Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những khoảng tối có ma (Kỳ 2)

Buổi tối xem TV, tin thời sự cho biết tòa án Hà Nội vừa tuyên án 66 năm tù cho 6 người đấu tranh dân chủ. Tôi phải uống một viên thuốc ngủ.
Người bạn bên Mỹ đặt hàng tôi viết bài cho một trang web mới của anh ấy về vai trò người trí thức trước thời cuộc. Tôi trả lời, có rất nhiều điều để nói, nhưng tôi thật sự không thể nói gì trong lúc này. Tôi như kẻ hết hơi.
Trên tầng thứ 28, hộp cao Sao Vàng nằm chìm dưới sàn, như thể bị cô bỏ quên. Tôi cầm lên, mở ra và quẹt một chút bôi lên mũi cô. Tôi nói, “Mùi là một bài thơ.”
Cô bảo, “Mùi là cuộc tình.”
“Vấn đề là mùi gì?”
“Mùi gì cũng được, miễn là có mùi.”
“Anh thích mùi nách em.”
“Mùi của anh nồng… ngất.”
Tôi cười, “Tưởng em thích mùi cao Sao Vàng hơn.”
Cô hứ một tiếng. Tôi kéo tay cô ra, hôn nách.
Trong lúc ấy, công việc chỉnh đốn và bảo vệ sự tồn tại của đảng cầm quyền bằng việc chống tham nhũng thu hút dư luận, một cách đặc biệt. Tôi không thuộc loại nghĩ điều ấy là vô ích như những người lập luận rằng, chống tham nhũng chỉ là cách củng cố quyền lực hoặc độc chiếm quyền lợi cho phe nhóm, trong lúc cơ chế tạo ra tham nhũng không thay đổi. Với tôi, bất cứ chuyển biến nào cũng tốt. Nếu bạn ở trong vũng lầy, cựa quậy có thể làm bạn chìm lún sâu hơn, nhưng thà cựa quậy để chết còn hơn là không làm gì.
Cô nói với tôi về thực hành nghệ thuật và chủ nghĩa hiện sinh hôm nay. Tôi đồng ý với cô, cái hiện sinh hôm nay đã rất khác với hiện sinh hôm xưa của thập niên 50-60 thế kỷ trước. Nó có mùi đất, mùi máu. Và những nỗi đau con người như dân oan, tù ngục. Các ông Martin Heidegger, Jean Paul Sartre… một thời là nỗi bận tâm của tôi cũng đã trở nên xa lạ như người cõi trên. Sự xuất hiện của cô trong cuộc đời tôi, với công việc của cô, mang đến cho tôi những mùi vị mới. Hơi thở của rượu, thuốc lá và ý tưởng về sự phù du trở nên khẩn thiết hơn, mặc dù nó mang bộ mặt bất cần. Cô đặt tôi vào đống lửa. Hoặc cháy rụi, hoặc phục sinh. Và tôi nhận ra cái tham vọng “để đời”, hay “vượt thời gian, vượt không gian” trở thành trò hề. Nếu tôi phục sinh, trong hiện thực và chỉ với hiện thực, tôi sẽ là một “hậu hiện sinh” của ý thức mới về sự tồn tại. Phủ nhận sự tồn đọng văn hóa truyền thống, đồng thời từ khước hướng đến bất cứ một viễn tượng tương lai nào. Hậu hiện sinh, vì thế, sẽ trở nên trọn vẹn hơn, thuần khiết hơn khi tôi sống đời sống này, hiện thực một cách phi thời gian. Nghệ thuật của cô đã cho tôi thấy, hạnh phúc trong sáng tạo giống như cái chớp lóe của ánh sáng xuyên qua đêm tối, nó chấp nhận sự phù du của cả một dự án, công trình chỉ để còn lại một ý niệm. Như cái hất đầu ngạo mạn của cô.
Cô hỏi, “Nhưng với em thì sao?”
Tôi nói, “Xóa bỏ quá khứ, đồng nghĩa với tước bỏ tương lai, không ký ức là một trạng thái cận giải thoát hay niết bàn.”
“Với hoàn cảnh của chúng ta, quả thật không còn chọn lựa nào khác.”
Hậu hiện sinh là một cách sống. Và hơn cả một cách sống, hậu hiện sinh là một ý thức của phục sinh. Nó giải phóng con người khỏi mọi gánh nặng của truyền thống và bình an trước tương lai. Một trời mới, đất mới trong tự tại.
Cô dẫn tôi đến một phòng triển lãm. Trên tấm backdrop, tôi thấy chủ đề “Tổ ấm” và một đề từ trích từ Kinh thánh “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ gối đầu.” Tác giả cuộc triển lãm cũng là một cô gái. Đầu cạo trọc, cô mặc một cái áo khoác nâu, ngụy trang tu hành. Mặt cô đẹp, dáng thanh thoát. Cô mời tôi ly rượu vang. Cụng ly với cô, tôi nói chúc mừng. Do đặc trưng của tác phẩm, cuộc triển lãm chỉ diễn ra mỗi ngày ba tiếng. Nó giống như một vở kịch với nhiều sân khấu khác nhau. Các nhân vật đều thật. Và tất cả họ đều ở trong tư thế ngủ, nghỉ. Mỗi sân khấu được bày ra như một cửa hàng trong các buổi chợ phiên. Ở ngay ngưỡng cửa ra vào, bên cạnh tấm backdrop, một bà mẹ ôm con nhỏ, nằm ngủ trên một manh chiếu rách, bên cạnh họ là một bọc đồ, có lẽ là tất cả tài sản của họ. Bước vào trong, tôi nhìn thấy một cô nhân viên văn phòng ngồi ngửa cổ trên ghế xoay, mắt nhắm. Trước mặt cô, màn hình vi tính vẫn đang mở, và tôi nhìn thấy phòng khách của một căn hộ chung cư. Cô nhân viên đang mơ. Trong gian hàng kế tiếp, tôi nhìn thấy một cái giường, ngổn ngang chăn gối, nhưng không có người, khơi mở cho những liên tưởng. Tôi qua gian hàng tiếp theo, đó là cái toilet. Một cô gái đang ngất trong bồn tắm. Trần truồng, không có dấu vết của một vụ bạo dâm hay tra tấn. Cuối cùng, tôi nhìn thấy một cô gái treo lủng lẳng dưới cánh quạt trần đang quay. Dưới chân cô một lá thư tuyệt mệnh, viết chữ to hơn bình thường, đứng cách ba thước, tôi vẫn có thể đọc được “ĐẾN ĐÂY LÀ HẾT”. Tuy nhiên, nhân vật tự treo cổ không phải người thật. Một hình nhân, giả định cho một cái chết.
