Thanh Hà CH: Tháng 12/1977 – Mùa Giáng Sinh tan tác

Tranh Đinh Trường Chinh

Cận Giáng Sinh năm 1977 anh Nhân ghé qua nhà tìm chị Hai tôi đề nghị chị vào làm thư ký cho nông trường trồng khóm (thơm) ở xã Lình Huỳnh thuộc quận Hòn Đất, Kiên Giang do anh đồng giám đốc với một người nữa, cách nhà tôi 45 km.

Nguyên anh Nhân là nhân viên văn phòng trong ty Thông Tin tỉnh do ba tôi đảm trách trước tháng tư năm 75, chị hai tôi cũng là thư ký ở đây. Sau ngày 30 tháng Tư đen tối, ba bị đưa vô rừng U Minh Thượng “học tập cải tạo tư tưởng” mà thực chất là tù đày khổ sai. Chị tôi bị triệu tập học lý thuyết mấy ngày rồi về nhà nấu cơm giặt quần áo, đã là may mắn lắm.

Anh Nhân đến thăm bất ngờ. Thật ra anh rất quí mến ba má tôi và xem chị Hai như em gái nên không giấu diếm kể rằng bên họ hàng nhà vợ có nhiều người theo “phía bên kia” chức vụ khá cao nên khi thời cuộc đổi thay anh không bị ảnh hưởng gì –có khi anh đã lén lút hoạt động ngầm cho họ một thời gian rồi cũng không chừng–. Gió xoay chiều, anh phải tìm việc nuôi gia đình và bản thân, hợp tác với người quen mở nông trường trồng khóm, mía được vài tháng nay. Đã thu nhận hai cô thư ký nhưng cần thêm người tin cậy có kinh nghiệm về kế toán. Thế là anh nhớ đến chị Hai.

Chúng tôi sống chung với ông bà ngoại, nay đã hơn 70 tuổi. Chị Hai là con đầu gánh nặng áo cơm chia sớt đỡ đần tiếp má lo cho gia đình không thể rời nhà đi làm xa với đồng lương thư ký ít ỏi nên đề nghị anh Nhân cho tôi làm thay chị. Có lẽ anh không muốn nhưng bất đắc dĩ phải nhận lời.

Thế là hôm sau tôi thu xếp ít bộ quần áo, chọn những kiểu may đơn giản cho vào túi xách nho nhỏ, má kêu cậu em thứ sáu chở tôi đến nông trường bằng chiếc xe Honda dame 50.

Ra khỏi tỉnh, con đường bắt đầu gồ ghề toàn đá cục to nhỏ, ổ gà ổ voi hoà với bụi đỏ bay mù mịt dằn xóc liên tu bất tận. Đã vậy không hiểu chiếc xe bị gì mà cứ chao nghiêng về một phía, em tôi phải kềm tay lái chặt không thì nó cứ lủi vào lề. Em tưởng là tôi ngồi không đúng cách quay lại nhắc nhở mấy lần:

–Chị ngồi ngay ngắn bình thường đừng có gồng một bên em chạy không được đây nầy. Đường thì hư hỏng rất khó đi.

Tôi bị la oan, thanh minh mà cậu ấy vẫn không tin. Đưa tôi đến nơi, lúc quay trở về một mình thì chiếc xe vẫn ngoẹo đầu một bên, về nhà kể lại với gia đình là ân hận đã nói oan cho tôi.

Trên đường, ngẫu nhiên chúng tôi thấy chú Năm ngồi trên chiếc xe jeep cùng với vài người chạy từ hướng ngược lại. Chú là em cô cậu ruột với ba tôi, làm lính địa phương quân nên không bị đi tù cải tạo. Đường xấu xe chạy chậm chúng tôi có thời giờ trao đổi vài câu chào hỏi. Ánh mắt chú nhìn chị em tôi như định nói gì nhưng không thốt thành lời, xe dần dần xa tôi quay đầu lại còn thấy chú cũng ngoảnh mặt nhìn chúng tôi đến hút tầm mắt mới thôi (Thời gian sau tôi còn dịp gặp chú lần nữa trước khi chú vượt thoát sang Úc. Chú đinh ninh hôm ấy hai chị em tôi chạy xe lên Hà Tiên tìm đường vượt biên.)

Nơi đến là một căn nhà vừa dùng làm văn phòng vừa là nơi ăn ngủ cho các thư ký.

