Nhật Hiên: Xin đừng quên những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị ở Việt Nam!
Báo cáo Thế giới năm 2024 của tổ chức Human Right Watch về Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách ôn hòa. Trong 10 tháng đầu năm 2023, các tòa án đã kết án ít nhất 28 nhà vận động nhân quyền và kết án họ mức án tù dài hạn [1]
Còn theo Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại California, Hoa Kỳ, hiện có 299 tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam, tính đến ngày 15 tháng 10, 2023 [2]
Nhưng nhà nước Việt Nam tất nhiên không bao giờ thừa nhận có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị mà chỉ có những người “vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị ở Việt Nam. Họ là ai?
Khác với giai đoạn từ sau ngày 30/4/1975 cho đến khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ XX, tù nhân chính trị ở Việt Nam khi đó phần lớn là binh lính sĩ quan, công chức trong quân đội và bộ máy chính quyền VNCH, tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ, các chức sắc trong các tổ chức, hội đoàn tôn giáo của miền Nam VNCH; còn sau này, tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị hầu hết là những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ do đảng Cộng sản cầm quyền.
Họ là những nhà văn, nhà báo như 3 nhà báo trong Hội Nhà báo Độc lập — Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn. Tháng Giêng năm 2021, một tòa án ở TP.HCM đã kết án nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù giam, Nguyễn Tường Thụy 11 năm tù giam, Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù giam.
Như Trương Minh Đức, một nhà báo từng viết và đăng bài trên nhiều tờ báo chính thống ở Việt Nam, như báo Tiền Phong, Thanh Niên, Pháp Luật và Kiên Giang. Nhà báo Trương Minh Đức từng bị kết án 5 năm tù từ 2007-2012 vì tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” xâm phạm “lợi ích nhà nước”, sau đó lại bị bắt vào năm 2017, và bị kết án 12 năm tù giam vào năm 2018 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79, Bộ Luật Hình Sự 1999.
Như Phạm Chí Thành, nhà báo, nhà văn và blogger (chủ trang blog Bà Đầm Xòe) đang thụ án 5 năm 6 tháng tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Ông từng viết những cuốn sách như Cò hồn xã nghĩa, mô tả những sự thật trần trụi của chủ nghĩa xã hội và chế độ chính trị ở Việt Nam, hoặc cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, phê phán Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng quá thân Trung Quốc.
Như Trương Duy Nhất, nhà báo, blogger (chủ trang blog Một góc nhìn khác) từng bị kết án 2 năm tù vì vi phạm điều 258 BLHS từ năm 2013 tới năm 2015. Tháng 1 năm 2019 ông bị công an Việt Nam phối hợp với cảnh sát Thái bắt cóc tại Thái Lan sau khi tới Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ nạn (UNHCR) tại Bangkok tại xin tị nạn chính trị. Phiên tòa sơ thẩm tháng 3/2020 và phúc thẩm tháng 8/2020 kết án ông 10 năm tù.
Như Phạm Đoan Trang, nhà báo, là một trong những người thành lập trang web Luật Khoa Tạp chí, tham gia sáng lập Nhà Xuất bản Tự do, tác giả những cuốn sách Chính trị của nhà nước công an trị, Phản kháng phi bạo lực, Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Báo cáo Đồng Tâm…
Tháng 12 năm 2021, bà bị kết án 9 năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Là doanh nhân như Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những người bất đồng chính kiến bị kết án nặng nhất: 16 năm tù vì đã kêu gọi dân chủ và một hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam. Trước khi bị bắt, ông là người sáng lập và tổng giám đốc công ty công nghệ thông tin EIS/OCI, cung cấp dịch vụ điện thoại và các dịch vụ khác qua mạng Internet, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển công nghệ tin học và viễn thông kỹ thuật số ở Việt Nam.
Cuối năm 2005, Trần Huỳnh Duy Thức thành lập Nhóm Nghiên cứu Chấn để nghiên cứu các vấn đề kinh tế xã hội và chính trị ở Việt Nam.
Tháng Giêng năm 2010, ông và các nhà hoạt động nhân quyền Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung bị Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử. Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án nặng nhất. Trong tù ông từng nhiều lần tuyệt thực để phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt.
