Phạm Công Luận: Nhớ một vườn mai

Tranh Phạm Công Tâm

Ngoài cha mẹ đã khuất, một người trong dòng họ mà tôi quý mến và tưởng nhớ nhiều là ông Bảy Dĩ An. Gọi như vậy vì ông sống ở Dĩ An vào giai đoạn cuối đời, dù ông vốn là cư dân cố cựu ở Phú Nhuận. 

Ông Bảy là anh họ của bà ngoại tôi, hồi nhỏ học trường Tây ở Sài Gòn. Lớn lên, ông đi làm Thủ thư cho Thư viện Quốc gia. Nhà ông trên hẻm Bùi Tấn Nhứt, sau này là đường Trương Quốc Dụng thuộc Phú Nhuận. Khoảng đầu thập niên 1950, khi gia đình tôi mới về vùng này, mỗi buổi sáng người phố xá lân cận đều thấy ông bận áo sơ mi trắng, quần trắng cưỡi xe đạp rồi sau đó vài năm là mobylette đi làm, trông rất lịch sự. Ông đọc sách nhiều, cả đời sống hiền hòa không bon chen, hay giúp đỡ bà con nghèo, một kiểu sống của người xưa ở đất Gia Định mà bây giờ ngày càng hiếm thấy.

Anh Nhâm, anh lớn nhất của tôi kể khi gia đình tôi mới dọn về, ông Bảy là chỗ dựa lớn của cả nhà. Ông Bảy thương cô em họ là bà ngoại tôi nên lui tới thường xuyên giúp đỡ vì biết bà ngoại đã mất hết tài sản sau mấy năm loạn lạc. Trong cuốn sổ ghi chép để lại trước khi mất, anh Nhâm viết về những ngày tháng đó: “Ở với mẹ, tôi thường chạy qua chơi nhà ông Bảy và dì ba Mỹ là con gái lớn của ông bà. Đường đi qua nhà ông cách một miếng đất, qua khu chuồng bò và hai ngôi nhà mồ mà cho mãi đến bây giờ tôi vẫn thấy trong mơ. Đó là những đêm sáng trăng lang thang bên cạnh những con bò đang say ngủ, qua khu gò mả nằm lặng yên dưới trời trăng sáng vằng vặc mà rợn cả tóc gáy, nghe tiếng những trái soan chín rụng đồm độp giữa đêm khuya. Có cả những buổi sớm, ra vườn nhặt những trái chùm ruột vàng mọng, hoặc được ăn những trái mãng cầu tía ngọt lịm mà cứ mỗi lần chín bà Bảy thường cắc củm mang sang cho. Phải nói ông bà Bảy chính là những ân nhân đã dìu dắt giúp đỡ hết mực gia đình tôi. Đêm đêm tôi quây quần cùng dì Ba và một số anh chị học theo Anh văn cùng chú Tư, một ông công chức ở trọ nhà ông bà Bảy, vừa ăn chè và nghe radio. Có bữa tôi ngủ lại với bà Bảy và dì Ba. Mỗi sáng ông Bảy thường dậy thật sớm, nấu nước pha ấm cà phê và sau đó gọi tôi dậy nếu tôi ngủ lại nhà ông để hai ông cháu cùng nhấm nháp ly cà phê đen và có lúc ông dạy tôi những điều ơn nghĩa, lẽ phải ở đời. Bên ngoài, thời tiết cuối năm khá lạnh, bóng hai ông cháu ngả dài trên vách. Có lúc ông vừa nhấm nháp tách cà phê vừa kể cho tôi nghe chuyện cậu Hảo, người con trai độc nhất của ông đã lên đường vào chiến khu chống Pháp và hi sinh trên chiến trường. Có lúc ông Bảy cho tôi xem những cuốn tập học thủa nhỏ của cậu Hảo, có cả những bài thơ, hình vẽ rất sắc sảo của cậu…”