Mặt trước nhà nằm cạnh con đường liên tỉnh bụi bay mù trời mỗi khi có xe chạy ngang, mặt sau hướng ra sông. Đó là một căn nhà khá rộng, lợp bằng lá dừa nước còn mới, nền chưa được nện chặt còn những cục đất lồi lõm. Một phần căn nhà đặt ba chiếc giường đôi, mỗi chiếc cách nhau khoảng một mét, hai cô đến trước chiếm hai chiếc từ trong góc vách được che lại bằng tấm rideau vải riêng biệt. Chiếc còn lại nằm tênh hênh giữa nhà tất nhiên là dành cho tôi. Có cái tủ nhỏ đặt ở mỗi đầu giường đựng quần áo vật dụng cá nhân.

Phần còn lại của gian nhà đặt thêm cái bàn đủ lớn dùng làm bàn viết lẫn ăn uống. Xa hơn về phía cửa sau có hai cái lò bằng đất nung đỏ, bên cạnh chất đống thanh củi tràm cho việc nấu nướng.

Tôi nghe nói đây là nhà mới dựng tạm lúc thành lập nông trường trên khoảng đất vốn trước đây mọc cỏ dại, nó nằm trơ trọi cách nhà dân vài trăm mét.

Hai cô gái nhỏ hơn tôi hai tuổi, cùng tên Xuân quê Long Xuyên là bạn thân học cùng lớp. Các cô đã được anh Nhân thông báo trước, nên không ngạc nhiên khi tôi đến mà tiếp đón với sự vui vẻ ân cần. Một người dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn tự động quán xuyến việc nấu ăn. Cô còn lại thân hình hơi tròn trịa, rất xinh với mái tóc dài đen nhánh xoã tận eo, đôi mắt to tròn long lanh. Cô hay cười, giọng cười giòn tan, có lúm đồng tiền duyên. Nhưng thỉnh thoảng giữa khoảnh khắc hồn nhiên vô tư đang chuyện trò vui vẻ cùng nhau, thái độ cô thay đổi đột ngột. Cô bỗng im lặng thả hồn đi đâu mất, đôi mắt hướng ra sông buồn da diết. Trạng thái ấy xảy ra nhiều lần trong ngày khiến tôi e ngại với người tâm tánh khó đoán, nên chỉ gần gũi với cô Xuân-nhỏ-nhắn.

Đến đây được hai ngày, ngoài 3 chúng tôi thì không thấy bất cứ một bóng dáng nào lai vãng, ngay cả anh Nhân lẫn các công nhân. Tôi thắc mắc hỏi thì được hai cô giải thích rằng nông trường được anh Nhân cùng một người bạn thành lập. Hiện giờ cả hai đang về tỉnh mua vật liệu hay tìm thêm đối tác gì đó. Còn nông trường trồng khóm, mía cách đây 3 km, đa số công nhân là người địa phương nên tối họ về nhà. Những người từ nơi khác đến thì ăn ở luôn trong lều dựng cạnh nông trường cho tiện. Chỉ kỳ lãnh lương mỗi hai tuần thì mới tụ họp về văn phòng thôi.

Thì ra thế. Lúc chưa đến tôi hình dung cảnh tượng đông đúc kẻ tới người lui, và chúng tôi với nhiệm vụ thư ký hẳn phải ghi chép sổ sách rất bận rộn, nào ngờ hoàn toàn trơ trọi giống như kẻ bị cách ly. Cho nên tiếng là làm thư ký nhưng tôi chưa hề được giao việc sổ sách mà cũng chả thấy bất cứ tờ giấy hoá đơn chứng từ nào trên bàn hết.

Nơi đây ban ngày vốn đã lặng lẽ năm thì mười thuở mới có 1 chiếc xe cà rịt cà tang hì hụt chạy qua, động cơ rú lên ầm ĩ rồi dần xa để lại một màn bụi đỏ mù mịt bay tứ tán trong không gian, tràn vào nhà nên cửa trước lúc nào cũng khép. Dòng sông sau nhà có màu xanh trong vắt, nước biển pha trộn nên có vị lờ lợ không uống lẫn tắm được, chỉ rửa chén hoặc giặt quần áo (!). Nước uống, nấu ăn phải mua từ ghe nước từ Long Xuyên thỉnh thoảng chở tới nên phải xài dè xẻn. Dân ở đây tắm nước lợ mặn hèn chi màu da ai cũng đen sậm. Tôi không tắm nước sông nhưng hứng nắng gió nên chỉ chưa đầy chục ngày mà khi trở về nhà mọi người đã nhận xét da tôi sao đổi màu.

