Song Vũ: Cuối đời nhìn lại
Old soldiers never die; they just fade away.
Gen. Douglas MacArthur
Một nửa thế kỷ trôi qua sau ngày mất nước. Những cay đắng chua xót đau đớn một thời cũng phai nhạt dần. Thời gian qua đã là liều thuốc chữa những ưu phiền khổ đau một thời. Tôi nhớ lại những ngày đầu bước chân gia nhập quân ngũ. Ở lứa tuổi 20 ngoài suy nghĩ về nghĩa vụ công dân, tôi không có ý niệm sâu sắc gì về tình tự yêu nước thương nòi. Xách chiếc túi nhỏ trong đó có chứa hai bộ đồ lót, một ít vật dụng vệ sinh cá nhân hàng ngày và chục trái cam mẹ cho để ăn khi lên tàu lửa. Tôi đón taxi đến trại Lê Văn Duyệt để trình diện nhập ngũ. Hình ảnh mang theo cùng hành lý chỉ còn lại những giọt nước mắt thương con của Mẹ tôi. Khi tôi từ giã mẹ. Ở lứa tuổi 20, trải qua nhiều dông bão qua chuyến vượt tuyến đầu tiên vào năm 1957 thất bại, cả gia đình bị bắt giữ lại tại gần Hòn Ông Hổ Cửa Tùng rồi thời gian ở trại giam Trần Phú Hải Phòng là những trải nghiệm đầu tiên về sự khổ đau của cuộc sống mà tôi có. Trước đó chỉ là chuỗi ngày sống êm đầm bên mẹ cha cho dù phải chạy tản cư xê dịch tới nhiều nơi nhưng tôi vẫn hồn nhiên vui vẻ chẳng hề bận tâm lo nghĩ gì.
Hôm nay, ngày 10 tháng 11. 1960, tôi thực sự vào đời tạo dựng sự nghiệp cho chính mình. Trên chuyến xe lửa từ Sài Gòn đi Đà Lạt, ngồi chung cùng các bạn bè đồng trang lứa, lần đầu tiên gặp mặt nhau nên cũng chẳng biết tâm sự điều gì. Không khí tĩnh lặng trên toa tầu vừa nặng nề vừa đượm một chút u buồn của những chàng trai phần lớn lần đầu xa nhà khiến cho chúng tôi càng ít trao đổi tâm sự với nhau hơn.
Rồi những ngày học tập rèn luyện tại quân trường, chúng tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm không thể quên. Từ cách xưng hô giữa các khóa đàn anh đàn em, những hành vi cử chỉ, tất cả đều mới lạ, quần áo trang phục, cách đi đứng chào hỏi…. tất cả đều đổi khác. Tám tuần lễ sơ khởi huấn nhục đã biến đổi chúng tôi thành một con người khác trước đó. Những tập tành quân sự hàng ngày khiến cho giấc ngủ là thời gian duy nhất chúng tôi có thể coi là nghỉ ngơi. Thời gian còn lại lúc nào cũng bận bịu không chuyện nọ thì chuyện kia, chẳng còn tâm trạng nào mà suy ngẫm lý giải về cuộc đời.
Cuối năm thứ hai, chúng tôi được chuyển qua trường mới. Một ngôi trường khang trang hiện đại, chỗ ăn ngủ sinh hoạt cũng sạch sẽ thoáng mát rộng rãi hơn. Khoảng thời gian đó có tới 4 khóa cùng hiện diện 15 -16, 17-18. Vị chỉ huy trưởng cũng được bàn giao từ Thiếu tướng Lê văn Kim cho Đại tá Trần Ngọc Huyến. Chương trình huấn luyện cũng được cập nhật thay đổi theo hướng trang bị cả tri thức văn hóa lẫn quân sự cho lớp sĩ quan tưong lai để đáp ứng nhu cầu của một đội quân quốc gia non trẻ trong tình hình mới. Chúng tôi bắt đầu được học tập chính trị về sự tha hóa của chủ nghĩa cộng sản và nguy cơ trước cuộc chiến tranh xâm lăng của cộng sản Bắc Việt. Những giờ Dẫn đạo chỉ huy do chính thầy Huyến giảng dậy là những bài học đầu tiên cho chúng tôi ý thức trách nhiệm và bổn phận của một công dân đối với tiền đồ dân tộc.
Khóa 15 ra trường đầu năm 1961 và cuối năm 1962 là khóa 16; trước đó ít ngày là khóa 19 nhập học. Tình hình quân sự trong nước ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do cộng sản Miền Bắc dàn dựng ra đời vào ngày 20 tháng 12. 1960. Nhu cầu chiến trường ngày càng đòi hỏi sĩ quan chỉ huy tham gia cuộc chiến. Khóa chúng tôi theo kế hoạch dự trù 4 năm nay có lệnh rút ngắn gần một nửa thời gian dự trù để làm lễ tốt nghiệp sớm hơn – thậm chí không có đủ thời gian 3 năm như hai khóa đàn anh trước đó. Ngày 30 tháng 3 1963, Lễ mãn khóa của chúng tôi được Tổng thống Ngô Đình Diệm chủ tọa. Buổi chiều cùng ngày, Tổng Thống đã nói chuyện với khóa về hiện tình thời sự trong nước cùng nhiệm vụ của các tân sĩ quan trước tình thế . Đầu tháng 11 cùng năm, bản thân tôi cùng một số bạn đồng môn đã có mặt trong số các đơn vi quân đội tham gia làm cuộc đảo chánh chính vị Tổng thống đang ngồi nói chuyện với chúng tôi hôm ấy. Sự trớ trêu ấy mở màn cho những cuộc binh biến hỗn loạn sau này đã khiến cho Miền Nam bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy nghiệt ngã của lịch sử không thể gượng dậy được nữa.
