Song Thao: Khi Giáo Hoàng phiếm

Từ trái sang phải: Giáo hoàng John XXIII (1958 – 1963), Giáo hoàng John Paul II (1978-2005), Giáo hoàng Francisco (từ năm 2013)

Giáo Hoàng là người lãnh đạo tinh thần của dân Chúa trên khắp hoàn vũ phải là người luôn oai nghiêm và…buồn. Nhưng thực tế không phải vậy. Các Giáo hoàng cũng vui ra phết. Vui nhất là đương kim Giáo hoàng Francis, tên Việt hóa là Phanxicô.

Ngày 14/6/2024, vừa qua Ngài mở đại hội vui bằng cách mời 107 danh hài không phân biệt tôn giáo từ 15 nước tới Vatican dự đại hội. Các cây hài Mỹ phó hội gồm Whoopi Goldberg, Julia Louis-Dreyfus, Jimmy Fallon, Chris Rock, Stephen Colbert, Conan O’Brien, Tig Notaro, Jim Gaffigan. Chỉ có hai ông Colberg và Gaffigan là người Công giáo. Còn hai ông Fallon và O’Brien hồi nhỏ có theo học tại các trường công giáo. Khi được mời, các cây hài này hành nghề liền. Cây hài Stephen Colberg nói: “Giáo hoàng Francis sắp gặp tôi tại Vatican! Tôi hồi hộp chứ. Không biết Giáo hoàng có phải là người Công giáo không?”. Danh hài Chris Rock, người bị Will Smith tát tại buổi lễ trao giải Oscar vì anh này cho là Rock đã xúc phạm vợ anh ta, chắc mọi người còn nhớ. Colberg nhắn Chris Rock: “Chris, vì an toàn của anh nên tôi lấy tên Mary Magdalene ra khỏi miệng anh. Vì Giáo hoàng đeo một chiếc nhẫn lớn lắm!”.

Lên tiếng trước “đại hội” danh hài, Giáo hoàng Francis nói: “Các bạn đã đoàn kết mọi người vì tiếng cười thường lây lan. Các bạn cũng có thể khôi hài với Chúa, dĩ nhiên, vì đó không phải là sự báng bổ. Các bạn có thể làm vậy mà không xúc phạm niềm tin tôn giáo của các tín đồ”. Ngài không đọc bài diễn văn được soạn sẵn mà ứng khẩu sau khi để ngón tay cái ngọ nguậy trên đầu khiến cử tọa cười ồ lên. Ngài cho biết đã cầu nguyện 40 năm để có được năng khiếu hài hước. Ngài nói: “Theo lời dạy của thánh Thomas Aquinas: ai thiếu sự vui tươi là tội lỗi. Tôi sẽ làm theo như vậy để chúng ta cùng cười vui. Ngạn ngữ Ý nói nụ cười mang lại sức khỏe. Nguyên văn tiếng Ý như sau: il sorriso fa buon sangue. Đó là biến thể của một tục ngữ Ý : il vino fa buon sangue. Dịch ra tiếng Anh: wine brings good health. Rượu mang lại sức khỏe!” Hướng về các danh hài, Ngài nói thêm: “Các bạn đoàn kết mọi người vì tiếng cười có sức lây lan. Các bạn tìm cách để khiến mọi người cười, ngay cả khi cần giải quyết các vấn đề và sự việc lớn nhỏ. Các bạn lên án việc lạm dụng quyền lực; các bạn lên tiếng về những tình huống bị lãng quên; các bạn nêu lên những hành vi lạm dụng; các bạn chỉ ra những hành vi không phù hợp”.