Mặt nước sông phẳng lặng gần như mặt hồ. Lâu lâu mới có chiếc đò gọi là tắc ráng với động cơ nhỏ, hoặc chiếc xuồng ba lá chèo ngang nên không gian vô cùng yên ắng, ngưng đọng. Có bắc một chiếc cầu bằng cây bề ngang 5,6 tấc de ra ngoài sông dài 3 mét cho chúng tôi rửa cá, giặt quần áo. Thực phẩm cá thịt rửa cho ra bớt chất dơ rồi đổ nước ngọt rửa lại. Hàng đàn cá chốt, cá lòng tong quanh quẩn nghe tiếng chân người động đậy bước xuống cầu là quẩy đuôi bơi lại gần. Chỉ cần chúng tôi nhúng tay xuống nước là chúng bu lại cắn vào bàn tay rất dạn dĩ. Chúng tôi thử dùng thau hay rổ lùa chúng ngoan ngoãn để yên cho bắt dễ dàng. Mà lạ lùng là không ai nghĩ đến chuyện đem kho nấu, thời gian ấy các loại cá tôm, rau muống bông súng sống trong môi trường thiên nhiên quá dư thừa, người ta chưa ăn đến loài cá tí hon nầy.

Tôi thường nghe nói lương công nhân viên chức Cộng Sản rất thấp (sau 2 lần đổi tiền thì giá trị càng xuống thấp) phải dè xẻn từng đồng mới đủ trang trải cho sinh hoạt thường nhật. Nhưng các bữa ăn của ba chúng tôi do cô Xuân-nhỏ-nhắn lãnh phần nấu nướng lại khá tươm tất so với tình trạng “bần-cùng-hoá-nhân-dân” thời ấy. Mỗi ngày cô đón chiếc xuồng chở thực phẩm trái cây bán dọc theo sông mua hôm thì thịt heo, hôm thì cá lóc cá rô to nhảy soi sói trong thau nước, bữa ăn nào cũng đủ ba món canh, thịt kho hay cá chiên, kèm rau cải, dưa leo.

Cô giải thích đó là tiền của “hai ông xếp” cấp cho chúng tôi ăn uống mà không bị trừ vào lương. Cô thường kho một nồi thịt heo nước dừa tươi trứng vịt thật ngon ăn được vài ba buổi, quả là đế vương ở thời buổi cả nước ăn bo bo, cơm độn khoai sắn rau muống cầm hơi- thậm chí còn không có-.

Tôi khá ngạc nhiên về sự hào phóng của anh Nhân và người hợp tác của anh, cho rằng chắc các anh xem chúng tôi như người thân thuộc, tội nghiệp hoàn cảnh gia đình nên bao biện như vậy. Hai cô Xuân kể ba của họ đều là sĩ quan VNCH đang ở tù trong trại khổ sai nào đó. (Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao hai ông xếp lại hào phóng như thế, và vì sao cô Xuân-má-lúm-đồng-tiền tâm tánh vui buồn bất chợt)

Nơi đây ban ngày đã vắng lặng đìu hiu thế thì ban đêm còn tịch mịch u trầm thế nào. Hễ chiều vừa tắt nắng hàng đàn muỗi đã vo ve ùa đến. Chúng tôi ăn cơm sớm, đóng hai cửa trước cửa sau kín mít, 7 giờ ba đứa đã chun vô mùng tránh muỗi, đặt cây đèn dầu hột vịt ngọn leo lét trên bàn. Suốt đêm giấc ngủ tôi cứ chập chờn bừng tỉnh từng canh bởi hai nguyên nhân, là thiếu chiếc gối dài để ôm vào lòng mà tôi đã quen từ nhỏ tới giờ và sợ ma !!!

Như đã tả ở trên, hai chiếc giường sát vách có màn che thuộc về hai cô Xuân, chiếc thứ ba còn lại nằm tênh hênh trống trải giữa nhà dành cho tôi, chỉ có mùng không có màn che phủ. Hệt như trẻ con tôi rất sợ ma, cứ nằm nghiêng quay lưng về hướng giường của hai cô gái, mặt xoay ra ngoài mắt giả vờ nhắm không dám cục cựa lăn trở dù rất mỏi vì sợ nếu “con ma” đứng rình ở đầu giường thấy tôi động đậy biết còn thức sẽ vén mí mùng khều lưng nhát.

Phải chi có chiếc gối ôm bên cạnh cũng an ủi biết bao.