Cuộc triển lãm dự định kéo dài nửa tháng, nhưng qua ngày thứ ba, buộc phải đóng cửa. Các cơ quan chức năng cho rằng, cuộc triển lãm “có vấn đề”. Các cơ quan chức năng, trong trường hợp này có ít nhất ba cơ quan, một thuộc Sở Văn hóa Thông tin, hai thuộc ban Tuyên giáo, ba là cơ quan an ninh tư tưởng văn hóa thuộc công an. “Có vấn đề” được đưa ra bao gồm vi phạm thuần phong mỹ tục, vì có người khỏa thân. Nội dung truyền tải đầy tính tiêu cực, không phản ánh đúng thực trạng xã hội, bôi nhọ chế độ.
Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc này lại mang đến cho tác giả một vinh quang kép. Người làm nghệ thuật chân chính và nhà phản biện xã hội.
Cô bạn tôi nói, “Em thích cả anh và cô ấy.” Và tiếp, “Em ghen lắm đấy, anh đừng lộn xộn.”
Thật may, tôi không có chút rung cảm nào với cô kia cũng như nghệ thuật của cô ấy. Tôi nói, “Cũng không chắc gì anh có thể nói chuyện được với cổ.”
Tôi háo sắc nhưng không phản xạ tự nhiên với sắc đẹp như một nhu cầu. Dẫu sao, tôi cũng nhìn thấy sự bù trừ giữa cô và cổ. Một cặp đôi hoàn hảo. Nhưng cô nói, “Em không lưỡng tính à nha.”
Tôi không chắc tình yêu có phải là sự bù đắp cho nhau về tính cách, như biểu tượng một xương sườn hay không, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cái khít khìn khịt giữa cô và tôi, như cô và cổ, trong những kiểu cọ và các vấn đề khác nhau.
Tuy thế, tôi vẫn có nhu cầu lao về phía trước, mà tôi không biết chắc chắn là để tìm lại cái đã mất, hay tìm kiếm cái chưa có. Điều này, có vẻ như mâu thuẫn với một cảm thức hậu hiện sinh mà tôi đang muốn thụ hưởng. Phải chăng, trong thực tế, hậu hiện sinh chỉ có thể là khoảnh khắc, như một triển lãm sắp đặt? Cô nói, “Em có một ký ức, và em muốn trình bày như một hiện tại với sự tương tác của khán giả. Nghệ thuật cộng đồng.”
Cô kể, “Tối qua em đi ăn với mẹ. Mẹ muốn em lấy chồng.”
Tôi cười, “Anh nghĩ đến các thủ tục hôn nhân, cưới hỏi và cảm thấy điều ấy dường như không thể xảy ra với em.”
Cô nói, “Vâng, em thấy sao sao á. Nó không thuộc về em. Một thế giới đã mất hút.”
Đề tài nhạy cảm, tôi sợ cô sẽ khóc. Cô nhớ tới thuở ấu thơ, người cha say rượu mỗi đêm thay cho sự nhạt nhẽo của cuộc đời, người mẹ nồng nàn nhưng tuyệt vọng, và cô – một con mèo đói nằm buồn thiu dưới chân cầu thang gỗ của căn nhà bề ngang hai mét. Trong lúc tôi im lặng để lẩn tránh một tai họa mà tôi không mường tượng được sẽ như thế nào, có thể làm đổ vỡ mối quan hệ của chúng tôi, bất chợt cô thay đổi giọng điệu, “Em dậy thì bằng Lolita của Nabokov và Bắt trẻ đồng xanh của Salinger, có thể đó là nguồn cơn đã dẫn em đến với anh.”
Cô đốt một điếu thuốc. Nhưng điều ấy không thể ngăn cản tôi hôn cô.
Sáng. Trưa. Chiều. Tối.
Một phần tôi chìm đắm. Một phần tôi quay lại nhìn ngắm tôi. Tôi không lớn lên bằng sách vở. Tôi lớn lên trong tủi nhục của nghèo khó. Mẹ tôi tự tử chết vì tuyệt vọng, bà muốn dành phần thuốc men để anh em tôi có cái gì bỏ vào bụng. Cuộc đời tôi bị đánh cắp bởi những kẻ lừa đảo về sự cao cả. Giữa những mảnh vỡ sắc nhọn của cuộc sống, tôi cần cô để được an ủi và lấp đầy cơn đói khát yêu thương.
Cô hỏi, “Anh có yêu em không?”
Tôi biết đó là câu hỏi mà cô gái nào khi yêu cũng muốn hỏi, nhưng đó lại là câu hỏi tôi không muốn trả lời nhất, bởi vì câu trả lời có hay không, bao giờ cũng là một câu trả lời dở. Thay vì trả lời, tôi tiếp tục hôn cô. Cô lại hỏi, “Tại sao anh yêu em?”
Đến lúc này, tôi không lảng tránh được nữa, tôi nói, “Vì anh không thể không yêu em.”
Cô hỏi tiếp, “Anh có yêu em nhiều không?”
Tôi nói, “Anh yêu em hết linh hồn, hết trí khôn, hết tinh khí.”
Khi xuất hết tinh khí, đầu óc tôi mụ đi, tôi không còn biết mình đang ở đâu. Thế giới tôi không bến bờ. Tôi vô định ngay trên giường tình nhân.
