Phạm Công Luận: “Văn Hiếu vẽ biếm họa…thần sầu!”

Không có nhiều thông tin về họa sĩ Văn Hiếu còn lưu lại dù tên tuổi của ông được nhiều người ở miền Nam cách đây hơn nửa thế kỷ biết đến. Trên nhiều tờ báo, nét vẽ rất sinh động, duyên dáng của ông từng tung hoành trong nhiều năm với nhiều bức biếm họa hài hước và ý nhị bên cạnh tranh truyện cho thiếu nhi. Ông còn sáng tác một số nhân vật truyện tranh mà đáng nhớ nhất là hai nhân vật Bé Ngôn và bé Luận trên báo Ngôn Luận.
Các họa sĩ nổi danh như ViVi, Nguyễn Trọng Khôi lúc còn trẻ cũng từng là độc giả thích tranh của Văn Hiếu. Trả lời phỏng vấn, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi kể: “Cũng trong khoảng thời gian này (đầu thập niên 1960) một tờ báo Việt xuất hiện với những truyện tranh cũng được sự chú tâm và say mê của nhiều giới. Đó là tờ Phụ Trang của nhật báo Ngôn Luận. Người ta tìm mua phụ trang báo Ngôn Luận chỉ để xem một truyện tranh Mai Sơn Chúa Đảo do họa sĩ Văn Hiếu vẽ”.

Họa sĩ ViVi trong một bài phỏng vấn cho là Văn Hiếu xứng đáng là bậc thầy vẽ tranh truyện.
Các tài liệu cho biết năm 1957, nhật báo Ngôn Luận đang phát triển mạnh với toà soạn trên đường Lê Lai, đội ngũ hoạ sĩ của báo lúc đó đã có hoạ sĩ Văn Hiếu cùng hoạ sĩ Huy Tường. Báo Ngôn Luận xuất bản những năm 1958, 1959 chưa thấy xuất hiện nhân vật truyện tranh Bé Ngôn bé Luận. Đến năm 1962, tranh liên hoàn “Bé Ngôn bé Luận đại náo Việt Nam” xuất hiện ở đầu trang 3 là một sự kiện tuy nhỏ nhưng càng lúc càng đi vào lòng độc giả. Hai nhân vật truyện tranh này do Họa sĩ Văn Hiếu sáng tác theo định hướng của toà soạn báo lúc đó là đề cao manchette tờ báo Ngôn Luận.


Cùng lúc đó, trên báo cũng có chùm truyện tranh “Gia đình Ký Cóp” xuất hiện ở trang 2 của hoạ sĩ Văn Đạt. Đến năm 1963 lại có thêm loạt truyện tranh “Ngôn, Sơn, Luận và kho tàng tháp Chàm”, tuy dùng chung tên nhân vật truyện tranh của Văn Hiếu, ghi tên tác giả là hoạ sĩ Chi Mai, nhưng đây là truyện tranh phóng tác từ truyện tranh nước ngoài.
Chùm tranh liên hoàn “Bé Ngôn bé Luận” của Văn Hiếu vẫn tiếp tục xuất hiện. Ông tạo hình nhân vật bé Ngôn tóc dày, đen và cứng kiểu bàn chải, trong khi đó bé Luận tóc trắng (?) có mái trông rất lãng tử. Ngoài hai nhân vật này, còn có loạt truyện tranh “Mai Sơn Chúa đảo” cũng của Văn Hiếu, như ký ức của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Đây là dạng truyện Tarzan Việt Nam, chuyên chống kẻ xấu, nội dung rất ly kỳ. Rất tiếc chúng tôi không có tài liệu về loạt truyện tranh này.
Sau này, loạt truyện Bé Ngôn bé Luận còn có thêm hai nhân vật chị Huyền và chị Mai. Chị Huyền trong truyện là một nữ sinh dịu dàng, dễ thương, tóc dài, mắt đen láy… được xác định là một nữ sinh có thật trong “Nhóm Huyền” cộng tác với báo Ngôn Luận. Chị Huyền có bạn trai là anh Hiếu Kỳ có nhiều sáng kiến độc đáo, dẫn đến các trò quậy của các Bé trong truyện. Còn nhân vật “chị Mai” được cho là vẽ theo nguyên mẫu ca sĩ Khánh Ly, tên thật là Lệ Mai.
Năm 1964, cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh khiến báo Ngôn Luận đình bản. Theo Hoàng Hải Thuỷ, khi Nhật báo Chính Luận ra đời thay nhật báo Ngôn Luận, 98/100 nhân viên toà soạn, trị sự Ngôn Luận sang làm Nhật báo Chính Luận. Chỉ có mấy người không sang, trong đó có hoạ sĩ Văn Hiếu.
Sau này, tranh biếm hoạ của Văn Hiếu xuất hiện nhiều trên báo Văn Nghệ Tiền Phong, chủ nhiệm cũng là Hồ Anh. Giai đoạn này, tranh biếm hoạ của ông rải rác từ đầu đến cuối, là các tranh lẻ. Thỉnh thoảng, trong số báo đặc biệt, ông cho sống lại nhân vật bé Ngôn bé Luận, nét vẽ càng lúc càng đẹp. Bên cạnh hoạ sĩ Đức Khánh chuyên vẽ tranh thời sự trang 6, Văn Hiếu đã thành cây biếm hoạ chủ lực thu hút bạn đọc, cho văn nghệ Tiền Phong. Trong số tranh ông vẽ có hình tượng Quận Hách, một ông mập mạp có máu tham lam vẽ theo nhân vật do hoạ sĩ Văn Đạt sáng tác trước đó.


