Tiểu thuyết Dương Như Nguyện: Con gái sông Hương, phần 3
DƯỚI BÓNG NGỌC LAN
Phần Ba
Trích từ tiểu thuyết trường thiên “Con Gái Cuả Sông Hương,” tác giả Dương Như Nguyện, dịch giả Tiến Sĩ Ngữ Học Linh Chân Brown.
*** (Huế, Xứ Bảo Hộ An Nam, Đông Dương, 1949)
Người đàn bà đẹp đầu tiên mà tôi được gặp chính là mẹ tôi. Dân làng Quỳnh Anh gọi người là Công Chúa Quế. Những người bán tơ lụa gọi người là Mệ Quế. Còn tôi gọi người là Mạ.
Những người bán tơ lụa và dân làng đến giao hàng và giúp Mạ sửa soạn bàn thờ cúng tổ tiên nói da mặt Mạ trắng hồng như cánh sen. Họ bảo mái tóc huyền của bà óng ả hơn gỗ sơn mài, và thân hình bà mảnh mai như liễu, lả lướt trong gió mà vẫn không gẫy. Họ kể rằng khi Mạ còn nhỏ, có lần Mạ nằm ngủ dưới gốc cây mộc lan, mái tóc huyền xõa xung quanh mặt, tỏa ra mùi hương quế, thứ hương mà bà rất yêu thích. Một con rắn theo mùi hương quế bò len vào suối tóc. Khi nhìn thấy dung nhan Mạ, con rắn bị thôi miên, ngừng sững lại như đã được chiêm ngưỡng một vị nữ chúa. Khi Mạ tỉnh dậy lắc lư mái tóc, thì con rắn lẳng lặng bò đi. Cả con vật hung dữ nhất cũng phải sững sờ trước sắc đẹp của Mạ, người ta nói thế.
Tôi là đứa con gái xấu xí của một hoa khôi. Những người bán tơ lụa và dân làng bảo tôi kháu khỉnh, xinh xắn, nhưng chẳng ai so sánh dung diện của tôi với cánh sen, liễu mềm và gỗ sơn mài. Mũi tẹt quá, môi đầy quá, da trắng nhợt xanh xao quá. Chỉ có đôi mắt là giống Mạ, mà lái buôn và dân làng gọi là đôi hạt nhãn trên mặt nước ao thu.
Trong nhà tôi toàn là đàn bà, không có một người đàn ông nào cả. Mạ có bao nhiêu là người làm, tất cả đều do Vú Mai cai quản. Họ bao quanh Mạ, như một thành lũy, cung phụng cho tất cả các nhu cầu của Mạ, và làm như là bảo vệ bà. Nhưng, sau lưng Mạ, đám người làm vốn hay ngôi lê đôi mách, kể cho tôi những mẩu chuyện bâng quơ. Tỷ dụ như có lần họ đã bác bỏ chuyện các lái buôn đã tâng bốc sắc đẹp của Mạ. Ngay cả Vú Mai cũng đồng ý với họ là Mạ chưa đẹp bằng chính bà Huyền Phi. Hoặc chưa bằng cả Dì Sâm, người em sinh đôi của Mạ.
Mạ kể rằng Huyền Phi qua đời lúc nhan sắc bà vừa đến tuyệt đỉnh, khi bà ngủ một giấc thật say và đã không bao giờ tỉnh lại nữa. Linh hồn bà bay lìa khỏi xác, và có đàn chim sơn ca bay hộ tống. Khi Huyền Phi qua đời thì Mạ mới hai mươi lăm. Còn Dì Sâm thì đã đi biệt khỏi nhà, bận bịu với cuộc chiến đấu trong rừng rú Việt Bắc mà không về dự đám tang của mẹ. Cũng như Bà Triệu thuở xưa khi đánh giặc Ngô. Dì Sâm mặc hoàng bào, chỉ gươm lên trời, và cưỡi voi. Cô bé nào lớn lên ở Việt Nam (ngay cả những đứa đi học tiểu học trường Tây như tôi) đều biết truyền thuyết về Bà Triệu, người đã quyết cưỡi sóng đạp gió để cứu giúp cho dân khỏi bị đắm chìm trong cảnh nô lệ. Kẻ thù luôn luôn lùng bắt Dì Sâm, nên tôi phải thật kín miệng. Tôi không bao giờ được nhắc tới Dì Sâm cho bất cứ ai, trừ những người trong gia đình mà thôi.
Một hôm Vú Mai bảo tôi: “Không hiểu vì răng mà Mạ cô lại kể những chuyện tào lao như rứa? Bà ngoại cô chết cháy trong thời loạn, và dì cô bị Tây bắt tù vì đã làm mật thám cho Hồ Chí Minh. Thời ni có ai cưỡi voi nữa mô?”
Khi tôi nhắc lời Vú Mai cho Mạ nghe, Mạ kêu Vú Mai tới và tát vào mặt Vú.
“Răng Vú lại phản trắc như rứa?” Mạ nghiến răng.
Vú Mai bật khóc và xin lỗi rối rít. Nhìn thấy vết bầm đỏ trên má Vú Mai, Mạ quỳ xuống và xin lỗi Vú, tạ lỗi với người đã nuôi nấng cả Mạ và tôi. Nhìn Mạ quỳ trên sàn, Vú Mai sững sờ, vội vàng bảo tôi là tôi phải quên đi những lời vớ vẩn của Vú, và Vú xin lỗi đã làm tôi băn khoăn, khẳng định lại dì tôi quả là một nữ chiến sĩ cưỡi voi như Bà Triệu. Tôi nhìn hai người lớn, vừa ngạc nhiên vừa lấy làm thích thú. Ngay lúc đó, tôi tự nhiên nhận ra rằng không những Mạ có sắc đẹp mà người còn có một tài đóng kịch xuất chúng.
Mặc dù trong nhà có rất nhiều đầy tớ, có những việc Mạ nhất định tự làm lấy. Chẳng hạn như chăm nom bàn thờ.
Trong phòng bầy bàn thờ là nơi ba tôi, thể hiện bằng bức ảnh đen trắng, ngự trị, cùng với ông tôi, Hồng Lộ Tự Khanh kiêm chiêm tinh gia triều Nguyễn, và Đô Đốc Nguyễn Tùng, bố nuôi của Mạ. Họ sống qua một dãy ảnh đen trắng lồng khung gỗ hồng chạm trổ mà Mạ lau chùi bóng loáng bằng nước chanh.
Tất cả các bức ảnh và tranh lụa đều được trưng bày phía dưới ảnh ông ngoại tôi, Vua Thuận Thành xứ An Nam, chụp khi ngài lên ngôi. Sau này tôi khám phá ra rằng chính tấm hình này đã đi vào những cuốn sách sử. Ông ngoại tôi đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, một vị vua chống Pháp bị lưu đày, được bao nhiêu thế hệ những nhân tài ái quốc trọng vọng. Nhưng trong căn phòng thờ cúng đầy hương khói đó, vị vua là ông ngoại của tôi đó trông chẳng lớn tuổi hơn tôi bao nhiêu. Trông ông không đẹp trai mà cũng chẳng thông minh chút nào, chỉ là một cậu bé ăn mặc cầu kỳ. Nhưng dù sao ông cũng là một người có thật. Trong khi đó người vợ quá cố của ông, Huyền Phi, lại chỉ là một bức tranh lụa. Không có tấm hình nào của bà ở đâu cả. Trong tranh, trông bà huyền ảo, và tôi không thể tưởng tượng được khuôn mặt thật của bà ra sao.
