Nguyên Yên: ‘Midlife Crisis’: Cơn Bão Giữa Đời

Cơn bão giữa đời – tranh: Ann Phong

12:05 giờ đêm, từ buổi tiệc Giáng Sinh ở nhà cô bạn thân ra về, một cảm giác ứa nghẹn bất chợt trào lên. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình tắp xe vào bờ đường xa lộ, rồi không thể tự kiềm chế, từng cơn nấc ào đến, nước mắt ràn rụa, tôi khóc như thể vừa hay tin người thân yêu nhất mới qua đời. 

Cơn òa vỡ đầu tiên này xảy ra vào một đêm cuối tháng 12, khi tôi ở tuổi 46.  

Thật ra, nhiều ngày, tháng trước đó, mọi giác quan trong người đã phát ra nhiều tín hiệu cảnh báo về một cơn chấn động kéo theo những hoang mang, những trăn trở về ý nghĩa, lẽ sống…  Nhưng bận rộn với việc chứng minh bản thân qua nhiều vai trò, trái tim tôi không có chỗ cho cảm xúc lạ, cái đầu coi thường khái niệm “midlife crisis”.  Tôi lúc đó, ở tuổi còn “trẻ”, còn cứng rắn cho rằng một người chỉ trải qua những cảm xúc hoang mang vật lộn giữa đời bởi người đó chưa chịu đựng đủ hoặc chưa hy sinh đủ. Một khi bạn ngừng than phiền, ngừng chất vấn, tập trung làm việc chăm chỉ, cố gắng lên thì bạn sẽ không có thời giờ cho những cảm xúc “quởn” này. 

Hóa ra, tôi không phải là người duy nhất phủ nhận cơn địa chấn này.

Năm 1965, một bác sĩ và nhà phân tích tâm lý học người Canada, Elliott Jaques đã giới thiệu thuật ngữ “midlife crisis” hay “khủng hoảng tuổi trung niên”, một khái niệm định hình cách nhìn nhận về sự lão hóa, về cuộc đời và sự mất mát. Jaques bắt đầu suy nghĩ về khái niệm này vào năm 1952, ở tuổi 35, sau khi đọc Inferno của Dante– một tập thơ mô tả hành trình vào bóng tối và vượt qua trầm cảm ở tuổi trung niên. 

Khi Jaques lần đầu trình bày bài học thuật của mình về “Cái Chết và Khủng Hoảng Tuổi Trung Niên” tại Hiệp Hội Phân Tâm Học Anh Quốc vào năm 1957, bài này được đón nhận một cách thờ ơ và không được Tạp chí Quốc tế về Phân tâm học chấp nhận. Mãi cho đến tám năm sau, khái niệm này mới được công nhận với luận trình nghiên cứu mới của Ông dựa trên 300 nghệ sĩ sáng tạo và nhiều trường hợp khác trong thực hành lâm sàng, trong đó Jaques chỉ ra rằng trong những năm trung niên, khi “giai đoạn đầu của cuộc sống trưởng thành đã trôi qua”, việc thích nghi với một loạt hoàn cảnh mới là điều cần thiết, khi công việc và gia đình đã ổn định; cha mẹ đã già; và con cái đang “ở ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành”. Theo nghiên cứu này, những người bước vào tuổi trung niên lúc bấy giờ nếu không thiết lập được sự thành công trong nghề nghiệp hay hạnh phúc hôn nhân sẽ khiến họ thiếu khả năng chuẩn bị đối mặt với những hoang mang giữa đời; và kết quả là họ có thể biểu hiện các đặc tính mà sau này trở thành những mẫu số chung xác định giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên ‘midlife crisis’ như: vỡ mộng với cuộc sống; không hài lòng với sự nghiệp, chất vấn về bản thân; nỗ lực tuyệt vọng để trì hoãn sự suy giảm tinh thần và thể chất; xa lánh người thân và trách nhiệm gia đình; tìm ý nghĩa mới trong đời sống, tìm cuộc sống mới… 

Theo định nghĩa của Jacques thì sự thiếu trưởng thành về tâm lý là yếu tố tạo ra khủng hoảng và được che giấu bằng quyết tâm cuồng nhiệt nhằm níu kéo hay cản trở thời gian đang trôi qua. Định nghĩa một cách khác, khủng hoảng tuổi trung niên là cuộc đối mặt với bản ngã và sự thức tỉnh.

Ngoài những biểu hiện sinh lý rõ rệt như đàn ông rụng tóc, đàn bà tắt kinh… thì có lẽ nếu bạn nhìn vào từng “sự kiện” trong giai đoạn trung niên như một cuộc đấu tranh riêng lẻ, độc lập, bạn có thể thuyết phục chính mình rằng chúng ta chỉ đang đối mặt với một vài “khủng hoảng” nhỏ. Nhưng sự thật là, khủng hoảng tuổi trung niên giống như một chuỗi các cú thúc kết nối bởi lo âu, trầm cảm âm ỉ, sự tuyệt vọng lặng lẽ, và cảm giác mất kiểm soát ngầm. 

