Tiểu thuyết Dương Thu Hương: Chốn Vắng (Chương 1, 2, 3)
Nhà văn Dương Thu Hương, người vừa được trao giải Cino Del Duca 2023 của Pháp đã xuất bản khá nhiều tiểu thuyết, trong đó có nhiều cuốn đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, như Hành trình ngày thơ ấu (bản tiếng Pháp được in với tựa Itinéraire d’enfance), Bên kia bờ ảo vọng (bản tiếng Pháp: Au-delà des illusions), Những thiên đường mù (bản tiếng Pháp: Paradis aveugles), Quãng đời đánh mất,Tiểu thuyết vô đề (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Anh: Novel Without a Name), Chốn vắng (bản tiếng Anh: No Man’s Land; bản tiếng Pháp: Terre des oublis), Đỉnh cao chói lọi (được dịch sang tiếng Pháp với tựa Au Zénith), Hậu cung của con tim (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur), Đồi bạch đàn (tên tiếng Pháp Les Collines d’Eucalyptus)…
Nhà văn Dương Thu Hương, người vừa được trao giải Cino Del Duca 2023 của Pháp đã xuất bản khá nhiều tiểu thuyết, trong đó có nhiều cuốn đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, như Hành trình ngày thơ ấu (bản tiếng Pháp được in với tựa Itinéraire d’enfance), Bên kia bờ ảo vọng (bản tiếng Pháp: Au-delà des illusions), Những thiên đường mù (bản tiếng Pháp: Paradis aveugles), Quãng đời đánh mất,Tiểu thuyết vô đề (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Anh: Novel Without a Name), Chốn vắng (bản tiếng Anh: No Man’s Land; bản tiếng Pháp: Terre des oublis), Đỉnh cao chói lọi (được dịch sang tiếng Pháp với tựa Au Zénith), Hậu cung của con tim (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur), Đồi bạch đàn (tên tiếng Pháp Les Collines d’Eucalyptus)…
Cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng”, tiếng Anh: No Man’s Land, tiếng Pháp: Terre des oublis, được đánh giá có lẽ là tác phẩm thành công nhất của bà, nằm trong danh sách cuối cùng của giải Femina 2006 và nhận giải Grand prix des lectrices de Elle vào năm 2007.
Câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật chính là Miên, Bôn và Hoan. Miên lấy Bôn trước khi Bôn lên đường vượt Trường Sơn vào Nam. Sau khi nhận được giấy báo tử của Bôn một thời gian thì Miên lập gia đình với Hoan và có một con trai. Chiến tranh chấm dứt, Miên đang hạnh phúc bên Hoan, một người tử tế, làm ăn thành công, thì Bôn trở về với thương tật, cả tâm hồn lẫn thể xác. Vì nghĩa và vì sức ép vô hình của những giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội cũ kỹ, Miên quay về với Bôn, dù chỉ yêu và hạnh phúc bên Hoan. Nhưng quyết định này chỉ càng dẫn tới nỗi đau và sự dày vò ngày càng lớn cho cả 3 người. “Chốn Vắng” cho người đọc thấy mặc dù tiếng súng đã ngưng ngoài chiến trường nhưng bóng ma của cuộc chiến tàn khốc cùng với những hậu quả của nó vẫn còn đó lâu dài trong tâm hồn, trong cuộc sống của rất nhiều người Việt Nam…
Xin giới thiệu trích đoạn 3 chương đầu của tiểu thuyết “Chốn Vắng”.
*******
Chương 1
Tháng sáu tưới một cơn mưa lạ lùng quá đỗi.
Cùng một lúc, nước xối xả trút xuống và hơi nóng rùng rùng từ vách đá nắng nung xông lên. Nước lạnh và hơi nóng giao hòa, bốc bụi sương mù mịt. Mùi khét nồng man dại tỏa trong không gian hòa quyện mùi nhựa cây khô, hương các loài hoa héo, mùi nước dãi chim gọi tình khô kiệt suốt mùa hè, mùi cỏ tím mọc trên các đỉnh núi cheo leo. Tất thảy tan lẫn vào làn nước tưới xuống.