Trong một quán cà phê, cô hỏi, “Anh nhạy cảm về điều gì nhất?”
Tôi nói, “Nhìn thấy người khác buồn khổ.”
“Cụ thể như thế nào?”
“Anh không chịu đựng nổi khi nhìn một ai đó khóc.”
Cô bảo, “Đa số đàn ông đều vậy.”
Có những điều thuộc về mẫu số chung, nhưng nếu có một biệt lệ như tôi sẽ bị cứng đơ khi nhìn thấy con ếch chết, điều ấy cũng không ngăn cản tôi thích ăn thịt ếch. Tôi tin rằng, khi nhìn một người khác khóc, cảm xúc của tôi sẽ không giống bất cứ một ai. Tôi không chỉ thương cảm vì người đang khóc, mà tôi còn xót xa cho tôi, cho người mẹ đã nhịn ăn mà chết để cho anh em tôi sống. Tôi không bao giờ quên dòng nước mắt trên má mẹ tôi những ngày cuối cùng.
Tôi yêu cô như yêu mẹ.
Sáng. Trưa. Chiều. Tối. Tôi vẫn vô định khi đi đứng.
Cô nói, “Em biết anh không thích Trung Quốc, nhưng em nhớ Bắc Kinh quá. Em nhớ sủi cảo.”
Tôi cười, “Anh ghét bọn Tàu thật, nhưng anh rất thích gà quay Bắc Kinh, tuy rằng chỉ được ăn ở Đà Lạt thôi.”
Tôi kể cho cô nghe, tôi chưa từng đi Trung Quốc, ngoại trừ việc đi chui qua biên giới vào Hà Khẩu để biết khu chị em ta người Việt làm đĩ ở đó. Với Trung Quốc, tôi chỉ thấy nỗi đau, xuyên suốt lịch sử. Nhưng tôi lại đặc biệt cảm hoài với những điển tích văn chương Trung Quốc về biên ải. Nó đã thấm vào tôi thành ký ức, khi đến bất cứ một vùng biên giới nào trên đất nước mình, tôi cũng rơi vào một cảm thức mang mang, lãng mạn của kẻ lưu đày. Tịnh Biên, Mộc Bài, Ngã ba Đông Dương, Lào Cai… Những nỗi niềm quan tái rất Trung Hoa cổ điển. Đất trời mông lung, phi địa lý, nhưng lại nhắc nhớ một chia biệt. Tôi cũng luôn luôn nhận ra sự khác thường kỳ lạ tại khu vực biên cương. Một trời khác, đất khác ở hai bên đường biên, mặc dù thổ nhưỡng hay khí hậu cũng chỉ là một. Tôi không biết đó là cảm thức về chủ quyền lãnh thổ, hay cái sinh thái dân tộc, hoặc đơn giản chỉ là một tập nhiễm văn chương, văn hóa.
Cô nói, “Đấy là một non-space. Nhưng vẫn là một thực thể. Khi em đứng trên núi, nhìn bên kia là Trung Quốc đại lục, bên này là Hongkong, em cũng thấy thế, phong cảnh đẹp lồng lộng cùng một lúc với cảm thức về biên cương, rất hoang mang. Cho dù đó không phải là biên cương của quê hương mình.”
Tôi nói, “Anh nghĩ tinh thần quốc gia sẽ đến một lúc trở thành lỗi thời.”
“Với nhiều người thì tinh thần quốc gia đã thực sự lỗi thời. Bởi tinh thần quốc gia chỉ là một chiêu bài dễ kiếm ăn nhất cho bọn buôn máu người.” Cô nói.
Tôi bảo ừ, rồi không muốn nói gì thêm nữa. Nỗi chán chường xâm chiếm tôi.
Tôi nhìn thấy phía trước, 15 năm sau.
Trong một nhà hàng Ý. Bất chợt một cô gái khá đẹp gọi “Anh” trong lúc tôi đang len qua các dãy bàn đến chỗ toilet. Tôi nhìn thấy cô ngồi uống rượu với những người nước ngoài, nhưng không biết là ai.
Cô đứng lên, tiến về phía tôi, nắm bàn tay tôi, “Anh còn nhớ em không?”
Tôi nhìn cô cười, lắc đầu.
Cô nói, “Lâu quá rồi. Tuy không gặp anh trực tiếp, nhưng em vẫn biết tin anh, thật đấy. Vì em không muốn quên anh.”
Tôi hơi chột dạ, “Em là ai?”
Cô nhìn thẳng vào tôi, “Em bây giờ lớn rồi, anh không nhận ra cũng phải. Mà thôi, anh quên em cũng không sao. Anh vui khỏe là em mừng.”
Tôi bối rối, “Em có lầm với ai không?”
Cô cười buồn, “Sao lầm được. Em nhắc lại nhé, em vẫn theo anh từng bước. Thậm chí, cứu anh nhiều lần.”
Tôi lắc đầu. Nhưng chấp nhận những điều không hiểu được.
Cô nói tiếp, “Gặp anh ở đây em thấy vui. Khi nào tiện, anh ghé qua gallery của em chơi.”
Cô móc trong ví ra cái danh thiếp. Tôi thấy tên cô, “Lý Hoàng Hoa”.
Tôi không quen ai tên Lý Hoàng Hoa. Nhưng cô nói để kết thúc: “Anh Vịnh đi nhé.”
Cô không lầm.
Về hướng nhìn ngược, 16 năm trước.
Cô bé bán vé số kể với tôi, “Có một ông kia, ổng bảo em thôi đừng đi bán vé số nữa, về nhà ổng sống, ổng nuôi cho đi học.”
Tôi nhìn lại khuôn mặt em. Xinh và ngời sáng. Cô bé dậy thì rồi. Tôi nói: “Nếu là nhà ổng đang sống thì được, còn nếu là một chỗ ở khác thì đừng.”
Cô bé hỏi, “Làm sao biết được?”
Tôi nói, “Dễ mà, em bảo ông ấy đưa về nhà ổng cho biết xem có sống được không.”