Đương kim Giáo hoàng có vẻ rất thích thú về cuộc tụ hội các danh hài này. Sáu tháng sau, ngày 17/12/2024, Ngài còn viết một bài báo trên tờ The New York Times. Tôi trích ra một số câu trong bài này qua bản tiếng Việt của nhà báo Đinh Từ Thức. “Châm biếm là một liều thuốc, không chỉ nâng đỡ và giúp người khác được tươi sáng, mà còn giúp cả chính chúng ta, do sự tự giễu là một công cụ mạnh mẽ để vượt qua sự cám dỗ của ái kỷ. Người ái kỷ liên tục soi gương, tự tô vẽ, tự ngắm nghía mình, nhưng lời khuyên tốt nhất khi đứng trước gương là hãy tự cười mình. Điều đó tốt cho chúng ta. Nó sẽ chúng tỏ sự thật của câu tục ngữ rằng, chỉ có hai loại người hoàn hảo: những người đã chết và những người chưa chào đời. Phúc Âm khi khuyên chúng ta trở thành như trẻ nhỏ để được cứu rỗi là nhắc nhở chúng ta tìm lại bản tính dễ cười của chúng”. Ngài tự trào: “Khi tôi bồng trẻ em trong các buổi tiếp kiến tại Công Trường Thánh Phêrô, chúng thường cười rất tươi. Nhưng một số khác, khi thấy tôi mặc toàn đồ trắng, tưởng tôi là bác sĩ tới để chích cho chúng, thì chúng khóc!”.

Vị Giáo hoàng 87 tuổi hiện nay rất thích khôi hài. Có lần Ngài nói với mọi người: “Một chút khôi hài sẽ nâng chúng ta lên, nó chứng tỏ đời sống của chúng ta ngắn ngủi và nâng mọi sự lên tinh thần của đấng cứu chuộc. Đó là một thuộc tính của con người nhưng cũng là ân sủng gắn bó nhất của Chúa”.

Nhà báo Ý Chiara Amirante đã nhiều lần phỏng vấn Giáo hoàng Francis và ghi lại trong cuốn sách Dio è Gioia (Thiên Chúa Là Niềm Vui) xuất bản ngày 19/5/2020 ở Ý. Theo Ngài thì niềm vui Kitô giáo vừa gần với hòa bình vừa gần với khiếu hài hước. Tinh thần hài hước là thái độ của con người gần với ân sủng Chúa nhất vì thế ai thiếu khả năng này thì như họ thiếu một cái gì. Bà Chiara hỏi: “Bí mật vui vẻ của cha là gì?”. Ngài trả lời: “Tôi không biết, tôi không biết trả lời sao. Tôi sống như vậy nhưng tôi không biết giải thích như thế nào”. Ngoài cửa phòng của Ngài tại Nhà Thánh Marta có treo tấm bảng ghi vỏn vẹn hai chữ “Vietato lamentarsi” (Cấm than phiền). Ngay khi được hồng y đoàn bầu lên chức Giáo hoàng, Ngài đã khôi hài: “Xin Chúa tha tội cho các ngài!”. Ngài còn có những câu nói khá ngộ nghĩnh như: tôi không từ chối giải tội cho những người trên Hỏa tinh; tòa giải tội không phải là tiệm giặt ủi có thể tẩy vết nhơ của tội; người ta không thể rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu với bộ mặt đưa đám. 

Bảng “Cấm Than Phiền” trên cửa phòng Giáo hoàng Francis.

Một lần Ngài lên máy bay xách một chiếc cặp đen, các nhà báo ngạc nhiên hỏi, Ngài…phiếm: “Dù sao thì đây không phải là chiếc cặp nhỏ có chìa khóa bom nguyên tử”. Ngài là người Argentina rất mê bóng đá. Mùa giải World Cup 2014, một cận vệ người Thụy Sĩ mời Ngài cùng coi trận Argentina – Thụy Sĩ, Ngài từ chối và cười nói: “Sẽ là chiến tranh mất!”. Trong chuyến Tông du qua Mỹ vào tháng 9/2015, có một em bé được cha mẹ cho mặc bộ áo giáo hoàng toàn trắng trông như một giáo hoàng Francis nhỏ. Ngài cười ngất, ôm bé vào lòng, nói với cha mẹ em: “Các vị có óc hài hước siêu hạng!”. 