Tạnh mưa, gió đột ngột ngừng thổi, nước cuồn cuộn réo dưới lòng khe, những bờ cây nẫu nà bắt đầu bị nung nóng trở lại. Mặt trời sau các đám mây vọt lên chiếm trọn khoảng xanh lơ cao vời. Dường như sau khoảnh khắc cách biệt, tình yêu mù dại với đất với rừng càng sôi sục, lửa ghen tuông thiêu đốt vạn vật như cơn ái ân cào cấu. Lũ bướm, lẽ ra đã bay đầy các lèn đá, sợ mặt trời trốn biệt trong các xó xỉnh. Cả đàn ong khốn khổ cũng ngừng kiếm mật. Trong tĩnh lặng nồng ngột chỉ những bông hoa chuối nở bung, màu đỏ mê man thành lửa, như muốn bốc qua không gian oi ngạt lên tít mấy tầng trời.
Lúc ấy, Miên cùng đám đàn bà Xóm Núi đứng trong hang đá. Chị ngỡ mình sốt nhưng sờ trán lạnh tanh. Tim Miên đập bồn chồn. Chị thoáng lo cho đứa con trai:
… Thằng bé ngã vào chum nước chăng? Hay cái que nhọn nào chọc vào mắt? Không, không… dì Huyên cẩn mật lắm, rõi theo từng bước chân đứa cháu. Vả chăng, gương mặt thằng bé tươi tắn thế, rủi ro không tới được. Con trai ta có gương mặt ngời ngời chữ phúc, cả quỷ lẫn thần đều sẽ chở che…
Chị không còn lo cho đứa con trai nhưng vẫn bồn chồn, khắc khoải. Một bất an nào đang đợi ở cuối đường?
– Thôi, về nhà… Ngày hôm nay coi như gặp vận rủi.
Miên lên tiếng.
Không ai đáp. Ðám đàn bà vẫn đứng bá vai nhau nhìn trời. Hôm nay là ngày đầu tiên trong năm, họ rủ nhau lên rừng tìm mật ong. Ðầu ngày đã không may mắn. Vừa lên núi, một cô ngã trẹo chân phải dìu vào trại kiểm lâm. Ði hết hai trái núi lại gặp cơn mưa rừng. Giờ này, mặt đất hầm hập như lên cơn sốt. Hơi nóng thoát từ các khe lạch, từ các lối mòn chồng chất lá mục, từ những đám lá dập nẫu những đám hoa nhàu nát bị mưa táp rơi đầy gốc cây… và thảy đều xông lên mùi hương độc địa.
Chúng ta về đi.
Miên giục. Lần này, một cô trong bọn giơ tay chỉ ra ngoài hang:
– Mày muốn làm mồi cho rắn hả? Mở to mắt mà nhìn…
Miên lặng thinh. Chẳng cần mở to mắt chị cũng biết lúc này lũ rắn đang trườn qua các lối mòn, quăng thân như ném bóng trên các vòm cây và bất cứ con mồi nào xuất hiện cũng sẽ khiến chúng nổi xung. Tiếng thằn lằn tắc lưỡi vang lên ngay nóc vòm hang. Miên bất giác ngẩng lên: Rất có thể con rắn chửa nào đó vì tức thở sẽ lao xuống mổ vào trán họ… Một cô to béo cầm gậy quất vào đám cây trước cửa hang:
Mỗi đứa bẻ sẵn một cây gậy đi lỡ rắn đàn xô tới.
Không ai chờ ai mỗi người đều tìm một gậy làm vũ khí. Rồi họ đứng tựa vào nhau nhìn những làn hơi trong suốt rung rinh như sóng, nhìn lũ rắn bóng nhãy trườn qua lối mòn, lắng nghe tiếng chim tức tưởi xa vời vẳng tới. Sự im lặng mê mệt trùm lên họ. Họ vừa mở mắt nhìn rừng cây chờ khoảnh khắc nguy hiểm trôi qua vừa như ngái ngủ chẳng ai nói với ai một lời. Cứ thế, thời gian chảy trôi. Nắng hun dần tầng lá mục bên trên khiến đám cây nẫu nà thoát ra làn hơi ngái, lớp vỏ se lại. Ðám cỏ bết bùn ven suối ngỏng lên những mầm lá nhọn giống những lưỡi gươm thanh mảnh yêu kiều. Khóm hoa chuông lúc lắc nhè nhẹ. Gió nổi lên xua làn hơi ma quái tù đọng và thổi những người đàn bà khỏi cơn mộng mị. Họ đưa mắt nhìn nhau. Một cô ném gậy kêu to:
– Mất một ngày vô tích sự. Thôi đừng mơ mòng mật với ong nữa… Về, về thôi.