Trong bầu không khí ảm đạm sợ sệt tôi nghĩ ngợi lẩn thẩn: chúng tôi 3 cô gái tuổi ngoài hai mươi xuân xanh, mới rời trường học, xuất thân từ thị tứ tự nhiên đâm đầu vào cái xứ khỉ ho cò gáy. Buổi tối ngủ trong căn nhà lá mà cánh cửa mỏng dính khép cho có lệ, chỉ cần đạp chân hơi mạnh là bung ra dễ dàng. Nếu ai có ý định xấu, nửa đêm mò đến giở trò đồi bại thì chỉ có nước chịu trận chứ sao chống cự nổi, la làng cũng chẳng ai nghe. Các ông chủ sao gan quá dám bỏ 3 đứa con gái – lúc tôi chưa đến chỉ có 2 cô – giữa đồng không mông quạnh như vậy. Vừa sợ ma vừa nhớ nhà mới vài ngày đã thấy mệt mỏi vì đêm thiếu ngủ. Nghĩ thầm thôi cố làm cho đủ một tháng sẽ xin anh Nhân nghỉ việc. Thà theo ông bà ngoại ra đồng làm ruộng mà được gần gia đình, tối ngủ có gối để ôm và không bị ma ám ảnh.

Tôi không phải chờ hết 1 tháng mới xin nghỉ việc, mà thời khắc ấy đến sớm hơn dự định không ngờ trước.

Tuần sau, lúc 7 hay 8 g tối anh Nhân cùng người hợp tác–tôi quên mất tên–trở lại nông trường. Đi bằng đường sông trên chiếc ghe bầu chở nhiều vật dụng như cuốc xẻng dao rựa cây cọc v..v..cho nông trường. Hai cô Xuân ùa xuống bến chào đón mừng vui tíu tít. Cây đèn trứng vịt được thay bằng cây đèn ống khói to hơn mang khá đủ ánh sáng khiến gian nhà ấm áp hẳn.

Tôi cũng mừng, nghĩ nhà có đàn ông thì bớt sợ ma và kẻ gian không dám đột nhập. Đó là đêm đầu tiên ở Lình Huỳnh tôi không sợ bóng tối, chìm vào giấc ngủ thật sâu.

Khuya. Mơ màng nghe tiếng người rì rầm khiến tôi tỉnh giấc. Đêm thanh vắng nên mọi động tỉnh đều vọng vang nghe rõ mồm một. Tôi dù không muốn nhưng mọi âm thanh thật khẽ đều lọt vào tai. Tôi nghe tiếng cô Xuân-nhỏ-nhắn giọng lúc nũng nịu lúc trách hờn lúc cười ròn rã với ông-xếp-không-nhớ-tên ở chiếc giường cách 1 mét bên cạnh. Lâu lâu từ chiếc giường-xa-hơn ở sát vách phát ra vài tiếng nói nho nhỏ của anh Nhân và cô-Xuân-má-lúm-đồng-tiền, chứ không ồn ả như hai người nầy.

Không làm sao diễn tả được tâm trạng tôi lúc phát giác sự việc: kinh ngạc, sửng sốt…tôi quyết định sáng sớm sẽ thu xếp đồ đạc đón xe trở về nhà chứ không chờ đến lãnh lương. Mà lương gì? Từ lúc đến tôi chỉ ăn và ngủ chứ có làm công việc của một thư ký đâu, cả cái nông trường khóm, mía cũng chả thấy nằm ở chốn mô. Thảo nào việc ăn uống được xếp bao biện quá hào sảng.

Bứt rứt hồi lâu tôi mới ngủ lại được. Sáng dậy, hai ông xếp đã đi ra nông trường tự tinh mơ nên tôi chưa thể xin nghỉ được.

Tưởng hai cô Xuân sẽ ngượng ngùng khi đối diện tôi. Nhưng không, thái độ cả hai đều tự nhiên như mọi ngày, chẳng những thế gương mặt cô nào cũng hây hây hồng, bừng sáng nét hạnh phúc. Cô thì với đôi bông tai đong đưa tòn ten hai bên má, cô thì một sợi dây chuyền vàng quanh cổ.

Mới xa nhà có chục ngày mà tôi tưởng chừng lâu lắm.

Noel vừa qua được 3 ngày, nhớ ngày xưa dù tôi đạo Phật nhưng thỉnh thoảng cũng đi xem lễ ở nhà thờ. Thời gian còn học ở Saigon, đêm 24 hoà theo bạn đi bộ đến Vương Cung Thánh Đường, ra Nguyễn Huệ, Lê Lợi vòng vòng rồi ghé nhà bạn dự tiệc nửa đêm thật vui. Bây giờ lâm vào cảnh ngộ kỳ cục với những người hoàn toàn có lối sống khác biệt làm sao.

