Phạm Vũ Thịnh: Tariffs là Quan-thuế hay Thuế-quan?

(1) Từ ngữ tương đương trong tiếng Việt của “Tariff” nguyên là từ Hán-Việt “Quan-thuế-biểu“, nghĩa là bảng ghi mức quan thuế; dần dần được rút gọn để chỉ luôn “Quan-thuế“ tức là thuế đánh lên hàng hóa nhập xuất khẩu, qua cửa ải. “Quan” là cửa ải, như “Nam quan” là cửa ải phía nam China.
- Tự điển Hán-Việt của Thiều Chửu ghi:
Quan-thuế – 關稅: thuế trưng thu trên các hóa vật xuất nhập biên giới.
- Tự điển Anh Việt của Nguyễn Văn Khôn xuất bản năm 1964 cho biết:
Tariff: Quan-thuế-biểu, bản kê thuế thương chánh.
Quan-thuế là tariffs, còn gọi là “thuế đoan – customs duty” hay “thuế nhập cảng – import duty, tax on imports”.
- Tân Đại Tự điển Việt Anh của Nguyễn Văn Tạo xuất bản năm 1975 cũng cho biết:
Quan-thuế: Custom house dues / duties
Quan-thuế-biểu: Customs tariff / regime
(2) Còn “thuế-quan” là phòng / sở làm việc thu quan-thuế (tức là thuế trên hàng hóa xuất / nhập qua cửa ải) còn gọi là “sở thương chánh” hay “nhà đoan”, tương ứng với từ “customhouse / custom house”. Không chỉ thu quan-thuế, Thuế-quan còn làm các công việc khác như kiểm kê hàng hóa buôn lậu / vi phạm quy luật hành chính, nông nghiệp, vệ sinh, phong tục, an ninh.
(3) Trong Nhật ngữ, “関税 – かんぜい (kanzei) – quan-thuế” tương đương với “tariff” nghĩa là “a tax on exported or imported goods, customs duties on merchandise imports – một loại thuế trên hàng hóa xuất / nhập khẩu; thuế thông-quan trên hàng nhập khẩu”.
Còn “税関” – ぜいかん (zeikan)tương đương với từ “thuế-quan” (customhouse).
(4) Hán ngữ thì có từ “quan-thuế” dạng giản-thể là 关税, và dạng phồn-thể / truyền thống là 關稅, có nghĩa là “customs duty” hay “tariffs“.
Và Hán ngữ vốn không có từ “thuế-quan“ mà dùng từ “海关 – hải quan” được giải nghĩa là “customhouse, a government organization called customs” để chỉ “sở thu quan-thuế” làm các công việc ở mục (2) trên đây. Tuy cũng có thể có người dùng từ 稅關 – thuế-quan với ý nghĩa lịch sử là “sở trưng thu thuế qua ải của Nhật Bản từ thời nhà Minh”.
Như thế, từ nguồn là danh từ kép gốc Hán-tự “關稅 – quan-thuế” gồm hai danh từ đơn khác nghĩa nhau là “關 – quan” và “稅 – thuế“, người Việt đã mượn dùng thành danh từ Hán Việt là “quan-thuế” vẫn giữ nguyên cách cấu thành và cách đọc gốc của Hán-tự. Giống hệt như người Nhật đã dùng danh từ Hán Nhật “関税 đọc theo âm Nhật là かんぜい (kanzei) và nghĩa là quan-thuế (tariffs)”.
“Tariffs” là “quan-thuế” chứ không phải là “thuế-quan”.
“Thuế-quan” là “sở thu quan-thuế – customhouse“.
(5) Quy tắc cấu thành và đọc danh từ Hán Việt
Danh từ kép Hán Việt gồm 2 danh từ đơn Hán Việt không đồng nghĩa thì cách cấu thành và cách đọc đều tuân theo quy tắc “từ đơn đứng cuối cùng là chính, là từ chủ; từ đứng trước là từ trợ giúp, bổ nghĩa cho từ chính“. Ví dụ danh từ kép “tuyết sơn” gồm có danh từ đơn “sơn” nghĩa là “núi” đứng cuối là từ chủ / từ chính, và danh từ đơn “tuyết” đứng đầu là từ phụ bổ nghĩa – làm rõ ý nghĩa “núi tuyết (phủ)”.
Quy tắc đó “từ cuối cùng là từ chính, là từ chủ” cũng áp dụng cho trường hợp danh từ Hán Việt gồm 3 hay nhiều từ đơn hơn.
Trường hợp 3 từ đơn, ví dụ “quan-thuế-biểu” có từ cuối cùng “biểu” nghĩa là “bảng” là từ chủ yếu, được từ đơn ngay trước là “thuế ” bổ nghĩa cho biết là “bảng ghi mức thuế”, và tuần tự, từ đứng trước nữa “quan” nghĩa là “cửa ải” bổ nghĩa cho từ đơn kế tiếp là “thuế”, để chỉ rõ là “quan-thuế” nghĩa là “thuế đánh ở cửa ải”, rồi từ kép “quan-thuế” đó bổ nghĩa thêm cho từ chính “biểu” đứng cuối cùng, rằng đó là “bảng ghi mức thuế ở cửa ải” (đối với hàng hóa xuất nhập qua cửa ải).