Cô bé cười, “Ổng bảo mình chảnh thì sao?”
Tôi cũng cười, “Đúng là hơi bị chảnh thật, nhưng em bảo ông ấy em sợ người nhà của ổng, nên cần biết họ ra sao.”
Cô bé thưa, “Dạ.”
Tôi bặt tin cô bé bán vé số từ đó.
Hiện tại tôi, một bãi lầy.
“XIN GIỚI THIỆU, ĐÂY LÀ Mr. THỜI VỤ.”
Tôi bắt tay hắn, khách sáo nói “Hân hạnh” khi bàn tay hắn đã đưa về phía tôi.
Hắn vồn vã, “Tôi đã nghe nhiều về anh, bữa nay mới có dịp gặp.”
Thật ra, cái dịp này do chính hắn chủ động nhờ một người bạn vẫn cà phê với tôi làm cầu nối. Tôi không có nhu cầu kết bạn với những thằng bá vơ. Nhưng tôi vẫn nói cám ơn.
Tôi ngồi thêm chút cho đủ lịch sự rồi chào mọi người, về.
Một hôm, tôi bất chợt thấy hắn không phải thằng bá vơ. Mr. Thời Vụ xuất hiện trên truyền hình kênh quốc gia. Với bộ đồ lớn, hắn ngồi chung với một ông lớn, trong một dịp lễ lớn, để bàn về một vấn đề lớn. Truyền thống anh hùng bất khuất của nhân dân ta. Tôi nhớ ra rồi, hắn là nhà báo kiêm nhà văn Thời Vũ. Hỗn danh “Mr. Thời Vụ” được giang hồ đặt cho, sau một thời gian dài tả xung hữu đột tham chiến trên mọi mặt trận báo chí và văn nghệ trong tất cả mọi lãnh vực từ chính trị xã hội, đến văn hóa thể thao, với vai trò không chỉ là thiên lôi của đảng, mà đôi khi còn phản biện, theo định hướng. “Nơi nào cần, thanh niên có. Nơi nào khó, có thanh niên”, theo đúng tinh thần của đoàn viên Thanh niên Cộng sản, nhằm tạo ra hình ảnh một nhà báo có lương tâm, trách nhiệm. Đồng thời, cũng là một “dư luận viên” cao cấp.
Một cách công bằng, nội dung cuộc trao đổi của hắn hoàn toàn mẫu mực. Tất cả đều đúng đường lối, thậm chí, giống sao chép một bài xã luận của báo Nhân Dân. Đấy cũng là cách ghi điểm thành tích cá nhân, khi câu chuyện được kết thúc bằng một tụng ca dưới sự lãnh đạo của đảng, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.”
Tôi được mời nhậu sau đó không lâu, như một tình cờ, khi tôi ngồi với mấy người bạn. Mr. Thời Vụ vui tính, hài hước. Hắn bảo, đây là chầu nhậu thứ mười ba, báo công lên sóng. Tuy nhiên, chầu linh đình, tốn kém nhất, theo hắn kể, phải là với trưởng ban khoa giáo và đạo diễn đài truyền hình.
Một người hỏi “Tiền cát-xê thế nào?”
Mr. Thời Vụ chửi “Làm đéo gì tới tay.”
Người bạn nói tiếp “Nhưng ông vẫn lời lớn, phải không?”
Hắn im bặt, kêu mọi người nâng ly.
Cô tiếp viên tiếp bia vào ly cho mọi người. Tiện tay, Mr. Thời Vụ xoa mông cô gái, “Tôi hỏi mấy ông, hôm nay chúng ta được ăn nhậu sung sướng vầy có phải là nhờ ơn Bác và Đảng không?”
Nói xong hắn cười he he. Không biết hắn đểu hay thật. Trước khi bỏ về, tôi nói, “Uống cái đi, tôi về chết đây.”
Sau vụ lên truyền hình, Mr. Thời Vụ được nhiều nơi mời nói chuyện, kể cả các đại học. Danh tiếng như cồn, lại có tiền.
Tôi cũng không hiểu vì “động cơ” nào, hắn thích rủ tôi cà phê, nhậu nhẹt. Và bao giờ hắn cũng đòi quyền được trả tiền. Hắn bảo, “Anh cứ rủ thêm bạn bè anh đến cho vui.”
Phải thú thật rằng, đi với hắn cũng đỡ buồn. Hắn biết pha trò, kể chuyện tiếu lâm có duyên, biết gợi chuyện, thay đổi đề tài và không bao giờ để thời gian chết giữa cuộc vui.
Mỗi dịp lễ lạc, Mr. Thời Vụ đều có bài viết phục vụ nhu cầu tuyên truyền cho sự kiện, không đợi lệnh Ban Tuyên giáo. Nhờ thế, uy tín của hắn, không phải với chính quyền hay với nhân dân, mà chính xác là cho các công việc làm ăn của hắn càng ngày càng tăng lên. Hắn kiếm được nhiều tiền nhờ biết tâng bốc, cũng như đâm bị thóc, chọc bị gạo.
Tác phẩm của hắn, phần lớn gom góp từ các bài báo, được in và phát hành rộng rãi từ các tiệm bán sách đến các văn phòng công ty, nông trường, nhà máy… Giám đốc kiểu gì cũng phải mua sách ủng hộ hắn để phát cho nhân viên.
Một ngày đẹp trời, hắn trở thành Tổng biên tập của một tờ báo ngành, không oai nhưng giàu.
Một ngày đẹp trời khác, hắn trở thành chủ tịch Hội Nhà văn thành phố.
Nhưng quan trọng hơn, hắn trở thành người tổ chức thành công mọi cuộc vui chơi, từ địa phương xa xôi đến trung ương nóng bỏng.