Buổi trưa gió bấc thổi lạnh, nghĩ đến tương lai mù mịt mà buồn hiu hắt theo ngọn heo may. Tôi mặc thêm áo len ra ngồi trên cầu nhìn mặt sông xanh thẳm gợn chút sóng lăn tăn. Bầy cá lòng tong, cá chốt bu lại như chào mừng. Nhìn chúng bơi lội tung tăng trên dòng sông mênh mông nước, tôi ước gì mình hoá thân thành cá để nương theo dòng chảy từ sông ra biển vượt thoát khỏi địa ngục trần gian nầy.

Đại Tây Dương dậy sóng gọi sông
Trời tha thiết đùn mây soi nước
Cửa đã mở thênh thang phía trước
Sao sông còn bám chặt đôi bờ?…


…chân dung em xanh thẳm biển trời
Óng ánh mãi cuộc đời trôi nổi
Biển ngàn năm vẫn nôn nao đợi
Sông bâng khuâng chở nước về nguồn

(Đợi con sông ra biển, thơ Phạm Hồng Ân)

Đang thả hồn mơ ngày bỏ quê hương đi tìm tự do nơi đất khách, bỗng nghe có tiếng kêu quen thuộc gọi tên mình từ trên nhà:

–Thanh Hà ơi dì Ba nè, dì Ba đến kiếm con nè.

Quay lại nhìn, thấy dì Ba tất tả bước tới, gương mặt hớt hãi. Dì là em họ bạn dì của má, cạnh nhà chúng tôi. Linh cảm có điều gì bất thường, sao tôi vắng nhà mới có dăm ngày dì ba đã đến tìm mà không là ai trong gia đình?

–Ủa sao dì Ba biết con ở đây mà tìm vậy? Bộ nhà con có chuyện gì hở dì?

Chưa kịp trả lời dì Ba đã oà khóc nức nở khiến tôi càng sợ hãi, nhìn dì trân trối. Dì bù lu bù loa:

–Ngoại con kêu dì đi tìm, hỏi đường người ta chỉ. Tối hôm kia Công An tỉnh vô bắt má với mấy chị em con vô tù hết rồi. Con thu xếp đồ đạc về với dì ngay đi. Hu hu hu…

–Hả? Dì nói sao? Công an bắt má với mấy chị em con? Tôi chỉ hỏi được bấy nhiêu.

–Họ không bắt ông bà ngoại với bé út (10 tuổi) nhưng bị đuổi khỏi nhà, tràn vô chiếm hết đồ đạc không cho đem thứ gì ra hết. Giờ ông bà ngoại, bé út đang sống tạm trong cái lều bỏ hoang của dì đó.

Dì kể thêm: nửa khuya có mấy chục công an tới gõ cửa xét nhà tôi, nói có người tố giác đây là cái ổ phản động, chứa vũ khí mưu toan chống nhà nước. Má vừa mở cửa thì chúng súng ống cầm tay tràn vào như thác lũ, kéo em trai (vừa qua tuổi vị thành niên) hai cánh tay bị trói oặt ra sau lưng đẩy ngồi vào một góc. Bắt má cùng các chị em gái đến ngồi cạnh không được động đậy.

Họ lục tung mọi ngõ ngách không sót một chỗ nào, sau cùng lôi một khẩu súng từ bồ lúa, la lên tang vật đây rồi.

Má, các chị em tôi bàng hoàng không hiểu súng từ đâu mà xuất hiện như màn ảo thuật. Có cãi chúng cũng không nghe, tên chỉ huy lạnh lùng ra lệnh mỗi người được đem hai bộ quần áo, leo lên xe đậu sẵn ngoài đường chở thẳng vô trại tù Khám Lớn tỉnh, kể cả đứa bé 11 tháng tuổi con của chị Ba. Chồng chị đi công tác xa, sau bị lùng bắt nguội luôn.

Các sợi thần kinh cảm xúc trong tôi đông cứng lại, tôi như hoá đá không phản ứng nói năng gì được. Như thể linh hồn tôi xuất ra khỏi thể xác bay đi đâu mất. Phải. Khi biến cố vượt lên trên mọi tưởng tượng suy đoán thì chúng ta trở thành tượng đá. Chai lì, trơ cứng. Như người máy, để mặc dì Ba kể lể câu chuyện với hai cô Xuân, tôi vào thu dọn mấy bộ quần áo cho vào túi xách, rồi nói mấy câu từ giã hai người đứng bàng hoàng lóng ngóng không biết an ủi tôi như thế nào, chỉ nói là sẽ chuyển lời cho anh Nhân hay tin tức.