Là nông dân, dân oan mất đất đi khiếu kiện, trở thành những nhà hoạt động rồi bị bắt, trong đó có gia đình bà Cấn Thị Thêu, một gia đình nông dân bất khuất. Cả gia đình 4 người 6 án tù: Bà Cấn Thị Thêu từng bị xử 15 tháng tù vào tháng Tư năm 2014 vì tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình sự, khi bà đang quay phim cảnh cưỡng chế đất. Chồng bà ông Trịnh Bá Khiêm bị xử 14 tháng tù cùng lúc, cũng với cáo buộc tương tự. Hiện nay bà Cấn Thị Thêu và 2 người con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư đều đang trong tù. Bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Phương bị một tòa án ở tỉnh Hòa Bình kết án mỗi người 8 năm tù giam vào tháng 5.2021, còn người con trai lớn Trịnh Bá Phương thì bị một tòa án ở Hà Nội kết án 10 năm tù giam vào tháng 12.2021.
Là cựu chiến binh của chế độ như kỹ sư Trần Bang, từng phục vụ trong quân đội khoảng đầu thập niên 1980, và sau khi xuất ngũ thì trở thành một kỹ sư thủy lợi; Trần Anh Kim, sinh năm 1949, nguyên trung tá, Chỉ huy phó chính trị – Ban Quân sự thị xã Thái Bình, đang thụ án tù 13 năm tù vì các hoạt động dân chủ. Ông Trần Anh Kim từng bị tù 5 năm 6 tháng (2009-2015). Đến tháng Mười hai năm 2016, ông lại bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết án 13 năm tù. Bản án nặng nề lần này có lẽ do ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ sau khi đã chấp hành xong bản án trước.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy đã phục vụ trong quân đội 22 năm.
Nhà thơ Trần Đức Thạch, một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành viên của Hội Nhà văn tỉnh Nghệ An, đang thụ án 12 năm tù giam vì có liên hệ với 1 nhóm ủng hộ dân chủ. Không chỉ làm thơ, viết báo lên án tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền, cuốn hồi ký ngắn Hố chôn người ám ảnh của ông gây xôn xao dư luận khi kể lại câu chuyện những người lính miền Bắc giết hàng loạt người dân thường ở ấp Tân Lập, Đồng Nai trong tháng Tư năm 1975 mà ông chứng kiến.
Gần đây có thêm một loạt nhà hoạt động môi trường bị bắt như bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc điều hành, đồng thời là người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) tại Việt Nam, bị tuyên án 2 năm tù vào ngày 17/2/2022 với cáo buộc “trốn thuế”. Sau 16 tháng bị giam, Bà Khanh được cho ra tù trước thời hạn ở Việt Nam hôm 12/5/2023.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng–người thành lập CHANGE VN tập trung vào ba lĩnh vực chính: bảo vệ động vật hoang dã, nâng cao nhận thức về thay đổi khí hậu; và vận động giảm thiểu ô nhiễm; bị một tòa án ở TP.HCM kết án 3 năm tù giam vào tháng 9.2021, theo một bản án có động cơ chính trị về tội “trốn thuế”.
Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) – một trung tâm bất vụ lợi và độc lập, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam, đang thụ án năm năm tù giam, cũng tội “trốn thuế”.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), bị bắt vào ngày 15/9/2023 với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu.”
Ngoài ra còn rất tù nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo, phần lớn họ thuộc về những tổ chức tôn giáo độc lập không được nhà nước thừa nhận, như Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật giáo Khmer-Krom, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Cao Đài Chơn truyền 1977, Tin Lành H’mong, Công giáo Dega…cho tới những nhóm nhỏ như Dương Văn Mình, Ân Đàn Đại Đạo, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ…
Những bản án nặng nề, gia đình người thân đều bị sách nhiễu đủ điều:
Càng ngày những bản án dành cho những người bất đồng chính kiến, hoạt động ôn hòa càng nặng nề: 14 năm (nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động); 15 năm (nhà báo Phạm Chí Dũng), 16 năm (Trần Huỳnh Duy Thức), thậm chí 20 năm (nhà hoạt động Lê Đình Lượng)…
Sự tàn ác, phi nhân của chế độ thể hiện qua những bản án nặng nề, chế độ lao tù khắc nghiệt, và sự không khoan nhượng trong mọi trường hợp. Chẳng hạn, ông Lê Tùng Vân, người thành lập cơ sở tu tại gia có tên Tịnh Thất Bồng Lai, và tên khác là Thiền Am Bên bờ Vũ trụ, năm nay 90 tuổi và được cho là mắc nhiều bệnh trong người, nhưng sau một thời gian tại ngoại cuối cùng vào tháng 12.2023 vẫn bị bắt buộc thi hành án tù 5 năm. Hay những người như nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch…tuổi đều đã xấp xỉ 70 hoặc hơn, liệu có thể chịu đựng nổi những bản án nặng nề trong điều kiện khắc nghiệt như vậy?
