sau khi cáo buộc lãnh tụ đối lập có quan hệ mật thiết với Bắc Hàn, đồng thời có những hoạt động chống lại đất nước. 

Yool rút lại lệnh thiết quân luật 6 tiếng đồng hồ sau khi người dân tập trung biểu tình trước tòa nhà quốc hội, cùng lúc những dân biểu hiện diện ở đó đã biểu quyết với hơn 2/3 (203/300) chống lại lệnh ban hành thiết quân luật của Yool vì thấy không có lý do chính đáng. 

Quốc Hội Nam Hàn sau đó đã biểu quyết truất phế Yool vì đã gây ra tình trạng bất ổn bằng những dàn dựng gây rối loạn xã hội, nguy hiểm cho sự bình yên của đất nước. Yool qua đầu năm 2025 có thể bị luận tội lạm dụng quyền lực gây bất ổn cho đất nước.

Thủ Tướng Han Duck–soo tạm thời thay thế Yool. Cựu bộ trưởng quốc phòng Kim Yong–hyun, ngưởi giữ vai trò chính trong việc ban hành thiết quân luật đã tự tử – tại một trung tâm cách ly – nhưng không chết. Số phận của Yool, các cộng sự viên của ông sẽ được định đoạt trong năm tới.

Ở Mỹ. Vào ngày 13.07.2024, ông Donald Trump, ứng cử viên Tổng Thống thoát chết trong gang tấc trước một cuộc mưu sát ở Pennsylvania khi đi vận động tranh cử ngoài trời. Viên đạn của sát thủ trợt qua tai phải của ông Trump, làm ông mất một ít máu ở tai nhưng thính giác còn nguyên vẹn, không bị điếc. 

Sau khi được các mật vụ vây kín, đẩy nằm xuống sân khấu, biết chắc là đã an toàn, Trump vươn người lên, giơ cao nắm đấm phải hô lớn:–Chiến! Chiến! Chiến. Nhờ những sự việc như thế, Trump trở thành nhân vật trong năm của tuần báo Time của Mỹ, hình in trên trang bìa. Tuy nhiên, hình ảnh này cũng không làm mờ được hình ảnh Trump (mugshot) bị chụp ở nhà tù quận Fulton, Georgia.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ và ứng cử viên tổng thống Donald Trump giơ nắm đấm lên không trung sau khi bị bắn trong một vụ ám sát. Hình: Evan Vucci / AP Photos

Thoát hiểm cuộc mưu sát, trở thành Tổng Thống thứ 47, Tổng Thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ 2 lần bị luận tội, đang có bản án treo trên đầu với 34 tội hình sự. Một số bản án khác với tư cách Tổng Thống đương nhiệm sẽ được Bộ Tư Pháp vứt vào thùng rác sau ngày 20.01.2025.

Năm 2024 sẽ là một năm ghi đậm những dấu vết hoen ố trong lịch sử Mỹ khi một tội phạm bị kết án 34 tội hình sự, đang chờ hình phạt lại được phép ứng cử Tổng Thống và đắc cử, nắm giữ quyền hành pháp tối cao của đất nước.

Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đã bước sang năm thứ ba. Nga đã bị tổn thất nặng nề. Quân đội Nga gần như kiệt quệ về người lẫn vũ khi trong gần 3 năm đi thôn tính nước khác. Putin đã phải cầu cứu, kêu gọi Bắc Hàn viện trợ vũ khí, nhân lực. Lời kêu gọi đã được đáp ứng khi chiến trường Ukraine đã có sự hiện diện cũng như tử thương của những người lính Bắc Hàn.

Một tòa nhà dân cư ở Kharkiv sau vụ tấn công của Nga. Hình chụp tháng 4/2024

Cùng lúc đó, chỉ còn chưa đầy một tháng phải bàn giao chính quyền, Tổng Thống Joe Biden đã nhanh chóng ký sắc lệnh giúp đỡ vũ khí ào ạt cho Ukraine, đặc biệt là loại hỏa tiễn tầm xa có thể bắn vào sâu lãnh thổ Nga, có sức công phá mãnh liệt để Ukraine có thể phản công, chống lại quân Nga.

Nhiều tháng qua, những cuộc hòa đàm về chiến tranh Nga–Ukraine được liên tiếp nói đến qua trung gian của Ấn Độ và mới đây là Slovakia, nhưng một cuộc đám phán thật sự có vẻ khó lòng trở thành hiện thực khi vào mùa đông Nga liên tiếp mở các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine, đồng thời việc biệt kích Ukraine hạ sát tướng Igor Kirillov, lãnh đạo Lực Lượng Bảo Vệ Hạt Nhân, khiến tình hình qua đó trở nên tồi tệ hơn.

Israel mở rộng các cuộc tấn công ở mặt trận Trung Đông.

Trong năm 2024, Israel đã chứng minh cho thế giới thấy khả năng của họ trong cuộc chiến với khối Á Rập. Họ mở các cuộc tấn công không ngừng nghỉ vào dải Gaza, sát hại hàng trăm người mỗi ngày, cùng lúc tấn công vào các căn cứ của Hezbollah – được Iran hậu thuẫn trên đất Lebanon.

Israel đã đạt được các chiến thắng lớn với sự tổn hại tối thiểu. Một trong những thành quả lớn Israel có được là đặt bom vào máy bộ đàm, máy nhắn tin, kích hoạt sát hại lãnh đạo của Hezbollah, Sayyed Hassan Nasrallah và trong đêm sau giết chết Yahya Sinwar của Hamas.