Tôi cùng dì Ba ra trước nhà đứng đón xe đò trở về tỉnh. Trời xế chiều, xe hẳn đã chạy qua hết rồi. Hình như mỗi ngày chỉ có 2 chuyến đi và 2 chuyến về. Chờ khá lâu không thấy chiếc xe nào chạy qua, tưởng phải ngủ đêm lại thì may thay có một chiếc xe máy cày hạng nặng kéo theo sau rề-mọt (remorquer) nặng nề trờ tới, trên xe có một anh cầm lái và hai thanh niên nữa. Thấy chúng tôi đứng lủi thủi bên vệ đường gương mặt thất thần. Chắc nhìn cặp mắt chúng tôi như van nài nên họ tử tế dừng lại cho chúng tôi quá giang về tỉnh.

Nơi tạm trú của ông bà ngoại và em gái út nguyên trước kia là căn nhà bà dì Tư sinh sống (là em bà ngoại tôi, là má của dì Ba) gần nửa thế kỷ. Nay chỉ còn hai vách lá hai bên, đằng trước bằng ván vụn ghép méo mó, cánh cửa lệch lạc, đằng sau trống hoác trống huơ. Mái lợp bằng lá dừa nước thủng lỗ chỗ, có mấy tấm lá mục nát đong đưa chực chờ cơn gió hay mưa là rơi hẳn xuống đất. Cột kèo mối mọt chỉ xô nhẹ đủ lắc lư, sợ quá gia đình dì bỏ hoang, cất nhà khác ở mảnh đất phía sau. Nhờ vậy mà ông bà ngoại và em út tôi mới có nơi nương náu. (Tự trào để an ủi rằng tháp Pise của Ý xây từ thế kỷ 12, sau 9 thế kỷ tức phải 900 năm mà “chỉ nghiêng chưa được 4 độ”, còn cái “tháp lá” của dì Ba mới nửa thế kỷ đã nghiêng 10 độ, chiếm kỷ lục về độ nghiêng hơn tháp Pise còn gì nữa)

Gặp lại ông bà ngoại gương mặt còn hằn nét kinh hãi thất thần ngồi thu lu trên bộ ván trong nhà hoang xiêu vẹo. Tia nắng vàng vọt buổi chiều còn sót lại chiếu lên hình hài ba sinh linh hai già, một trẻ nít. Bé út 11 tuổi vô tư ngồi cạnh mở tập ra học bài*. Vài cái nồi, xoong đặt cạnh lò đất và củi vụn. Tô chén đũa đựng trong rổ đan bằng tre. Mùng mền, ba bọc quần áo của ông bà ngoại và em út xếp ngay ngắn đựng trong bọc ni-lông đặt trên bộ ván mà dì Ba mang cho mượn làm nơi sinh hoạt ban ngày và ngủ ban đêm. Cảnh tượng tiêu điều giờ mới khiến tôi chạnh lòng tuôn rơi nước mắt.

*Nhắc một chút về em gái út.

Bé đang học lớp 5 chuẩn bị thi vào trung học, là con út được cả nhà cưng chiều nhưng khôn lanh ngoan ngoãn. Cách đó hai năm bé vẫn còn ôm chai sữa bú bình mỗi ngày hai lần sáng tối, mặc ai trêu chọc vẫn không mắc cỡ, cho đến ngày 30 tháng tư năm 75 là tự động dứt hẳn. Nguyên do đúng rạng sáng ngày ấy Việt Cộng tấn công vào xóm nhà tôi, không biết thế nào mà 1 đầu đạn bay lạc ghim đúng vào lon sữa bột Guigoz của bé – thương hiệu sữa Pháp phổ biến thời ấy-.Thế là bé dứt khoát không bú sữa lẫn uống nữa dù má thuyết phục bé uống bằng ly cho hết số bột sữa còn lại.

Nghe kể mọi người chung quanh nói ba má các chị nay vào tù hết rồi, thôi em nghỉ học đừng đến trường nữa, nhưng em không đồng ý vẫn sáng sáng ôm cặp đến lớp không bỏ buổi nào. May mắn là cả trường biết chuyện nhà tôi nhưng tất cả thầy cô bạn bè đều thương yêu thông cảm, em không bị kỳ thị tị hiềm. Tôi khen sự suy nghĩ chín chắn của em gái 11 tuổi dù gia cảnh lâm vào bước đường cùng cũng theo đuổi việc học hành. Em là một trong các học sinh giỏi của lớp, tiếc thay khi tốt nghiệp trung học em nộp đơn thi vào đại học bị từ chối. Ba tôi ở tù về, thường lập đi lập lại nhiều lần với em :

–Ba xin lỗi con chỉ vì lý lịch của ba mà tương lai con và các chị con tăm tối.

Nghe mà nát tan cõi lòng. Ba ơi, ba đâu có lỗi gì.