Tháng 4. 1963 tôi cùng 10 bạn cùng khóa trình diện BTL/SĐ 7 tại Mỹ Tho. Cuộc đời quân ngũ thực sự bắt đầu. Đơn vị tác chiến đầu tiên của tôi là đại đội 1 tiểu đoàn 3/11. Tiểu đoàn có 4 sĩ quan xuất thân từ VB là hai niên trưởng Ngô Gia Tiến cùng đại đội; Hoàng Lê Cường khóa 16 chung đại đội 2 với bạn cùng khóa 17 Nguyễn Tiến Mão. Tiểu đoàn 3/11 lúc đó là đơn vị hành quân lưu động trên toàn lãnh thổ thuộc khu chiến Tiền Giang nên đơn vị chúng tôi di chuyển hầu như liên tục. Mỹ Tho, Gò Công, Long An , Hậu Nghĩa, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiến Tường Kiến Phong… Những ngày lang thang lội nước trên những cánh đồng ngút ngàn dưới những cơn mưa trên chiến trường Đồng Tháp, người lính như thể bị bủa vây bốn bề là nước là những hình ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của tôi cho tới tận lúc ngồi viết lại những dòng chữ này.
Năm 1968 sau trận đánh Tết Mậu Thân, tôi được đề cử đi học lớp Chỉ huy tham mưu trung cấp ở Đà Lạt. Tháng 9 ra trường, vị Chỉ huy trưởng trường muốn giữ tôi ở lại làm huấn luyện viên nhưng tôi từ chối. Có thể là do lời yêu cầu của vị Trung tá Trung đoàn trưởng 11 lúc đó mong tôi trở về lại đơn vị cũ giữ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/11. Niên trưởng Nguyễn văn Tạo Khóa 16 bị tử thương trong một trận đánh nội công ngay tại căn cứ Đồng Tâm và là tôi là tiểu đoàn phó trước khi đi học. Cũng có thể là tình đồng đội ở một đơn vị đã có cùng tôi qua nhiều trận đánh oanh liệt trên chiến trường Đồng Tháp. Cũng có thể là những tình cảm huynh đệ đồng môn mà chúng tôi đối xử với nhau như tình ruột thịt khiến cho tôi muốn trở về; nhưng có điều chắc chắn không phải vì chức vụ tiểu đoàn trưởng bởi vì tôi cũng sẽ đảm nhiệm chức vụ này nếu tôi thuyên chuyển về SĐ 23 theo lệnh từ Bộ TTM. Đời quân ngũ cho tôi một kinh nghiệm, mười điều mình mong muốn thực hiện thì có tới chín điều không theo ý mình mong ước. Hơn 5 năm lăn lộn với SĐ 7, đi đủ 3 tiểu đoàn 1, 2 và 3 của Trung đoàn 11; đảm nhiệm chức vụ từ trung đội trưởng, đại đội trưởng rồi trinh sát tới tiểu đoàn phó, làm sao không quyến luyến.
Định mệnh lại thay đổi lối đi của cuộc đời tôi thêm một lần. Tôi được lệnh thuyên chuyển ra Sư Đoàn 23 BB ở Ban Mê Thuột vào tháng 9 1968. Những quen thuộc của chiến trường trên đồng bằng sông Cửu Long giờ đây thay đổi bằng những rừng núi chập chùng của dẫy Trường Sơn khiến tôi có một chút ưu tư, liệu rằng mình có thể thích nghi được với chiến trường mới này hay không? Những chiến hữu mới, đồng đội mới có còn những thân thiết chan hòa như ngày nào ở đơn vị cũ?
Tháng 10 tôi nhận bàn giao Tiẻu đoàn 2/44 từ Đại Úy Trần văn Anh một niên trưởng Khóa 8 VB. Các cuộc hành quân trong mật khu Lê Hồng Phong cùng các vùng núi non giữa tam biên Phan Thiết – Lâm Đồng – Đà Lạt lâu dần rồi cũng trở nên quen. Có khác chăng là hình thức hành quân có chút khác biệt. Tiểu đoàn thường được chỉ định một vùng hành quân rộng rồi tùy thuộc vào tin tức tình báo, tiểu đoàn sẽ thiết lập một căn cứ hỏa lực, sau đó đổ bộ các đại đội xuống các mục tiêu lục soát, tìm và tiêu diệt địch. Thời gian sử dụng máy bay trực thăng đổ quân nhiều hơn cuốc bộ leo núi. Tiểu đoàn trưởng cũng có thể tự hoạch định kế hoạch hành quân theo chủ ý của mình. Kiểu cách hành quân có chút tương tự với các đơn vị Hoa Kỳ khác hẳn với cách hành quân cũ.