Nhà thơ Lý Thuỵ Ý, từng là thư ký Toà soạn báo văn nghệ Tiền Phong vài năm trước 1975 đánh giá: “Nếu nói đến Văn Nghê Tiền Phong phải nói đến hoạ sĩ Văn Hiếu. Anh rất nổi tiếng thời đó, cha đẻ của “Bé Ngôn Bé Luận” rất hài hước, đáng yêu. Văn Hiếu vẽ biếm họa… thần sầu!”.
Ngoài chùm truyện tranh bé Ngôn bé Luận, các bức biếm họa đơn lẻ của Văn Hiếu thể hiện sự tinh quái của ông qua nét vẽ và nội dung. Mô típ “chọc quê các cô các bà” của ông được lặp đi lặp lại nhưng không hề nhàm chán. Một bà mập tròn làm điệu cầm bông hoa khi đứng làm mẫu cho họa sĩ vẽ tranh nhưng buộc phải có giá đỡ bộ ngực đồ sộ của mình.


Cô hippy nữ hẹn hò ngoài rừng với bạn trai, hối thúc “Lại đây đi đã, việc ấy sẽ làm sau!” khi anh bạn lo vẽ trái tim trên thân cây để đánh dấu cuộc tình. Một tù nhân khi cảnh sát báo có vợ đến thăm đã nhờ nhắn: “Ông “làm phước” ra nói giùm rằng: Tôi bị bắn tại pháp trường chiều hôm qua rồi”.


Bà mẹ dạy con gái lần chót khi lên xe hoa: “Về công việc bếp núc con cần chăm chú: hễ thấy nước trong nồi bốc khói rồi sủi bọt mạnh lên, ấy là nước sôi rồi đấy.”… Cách chọc ghẹo phụ nữ của ông trào lộng, đáng yêu, trúng đích nhưng không ác ý, thông điệp đơn giản không cầu kỳ, là dòng tranh hí họa gây cười nhẹ nhàng, ý nhị giữa những bộn bề cuộc sống thời chiến tranh đầy tin tức nghẹt thở trên các tờ nhật báo.
Sau năm 1975, có người còn thấy tranh của họa sĩ Văn Hiếu cộng tác trên báo Khăn Quàng Đỏ dành cho thiếu nhi.
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu từng làm việc chung với hoạ sĩ Văn Hiếu khoảng đầu thập niên 1990 nhớ lại: “Lúc cộng tác với tôi, hoạ sĩ Văn Hiếu có lẽ trên dưới 60 tuổi. Ông nói giọng Nam, người thấp đậm, da dẻ hồng hào. Được biết ông có học vẽ lụa ở trường vẽ Gia Định, nên khoảng thời gian đó có làm một số tranh lụa và sơn mài nhỏ để gửi bán trên đường Đồng Khởi ngoài Sài Gòn. Ông sống độc thân, ở nhờ nhà bạn bè hoặc ở trọ nhiều nơi, thường xuyên đi một chiếc xe đạp. Lúc đó, chúng tôi làm tờ tuyển tập Tuổi Hồng dành cho tuổi mới lớn, xin giấy phép của nhà xuất bản Trẻ và mời Văn Hiếu cộng tác. Ông phụ trách vẽ trang tranh truyện liên hoàn “Thằng Bờm” và minh họa trong báo. Khi tôi rời Tuổi Hồng để về làm bên nhà xuất bản Mỹ Thuật và tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay, ông theo qua và phụ trách vẽ tranh truyện (Cổ tích Việt Nam, Trạng cười Việt Nam, Bé Niên Cười, Cô Tiên Xanh…) và là họa sĩ chủ lực cho tạp chí Mỹ Thuật Cười lúc ấy. Mọi người quý ông vì tuy sống khó khăn, ông luôn lạc quan, không bao giờ than phiền bất cứ điều gì. Anh em thỉnh thoảng cũng giúp đỡ ông trong điều kiện lúc đó. Tuy nhiên, ông không cởi mở lắm trong giao tiếp, chỉ nói chuyện với vài người ở nơi làm việc. Tôi nhớ có lúc kẹt tiền đóng tiền nhà trọ, ông ngại ngần mãi mới chịu nói ra. Văn Hiếu cộng tác với tôi khoảng mười năm. Đến khoảng năm 2001, tôi thôi làm bên Mỹ Thuật và ông cũng nghỉ theo. Sau đó, không thấy ông cộng tác ở đâu nữa cho đến nay. Nghe nói, sau khi chia tay tôi, ông về sống ở một vùng sâu tận Đồng Nai, vẫn vẽ tranh gởi bán ở một số cửa hàng bán tranh tại Sài Gòn… Không biết ông hiện ra sao, nếu còn sống có thể đã lên hàng 90 tuổi”.
Tranh biếm họa, minh họa của Văn Hiếu giai đoạn này có sử dụng một số nhân vật biếm họa thời trước 1975 như Quận Hách, Ký Điệu… Chữ ký của ông trên tranh vẫn như cũ, với chữ e trong chữ Hiếu có đuôi móc vòng phía trước. Tuy nhiên, có lẽ do tuổi tác, nét tài hoa và linh hoạt trong biếm họa của ông đã phai đi ít nhiều.
Trong ký ức về các họa sĩ biếm miền Nam, Văn Hiếu có một vi trí xứng đáng bên cạnh các tên tuổi khác.
Phạm Công Luận
(trích trong cuốn BIẾM HOẠ TRÊN BÁO CHÍ SÀI GÒN TRƯỚC 1975 – công ty sách Phương Nam và NXB Thế Giới xuất bản tháng 1-2024)