Qua lời kể của ông bà ngoại và em út, chúng không bắt ông bà ngoại và em vào tù cũng chưa vội đuổi khỏi nhà ngay vì trưa hôm sau còn phải chứng kiến một màn diễn đớn đau như dao cứa tâm can nữa. Xong rồi mới “nhận ân huệ” dắt díu nhau rời hai tổ ấm mà một căn nhà do mồ hôi công sức của ngoại chắt chiu xây dựng nên, để đóng cho trọn vai trong tấn-bi-kịch-ngoài-đời nầy.

Trưa hôm sau, hơn chục công an tỉnh chở em trai tôi hai tay bị còng sau lưng về lại nhà. Hạ nhục bằng cách bắt ngồi bẹp dưới đất ngoài hàng hiên bên cạnh là cây súng lấy từ bồ lúa để chụp hình quay phim. Hàng xóm hay tin đổ xô lại, một số đứng lố nhố ngoài cổng, số lấp ló bên sân nhà họ ngó sang. Vừa chụp hình quay phim vừa thuyết trình khoe thành tích là mới tóm cổ tên phản động. Bé út kể rằng anh trai nói khát nước, út múc một ca nước mưa mang lại kê vào miệng cho anh uống. Bà ngoại năn nỉ chúng mở còng tay cho em ăn chút cơm. Lúc đầu chúng từ chối, ngoại năn nỉ tiếp. Thấy nhiều người dân chứng kiến nên chúng buộc phải đồng ý, vẫn còng tay nhưng ra đằng trước mặt. Tôi không nghĩ chúng sợ em tôi trốn thoát giữa vòng vây của chúng mà là một cách nhục mạ người mà chúng vu vạ là tội phạm.

Bé út bới tô cơm với ít cá kho đưa cho anh trai. Nhìn cảnh hai tay của em trai bị còng, run rẩy vì đói bưng tô cơm nguội múc từng muỗng đưa lên miệng khó khăn bởi vướng víu chiếc còng sắt. Những người chứng kiến kín đáo đưa tay quệt nước mắt, các phụ nữ lớn tuổi không ngăn được khóc thành tiếng vì cảnh tượng thương tâm.

Sau trò quay phim chụp ảnh, công an tỉnh chở em tôi quay lại trại tù. Thì đến phiên công an quận ra uy, đuổi ông bà ngoại và em út ra khỏi nhà, cho mang ít nồi niêu mùng mền vài bộ quần áo. Nếu không nhờ ngôi nhà hoang của dì Ba bên cạnh thì không biết ngoại và em tôi sẽ lang thang nơi nào.

Nghĩ lại, không biết tôi có thiên thần hộ mạng hay chỉ là sự ngẫu nhiên mà từ lúc miền Nam đổi chủ anh Nhân không hề tới lui thăm viếng cho đến hai năm rưỡi sau – tháng 12-1977 – tự dưng xuất hiện rủ chị Hai tôi đi làm xa. Nếu anh đến trễ thêm vài ngày thì tôi cũng đồng số phận nếm cơm tù Khám Lớn Rạch Giá cùng với gia đình.

Rốt cuộc tôi thay thế chị Hai đi làm xa nên thoát cảnh tù tội trong câu chuyện gây tiếng vang lớn ở cái quận quê nhà, bay xa tới tận hàng tỉnh và cả vài vùng phụ cận, ai nghe thảy đều rúng động, xôn xao truyền tai nhau một thời gian khá lâu.

Cậu em họ con của dì Ba (nhắc ở trên) kể là cậu vào quán uống cà phê thì nghe người ngồi bàn bên cạnh oang oang kể cho cả quán chuyện gia đình tôi, mà không biết cậu là em họ tôi và ở sát cạnh nhà, rằng:

–Nhà đó toàn là con gái trẻ mà không ngờ là những kẻ phản động gan trời, dám  chôn đầy nhóc 1 hầm vũ khí, giết công an rồi giấu quần áo trong nhà ghê gớm thật!

Số là má tôi có lãnh hàng may từ nhiều năm, kiếm thêm chút thu nhập. Má rất khéo tay, may được đủ các kiểu quần áo từ đơn giản cho đến áo dài, âu phục…kể cả chỉnh sửa quân phục mới lãnh quá rộng cho các quân nhân (thỉnh thoảng đơn vị đến xóm tôi đóng tạm thời gian chờ đi hành quân), má tôi tháo ra cắt may lại cho vừa kích cỡ. 

Xóm tôi có một anh gia nhập vào ngành công an, biết má tôi may khéo nên đem đồ cho má sửa. Chưa kịp chỉnh sửa thì tai hoạ ập đến. Sau nầy má kể lại lúc ở tù, họ tịch thu, điều tra về bộ đồ công an kỹ lưỡng.

