Phạm Công Luận: Xóm Lò Chè một thời vang danh
Cách nay gần một thế kỷ, ở khu Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định có một cái xóm nằm lọt thỏm giữa vùng cây xanh thuộc làng Hanh Thông Xã (nay thuộc phường 1, quận Gò Vấp, nằm dọc theo đường Nguyễn Thượng Hiền, giáp ranh quận Bình Thạnh). Thời đó, xóm được gọi là xóm Thơm vì ở đây từng trồng rất nhiều cây thơm (nên ga xe lửa gần đó gọi là ga Xóm Thơm). Đất đai còn rộng, nhà cửa thưa thớt, phần lớn dân chúng làm nghề trồng hàng bông, trồng tiêu và thuốc lá, chăm sóc cây cao su, nuôi ngựa đua, đánh xe thổ mộ và buôn bán. Cổ thụ trong xóm còn nhiều cho đến trước năm 1975, vô xóm như lạc vô góc rừng um tùm với nhiều cây me, ổi, vú sữa… tỏa bóng mát. Một căn nhà ở đây với hàng rào bao quanh có thể rộng vài trăm mét vuông là bình thường.
Tuy Gò Vấp là đất gò cao ráo nhưng xóm lại tọa lạc trên một khu đất thấp. Hỏi ra mới biết là ở thế kỷ 19, người Pháp mua đất khu này đưa ra phía trung tâm Sài Gòn để lấp con kinh, sau này là đường Nguyễn Huệ bây giờ (trước đây có tên gọi dân gian là đường Kinh Lấp).
Khu xóm này sẽ mãi là một mảnh đất “bán thôn, bán thị” vô danh nếu như ở đó từng hình thành một lò nấu chè khá lớn trong tỉnh Gia Dịnh. Trong một thời gian dài nhiều năm, nghề nấu chè ở đây rất phát triển, mỗi ngày nhiều nhà trong xóm nhóm lửa nấu cả trăm nồi chè để cung cấp cho các cô bán chè dạo và những sạp bán chè ở nhiều ngôi chợ trên đất Sài Gòn – Gia Định này, từ những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai kéo dài dến sau này. Dần dà, cái tên “xóm Thơm” chỉ còn gắn với cái ga xe lửa. Dân chúng quanh vùng gọi nơi đây là xóm Lò Chè hay xóm Lò Bánh Canh (bánh canh ngọt).
Nguyên do từ một người phụ nữ từ xứ xa theo chồng về đây sống.
Đầu thế kỷ 20 có một gia đình là cư dân cố cựu ở đây. Trong nhà có anh Ngô Văn Nhờ, thứ sáu nên được gọi là anh Sáu Nhờ. Lớn lên, anh đi học lấy bằng diplome rồi vào học trường Cơ khí Á châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques), thời đó gọi là trường Bá Nghệ (nay là Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng). Anh được anh rể là Ngô Văn Mới (có bà con với ông Ngô Văn Năm, nay có tên đường ở quận 1) đưa vào làm ở hãng đóng tàu Bason. Để thuận tiện cho việc xin vô hãng, anh đổi họ gốc là họ Lê thành họ Ngô, danh nghĩa là là con của ông Ngô Văn Mới và vì vậy sau này các con anh đều mang họ Ngô. Anh rất khéo tay, có thể tự tay làm nhiều đồ gia dụng như ô ăn trầu, ống ngoáy trầu cho mẹ của ông, bình bông, đèn dầu, chảo, xửng hấp, ống nhang bằng đồng thau. Có một thời gian anh phải vào chiến khu An Phú Đông để đào tạo thợ chế tạo vũ khí theo yêu cầu của Việt Minh.
Một hôm, anh Sáu Nhờ đi theo người bạn làm cùng xưởng Bason về nhà anh này chơi ở Mỹ Tho (chỗ này nay thuộc Bến Tre). Lúc đó, Sáu Nhờ đang cảnh gà trống nuôi con do vợ mất sớm. Ở đó, anh gặp em gái của người bạn là cô Nguyễn Thị Tốt cũng đang phòng không chiếc bóng sau cuộc hôn nhân đầu dang dở. Rổ rá cạp lại, anh Sáu Nhờ xin gá nghĩa vợ chồng khi cô Tốt chỉ mới 18 tuổi xuân. Cả hai về sống ở xóm Thơm Gò Vấp. Từ đó, bà Tốt được gọi theo chồng là bà Sáu Nhờ (từ đây gọi tắt là bà Sáu). Chính bà Sáu là người gây dựng nên tên tuổi của xóm này.