– Về. Giờ có đi cũng muộn rồi.
Một cô khác tiếp lời, buông tiếng thở dài.
Và cả bọn kéo nhau về Xóm Núi.
Khi họ ra khỏi cửa rừng, trời đã ngả chiều. Mặt trời như mảnh thủy tinh màu hường, có vân li ti như vân cánh hồng tường vi. Hoàng hôn đỏ thắm. Miên bước theo đám bạn, nỗi khắc khoải quay trở lại càng thêm nặng nề. Chị không hiểu vì sao thấy thi thoảng, hơi thở tắc nghẹn nơi cổ họng, và tim chị co thắt như bị một bàn tay vô hình bóp chặt:
… Vì sao nhỉ? Phải chăng Hoan gặp bất trắc đã đưa đoàn thuyền quay lại? Trời không giông bão và chẳng có lý do nào khiến chồng ta gặp hiểm họa, trừ phi có cướp biển… Lâu rồi, chẳng nghe ai nói tới chuyện cướp biển. Bao năm nay bọn cướp biển đã tan biến trong đám vỏ sò mục ải tấp vô bờ… Hoặc là Hoan ốm? Kể chi người đá cũng có lúc đổ mồ hôi…
Nhưng cả lý do ấy, Miên cũng không tin nổi. Chị chỉ còn biết bước đi mải mốt, ruột nóng như cào, con tim thấp thỏm phỏng đoán điều bất an nào đã ám ảnh chị suốt ngày hôm nay.
Nhà Miên dựng ngay trên đường vào rú. Hoan dựng ngôi nhà này sau tất cả mọi người và vào thời khắc đó, nó là rẻo đất hẻo lánh. Nhưng giờ đây đã có hai vợ chồng trẻ nữa vừa dựng nhà mới, thế nên ngôi nhà của chị đã thoát khỏi cảnh rìa làng. Nhà cất trên đỉnh đồi, bốn bề vườn cam bưởi vây quanh. Xa hơn nữa dọc theo dải đồi phía tây là các nương tiêu, nương cà-phê, nương nọ nối tiếp nương kia, giữa chúng là các lán nhỏ lợp lá, nơi Hoan đặt máy bơm và cho thợ làm thuê ngồi nghỉ uống trà. Dinh cơ của họ đồ sộ nhất vùng, chẳng ai dám so sánh. Hoan là người mẫn tiệp. Vườn tiêu và cà-phê của anh bao giờ cũng trồng loại giống quý nhất đòi hỏi kĩ thuật chăm bón phức tạp và giá bán cao nhất. Các chủ trại trong vùng xô tới học hỏi kĩ thuật của anh. Sau mùa thu hoạch, họ lũ lượt kéo tới xin anh cho nhập bọn thuê thuyền chở hàng vào bán tận Ðànẵng, Sàigòn. Không mấy kẻ ở Xóm Núi không chịu ơn Hoan. Ðám đàn bà biết rõ điều đó. Vì thế, khi tới cổng nhà Miên, thấy người túm tụm từ ngõ đến sân, họ liền kéo nhau vào tuốt luột:
– Có chuyện chi mà đông người thế hả Miên?
– Tôi cũng đi từ sớm với các chị, làm sao tôi biết được?
– Ờ, tôi rõ thật vô duyên.
– Vào đi, vào đi, khắc rõ chuyện. Có vài phút cũng không dằn lòng chờ nổi…
Cái đám đông lao xao như ong vỡ tổ đó chợt im bặt khi họ tiến vào. Miên thấy tất cả mọi người đều nhìn chị, từ con nít tới bà già, những láng giềng cùng xóm và cả những người thôn khác, ánh mắt của họ thật kì lạ, vừa như tò mò vừa như sợ hãi vừa ẩn chứa sự thăm dò lẫn lời thách thức.
Chưa bao giờ mọi người nhìn mình với cặp mắt lạ lùng này… Có điều gì đó vừa xảy ra nơi đây?