Trường hợp 4 từ đơn, ví dụ “hồng y nữ hiệp” có từ cuối cùng “hiệp” là từ chủ yếu, ý nghĩa là “người nghĩa hiệp – người vị tha luôn cứu giúp người khác”, được bổ nghĩa bằng các từ đứng trước, lần lượt từ gần nhất cho đến xa nhất, cho biết đó là “người nghĩa hiệp phụ nữ mặc áo màu đỏ”.
Trường hợp 5 từ đơn, ví dụ “trung học đệ nhất cấp” có từ cuối cùng “cấp” là từ chính, chủ yếu, được bổ nghĩa bằng các từ đứng trước, lần lượt từ gần nhất cho đến xa nhất, cho biết đó là “cấp học thứ nhất (trước đệ nhị cấp là cấp thứ hai) trong bậc học thứ hai đứng giữa tiểu học và đại học”,…
Đó là quy tắc áp dụng lên cách cấu thành và cách đọc mọi danh từ Hán Việt, thành phần không thể thiếu chiếm hơn nửa từ vựng Việt ngữ. Thế nhưng, quy tắc này áp dụng cho danh từ Hán Việt, lại trái ngược 180 độ so với quy tắc cấu thành và đọc danh từ thuần Việt vốn có phần quen thuộc hơn đối với người Việt. Ví dụ từ Hán Việt “hồng thập tự” có thứ tự của các từ đơn trái ngược hẳn với từ thuần Việt “chữ thập đỏ” đồng nghĩa.
Sự trái ngược này có thể gây ra tai hại hiểu sai khi đọc danh từ kép Hán Việt và dùng sai khi viết danh từ kép Hán Việt. Tình hình chung là người Việt càng ngày càng ít quan tâm đến chuyện phân biệt từ Hán Việt hay thuần Việt, lại càng hiếm ai chịu khó tìm hiểu nguồn gốc từ Hán Việt để hiểu và dùng cho đúng ý nghĩa. Vả lại, người ta thường ghép một từ-đơn thuần-Việt trước một từ-đơn Hán Việt và đọc theo cách đọc thuần Việt, ví dụ “ngựa bạch”, “bông quỳnh”,… và hiểu ý nghĩa không khác gì từ Hán Việt “bạch mã”, “quỳnh hoa”,… Thế rồi, lắm người dựa vào đấy mà cho rằng thứ tự đứng sau hay đứng trước chẳng quan trọng gì, hoặc cả từ Hán Việt dùng trong tiếng Việt thì cũng phải sắp xếp lại đọc theo cách đọc từ thuần Việt.
Sự thật là muốn hiểu cho đúng ý nghĩa của từ kép Hán Việt thì cần phải tuân theo quy tắc nêu trên. Nhất là trong trường hợp “danh từ kép gốc Hán-tự gồm hai danh từ đơn khác nghĩa nhau” được ghép lại thành danh từ kép Hán Việt. Ví dụ “hải-quân” nghĩa là lính (đi) biển, chứ không ai nói ngược được là “quân hải”; hay “ngân-khố” nghĩa là kho bạc, chứ không ai nói ngược được là “khố ngân”,… Đúng với trường hợp danh từ “quan-thuế” nghĩa là “thuế thu ở cửa ải” thì không thể đảo ngược lại là “thuế-quan” hoặc cho là đồng nghĩa được, bởi “thuế-quan” đã có ý nghĩa khác, là “cửa ải thu thuế hàng hóa xuất nhập”.
(6) Trước 1975, học sinh trong hai năm đầu Trung học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9 bây giờ) hàng tuần đã có những lớp Hán-tự dạy chữ Hán với mục đích dạy cho biết mặt chữ, cấu thành và cách đọc cơ bản để chuẩn bị cho học sinh có khả năng hiểu đúng ý nghĩa từ Hán Việt, và có thể tầm nguyên – tìm hiểu nguồn gốc những từ Hán Việt thực dụng dần dần càng xuất hiện nhiều hơn trong tư liệu, văn kiện và cả trong đời sống của người đi học.