Anh Nhâm kể khi còn sống, ông Bảy rất thích bài thơ của nhà văn Sơn Nam với mấy câu: “Trong khói sóng mênh mông/ Có bóng người vô danh/ Từ bên này sông Tiền/ Qua bên kia sông Hậu/ Mang theo cây độc huyền…”. Ông thích bài thơ đó, một phần vì ông rất mê loài mai vàng. Trong truyện của ông Sơn Nam, từ sông Hậu, một người vô danh đi sâu vào miệt rừng đước, rừng tràm tối tăm ẩm thấp, u u minh minh để chặt cây làm nhà. Một buổi sáng ông cảm thấy lòng xáo động khi gió chướng thổi về. Ngẩng đầu lên, trời xanh ngăn ngắt, nắng vàng như mật ong rừng. Lòng chợt chùng xuống, người đàn ông phiêu bạt đó bỗng nhớ Tết quê nhà. Càng nhớ da diết sắc hồng hoa đào, ông ta vùng dậy, đi miết vào rừng sâu. Đến một góc rừng quen thuộc, ông ngẩn ngơ nhìn thấy một loài hoa sắc vàng không thua gì ánh nắng và có chút hương rất thanh nhẹ thoảng quanh gốc cây. Ông ta tự hỏi phải chăng đây là sắc hoa riêng biệt của mùa xuân ở nơi cùng trời cuối đất này? Một cây được ông đưa về đặt bên nhà. Mùa xuân năm ấy, và những năm sau nữa, cây mai vàng đã trở thành gắn bó với người ly hương…

Nghỉ hưu ở gần giữa thập niên 1960, ông Bảy về Dĩ An sống.

Khi tôi bắt đầu được anh Nhâm dẫn về Dĩ An chơi, những năm 1970, 1971, ông Bảy đã hơn bảy mươi tuổi. Tuy chưa quá già, lông mày ông đã bạc và mọc dài giống như ông Ngũ Tử Tư trong truyện Tàu. Người ta bảo những lão ông có lông mày dài rậm thường sống lâu và có con cái thành đạt, nhưng các con của ông Bảy đều phiêu bạt và không ai khá giả. Sống bên cạnh ông bà Bảy bây giờ chỉ còn mỗi người con gái là dì Ba sống cùng chồng và mấy đứa con cỡ tuổi tôi. 

Nhưng ông còn cả một gia tài lớn, là vườn mai quanh nhà trên đất Dĩ An.

Những năm ấy, chẳng ai bỏ số tiền lớn để chơi mai như bây giờ nên trồng mai không phải để thu huê lợi. Ông Bảy thích cây mai, mê loại cây có dáng vóc gầy guộc cằn cỗi nhưng lại trổ hoa rực rỡ và thơm dịu dàng nên trồng cả trăm cây mai quanh nhà để có dịp ngắm hoa nở khi xuân về. Những chuyến về thăm ông mỗi năm, độ 26 hay 27 Tết, cũng là để xin mai về chưng, như là một thú vui ngày Tết. Anh em tôi đi bộ ra đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) đi vào đường rầy ngay cổng gác số 9 để đứng đón xe lửa ở ga Phú Nhuận. Thời đó, xe lửa khá đông, tôi và anh ngồi vào chỗ, ráng chịu cái ghế gỗ cứng để tới ga xép Dĩ An, bây giờ thuộc tỉnh Bình Dương. Từ ga Dĩ An nhỏ xíu và cũ kỹ đó, anh và tôi đi bộ tiếp một quãng vào xóm, khoảng gần cây số. Có lúc, dượng Ba là con rể ông Bảy đi chiếc vespa chạy ra, thấy anh em tôi, ông vòng xe lại chở thẳng vô nhà.