Những biểu hiện âm ỉ, lặng lẽ này đủ khiến bạn phát rồ, nhưng lại không đủ để người khác nhận ra và hỗ trợ bạn. Đây là một kiểu “vật lộn” nguy hiểm — loại khiến bạn bề ngoài phải giả vờ rằng mọi thứ vẫn ổn.

Chúng ta vẫn đi làm, vẫn nấu nướng dọn dẹp, vẫn bày bàn ăn, vẫn yêu thương gia đình, bạn bè, đi cắt tóc làm móng tay… Bề ngoài, mọi thứ trông rất bình thường. Nhưng bên trong, chúng ta hầu như không thể giữ điều gì ổn định nỗi. Chúng ta muốn chia sẻ, nhưng sự phán xét của chính bản thân chúng ta lại ngăn cản. Đây là một trường hợp điển hình của “mâu thuẫn nhận thức”—quá trình chấn thương tâm lý khi phải đối mặt với hai sự thật đối lập trong tâm trí, một tâm trí vốn được lập trình để giảm thiểu xung đột và bất đồng. Chẳng hạn: 1. Tôi đang sụp đổ và cần chậm lại để tìm kiếm sự thông hiểu và 2. Chỉ những người yếu đuối, thất bại mới sụp đổ và yêu cầu giúp đỡ. 

Bản chất con người và sinh học não bộ khiến chúng ta làm mọi cách để giải quyết mâu thuẫn nhận thức này—nói dối, gian lận, hợp lý hóa, biện minh, phớt lờ, phản kháng… Đối với hầu hết chúng ta, đây chính là lúc khả năng gìn giữ hình ảnh/uy tín của bản thân phản tác dụng. Chúng ta bị giằng xé giữa việc muốn mọi người nhận ra cuộc đấu tranh của mình, muốn được công khai sống với cảm xúc “mới”, con người “mới” của mình, đồng thời làm mọi cách để che đậy những điều đang sôi sục trong chúng ta.

Từ những xáo trộn nội tâm này, những tưởng tượng bắt đầu nảy sinh dẫn đến những hành động khó tưởng. 

Với phụ nữ, khủng hoảng tuổi trung niên thường thầm lặng khó phát hiện, bắt đầu bằng những nỗi buồn vu vơ bất chợt, những thất vọng chán chường, đến một lần ngừng xe khóc một cơn cho đã bên lề đường rồi lau sạch nước mắt, vuốt tóc thẳng thắn về nhà với chồng con bằng một nụ cười trên khuôn mặt như không việc gì xảy ra. Lần kế tiếp, khi lái xe ngang qua một khách sạn rẻ tiền, bạn thầm nghĩ: Chỉ cần vào đó và ở lại đến khi họ tìm thấy xác của mình. Hoặc có thể, khi đang dọn bát đĩa trong bếp, bạn chỉ muốn ném đám bát đĩa qua cửa sổ, và tự hỏi: mọi người sẽ nghĩ gì về mình, rồi sao?

Phần lớn chúng ta từ bỏ những suy nghĩ thoáng qua đó. Chúng ta sẽ phải dậy đúng giờ thay đồ sửa soạn chỉnh tề đi làm. Chúng ta phải ăn diện đẹp lái xe đến tiệc Giáng Sinh vì bạn bè và người thân đang chờ sự có mặt “đương nhiên” của chúng ta ở đó. Và tất cả sẽ được nuốt xuống, đẩy vào, cho đến khi “òa vỡ”.

Đối với nam giới, xáo trộn này tuy không kém phức tạp nhưng phần nào điển hình dễ nhận thấy hơn, vì những hành động của các ông thường “ầm ĩ” tính phản kháng, ví dụ như cà tối đa thẻ tín dụng hay xài một khoản tiền để dành lớn, tậu cho bản thân một chiếc xe thể thao mui trần nổi bật, nghỉ làm và “mất tích” vài ngày, đi chơi xa một mình không rủ vợ con đi cùng, hay xa hơn nữa, vụng trộm với người yêu mới, bước vào một cuộc tình mới, theo đuổi một cuộc sống mới… Theo các dữ liệu nghiên cứu cho thấy một phần đáng kể đàn ông trải qua khủng hoảng tuổi trung niên thường dính đến các vụ ngoại tình tuy số liệu chính xác thay đổi tùy thuộc vào nghiên cứu và nhóm đối tượng khảo sát.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cuộc đấu tranh ở tuổi trung niên liên quan đến nỗi sợ hãi khi lần đầu tiên ta nhìn thấy rõ sự hữu hạn của cuộc đời. Nhưng sự thật không chỉ vậy. Tuổi trung niên không phải là nỗi sợ cái chết—tuổi trung niên chính là cái chết. Việc phá bỏ những bức tường mà chúng ta đã dành cả đời để xây dựng chính là một sự “chết đi.” Hoài bão, ước mơ, tình yêu, niềm tin, chí hướng… tất cả đều thu nhỏ và chết dần. Dù thích hay không, vào một thời điểm nào đó giữa tuổi trung niên, chúng ta hoặc sẽ bùng nổ, hoặc sẽ sụp đổ. Để rồi chỉ có hai lựa chọn: tiếp tục gục ngã hoặc tự tìm cho mình cách để “chịu đựng” tiếp tục.

