Phúc Lai GB: Kịch bản duy nhất cho nước Nga

Vài gạch đầu dòng về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine – ngày 10/5/2024]

1. Kịch bản duy nhất cho nước Nga

Mới đây trên trang Nghiên cứu quốc tế có một bài dịch từ tiếng Anh của tác giả Stephen Kotkin: “Năm kịch bản cho nước Nga” rất đáng chú ý. Tuy nhiên khi đọc đến phần các kịch bản, tôi không nhận thấy mạch trình bày rõ ràng về các kịch bản đó (nó được nằm ở hai phần 2 và 3 của bài). Cuối cùng thì tôi tạm bằng lòng với các dòng in đậm đánh dấu (*): Nga trở thành Triều Tiên; Nga rơi vào hỗn loạn. Các mục còn lại là “Ngõ cụt của lục địa già” “Liệu còn con đường nào tốt hơn?” và “Cơ hội ở trong nước và nước ngoài” đều không rõ ràng là các kịch bản cho nước Nga. Vì vậy tôi chỉ thấy ở đây có 2 kịch bản mà thôi.

Trong kịch bản 2 “Nga rơi vào hỗn loạn” trên đây, tôi cực kỳ đồng ý với nhận định tác giả đưa ra: sẽ không có kịch bản sụp đổ như Liên Xô. Tôi xin trích đoạn đó: “Liên bang Nga hiện bao gồm các đơn vị lãnh thổ không dựa trên sắc tộc và không có tư cách bán quốc gia (quasi-state). Các chủ thể tương đương cấp quốc gia hầu hết đều không có đa số chính thức và thường nằm sâu trong lục địa, chẳng hạn như Tatarstan, Bashkortostan, Mari El, và Yakutia. Nhưng Liên bang Nga có thể tan rã một phần ở các khu vực biên giới đầy biến động như Bắc Caucasus. Kaliningrad – một tỉnh nhỏ của Nga bị cô lập về mặt địa lý với phần còn lại của liên bang và nằm giữa Lít-va và Ba Lan, cách đất Nga hơn 400 dặm – cũng có thể dễ bị tổn thương.”

Quay lại với kịch bản 1: Nga trở thành Bắc Triều Tiên – liệu việc đó có thể xảy ra không? Theo tôi là khó – vì người Nga không phải như người dân Bắc Triều Tiên, và chế độ của Putox vẫn ít nhiều muốn xây dựng hình ảnh “một chế độ dân chủ.” Vì vậy dẫu có những điều rất phi dân chủ như chĩa súng vào những người đồng tính ái, thậm chí xử lý cả ban nhạc Pussy Riot và đáng chú ý nhất là cho phép sự xuất hiện và hoạt động trong một thời gian dài của các nhân vật đối lập: Boris Nemtsov và người mới bị “xử lý” Alexei Navalny… Từ đó chúng ta có thể nhận thấy tính khép kín của nước Nga nếu theo kịch bản Bắc Triều Tiên, là thấp hơn nhiều, thậm chí không thể làm được. Bản thân người Nga cho đến nay với những người phản đối chế độ Putox, cách phản ứng của họ là… bỏ đi, ra nước ngoài. Nhưng vẫn còn rất nhiều người không có điều kiện bỏ đi như vậy. Tình trạng tương tự diễn ra ở Bắc Hàn, nhưng số lượng người vượt biên được đến với thế giới tự do rất nhỏ. Còn lại là những người trung thành và cuồng tín.