Anh Lê Hữu Huấn, cháu ngoại bà Sáu từ nhỏ thường được nghe bà kể về xóm Lò Chè nên còn nhớ câu chuyện hình thành của nó. Từ tài nấu chè hồi con gái ở quê nhà, bà Sáu tạo dựng được một nghề chuyên biệt dành cho cả xóm, mỗi ngày nấu các món chè ngon miền Nam với số lượng lớn để phân phối đi hầu hết các chợ lớn nhỏ ở Sài Gòn – Gia Định suốt mấy thập niên từ 1930 đến đầu 1960.
Ban đầu khi mới về Gia Định sinh sống đầu thập niên 1930, bà Sáu chỉ mở một sạp bán chè ở chợ Bến Thành, mỗi ngày nấu mấy nồi chè đưa ra chợ bán. Một thời gian sau, bà chuyển về chợ Tân Định, tiếp tục nghề cũ. Sạp chè ngoài chợ của bà tuy đơn sơ nhưng rất đông khách vì món chè nào cũng thơm ngon. Sau một thời gian, bà về nhà lập lò chè tại gia. Sẵn đám con cháu gọi chồng bà bằng cậu sống quanh đó cần có việc làm để sống, bà rút ruột truyền dạy hết các bí quyết nấu chè cho họ và mở rộng căn bếp, nấu nhiều nồi cùng lúc. Hằng ngày, các cháu đến nhà bà phụ xay bột, sàng đậu và nấu chè dưới sự chỉ huy của bà Sáu. Nội chuyện đãi đậu phải dùng cả chục người, xay bột nếp làm chè xôi nước bằng cối đá phải dùng tay để xoay khá nặng nhọc. Nguyên liệu nấu chè mua ở chợ Gò Vấp gần nhà có bán nhiều nông sản như đậu, đường đưa từ Hóc Môn hay Tây Ninh xuống, vừa tươi ngon lại rẻ.
Chè nấu xong được các tiểu thương lấy về bán ở các chợ. Với các cháu trong họ, chưa tự nấu được thì cung cấp xôi chè đi bán, không tiền mua gióng gánh thì bà bỏ tiền mua cho. Dần dà, họ làm ăn khá lên dần, tự mở được sạp chè ổn định ở nhiều ngôi chợ trên đất Sài Gòn – Gia Định. Chè từ lò của bà là chè đậu trắng, chè táo xọn, chè xôi nước, chè bắp, chè khoai môn… Có loại giờ gần như không thấy đâu là chè hột me, nhai sừn sựt trong miệng lạ và ngon.
Trong số các loại chè ở lò bà Sáu, món chè bánh canh ngọt là thứ chè nổi tiếng nhất đến mức nhiều người gọi xóm này bằng cái tên khác là xóm Lò Bánh Canh. Những năm trước thập niên 1960, món chè này được ưa chuộng khắp các chợ nên lò của bà Sáu mỗi ngày nấu với số lượng nhiều nhất so với các loại khác. Chè đơn giản, chỉ nấu bằng bột gạo, nước cốt dừa, đường, gừng, mè rang… nhưng so với các loại chè dễ nấu khác, muốn nấu phải qua một số công đoạn phức tạp. Gạo phải ngâm với vôi, xay gạo bằng cối đá lớn với một cây dài hai người đẩy. Bột bỏ vào cái bao vải tám rồi dằn kỹ cho ráo nước gọi là bồng bột. Phải dậy sớm từ 3,4 giờ sáng để quết bột, quết xong bỏ vô cối để ép xuống lò nước đường. Chế biến làm sao sợi bánh canh trong món chè này phải có độ dai, thoảng chút mùi vôi, thơm ngon.
