Nhật Hiên: Bầu cử ở các nước khác, ngậm ngùi cho người dân Việt Nam

Bầu cử ở Anh và Pháp

Ngày 4/7 vừa qua nước Anh có cuộc tổng tuyển cử, bầu chọn 650 thành viên của Quốc hội. 

Kết quả, đảng Bảo thủ (Conservative Party) thua đậm sau 14 năm cầm quyền, bị mất 251ghế, chỉ còn lại 121 ghế – một thất bại kỷ lục trong lịch sử lâu dài của đảng này. Đảng Lao Động hay còn gọi là Công Đảng (Labour Party) thắng lớn, chiếm 412 ghế, nhưng nếu tính theo tỷ lệ số phiếu bầu thì chỉ 33.75%, nhỏ nhất đối với một đảng chiếm đa số trong lịch sử Anh, thua xa thời Tony Blair giành được chiến thắng vào năm 1997 với 43.2%, 419 ghế. Có nghĩa là người nào đã quyết định bầu cho Đảng Lao động thì vẫn bầu cho đảng Lao Động, nhưng rất nhiều người từ trước tới giờ vẫn bầu cho đảng Bảo thủ thì không bầu cho đảng này nữa, mà bầu cho các đảng khác: Đảng Lao Động, đảng Dân chủ Tự do thuộc cánh tả (Liberal Democracy) – giành được 72 ghế, và đảng Cải Cách (Reform) – đảng dân túy cánh hữu, đảng này có 14.3% số phiếu bầu nhưng chỉ giành được 5 ghế, vì là đảng mới và vì hệ thống bầu cử ở Anh 

Đây là cách nhiều người Anh “trừng phạt” đảng Bảo thủ vì đã không thực hiện những lời hứa khi tranh cử, trong đó kinh tế và nạn nhập cư hàng loạt là hai vấn đề lớn nhất; cũng như một thời gian dài hỗn loạn qua 5 đời Thủ tướng chỉ trong vòng vài năm: Theresa May ((2016–2019), Boris Johnson (7/2019-9/2022), Liz Truss (cầm quyền chỉ có 49 ngày từ tháng 9 đến tháng 10.2022, từ chức vào ngày thứ 50, khiến bà trở thành thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh) và Rishi Sunak (10/2022-7/2024).

Ông Thủ tướng đương nhiệm, Rishi Sunak, lãnh đạo Đảng Bảo thủ phải rời ghế Thủ tướng, đồng thời xin từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, trong lúc ông Keir Stammer, lãnh đạo Đảng Lao Động trở thành Tân Thủ tướng của nước Anh.

Như đã nói, nhìn từ bên ngoài, đảng Lao Động có vẻ thắng lớn, nhưng do hệ thống bầu cử của Anh (First Past the Post system/winner-takes-all system), nên tính theo số phiếu bầu thì lại không phải. Do đó, kết quả bầu cử vẫn là “có triệu người vui, có triệu người buồn” (nhái câu cố Thủ tướng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Văn Kiệt từng nói), và hàng triệu người khác vẫn bi quan. Bởi vì với chính sách của Đảng Lao Động cánh tả, chắc chắn những vấn đề như thuế quá cao, nạn lạm phát, kinh tế khó khăn, nạn nhập cư hàng loạt…vẫn sẽ không được giải quyết, có khi còn tệ hơn!

Điều an ủi cho người Anh là môi trường đạo đức chính trị vẫn chưa đến nỗi nào, người thua cuộc là ông Rishi Sunak có bài diễn văn nhận trách nhiệm về sự thất bại, xin lỗi cử tri và những người cùng đảng Bảo thủ bị mất ghế trong đợt này, và chúc mừng người mới. Người thắng cuộc Keir Stammer cảm ơn người tiền nhiệm, tuyên bố sẽ đặt quốc gia lên trên hết “country first, party second”, và sẽ phục vụ cho tất cả người dân Anh, kể cả những người không bầu cho ông và cho đảng Lao Động. Ngay ngày hôm sau ông Rishi Sunak dọn ra khỏi Tòa nhà dành cho Thủ tướng số 10 Downing Street và ông Keir Stammer dọn vào. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, lịch sự, hòa bình điều mà nước Mỹ đã từng có nhưng từ khi Donald Trump lên làm Tổng thống thì mọi chuyện mới khác đi.