Tự điển tiếng Việt trước 1975 đều ghi đúng rằng “quan-thuế” tương ứng với từ “tariffs”, còn “thuế-quan” tương ứng với từ “customhouse”, như đã dẫn chứng trên đây. Thế nhưng những tự điển xuất bản sau 1975 lại theo đuôi nhau mà ghi sai rằng “thuế-quan là tariffs”. Sai lầm này đã lan truyền trong năm mươi năm nay, rộng khắp và nhanh chóng, nhất là qua mạng xã hội trên internet toàn cầu lại được tăng tốc bằng AI – trí tuệ nhân tạo và các từ điển trực tuyến, khiến cho số người hiểu sai dùng sai từ kép Hán Việt này càng ngày càng nhiều; rồi vì thể diện họ lại dựa vào số đông mà cho là mình đúng, hay cứ ngang ngạnh cho rằng “thuế-quan” hay “quan-thuế” cũng đồng nghĩa, chẳng khác gì nhau! Hùa theo số đông sai lầm, ngang nhiên phá bỏ quy tắc mà chẳng cần có căn cứ nghiêm túc, là hành vi của “đàn cừu của Panurge – les moutons de Panurge”. Sai lầm dù có được hàng vạn người đồng ý hùa theo cũng không thể là đúng.
Gemini, tiện ích AI – trí tuệ nhân tạo của Google, cho biết:
• Từ điển Hoàng Phê (Trung tâm Từ điển học Vietlex): định nghĩa “thuế-quan” là “thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu”. Đây là một trong những từ điển tiếng Việt được cho là chuẩn mực và được sử dụng rộng rãi. Từ điển này bản in lần đầu vào năm 1988, từ đó đến nay, đã được tái bản và chỉnh sửa trong các lần tái bản năm 1992, 1994, 1995, 1996, 1997, 1998, 2000, 2001, 2002, 2003 và cả sau này.
• Từ điển Kinh tế học (Nguyễn Văn Ngọc, Đại học Kinh tế Quốc dân): chắc chắn định nghĩa “thuế-quan” là khoản thuế đánh vào hàng nhập khẩu (custom duty), đồng nghĩa với “tariffs” trong tiếng Anh. Một ấn bản Từ điển Kinh tế học của Nguyễn Văn Ngọc đã được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản năm 2006. Và ấn bản khác Từ điển Kinh tế học (có đối chiếu tiếng Anh) cũng của Nguyễn Văn Ngọc đã do Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản năm 2012.
Thiết nghĩ Bộ Giáo dục Đào tạo có trách nhiệm và quyền hạn thẩm định các loại tự điển, và Viện Ngôn ngữ học cùng các nhà xuất bản tự điển nữa, đều cần quan tâm, kiểm điểm và chỉnh đốn những sai lầm loại này, không chỉ làm sai lạc ý nghĩa của một từ ngữ mà còn khuyến khích phá bỏ quy tắc ngôn ngữ.
(7) Hiện trạng là báo chí tiếng Việt ngày nay hầu như tất cả đều dùng từ “thuế-quan” để chỉ “Tariffs”.
Ví dụ báo chí Việt Nam:
– Nhân dân – 14/04/2025
Chính sách thuế quan mới của Mỹ với những phản ứng trái chiều.
Ngày 20/1, ngay sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng công bố bản ghi nhớ “Chính sách thương mại nước Mỹ trên hết”, đặt nền móng cho một loạt thuế quan mới, gây ra những tác động ngay lập tức trên trường quốc tế.
– Tuổi trẻ – 12/04/2025
Ông Trump nói thuế quan 10% chỉ là ‘mức sàn’.
Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11-4 cho biết “mức thuế quan 10% là mức sàn, hoặc gần với mức sàn và có thể có một vài trường hợp ngoại lệ”.
– VnExpress – 12/04/2025
Canada thấm đòn thuế quan của ông Trump.
Nền kinh tế Canada đã chao đảo từ cách đây vài tháng và nay, nó đang trên bờ vực suy thoái vì đòn thuế quan của Tổng thống Trump.
Ví dụ báo chí hải ngoại:
– BBC Tiếng Việt – 13/04/2025
Nhân viên Samsung đứng ngồi không yên trước thuế quan Trump áp lên Việt Nam.
Đối mặt với sự sụp đổ của thị trường toàn cầu, hôm thứ Tư, Tổng thống Donald Trump đã đột ngột hủy bỏ thuế quan đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày, nhưng lại tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%
– RFI Tiếng Việt – 13/04/2025
Đại chiến thuế quan Mỹ-Trung, « cây tre » Việt Nam biết ngả về đâu.
Tuy nhiên một cuộc chiến thuế quan mang tính hủy diệt và khó lường chưa bao giờ là giải pháp, vì gây tác hại kinh tế nặng nề cho cả đôi bên và làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự.
– CaliToday – 09/04/2025
Trump tuyên bố tạm dừng đánh thuế quan trong 90 ngày, tăng thuế đối với hàng Trung Quốc.
Apple, đối thủ của Samsung, thậm chí còn phải đối mặt với một thách thức lớn hơn, ít nhất là trong ngắn hạn, khi thuế quan của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên 145%.
*
Thiển nghĩ viết cho đúng tiếng Việt còn cần hơn cả chuyện viết tiếng Việt cho “trong sáng” như vẫn được hô hào bấy lâu nay. Bởi chữ nghĩa mà sai lầm thì tai hại sâu rộng và lâu dài.
Phạm Vũ Thịnh
Sydney 05 May 2025