Cuối năm 1971 tôi được giao chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 44 thay thế Trung tá Đặng Bất. Trung đoàn trưởng lúc đó là Trung tá Điều Ngọc Chánh khóa 8 VB. Nhận nhiệm vụ được 2 tuần, tôi dẫn chiến đoàn 44 A đi Pleiku trình diện BTL/QĐ 2 làm lực lượng tổng trừ bị cho Quân đoàn. Mặt trận Cao nguyên bắt đầu sôi động. Các đơn vị chính quy cộng sản miền Bắc đã vào thay thế cho các đơn vị miền Nam bị tổn thất nặng nề sau trận đánh tết Mậu Thân 1968. Sư đoàn 308 Miền Bắc cùng các đơn vị trực thuộc, xe tăng thiết giáp hỏa tiễn rầm rập kéo vào Cao nguyên theo đường mòn Hồ Chí Minh cùng lúc với kế hoạch quân đội Mỹ rút ra khỏi Việt Nam theo kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh của tổng thống Mỹ Nixon. Những bàn thảo bàn vuông bàn tròn ở Paris ngày càng làm cho tình hình chiến sự trên toàn 4 vùng chiến thuật thêm khó khăn. Cộng sản đổ thêm quân và tiếp liệu vào chiến trường vì họ tin rằng chỉ có chiến thắng mới có cơ hội họ đạt được mục đích mong muốn. Về phía chúng ta thì ngược lại, hoàn toàn bất lợi trước sự mệt mỏi và tổn thất qua hơn 5 năm tham chiến của người bạn đồng minh Hoa Kỳ. Với kiểu vừa đánh vừa run lo ngại đụng đầu với Trung/ Nga khiến cho cuộc chiến không thể thắng ngày càng rõ nét. Kinh nghiệm ngày nào của chiến tranh Triều Tiên khi Tổng thống Truman không nghe lời đề nghị của tướng Mac Arthur tiêu diệt lực lượng quân đội Trung Quốc lúc đó đang tập trung tại vùng bắc sông Áp Lục trong khi tràn vào Bắc Hàn đáng để chúng ta suy ngẫm. Chiến tranh từ cổ chí kim đều coi giả trá là điều kiện cần, còn phải tàn bạo mới đủ để chiến thắng. Cộng sản đã chứng thực điều đó cho ngay đến lúc này một nửa thế kỷ sau, trong cuộc chiến Nga/ Ukraine. Putin đã chẳng do dự chút nào khi sử dụng mọi loại vũ khí tàn độc để tiêu diệt quân dân Ukraine, và luôn lớn tiếng sẽ sử dụng bom nguyên tử nếu cần. Nếu Putin không lo bụi phóng xạ theo chiều gió kéo vào làm tổn hai ngay chính nước Nga, ông ta đã làm ngay sau màn chiến tranh chớp nhoáng đánh chiếm, Kiev thất bại rồi. Nhân đạo lấy tiếng là quân tử để nhận lãnh thảm bại bị tiêu diệt sau đó chỉ xẩy ra ở nước Trung Hoa cổ. Còn dùng tàn bạo và giả trá mang đến những chiến thắng vang dội thì điển hình là đạo quân Mông Cổ thế kỷ 13.
Trận đánh Mùa Hè đỏ lửa tháng 4/1972 là trận đành chính quy hào hùng nhất tôi được tham dự trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Tháng 9 tôi bị thương lần thứ 3 trong đời lính chiến và sau khi nghỉ dưỡng thương một tháng, đầu năm 1973 tôi trở về giữ chức vụ trưởng phòng hành quân Sư Đoàn.
Tình hình ngày càng xấu đi. Các đơn vị chủ lực của Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam để lại không chỉ khoảng trống phòng thủ mà tệ hại hơn là những cảm giác bỏ rơi đồng đội khi đang chiến đấu. Quân nhu đạn dược cũng bị cắt giảm tới mức vô lý trong khi quân Bắc Việt ngày càng được bổ sung trang bị hiện đại hơn về vũ khí trang dụng, quân số. Ở vị trí Trưởng Phòng Hành Quân, qua các chuyến bay quan sát chiến trường, Tôi dần nhận ra sự thất bại tất yếu phải đến của cuộc chiến tàn khốc này. Những người lính Việt Nam đang chiến đấu trong tuyệt vọng. Những chính trị gia đầu não của chúng ta đã phó mặc đất nước cho giặc. Hòa đàm Ba Lê, hậu quả đưa đến một kết quả hòa bình nửa dơi nửa chuột, chiến không ra chiến hòa chẳng ra hòa. Chỉ có những ai từng đang cầm súng trong khoảng thời gian ấy mới thấu hiểu được tâm trạng của người lính VNCH lúc đó. Chúng ta đã thua ngay sau khi bị cưỡng ép đặt bút ký vào tờ hiệp định đầy cạm bẫy bất lợi này.