Pope Francis kisses baby dressed like him

Cũng trong chuyến Tông du của Giáo Hoàng Francis này, Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục giáo phận New York, kể lại một giai thoại: “Vào cuối chuyến thăm, chúng tôi ngồi bên cạnh nhau trên chuyến máy bay trực thăng ra phi trường để Giáo hoàng đi Philadelphia, Ngài cầm một chai nước nhỏ và hỏi tôi: “Cha có muốn uống một chút không? Đúng là tôi rất khát vì đi theo Ngài, tôi thực sự không uống gì vì không biết lúc nào có thể vào nhà vệ sinh được. Đức Giáo hoàng cười và chọc lại tôi: ‘Bây giờ tôi mới biết là vì vậy! Vậy cha có muốn uống một chút nước không?’. Tôi trả lời Ngài: ‘Cũng không, xin cám ơn cha. Con có uống một giọt whisky Jameson rồi’. Ngài phá lên cười. Khi tôi là người cuối cùng chào Ngài trong buổi lễ tiễn đưa ở phi trường, Ngài đứng xích lại gần tôi, nháy mắt thân mật và nói: “Bây giờ cha có thể uống, không phải một mà hai giọt Jameson để ăn mừng chuyến đi thăm phi thường này!’. Nói xong Ngài lại phá lên cười”.

Tôi quẩn quanh với đương kim Giáo hoàng Francis này khá dài vì Ngài là Giáo hoàng không giống các giáo hoàng trước. Ngài là một tay đua luôn muốn bứt phá. Mới đây, ngày 6/1/2025, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm một nữ tu, dì Simona Brambilla, giữ chức Tổng trưởng bộ Quản Lý Các Tu Viện Đời Sống Thánh Hiến, quản lý tất cả các dòng tu nam nữ. Hành động này chưa có tiền lệ. Lần đầu tiên có một nữ tu làm tổng trưởng tại Vatican.

Ngày 14/1/2025, Giáo Hoàng Francis sẽ cho phát hành cuốn tự truyện Hope. Đây cũng là lần đầu tiên một giáo hoàng có tự truyện đời mình. Cuốn sách được viết trong sáu năm và dự định chỉ phát hành sau khi Ngài qua đời nhưng vì năm 2025 là năm thánh Hy Vọng nên Ngài quyết định cho phát hành sớm. Cuốn tự truyện này viết về những năm khởi đầu thế kỷ 20 khi Ngài mới ra đời. Giáo hoàng Francis người gốc Ý, tổ tiên của Ngài đã di cư qua châu Mỹ Latin. Tuổi thơ của Ngài tại Argentina, tuổi trẻ đầy cống hiến, đời sống tu trì, và những ngày phục vụ dân Chúa cho tới khi lên ngôi giáo hoàng. Ngài cũng tiết lộ những giây phút căng thẳng khi tại ngôi với những dị biệt về những vấn đề của thời đại: chiến tranh và hòa bình, kể cả cuộc chiến Ukraine và Trung Đông; vấn đề di dân; vấn đề môi trường; chính sách xã hội; địa vị của nữ giới; vấn đề tình dục; tiến bộ kỹ thuật; tương lai giáo hội và tôn giáo nói chung.

Bìa cuốn tự truyện “Hope”

Một chuyện nữa không giống những vị tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis là chuyện lễ an táng khi Ngài về với Chúa. Chúng ta mới mục kích đám tang mới đây của cựu Giáo Hoàng Benedict XVI, mất ngày 31/12/2022, với các nghi lễ phức tạp. Trong cuộc phỏng vấn của một hãng truyền thông Mexico vào ngày 12/12/2024, Giáo hoàng Francis cho biết Ngài đang bàn bạc với Tổng giám mục Diego Ravelli để đơn giản hóa các thủ tục an táng dành cho vị đứng đầu Tòa Thánh. Thứ nhất: Ngài muốn quan tài của Ngài chỉ có một lớp gỗ được lót kẽm thay vì ba chiếc quan tài bằng gỗ bách, chì và gỗ sồi lồng vào nhau như quan tài của các vị tiền nhiệm. Thứ hai: trong lễ viếng của giáo dân, quan tài sẽ không được đặt trên bệ cao tại Vương Cung Thánh Đường mà sẽ để mở nắp. Thứ ba: mộ của Ngài sẽ không nằm tại thánh đường thánh Phêrô như 91 giáo hoàng khác mà sẽ nằm tại thánh đường Thánh Mary Major (Đức Bà Cả) của thành phố Rome, bên ngoài tòa thánh Vatican. Thánh đường này là nơi Giáo hoàng Francis thường đến cầu nguyện trước và sau mỗi chuyến Tông du.

