Nguyễn Văn Tuấn: Hám học hay hám danh?

Một ông thầy cúng đình đám liệt kê 6 bằng tiến sĩ và 2 chức giáo sư, kể cả giáo sư “đại học Apollos”. Danh sách danh vị của ông ấy dài nửa trang A4.

Đáng nể.

Không còn nghi ngờ gì nữa: người Việt chúng ta rất xem trọng sự học. Ở bất cứ nơi nào, dù nghèo đến đâu, người Việt vẫn dành một ngân sách gia đình cho việc học. Điển hình là người Việt tị nạn ở Úc. Khi mới tới đây, nhiều người thuộc thế hệ đầu tiên chỉ biết đọc biết viết, nhưng chỉ sau vài năm thì con cháu họ đều tốt nghiệp đại học. Không chỉ tốt nghiệp, mà còn tốt nghiệp hạng giỏi, xuất sắc. Có những trường trung học ở các vùng lao động, suốt cả 50 năm chẳng có học sinh nào lên được ‘bảng vàng’, nhưng khi người Việt đến định cư thì chỉ vài năm sau là thấy bảng vàng với những họ Nguyen, Tran, Huynh, Pham, Phan, Dinh, Le, v.v. rất nhiều. Có thể nói ở một số nơi, chính con em người Việt làm cho các trường địa phương được ‘visible’ hơn.

Nhưng người Việt ta ham học với mục đích gì? Đơn giản nhứt và ở cấp độ thực tế, học là để có được kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, và đó là yếu tố căn bản để có việc làm tốt. Việc làm tốt dẫn đến cuộc sống thoải mái.

Nhưng theo cái nhìn của giới khoa học xã hội phương Tây, trong thâm tâm của người Á châu chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Khổng Tử (dĩ nhiên là kể cả người Việt chúng ta). Cái học của người Á châu là để có bằng cấp và danh xưng. Ý nói là người Á châu chịu ảnh hưởng văn hoá Khổng Tử không đặt nặng mục tiêu học để đi tìm chân lý, khám phá cái mới, mà chỉ để có cái danh để được xã hội trọng vọng.

Nói theo Nguyễn Công Trứ là ‘phải có danh gì với núi sông’ (trong bài “Tự Vịnh Đi Thi”). Dường như trong người Việt ai cũng nghĩ đến một cái danh xưng trước tên mình. Danh xưng là phải “sĩ” hay “sư” thì mới oai, còn những gì ‘thấp’ hơn mấy loại đó là coi như giai cấp ‘tiểu nhân’ thời xa xưa thôi [1]. Thành ra, phải học, phải cố gắng sao cho có được cái danh.

Nhiều năm trước ở hải ngoại, có một nhà hoạt động chánh trị xuất bản một cuốn sách gây nhiều tranh cãi. Trong sách, tác giả đề cập đến hai vị ‘tiền bối’ là Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo. Tác giả nhận xét rằng nói đến ông Nguyễn Mạnh Tường là người ta nhớ đến ông là một thanh niên có 2 bằng tiến sĩ ở Pháp, và xem đó là một siêu thành tích. Nhưng chẳng ai biết ông để lại công trình gì cho đời.

Tác giả cuốn sách có lần gặp cụ Tường và nhận xét rằng “[…] tôi thú thực không thấy gì đặc sắc. Ông nói nhiều điều đúng, không có gì để phản đối cả, nhưng đều là những điều rất thông thường.”

Hay nhắc đến Trần Đức Thảo là người ta nghĩ ngay đến cái bằng thạc sĩ triết học của ông và ông từng tranh luận với Jean Paul Sartre, nhưng chẳng ai biết ngoài tranh luận đó ông để lại gì cho đời. Tác giả cuốn sách tỏ ra không ‘ấn tuợng’ với cụ Thảo: “[…] đọc một tập sách ngắn – đúng ra phải gọi là một bài dài – của ông nhan để Un itinéraire (Một lộ trình), trong đó ông tóm lược diễn tiến tư tưởng của ông. Thú thực tôi thấy nó rất xoàng, phải nói thẳng là quá xoàng.”

Phải nói là tác giả này rất can đảm, nhưng những nhận xét của ông làm cho người Việt phải suy nghĩ lại hiện tượng xính bằng cấp. Phải là người làm việc thực tế trong các thiết chế ở phương Tây mới thấy tác giả nói rất đúng. Các tập đoàn kỹ nghệ tuyển dụng nhân viên, chuyên gia không quá đặt nặng bằng cấp mà là thực chất.

Hôm nọ, một em sinh viên trong nhóm đi phỏng vấn ở một công ty về AI, em kể chuyện rất thú vị mà tôi cũng không biết. Em kể rằng khi vào phỏng vấn, họ chẳng thèm đọc CV của em với thành tích lừng lẫy trong học tập ra sao, họ chỉ cái bảng trắng đó và yêu cầu em viết ra viễn kiến của mình, và có khi yêu cầu viết mã máy tính luôn cho họ xem. Em ấy rớt phỏng vấn.