Trong nhà, vẳng ra tiếng khóc tiếng hờ của một người đàn bà, nghe như quen, cũng như lạ… Cái giọng đó, dường như chị đã từng nghe một thời, cái thời mà chị đã quên lãng. Những người ngồi hai bên lối dạt ra khi chị đi qua. Khác hẳn lệ thường, không ai chào ai. Ngay đám con nít cũng nín lặng không nhí nháu đùa cợt. Trên sân và trước khuôn cửa ra vào chi chít những tấm lưng áo đen còn đọng ngấn muối của đám người vừa từ nương rẫy trở về. Những tấm áo đó xen lẫn những tấm lưng trần, những tấm áo xuân-hè bạc màu, sơ-mi trắng và sơ-mi xanh của đám trai mới lớn.
Không lẽ họ triệu tập thôn ở đây trong lúc mình vắng nhà? Nhưng trụ sở thôn đã sửa xong. Họ chỉ đảo ngói quét vôi tường và thay mấy bộ cửa sổ. Rõ ràng hôm khánh thành chủ tịch xã cắp cặp xuống ăn liên hoan…
Lúc Miên băn khoăn với giả định mới, giọng than hờ của người đàn bà nào chợt ré lên như xé tai:
– Ôi em ơi, khốn khổ thân em, lưu lạc góc rừng bãi bể cho tới tận giờ? Người ta tốt số được hưởng an bình hạnh phúc chỉ em chịu phần cơm hẩm cà đen…
Cái thanh âm eo éo như mài sắt đó khoan xoáy vào óc Miên. Chị bước vào nhà. Bóng tối ập vào mắt khiến chị không nhìn rõ ai, ngoại trừ cái khối đen đặc của đám đông lô nhô kẻ đứng người ngồi. Trong đám đông ấy một người đàn ông cất giọng trầm trầm gọi:
– Miên!
Miên không nhận ra ai nhưng chắc chắn đó không phải là Hoan… Chồng ta không trở về. Ðoàn thuyền chở tiêu đang yên lành vượt biển…
Người đàn ông kia lặp lại:
– Miên!
Lần này, Miên đáp:
– Tôi đây.
Rồi chị quay lại phía người vừa lên tiếng gọi. Mắt đã quen dần với bóng tối, Miên thấy một gương mặt đen đúa, vuông, u buồn, cặp mày chữ nhất chạy ngang trên đôi mắt sâu, sáng, thứ ánh sáng của lửa đêm thu tàn trên núi.
– Miên!
Anh ta lặp lại lần thứ ba, và lần này tiếng gọi kia như dằn mạnh một thứ đồ vật xuống.
– Dạ, chào anh tới chơi.
Miên đáp lại rồi nhìn quanh quẩn tìm chỗ ngồi. Ngày nay chị đã đứng quá lâu trong hang. Một ông già lưng trần đứng lên nhường chỗ cho chị. Bàn tay khô khẳng của ông đặt lên vai Miên, ấn chị ngồi xuống ghế, đối diện với người đàn ông có cặp mày hình chữ nhất. Người đàn ông ấy nãy giờ vẫn chăm chăm nhìn Miên, gương mặt căng thẳng trong cái nhìn ấy, những đường nét như co rúm lại và cặp môi xám run giật từng hồi. Những lằn run rẩy trên cặp môi xám của anh ta khiến Miên ngơ ngẩn, chúng gợi nhớ một hình ảnh nào khác trong sương mù mà chị không thể nhìn ra. Chúng gợi một cái tên dưới vực sâu, vực âm u sương giá, chỉ nghe rõ tiếng gió luồn. Cặp mày chữ nhất của người đàn ông kia đột nhiên châu lại trên tinh mũi những sợi lông mày mọc trên sơn căn dựng ngược như lông nhím đen như sơn nối hai tràng mày thành vệt thẳng. Một tiếng thở dài từ vực sâu kia vọng tới… Một thanh âm bật mí. Một gương mặt mờ ảo trôi… Những giọt mồ hôi rịn trên trán người đàn ông. Cặp môi xám của anh run rẩy mỗi lúc mỗi mau hơn rồi trong tíc tắc, chúng tách rời nhau, khuôn miệng hé mở… Miên thấy lạnh chân tay: Khuôn miệng hé mở đó, cặp mắt u buồn với ánh sáng tràn qua hai hàng mi hẹp chị từng thấy trong một mùa hè. Mùa hè mỏng manh như tàn lửa. Ngắn ngủi như hồi quang. Bay vèo qua khung trời…
– Miên!… Tôi đã về đây…
Người đàn ông chợt vươn qua mặt bàn, gạt đổ những chén trà dở rồi cất giọng riết róng:
– Miên… Tôi đã về… Tôi đã về…
Miên đưa một bàn tay về phía trước như mắt chị không còn nhìn được, tai chị không nghe được và giống người mù bẩm sinh chị hướng lòng bàn tay để sờ soạng các âm thanh:
– Anh đã về? Anh là…
– Tôi đây… Bôn đây.