Trong điều kiện đó, cách nhìn nhận và hành xử của phương Tây với một nước Nga thời hậu chiến, chắc chắn cũng sẽ phải khác so với Bắc Hàn, và cho đến nay chúng ta đang chứng kiến một thái độ thận trọng, chưa thể đoán định được chính xác quyết sách của phương Tây đối với Nga, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Vậy kịch bản 1 có thể xảy ra hay không? Có thể, nhưng không giống hẳn. Nó xảy ra khi Putox thắng và Ukraine thua trong cuộc chiến. Khi đó chính quyền của Putox sẽ đối mặt với các lệnh cấm vận và trừng phạt thêm một thời gian nữa, tùy thuộc vào tình hình phát triển với các yếu tố: chính quyền mới được hình thành ở Ukraine như thế nào: có ngả mạnh mẽ vào lòng Nga hay không và hình thành một thực thể mới dạng “Liên minh Nga Belarus Ukraine” hay không; hay nó sẽ được hình thành một cách êm thấm dạng trung lập (theo yêu cầu của Nga) nhưng phương Tây vẫn khống chế được quá trình… Tôi thì cho rằng nếu kịch bản này diễn ra, thì phương án đầu, một Nhà nước thân Nga được thành lập chiếm khả năng 90 đến… 99%, phương án sau từ 10 tụt xuống 1%.

Nhưng đây sẽ là kịch bản nguy hiểm. Đầu tiên, nó củng cố vị thế của Putox, và hắn sẵn sàng huy động thêm các nguồn lực của đất nước để khắc phục những hậu quả của cấm vận – trừng phạt. Với “chiến thắng” trong cuộc chiến chống một nước Ukraine mong muốn độc lập và hướng Âu, Putox có được chính danh trong nước, rằng hắn đã thắng trong cuộc chiến chống lại “bọn phát-xít Kyiv.” Nga phần nào sẽ bị cô lập, nhưng không thể triệt để được như Bắc Triều Tiên vì khả năng của Nga hơn hẳn trong các hoạt động mang tính mờ ám như… buôn lậu. Nguồn lực của Nga cũng hơn Bắc Hàn rất nhiều vì vậy người Nga sẽ rơi vào một tình thế mâu thuẫn. Một mặt, người Nga sẽ không bị tình trạng bần cùng hóa như người dân Bắc Hàn. Mặt khác, có những thứ tiên tiến về công nghệ dù có dựa vào nước ngoài (Trung Quốc) thì không thể bù đắp được so với nguồn phương Tây. Xã hội Nga vẫn sẽ thụt lùi và quay lại với yếu tố con người trên đây tôi đã viết, trước sau bên trong cũng sẽ có nội loạn.

Đó là chưa nói đến chuyện, kịch bản này chỉ có thể xảy ra khi phương Tây quay lưng lại với người Ukraine. Hiện nay sau khi gói viện trợ được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, tạm thời chưa thể đặt vấn đề đó ra được. Tất nhiên trong trường hợp người Ukraine lại tiếp tục tiêu tốn nguồn lực đang nhận được này một cách uổng phí, thì chưa biết tình hình sẽ dẫn đến đâu.

Vậy thì chỉ còn có thể xảy ra kịch bản số 2: nước Nga rơi vào hỗn loạn – nhưng sự tan rã của nó đã diễn ra một lần vào năm 1991 – cần phải nói chính xác là LẦN THỨ NHẤT, và quá trình đó vẫn tiếp tục diễn ra chứ không dừng lại. Điều này có thể cần thêm chút lý giải. Như có lần tôi đã viết: vào năm 2007 khi chứng kiến sự thay đổi thái độ của Putox đối với phương Tây: nào là phục hồi chủ nghĩa đại Nga, tư tưởng Á – Âu, quân phiệt hóa về tư tưởng trong bấu víu vào chiến thắng vĩ đại năm 1945 của cuộc chiến tranh vệ quốc… Trong khi đó, Putox duy trì chế độ siloviki về chính trị, oligarch về kinh tế và cả hai chế độ này tập trung phục vụ một cái đầu duy nhất, như con rắn hai thân nhưng một đầu, đó chính là ông chủ điện Kẩm-linh. Để nuôi cả hai cái thân, cái đầu cho một thân đục khoét tài nguyên đất nước và nộp về ngân sách, thân kia đục khoét từ ngân sách đó. Tất cả những vấn đề về xã hội: giáo dục, y tế… được mặc kệ cho xuống cấp, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa. Nhân khẩu học là một vấn đề nhức nhối, ngay thời đó Putox đã có chính xác tặng mỗi người phụ nữ sinh con khoản tiền 20.000 đô-la Mỹ, nhưng vẫn không giải quyết được vì gốc rễ của nó là từ giáo dục, môi trường và cả lối sống. Chẳng hạn, nữ thanh niên Nga là giới hút thuốc uống rượu siêu hạng, cao hơn hẳn so với những nước còn lại ở châu Âu… đó là những rào cản cho vấn đề nhân khẩu học mà bản thân biện pháp tài chính không thể giải quyết được.