Một thời gian khá lâu sau, tôi lên 16 và sửa soạn theo học trường nội trú Pháp trên Cao Nguyên. Đây là một cuộc dàn xếp phức tạp và tốn kém mà Mạ tôi đã phải phí nhiều công sức mới cáng đáng nổi, bởi vì không phải người con gái nào cũng có thể xin được vào đó học. Trước khi đi, tôi hỏi Mạ là bà có thương yêu ba tôi không. Bà nhìn tôi như thể câu hỏi của tôi hoàn toàn không phải phép, như thể là tư tưởng đó không bao giờ được thổ lộ.
Tôi không nhớ rõ lần đầu tiên Mạ đưa tôi tới trước bàn thờ là vào thời gian nào và Mạ đã tập cho tôi nhìn nhận biết mặt biết tên tất cả những nhân vật đã chết đó, kể cả ba tôi nữa. Khi đám trẻ tôi thường cùng chơi đùa hỏi là ba tôi ở đâu thì tôi tự động trả lời là ông đang ở trên bàn thờ. Mạ thường thắp hương hằng ngày và đặt cúng rất nhiều hoa quả tươi. Hương linh người chết chỉ hưởng thụ hoa quả một cách tượng trưng mà thôi, nên tôi được ăn tất cả những trái còn tươi mỗi lần Mạ thay khay trái cây mới.
Trên bàn thờ, Mạ đặc biệt chú trọng đến ba thứ. Người lau chùi và đánh bóng bằng dầu quế thơm, rồi phủ nhiễu điều lên trên. Tôi thường ngắm bà kính cẩn nâng niu những vật đó. Thỉnh thoảng bà cho tôi sờ nhẹ vào. Thật nhẹ mà thôi. Một con phượng hoàng bằng ngọc thạch sáng ngời dưới ánh nến, và hai thẻ bài bằng ngà voi chạm chữ Tàu sơn son, ghi chú về dòng dõi vương giả quan liêu của Mạ. Ngọc thạch, và ngà voi dùng làm thẻ bài chắc phải cổ xưa đến cả ngàn năm rồi, Mạ bảo. Càng cổ xưa chúng càng đẹp thêm. Con phượng hoàng, tặng vật của Vua Thuận Thành cho Huyền Phi, chứng nhận rằng bà ngoại tôi là vị Hoàng Hậu không vương miện của đất An-Nam. Hai thẻ bài ngà được coi như thẻ căn cước, do hai ông tôi giữ, kỷ niệm công lao sự nghiệp và lòng trung thành với Triều Nguyễn suốt cả cuộc đời của họ.
Khi tôi sờ vào những kỷ vật đó, hơi lạnh của ngọc và ngà làm tôi ớn tới xương sống. Muốn với tới những bảo vật đó, tôi thường phải đứng lên chiếc đi-văng sơn mài có khảm xà cừ kê chễm chệ trước bàn thờ.
Trên bàn thờ là hai khung ảnh gỗ hồng còn để trống. Mạ để dành hai khung đó cho Dì Sâm và Cậu Lâm. Người cũng đánh bóng hai khung ảnh còn trống đó như là bà đã đánh bóng các tấm ảnh của những người đàn ông đã chết. Bà nói em gái và em trai của bà đã đi khỏi nhà. Một ngày nào đó họ sẽ trở về, hoặc sẽ biến thành những vong linh nối gót tổ tiên trên bàn thờ.
“Tại sao mấy người lại bỏ đi?”. Tôi hỏi.
Mạ kéo tôi vào lòng và thì thầm kể chuyện. Một hôm có một chiếc máy bay bay lượn lờ trên làng Quỳnh Anh, và một cô gái làng, bạn của Dì Sâm, khi đó đã lấy ra một chiếc gương nhỏ mà cô luôn đem theo trong túi áo. Lính Pháp tưởng là cô định dùng gương để ra hiệu cho kháng chiến chống Pháp bắn rơi máy bay. Thế là lính Pháp bắn chết cô gái làng. Dì Sâm chứng kiến rõ ràng. Dì tức điên lên. Rồi dì bỏ nhà ra đi để bảo đảm là không bao giờ có cô gái thơ ngây nào bị bắn nữa.
Cậu Lâm thì khác, cậu bỏ nhà ra đi vì một lý do hoàn toàn khác. Cậu lớn lên không chỉ có mẹ là Huyền Phi nuôi nấng, mà còn nhờ bố nuôi, Đô đốc Nguyễn Tùng, nữa. Khi Cậu mới tám tuổi thì Đô Đốc qua đời. Nhiều năm sau, sau một trận lũ lụt dữ dội tàn phá làng Quỳnh Anh, gia đình phải rời hài cốt của Đô Đốc tới một nghĩa trang khác. Hài cốt Đô Đốc được bốc lên và cậu bé Lâm được phép ôm đầu lâu của bố nuôi. Lúc đó có một cái gì thiêng liêng len vào tâm linh cậu, và cậu quyết định ngay khi ấy. Cậu viết giấy từ biệt để lại cho bà ngoại và Mạ, nói rằng cậu sẽ đi theo Dì Sâm về miền bắc. Cậu còn muốn qua Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm về việc kỹ nghệ hóa. Cả cha ruột và bố nuôi của cậu chắc đều muốn như vậy, cậu viết.
Đó là vào năm 1925. Cậu Lâm vừa mới 15 tuổi.
“Trông họ ra sao?” Tôi hỏi Mạ.
“Giống như Bà Triệu và nhà ái quốc Thái Học.”
Tưởng tượng ra Bà Triệu như thế nào thì thật dễ cho cô bé bởi vì ngay cả những cô người làm mù chữ cũng biết nói chuyện về người phụ nữ mặc áo giáp vàng. Nhưng đối với nhà ái quốc Thái Học thì không phải là dễ.
“Ông ấy có giống Napoléon không?” Đã có lần tôi hỏi.
“Không, không, không,” Mạ la lên. “Giống thế nào được! Napoléon là người Pháp!”.
Tôi cảm thấy thất vọng. Napoléon là người chiến thắng, nhà ái quốc, người vĩ đại nhất trần gian mà.
Trong đầu Mạ nảy ngay ra một ý định sau khi nghe tôi hỏi bà hôm đó. Bà bỗng nhiên đem tôi ra khỏi trường tiểu học Công giáo Pháp và ghi danh cho tôi vào trường Nữ học Đồng Khánh. Tôi phải thi nhập học trước, và tôi nhớ mang máng là tôi làm bài thi dở lắm. Mấy cô người làm trong nhà thì thào rằng con gái bà chủ giàu nhất xứ Huế thì muốn vào đâu mà chẳng được! Trên bực thềm trường Nữ học Đồng Khánh xây bằng gạch đỏ, một nhóm học sinh vào học trước tôi đã cho tôi coi tờ truyền đơn có in hình Nguyễn Thái Học, nhà ái quốc. Đó là lần đầu tiên tôi có một khái niệm về Cậu Lâm. Hình trên tờ truyền đơn là một người đàn ông tóc ngắn, mặt vuông chữ điền, có ria mép tỉa ngắn gọn và lông mày rậm, nét mặt nghiêm nghị. Không giống Napoléon chút nào, nhưng cũng có một cái gì rất lôi cuốn.
Tụi học sinh kể rằng nhà Ái Quốc Nguyễn Thái Học đã cầm đầu một cuộc cách mạng và bỏ mình vì nước vào năm 26 tuổi dưới lưỡi dao ghi-lô-tin của Pháp trước khi tôi ra đời. Trước khi chết ông có nói một câu gì đó, hàm ý là “Nếu một người đàn ông không đạt được thành công, thì ít nhất cũng sẽ trở thành con người huyền thoại”. (“Không thành công thì cũng thành nhân”). Nhà Ái Quốc Nguyễn Thái Học chết, cho nên ông đã trở thành một huyền thoại. Là huyền thoại có nghĩa là chết. Chết là điều xảy ra cho người nào dẫn đầu một cuộc cách mạng mà không thành công. Người thành công thì còn được sống.