Từ cuối năm 1973 đến hết năm 1974, trong các chuyến bay trinh sát tìm vị trí thả các toán trinh sát phối hợp giữa phòng 2 và 3 SĐ, tôi đã chứng kiến những đoàn xe khổng lồ dài vài cây số nối đuôi nhau chạy dọc theo dẫy Trường Sơn khu tam biên trong lúc các đơn vị đồng minh lần lượt rút ra khỏi Việt Nam. Cái hiệp định Paris tồi tệ ấy là cuộn dây thiết chặt cổ họng người lính VNCH để cho kẻ thù hành hạ. Chẳng ai trong những người lính ở thời điểm đó còn có lòng tin về một chiến thắng hay hòa bình thật sự trong danh dự.
Cuộc chiến đã qua đi 50 năm nhưng những di họa của nó thì chắc vài thế hệ nữa mới mong xóa nhòa. Chiến tranh mang đến nỗi thống khổ vô biên không thể phai trong tâm trí những người từng tham chiến. Cuộc chiến tạo nên sự gắn kết tình đồng đội vào sinh ra tử xác thực, đồng thời cũng biểu lộ bộ mặt phản trắc trí trá của bạn và thù. Khi cuộc chiến qua đi tôi nhìn ra nhiều điều, trong chiến đấu bầu không khí hừng hực khói lửa chiến trường, giữa tên bay đạn réo, khi sinh mạng của mình có thể bị lấy đi bất cứ thời điểm nào lúc đó sẽ lộ diện cái mà chúng ta thường nói tới: Tình đồng đội, sự dũng cảm, tài chỉ huy. Tình cảm đồng đội vượt lên trên mọi tị hiềm ganh ghét, đố kỵ cay cú tranh giành điều mà trong cuộc sống hòa bình bầy ra nhan nhản trước mắt. Trường Võ Bị có truyền thống là tôn sư trọng đạo. Trong chiến tranh các sĩ quan đồng môn luôn gìn giũ nền nếp này. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình tôi chưa một lần đánh mất niềm tin đó. Các niên trưởng, đàn anh, các niên đệ khóa nhỏ mỗi lần gặp gỡ đều vui vẻ tay bắt mặt mừng. Dù tôi là cấp chỉ huy của họ hay được một đàn anh chỉ huy, tôi cũng đều nhận được ở đó sự thân thiết đùm bọc anh em. Cuộc chiến qua đi, những thử thách chiến trường không còn. Cuộc sống cơm áo gạo tiền đòi hỏi một kỹ năng khác hẳn những hy sinh mạng sống trước kia nên chi cái từng được trân trọng nâng niu “ chung mái trường Mẹ” trở nên lạc lõng bơ vơ. Những mưu mánh thủ đoạn chính trị được ẩn danh dưới nhiều hình thức miệt thị lẫn nhau để cố tranh đoạt một danh hiệu mà mình không còn thực tâm tôn kính gìn giữ. Tôi thầm nghĩ, chỉ cần 20 năm nữa thôi, những cựu SVSQ từng xuất thân Võ Bị có còn lại bao nhiêu đủ để ngồi chung một bàn tròn Tổng Hội? Điều chúng ta nên làm là xây dựng đội ngũ kế thừa từ con em cháu chắt của mình cho một đoàn thể VBQG mai sau qua những tấm gương của chúng ta đang làm hiện tại. Những ai đã từng sống sót qua bao thử thách của cuộc chiến đều hiểu rằng sở dĩ chúng ta hãnh diện về ngôi trường Mẹ chỉ bởi vì chúng ta coi đó là nơi đã tạo nên dáng vóc và khả năng chỉ huy lãnh đạo để cùng chung tay đánh giặc cộng sản, bảo vệ quê hương đất nước. Chúng ta từng tự hào vì là những sĩ quan tình nguyện gia nhập quân đội, được đào tạo bài bản về cả văn hóa lẫn quân sự nên đã làm nên bao chiến công hiển hách trên khắp các mặt trận trên bốn quân khu, vùng chiến thuật.
Lòng dũng cảm, khả năng chỉ huy trên chiến trường, sự hy sinh, xương máu của các đồng môn không chỉ làm nên danh dự của đội ngũ chúng ta mà còn làm rạng danh cho cả quân đội quốc gia non trẻ của chúng ta nữa. Chúng ta đã từng tự hào về những sĩ quan tốt nghiệp thủ khoa của nhiều khóa Võ Bị đã chọn cho mình những đơn vị chiến đấu để phục vụ thay vì họ có cơ hội để tìm những đơn vị yểm trợ nơi hậu phương; những cấp chỉ huy nhảy vào chảo lửa chiến trường, thực hiện những nhiệm vụ thập tử nhất sinh trong những trận đánh khốc liệt nội biên và ngoại biên đã nêu gương sáng cho các thế hệ đàn em, đâu có thời gian để suy nghĩ tranh giành hiềm khích đố kỵ lẫn nhau? Hoàn cảnh đổi thay, khi những người lính già từng trải chiến trường ngày nào, qua lao tù đầy đọa bởi kẻ thù khi buông súng giờ đây trên đất khách quê người ngậm ngùi nhìn một số đàn em dùng những thủ đoạn mà các chính trị gia cơ hội thường dùng để làm những điều mà một SVSQ/VB không nên làm. Trường VBQG là nơi đào tạo sĩ quan chỉ huy cho quân đội. Chiến trường là nơi biểu tỏ khả năng trình độ của một sĩ quan. Chiến công qua những trận đánh, tinh thần quả cảm và sự hy sinh anh dũng trên chiến trường khi giáp mặt kẻ thù, theo tôi nghĩ mới là điều đáng hãnh diện và tự hào của một sĩ quan quân đội chứ không phải là những phù phiếm hào nhoáng khác. Chẳng một sĩ quan đúng nghĩa nào lại tự cho mình là giỏi hơn thiên hạ vì những tiêu chí vớ vẩn nào đó ngoài những trải nghiệm đã được thử thách sinh tử trên chiến trường. Giá trị đích thực của một sĩ quan phải được đánh giá khách quan từ những người từng cùng chung trận chiến, hoặc từ đơn vị bạn chứ không phải từ những nhận xét chủ quan của người “tự đánh giá.”