– Tôi… Anh là Bôn?
– Tôi là Bôn. Chồng của em.
Ba gian nhà im như mồ. Ðám đông nín thở. Người ta chờ câu trả lời của Miên. Miên lặp lại câu nói của người đàn ông như mê sảng:
– Anh là Bôn, chồng của tôi? Chồng tôi?
– Phải, Bôn đây…
Người đàn ông gằn giọng và thốt nhiên, anh ta gần như rống lên:
– Tôi đây. Bôn đây… Tôi đã quay về…
Miên ngồi im, đờ đẫn…
Chồng của ta ư? Hoan đang đưa đoàn thuyền chở tiêu vào Ðà Nẵng, anh ấy hứa khi về sẽ mua cho cu Hạnh chiếc xe đạp ba bánh và mua cho ta mấy mảnh lụa tơ tằm… Cái đêm trước khi đi Hoan bảo: Em thích màu chi đây, lục biếc, tím than hay màu lông gà con mới nở? Em còn thích gì nữa? Không, không, em chẳng còn muốn gì hơn, thế đã là quá đủ. Trời trong, biển lặng chỉ tuần sau chồng ta sẽ quay về…
– Miên!
Người đàn ông lại cất tiếng gọi không mỏi mệt. Nhưng Miên không nghe thấy tiếng gọi ấy. Chị đang hồi nhớ một gương mặt khác. Một gương mặt sáng ngời, đôi mày lưỡi kiếm trên vầng trán rộng, sống mũi cao như sống mũi người phương Tây, cặp mắt dịu dàng, làn môi ấm mềm cuốn hút…
– Miên, tôi đã về đây…
Lần này, không còn là tiếng rống gọi mà là lời cầu khẩn. Một thứ âm thanh sẽ sàng, trầm ấm như tiếng thì thào của những rặng cây thung lũng mùa xuân. Ðôi mày chữ nhất rướn lên một chút. Cặp môi xám lại run rẩy:
– Miên, tôi đã trở về…
Miên thu bàn tay lại. Chị đã hiểu. Tiếng nói kia va đập vào lòng tay chị. Người ta vẫn nói lòng bàn tay lưu giữ cảm xúc lâu bền hơn tất thảy những giác quan khác như thính giác loài voi lưu giữ được những âm thanh từ bảy kiếp trước. Miên đã hiểu người đàn ông ngồi đối diện với chị là ai.
– Anh Bôn?
Chị cất tiếng, thẫn thờ.
– Tôi đây… Tôi đã về.
Anh đáp.
Người chồng của chị mười bốn năm trước. Cái hồn ma chị thờ phụng lâu nay bất chợt quay về trong hình hài đen đủi, với màu da và cặp môi đầy tử khí. Bôn đã trở về. Không là chàng trai từng là chồng chị trong một mùa hè ngắn ngủi. Cũng không là một hồn ma. Anh ở giữa hai thứ ấy. Miên hiểu rằng chị đã rơi vào khúc kẹt. Chị không biết mình sẽ sống ra sao khi cái hồn ma trên bàn thờ tổ quốc ghi công bất chợt khoác quần áo bước xuống ngồi trước mặt chị, uống ừng ực từng chén trà rồi nhìn chị đăm đắm… Anh ấy từng là chồng ta. Nhưng ngót mười năm nay ta đã sống với Hoan và cuộc hôn nhân đã được trời và người chấp thuận… Bôn nhập ngũ năm năm mới có lệnh báo tử. Hai năm sau ngày nhận giấy báo tử ta mới lấy Hoan. Chúng ta đã có thằng bé Hạnh. Ta không thể từ bỏ Hoan. Anh ấy là hạnh phúc thật sự của ta…
Người đàn bà ngồi lặng trong bóng tối. Bóng tối phủ đầy căn nhà. Một ai lên tiếng:
– Thắp cho cô ấy cái đèn.
