Song Thao: Việt Nam tại Paris 2024
Thế Vận Hội Paris 2024 khai mạc vào ngày 26/7 và kết thúc vào ngày 11/8, có tất cả 10.714 vận động viên của 204 quốc gia tham dự. Có 32 môn thể thao được tranh đua trong 329 cuộc thi. Việt Nam Cộng Hòa xưa tham dự các kỳ Thế Vận Hội từ năm 1956. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, Việt Nam cộng sản bắt đầu tham dự từ năm 1980. Năm nay Việt Nam cử một đoàn lực sĩ gồm 16 người có mặt tại Paris, gồm 12 nữ và 4 nam. Chỉ có 16 người nhưng thi đấu tới 10 môn gồm: bơi, cử tạ, đua xe đạp, bắn súng, cầu lông, quyền Anh, nhu đạo, điền kinh, bắn cung, đua thuyền. Đoàn Việt Nam lên đường, các báo trong nước viết là “xuất quân”, vào ngày 17/7. Cuối cùng không được một cái huy chương nào, lặng lẽ ra về! Các kỳ thế vận trước, Việt Nam đã từng đoạt huy chương. Môn bắn súng là thế mạnh của Việt Nam với một huy chương vàng và một huy chương bạc. Môn cử tạ đã mang về một bạc một đồng và môn taekwondo một bạc trong các kỳ thế vận Sydney 2000, Bắc Kinh 2008, London 2012 và Rio de Janeiro 2016.
Dân ta ngày nay không chỉ ở trong nước mà định cư tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Chúng ta đã lang bạt gần nửa thế kỷ, thời gian quá đủ cho thế hệ thứ hai vươn lên, có mặt trong mọi ngóc ngách sinh hoạt của các quốc gia dung dưỡng chúng ta. Chúng ta đã đóng góp được nhiều vận động viên tầm cỡ quốc tế, đại diện các quốc gia sở tại tham dự thế vận hội. Tôi đã cố tìm nhưng không biết được con số chính xác các vận động viên gốc Việt. Chỉ biết được vài người nổi bật.
Nổi bật trong bộ môn golf của đoàn tuyển thủ Mỹ là cô Lilia Vũ. Đoàn Mỹ có tất cả ba tuyển thủ nữ trong bộ môn này là Nelly Korda, Lilia Vũ và Rose Zhang. Nelly Korda đang giữ vị trí số một thế giới, Lilia Vũ là tay golf số 2 thế giới hiện nay. Trong khi Nelly Korda đang là đương kim vô địch thế vận hội thì Lilia Vũ là tay golf đang lên rất nhanh. Năm 2023, Lilia Vũ đã hai lần vô địch trong các giải Chevron Championship và Women’s British Open. Trong trang mạng chính thức của Olympic 2024 đã có một bài viết về “tay golf số một thế giới Lilian Vũ nhắm đến Thế Vận Hội Paris 2024 như mục tiêu hàng đầu sau khi đột phá trong năm 2023”. Sau những thành tựu vang dội trong năm 2023, Lilia Vũ, 26 tuổi, nhắm tới chiếc huy chương vàng của Olympic Paris 2024. Cô nói với hãng thông tấn AFP vào năm 2023 khi đang tham dự giải nữ vô địch thế giới SBC ở Singapore: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là lọt được vào thế vận hội và sau đó giành chiến thắng thêm một vài lần nữa trong năm nay”. Gia đình là nguồn ủng hộ cho Lilia Vũ, nhất là từ ông ngoại Đình Du, người đã rời Việt Nam năm 1975 và mất trong đại dịch Covid năm 2020. Cô nhấn mạnh: “Mọi thứ đều đến từ gia đình. Tôi là người được gia đình quan tâm rất nhiều. Ai cũng tin tưởng nơi tôi hơn mọi thành viên khác và mọi việc tôi làm đều là vì gia đình. Tôi nhớ đã gặp ông ngoại ở bệnh viện trước khi tham dự một cuộc tranh giải. Ông bảo tôi hãy cố gắng hết sức và đừng bao giờ bỏ cuộc. Ông là týp người không nói nhiều, vì vậy mỗi lời ông ngoại nói với tôi luôn có ý nghĩa rất lớn”. Lilia Vũ đã có những lúc thiếu tự tin, băn khoăn trước việc lựa chọn tương lai. Cô không biết nên để toàn thời gian cho môn thể thao cô thích hay chú tâm vào chuyện học luật. Cô lại tìm tới ông ngoại. Ông khuyên hãy theo đam mê của mình. Và cô quyết định theo cây gậy golf. Khi đó cô mới 22 tuổi và lại vừa thất bại trong giải đấu ở Florida. Cô buồn bã trở về đúng lúc ông ngoại