 Vụ ám sát Hassan Nasrallah tại Trụ sở Hezbollah do IDF thực hiện vào ngày 27 tháng 9 năm 2024

Ngay cả khi Israel đã đánh bại Hezbollah, Hamas và Iran, các tổ chức cứu trợ của Liên Hiệp Quốc vẫn bày tỏ sự lo ngại về nạn đói và mức độ thương vong do Israel gây ra cho người Palestine cũng như sự nguy hiểm của các nhà báo, nhân viên thiện nguyện trong vùng. Israel rõ ràng muốn chứng minh là họ có thể tiêu diệt bất cứ ai chống lại họ.

Trong khi đó biểu tình ủng hộ Palestine, phản đối xung đột ở Gaza (và trong một số trường hợp có cả yếu tố bài Do Thái) của sinh viên các trường đại học ở Mỹ lan rộng. Đại học Columbia là một trong những tâm điểm của phong trào này. 

Ban giám hiệu của Columbia hủy bỏ buổi lễ ra trường chính thức của sinh viên năm 2024 vì sự chiếm đóng các tòa nhà trong khuôn viên trường của sinh viên. Cảnh sát, lực lượng an ninh đã được điều động đến để dẹp biểu tình. Hơn 2.000 sinh viên ở các trường đại học tham gia các cuộc biểu tình đã bị bắt, riêng tại đại học Columbia cảnh sát đã bắt giữ 108 sinh viên vì các hoạt động của họ. Hiệu trưởng của các trường Đại học Pennsylvania, Đại học Harvard, Đại học Columbia đã phải từ chức sau phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về các cáo buộc bài Do Thái và liệu các trường đã có đủ hành động để đảm bảo an toàn cho sinh viên Do Thái hay chưa.

Trước đó nữa Hiệu trưởng Đại học Cornell cũng đã rời trường, sau tranh cãi về hành động kỷ luật những người biểu tình ủng hộ Palestine.

Các cuộc biểu tình một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ về quan điểm xung quanh cuộc xung đột ở Gaza.

Tổng Thống đắc cử Donald Trump – người cam kết sẽ chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh – đã lên tiếng cảnh cáo Hamas hãy nhanh chóng thả hết các con tin Israel cuối cùng để đổi lấy hòa bình. Nếu không thì…chờ đó! Hòa bình Trung Đông có hoặc không thì chỉ có ông Trump mới quyết định được. 

Ông Trump từng tuyên bố là sẽ chấm dứt chiến tranh Nga–Ukraine trong vòng 24 giờ (nếu đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2). Giờ cả thế giới đang dõi mắt chờ ông dùng “phép lạ” chấm dứt chiến tranh Nga–Ukraine theo lời tuyên bố.

Tại Phi Châu, cuộc nội chiến ở Sudan bắt đầu từ ngày lễ Ramadan 15.04.2023 đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực khiến cho 11 triệu người có nguy cơ chết đói nhưng hầu như rất ít được báo chí phương Tây nói tới. Cũng dễ hiểu thôi. Sudan không có tài nguyên, khoáng sản hay lợi ích quốc phòng gì cho các cường quốc như Mỹ, Pháp, Trung Cộng, Nga.

Tương tự như thế, nội chiến ở Myanmar từ năm 2021 cũng không được thế giới quan tâm, nhắc nhở đến.

Khu vực châu Á—Thái Bình Dương cũng không êm ả gì hơn với những cuộc đụng độ trên biển giữa Philippines và Trung Quốc, những lần tập trận nhằm tỏ thái độ dằn mặt, đe dọa Đài Loan của Trung Quốc. 

Sự câu kết giữa các quốc gia độc tài Trung Quốc-Nga-Iran-Bắc Hàn nhằm chống lại trật tự thế giới hiện nay và các giá trị của các nền dân chủ phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu ngày càng rõ ràng. 

Cuối cùng là những bước tiến của công nghệ trí tuệ nhận tạo (AI) đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thử thách, nhiều lo ngại cho nhận loại. Có một điều chắc chắn cuộc sống của con người sẽ thay đổi với tốc độ rất nhanh, rất khác với sự tham gia của AI vào xã hội loài người. 

Nhìn lại một năm 2024 với nhiều hỗn loạn, nhiều cuộc xung đột, chiến tranh xảy ra ở nơi này nơi khác, môt số nước thì phải vật lộn với những vấn đề nội bộ gây chia rẽ sâu sắc, trong khi nền kinh tế của đa số các quốc gia vẫn chưa thực sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 và những tác động của cuộc chiến Ukraine, có vẻ là một bức tranh với nhiều màu tối hơn là màu sáng. 

Mong sao năm 2025 tình hình thế giới sẽ sáng sủa hơn. 

Nguyễn Tiến Cường 

——————

Tham khảo: 

https://thefederal.com/category/international/top–10–major–events–that–shook–the–world–in–2024–162316

https://foreignpolicy.com/2024/12/26/fareed–zakaria–2024–review

https://foreignpolicy.com/2024/12/26/2024–elections–democracy–populism–trends/?tpcc=recirc_latest062921

https://foreignpolicy.com/2024/12/26/2024–war–middle–east–gaza–israel–iran–turkey/?tpcc=recirc_latest062921

https://www.cfr.org/article/ten–most–significant–world–events–2024