Nhã Duy: Việt Nam, tấm bia thuế quan

Đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất…là những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Mỹ, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề vì mức thuế quan 46% của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Hồi tháng Một, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bảo rằng ông ta sẳn sàng đến Mar-a-Lago của Trump tại Florida và “chơi gôn cả ngày” nếu điều đó có lợi cho VIệt Nam. Dù câu nói đùa hay thật về điều xem như một kiểu “ngoại giao sân gôn”, thì Việt Nam cũng đã gấp rút thực hiện không ít điều trong vài tháng qua hầu làm vừa lòng phía Mỹ như cam kết nhanh chóng nhận lại người Việt bị trục xuất, ký kết thêm các giao dịch mua hàng của Mỹ, hạ thấp thuế suất nhiều mặt hàng nhập cảng từ Mỹ, thậm chí tạo mọi điều kiện dễ dàng cho hợp đồng xây sân gôn của tập đoàn Trump tại Hưng Yên, cũng như nhắm sang cả Elon Musk khi cho phép SpaceX bắt đầu thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt nam.

Tuy nhiên với hy vọng mong manh rằng Việt Nam có thể đứng ngoài lề những hăm dọa thuế quan mà nội các Donald Trump đưa ra đã hoàn toàn sụp đổ với mức thuế 46 % lên hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam sang Mỹ, nằm hàng đầu trong danh sách khoảng 60 quốc gia khác mà Trump vừa tuyên bố hôm nay.

Thật ra điều này cũng không là điều ngạc nhiên cho Việt Nam, dù mức thuế quan có cao hẳn so với các dự đoán, Donald Trump và các cố vấn thân cận của ông ta đã từng vài lần nhắc đến Việt Nam như một quốc gia thủ lợi trong quan hệ mậu dịch với Hoa Kỳ. Hai tuần trước, trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình cực hữu Breitbart, cố vấn cao cấp về mậu dịch của Trump là Peter Navarro đã thẳng thừng nhắc đến Việt Nam với lời lẽ chẳng mấy gì thiện cảm rằng, “Trung Quốc là kẻ gian lận bậc nhất thế giới, nhưng EU và Việt Nam bám sát nút…” (China is certainly the biggest cheater in the world, but the EU–the European Union–and Vietnam run close seconds…).

Bởi trong mắt của Donald Trump và nội các của ông ta, cả thế giới dường như trở thành những kẻ lừa đảo, xấu xa với nước Mỹ, cho dù có là đồng minh lâu năm. Tuyên bố trong “Ngày Giải phóng” hôm nay, Trump dùng những từ ngữ nặng nề nhất để chỉ trích cả thế giới rằng là “đất nước chúng ta đã bị “hôi của, trấn lột, hãm hiếp, cướp bóc” bởi các quốc gia khác” (our country has been looted, pillaged, raped, plundered by other nations). Là công dân có lòng tự trọng và có niềm hãnh diện quốc gia, người dân thế giới, hay người dân Việt Nam nghĩ gì khi bị Donald Trump xem là những kẻ lừa đảo như vậy?

Thật ra, từ vài thập niên qua, việc mở rộng thị trường cùng việc nhập cảng hàng hóa từ các quốc gia đang phát triển đã mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn Mỹ khi tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt tại các quốc gia này, kể cả Việt Nam, Lào, Campuchia… Theo số liệu từ Bộ Lao Động, chi phí nhân công trung bình tại Mỹ hiện nay, bao gồm tiền lương, các loại thuế và quyền lợi, là 44.67 đô la mỗi giờ, trong khi đó tại Việt Nam chỉ có hơn ba đô la và Miến Điện, Lào, Campuchia còn thấp hơn, chưa đến phân nửa chi phí nhân công Việt Nam. Thâm thủng mậu dịch không bởi vì Mỹ tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam hay các nước quá nhiều mà đơn giản, Mỹ chỉ đang nhập cảng chính hàng hóa của mình làm tại nước ngoài có nhân công giá rẻ. Đôi giày Nike hay Reebok có sản xuất tại Việt Nam vẫn là đôi giày của Mỹ và xe Ford hay GM có lắp ráp tại Mexico hay Canada cuối cùng vẫn là chiếc xe hơi Mỹ.