Từ quan sát trên đây, tôi đoán rằng khoảng 15 năm tất cả những ung nhọt đó sẽ bộc lộ ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền Putox, và để khỏa lấp chuyện đó, hắn cần một cuộc chiến tranh. Vậy là cuộc chiến tranh Ukraine có nguyên nhân chính trong lòng nước Nga, và tôi dự đoán đúng cả về thời gian lẫn việc nó nổ ra. Hồi 12/2021, tôi vẫn cố đoán sai là nó sẽ không nổ ra, vì hi vọng vào hòa bình và hi vọng rằng Putox không quá ngu và biết rõ tình trạng của quân đội Nga. Dự báo này nghiêng nhiều về tình cảm hơn là lý trí. Khổ cái, lý trí một lần nữa thắng thế.

Với cuộc chiến tranh này, nước Nga chắc chắn đi vào quá trình tiếp tục tan rã, nhưng kịch bản Liên Xô 1991 đã chấm dứt. Vì vậy, chúng ta không thể gọi nó là TAN RÃ vì không ai lường được nó sẽ tan rã tiếp như thế nào, vì vậy, việc hình dung nó là một quá trình chuyển sang hỗn loạn, gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

• Một. Điều kiện để HỖN LOẠN xảy ra: (1) quân đội Nga trên chiến trường hết hơi, tan rã ở nhiều chỗ và (2) Ukraine có một số chiến thắng quyết định mang tính chiến lược. Hai điều này nhìn chung sẽ xảy ra cùng với nhau như hai mặt của một quá trình không thể tách rời. Mặt (1) phải nhờ có sự giúp đỡ của ATACMS và đạn dược của đợt mới này. Mặt (2) lại phải căn cứ vào (1) để xem đoạn nào bộc lộ điều kiện thuận lợi. Khi đã có hai điều đó, trong khi nguồn lực về nhân sự của Nga đi đến thêm một giới hạn nữa, thì sẽ đuối.

• Hai. Về quá trình. Có rất nhiều khả năng có thể xảy ra, nhưng bao giờ khi có các bất lợi xảy ra trên chiến trường, sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong nhóm lãnh đạo chóp bu. Khi đó có thể sẽ diễn ra thanh trừng một vài nhân vật, hoặc một nhóm nhân vật khác phản thùng… Như trước đây tôi đã từng so sánh khi đem sự kiện chiến dịch Valkyrie năm 1944 ra đặt vào tương quan với nước Nga ngày nay: hồi đó cơ quan mật vụ Đức làm việc tốt hơn Nga bây giờ rất nhiều, và trung thành với Hitler hơn mật vụ Nga với Putox. Sự kiện binh biến năm ngoái của Prigozhin cho thấy, quân đội Nga chưa hưởng ứng, nhưng không chống lại – đây là một chỉ dấu rằng, vị thế của Putox là bấp bênh chứ không hề vững chắc. Những đồn đoán vừa qua về thái độ của Putox với Nguyên soái Ván Ép, đặc biệt sự kiện bắt cấp phó của hắn, thằng Timur Ivanov dù bản chất như thế nào thì cũng là một sự lục đục về nội bộ. Dù có trung thành đến mấy mà đến khi mâu thuẫn không dung hòa được, cũng sẽ phải quay ra cắn nhau. Quá trình sẽ là như thế.