Cái bằng trung học tại trường Nữ học Đồng Khánh ít ra cũng đã giúp tôi hiểu lý do Mạ để trống hai khung ảnh. Dì Sâm và Cậu Lâm bỏ nhà ra đi để trở thành những huyền thoại. Họ có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Rồi thì họ sẽ đi theo những linh hồn đã tạo nên nguồn gốc, gia đình của tôi. Trong khi đó thì tôi vẫn phải giữ kín một sự bí mật khác nữa. Tôi không được đả động tới Cậu Lâm cho bất cứ ai, chỉ trừ những người trong nhà mà thôi. Tôi không muốn Cậu Lâm cũng phải lên dao ghi-lô-tin như Nguyễn Thái Học, nhà ái quốc. Tôi quyết sẽ không hở môi.
Lớn lên với Mạ trong ngôi nhà hương hỏa của bà trên sườn đồi Nam Giao cũng có nghĩa là làm quen với cây mộc lan trong khu vườn trước nhà. Chính Mạ là người đã vun xới cho cây mọc cao vút, cành lá xum xuê la đà trên mái nhà, cánh hoa rơi rụng đầy sân trước. Cây mộc lan nghiễm nhiên đã trở thành mốc đo thời điểm của những ký ức khi tôi còn ở với Mạ.
Mạ nói hoa mộc lan trắng làm Mạ nhớ tới dì Sâm. Khi còn bé, dì Sâm thường ngắt hoa đem áp vào má dì. Dì nghiêng đầu và giả đò là đang chụp hình như một minh tinh màn ảnh Tây phương. Cánh hoa trắng ngần làm nổi màu da non mịn. Rồi dì lại đặt bông hoa áp vào má Huyền Phi để so sánh. Hai mạ con lại cười nắc nẻ, rồi Sâm lại ném bông hoa sang Mạ, bảo Mạ cũng làm như dì. Nhưng Mạ thường không chịu làm theo, để làm cho dì tức. Mạ gọi dì là người ném hoa. Mạ nói có khi người ném hoa liếm những giọt sương mới đọng trên những cánh hoa trắng.
“Ngọt quá,” dì vừa liếm môi vừa nói.
Dì nói khi dì lớn lên, dì sẽ lấy chồng, đẻ con gái, đặt tên là Sương. Không phải là thứ Sương tầm thường đâu, mà là loại Sương hạng nhất. Mỵ Sương. Sương đẹp. Đó là nguồn gốc cái tên của tôi.
Dĩ nhiên, khi đã trưởng thành, Sâm không có thì giờ để sanh đẻ vì còn mải mặc áo giáp vàng, đi guốc gỗ như vị anh thư Jeanne d’Arc. Dì tôi chỉ gươm lên trời và cưỡi con voi khổng lồ đi trong rừng rú miền Việt Bắc.
Tôi mang ơn người dì vắng mặt của tôi vì đã đặt cho tôi cái tên đẹp quá, và chuyện dì cưỡi voi cũng làm tôi mê mẩn. Nhưng tôi chẳng hiểu được tại sao dì lại đi ném những bông hoa mộc lan trắng như người ta ném những trái banh ten-nít. Chắc dì có tính hơi ác độc nên mới xử sự hung bạo với những đóa hoa kia.
Những bông hoa to sụ nằm nhẹ trên bàn tay, những cánh hoa trắng ngà, bày gọn trong tô súp đủ lớn để cho năm người ăn. Mạ thường đặt cái tô kiểng trong mờ hai màu xanh trắng ngoài hiên để hứng nước mưa. Mỗi ngày bà lại ngắt một bông hoa tươi, lấy kéo cắt cọng sần sùi đi, rồi thả hoa trong tô nước và đem đặt lên bàn thờ gỗ hồng. Hương thơm phảng phất khắp gian phòng, quyện vào màn ren và vào các đồ gỗ sậm màu bóng loáng vì nước chanh.
Mãi sau này, tôi yêu và lấy một sinh viên triết trường đại học Sorbonne có nom de guerre là L’Espoir, tiếng Pháp có nghĩa là “Hy Vọng”. Khi chàng mua từ Paris cho tôi lọ nước hoa Christian Dior đầu tiên, tôi ngồi sững người cho đến khi chợt nghĩ ra là mùi nước hoa đã nhắc nhở lại hương mộc lan trong gian phòng bày bàn thờ của Mạ.
Tôi cũng đã tưởng tượng hoa sẽ biến thành khuôn mặt một người đàn bà, màu da trắng mịn màng như màu mộc lan, lông mày vẽ xếch lên như hai vết mực đen, như đã được gìn giữ trong tranh lụa ở phòng thờ. Người đàn bà trong tranh là biểu tượng bà ngoại tôi, Huyền Phi của Tử Cấm Thành, tựa là Thành Phố Tím, bà chúa trong gia đình tôi, một gia đình chỉ toàn là đàn bà, không còn một người đàn ông nào sống sót. Đã nhiều thế hệ, Mạ bảo, đàn bà con gái trong gia đình tôi ràng buộc với nhau cũng là qua người đàn bà vắng mặt chỉ hiện hữu trong bức tranh lụa mà thôi, người đàn bà đã biến thành linh hồn của dòng Hương Giang.
Tôi tưởng tượng rằng người đàn bà ấy sẽ biến thành một luồng khí mảnh dẻ bay lượn nhẹ nhàng từ tranh lụa sang chiếc tô sứ, rồi trở thành đóa mộc lan nổi bập bềnh trên vũng nước mưa có hương vị như giọt sương buổi sớm đọng trên cửa kính sau bức màn ren. Rồi như một làn khói, nàng sẽ uốn mình trườn ra khỏi tô sứ, làn tóc mây tỏa bồng bềnh phía sau. Cũng như Mạ, nàng mặc áo lụa trắng, thứ lụa mềm mịn sang trọng như những cánh hoa trắng phủ đầy sân trước.
Trong phòng thờ tối, tôi tưởng tượng bà ngoại sẽ bay lướt qua không gian, đôi chân không đi hài lơ lửng không đụng tới sàn đá hoa. Có khi cả ba người ông của tôi cũng sống dậy, bước ra khỏi khung ảnh đen trắng của họ. Ông vua nhỏ sẽ giật tay áo tôi, thúc giục tôi phải vái người. Hai ông già, ông nội và ông ngoại nuôi, đến gần tôi đặt bàn tay khô héo của họ lên trán tôi, bàn tay có móng dài cong quết qua thái dương tôi khiến tôi có cảm giác như đụng vào một cây que bằng tre khô.
Thế rồi tôi ngất xỉu.
Dĩ nhiên là Mạ chẳng biết gì về những cơn mộng tưởng của tôi. Bà sẽ cho tôi là đứa vô phép.
Sự sợ hãi và hồi hộp pha trộn với nhau làm tôi vừa thích thú vừa kinh sợ phòng thờ. Phần nhiều để tránh vào phòng thờ, tôi chơi đùa suốt ngày trong sân trước, say sưa với hương thơm ngạt ngào của những bông hoa trơn tựa như sáp. Hoa của tôi chứ không phải là những trái banh ten-nít của Dì Sâm.
Nhưng chẳng bao lâu, tôi khám phá ra rằng cũng như Dì Sâm, tôi cũng có nòi ác độc của riêng tôi.
Khi những cánh hoa trắng rơi rụng trên mặt đất ẩm, tôi nhặt chúng lên cho vào lẵng tre. Tôi có một cái xẻng nhỏ, và vào một buổi sáng, tôi cố trồng những cánh hoa kia vào luống hoa hình bán nguyệt dọc theo cửa sổ ngay dưới phòng ngủ của tôi.
Tôi muốn trồng cây mộc lan cho riêng tôi.