Mặt khác, Mỹ hưởng một nguồn cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa, nông sản thực phẩm dồi dào mà Mỹ không sản xuất hay thiếu hụt từ khắp thế giới. Bởi Mỹ không phải là quốc gia của kỹ nghệ sản xuất, chỉ chiếm khoảng 10% trong toàn bộ GDP, vốn phụ thuộc vào dịch vụ và tiêu dùng.

Hoặc nếu nhìn vào góc cạnh GDP sẽ cho thấy một bức tranh rộng hơn. Từ vài thập niên vừa qua, Mỹ đã liên tục tăng trưởng kinh tế, chỉ gián đoạn vài năm do chiến tranh và dịch bệnh. Theo các số liệu từ chính phủ thì với GDP chỉ trên dưới 6,000 tỉ đô la vào đầu thập niên 90s, GDP của Mỹ đã tăng đến 29,724 tỉ trong năm qua, chiếm 26% GDP thế giới và cao hơn tổng GDP của các quốc gia còn lại trong nhóm G7. Các số liệu này cho thấy nước Mỹ bỗng dưng trở thành nạn nhân “bị trấn lột” hay là ngược lại? Tuy nhiên điều này có thể bàn luận và dẫn chứng qua các số liệu trong dịp đến, bây giờ hãy cùng trở lại vấn đề Việt Nam.

Là một quốc gia phụ thuộc vào xuất cảng hàng đứng đầu thế giới, với giá trị khoảng trên 80% GPD của Việt Nam đến từ việc xuất cảng hàng hóa và dịch vụ, trong đó Mỹ là quốc gia xuất cảng hàng đầu với 134 tỉ đô la trong năm qua. Mức áp thuế Trump đưa ra đã không chỉ đẩy Việt Nam mà cả các quốc gia Châu Á khác vào tình thế khó khăn, cả về kỹ nghệ sản xuất lẫn thị trường việc làm. Điều này dường như không còn chọn lựa nào khác hơn nếu họ chuyển hẳn đối tác chiến lược sang Trung Quốc và Châu Âu, theo chân Nhật và Nam Hàn đã tuyên bố.

Giữa tháng Tư này, Tập Cận Bình và giới lãnh đạo khối Liên Âu sẽ có chuyến công du sang Việt Nam, ắt không gì khác hơn ngoài mục đích mở rộng sự hợp tác và mối quan hệ đa phương mới không phụ thuộc vào Hoa Kỳ đang tự cô lập và đánh mất vị trí lãnh đạo của mình. Và như vậy, vai trò cùng ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng thêm lớn mạnh trong trận chiến thuế quan này thay vì nếu Mỹ chỉ áp thuế và cô lập Trung Quốc.

Chính sách thuế quan đã xuất hiện từ lâu và có những lợi-hại tùy theo mối quan hệ giao dịch thương mại và điều kiện mỗi quốc gia. Tuy nhiên việc áp thuế nặng nề với hầu hết các quốc gia, thay đổi cả nền tảng giao dịch thương mại thế giới từ hàng trăm năm qua, Mỹ đang tuyên chiến với cả thế giới trong trận “thế chiến” mậu dịch mà thiệt hại sẽ không tránh khỏi cho bất cứ quốc gia nào.

Với Việt nam, trở thành tấm bia trong trận chiến thuế quan này, Việt Nam sẽ phải chọn cho mình một hướng khác hơn dưới thời Donald Trump nhiệm kỳ hai cũng như người dân Việt Nam sẽ có cơ hội nhìn lại chính sách và con người của Donald Trump rõ ràng hơn.

Nhã Duy