• Ba. Diễn biến cụ thể. 

– Cũng lại có rất nhiều kịch bản, nhưng kịch bản phổ biến nhất là một cuộc NỘI CHIẾN 1918 – 1923 sẽ lặp lại. Trong đó cũng sẽ có yếu tố của TAN RÃ và li khai, với khả năng cao nhất là Chechnya và Ingushetia. Thấp hơn có thể là Bashkortostan (hay Bashkiria). Nhưng phổ biến nhất, vẫn là nội chiến, tức là chiến tranh giữa các nhóm vũ trang, có thể từ hạt nhân là các quân khu hiện nay, hoặc nhóm các Tập đoàn quân. Cách đây 100 năm, các nhóm vũ trang như Anton Denikin, Alexander Kolchak (ảnh)… được gọi là BẠCH VỆ, nổi lên chống chính quyền trung ương mới chấp chính là Bolshevik, thì nay hình thái này có thể lặp lại. Chính quyền trung ương (có thể có Putox hoặc kế thừa Putox) vẫn nắm được một lực lượng lớn, phải chống lại sự nổi dậy của một số nhóm nhỏ hơn trên một số vùng đất. Vùng càng xa, ví dụ như Viễn Đông, càng dễ vỡ trước. Sự ra đời của một Cộng hòa Viễn Đông mới dạng như của Alexander Kolchak ngày xưa là hoàn toàn có thể xảy ra, ngoài ra còn có thể có nhiều thực thể tương tự xuất hiện.

– Đặc điểm của diễn biến này có 2 điểm đáng chú ý: yếu tố dân tộc, li khai nhỏ do tầm cỡ của các vùng đất đó so với Nga là không lớn, chính xác là rất nhỏ. Điểm thứ hai, là có thể xảy ra li khai nhưng cũng của những người Nga với nhau nhưng khác biệt về tư tưởng và cách nhìn nhận vấn đề của việc hình thành một nước Nga mới sau chiến tranh, một nước Nga dân tộc chủ nghĩa và tiếp tục chống phương Tây hay dân chủ hóa. 

– Lúc đầu, có thể là quá trình li khai trên đây, dẫn đến việc chính quyền trung ương phải đối phó, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế xã hội rối ren và đi xuống mức độ cùng cực, có thể có những hỗn loạn nhất định (nạn cướp bóc, quân đội công an hoành hành cướp cùng với… cướp thật…) sẽ dẫn đến đảo chính… Nhóm đảo chính thường có đường lối cải lương, muốn duy trì quyền lực sẵn có do Putox để lại, ắt sẽ mâu thuẫn với những nhóm khác. Đó là tiền đề cho nội chiến. 

– Kết thúc ổn thỏa cho nội chiến thì phải có sự thỏa hiệp giữa các nhóm vũ trang với nhau để tổ chức hiệp thương, tổng tuyển cử sau một thỏa thuận ngừng bắn. Kịch bản khác là một nhóm đủ mạnh để tiêu diệt các nhóm còn lại. Trong trường hợp chính quyền trung ương đủ mạnh để tiêu diệt tất cả các nhóm, thì khả năng Putox tại vị đến lúc đó dưới 10% và những kẻ kế nghiệp này cũng buộc phải chọn một con đường cho nước Nga, nhưng khả năng đi tiếp theo hướng… Bắc Triều Tiên là rất thấp.

2. Vài gạch đầu dòng về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine – hay các điều kiện để xảy ra quá trình hay kịch bản trên đây, có thành hiện thực hay không?