Chơi, có nhiều kiểu chơi. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, sao lại có người chịu chơi, chịu chi không cần tính toán như hắn, đến vậy? Có lần, hắn dẫn tôi vào một quán ăn trong Chợ Lớn. Tuy là hàng quán, nhưng nó lại có một bầu khí rất riêng tư, không chỉ bởi từng phòng riêng biệt, mà chính cách phục vụ của nó cho tôi cảm giác mình là khách mời đặc biệt của họ. Thức ăn ngon và cảm nhận của tôi là rất bổ, tuy vị thanh. Ăn xong, chúng tôi được dẫn qua một phòng khác, kín đáo hơn. Hắn nói, “Ông cứ thoải mái nhé, thích gì cứ yêu cầu.” Tôi được tắm rửa, massage và tùy nghi chọn lựa từ một đến hai cô gái trẻ đẹp phục vụ không giới hạn.
Sau này, tôi biết tất cả mọi chi phí vui chơi của hắn đều do người khác thanh toán. Hắn chỉ việc báo miệng, không cần chứng từ, hóa đơn.
Hắn vung vít mọi chuyện, dường như không phải bận tâm điều gì, nhưng tôi vẫn nhận thấy cái vòng kim cô trên đầu hắn, đấy không hẳn là của ông chủ chi tiền cho hắn, mà sâu thẳm hơn, căn tính nô lệ của hắn trong sự bộc lộ quan điểm một cách chính thống, giáo điều. Anh có thể làm tất cả mọi điều, ngoại trừ những gì trái ngược với sự trung thành. Đấy là nguyên tắc của sự tồn tại mà anh phải chấp nhận, nếu anh muốn có đặc quyền, đặc lợi, dẫu vong thân hay phi nhân tính, hoặc điều gì đó tệ hơn.
Tôi cũng nghĩ về tôi. Tôi có thật sự tự do không? Chắc chắn không. Trong cơ chế của một đất nước có nền “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, con người bị khống chế kép bởi hai vòng kim cô.
Một, kinh tế thị trường: Chúng ta sẽ không bao giờ thoát được sự bủa vây của các nhà sản xuất. Họ săn đuổi chúng ta mọi lúc mọi nơi bằng mọi phương tiện. Thậm chí họ còn có khả năng điều chỉnh thị hiếu của chúng ta, thậm chí cách sống của chúng ta. Sự săn đuổi này không có hồi kết khi chúng ta còn nhu cầu về hàng tiêu dùng.
Hai, định hướng xã hội chủ nghĩa: Mọi cá thể đều bị úp sọt. Bạn từ chối chui vào sọt? Không một ai tự do cả khi bạn tưởng mình chỉ làm theo ý mình, kể cả bạn đang là người phản biện xã hội hay một nhà tranh đấu cho dân chủ. Bạn không phải một công dân với tất cả quyền hạn của một con người, mà bạn là một đối tượng, thuộc về một nhóm đối tượng nào đó được phân chia. Tất nhiên cũng có một ít cá nhân được “chiếu cố” một cách đặc biệt, nhưng dù thế, họ vẫn được xếp vào một nhóm đối tượng. Nhà nước có đối sách với từng nhóm trong phạm vi của một cái sọt, có những giới hạn nhất định, những cấm kỵ nhất định. Vượt qua những giới hạn ấy, bạn sẽ bị loại trừ.
Cô nói với tôi, “Em mới bị công an mời làm việc.”
Tôi hỏi, “Vụ gì?”
Cô bảo, “Về không gian nghệ thuật của bọn em.”
Tôi nói, “Chắc là họ không muốn cho bọn em hoạt động nữa thôi.”
“Dạ, bọn em không xin phép. Và sẽ không bao giờ xin phép. Đấy là một nguyên tắc mang tính nghệ thuật.”
Tôi lại nghĩ về cái sọt. Chúng ta có thể nhìn thấy mọi điều thông qua những khoảng trống của cái sọt, như qua song sắt nhà tù, nhưng chúng ta không thể bước ra khỏi nó. Nhiều người an ủi, dẫu sao chúng ta cũng đã bước qua giai đoạn của bức tường sắt, mù lòa.
Trong một lần nhậu, Mr. Thời Vụ khoe với tôi, hắn vừa cho đăng một bài viết mới trên báo của hắn và hỏi tôi đọc chưa? Tôi nói chưa.
Hắn nói, “Đấy là một sáng kiến vô tiền khoáng hậu để phát triển đất nước.”
Tôi bảo chúc mừng ông, cho qua chuyện. Tôi không quan tâm đến những phát kiến hay kiến nghị xây dựng này nọ, bởi vì tôi thấy mọi thứ nhảm nhí, ảo tưởng. Nhưng hắn nói tiếp, “Cách nhanh nhất, đơn giản và hiệu quả nhất để đưa đất nước tiến lên ngang bằng thế giới, theo tôi, là nên tìm kiếm hài cốt các vua Hùng và qui tập về một nơi có thế đất khác, vượng khí hơn. Đó cũng là cách giải bùa yểm của người Tàu với nước ta.”
Tôi cười khoái trá. Tưởng chỉ là chuyện phiếm trên báo câu độc giả, nhưng chỉ một tuần sau, Mr. Thời Vụ đã hí hửng khoe tiếp, hắn được cấp trên lệnh cho lập dự án. Tôi cũng chả có cách nào hơn, lại phải chúc mừng.
Hắn bảo, “Dự án này xong, ông muốn đi Thái Lan hay Mã Lai gì đó, tôi mời. Gái bên đó có nhiều chiêu lạ.”
Một hội đồng khoa học được thành lập, qui tụ các nhà sử học, khảo cổ và hai nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Bích Tiên, Trần Nhân Tiên… để tìm kiếm các di chỉ về thời Hùng Vương do đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa làm chủ nhiệm dự án. Mr. Thời Vụ làm phó chủ nhiệm kiêm thủ quỹ.