Khi đang hý hoáy trồng hoa, tôi không dè có lũ trùng khốn khổ tròi lên. Nhìn thấy chúng, tôi vứt xẻng đi và ù té chạy vào nhà. Những con vật nâu đỏ hình chiếc đũa, nhầy nhụa trông phát khiếp. Chúng có thể bò len qua kẽ tay. Tôi đã dùng xẻng cắt chúng làm đôi, mỗi nửa thân hình còn ngọ nguậy như cố bám lấy sự sống.
Tôi đã nhìn thấy những con trùng nửa sống nửa chết. Chụm hai bàn tay đầy đất bám, tôi nhìn trân trân vào lòng bàn tay mình. Một giọt nước mắt rớt xuống giữa hai bàn tay chúm lại với nhau. Tôi nhìn thấy rõ một vũng ao nhỏ trong lòng bàn tay, và vẫn còn hình dung được bóng hình của những sinh vật màu nâu đỏ cựa quậy trong tuyệt vọng. Ngay cả khi chết, chúng vẫn còn động đậy.
Tôi khóc vào vũng ao trong bàn tay vì tôi biết tôi đã giết chúng.
Vậy mà tôi vẫn cứ tiếp tục cố gắng trồng cái cây của tôi. Tôi đã bị ám ảnh với ý định đó mặc dù tôi biết là lúc trồng cái cây mơ ước của tôi, tôi đã sát sinh, và sẽ tiếp tục sát sinh.
Trong hai lần duy nhất tôi gặp Dì Sâm, tôi không có cơ hội hỏi người ném hoa mộc lan là tại sao dì đã làm như vậy. Điều gì đã thúc đẩy mà dì phải ngắt từng cánh hoa, cũng như vì lý do gì mà tôi đã phải đâm giết những con giun đất để thực hiện giấc mộng của mình?
***
Tôi gặp Dì Sâm lần đầu tiên vào một đêm mùa thu, nhưng bên ngoài trời đầy sương mù. Đó là vào ngày gần dịp Tết Trung Thu. Đáng lẽ đêm ấy phải là đêm trong sáng tròn trăng.
Ban ngày tôi đã ăn nhiều bánh rán và đến giữa đêm lạnh, tôi chợt tỉnh giấc hé nhìn giải trăng mùa thu qua cửa sổ. Tôi đang mãi lắng nghe bụng mình sôi sục, chỉ chú tâm đến vùng rốn của mình.
Trong đêm tĩnh mịch, tôi nhận ra cửa sổ phòng ngủ mở toang. Sương mù tràn vào phòng làm cho tôi thấy khó chịu. Tôi trở mình nằm sấp xuống và giấu mặt vào gối. Qua kẽ mắt, tôi ngước lên khung cửa sổ.
Mạ đang đứng bên ngoài cửa sổ tay xách đèn lồng, chăm chú nhìn tôi. Mạ đứng lặng thinh, bộ điệu khác thường và ăn mặc thật lạ lùng. Bà mặc quần áo bà ba bằng vải, và đầu đội chiếc mũ thợ săn xấu xí mầu xanh lá cây. Cặp mắt đăm đăm nhìn tôi, như một người xa lạ. Tóc bà rẽ ngôi và kết hai bím thả hai bên, khuôn mặt lộ ra dưới vành mũ. Ánh đèn lồng lập lòe trong tay người. Tôi nhận thấy người không đeo vòng ngọc có chạm vàng, chiếc vòng đã được một sư cụ trên chùa ban phúc lành bằng nước cành dương.
Có cái gì không ổn. Mạ luôn luôn đeo vòng ngọc, ngay cả khi nằm ngủ. Tia nhìn sao mà chói chang ám ảnh lạ lùng làm tôi phải quay đi không dám nhìn. Tôi nhắm mắt lại.
Một sự kinh hoàng chợt ôm choàng lấy tôi.
Người đứng ngoài khung cửa sổ không phải là Mạ. Đó là một người lạ tôi chưa hề gặp. Người lạ có khuôn mặt như hệt Mạ.
Tôi ngất đi chắc phải vài phút. Khi tôi hoàn hồn, thì lại thấy lạnh gáy vì kinh hãi. Tôi mở mắt ra thì chỉ thấy khung cửa trống rỗng. Người đàn bà đã biến đi đâu mất.
Tôi nghe thấy có tiếng nói lao xao từ phía phòng thờ, liến thoắng và gay gắt. Tôi lắng tai, nghe ngóng. Mạ đang nói chuyện với một người đàn bà khác.
“Bà ta đã phản bội tất cả chúng ta”, người lạ mặt nói.
“Đừng nói vậy về chính người mẹ của mình”, Giọng Mạ khẩn khoản. Tôi có cảm giác là lạ khi nghe tiếng Mạ đứt quãng, yếu ớt.
“Chị và cuộc đời tư sản của chị! Hãy nghĩ tới những nỗi khổ của đất nước!”
“Nhưng tôi là máu mủ của cô!”
Tôi bò ra khỏi giường và đi ra ngoài phòng ngủ. Tiếng nói mỗi lúc một rõ hơn. Tôi lại gần phòng thờ, đẩy nhẹ cánh cửa đã hé mở sẵn và nhìn trộm vào bên trong. Phòng thờ sáng quá. Bao nhiêu đèn đều được bật sáng, tất cả các đèn lồng và nến đều được thắp lên.
Trong phòng thờ có hai Mạ. Nhưng không, chỉ có một người là Mạ mà thôi. Mạ của tôi mặc quần áo lụa, mái tóc dài của người để xõa một bên, vòng ngọc chạm vàng đeo trên cổ tay, chân người đi dép nhung. Người đàn bà kia, giống Mạ như đúc, hoàn toàn biểu hiện cho những gì tôi không muốn là Mạ của tôi. Nếu Mạ là cây liễu thì người ấy là cọng tre. Trong bộ quần áo bà ba đen và chân đi dép cao-su, bà trông và hành động như một người nhà quê xấu tính, dáng dấp dữ dằn, đáng sợ quá. Và bà ta đang la lối Mạ tôi.
“Hãy mở mắt nhìn thực tế, bà mẹ khả kính của chị đã ngủ với kẻ thù để được giàu sang và yên thân… Người ta chết hàng ngày mà sao chị vẫn được ấm no! Vì sao?”
Mạ úp mặt vào hai tay.
“Có điều trớ trêu là điều gì, chị có biết không?”, khuôn đúc của Mạ tiếp tục.
“Chính Foucault là người đã giúp tôi được thả. Không có hắn thì người ta đã xử tử tôi rồi, cùng lúc với Nguyễn Thị Minh Khai, người đàn bà Việt Nam đầu tiên nhập Đảng tại Mạc Tư Khoa!”
Tôi đẩy cửa phòng bước vào.
“Không được la lối với Mạ tôi, đồ con quỷ, làm cho tôi sợ chết khiếp ở cửa sổ lúc nãy!”. Tôi hét vào mặt người đàn bà.
Hai bản cóp-pi của Mạ quay lại nhìn tôi cùng một lúc, cả hai trông ngượng ngạo như bị bắt quả tang đang ăn cắp vật gì.
Tôi òa lên khóc. Hai bản cóp-pi đứng đó nhìn tôi chăm chăm.
“Sương, chào dì Sâm của con đi,” Mạ dịu dàng bảo, trong khi người luồn những ngón tay thon dài vào mái tóc rối xù của tôi.
Tôi nhìn người đàn bà, cái người gọi là Dì Sâm. Không có áo giáp vàng. Không có hài gỗ. Không có gươm chỉ thiên. Chỉ là một bản cóp pi của Mạ, nhưng đen đúa hơn, thô thiển hơn, trong bộ quần áo bà ba bằng vải, và đội một cái mũ xấu xí.