Xin việc ở ngân hàng, họ chẳng thèm xem cái bằng tiến sĩ của em; họ đưa ra một vấn đề và hẹn vài ngày sau trình bày giải pháp ra sao. Do đó, những gì vị tác giả kia nói là rất đúng: bằng cấp chỉ là điều kiện tối thiểu thôi, còn thực tài và năng lực mới là yếu tố quyết định thành bại trong xã hội hiện đại.

Nhưng ở Việt Nam chúng ta, bằng cấp và danh xưng xem ra được quan trọng hơn là thực tài và thực lực. Để có chức vụ nào đó, người ta phải phấn đấu để có cái bằng cấp nào đó, và đó là qui định cứng. Thành ra, bằng cấp trở thành cứu cánh, thay vì chỉ là một phương tiện.

Qui luật Goodhard nói rằng khi một đo lường trở thành mục tiêu thì đo lường đó không còn là một đo lường tốt nữa (“When a measure becomes a target, it ceases to be a good measure”). Tương tự, khi bằng cấp trở thành mục tiêu thì người ta sẽ làm mọi thứ để đạt mục tiêu mà bất kể đến hậu quả. Hậu quả của việc chạy theo bằng cấp là sự hi sinh về phẩm chất và thực học.

Hậu quả là người ta học chỉ để lấy bằng cấp, chớ không học cho giỏi. Bằng cấp cho ra danh xưng. Danh xưng làm cho họ cảm thấy có vị trí trong xã hội và làm cho họ khác thường. Sự khác thường đó có thể thấy rất rõ ở những nơi như Việt Nam.

Ở Việt Nam ngày nay, hiện tượng xính danh không còn là ngoại lệ mà là một qui ước chung, và nó thể hiện rất rõ trong các buổi lễ lạc. Chú ý các hội nghị ở Việt Nam mà người MC giới thiệu các diễn giả với những danh xưng trước tên còn dài hơn cả tên của diễn giả. Chẳng hạn như “Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lực lượng vũ trang, Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Bác sĩ XYZ”.

Có diễn giả còn được giới thiệu hàng loạt chức danh trước tên ông. Thoạt đầu tôi còn ngạc nhiên, và tử hỏi sao cần nhiều danh xưng như thế. “Phó giáo sư” là đủ rồi, thêm chi tiến sĩ cho rườm rà?! “Tiến sĩ” là đủ rồi, cần gì đến “Tiến sĩ khoa học”? Còn mấy chức vụ thì chỉ là chức vụ chớ có phải danh xưng danh xiếc gì cho phức tạp? Nghĩ vậy trong bụng, nhưng không dám nói ra.

Ông thầy cúng đình đám kia có tới 6 bằng tiến sĩ, nhìn bề ngoài thì rất ‘ấn tượng’, nhưng những phát ngôn dữ dằn của ổng xem ra không tương đồng với khối lượng bằng cấp đó. Những ai có kinh nghiệm về giáo dục đại học biết ngay cái “đại học Apollos” đó (mà ông ấy là ‘giáo sư’) là gì, vậy mà một người có 6 bằng tiến sĩ không biết!

Sự quan trọng hoá bằng cấp và danh xưng làm xã hội phải trả giá cho sự chậm tiến và lệ thuộc của đất nước. Một đất nước với hơn 25 ngàn tiến sĩ và hơn 10 ngàn giáo sư nhưng bằng sáng chế cấp quốc tế thì chỉ đếm đầu ngón tay. Rất nhiều việc hệ trọng mà đáng lý ra với thực lực đó thì có thể làm được ở trong nước, thế mà trong thực tế thì không làm được, hay làm nhưng không đạt, hay vẫn phải lệ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài! Chỉ khi nào chúng ta tập trung vào năng lực thực và thoát khỏi sự nô lệ bằng cấp thì đất nước mới khá được.

Nguyễn Văn Tuấn

____

[1] Thời Khổng Tử và hậu Khổng Tử, xã hội Tàu chia công chúng thành 3 nhóm người từ thấp đến cao dựa vào vị trí trong xã hội: tiểu nhân, quân tử, và vương hầu.

Tiểu nhân ở đây không phải hiểu theo nghĩa tiếng Việt là người nhỏ mọn, mà là một nhóm người thấp nhứt trong 3 giai tầng xã hội, hay nói nôm na là “quần chúng”.

Quân tử hay “sĩ” là những kẻ có học, có hiểu biết hơn tiểu nhân, và được bọn vương hầu tin dùng.

Vương hầu là những kẻ thuộc dòng dõi vương quyền hay quý tộc sở hữu nhiều đất đai và nông nô.

Đối với đa số quần chúng, cái vị trí mà họ muốn đạt tới là quân tử hay sĩ. Và, trong đa số trường hợp chỉ có con đường học vấn mới giúp họ vào được cái ‘bộ lạc’ của bọn sĩ.