Tháng 4 năm 1992 gia đình tôi di cư qua Hoa kỳ theo chương trình HO11. Khi bước chân lên phi cơ tôi mang tâm trạng nửa mừng vì chắc chắn bản thân gia đình con cái sẽ có một tương lai tươi sáng—một sự đổi đời– nửa lo về những khó khăn chắc chắn sẽ gặp trong thời gian sắp tới; thêm một chút lưu luyến về quê hương đất nước với biết bao kỷ niệm vui buồn sướng khổ đã từng. Gia đình tôi ở lại Thái Lan 1 tuần để làm giấy tờ rồi sau đó lên phi cơ vào Mỹ. Bước chân xuống phi trường Los Angeles cả gia đình choáng ngợp về sự hiện đại tráng lệ của phi trường. Có điều kỳ lạ là ngay ngày hôm sau, một cuộc động đất lớn rung lắc bàn ghế chỗ chúng tôi tạm trú tại thành phố Santa Ana thuộc Orange county—lần đầu tiên trong đời tôi được biết động đất là gì. Cả ngày theo dõi cảnh đốt phá cướp bóc trên đường phố Los lại càng làm cho tâm trạng tôi rối bời những ý tưởng buồn chán. Cuộc sống thì ra ở đâu cũng có những bất hạnh và khổ đau do thiên nhiên mang đến. Tôi tự an ủi mình những tai ách ấy là không thể tránh được nhưng ít ra cũng không tệ hại bằng chính những tai ách do con người tạo nên cho nhau. Cuộc sống mới bắt đầu với những biến động như thế từ trong thâm tâm tôi đã nghĩ tôi cũng sẽ phải cố gắng nhiều hơn để hy vọng có thể tồn tại được trên mảnh đất tự do nhiều cơ hội này.
Tháng 5 gia đình dời đi lên vùng Bắc Cali – thành phố Campbell. Một thành phố nhỏ nằm lọt trong lòng một thành phố lớn hơn San Jose. Những ngày đi tìm việc mưu sinh, vào đúng thời điểm kinh tế suy trầm khiến cho công việc càng gay go khó kiếm hơn. Rồi mọi thứ cũng đi dần vào quỹ đạo ổn định đúng lúc tháng trợ cấp cuối cùng đáo hạn vào tháng 10 cùng năm. Tết năm 1992 là cái Tết đầu tiên tôi được xum vầy cùng cả gia đình kể từ khi bước chân vào lính. Suốt 12 năm từ khi nhập ngũ cho tới lúc ra trường, Tết đối với tôi là chuỗi ngày xa nhà, hoặc đóng tại các địa điểm quan yếu trên quốc lộ, hoặc túc trực 100% tại đơn vị sẵn sàng hành quân. Mười ba năm còn lại kể từ sau tháng 4/75 là những năm đón Tết trong các trại cải tạo hết Nam rồi Bắc. Một trong những cái Tết u buồn nhất là Tết Nguyên Đán 1982 tại trại Nam Hà. Đêm Giao thừa gió rét căm căm, cả căn phòng rộng chừng 100m vuông chứa hơn 50 chục người lặng lẽ đón Tết trong nỗi tuyệt vọng ê chề khi nghĩ về gia đình và tương lai. Những năm trước đó bản thân tôi không có những cảm súc kỳ lạ như vậy, không hiểu sao Tết năm ấy, không chỉ riêng tôi mà kể cả các bạn đồng cảnh ngộ cũng có chung một tâm trạng như thế. Có lẽ do áp lực quốc tế khiến cho cộng sản phải mang dần các tù cải tạo trở lại Miền Nam sau khi đã đưa toàn bộ tù cải tạo ra Bắc nhằm hủy diệt số tù nhân này theo kế hoạch của Lê Đức Thọ không thành. Các bạn tù đã về Nam từ Tết trước còn lại chúng tôi chẳng biết bao giờ mới trở lại Miền Nam. Bản thân tôi nằm trong nhóm đầu tiên đi Bắc và đi chuyến chót về Nam. Khoảng tháng 5 1982 tôi được chuyển từ Nam Hà về trại A Z30A rồi tiếp tục ở lại đó cho đến Tết 1988 mới ra trại.