“Sương, lại đây với dì”, người đàn bà dang tay chờ, cặp mắt dịu lại và giọng nói nhẹ nhàng mơn trớn.
“Không.”
“Đừng có cáu kỉnh Sương. Dì con mới về được vài phút. Dì chỉ ở lại mấy phút thôi. Dì đang đi kháng chiến để mang lại đời sống yên lành cho tất cả mọi người, con nhớ chưa, như Bà Triệu đó mà,” Mạ nói liều.
Người dì không được tôi chào đón tiến lại gần tôi. Tôi ngửi thấy mùi nông dân từ người dì, như mùi đất bụi và nước mưa, như chim rừng và gà trống. Tôi quay người đi, nhưng dì bắt kịp tôi.
Tôi gượng gạo chống lại khi dì ôm chặt tôi vào lòng, nhưng rồi tôi đành chịu để cho vòng tay mạnh mẽ nhưng ấm áp và dịu dàng ôm lấy mình.
“Rứa áo giáp của dì mô?”
Dì Sâm cười khúch khích.
“Áo giáp của dì ở chỗ ni nì,” dì vừa nói vừa chỉ tay vào lồng ngực.
Tôi nhìn mặt dì và nhận ra là khi nhìn gần, dì quả thật giống Mạ như đúc. Cũng khuôn mặt ấy, chỉ khác là da dì rắn rỏi và sậm màu hơn, giữa màu hổ phách và bánh mật.
“Dì cho con thứ ni để thay thế cho áo giáp vàng”, dì vừa nói vừa móc túi áo lấy ra một viên sỏi. “Dì tìm được viên sỏi ni ở một dòng suối gần biên giới nước Tàu. Dì giữ cho mi đó.”
Tôi ngắm nghía viên sỏi nhỏ, tựa như một hạt đậu phọng thật lớn. Viên sỏi đẹp thật, nhẵn nhụi và óng ánh sắc màu.
“Nhìn kỹ xem. Nó lóng lánh như vàng, con thấy không?” dì nói.
Tôi nhìn lại thì thấy quả là như vậy. Viên sỏi óng ánh những tia vàng. Có lẽ dì nói đúng. Có lẽ trong viên sỏi có áo giáp vàng của Bà Triệu. Có lẽ đây là một viên sỏi mầu nhiệm.
“Dì thương mi quá. Dì phải đi trước khi trời sáng.”
Rồi dì buông tôi ra.
Đó là lần tôi gặp người dì duy nhất của tôi. Dì Sâm đến và đi như một bóng ma, một giấc mộng, như làn gió thoảng, giữa đêm khuya và rạng đông, trong sương khói mịt mù. Tôi không biết là tôi thương dì hay ghét dì. Nhưng điều chắc chắn là dì đã làm cho Mạ phải nằn nì. Tuy nhiên tôi biết là lũ đầy tớ đã nói đúng. Dì Sâm đẹp thật, ngay cả khi dì mặc bộ quần áo vải thô đen, hôi hám, và đội chiếc mũ tức cười. Làn da ngăm ngăm màu hổ-phách-bánh-mật bóng bẩy như màu ánh đèn lồng dì cầm trong tay trước khi dì từ giã chúng tôi. Nhưng dì không thể nào đẹp bằng Mạ được. Dì chẳng bao giờ có dáng lả lướt như cành liễu. Mạ bảo trong cuộc hành trình muôn dặm của dì, dì có đi đâu chăng nữa thì rồi số phận dì cũng như các bà tiên, bà chúa của nước Việt.
Tôi giữ viên sỏi Dì Sâm cho trong một cái túi xa-tanh trước dùng để đựng chuỗi ngọc trai của Mạ, và từ bữa đó, tôi nhìn Dì Sâm với một con mắt khác xưa. Dì không còn là người cưỡi voi mà là một khách độc hành, đốn tre cắt củi phá đường mà đi, qua những ao lầy, trong gió lốc oi ả, qua những dòng suối ngoằn ngoèo đầy ếch vàng và cá hồi màu bạc. Đó là nơi dì nhặt những viên sỏi vàng cho tôi. Áo giáp của Bà Triệu vỡ vụn ra trăm mảnh, chìm sâu dưới nước và biến thành những viên đá nhẵn nhụi. Người nữ chiến sĩ với hai giải tóc bím, mặc quần áo đen, nhẩy từ chòm cây này sang cây khác như hổ báo, và lặn lội đầm sâu như loài cá sấu.
Ở một bình diện nào đó, tôi ước là Dì Sâm không khi nào trở lại lần thứ hai để tôi được tiếp tục nghĩ tới dì như một con hổ cái đen tuyền. Số mệnh của dì thuộc về số mệnh của những bà tiên bà chúa của Việt Nam.
***
Nhưng dì lại trở về một lần nữa. Và cũng là lần cuối cùng.
Ngày tháng trôi qua, và cuối cùng thì tôi cũng trở thành một cô thiếu nữ, ăn mừng sinh nhật 16 tuổi vào năm 1949. Mùa hạ năm đó, một cái điện tín từ Bắc Việt báo tin Dì Sâm sắp về. Đọc xong Mạ bật khóc nức nở, rồi cả nhà bỗng huyên náo vì Mạ sai đám người giúp việc sửa soạn nhà cửa. Cả mấy tuần sửa soạn, mong ngóng, và ngày ăn mừng đã tới. Mạ bảo mọi người rằng mặc dù Dì Sâm lại bị bắt một lần nữa, giam tại Hỏa Lò, cái nhà ngục khốn nạn ngoài bắc, nhưng nhờ sự can thiệp của cựu Toàn Quyền Đông Dương, Albert Sarraut, người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến, Dì Sâm đã được nhà nước bảo hộ ân xá.
Người nữ chiến sĩ sẽ trở về để nghỉ ngơi.
Và vì Dì Sâm sắp về, vậy thì không bao lâu nữa cả nhà sẽ có tin Cậu Lâm, Mạ bảo vậy. Mắt người sáng lên, giọng nói cao thêm một nấc, và câu nọ xọ câu kia ríu rít, náo nức như một đứa trẻ thơ. Viễn tượng ba người con của Huyền Phi sẽ sum vầy với nhau tác dụng như một liều thuốc hoàn đồng đối với Mạ, làm cho người trở thành một người đàn bà mới lạ.
Niềm hy vọng chan chứa, và cuộc sửa soạn thật tưng bừng. Mạ thuê một đám thợ may để khâu vá, thêu thùa, sửa soạn lụa là cho Dì Sâm. Mạ sai thợ mộc đóng giường mới bằng gỗ hồng cho dì. Sai người làm màn ren mới. Và ngày nào cũng có sẵn canh yến để chờ dì tôi về.
Còn tôi thì ngày nào cũng vẫn đi học đều. Học sinh trường Nữ học Đồng Khánh bàn tán về chuyện dì tôi được thả, xác nhận là quả thật dì tôi đã trở thành nổi danh như một huyền thoại sống. Hàng ngày tan trường về, tôi thấy mắt Mạ sáng long lanh, và cả nhà nhộn nhịp như ngày hội. Tiếng cười của Mạ văng vẳng khi người lăng xăng sai bảo đám đầu bếp và thợ may. Bà muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo. Mấy tuần trôi qua như vậy, niềm vui của Mạ đầy quá và không gian rộn ràng quá.
Một hôm tôi đi học về thấy nhà cửa im lặng lạ thường. Đèn không thắp, và cả nhà chìm trong yên lặng tuyệt đối như thể hơi nóng của một vùng sa mạc vừa thổi qua.
Tôi vào nơi dành cho Dì Sâm thì thấy Mạ ngồi yên lặng một mình trong bóng tối. Đám người làm đã về khu dành riêng cho họ. Cánh cửa phòng Dì Sâm còn đang hé mở.