Không chỉ bản thân người tù bị đày đọa đủ cách, mà gia đình, người thân của họ cũng bị nhà cầm quyền sử dụng muôn ngàn biện pháp khác nhau để sách nhiễu, gây khó khăn, mà một trong những cách dễ thấy nhất là thuyên chuyển tù nhân đi xa, người ngoài Bắc thì vào Trung, người trong Nam thì ra ngoài Bắc…để gia đình thêm vất vả, tốn kém khi đi thăm nuôi; và thường xuyên đe dọa, “khủng bố” tinh thần nếu người nhà đưa thông tin lên mạng, hay trả lời báo, đài bên ngoài về tình trạng của tù nhân.
Những năm gần đây, sau khi đã gia tăng, đàn áp, bắt bớ gần hết những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân sự, thì có hiện tượng “bắt nguội, bắt vét”, tức là những người không còn hoạt động một thời gian vẫn bị bắt.
Như ông Trần Văn Bang, do sức khỏe suy giảm, một thời gian trước khi bị bắt ông đã chấm dứt mọi hoạt động để tập trung vào điều trị. Tuy nhiên, ông vẫn bị bắt và bị tuyên án 8 năm tù tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vào tháng 5/2023 và tháng 8/2023. Hay kiến trúc sư, blogger Nguyễn Lân Thắng vài năm trở lại đây gần như không còn hoạt động gì để chăm sóc gia đình khi vợ sinh thêm đứa con thứ hai, nhưng vẫn bị bắt. Vào ngày 12 tháng Tư năm 2023, một tòa án đã kết án ông sáu năm tù giam v.v…
Nhà cầm quyền còn hăm dọa hoặc cho người bắt cóc cả những người bất đồng chính kiến đang xin tỵ nạn chính trị ở nước khác như nhà báo Trương Duy Nhất hay mới đây, blogger Đường Văn Thái, cả hai đều bị bắt cóc tại Thái Lan. Nhiều người Việt tỵ nạn ở Thái Lan cho biết, họ ngày càng trở nên lo lắng cho sự an toàn của mình.
Bệnh tật không được cho chữa trị và những cái chết trong tù
Một trong những chính sách tàn ác, vô lương tâm của nhà cầm quyền là khi tù nhân lương tâm bị bịnh, họ không cho chữa trị hoặc chỉ khám qua loa, rồi để mặc người tù chết dần chết mòn.
Nhà báo Huỳnh Thục Vy, người đang thụ án tù hai năm chín tháng vì tội “xúc phạm quốc kỳ”, đang bị bệnh về van tim nhưng không được chăm sóc đầy đủ trong khi nơi giam giữ lại ở cách xa nhà hơn 190 km. Bà Cao Thị Cúc, 62 tuổi trong vụ án Ân Đàn Đại Đạo mắc bệnh ung thư giai đoạn bốn. Kỹ sư Trần Bang có khố u lớn ở đùi. Nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, người đang thi hành bản án 8 năm tù sức khỏe nguy kịch với nhiều bịnh nguy hiểm đến tính mạng như các bạn tù của anh lên tiếng báo động [3] Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cũng đang trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, có vấn đề về đường tiêu hoá và được chuẩn đoán bị viêm đại tràng và viêm gan, gia đình nhiều lần lên tiếng báo động [4] Mới đây nhất lại thêm tin doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tuyệt thực để phản đối chế độ tù đày hà khắc [5] và cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh lên tiếng về trường hợp của vợ mình, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, người đang bị cưỡng bức điều trị tâm thần vừa phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn giữa, mà theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, là do hậu quả một năm bị tạm giam trong điều kiện vô cũng tồi tệ…[6]
Không thể đếm được bao nhiều tù nhân chính trị đã chết trong lao tù của chế độ độc tài cộng sản, tính từ sau ngày 30/4/1975 cho đến nay. Giai đoạn khi chưa có internet, chế dộ tù đày dã man và những cái chết của tù nhân chính trị không được bên ngoài biết đến, nhưng chỉ khi đọc được một số hổi ký của những người sống sót sau hàng chục năm tù đày, người ta mới bàng hoàng về những cảnh địa ngục giữa trần gian đó.