Một cánh tay vươn qua mặt chị, với chiếc giá nến đặt trên tủ đựng ly tách:
Thắp nến cho nhanh… Không thấy đèn đâu cả… Bà Huyên đâu nhỉ?
Bà ấy ngồi ngoài ngõ. Từ lúc thấy cô Miên về đã đưa thằng bé đi rồi.
– Cho tôi mượn hộp diêm. Bật lửa của tôi hết đá…
Từ bên kia bàn, Bôn lại cất tiếng gọi:
– Miên!
Bây giờ, không còn là lời cầu khẩn mà là lời van vỉ. Miên thấy anh nhìn chị ngay cả trong bóng tối. Ðó là ánh mắt của kẻ sắp chết đuối giữa dòng:
… Bôn đã từ mặt trận trở về. Ðời này qua đời khác, có người đàn bà nào dám quay lưng ngoảnh mặt trước một người chồng từ mặt trận trở về?
Miên biết một hồn ma quay lại cõi đời ba lần khát sống hơn những người bình thường khác. Người từ mặt trận trở về đương nhiên hưởng đặc ân trong lòng cộng đồng và khi họ lên tiếng đòi phần hạnh phúc các đối thủ khác không thể cạnh tranh. Hồi nhỏ, Miên đã chứng kiến những cuộc vận động thanh nữ kết hôn với thương phế binh sau cuộc chiến tranh chống Pháp. Lúc đó, chị đang còn ở làng quê cũ, cha chị còn sống và mặt trời còn tỏa rạng trong mái nhà của họ. Hàng xóm kề nhà Miên là một cặp vợ chồng già chuyên nghề đẽo đá. Họ có cô con gái mười chín tuổi tên là Hiền. Hiền là phó bí thư chi đoàn thanh niên nên khi huyện ủy phát động phong trào xung phong kết hôn với thương phế binh để đền ơn đáp nghĩa những người có công với tổ quốc cô giơ tay trước tiên.
… Chị sắp làm vợ một thương binh. Gia đình chị sắp được đền ơn đáp nghĩa tổ quốc…
Hiền bảo cô bé Miên như thế và hứa hôm làm lễ thành hôn sẽ đưa Miên theo…
… Em sẽ tha hồ xem. Nghe nói hội trường huyện treo đèn kết hoa đẹp lắm. Chị em mình sẽ được đi trên thảm nhung đỏ, nhung thật chứ không phải thứ vải láng giả nhung của cô thợ may bên xã Lý hòa đâu…
Hai chị em cười sung sướng, mơ ngày được bước trên thảm nhung.
Hai tuần sau, đúng ngày được thông báo lên huyện nhận chồng, Hiền đã giữ lời hứa dẫn Miên đi theo. Trong xã cũng có vài thanh nữ khác cùng xung phong một lần với Hiền. Họ ăn cơm từ mờ sương, rồi dắt díu nhau đi. Khoảng non bảy giờ sáng tất cả đến huyện. Ðúng như Hiền đã nói, huyện đường treo lồng đèn kết hoa đỏ. Hành lang giăng từng dãy cờ đuôi nheo và các giải phướn ngũ sắc. Gió thổi cờ phướn bay phất phới khiến huyện đường giống sân đình ngày hội. Những phụ nữ và thanh nữ tình nguyện kết hôn với thương phế binh được mời lên ngồi hàng ghế danh dự phủ nhung đỏ. Lễ tân mặc quần áo trắng áo dài bưng các khay bánh kẹo và nước trà mời từng người. Âm nhạc nổi lên. Sau lễ chào cờ bí thư huyện ủy đọc một bài diễn văn dài đặc. Cô bé Miên lúc đó nắm chặt trong tay những chiếc kẹo bọc giấy bóng xanh đỏ đến nỗi chúng chảy nước ra mà không dám bóc ăn. Chẳng hiểu bài diễn văn kia nói gì, nhưng không khí trang trọng lạ lẫm khiến cô sợ hãi. Miên chờ ông bí thư huyện kết thúc bài diễn văn để bóc kẹo ăn. Nhưng khi ông ta vừa đi xuống bà chủ tịch huyện Hội phụ nữ đã bước