“Đừng vào đó, Sương. Dì con mới về, cần phải nghỉ ngơi”, Mạ lặng lẽ bảo tôi, như thể không còn chút sinh lực nào trong cơ thể người.
Tôi đảo mắt nhìn quanh, đoán chắc là đã có điều gì không may xảy ra. Rất không may.
Tôi đẩy cửa phòng ngủ của dì. Căn phòng được trang trí với tấm hoành phi bằng lụa, màn ren, chăn mền xa-tanh, nhưng trống rỗng. Tôi đứng giữa phòng, ngỡ ngàng, bối rối. Và ngay lúc đó, tôi nghe tiếng người nói, ngoài sân, cùng với tiếng bước chân không đều đặn.
Tôi chạy ùa ra sân, và nhìn thấy dì, chỉ còn là chiếc bóng của người đàn bà đã trở về năm xưa. Mạ chạy đuổi theo tôi.
“Sương à, dì con đau nặng lắm đó con.”
Bóng người quay về phía tôi, và tôi phải đứng sựng lại. Trước mắt tôi không phải là người thiếu nữ tràn đầy nhựa sống mặc quần áo bà ba đen, người đã la lối với Mạ, người đã cho tôi viên sỏi kỳ diệu. Thay vào đó là một bà già lưng còng, cặp mắt dại khờ và mặt mày đầy sẹo. Một phần lông mày của bà đã biến mất. Bà nhìn tôi chòng chọc, nhưng dường như không thấy tôi.
“Mi có dạ con và cặp vú không?” Bà hỏi.
Tôi lại gần nắm tay dì. Cổ tay dì cũng đầy sẹo. Một ngón tay út đã biến đâu mất.
“Mi có dạ con và cặp vú không?” Bà lặp đi lặp lại.
“Đừng để ý đến dì, Sương à, dì con không phải như dì hồi trước mô”, Mạ bảo tôi.
Tôi vuốt mặt dì nhè nhẹ. Đâu còn là làn da hổ-phách-bánh-mật mịn màng. Những vết sẹo trên mặt dì sần sùi chạm vào tay tôi. Dì mỉm cười, miệng méo xệch. Tôi nhận ra là một mảnh môi trên của dì cũng đã biến mất.
Tôi buông tay dì ra, bàng hoàng, trong khi Mạ gắng gượng dìu mảnh thân hình kỳ quái ấy vào nhà. Dì yếu ớt kháng cự, nhưng cũng đẩy được Mạ sang một bên.
Chân đi khập khiễng, bà già xé toạc áo bà ra. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi hoàng hôn, tôi nhìn thấy những vết thẹo trên ngực bà. Cả hai núm vú đều không còn nữa. Tôi úp tay che mặt.
Người đàn bà hở ngực đang nghêu ngao những câu hát không ý nghĩa. “Mi có dạ con và cặp vú không?”. Câu hỏi lặp đi lặp lại như một điệp khúc.
Mạ đã ra lệnh cấm không cho đám người làm vào phòng.
Đêm hôm đó tôi phụ Mạ mớm cho Dì Sâm ăn súp yến, rồi lau rửa cho dì trong bồn sứ, hai mẹ con lấy khăn thấm nước nóng lau cặp vú đầy vết sẹo và không núm của dì. Tôi vừa lau làn da sần sùi, vừa nghĩ tới sự mịn màng của cánh hoa mộc lan trắng. Nước mắt tôi nhỏ xuống vai dì, tôi lặng người đi, không thốt lên được một lời. Mạ âm thầm mím môi. Người không khóc.
Đêm hôm ấy tôi ngồi bên cửa sổ trong phòng ngủ nhìn ra phía cây mộc lan. Dì Sâm đang nghêu ngao hát câu hỏi như một con người đần độn.
Tôi thấy Mạ bước quanh sân trước dưới ánh trăng ứa ngập đầy sân. Người đi quanh gốc mộc lan nhiều lần rồi cúi nhặt những bông hoa rụng đưa lên áp vào má. Rồi người quẳng hoa vào thân cây mộc lan cao vút. Người làm cử động này nhiều lần, trong khi tôi lặng nhìn những cánh hoa tả tơi rơi rụng xung quanh người.
Tôi gọi Mạ và người quay lại về phía cửa sổ tôi đang ngồi. Dưới ánh trăng, tôi nhìn thấy mặt Mạ tôi. Khuôn mặt ràn rụa nước mắt.
“Sương à, Mạ không thể chịu được, không thể chịu được”, Mạ tôi kêu lên, tiếng người trà trộn với tiếng lầm bầm của Dì Sâm.
“Con và Mạ, hai mẹ con mình sẽ viết thư cho Albert Sarraut. Chúng ta sẽ viết cho Sylvain Foucault ở Ba Lê”, Mạ tiếp tục lớn giọng.
Tôi thấy Mạ nhẩy chồm lên rồi té xuống đất, nằm đè lên những cánh hoa trắng. Tôi trèo lên ngưỡng cửa sổ nắm lấy song sắt, dang tay xuống phía Mạ.
Từ đống hoa trắng rơi rụng trên mặt đất ẩm ướt, Mạ ngước lên nhìn tôi:
“Tụi nó đã giết cô em gái đẹp của Mạ rồi. Tụi nó đã tàn phá trí óc của nó rồi.”
Những ngày tháng sau đó, Mạ cấm hầu hết đám người giúp việc không cho vào nơi dì tôi nằm nghỉ. Chỉ có Vú Mai là người duy nhất chăm sóc dì mà thôi. Mạ và tôi viết hết lá thư này tới lá thư khác, và Mạ cũng bắt đầu làm những chuyến đi Sài gòn và Hà Nội để khiếu nại về tình trạng của dì tôi. Người liên lạc với báo chí, mướn thông dịch viên để sửa soạn giấy tờ gửi đi Ba Lê. Tôi chưa bao giờ thấy Mạ nôn nóng dữ như vậy.
Những khi Mạ vắng mặt vì những chuyến đi xa, tôi cắt những đóa hoa mộc lan và thả vào trong tô sứ. Tôi lau chùi những khung ảnh gỗ hồng bằng nước chanh và thắp nhang. Dì Sâm thường đi khập khiễng quanh nhà, miệng ngêu ngao lời hát quen thuộc của dì. Mỗi ngày dì cởi áo ít nhất một lần, phô trương tấm thân méo mó biến dạng, trên miệng hóm hém một nụ cười méo mó.
Tôi không còn mơ tới áo giáp vàng của Bà Triệu hay tới nữ hổ tướng mặc quần áo bà ba đen nữa. Dì tôi đã trở về, nhưng hình ảnh người nữ chiến sĩ bất khuất đã thành hoen ố. Hóa ra cựu Toàn Quyền Albert Sarraut không đáp lại đơn yêu cầu trả công lý của Mạ, và Cậu Lâm chẳng bao giờ về sum họp với các chị của cậu.
Ngày dì tôi trở về vào năm 1949, và thân hình biến dạng của dì đã khắc sâu một thảm trạng vào cuộc sống vốn yên lành và hoàn toàn được che chở của tôi. Tìm hiểu thảm trạng đó là ngưỡng cửa cho tôi bước vào dòng lịch sử sóng gió của Việt Nam. Mùa hè năm đó, tôi được biết rằng vào năm 1945, khi tôi đang ăn mừng ngày sinh nhật thứ 12 của tôi, bình an vô sự trong ngôi nhà đồ sộ của Mạ ở Huế, thì Việt Minh đóng chiếm Bắc Việt và tuyên bố độc lập. Nhưng Pháp trở lại Đông Dương sau đó ít lâu, và Việt Minh đánh nhau với quân Pháp. Dì Sâm và người cậu vắng mặt của tôi, Cậu Lâm, đã trở thành những huyền thoại của chiến trận đó. Họ nằm trong đám trai gái nổi danh, những người con của cách mạng Việt Nam. Nhưng đối với tôi, dì Sâm trở thành biểu hiệu của một bi kịch, và cậu Lâm chỉ là một tên gọi mà thôi. Hình ảnh của họ chẳng bao giờ được lồng vào hai khung hình trống trong phòng thờ sáng loáng của Mạ.