Trong ngày ra mắt hội đồng tại Hà Nội, ngài Bộ trưởng phát biểu, “Đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, có tính cách đi trước đón đầu, không những có giá trị lịch sử mà còn nhằm đưa đất nước bước sang một thời kỳ mới, mang tính đột phá. Chúng ta sẽ chứng minh với thế giới bốn ngàn năm lịch sử của Việt Nam không phải là huyền thoại. Một lịch sử độc nhất vô nhị của nhân loại với các vị vua sống hàng thế kỷ. Việc tìm kiếm hài cốt và cải táng này, chúng ta sẽ mang lại một hùng khí mới cho dân tộc, nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Đồng thời, đưa đất nước tiến lên theo chiều thẳng đứng, thịnh vượng và tự cường thông qua những khả năng tâm linh chỉ có thể tìm thấy ở người Việt.”
Quả thật, hồng phúc.
Tôi hỏi Thời Vụ, “Ông nghĩ là có thể tìm thấy hài cốt các vua Hùng thật à?”
Hắn cười lớn, “Vấn đề không phải là có thể tìm thấy hài cốt các vua Hùng hay không. Mặt khác, ông cũng cần biết là tôi đâu có ngu để tin rằng có thể tìm thấy hài cốt mấy ông vua ảo ấy.”
Tôi gật đầu, hỏi “Vậy thực chất vấn đề là gì, ngoài chuyện giải ngân?”
Hắn nghiêm túc, “Chúng tôi chuẩn bị cơ sở cho một lý thuyết mới về vấn đề chủng tộc, đồng thời tạo một cảm hứng mới cho sự tăng tốc phát triển bằng sự kết nối giữa anh linh dân tộc với con người hiện đại thông qua một giải pháp chính trị tâm linh gọi là tiềm năng của vô thức. Rồi đây, ông sẽ thấy bộ máy tuyên truyền của chúng ta triển khai nó như thế nào.”
Tôi trố mắt nhìn hắn. Mr. Thời Vụ hùng hồn tiếp, “Đó là kỷ nguyên của 5.0. Hay nói khác đi, kỷ nguyên của tâm linh.”
Trên báo chí, những câu chuyện về đi tìm hài cốt liệt sĩ của hai nhà ngoại cảm Phan Bích Tiên và Trần Nhân Tiên được kể lại, sống động và thần kỳ. Họ có khả năng hướng dẫn từ xa qua điện thoại di động cho thân nhân các liệt sĩ đã bị chôn vùi đâu đó trong chiến tranh, trên tất cả mọi địa hình, sông, núi và rừng rậm, một cách chi tiết. Đi về phía trước, lùi về phía sau, rẽ trái hoặc phải mấy mét, thấy cái cây hay cái gò gì đó hay không. Hoặc hãy đốt một cây nhang, nhìn khói bay hướng nào… Họ định vị một cách xác quyết như thể họ đã chứng kiến từng trường hợp. Cho dù người ta có tìm thấy xương cốt hoặc một vật gì đó hay không, tất cả vẫn được xác nhận đó là nơi mà thân nhân họ đã nằm xuống.
Những nhà ngoại cảm tuyên bố, họ có khả năng kết nối với cõi âm và điều khiển được các hồn ma phục vụ cho công việc của họ.
Một chiến dịch rộng lớn được triển khai, không nhằm xóa bỏ chủ nghĩa duy vật, nhưng đã được những người chủ trương đưa lên tầm quốc sách, cổ vũ cho sự mê tín thông qua các lễ hội dân gian và những tín phiếu của lòng tin từ các đình chùa. Cùng lúc, họ đạt được hai mục đích: duy trì sự mê muội, an dân trong tâm thế định mệnh và bảo vệ vững chắc sự lãnh đạo lươn lẹo của họ.
Ở gallery của Lý Hoàng Hoa, tôi gặp Thời Vụ trong tư cách của người cắt băng khai mạc cuộc triển lãm đồ họa tranh cổ động thời kỳ trước 1954.
Tôi nói với Thời Vụ, không giấu sự thán phục sự quỉ quái của hắn và đồng bọn, “Mấy ông giỏi.” Hắn chỉ cười khà khà.
Tôi nghĩ đến tính nhân dân, tính đảng và tính tôi trong một câu chuyện khác.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi
Bờm cười.
TÔI LÀ BỜM, CON CỦA NHÂN DÂN.
Bố tôi là bố của những cu tí, cu tèo… Mẹ tôi là mẹ đĩ của con cò, con vạc… Không một người Kinh nào lại không biết tôi, nhưng tôi tin rằng tất cả những gì người ta đã biết về tôi chỉ toàn thêu dệt, kể cả chuyện Phú ông và cái quạt mo.
Người ta bảo “nhân dân” là thằng đểu cáng. Tôi không chắc mình có đểu cáng di căn như bố mẹ tôi không, vì thật ra người bố đích thật của tôi chính là Phú ông kia. Điều bí mật này của đời tôi chỉ có chị Dậu biết, mà chị Dậu vì đi theo cách mạng vô sản nên đã giấu kín lý lịch bất minh của mình. Chị Dậu bị Phú ông hiếp ngay sau lần đầu tiên chị cho Phú ông uống sữa từ bầu vú cho thuê của mình. Và tôi đã là đứa con hoang của địa chủ và nô lệ. Khi đến lượt tôi hiếp chị Dậu trong đêm đi xem văn công diễn ở sân đình, mừng ngày cách mạng thành công, tôi mới biết tôi cũng là kẻ bất minh. Tôi không bao giờ quên tiếng nói thì thào tuyệt vọng của chị Dậu, “Con hiếp mẹ rồi”.
Trước khi biết bố Phú ông, tôi vẫn được coi là con của bố “nhân dân”. Di sản bố nhân dân để lại cho tôi chỉ có một cái quạt mo cau. Nhờ ăn ở có đức, khi đến tuổi phải mặc quần, tôi đã may mắn tìm được cái quần rách của Chử Đồng Tử giấu dưới chân bệ tượng vua Hùng và tôi đã mặc nó cho đến lúc chết. Xét cho cùng, tôi vẫn là thằng vô sản. Cái quạt mo của tôi, cho đến tận giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao Phú ông lại thích nó đến thế. Hắn là một thằng cha keo bẩn, khốn nạn muốn đùa rỡn sự nghèo khó của tôi, hoặc hắn muốn dùng cái quạt mo của tôi để chứng minh phẩm chất giai cấp cách mạng, hay đơn giản hắn chỉ là nhà sưu tập đồ cổ, biết giá trị truyền thống của cái quạt? Dù thế nào, tôi vẫn quí cái quạt mo như một phần thân thể, hay cuộc đời tôi và không bao giờ đánh đổi nó với bất cứ cái gì.