Giáo hoàng Francis là một cây phiếm nhưng các giáo hoàng khác cũng có những lúc khôi hài không kém. Giáo hoàng Piô IX (1846-1878) hỏi một giáo dân tới gặp Ngài rằng ông đã có gia đình chưa, ông cung kính thưa: “Trọng kính Đức Thánh Cha, con may mắn tránh được cái bẫy này”. Giáo hoàng phán ngay: “Lạ nhỉ! Tôi không biết đạo công giáo có 6 bí tích và một cái bẫy!”. Trong một buổi tiếp kiến khác, một bà tới cám ơn Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, con bị đau một chân từ nhiều năm nay. Con xin được một chiếc vớ của đức cha, mang vào và lành ngay lập tức”. Giáo hoàng Piô IX bật cười trả lời: “Thưa bà, bà thực sự may mắn hơn tôi. Mỗi sáng tôi đều mang hai chiếc vớ nhưng vẫn đi đứng khó khăn!”.

Giáo hoàng Lêô XIII (1878-1903), nhân ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Ngài, được nâng lên cao giữa đám đông trên chiếc ghế giáo hoàng. Hai phụ nữ hô thật lớn: “Vạn tuế Đức Thánh Cha. Cầu chúc Ngài sống lâu trăm tuổi!”. Giáo hoàng nghe thấy, la lớn: “Các con của cha, sao các con lại hạn chế lòng tốt của Chúa như thế!”. Khi Giáo hoàng Lêô XIII được 92 tuổi, một năm trước khi Ngài qua đời, một hồng y người Mỹ vô ý nói: “Thưa cha, chắc chúng ta không còn có dịp gặp lại trên trái đất này, vĩnh biệt cha”. Giáo hoàng hỏi lại: “Thưa hồng y, Ngài không được khỏe sao?”.

Giáo hoàng Piô X (1903-1914), yêu cầu mọi người đừng vỗ tay trong thánh đường thánh Phêrô. Ngài giải thích: “Chúng ta không vỗ tay cho tôi tớ trong nhà chủ của họ”.

Một hoàng tử hỏi Giáo hoàng Bênêdictô XIV (1914-1922): “Vì sao giáo hội không chia mùa Chay thành 4 kỳ, mỗi kỳ 10 ngày theo 4 mùa trong năm?”. Ngài trả lời: “Giáo hội rất có thể làm được điều này nhưng Giáo hội nghĩ sẽ không thận trọng khi làm như vậy. Vì con người có thể mừng lễ hội 4 lần nhưng nhịn ăn 4 lần thì khó!”.

Giáo hoàng Piô XI (1922-1939) là người khá trang nghiêm, vậy mà cũng có khi Ngài…phiếm. Một ngày nọ, Ngài ngồi cho họa sĩ vẽ chân dung chính thức. Ngài nhìn bức chân dung hoàn thành, có vẻ không ưng ý vì chính Ngài không nhận ra mình. Khi họa sĩ mời Ngài viết một hai chữ ở góc tranh, Ngài viết: “Gioan, chương 6, câu 20”. Họa sĩ ngơ ngác hỏi ý nghĩa câu viết, Ngài cười nói: “Ông về mở Kinh thánh ra sẽ thấy”. Về nhà, họa sĩ vội kiếm cuốn Kinh thánh, mở ra đọc, đó là đoạn trích lời Chúa: “Chính Ta đây, các con đừng sợ!”.