Sau mùa hè năm 1949, tôi sống qua cuộc cách mạng và đi vào cuộc đời thành niên của tôi với ảo tưởng là được che chở bình an trong ngôi nhà và khoảng vườn đẹp đẽ của Mạ. Trong cảm giác mâu thuẫn về cuộc sống được bao che của tôi, tôi chứng kiến những ngày hấp hối của chủ nghĩa thực dân Pháp. Năm 1954, Việt Minh thắng trận. Bị thảm bại ở Điện Biên Phủ, người Pháp buông thả Đông Dương, để nhường chỗ cho Hoa kỳ, Trung Hoa, và Nga Sô.
Rồi một cuộc chiến tranh nữa tiếp theo, cuộc chiến mà người ta nói là chiến tranh chống Mỹ, đã làm cho Việt Nam nổi tiếng.
Suốt mùa hè năm 1949, khi Dì Sâm còn đang ở với chúng tôi, trong nhà không ai nói năng gì nhiều. Trong bối cảnh buồn thảm đó, định mệnh đã làm cho tôi tin tưởng, một lần nữa, vào mối liên hệ giữa tôi và dì tôi với cây mộc lan của Mạ.
***
Số là một đêm kia, khi Mạ vắng nhà vì một chuyến vào Nam hay ra Bắc gì đó, đi tìm công lý trong vô vọng và tìm một tòa án để truy tố những người thực dân phạm tội ác với người em gái sinh đôi của người.
Trong đêm hè ấy, tôi sực tỉnh dậy vì hơi nóng ùa vào từ bên ngoài. Tôi thấy cửa sổ mở ra, khuôn mặt đờ đẫn méo mó và đầy sẹo của dì Sâm hiện ra trong khung cửa. Mặt trăng treo lơ lửng sau lưng dì. Hình như dì đã thơ thẩn ra sân trước và đã đẩy cửa sổ phòng tôi. Dì đang chòng chọc nhìn tôi, tay dì xách chiếc đèn lồng, y hệt như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
“Đi vào đi dì ơi, dì để mở cửa sổ hơi nóng vào nhà hết rồi”, tôi nói.
Dì không trả lời, chiếc đèn lồng lập lòe trong tay dì.
Tôi thò tay xuống dưới gối móc ra chiếc túi xa-tanh đựng viên sỏi, giơ nó ra cho dì thấy: “Dì nhớ cái gì đây không?”
Dì vẫn nhìn chằm chặp. Tôi tiến lại gần cửa sổ, đặt viên sỏi sát vào chiếc đèn lồng, những chấn song cửa sổ ngăn chia khoảng cách giữa hai dì cháu.
“Dì thấy chưa? Màu vàng óng. Một mảnh giáp vàng của dì đó”
Dì nắm chặt lấy song cửa để nhìn cho rõ viên sỏi trong tay tôi.
“Của mi đó mà, Sương”, dì bảo tôi.
Trời đất ơi, dì vừa mới gọi tôi là Sương.
“Con là Sương đây, dì nhớ ra rồi à?”
Tôi mừng rỡ, dì tôi đã tỉnh ra. 2Dì đặt tên cho con đó, dì nhớ không?”
“Dì nhớ chứ. Mi là Sương, cháu gái của dì. Dì đang ở Hỏa Lò, sau song cửa nhà tù, và mi đang đi thăm dì đó mà.”
Dì tôi đã lấy lại trí nhớ. Ước gì Mạ đang ở đây để người tự chứng kiến.
“Dì không còn ở tù nữa đâu dì ơi, dì về nhà rồi”, Tôi nói, và dì gật đầu.
Tôi chạy ùa ra sân trước, dìu dì vào phòng ngủ của dì. Dì bắt đầu cởi áo ra.
“Đừng, dì ơi, đừng”, Tôi nắm tay dì dẫn dì lại gần tấm gương.
“Dì là người quý phái mà. Đừng cởi áo nghe”.
Tôi kéo dì ngồi xuống trước gương và chải mái tóc thô sợi và bạc trước tuổi của dì. Tôi rẽ tóc dì, và bện thành hai bím.
“Dì có nhớ hồi dì về lần đầu tiên gặp con không? Tóc dì cũng bím như ri. Lúc đó dì đẹp lắm”.
Dì nhìn đăm đăm vào khuôn mặt mình trong gương, bất động.
“Dì vẫn còn đẹp lắm, dì à”, tôi vội vàng nói thêm, muốn cho dì vui. Dì nhìn tôi với cặp mắt như xoáy vào tâm tư tôi, vạch trần lời nói dối của tôi. Tôi bẽn lẽn nhìn xuống sàn nhà.
“Sương à, con giữ kín một điều bí mật cho dì được không?”. Dì nói, như trong một cơn mơ.
“Dạ, dì muốn chi con cũng làm cho dì”, tôi trả lời không đắn đo suy nghĩ.
Dì với tay thò vào túi áo tôi và lấy viên sỏi ra. Dì đặt viên sỏi lên lưỡi thật nhanh, rồi nuốt chửng. Cử động nhanh và bất thình lình quá khiến tôi ngỡ ngàng không kịp phản ứng. Rồi tròng mắt dì mở trừng trừng, cổ tắc nghẹn, và sau cùng dì ho sặc sụa. Tôi thét lên, nhưng cửa phòng dì Sâm đóng chặt, và đám người giúp việc còn ngủ say dưới khu nhà dành riêng cho họ ở sân sau. Dì tôi lấy tay bịt miệng tôi. Một tay dì nghẽn cổ họng tôi. Trong khoảnh khắc, tôi như tắc thở. Dì làm tôi ngộp thở. Hai dì cháu vật lộn một hồi, cho tới khi dì dịu cơn nóng, và chúng tôi cùng ngồi bệt xuống, thở dốc.
Viên sỏi chỉ to hơn hạt đậu phụng một chút, và tôi biết chẳng gây khó khăn cho dì, nhưng rồi thế nào dì cũng bị đau thôi. Nằm duỗi ra bên cạnh tôi, người đàn bà tàn tật bắt đầu thủ thỉ.
“Sương à, đó là sự bí mật đó con. Dì vừa nuốt vào bụng cái bí mật nớ. Con đã hứa với dì là con sẽ giữ bí mật rồi đó”.
“Dì đau rồi dì ơi. Con cần phải báo cho ai đó biết. Dì phải đi bệnh viện. Viên sỏi…”
“Không, không, ta không đi đâu cả. Ta đang ở nhà mà, nhớ không? Đây là nơi ta sanh trưởng. Ta sẽ không bị đau nữa mô. Ta vừa nuốt mảnh áo giáp của Bà Triệu, nó sẽ ở trong mình ta mãi mãi”.
Tôi nhìn chăm chăm vào những mảnh sẹo trên đôi môi méo mó của dì. Chúng rung rung mỗi khi dì lên tiếng. Ngay lúc này, dì tôi đâu phải là một người điên. Dì tự biết dì đang làm gì.
“Muốn lấy được cái điều bí mật ni, bọn họ phải mổ bụng dì ra, Sương à, nhưng ta không cho phép chúng. Chúng đã thọc vào dạ con của ta, xẻo vú ta, Sương ơi.”
“Dì à, đừng nói nữa”, tôi nhăn mặt. “Đừng nhắc đến chuyện đó nữa nghe dì”.
“Nhưng ta cần phải nói, Sương à, ta cần phải…”
Tôi vùng dậy, chạy ra khỏi phòng. Tôi về phòng tôi khóa chặt cửa lại, để lại dì một mình trong phòng của dì.