cô bị vướng Covid, đang trong tình trạng hôn mê. Ông qua đời vào ngày 9 tháng 3 năm 2020. Trong cái kết buồn thảm này, Lilia Vũ đã nghĩ tới cuộc đời của ông ngoại và tự hiểu cô phải làm gì. Ông chỉ là một thợ máy ở Cần Giuộc nhưng đã tự tay đóng thuyền đưa cả gia đình ra khơi tìm tự do. Quyết tâm của ông cần được các thế hệ con cháu tiếp nối. Lilia Vũ như chợt bừng tỉnh: “Ông không đưa gia đình đi tìm tự do vì muốn được khen ngợi. Ông đưa mọi người ra đi vì ông quyết tâm. Điều đó thật khó tin đối với tôi, rằng tất cả những điều này phải xảy ra để tôi có cơ hội được ở đây ngày hôm nay”. Bốn năm sau ngày ông Đình Du qua đời, cô cháu ngoại có cái tên Việt khả ái Vũ Khả Tú đã có mặt tại Paris để hoàn tất chu trình nối gót sự quyết tâm của người ông mà lòng cương quyết được cô noi theo như một bổn phận với gia đình.
Trong đội bơi nghệ thuật (artistic swimming) tham dự Thế Vận Hội Paris của Mỹ năm nay có cô Jacklyn Lưu, một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai. Cô được sanh ra tại Milpitas vào ngày 30/4/1999 và tốt nghiệp Đại học danh tiếng Stanford với văn bằng Cử Nhân Tâm Lý và Thạc Sĩ Tin Sinh Học (bioinformatics). Cha mẹ cô đều là người Việt, ông Lưu Dũng và bà Len Hà, tới Mỹ vào năm 1980. Đội Mỹ đã đoạt huy chương bạc tại Thế Vận Hội Paris 2024. Chiếc huy chương quý giá này đã đem lại vui mừng cho toàn đội vì bơi nghệ thuật không phải là sở trường của Mỹ. Trước đó, tại Thế Vận Hội Athens 2004 đội Mỹ chiếm được huy chương đồng. Các thế vận hội từ 2008 tới nay, đoàn Mỹ không đủ tiêu chuẩn tham dự. Sau đúng 20 năm, đội artistic swimming của Mỹ mới được lên bục danh vọng. Lần này, nhích thêm một chút, từ đồng tiến lên bạc. Huy chương vàng được trao cho đội Trung Quốc. Phải công nhận đội Trung Quốc rất xuất sắc, xứng đáng chiếm ngôi vị quán quân. Cô gái gốc Việt Jacklyn Lưu ngoài tài bơi nghệ thuật còn chơi dương cầm và đàn ukulele. Món khoái khẩu của cô là đồ nướng Đại Hàn!
Một ngày trước khi bế mạc Thế Vận Hội Paris 2024, đội túc cầu Mỹ đã thắng đội Brazil, đoạt huy chương vàng. Trong số các cô gái của đội Mỹ có một cô mang nửa dòng máu Việt. Đó là cô Jaedyn Shaw, cha Mỹ da màu mẹ Việt Nam.
Trên Facebook, ông ngoại của cô, ông Quy Le, hãnh diện viết: “Tôi thương con cháu ngoại Jaedyn Shaw nhất nhà. Nó làm hãnh diện dòng giống Việt Nam tui. Từ ngày nó vào đá cho đội tuyển American Woman Soccer National Team, cháu đá thật tuyệt vời. Đã là đội Mỹ là tôi đã thích rồi. Tôi thương Horan, Naer(thủ môn), Duun, SauBrun, Dawnkemper, Short, Loydd, Rapinoe, Casy Murphy…Bây giờ xuất hiện Jaedyn Shaw, con cháu ngoại vừa Mỹ vừa Việt Nam làm tôi vui vô cùng. Chúc cháu ngoại tiếp tục thành công. Chúc đội tuyển bóng đá nữ Mỹ tiếp tục giành champion thế giới như những năm trước. Nếu đội tuyển duy trì đội hình có ba cô forward trẻ Swanpson, Rodman, Smith, trung vệ có Horan và Rose Lavelle và Shaw …thì chắc chắn sẽ tiếp tục vô địch thế giới. Đời không còn gì sung sướng hạnh phúc bằng khi con cháu, dòng dõi mình đang thành đạt trên quê hương thứ hai của mình mà cũng là quê hương của cháu. Con cháu chúng ta không còn bị kỳ thị bởi lý lịch, màu da….chỉ cần tài năng là xã hội này xử dụng và tâng bốc lên đúng vị trí trong xã hội theo tài năng của các cháu. Đất nước Việt Nam bên kia bờ đại dương chỉ là nơi để hồi tưởng về, còn đất nước Hoa Kỳ hôm nay của chúng ta mới là nơi đất lành chim đậu…Đời chúng ta thật mãn nguyện….sung sướng….hạnh phúc…Thương cháu ngoại quá đã làm hãnh diện cho dòng tộc Việt Nam chúng ta”.