Hôm qua anh Phan Châu Thành từ Ba Lan có bài tổng kết mà tôi rất chú ý đến một đoạn: 

#Trích

Rất nhiều các nhà quan sát cho rằng quân Nga cũng đang tập trung chừng 350.000 lính cùng nhiều phương tiện gần biên giới Ukraina khu vực xung quanh Kharkiv, có thể sẽ mở một mặt trận mới tại khu vực này trong khoảng cuối tháng 5 sang tháng 6. Theo họ, đây sẽ là thời gian khó khăn nhất đối với Ukraina từ đầu cuộc chiến tới giờ [1] 

Nhưng cũng theo họ, phía Nga không có đủ lực lượng để có thể chiếm được thành phố Kharkiv, mà điều có thể làm là buộc phía Ukraina phải rút 1 số lực lượng dự bị từ khác chiến trường khác về đây, làm sức kháng cự ở những nơi đó suy giảm. Theo họ, phía Ukraina đã chần chừ quá lâu trong việc tổng động viên [2] 

Như vậy, có khả năng 2 tháng tới sẽ mang tính quyết định, khi quân Nga dồn dập tấn công còn phía Ukraina lo phòng thủ. Sẽ rất căng thẳng và ác liệt, nhưng cũng có thể là bước ngoặt của cuộc chiến này.

#Hết_trích

Nhìn chung những nhận xét này là đúng. Khẳng định nó, hôm qua có thông tin về việc Quốc hội Ukraine ra luật cho phép sử dụng tù nhân vào quân đội. Về việc này tôi đọc thấy các điều kiện để được phục vụ trong quân đội với những tù nhân đó cũng rất khắt khe. Khi hỏi một anh người Ukraine thì anh ấy xác nhận điều này đúng và tình trạng khó khăn trong tuyển quân là có thật.

Nhưng trong đoạn trên của anh Thành, có thông tin 350.000 quân Nga tập trung thì tôi không tìm thấy trong link hai bài báo trên. Cá nhân tôi cho rằng, nếu có con số này, thì phải hiểu rằng “Nga đã bổ sung thêm và toàn bộ quân Nga trên chiến trường Ukraine đạt 350.000 quân.” Còn với quân số sẵn có từ nhiều nguồn cho rằng chúng có từ 210.000 đến 250.000 quân hiện tại, mà bổ sung thêm 350.000 quân mới cứng nữa cho một chiến dịch tấn công cũng “brand new,” là rất khó có thể xảy ra. Quân số đó là bằng nguyên lực lượng chiến đấu của quân đội Nga sát trước thời điểm ngày 24/2/2022. Trong thời gian qua để có được một lực lượng lớn như vậy, thì số lượng trường quân sự phải mở lại, số lượng đơn vị huấn luyện phải được tăng thêm và song song với đó là số giáo viên, người hướng dẫn cũng tăng thêm rất nhiều… đó là chưa nói đến việc trang bị cho họ. Và cuối cùng, Nga vừa rồi chỉ tiến hành đợt nhập ngũ mùa xuân với lính nghĩa vụ, chứ không tổng động viên. Chỉ có tổng động viên mới có thể có quân số trên.

Hiện nay, chúng ta thừa nhận tình hình phía Ukraine rất khó khăn, đặc biệt về nhân lực. Nhưng điều đó đang xảy ra, khi những diễn biến chiến trường như thế nào? Thiệt hại lớn nhất là khoảng 20 ki-lô-mét vuông ở tây bắc Avdiivka (làng Ocheretyne, cách đây 4 ngày Reuter đưa tin quân Nga chiếm phía đông của làng) và hai làng nhỏ xíu hướng Kupyansk. Ngược lại, thiệt hại của quân Nga đặc biệt lớn về nhân lực, trừ hôm nay dưới 1000 “kiện hàng 200”, còn thì mấy ngày trước ngày nào cũng 1200, 1300… kinh khủng!