Tôi nhớ có lần, một gã ất ơ nào đó bảo cái quạt mo của mày chính là vật tổ linh thiêng của đám cùng đinh trên xứ này.
Khi cách mạng tháng 8 nổ ra, tôi vẫn chỉ là một giai thoại, trôi nổi trong cuộc đời như một câu chuyện tiếu lâm. Nhưng kỳ lạ thay, ngay sau khi ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi bỗng nhiên trở thành một đứa bé làm giao liên cho chị Dậu. Gan dạ và láu cá. Nếu người ta coi ông Ngô Tất Tố như bố chị Dậu, thì ông cũng không liên can đến việc này. Vì thế, khi bọn Tây thực dân tái chiếm thủ đô Hà Nội, ông Ngô Tất Tố đã không bị Phòng Nhì Pháp truy cứu tội danh bôi nhọ công cuộc khai hóa của mẫu quốc.
Hôm ấy, ông Trần Dần cho biết “mưa sa trên ngọn cờ đỏ”. Tôi không quan tâm đến chuyện mưa nắng, nhưng tôi nhìn thấy chị Dậu rạng rỡ niềm tin tất thắng giữa một đám đông hoang mang hai bên hè phố. Phần tôi, tôi hoan hỉ với cái quạt mo phe phẩy dưới chân sân khấu, như tên tiểu đồng trong đám múa lân. Đứng nhìn mọi người, tôi không còn phân biệt được giữa tôi và đám đông, cái nào là thực, cái nào là ảo. Tôi chính là cuộc đời đang diễn ra kia. Hôm nay và mãi mãi.
Tôi được sinh ra theo cách của đám đông. Mê tín và tăm tối. Tôi không như một câu chuyện triết học hay một ví dụ cho giai cấp vô sản. Nhưng dù thế nào, giờ đây tôi đã là Thằng Bờm Đỏ.
Trong vườn cau. Chị Dậu đang vén váy đái vào cái lu sành đặt dưới gốc cây. Không nhìn chị Dậu, tôi hỏi trống không “Tối nay, ngoài đình có gì không?”
“Có. Sẽ có cán bộ về nói chuyện đấy.” Chị Dậu bảo.
“Vậy thôi. Em ở nhà.” Tôi nói.
Vẫn còn dạng háng trên cái miệng lu, chị Dậu ngạc nhiên “Ấy, sao lại ở nhà? Đi mà học tập với người ta chứ.”
Tôi cần gì học. Cán bộ nói những chuyện chẳng liên quan đến tôi. Tôi là Thằng Bờm, ba bò chín trâu, tôi còn chẳng màng, cách mạng cũng chỉ hứa hẹn, hơn gì Phú ông.
Tuy nhiên, tôi đã là Thằng Bờm Đỏ, “Chị có đi không?”
“Đi chứ.” Chị Dậu đáp.
Tôi không muốn xa rời chị, nên nói “Em sẽ đi với chị.”
Đình. Thổ thần là một thằng ăn cắp. Rêu phong và sự cổ kính của nó là một khuôn mẫu. Trong đình cũng là một lũ ăn cắp. Chúng được phong tước và thờ kính. Từ ngày cách mạng nổi lên, thổ thần phải đi trốn. Bọn tiên chỉ cũng lấm lét và khúm núm hèn hạ khi thấy thằng mõ làng, cán bộ thông tin cơ đấy.
Đêm nay chị Dậu rất oai. Chị đeo một khẩu súng lục bên hông. Bọn đàn ông nhìn chị tuy sợ nhưng vẫn thủ dâm trong háng.
Người cán bộ đứng giữa sân đình nói với đám đông háo hức chung quanh:
“Nào, chúng ta bắt đầu. Tôi hát rồi các đồng chí hát theo. Ai không hát là phản động:
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn. Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi. Quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Toàn nô lệ vùng đứng lên đi. Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa, bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.
Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai. “L’In – ter – na – ti – o – na – le sẽ là xã hội tương lai.
Đấu tranh này là trận cuối cùng, kết đoàn lại để ngày mai. L’In – ter – na – ti – on – le sẽ là xã hội tương lai.”
Mọi người cùng hát. Tiếng hát không mang con người đến những giấc mơ, nhưng tiếng hát làm con người phấn khích hành động.
Tôi cũng sợ bị coi là phản động nên hát rất to.
Chị Dậu đứng sau lưng đồng chí văn công, chị vừa hát vừa nhìn chăm chăm đồng chí ấy, tay chị thỉnh thoảng đặt lên báng súng. Tôi không biết chị nghĩ gì, nhưng tôi cảm thấy khó chịu. Tôi vừa hát vừa nhìn theo chị Dậu, tôi không biết mình có phản động không khi mong ước có ngày được ôm chị.
Đêm. Chị Dậu chạy trốn khỏi nhà Quan cụ. Trời tối mù, chị chạy như nhắm mắt. Chị chạy cho tới lúc vấp chân vào Thằng Bờm.
Thằng Bờm không phải một kẻ lạ. Nhưng Thằng Bờm cũng không phải người quen của chị, cho dù chị vẫn ru con bằng bài ca dao Thằng Bờm. Bất chợt, chị Dậu ngã lên người nó, giữa đường. Trên người Thằng Bờm chỉ có một cái quần đùi lỏng lẻo, sờn bạc của Chử Đồng Tử để lại trần gian.
Hình ảnh Quan cụ lên cơn cuồng dâm hiếp chị còn cay trong mắt. Chị định quay đi chạy tiếp, nhưng Thằng Bờm đã đứng dậy cùng với con cu đâm thẳng trong quần, lồ lộ.