Nếu coi dân tỵ nạn Việt tại một thành phố là một đại gia đình thì tôi rất tự hào về một cô cháu cư ngụ tại thành phố Montreal chúng tôi: cô Trần Ngọc Hân, có tên tây là Aurélie Tran, vận động viên thể dục dụng cụ. Năm nay Ngọc Hân mới tròn 18 xuân xanh và có mặt trong đoàn Canada tại Thế Vận Hội Paris 2024. Aurelie Tran bắt đầu sự nghiệp từ năm mới có 5 tuổi khi đang theo học lớp nhà trẻ tại Repentigny, một quận trong thành phố. Trong một lần đám trẻ được đưa tới chơi thể dục tại trung tâm Gymnika ở Repentigny, người ta đã thấy tài năng cũa bé. Huấn luyện viên khuyên gia đình nên để cho em theo môn thể dục dụng cụ này. Hai năm sau, bé Ngọc Hân đã có thể tranh tài trong các cuộc thi. Với sự huấn luyện toàn thời gian của các huấn luyện viên, Aureiie Tran tiến bộ vượt bực. Cô có những châm ngôn buộc mình phải theo. Tập luyện như chưa bao giờ thắng, thi đấu như chưa bao giờ thua. Hãy làm điều chi ngày hôm nay để tương lai của chính mình sẽ phải cám ơn. Đôi khi mọi việc không suôn sẻ như dự tính nhưng điều quan trọng là luôn sẵn sàng tranh đấu và học hỏi từ chúng để chúng không còn ám ảnh trong đầu sau này. Ngày 30/7 vừa qua, đoàn Canada đã tham dự vòng chung kết tại Paris 2024. Rất tiếc họ chỉ về hạng 5, không đoạt được huy chương. Đành hẹn tới Thế Vận Hội Los Angeles 2028! Nhưng Aurelie Tran sẽ đi theo con đường riêng: nhập học Đại Học Iowa. Theo môn sinh hóa và sinh học phân tử trong khi vẫn tập luyện và tham dự các cuộc thi thể dục. Huấn luyện viên Francine Bouffard nhận xét về cô sinh viên đến từ Montreal: “Tính cô rất e dè nhưng khi đã muốn điều chi cô biết cách tổ chức để đạt được mục tiêu. Cô rất kiên nhẫn và biết sắp xếp tại phòng tập, tại nơi ở cũng như trong việc học”. Phần cô, cô tự nhủ: “Đường tới thành công của tôi là cố gắng hết sức mỗi ngày. Như vậy, tôi sẽ không bao giờ tự trách mình hay tiếc nuối điều chi. Dĩ nhiên, là một quán quân, tôi phải là mẫu mực cho những người khác. Điều này làm tôi căng thẳng nhưng tôi vẫn thích vai trò này”.
Mỹ và Canada là nơi có nhiều người Việt tới định cư nên việc có các vận động viên gốc Việt trong đoàn Olympic là điều dễ hiểu. Nhưng một nước nhỏ như Ireland, các cụ xưa gọi là Ái Nhĩ Lan, cũng có người gốc Việt được cử tham dự Thế Vận Hội Paris 2024 là chuyện hiếm. Hiếm nhưng không phải là không có. Người đó là Nhật Nguyễn tham dự môn cầu lông (badminton). Thực ra Nhật Nguyễn đã đại diện Ireland tham dự Thế Vận Hội Tokyo 2020 rồi nên đây là kỳ thứ hai anh có mặt tại thế vận hội. Kỳ trước anh chưa làm nên cơm cháo gì, kỳ này, anh nhất quyết phải mang huy chương về cho nước sở tại.