Qua thời gian, người trong xóm theo học bà Sáu đã rành nghề, lại tích lũy được vốn liếng nên dần ra riêng, tự nấu chè để bán. Đầu thập niên 1960, xóm Lò Chè đã có gần 20 trên 30 nhà nấu chè để sinh sống. Sẵn có số thanh niên đạp xe ba gác, xích lô sống quanh đó, các cô trong xóm nhờ chở chè và người ra chợ bán. Từ đó, dần dần hình thành các cặp vợ chồng có vợ bán chè, chồng đạp xe ba gác – xích lô. Anh nào lấy vợ trong xóm cũng biết chẻ củi, phụ vợ đãi đậu. Ban đầu các anh thuê xích lô chở khách, sau có vợ rồi thì tậu hẳn một chiếc xích lô hay ba gác. mỗi ngày chở mấy nồi chè với cô vợ ngồi chễm chệ trên xe ra chợ bán, chiều đi rước về.
Xóm Lò Chè ngày càng thịnh vượng, đông vui từ cái nghề quý báu và lương thiện này, tuy có cực một chút vì phải thức khuya dậy sớm nhưng rất ổn định. Đến lúc đó, khá nhiều hàng chè các chợ, từ chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Thị Nghè, Phú Nhuận, Gò Vấp, Cây Thị, chợ cổng số 10 … đều từ xóm này mà ra. Ai nấy đều biết ơn bà Sáu vì đã đưa nghề về đây mang cuộc sống êm ấm đến cho bà con.
Năm 1959, khi gả con gái là cô Sáu Quyên đi lấy chồng, bà Sáu đi chợ Bến Thành để mua sắm chuẩn bị đám cưới cho con thì bị té ngã gãy chân, từ đó chân bà yếu hẳn. Thấy con gái duy nhất lâu nay phụ mẹ nay đi theo chồng, các con trai đã lập gia đình hay còn nhỏ nên bà Sáu quyết định nghỉ ngơi sau tai nạn đó vài năm. Lò chè duy nhất cung cấp chè cho các nơi từ đó kết thúc hoạt động sau mấy chục năm tồn tại.
Cô Sáu Quyên, má của anh Huấn, tên thật là Ngô Thị Quyên. Cô theo mẹ nấu và bán chè từ hồi còn trẻ và lớn lên thừa hưởng sạp bán chè của bà ở chợ Tân Định. Năm 1959, một vị khách làm ở Nhà in Sài Gòn Ấn quán gần đó thường đến ăn chè của quán cô đã ngỏ lời làm quen và sau trở thành ông xã của cô, tức ba anh Huấn. Sau thấy cần phải chăm sóc gia đình con cái, cô Sáu Quyên không tiếp tục bán nữa nên sang sạp chè cho dì Mười là chị em cô cậu. Hiện nay hàng chè này vẫn còn ở chợ Tân Định, được gọi là hàng “Chè Bà Mười” nổi tiếng do con gái của bà Mười đảm nhiệm, bán các loại chè như chè thưng, chè khoai môn, chè bắp, chè chuối, chè trôi nước… Mỗi ngày hàng chè này thay đổi thực đơn để giữ khách, chỉ giữ lại vài món chè cố định được ưa chuộng. Hôm nào nếu may mắn, khách được thưởng thức món chè bánh canh ngọt, món truyền thống từ xóm Lò Chè ngày xưa. Nhiều khách đến ăn món này, luôn thắc mắc vì sao giờ chè ngon mà ít ai nấu loại chè này!?
Bà Sáu mất năm 1989, thọ 80 tuổi. Chồng bà đã ra đi trước đó 28 năm. Những năm cuối đời, bà thường trăn trở về việc các cháu cúng giỗ cho ông bà ngoại. Cháu nội của ông bà chỉ toàn là con gái, còn mấy anh em của Huấn lại là cháu ngoại. Huấn hứa sẽ làm giỗ, bà ngoại yên tâm. Bà lắc đầu nói: “Gà cồ ăn tấm mông mông/ Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ…”. Sau này, mấy anh em nhà anh Huấn vẫn nhắc nhau đừng quên ngày giỗ ông bà ngoại ở xóm Lò Chè cho dù bận bịu đến mấy. Những dịp lễ tết giỗ quảy, từ nhà riêng ở quận 7 về xóm Lò Chè nơi người anh giữ ngôi nhà từ đường, anh Huấn luôn sống lại kỷ niệm những ngày ngoại còn sống, nghe bà kể về lò nấu chè của bà những năm xưa. Nó đã không còn khi anh ra đời nhưng những món chè bà nấu anh được ăn những năm sau này vẫn còn đọng lại vị ngọt trong lòng.
Phạm Công Luận
*Chú thích: Ảnh trong bài là tư liệu của gia đình anh Lê Hữu Huấn.