Tháng 4/ 1975 ập đến. Một hệ quả tất nhiên phải có của cuộc chiến bất cân sức này. Giờ đây tôi đã mất đi cảm xúc đau đớn của nửa thế kỷ trước. Tôi cũng chẳng muốn quy kết trách nhiệm cho ai và nhận ra, chính bản thân cũng có phần trách nhiệm. Có nhiều điều vượt ra khỏi sự hiểu biết của con người mà có lẽ chỉ cách nói vận nước phải thế là có thể chấp nhận được. Sự phân ly chia rẽ dân tộc có thể đã bắt đầu từ huyền sử Lạc Long Âu Cơ khi chia đôi bầy con nửa lên rừng nửa xuống biển. Rồi phân tranh đất nước Bắc Nam cũng đâu chỉ có một lần thời Pháp thuộc hoặc sau hiệp đình chiến Geneve 1954 ? Có khác chăng là cuộc thống nhất Nam Bắc lần đầu bắt nguồn từ Miền Nam với đạo quân của Quang Trung. Còn Bắc vào Nam trong năn 1975 thì ngược lại? Lịch sự dân tộc chúng ta là như thế. Lịch sử có quy luật của nó theo đúng quy trình Sinh Trụ Hoại Diệt không thể khác được. Hình thù địa lý đất nước có nút thắt giữa chừng rất hẹp nên luôn có mối đe dọa cắt ngang. Với hơn 3000 cây số bờ biển trong khi không có một lực lương hải quân đủ mạnh để bảo vệ luôn là miếng mồi ngon cho ngoại xâm. Chưa nói tới những nhà lãnh đạo khôn nhà dại chợ chỉ lo thu vén cho cá nhân dòng họ thay vì quyền lợi đất nước.
Nếu có chút suy ngẫm gì chăng có thể chỉ là tại sao dân tộc chúng ta không đủ minh mẫn để tìm ra một phương cách khác thống nhất đất nước trong hòa bình thịnh vượng như một nước Đức tùng làm? Trong sử sách chúng ta luôn tự hào về sự thông minh, chịu thương chịu khó, rừng vàng biển bạc mà trong thực tế thì trái ngược hẳn. Sau chiến tranh chúng ta mất cả biển lẫn rừng, mang tiếng là thống nhất nhưng nhân tâm chia rẽ hơn bao giờ hết. Bắc nam/ Trong nước ngoài nước, kẻ thắng / người bại…cuộc chiến kéo dài bất tận giữa những người cùng mang dòng máu Việt. Năm mươi năm chưa đủ dài để cho những người cộng sản hiểu ra rằng nguy cơ đang dần dần mất nước vào tay Trung cộng là rất lớn. Ông cha ta đã từng bị Bắc thuộc một ngàn năm còn lần này sẽ kéo dài bao lâu mới có cuộc khởi dậy của Ngô Quyền mười thế kỷ sau đó để dõng dạc tuyên bố chủ quyền độc lập dân tộc?
Năm mươi năm kể là khá dài đối với một kiếp sống con người, nhưng lại là quá ngắn kho so sánh với cuộc trường tồn của một dân tộc. Đất nước đã đổi thay từng ngày và luôn đổi thay không ngừng nghỉ. Con người cũng thế. Từng thế hệ luân phiên nhau có mặt trong cuộc đời này rồi lần lượt lìa xa cuộc sống để tiếp tục phiêu du ở một thế giới khác, một kiếp khác.
Những ngày gần đây chúng ta đã chứng kiến nhiều đổi thay đổi nghịch thường trong nước. Những vụ tranh ăn giựt ghế của nội bộ đảng cộng sản Việt Nam ngày càng trắng trợn hơn tàn khốc hơn. Sự phân hóa trong giới lãnh đạo chóp bu của chúng cũng ngày càng lộ rõ nét không thể che mắt thiên hạ như họ đã từng làm trước đây nữa. Những chuyển biến ấy có cho chúng ta một hy vọng gì không cho tương lai đất nước? Chắc chắn là có. Chỉ có điều, vì hình thể địa lý, sự lệ thuộc quá chặt với Trung Cộng khiến cho cuộc thay đổi ấy chậm chạp lề mề, tình hình sẽ khá hơn khi mẫu quốc Trung Cộng đột biến quay ngang. Bản thân Trung Quốc cũng đang trong cùng quẫn trở mình. Ngoại biên, Hoa Kỳ cũng trong thời gian đổi thay mãnh liệt. Với chủ trương Nước Mỹ trên hết, tổng thống Trump có khuynh hướng áp dụng học thuyết Nước Mỹ Trên Hết (MAGA). Điều này sẽ dẫn đến những đổi thay không ai biết được trong những ngày sắp tới. Chúng ta cũng không thể đoán định được tình hình thế giới sẽ chuyển biến ra sao trước chủ trương tránh can dự vào các cuộc tranh chấp thế giới của chính quyền Hoa Kỳ tương lai trước khuynh hướng bành trướng ngày càng tăng của các nước cộng sản còn sót lại đặc biệt là hai cường quốc Trung Cộng và Nga.