Nhìn sang nước Pháp, kết quả bầu cử Quốc hội vòng hai ngày 7/7, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (New Popular Front/Nouveau Front Populaire) đã bất ngờ về đầu, nhưng không có được đa số tuyệt đối. Liên minh này đã giành được 182 ghế, so với 168 ghế của khối trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron, được gọi là Đồng Hành (Together/Ensemble). Đảng Tập Hợp Quốc Gia (National Rally/ Rassemblement national), đảng cực hữu của bà Marine Le Pen chiếm 143 ghế, tuy thất bại và chỉ đứng thứ ba so với dự đoán sẽ về đầu sau kết quả có thành tích cao nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tuần trước, nhưng vẫn vẫn chứng tỏ đảng này ngày càng mạnh lên.

Chưa bao giờ phe cực hữu giành chiến thắng cao như vậy trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội Pháp. Có nhiều lý do: chiến tranh, kinh tế, lạm phát, sự bất bình trước việc giá cả tăng lên do phải chi nhiều cho nguồn năng lượng sạch, nạn nhập cư hàng loạt, nỗi lo lắng và tức giận của người dân khi thấy từ xã hội cho tới văn hóa, bản sắc của quốc gia bị thay đổi vì cộng đồng nhập cư quá lớn và quá nhanh v.v…khiến một số đảng cánh hữu và cực hữu chiến thắng tại các cuộc bầu cử gần đây, kể cả bầu cử nghị viện châu Âu hay bầu cử quốc hội tại Pháp. Người ta dự đoán trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới vào tháng 10.2025 đảng cánh hữu cũng sẽ thắng ròn rã ở Canada. 

Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) mới thành lập vào tháng trước gồm các đảng Nước Pháp Bất Khuất (France Unbowed /La France Insoumise), đảng Xã Hội (Socialist Party/ Le Parti Socialiste), đảng Xanh (Green Party/Les Écologistes), đảng Cộng Sản (French Communist Party/ Parti communiste français) và một vài đảng nhỏ khác, với mục tiêu nhằm ngăn chặn đảng Tập Hợp Quốc gia của bà Le Pen nắm quyền. Đảng Tập Hợp Quốc Gia được cho là theo chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi châu Âu, phản đối nạn nhập cư hàng loạt, bản thân bà Marine Le Pen còn bị nhiều người Pháp chỉ trích vì thân Putin, từng dính bê bối tranh cử bằng tiền vay của Nga v.v…; vì vậy nhiều người Pháp, nhất là những người nhập cư, tỏ ra vui mừng reo hò khi đảng này thất bại; nhưng cũng có những người Pháp lo sợ về những gì phe cực tả sẽ mang lại với đảng Nước Pháp Bất Khuất –đảng lớn nhất trong liên minh, được cho là có nền chính trị cực tả bạo động.

Những người ủng hộ các đảng cánh tả, ủng hộ đảng chính trị có đường lối trung dung của Tổng thống Macron hoặc lo sợ đảng cực hữu chiến thắng, ăn mừng tại Quảng trường Cộng Hòa (Place de la République), Paris, ngày 7 tháng Bảy.

Kết quả này cũng là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống ôn hòa Emmanuel Macron, người đã kêu gọi cuộc bầu cử nhanh chóng để làm rõ cục diện chính trị sau khi tấm vé của ông bị đảng Tập Hợp Quốc Gia đánh bại trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng trước.

Cuối cùng, ông đã tạo ra một quốc hội cực kỳ chia rẽ, điều này được cho là sẽ làm suy yếu vai trò của Pháp trong Liên minh châu Âu và các nơi khác ở nước ngoài, đồng thời khiến bất kỳ ai cũng khó có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự trong nước.

Trong bài “France and Britain are changing places” của Gideon Rachman đăng trên tờ Financial Times, 08/07/2024, được Nguyễn Thị Kim Phụng chuyển ngữ sang tiếng Việt “Pháp và Anh đang đổi chỗ cho nhau trong chính trị châu Âu” trên trang Nghiên cứu Quốc tế có nói những  ý như sau:

…Anh và Pháp đang ngồi ở hai đầu đối diện của một chiếc bập bênh chính trị. Ba ngày sau khi người Anh bầu ra một chính phủ trung dung, thực dụng, với đa số phiếu lớn, người Pháp đã đưa ra một lựa chọn hoàn toàn trái ngược. Cuộc bầu cử cơ quan lập pháp hôm Chủ nhật 30/06 đã tạo ra một quốc hội bế tắc, với cả phe cực hữu và cực tả đều giành được ưu thế.