Giáo hoàng Gioan XXIII (1958-1963) nổi tiếng hài hước. Ngài từng tếu: “Tôi thường bắt đầu nghĩ về một số vấn đề quan trọng vào ban đêm. Tôi can đảm lấy quyết định sẽ đến gặp và trình với giáo hoàng vào buổi sáng. Rồi tôi thức dậy trong mồ hôi ướt đẫm và nhớ ra rằng: giáo hoàng chính là tôi!”. Đặc biệt Giáo hoàng Gioan XXIII là người thích tự trào. Khi Ngài vừa được cơ mật viện bầu làm giáo hoàng, các nhiếp ảnh gia vây quanh Ngài chụp hình, Ngài nói với họ: “Chúa của chúng ta đã biết rõ từ bảy mươi bảy năm nay là có ngày tôi sẽ là giáo hoàng. Vậy mà Ngài không làm cho tôi ăn ảnh hơn một chút sao?”. Trong một bữa ăn tối, Ngài được xếp ngồi gần một bà rất thanh lịch nhưng mặc áo hở ngực quá hở hang. Tới lúc ăn tráng miệng, Ngài đưa mời bà một trái táo. Trước sự ngạc nhiên của bà, Ngài tỉnh bơ nói: “Chỉ khi ăn trái táo, Eva mới nhận ra mình đang trần truồng”.

Giáo hoàng Gioan-Phaolô II (1978-2005), người Ba Lan. Khi Ngài còn là hồng y Wojtyla, một hồng y lớn tuổi khá nghiêm khắc đã khiển trách Ngài vì Ngài thích trượt tuyết, leo núi, đạp xe đua và bơi lội. Vị hồng y già nói: “Tôi không nghĩ đây là những hoạt động phù hợp với vai trò của Ngài”. Vị hồng y trẻ và là giáo hoàng tương lai trả lời: “Nhưng Ngài có biết là ở Ba Lan, ít nhất 50% các hồng y thường có những sinh hoạt này không?”. Vào thời điểm đó, cả nước Ba Lan chỉ có hai hồng y!

Tôi rất khoái máu phiếm của đương kim giáo hoàng Francis nên không thể không trở lại với Ngài. Ngài rất yêu trẻ nhỏ, như Chúa Giêsu ngày xưa. Khi có mấy người mẹ bồng trẻ nhỏ tới gặp Chúa, các sứ đồ ngăn cản họ. Chúa nói với các sứ đồ: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta vì nước Trời thuộc về chúng”. Rồi Chúa bồng chúng lên và ban phước cho chúng. Trong ngày lễ Gia Đình vào tháng 10 năm 2013, chú bé Didier bị bệnh tự kỷ, thừa lúc Giáo hoàng Francis đang đứng giảng, chú lẻn lên ngồi chễm chệ trên chiếc ghế của Ngài. Hết bài giảng, Ngài tươi cười quay lại nói chuyện với bé. 

At Pope Francis appearance, boy steals the show

Trong một buổi gặp giáo dân bên ngoài thánh đường Phêrô vào ngày 22/3/2017, một cận vệ bồng một bé gái 3 tuổi tới sát Ngài. Ngài vỗ về bé, bé nhanh tay giật chiếc mũ chỏm Ngài đang đội. Chiếc mũ là biểu tượng quyền uy của người thay mặt Chúa nơi trần thế, đâu có phải chuyện giỡn. Nhưng Ngài phớt lờ, vui vẻ cười với em bé. 

Young girl steals the Pope’s hat

Chuyện này làm tôi suy nghĩ. Giáo hoàng “bình dân” như vậy có đúng là người thay mặt Chúa nơi trần thế này không? Biết hỏi ai ngoài Chúa. Mở Thánh kinh không thấy Chúa nói năng chi về mũ mãng cả. Nghĩ ra cũng đúng thôi. Các tượng Chúa đâu có cái nào thấy Chúa đội mũ đâu, Ngài chỉ đội vòng gai! 

Song Thao 

01/2025

Website: www.songthao.com