Thế là từ 1 cây súng biến thành nguyên hầm vũ khí

Một bộ đồ công an biến thành giết chết công an.

Câu chuyện được thêu dệt với tình tiết quả ly kỳ. Thật cay độc miệng lưỡi con người.

Họ còn tưởng tượng em trai tôi sẽ hoặc bị tử hình hoặc bị đày Côn Đảo.

Cho nên tôi không trách móc người thân thuộc họ hàng đều sợ hãi xa lánh, lỡ gặp nhau ngoài đường họ lấy nón lá che mặt lại. Số người dám chào hỏi thăm viếng đếm không hết hai bàn tay.

Tôi không vào tù, ở ngoài trách nhiệm tôi càng nặng, vì phải tìm kế mưu sinh chắt chiu từng đồng mỗi cuối tuần chuẩn bị hai giỏ thức ăn gởi vào Khám Lớn: một cho bên phụ nữ, một cho em trai bị nằm cát sô trong phòng tối. Ngoài ra mỗi tháng mang một giỏ lặn lội theo con đò nhỏ đi U Minh Thượng thăm nuôi ba tôi nữa.

Việc làm thư ký cho nông trường của anh Nhân ở Lình Huỳnh-Kiên Lương chấm dứt. Anh Nhân không dám giữ tôi nữa, mà nếu anh có ý ấy tôi cũng từ chối, bởi quá kinh hoảng chuyện hai ông sếp “vui vẻ” với hai cô Xuân kia rồi. Tuy nhiên tôi phải mang ơn anh đã có lòng tốt tặng tôi một tháng lương để lo thăm nuôi ba má chị em đang ở tù. Ơn nầy tôi luôn ghi nhớ.

Má và các chị em tôi ở tù khoảng ba tháng thì họ tha về, bởi biết chúng tôi vô tội. Hơn nữa thời gian nầy số người vượt biên bị bắt giam đã quá tải không chỗ chứa. Nếu má không về sớm, tôi không biết làm gì để có tiền mua thức ăn thăm nuôi sau khi xài hết tháng lương anh Nhân tặng và bán sợi dây chuyền vàng 18 mỏng manh. Tôi có thử làm bánh ướt, bánh chuối nướng…nhờ người dì út bưng bán quanh xóm, họ thông cảm cho cảnh ngộ nên mua ủng hộ vài lần rồi thôi, hàng ế tôi ngưng luôn chuyện buôn bán.

Em trai tôi bị đưa xuống U Minh Thượng làm khổ sai thêm hai năm, ở khác khu với ba tôi người đã ở lâu hơn, 7 năm.

Tôi luôn tin vào sự phù hộ độ trì của Đấng Thiêng Liêng: Phật, Chúa, Thánh Thần…

Nguyên ông bà ngoại có sở hữu mấy mẫu ruộng, năm ấy chưa bị xung vào Hợp Tác Xã nên chúng tôi không lo đói. Trước đêm công an vào bắt và chiếm nhà thì lúa chín được gặt xong còn chất đống ngoài đồng định hôm sau sẽ đập lấy hột mang vào chứa trong bồ ăn dần. Nhờ vậy số lúa nầy không bị tịch thu, chúng tôi mất hết gia sản nhưng vẫn có gạo để ăn. Một chị hàng xóm tốt bụng cho mượn cái máy may để má tôi nhận hàng về may kiếm chút tiền tiếp tục thăm nuôi ba và em trai.

Sau khi em trai ra tù vài tháng, em cùng nhóm bạn thân hùn nhau mua nhiên liệu thức ăn liều mình vượt biển dù ngay mùa mưa bão tháng 9. Trên đường đi gặp hai lần hải tặc và một lần bão tưởng gởi thân dưới lòng đại dương, nhưng đều vượt thoát. Qua đến đảo Pulau Bidong bị cảnh sát Mã Lai bắt lên bãi biển phát cho mỗi người một cái xẻng tự đào hố cao tới cổ rồi bảo tất cả vào đứng. Em nghĩ thầm: “Chắc chúng định chôn sống tụi mình đây, phen nầy chắc chết”. Thì đúng lúc phái đoàn Canada vừa tới đảo nhận người tị nạn, chứng kiến cảnh ấy họ liền đón nhận hết cả nhóm. Em chỉ ở đảo đúng hai tuần lễ là được chuyển tiếp đi định cư nơi xứ lạnh tình nồng, bỏ lại những lao lung khổ nạn sau lưng, làm lại cuộc đời yên ấm cho đến hôm nay nửa thế kỷ.

Thanh Hà CH
April. 2025