Ở Anh, thời kỳ hỗn loạn chính trị bắt đầu từ cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 cuối cùng cũng có thể kết thúc. Nhưng ở Pháp, thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài có lẽ chỉ mới bắt đầu.

…..

Thật không may là chu kỳ chính trị của Pháp và Anh lại không đồng bộ. Bất chấp bản năng cạnh tranh với nhau, việc hai nước hợp tác có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Họ là những nước láng giềng và là những nền dân chủ với quy mô dân số tương đương. Họ cũng giữ lại một số biểu tượng của vị thế cường quốc, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân và ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, dù không còn sức mạnh kinh tế để củng cố vị thế đó.

Cả Pháp và Anh đều cố gắng đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Cả hai nước đều chú trọng đến mối đe dọa từ nước Nga của Vladimir Putin và đều ủng hộ Ukraine một cách mạnh mẽ. Trong những thập niên gần đây, Pháp và Anh cũng là hai cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu – dù theo thời gian, việc Đức tái vũ trang có thể thay đổi điều đó.

…..

Tuy nhiên, những thách thức quốc tế mà Anh, Pháp, và toàn châu Âu phải đối mặt nhiều khả năng sẽ chỉ trầm trọng thêm trong năm tới. Cuộc chiến Ukraine hiện đang rơi vào bế tắc và nỗi lo về khả năng đột phá của Nga đang gia tăng. Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump cũng sẽ đặt ra những rủi ro rõ ràng đối với liên minh NATO và hệ thống thương mại quốc tế, theo đó đe dọa đến sự thịnh vượng và an ninh tương lai của châu Âu.

Về lý thuyết, phản ứng rõ ràng trước những mối đe dọa chung này là Pháp và Anh phải hợp tác chặt chẽ hơn với nhau – cùng thúc đẩy một sự hợp tác sâu rộng ở châu Âu, để giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của lục địa trước một thế giới nguy hiểm hơn.

Trên thực tế, những thay đổi gần đây trong chính trị của cả Pháp và Anh sẽ khiến kiểu hợp tác đó trở nên khó khăn hơn nhiều. Nếu chính sách đối ngoại của Pháp bắt đầu phản ánh những ưu tiên của các phe phái chính trị cực đoan, thì điều đó sẽ tạo ra sự xung đột rõ ràng với quan điểm của chính phủ Starmer mới ở Anh. Cả phe cực tả và cực hữu ở Pháp đều đồng cảm với nước Nga của Putin hơn nhiều so với Macron hay Starmer.

Chủ nghĩa quốc tế thực dụng của Starmer rõ ràng phù hợp hơn với các chính sách hiện tại của liên minh cầm quyền ở Đức, do Đảng Dân chủ Xã hội của Olaf Scholz lãnh đạo.

…..

Thật không may, nước Pháp đang phải giải quyết những vấn đề nội bộ, và có thể sẽ mất nhiều tháng trước khi họ có một chính phủ đủ năng lực để đưa ra phản ứng thống nhất về các vấn đề của châu Âu. Đây sẽ là một vấn đề, không chỉ đối với Anh mà còn cho toàn bộ EU.  

(hết trích)

Các nền dân chủ lớn trên thế giới tiếp tục đối mặt với những khó khăn và khủng hoảng về lãnh đạo

Từ châu Âu tới Mỹ, những vấn đề khó khăn chung nhất vẫn là kinh tế, lạm phát, giá cả leo thang do ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch Covid-19 và 2 cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine ở châu Âu và cuộc chiến giữa Israel, Hamas và các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran ở khu vực Trung Đông, nạn nhập cư hàng loạt kéo theo bao nhiêu hệ lụy không chỉ gánh nặng về kinh tế mà an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa…của từng quốc gia. Và khủng hoảng về lãnh đạo.