Suốt đêm, tôi nghe thấy tiếng lục sục trong phòng dì tôi. Những tiếng động lạ lùng. Như có ai kéo bàn ghế, kê lại đồ đạc trong phòng, và có tiếng vải xé. Tôi nằm yên không nhúc nhích. Không làm gì cả. Qua ánh trăng bàng bạc ngoài cửa sổ, tôi nhìn thấy cây bạch mộc lan. Cứ như vậy cả giờ đồng hồ, rồâi tôi thấy dì tôi khập khiễng lê ra sân trước. Không khác gì hình ảnh Mạ tôi trong đêm dì Sâm về. Đám người làm đều ở trong khu dành riêng cho họ và không ai làm gì để ngăn cản dì được.
“Áo giáp vàng của dì mô rồi, hở dì Sâm?” Tôi thì thầm qua khung cửa sổ.
Người dì khật khùng ốm yếu của tôi bỗng nhiên trở thành mạnh mẽ lạ thường, dì đang một mình khuân kéo bàn ghế ra sân. Dì cố chồng chất chúng lên nhau dưới gốc cây mộc lan. Chúng rơi đổ liểng xiểng, dì cũng té ngã mấy lần. Dì lại cố đứng dậy, khập khiễng lê lết quanh đám bàn ghế cho đến khi làm được việc dì muốn làm mới thôi. Thật ra, dì rất khéo léo và quả quyết. Dù sao thì người cũng đã là nữ chiến sĩ theo đuổi giấc mơ Bà Triệu, là người đã nhặt viên sỏi quý dưới dòng suối gần biên giới Hoa-Việt mang về cho tôi, và dì không ngừng nghỉ cho đến khi bọn chúng đâm thọc dạ con và xẻo vú dì. Bây giờ dì đã nuốt chửng sự bí mật đó rồi, và muốn tôi đi theo dì.
Thế là tôi đi theo dì bằng cách ngắm nhìn dì qua cửa sổ phòng ngủ của tôi. Dì kéo chiếc màn ren ra sân, rồi leo lên đống bàn ghế và với tay lên thử một cành cây rắn chắc. Dì biết chọn cành cây khỏe nhất, như một người thợ lão luyện tinh đời. Dù sao chăng nữa, dì tôi đã thật sự trở về với mái nhà xưa.
Tấm màn thêu mà người thợ may của Mạ đã khâu để sửa soạn cho ngày trở về của dì bay phất phơ quanh thân hình biến dạng của người đàn bà đang cố với nhánh cây mộc lan. Rồi chính dì trở thành bông hoa rơi, lửng lơ trên không, muôn đời, cho đến khi ánh trăng chiếu lên dì, và dì vút bay vào không gian. Tôi hiểu ra là đã quá muộn. Tôi, người cháu tên Sương xinh đẹp của dì, ngồi bên cửa sổ ngắm dì. Cũng như lúc tôi ngắm nhìn những con giun quằn quại chết.
Không khí yên tịnh và mát rượi, dường như là dì tôi đã đem sương mù trở lại.
Tôi bỏ dì lơ lửng trong bóng đêm và quay vào phòng, đến trước tấm gương, cởi áo. Trong gương là một cô gái mảnh mai, da trắng trong, phơn phớt màu xanh. Tôi không phải là một nữ chiến sĩ, và tôi chỉ biết cầm xẻng. Thế giới của tôi thu gọn vào mảnh sân của Mạ và vào những bậc thang gạch đỏ của ngôi trường mà người ta gọi là trường Nữ học Đồng Khánh.
Tôi tưởng tượng là mình đã mất hai núm vú, và lồng ngực chứa đầy những vết dao cắt, mường tượng cảm giác của mình khi những con dao găm chứa đầy hận thù đâm thủng vào lòng dạ con. Khi những dòng máu đỏ rớt xuống đất, chúng biến thành những con giun đất quằn quại, sống động. Tôi thầm thì với dì Sâm là tôi không muốn đi theo gót chân Bà Triệu, mà cũng không muốn có một cuộc sống đơn độc như Mạ, lúc nào cũng đợi chờ. Tôi thì thầm rằng suốt đời, tôi sẽ trồng cây trồng cối trồng hoa trồng lá. Tôi hứa với dì Sâm là tôi sẽ dành cho dì một cây mộc lan đẹp nhất, đầy những bông hoa có cánh mịn nhất, để cho các cô gái hái và ném chơi như những trái banh ten-nít, để cho những chuỗi cười nắc nẻ bao vây cuộc sống thơ ngây êm ả.
Tôi chụm hai tay vào làm thành một vũng ao nhỏ, trong vũng ao tôi nhìn thấy những con giun đất bị đâm oằn oại vô vọng, máu của chúng làm hoen ố tấm màn ren, tấm màn đã bao quanh dì tôi và chẹt nghẽn cổ dì. Tôi lên giường đi ngủ trong khi những đóa mộc lan trắng múa lượn chung quanh dì tôi, những giọt sương đêm đọng trên làn da của dì, chữa lành những vết thương trên da, và làm dịu những mẩu thịt sần sùi để cho người trở lại đẹp đẽ như ngày xưa. Tôi đã để mặc dì một mình.
Tôi ngả đầu lên gối và chợt nhớ ra rằng tôi chưa hỏi dì tôi lý do tại sao dì lại thích ném hoa mộc lan. Bên ngoài kia, tôi biết chắc là một lúc nào đó, một nơi nào đó, dì tôi sẽ cho tôi biết, và dì cũng sẽ không trách tôi đã ngồi yên lặng ngắm nhìn và khoanh tay không làm gì cả. Dù sao thì lý do đó cũng chẳng còn quan trọng nữa. Đối với tôi, cuối cùng thì dì đã chọn đường trở về.
Về với bóng mộc lan.
Dương Như Nguyện
*Nguyên tác: Daughters of the River Huong (tiểu thuyết, viết bằng Anh ngữ, tác giả: Uyen Nicole Duong, RavensYard Publishing, Ltd., 2005), ấn bản thứ hai 2011 (Amazon Encore/Lake Union); bản dịch “Con Gái Của Sông Hương” (dịch giả Linh Chan Brown).
Về tác giả: Uyên Nicole Duong là bút danh của Dương Như Nguyện, tốt nghiệp Cử nhân báo chí tại ĐH Southern Illinois, Thạc sĩ Luật (Đại học Harvard) và Tiến sĩ Luật của ĐH Houston. Cựu Thẩm phán Thành phố Houston, Thẩm phán Tiểu bang Texas, cựu giáo sư luật tại Đại học Denver (University of Denver). Trong lĩnh vực văn chương, bà đạt giải thưởng cuối cùng của “Giải Danh dự Văn chương Phụ nữ Toàn quốc” năm 1975 thời Việt Nam Cộng hòa, đã xuất bản nhiều tiểu thuyết. Hai trong bộ ba tiểu thuyết (trilogy) của bà– “Mimi and Her Miror” và “Postcards From Nam”, đoạt luôn giải nhất và giải nhì của Giải thưởng Sách quốc tế, dạng tiểu thuyết đa văn hóa (multicultural fiction), được tổ chức bởi JPX Media Group của Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ, năm 2012. Hiện bà cư ngụ tại Houston, Texas.
Về dịch giả:
Dr. Linh Chân (Nguyễn Phạm) Brown, Ph. D. Linguistics University of Colorado; nguyên là cựu nữ sinh Trưng Vương và du học ở Úc. Hiền thê của cố GS Đàm Quang Hưng, một trong nhiều dịch giả chuyển bộ truyện Liêu Trai Chí Dị của tác giả Trung quốc Bồ Tùng Linh, cựu Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Pacific ở Houston, Hoa Kỳ.