Cuộc chiến dang dở giữa Nga và Ukraine cùng số phận của quốc đảo Đài Loan sẽ ra sao? Cũng chẳng ai biết được. Chỉ có điều tôi tin tưởng thế chiến thứ ba hy vọng sẽ không xẩy ra ít nhất trong thời gian này bởi vì cuộc chiến hủy diệt ấy là bản án cáo chung của nhân loại chứ không phải là một tai họa cho riêng một quốc gia tham chiến nào. Tham gia hay không đều chết vì các loại bom hạt nhân và bụi phóng xạ. Chắc hẳn cho dù những tên cầm đầu hung hăng cách mấy cũng phải nghĩ tới số phận của chính chúng cùng gia đình. Hoa Kỳ sẽ chuyển mình là điều chắc chắn. Với một chính phủ bao gồm hầu hết các tỷ phú đô la cộng thêm mang sẵn ý tưởng “ Dọn sạch đầm lầy” ý muốn nói tới việc dọn dẹp những cơ chế cổ lổ sạn đá cũ đã từng là nền tảng của đất nước trong suốt gần 249 năm qua như việc bãi bỏ bộ Giáo dục cho một bà bộ trưởng chẳng có mấy kinh nghiệm về giáo dục; trao cơ quan chăm sóc sức khỏe cho một người có tư tưởng chống vắc-xin kịch liệt, một cơ quan thuế vụ cho một thương gia đòi bãi bỏ Sở thuế; cơ quan FBI cho một người sẵn sàng dùng cơ quan này làm theo ý tổng thống để truy quét các kẻ mà tổng thống cho là nội thù; một cơ quan tình báo trung ương cho một nữ nghị sĩ Dân chủ từng đổi đảng và có khuynh hướng thân Nga….và bộ quốc phòng cho một thiếu tá vệ binh quốc gia thì chắc chắn phải có thay đổi mà chúng ta không cần phải tốn công dự đoán!. Sự thay đổi triệt để ấy như lời hứa hẹn của Tổng thống Trump “Drain swamp and demolish deep states” chắc chắn sẽ làm xáo trộn cả thiên hạ từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc. Một đặc điểm nổi bật trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump là sự tham gia rất đông đảo các đại gia kỹ nghệ thương mại và tài chánh trong chính phủ Trump. Với cung cách suy nghĩ đặt lợi nhuận cá nhân trên mọi thứ khác cho chúng ta có chút bận tâm. Liệu rồi đây một nước Mỹ đại diện cho tự do và nhân quyền, luôn đứng ra bảo vệ các quốc gia yếu kém, chống lại mọi chủ trương xâm lăng của các đế quốc cộng sản trên toàn thế giới có còn giữ được lý tưởng của mình? Chỉ có điều chắc chắn rằng những xáo trộn tương lai cũng sẽ là cơ may tạo nên một luồng sinh khi mới cho mọi quốc gia đang bị nhấn chìm trong ảo giác về một thế giới biệt lập không có sự tương liên nối kết với nhau. Sau cơn mưa trời sẽ sáng. Một chu kỳ mới lại bắt đầu và đó là điều chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy trong tương lai gần thôi.
Năm 2025 là năm có nhiều điều đặc biệt. Năm này có tới 2 ngày lập xuân trong cùng năm Dương lịch 2025. Là năm kế tiếp của một loạt 8 năm liên tiếp không có ngày 30 Tết Âm lịch. Cho dù biết rằng lịch đại chỉ là sản phẩm của con người tạo ra. Nhưng nguồn gốc của lịch đại hoàn toàn dựa trên quan sát sự xoay vần ngày đêm, thời tiết, dưới tác động của mặt Trăng mặt Trời. Năm nay là năm con Rắn và vì có tới hai ngày Lập xuân nên cổ nhân còn cho nó cái tên Năm Rắn hai đầu. Điều kiện để có một năm có hai ngày lập xuân là năm đó phải là một năm nhuận để tháng Chạp kéo dài đủ để chứa thêm một ngày lập xuân. Năm 2025 có tháng 6 là tháng nhuận. Thường thì khoảng cách thời gian từ 9 tới 19 năm mới có một năm như thế. Năm gần nhất có 2 ngày lập xuân là năm 2015 (vào hai ngày 16 tháng Giêng /4 tháng 2 2015 Dương lịch và 26 tháng Chạp âm lịch/ 4 tháng 2 2016 dương lịch ). Nếu có sự đáng nghiền ngẫm hơn có lẽ đó là năm Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 1. Cách quãng đi 4 năm nhiệm kỳ của Biden, năm nay là nhiệm kỳ 2 của Trump. Năm Rắn 2 đầu 2025 lần này có là một điềm báo gì không? Tôi thực sự không biết.