Nhật Nguyễn sanh tại một vùng quê thuộc ngoại ô Hà Nội vào năm 2000, năm đầu của thiên niên kỷ mới. Năm 6 tuổi anh theo bố mẹ sang định cư tại Ireland cùng với chị gái là Tham Nguyễn. Họ lập nghiệp tại Clare Hall, phía bắc thành phố Dublin. Hai chị em đều chơi thể thao. Tham Nguyễn, tên mới là Thammy, là vận động viên cử tạ có đẳng cấp quốc tế. Năm 2023 cô đã dành được huy chương đồng tại giải vô địch châu Âu. Năm nay cô không may mắn nên không được lựa tham dự thế vận hội Paris 2024. Nhật Nguyễn được lựa dự thi môn cầu lông. Chính cha anh, tuy chỉ là một nhân viên làm việc tại một nhà hàng Trung hoa, nhưng cũng rất đam mê chơi cầu lông. Ông truyền lòng đam mê này cho con trai. Thực ra anh con trai này chẳng hứng thú chi với trái cầu lông. Anh cho biết: “Tôi là một đứa trẻ lười biếng, tôi không muốn di chuyển hay chạy nhảy. Tôi cũng không muốn tập thể dục nhưng chẳng có việc gì khác để làm”. Anh tham gia chơi cầu lông với cha vì…nhàn rỗi. Ngược lại, cha anh hứng thú tới mức đã vẽ một sân cầu lông trong bãi đậu xe, dùng lưới bao quanh, để hai cha con chơi. Ông đã từng chơi cho một câu lạc bộ cầu lông tại Việt Nam tuy trình độ không cao nhưng lòng đam mê thì rất cao. Chính Giám Đốc của Liên Đoàn Cầu Lông Ireland, ông Daniel Magee, là người đã phát hiện ra Nhật Nguyễn. Ông nói: “Tôi nghĩ cậu ấy mới 8 tuổi khi lần đầu tiên tôi thấy cậu ấy cùng cha chơi ở sân Baldoyle. Tôi nhớ mình đã nghĩ ‘Ồ! Khả năng phối hợp tay và mắt của đứa trẻ này thật tuyệt vời’. Tôi đã nói chuyện với cha cậu ấy và tỏ ý muốn làm việc với cậu bé, cố gắng đưa cậu vào học viện của chúng tôi”. Năm 16 tuổi, Nhật Nguyễn đã đoạt chức vô địch cầu lông Ireland và vô địch giải Âu châu dành cho các đấu thủ dưới 17 tuổi. Năm 2020 anh đã tham dự Thế Vận Hội Tokyo. Đó là một thử thách mới khiến anh phải nỗ lực tập luyện. “Tôi rời nhà vào khoảng 7 giờ sáng và chỉ về nhà vào khoảng 7 hoặc 8 giờ tối. Nhìn lại, tôi không tin mình đã làm được như vậy”. Khổ luyện như vậy nhưng anh không đạt được kết quả. Anh nhớ lại: “Tôi rất tự hào về trận đấu và sự chuẩn bị của mình. Kết quả không như ý muốn của tôi, nhưng đó là cuộc sống, đó là thể thao. Hy vọng lần tiếp theo sẽ tốt hơn”. Lần sau là kỳ tham dự Thế Vận Hội Paris 2024 này. Anh hy vọng: “Tôi muốn nâng cao trình độ của mình và tiến gần hơn đến những người giỏi nhất thế giới. Tôi rất biết ơn khi được tham dự Thế Vận Hội Olympic lần thứ hai và tôi hy vọng kinh nghiệm từ Tokyo sẽ giúp ích cho tôi. Tối muốn báo đáp cha mẹ mình. Tất nhiên tôi có tham vọng nhưng không gì có thể so sánh được với những gì bố mẹ đã làm cho tôi. Tôi càng chơi giỏi, họ càng tự hào. Tôi sẽ đến đó và cống hiến hết mình”.Chúng ta hy vọng những vận động viên gốc Việt đại diện cho các quốc gia sở tại đoạt được những thành tích đáng kể tại thế Vận Hội Paris 2024 như đã từng trước đây. Người ta còn nhớ tới Carol Huỳnh, đại diện cho Canada tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 và Thế Vận Hội London 2012. Cô sanh năm 1980 tại Hazelton, tỉnh bang British Columbia, nhưng lớn lên tại Calgary, tỉnh bang Alberta và là đô vật viên nổi tiếng tại địa phương. Tại Thế Vận Hội Bắc Kinh, cô đoạt huy chương vàng hạng 48 cân và tại Thế Vận Hội London, cô đoạt huy chương đồng. Người mang hai huy chương thế vận về cho Canada cũng đã tốt nghiệp bằng Master về Tâm Lý Học (Counselling Psychology) tại Đại học Athabasca. Người gốc Việt thứ hai đã trèo lên bục nhận huy chương thế vận hội là Marcel Văn Minh Phúc Long Nguyễn sanh năm 1987, cha là người Việt, mẹ Đức, sống tại thành phố Munich. Năm lên 4 tuổi anh đã bắt đầu tập môn thể dục dụng cụ và đoạt nhiều huy chương tại Đức và Âu châu. Đỉnh cao là huy chương vàng tại giải vô địch Âu châu tổ chức tại Montpellier, Pháp năm 2012. Tham dự Thế Vận Hội London 2012, anh đoạt huy chương bạc cá nhân môn thể dục dụng cụ. Đây là tấm huy chương môn thể dục dụng cụ mà nước Đức đã mong đợi từ 78 năm!