Thật mỉa mai khi những điều từng giúp chúng ta an toàn khi trưởng thành cuối cùng lại trở thành rào cản ngăn chúng ta trở thành người cha, người mẹ, người bạn đời hoặc con người lý tưởng mà mình hằng mong muốn, xây đắp. Có thể bạn xưa nay là người luôn làm hài lòng mọi người và tuân thủ các quy tắc, nhưng giờ đây sự hoàn hảo đó lại trở thành gánh nặng đè trĩu tâm hồn bạn. Hoặc có thể bạn luôn giữ khoảng cách với người khác để bảo vệ bản thân, nhưng giờ khoảng cách ấy đã biến thành sự cô đơn không thể chịu nổi. Hoặc có thể bạn từng chăm sóc hoặc làm vừa lòng người khác vì không có lựa chọn nào khác, và giờ đây bạn phải học cách chăm sóc bản thân và đối mặt với phản ứng dữ dội từ việc đặt ra ranh giới mới.

Một cách khác, chúng ta dành nửa cuộc đời đầu đóng lại cảm xúc nhằm sống mẫu mực tránh khổ đau mưu cầu hạnh phúc cho người thân và gia đình, và nửa đời sau mở lòng ra hết cỡ hầu được “sống lại” và chữa lành những tổn thương cho bản thân. 

Thật ra, khi cảm giác “phá bỏ bức tường và đối mặt với sự tàn tạ và cái chết của tâm hồn” trở nên quá tải, nghĩ về tuổi trung niên như một hành trình tìm kiếm tình yêu bản thân sẽ giúp chúng ta phần nào dễ đối phó hơn. Yêu thương bản thân là điều khó khăn và dũng cảm nhất mà con người có thể làm. Có lẽ, chúng ta chỉ có một khoảng thời gian hữu hạn để tìm thấy tình yêu đó, và trung niên là dấu mốc giữa cuộc hành trình. Đây là lúc có thể buông bỏ sự xấu hổ và sợ hãi để đón nhận tình yêu này. Đã đến lúc hoặc tiến lên, hoặc bỏ cuộc.

Hành trình này không có thời biểu cố định. Khi nó đến, với tôi, ở tuổi 46 (và nó vẫn còn ở lại). Với một số người quen, nó xảy ra từ tuổi 30 đến 60, bất kể nam nữ, bất kể trình độ, bản tính… Nhưng một điều tôi nghiệm ra: hành trình này chỉ kết thúc khi chúng ta chết đi. Đây không phải là điều chúng ta có thể “chữa trị” rồi bỏ qua. Tình yêu bản thân là một căn bệnh mãn tính khởi đầu từ trung niên và kéo dài đến hết đời. Nó có thể giúp tâm hồn thăng hoa, hoàn thiện, ngược lại cũng có thể kéo chúng ta “vùi dần, vùi sâu” [1] xuống vũng lầy.

Với tôi, đã 10 năm sau cơn “òa vỡ” đầu tiên, tôi vẫn thấy mình đang nuốt xuống “cục nghẹn” trên đường lái xe về từ buổi tiệc cuối năm vừa qua. Tôi hiểu rõ tuổi trung niên không phải là một cuộc khủng hoảng. Tuổi trung niên là một sự đứt gãy. 

Như Dante đã viết trong Inferno: “Giữa cuộc hành trình của đời người, tôi lạc vào một khu rừng tăm tối, nơi con đường thẳng đã không còn thấy nữa.” [2]

Khủng hoảng tuổi trung niên, giống như khu rừng tăm tối của Dante, là nơi chúng ta buộc phải lạc lối để tìm lại con đường dẫn đến chính mình. Với ngọn đèn tâm thức [3] soi rọi, liệu “Chúng ta rồi sẽ bước ra để lại được ngắm nhìn các vì sao.”? [4]

Nguyên Yên

—————-

[1] Lời trong bài Vũng Lầy của Chúng Ta, Lê Uyên Phương

[2] & [4]: Trích trong “Inferno”, phần I của tác phẩm kinh điển “Thần Khúc” của Dante Alighieri. 

[3] Trong hành trình qua ba cõi: Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường, Dante liên tục hướng về ánh sáng mặt trời như một mục tiêu để đạt đến sự thanh tẩy và hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và vũ trụ. “Mặt trời tâm thức” trong tác phẩm của Dante chính là biểu tượng cho sự soi sáng nội tâm, giúp con người nhận thức rõ ràng hơn về chính mình và con đường hướng tới cứu rỗi.