Tôi tò mò nhìn người phụ nữ quần áo tơi tả, rồi chợt nhận ra “Chị Dậu!?”
Chị vẫn chưa hoàn hồn, hỏi “Thằng Bờm phải không?”
“Em đây. Chị đi đâu sớm vậy?”
“… À…”
Quả thực, chị Dậu cũng không biết mình đi đâu.
Chị nói, “Chị muốn đi trốn. Hãy giúp chị.”
Ngạc nhiên, tôi hỏi “Sao lại đi trốn? Trốn ai?”
Chị không giải thích, chỉ lầm bầm “Bọn khốn nạn…”
Tôi thầm đoán, “bọn khốn nạn” chỉ có thể là Phú ông, Quan cụ.
Tôi nói, “Chị theo em.”
Dẫn chị xuống bờ sông, ở đó đang neo đậu một ghe chài, tôi đích thân chèo ghe đưa chị qua bên kia sông.
Cuộc đời cách mạng của chị bắt đầu ngay sau đêm bỏ chạy khỏi nhà Quan cụ.
Tôi chưa bao giờ hỏi chị điều gì đã xảy ra đêm ấy. Chỉ mãi đến sau này, khi đi học và đọc tóm tắt truyện “Tắt đèn” của ông Ngô Tất Tố, tôi mới biết chị cho thuê vú ở nhà Quan cụ. Tôi không chắc chị có từng bị Quan cụ hiếp không, nhưng sự có mặt của tôi trên đời, chỉ có thể là đứa con hoang của họ.
Chị Dậu được bố trí công tác sau khi “tổ chức” đã cho sưu tra lý lịch kỹ lưỡng. Ban ngày, chị nấu cơm quét dọn trụ sở cơ quan. Nhờ biết đọc biết viết, buổi tối chị tham gia phong trào xóa mù chữ, cũng ngay tại cơ quan.
Chị dạy theo cách cho học viên nhận mặt chữ và đánh vần các khẩu hiệu trên các bích chương tuyên truyền.


Công việc hiệu quả đến nỗi chỉ sau ba tháng, phương pháp dạy học của chị đã được các nơi học tập làm theo.
Những khi rảnh, chị Dậu chăm chỉ đọc các nghị quyết và các tài liệu liên quan do các đồng chí trong chi bộ cho mượn. Đó là ánh sáng, đường đi của đời chị. Chị giao phó đời chị cho Đảng. Chị nhắm mắt khi chạy khỏi nhà Quan cụ, giờ đây chị cũng nhắm mắt tin tưởng tuyệt đối vào Đảng. Vinh quang của chị là được Đảng tín nhiệm giao nhiệm vụ.
Thằng Bờm Đỏ không muốn xóa mù chữ, “Đời tao đã có Đảng lo, cần đéo gì nữa.”
Chị Dậu cảm thấy bị xúc phạm khi Thằng Bờm Đỏ coi thường công việc cao quí của chị.
Chị bảo nó, “Em không sợ bọn Phú ông lừa em à?”
Thằng Bờm Đỏ hỏi lại, “Em có gì để nó lừa?”
Chị Dậu nói, “Em không nhớ vụ nó muốn lấy cái quạt mo của em khi xưa?”
Thằng Bờm Đỏ cười, “Dào… Em không lừa chúng nó thì thôi, sao nó lừa được em.”
Chị Dậu bảo, “Em tưởng thế thôi. Bọn chúng quỉ quyệt lắm.”
Thằng Bờm nói, “Mất cái quạt mo này, mình lại làm cái quạt mo khác. Chỉ có bọn thừa tiền mới vớ vẩn sưu tầm với sưu tập những cái vô giá trị như thế thôi.”
Chị Dậu, “Không phải thế. Bọn khốn đó bóc lột trên sự nghèo khó của nhân dân.”
Thằng Bờm Đỏ của nhân dân cười, “Bà chị giờ nói giống cán bộ nhỉ.”
Chị Dậu nghiêm mặt, “Không đùa đâu.”
Thằng Bờm Đỏ vẫn cười, “Chị đáng yêu quá…”
Chị Dậu mắng “Nỡm. Không được nói bậy.”
Thằng Bờm Đỏ cãi “Em đâu nói bậy.”
Nhưng chị Dậu đã bỏ đi. Nó nhìn theo dáng chị. Bâng khuâng.
Bất ngờ, một tối chị Dậu thấy Thằng Bờm Đỏ ngồi trong lớp học của chị.
Chị đến bên nó hỏi “Có bút vở chưa?”
Nó lắc đầu.
Chị bảo, “Cứ ngồi đó nghe cũng được.”
Thật ra, nó nghe thì ít mà nhìn chị thì nhiều.
Hôm sau, chị Dậu mang cho nó một cây bút chì và một cuốn vở. Chị cầm tay Thằng Bờm Đỏ tập cho nó viết. Đấy là những lúc nó thích nhất. Thằng Bờm Đỏ ngửi thấy mùi chị, nồng sữa.
Sau một tháng, Thằng Bờm Đỏ cho cô giáo Dậu xem vở của nó. Nguyên một trang, chị Dậu chỉ thấy có một dòng chữ: “Chị Dậu ơi em yêu chị lắm.” Bên dưới vẽ cái quạt mo.
Chị lập tức xé ngay trang vở ấy bỏ vào túi.
Sau giờ học, chị nói riêng với nó, “Lần sau còn làm thế, chị sẽ mang em ra kiểm điểm đấy.”
Tuy nói thế, nhưng chị Dậu không khỏi hoang mang. Chồng chị, con chị đã thuộc về một thế giới khác, ở bên kia chiến tuyến. Để có thể trở thành một cán bộ nòng cốt của cách mạng, chị khai báo họ đã chết.
(còn tiếp)
Nguyễn Viện
* Tiểu thuyết của Nguyễn Viện: Những khoảng tối có ma (Kỳ 1)