Tham dự Thế Vận Hội Paris kỳ này còn có hai “vận động viên” khét tiếng tại Việt Nam từ lâu. Đó là Phở và Chả Giò! Hai “vận động viên” này không có mặt trên các sân đấu mà nằm trong khu ẩm thực của thế vận hội. Tại khu này có sáu nhà hàng: 2 Pháp, 1 châu Á, 1 châu Phi và 2 nhà hàng quốc tế. Tất cả đều được các đầu bếp có sao Michelin phụ trách. Phở và chả giò Việt Nam nằm trong khu nhà hàng châu Á.
Chả giò là món ăn Việt Nam rất được người ngoại quốc ưa chuộng. Có lần tôi tới một ngôi làng nhỏ trong vùng núi Thụy Sĩ. Tại đây có một nhà thờ khá lớn nhưng mỗi Chủ Nhật chỉ có vài ba ông bà già tới dự lễ. Nhưng từ khi có một ông cha Việt Nam tới làm chánh xứ, tình hình đổi khác ngay. Giáo dân tấp nập tới dự lễ. Tôi có nói chuyện với cha Khánh tại đây và được biết cha đã làm một cú thay đổi ngoạn mục nhờ chả giò! Mỗi Chủ Nhật, cha làm cả ngàn chiếc chả giò mời giáo dân thưởng thức sau thánh lễ. Nói dân chúng tới vì chả giò hơn vì Chúa cũng đúng nhưng có người tới cho nhà thờ bớt cô quạnh là cha đạt được mục tiêu. Thụy Sĩ là một quốc gia công giáo. Nếu bạn khai là người công giáo thì tự động phải nộp 50 quan tiền Thụy Sĩ mỗi năm cho giáo hội. Chắc các lực sĩ đủ mọi quốc tịch sẽ không bỏ qua món chả giò trong làng thế vận.
Phở có trong danh mục “soup of the day”, được phục vụ trong ba bữa ăn chính của các lực sĩ. Trong trang web của Olympic Paris 2024, phở dược miêu tả là món ăn phổ biến của Việt Nam được hình thành bằng nước xương hầm, bánh phở cùng nhiều nguyên liệu khác. Tôi không nghĩ là họ có gầu, vè, sách. Chuyện ăn uống của các vận động viên là chuyện quan trọng ảnh hưởng tới việc tranh tài nên được mô tả tỉ mỉ hầu dễ lựa chọn. Trong 100 gram phở có 91 kilocalories, 383 kilojoules, 3,6 gram chất béo, 8,7 gram carbohydrate, 5 gram protein, 0,9 gram chất sơ, 0,4 gram muối. Chúa mẹ ơi, tôi là tín đồ tận tình của phở nên rất đau lòng khi thấy phở bị tách bạch tanh bành như vậy. Cứ như nhìn một người đẹp mà phân tích đó là tổng hợp của bao nhiêu ký thịt, bao nhiêu ký mỡ, bao nhiêu ký xương và bao nhiêu lít nước cộng với tim gan phèo phổi và dạ dày! Chúng ta ăn phở chỉ cần biết có ngon hay không, có bao giờ nghĩ tới trong đó có những con số quái quỷ như vậy. Bởi vậy nên chúng ta mới không phải là lực sĩ tham dự thế vận hội.
Tôi thấy hãnh diện vì sự hiện diện của phở trong làng thế vận nhưng cũng ái ngại cho thứ thực phẩm thân yêu bị lột trần như vậy. Vinh quang nào chẳng có nước mắt. Tấm huy chương thế vận hội cũng rứa!
Song Thao
08/2024
Website: www.songthao.com