Đất quê quạnh quẽ, con cháu ít giao thiệp với ai nên ông Bảy có vẻ vui khi thấy chúng tôi về chơi. Ông vẫn gầy gò như lâu nay, luôn cởi trần, tay cầm dao xới đất và miệng cười móm xọm. Câu hỏi đầu tiên của ông luôn đơn giản như vầy:

– Mới về hả bây?

Đến trưa, thế nào cũng được ăn bữa cơm cùng ông do dì Ba chuẩn bị. Anh tôi nhắc lại chuyện xưa lúc anh bị một người trong họ hiếp đáp và ông Bảy đã bênh vực như thế nào. Ăn cơm xong, ông dẫn ra thăm vườn. Cuối tháng Chạp, mai đã nở lác đác nhưng nụ còn rất nhiều đợt lớn nhỏ. Tiếng pháo lẹt đẹt từ xa. Một không khí yên bình trùm lên đất trời mùa xuân ở vùng quê này. Ông Bảy nhắc lại hồi còn ngôi nhà ngói ba gian và mảnh vườn rộng trên đường Trương Quốc Dụng, anh tôi rất thích đến để ăn cơm vì bà Bảy nấu rất ngon. Thời đó, người ta còn bán nhiều lá trà ngoài chợ để nấu trà Huế, uống bằng tô, mát và thơm. Hàng xóm của ông có nhà thơ Bàng Bá Lân ở số nhà 33. Ông Lân có mấy câu thơ hay mà sau này, từ Dĩ An nhớ lại căn nhà gỗ cũ kỹ ở Phú Nhuận, ông Bảy lại nhẩm đọc: 

Bụi nằm lâu choán xà nhà

Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu…

Ngày xuân mau tàn, ông Bảy lựa mấy nhành mai đẹp nhất cột lại rồi trao cho anh tôi. Ông đưa cả hai băng qua cái sân lớn trồng đầy cây kiểng, ra tới tận cổng rồi mới quay vào. Rảo bước về phía ga, tôi quay lại. Nắng vẫn còn vương trên hàng mai điểm vàng lấm tấm. Ông Bảy đứng đó, lưng khòm thấy rõ, dáng đứng giống như cúi chào trước hàng mai vàng. 

Đó là hình ảnh cuối về ông Bảy. Năm sau, anh Nhâm đi dạy học xa và do anh về nhà sát Tết còn mệt mỏi nên không định đi thăm ông Bảy như những dịp cuối năm trước đó. Qua Tết, tôi nghe người lớn trong nhà nói ông đã chặt bớt khá nhiều cây mai dọc hàng rào vì có lần một người hàng xóm đi xe đạp bị vướng vào cành cây gie ra, tức giận chửi mắng ông mà không kiêng nể. Sau đó, ông trở nên ít nói và dần dà ông chặt hết các cây mai trong vườn. Tiếp theo là những cơn bệnh. Rồi ông mất khi anh tôi còn ở xa. 

Những năm lũ lụt lớn ở miền Nam và biên giới có chiến tranh sau 1975, nghe nói khu vườn và ngôi nhà không giữ được. Anh em chúng tôi cũng không còn gặp lại bất cứ ai trong gia đình ông Bảy.

Nghe nói bây giờ ga xe lửa Dĩ An cũ vẫn còn nhưng tàu ít dừng ở đó. Thời gian dần trôi, anh Nhâm của tôi cũng đã mất. Sau này, có lần tôi phóng xe về Dĩ An gắng tìm cho được dấu tích ngôi nhà vườn rộng lớn ông Bảy. Cảnh vật thay đổi nhiều, một vùng vườn tược đã đô thị hóa thành nhiều nhà cửa, phố xá. Những miếng đất lớn trở thành vườn trồng cây ăn trái. Còn khu vườn tuyệt đẹp từng vàng rực và thơm hương mai vàng ngày nào của ông Bảy xưa kia? Phải chăng là khoảnh vườn tôi thấy ở đằng kia với một gốc mai khẳng khiu trơ vơ như còn sót lại?

Phạm Công Luận