Chỉ riêng vài năm gần đây thôi, đã có một số trường hợp sau:
Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu, người sáng lập tổ chức tôn giáo Ân Đàn Đại Đạo mất ngày 20/11/2021 khi đang thụ án chung thân tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai [7] Cùng trong vụ án này, ông Đoàn Đình Nam, bị tuyên án 16 năm tù chết năm 2019 trong trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Nhà báo công dân Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 khi đang thi hành án tù 8 năm; thầy giáo Đào Quang Thực, người đang phải thụ án 13 năm tù giam vì bị cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” qua đời ngày 10/12/2019; Mục sư Tin Lành Đinh Diêm, 61 tuổi, người đang thụ án tù 16 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” qua đời ngày 05/01/2023. Cả 3 người đều bị giam tại trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), được xem là trại tù hà khắc nhất Việt Nam v.v…[8]
Tất cả những cái chết của các tù nhân lương tâm đều do tình trạng khi phát bệnh ngặt nghèo không được đưa đi chữa trị, chăm sóc y tế đúng cách mà chỉ được thăm khám qua loa, nếu người nhà có gửi thuốc đặc trị vào thì cũng không được dùng mà chỉ dùng những loại thuốc sơ sài của bệnh xá trại phát. Và dù gia đình dư luân, kể cả quốc tế có lên tiếng thì nhà cầm quyền vẫn cứ phớt lờ.
Tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ
Việt Nam thường xuyên nằm ở những vị trí áp chót trong các bảng xếp hạng về nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo…trên thế giới.
Trong báo cáo thường niên năm 2023, Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết các vi phạm nghiêm trọng, liên tục và có hệ thống đối với quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng vẫn tồn tại trên khắp Việt Nam, do đó USCIRF tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) [9] [10]
Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vào năm 2007. Nhưng trước tình trạng đàn áp tôn giáo gia tăng của Việt Nam, trong 2 năm 2022-2023 Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL), dù chính quyền Việt Nam trong hai năm qua cố gắng vận động để được gỡ ra khỏi danh sách này.
Năm 2023, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Việt Nam đã tụt hạng gần “đội sổ” về tự do báo chí khi xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ trên Trung Quốc và Triều Tiên [11]
Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hôm 18/1 công bố báo cáo hàng năm về số lượng nhà báo đang bị cầm tù trên toàn thế giới, Việt Nam nằm trong số năm quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới trong năm 2023 với tổng số 19 nhà báo, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga [12]
Tình trạng nhân quyền ngày càng ảm đạm này là hậu quả của chính sách ngoại giao nhân nhượng của các nước đối với chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam.
Nhiều tổ chức phi chính phủ như RSF, Human Rights Watch, Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America)…đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ và các nước phương Tây nên đặt vấn đề cải thiện nhân quyền một cách nghiêm túc với chính quyền Hà Nội, cũng như cần áp dụng các chế tài cụ thể về kinh tế, chính trị và văn hoá để buộc Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền. Nhưng các nước vẫn cứ nhân nhượng vì những hợp đồng thương mại và vì vị trí địa chính trị của Việt Nam trong khu vực. Hà Nội biết như vậy nên cứ mạnh tay đàn áp, bất chấp các chỉ trích quốc tế.
Thậm chí, nhân kỷ niệm 75 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Việt Nam đã đệ trình với Ban Thư Ký “Nhân Quyền 75” 8 lời hứa thực thi các cam kết nhân quyền, như cải tổ khung luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Và thời hạn thực hiện là…2099, tức 76 năm nữa! [13]
***
Vào những ngày gần Tết, trong khi mọi người Việt Nam trong và ngoài nước đang hưởng những cái Tết sum họp đầm ấm bên gia đình, người thân, thì vẫn có những người phải chịu đựng cảnh tù đày khắc nghiệt chỉ vì đã lên tiếng đòi những quyền tự do căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng…hoặc phản kháng trước những bất công trong xã hội Việt Nam, những chính sách sai trái, phi lý phi nhân của nhà cầm quyền, hoặc lên tiếng bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, môi trường bị tàn phá…Đừng quên họ! Mỗi người một việc, trong khả năng của mình, hãy làm tất cả những gì có thể để gây sức ép buộc nhà cầm quyền phải trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị tại Việt Nam.
Nhật Hiên
……………….
[1] https://www.hrw.org/world-report/2024/country-chapters/vietnam
[2] https://www.vietnamhumanrights.net/viet/documents/Baocao_2022_2023_net.pdf
[7]
https://www.voatiengviet.com/a/tu-nhan-ton-giao-phan-van-thu-qua-doi-trong-trai-giam/6845009.html
[8]
[9] https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2023-09/2023%20Vietnam%20Country%20Update.pdf
[13] https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/12/Viet-Nam_EN.pdf