Vì vậy, tôi đang không cho rằng Nga sẽ có chiến dịch tấn công vào mùa hè này, tức là vào tháng Sáu sẽ có một “brand new offensive operation” mà các diễn biến HIỆN NAY ĐANG DIỄN RA, thậm chí có thể tính toán rằng nó bắt đầu từ ngày 25/4/2024, ngày đầu tiên bắt đầu của “chuỗi trên 1000” của số “kiện hàng 200.” Hôm qua tôi nói chuyện với một người bạn, và bảo anh ấy: lại phải moi cái câu tôi đã viết nhiều lần từ rất lâu: KHÔNG NÊN COI SỨC MẠNH CỦA ĐỊCH LÀ VÔ HẠN. Nếu những nhận xét, quan sát của tôi là đúng, tức chiến dịch tấn công cuối xuân – đầu hè của Nga đã bắt đầu, thì từ hôm đó đến hôm nay, con số tạm tính của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đã là 15.750 “kiện hàng 200.” Khi tất cả lực lượng được chuẩn bị cho chiến dịch mất mạng 1/3, tức là thương vong từ 1 nửa đến 2/3, thì chúng sẽ đuối sức, hết hơi và từ từ dừng lại.

Chúng ta không thể biết vừa qua chúng bổ sung được bao nhiêu, nhưng con số “kiện hàng 200” có thể đạt gấp đôi số trên, tức là 30.000, thì có thể bão sẽ ngớt – và tôi tạm hình dung là cuối tháng Năm này, sẽ là thời điểm đó. 

Đến đầu tháng Sáu mà “điều khó có thể xảy ra” là 350.000 quân là có thật và tổ chức tấn công nhiều hướng vào Kharkiv, đồng thời chúng có đầy đủ: xe tăng, pháo binh và không quân theo đúng lý thuyết của học thuyết quân sự, thì gần như Kharkiv sẽ không chống được. Nhưng điều này khó xảy ra lắm.

Thật sự việc Nga lùi hậu cần và các trung tâm chỉ huy ra xa 100 ki-lô-mét do tránh tác động của HIMARS, đã khó cho bọn chúng lắm rồi. Như vậy, các kho thường phải lớn, cũng như các điểm tập trung quân cũng lớn vì không ai công đâu đi phân tán cả. Phía Ukraine cứ có đủ ATACMS thì xong hết: quá lắm 100 mục tiêu cỡ lớn, 300 quả ATACMS đệm thêm JDAM là sẽ có tác động đáng kể. Quá trình này diễn ra cũng phải một tháng, tháng rưỡi tính từ đầu tháng Năm. Cứ cho nó kéo dài 2 tháng đi, hết tháng Sáu là quân Nga cũng đủ “mềm,” nhưng chưa vỡ trận được vì nhìn chung quân có thể chịu đói theo kiểu không đủ ăn được một thời gian. Tuy nhiên, chiến tuyến sẽ có những chỗ mỏng, nếu người Ukraine tập trung vào đó thì lại có cú vỡ trận như ở Kharkiv mùa thu năm 2022.

Tất cả những phân tích trên cho thấy, chính người Ukraine cũng ở trong tình thế buộc phải lựa chọn giữa hoặc là thua hẳn, hoặc là đánh sát ván luôn để cố thắng. Những vụ không kích vào thành phố và hạ tầng gần đây, cho thấy không thể để kéo dài như thế này được. Vì vậy phải quyết chiến, nếu không thì chết. Đồng thời về quốc tế, gói viện trợ này chưa chắc đã có gói sau, vì vậy để kéo dài cũng bất lợi.

Thời gian cho những hoạt động tấn công quân sự ở Ukraine tốt nhất là tháng Sáu, tháng Bảy. Sang tháng Tám vẫn có thể được. Vì vậy thời gian đó có thể sẽ là thế giới cao điểm của chiến sự. 

Phúc Lai GB

[1] 

https://wiadomosci.gazeta.pl/wiadomosci/7,114881,30954831,ukrainski-dowodca-o-sytuacji-na-froncie-najgorsza-od-poczatku.html

[2] https://www.unian.ua/war/masovani-ataki-rosiji-po-zahodu-ekspert-nazvav-metu-rosiyan-12630435.html