Ở Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống 2024 sắp tới người dân Mỹ phải chọn lựa giữa 2 ứng cử viên lớn tuổi Biden và Trump, mỗi người đều có những hạn chế, những vấn đề riêng của mình. Với Biden là vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất mà cuộc tranh luận thứ nhất trong năm 2024 giữa 2 người vào tháng Sáu vừa qua đã cho thấy một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, còn Donald Trump thì vẫn là Donald Trump – phủ nhận thực tế và hiểu biết nông cạn về các vấn đề quốc tế, là người hoàn toàn không coi trọng luật pháp và Hiến pháp Mỹ trong suốt cuộc đời nói chung và trong 4 năm làm Tổng thống Mỹ nói riêng. Thế nhưng, hai người lại được các đảng Dân chủ và Cộng hòa coi là điều tốt nhất mà nước Mỹ có thể đưa ra cho vai trò lãnh đạo thế giới tự do.

Trong khi đó thì thì người Anh phải chọn lựa giữa ông Rishi Sunak, đương kim Thủ tướng, lãnh đạo Đảng Bảo thủ, một người bị xem là không mạnh mẽ và quá giàu để để có thể hiểu được những mối quan tâm thường ngày của tầng lớp lao động, và ông Keir Starmer, lãnh đạo Đảng Lao động, các đối thủ trong đảng Bảo thủ gọi là ‘Sir Flip-Flop’ vì nay nói thế này mai lại quay đầu nói thế khác, không đáng tin cậy. 

Nhìn sang Pháp cũng vậy, từ Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron cho tới bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Tập Hợp Quốc Gia hay một nhân vật nào đó do liên minh cánh tả bầu chọn ra làm Thủ tướng sắp tới, chắc chắn cũng đều chỉ làm hài lòng được một bộ phận dân Pháp. 

Nhìn lại Việt Nam

“Tứ trụ” Việt Nam hiện nay:
Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng Cộng sản VN
Ông Tô Lâm – Chủ tịch nước
Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng
Ông Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Quốc hội

Dù sao đi nữa, người dân tại các quốc gia dân chủ vẫn có niềm hạnh phúc lớn lao là được đi bầu, được dùng lá phiếu để nói lên tiếng nói của mình, rồi sau đó hồi hộp theo dõi kết quả, khóc, cười tùy theo. Còn người dân Việt Nam, từ gần tám thập niên đến nay ở miền Bắc và gần nửa thế kỷ qua trên toàn quốc, đã bị đảng Cộng sản tước đi cái quyền đó cũng như tất cả những quyền tự do căn bản của một con người: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tín ngưỡng v.v…Bao nhiêu năm nay, chỉ có một đảng duy nhất là đảng Cộng sản cầm quyền, mọi quan chức từ cấp thấp nhất cho tới cao nhất là do đảng tự sắp xếp, chọn lựa, rồi tiến hành những cuộc bầu cử gỉa hiệu. Dù đã chứng tỏ sự tồi, dở, thất bại trong điều hành quản lý đất nước về mọi mặt (chỉ trừ một điều: bám giữ quyền lực bằng mọi giá) cũng như nạn tham nhũng kinh hoàng, đối xử với nhân dân vô cùng tồi tệ trong khi hết sức hèn yếu, bạc nhược trước sự hung hăng, bành trướng của Trung Cộng, nhưng đảng Cộng sản vẫn tại vị và không hề bị thử thách, bị kiểm soát về quyền lực. 

Trong lúc người dân các nước dân chủ quan tâm tới chính trị, cảm nhận được vai trò công dân của mình qua những lời phản biện, những hành động phản kháng hay sử dụng lá phiếu thì người Việt Nam dần dần trở thành thờ ơ với chính trị nước mình vì biết rằng có nói cũng chẳng thay đổi được gì. Và họ trở thành những khán giả bất đắc dĩ chứng kiến đất nước bị tàn phá về mọi mặt và cái sân khấu chính trị tuồng chèo nay người này lên, mai người kia ngã ngựa, cũng chỉ trong nội bộ đảng dàn dựng với nhau.

Quốc hội Việt Nam, được gọi là “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân” nhưng thực sự chỉ hành động theo đường lối chính sách của đảng cộng sản, phục vụ cho quyền lợi của đảng. Ảnh: Một kỳ họp của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Nhật Hiên