Tôi tin vào sự bí nhiệm của Trời Đất, Lẽ huyền vi của Tạo Hóa. Có biết bao điều chúng ta không thể giải thích hoặc hiểu được trên đời. Những bất khả tri ấy là của ông Trời, Chúa Phật tạo ra hay một đấng thiêng liêng nào khác tùy thuộc vào đức tin của mỗi người nhưng chắc chắn phải có một đấng Sáng Tạo. Khi khoa học phát triển, đã có lúc con người tự huyễn hóa mình rằng bộ óc có thể giải thích được mọi hiện tượng. Nhưng giờ đây họ đã hiểu ra rằng có những giới hạn con người không thể vượt qua cho dù là siêu nhân đi nữa. Điều ấy làm cho cuộc sống thi vị hấp dẫn hơn nếu so với mọi thứ đều có thể cắt nghĩa rạch ròi biết trước.
Tết Nguyên Đán Ất Tỵ đã cận kề. Tổng thống Trump cũng vừa chính thức làm Lễ Đăng Quang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu cho nước Mỹ và cho thế giới. Suy ngẫm từ chính bản thân mình, qua thời gian đã biến đổi như thế nào từng thời kỳ. Những thăng trầm khổ ải, những đau buồn, những hoan lạc, vinh nhục tôi đều đã nếm mùi. Giờ đây bước vào tuổi U90, tôi luôn cảm tạ Đất Trời đã cho tôi sống sót qua cuộc chiến đẫm máu ngày nào. Đọc trên báo chí hàng ngày khi nhìn thấy tên tuổi những người thân quen, đồng đội đồng môn, niên trưởng niên đệ trên các trang cáo phó lòng tôi có chút u buồn vì chia ly nhưng rồi nghĩ lại thân phận mình cũng sẽ có một lần như thế. Lẽ tử sinh là chuyện thường tình và bản thân đã chẳng biết bao lần vào sinh ra tử đó sao. Sống dài ngắn đâu có nghĩa gì bằng mình đã sống như thế nào. Sống như một công dân có trách nhiệm với đất nước, thủy chung với bạn hữu, gia đình vợ con đã đủ làm cho tôi hài lòng với cuộc đời mình. Lúc cuối đời, lâu lâu bắt gặp lại những chiến hữu từng sống chết trên chiến trường xưa, ngồi nhâm nhi bên ly trà, cà phê nhắc lại những câu chuyện cũ, những kỷ niệm xương máu cũ lại thấy lòng rộn ràng sức sống. Những buồn đau vì sự phân hóa chia rẽ không thể hàn gắn được giữa bạn hữu cùng chung lý tưởng nhưng khác cách suy nghĩ và hành động chẳng còn làm tôi thao thức mất ngủ vì tự thân đã nhận ra sự khác biệt là đương nhiên giữa con người với nhau. Nỗi nhớ quê hương nguồn cội có lẽ là niềm ưu tư duy nhất không phai mời trong lúc tuổi xế chiều. Lìa xa đất nước, sống phiêu bạt quê người cho dù cuộc sống tự do no ấm thoải mái nơi đây vẫn không xóa nhòa hình ảnh về một quê hương ngày nào nơi đó có ông bà tổ tiên của mình đã từng sinh sống. Cảnh quan, môi trường quen thuộc của thời niên thiếu, đồng lúa, lũy tre làng, những khu phố tiệm ăn của thành phố Cảng nơi tôi được sinh ra. Những ngôi trường, các thầy giáo hết lòng yêu thương truyền dậy kiến thức làm người….lũ bạn cùng phố đá bóng, đánh bi đánh đáo ….Tất cả những hình ảnh ấy đúc kết lại thành một quá khứ gắn chặt với ký ức để mang theo cả cuộc đời. Có đôi lúc tôi lúc thiển nghĩ, quê hương là nơi cho mình cơ hội làm người và sống với tư cách một con người theo nghĩa cao đẹp của nó. Quê hương hiểu theo định nghĩa đó để tự an ủi bản thân rằng quê hương không chỉ bó hẹp trong giới hạn địa lý trên bản đồ, nhất là khi thế giới đã đi vào kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và hệ thống liên lạc truyền thông đã trải khắp trên mọi nơi trên hành tinh này để rồi thanh thản chấp nhận nơi này cũng là quê hương.
Năm mươi năm nhìn lại cuộc đời, những điều đắc /thất, có được/ mất không, nhục vinh xướng khổ tôi đã nếm trải. Chút thời gian còn lại tôi tự nhủ đã đến lúc buông bỏ tất cả để ra đi trong nhẹ nhàng thư thái như bao bạn hữu xa gần đã ra đi. Ở lớp tuổi ngồi đợi trên sân ga chờ chuyến tầu lên đường trở về cõi hư không như những bạn đồng môn khác nếu có chăng còn chút ưu tư suy ngẫm về cuộc đời của mình, có lẽ chỉ là ao ước mọi bất hòa giữa các đồng môn Võ Bị sớm chấm dứt để hình ảnh đẹp đẽ của những chàng trai Võ Bị một thời chỉ mờ dần theo thời gian như hình ảnh những người lính già trong câu nói của tướng Mac ArThur “Old soldiers never die; they just fate away”
Con người ai cũng chỉ sống có một lần. Hãy cố gắng sống sao cho khỏi phải ân hận vì đã sống hoài sống phí và đừng để hổ thẹn về dĩ vãng ti tiện hèn đớn của mình.
Song Vũ.
(Tháng Giệng 2025)