lên diễn đàn. Bài diễn văn của bà còn dài hơn nữa. Hết bài diễn văn đó, một đoàn thiếu nhi theo tiếng trống tiến vào, mỗi em ôm một bó hoa để tặng những người tình nguyện, họ sắp trở thành vợ mãn đời của các phế binh. Tiếng trống đập ầm ầm giữa hai hàng cột kết hoa đỏ, vang lên tận vòm trần như muốn khuấy động không gian và làm nao nức lòng quả cảm. Lúc đó, Hiền đưa tay nắm chặt tay Miên. Cô thấy bàn tay người thanh nữ lạnh toát, run run. Khi tiếng trống nhỏ dần, người ta chuyển những chiếc cáng phủ chăn hoa sặc sỡ từ căn phòng phía sau sảnh lớn. Các phế binh nằm trên cáng, chìm lút dưới tấm chăn, chỉ nhô lên cái đầu và cặp vai. Mặt anh nào cũng được thoa phấn hồng và môi to son đỏ. Bà chủ tịch huyện hội phụ nữ tuyên bố rằng các cán bộ huyện đã nghiên cứu kĩ lưỡng. Vì thế, việc mai mối sẽ dựa trên các cơ sở chắc chắn và hợp lý tùy lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình và tính tình các cá nhân.
Ðoạn, bà rút trong chiếc túi dết đeo bên hông bản danh sách, sang sảng đọc… Chị Hiền được gả cho một phế binh hơn chị ba tuổi ở cách hai xã. Anh ấy mồ côi nên chị được quyền đón chồng về nhà mình. Lúc đó, Miên thấy Hiền tái nhợt. Chị đứng túm lại với đám bạn gái. Các chị cũng tái nhợt như vậy, người nọ đưa mắt lơ láo nhìn người kia. Một bàn tay Hiền bấu chặt lấy cánh tay Miên. Cứ như thế cho tới lúc bà chủ tịch huyện hội đọc:
– Ðào Thị Hiền…
Hiền giật bắn lên, không nói được lời nào. Bà chủ tịch tươi cười tiến đến, dắt tay Hiền tới nhận chiếc cáng định mệnh:
– Ðây… Người của em đây… Tôi hy vọng em sẽ vui lòng đền ơn trả nghĩa người chiến sĩ đã hiến dâng đời mình cho đất nước…
– Dạ… Em vui lòng…
Miên thấy chị lắp bắp đáp lại. Sau đó người ta khiêng cáng lên một chiếc xe Jep. Hiền dắt Miên theo. Chiếc Jep đưa họ về tận làng. Người phế binh đã tháo khớp hai bên háng và cánh tay trái. Tay phải cụt tới nửa cùi chỏ. Anh giơ chiếc cùi chỏ ấy lên, lúc chạm vào Hiền, lúc chạm vào Miên, thay cho cử chỉ vuốt ve hoặc tỏ bày tình thân thiện. Trên chuyến xe đó, họ mới nói với nhau những lời đầu tiên…
Kỉ niệm tuy xa nhưng chẳng phai mờ. Cho tới ngày cha mất và mấy chị em phải rời xa làng ra đi Miên thường vẫn sang chơi với Hiền. Người con gái ấy đã chấp nhận cuộc sống lứa đôi theo tinh thần tuẫn đạo:
– Này Miên, hôm nay anh ấy đã ăn được bát cơm. Khi nào anh ấy ăn thêm được lưng cơm nữa là chị yên tâm. Ông lang bên xã Lý Hòa chiều qua sang chơi thăm bệnh bảo chị rằng cái đó còn nguyên. Mai rày chị cũng kiếm được đứa con…
Một lần Hiền mừng rỡ khoe với Miên như thế. Lúc ấy, Miên còn nhỏ, chị chưa thể hiểu rõ tường tận câu chuyện giường chiếu của Hiền. Sau này, tưởng tượng tới cảnh ấy, Miên vẫn thường rùng mình xa xót cho người hàng xóm… Bây giờ, chị không ngờ một thứ quả đắng tương tự rơi trúng vào mình:
Dẫu sao, ta cũng còn may mắn hơn Hiền. Bôn đã từng là chồng ta và anh ấy còn nguyên vẹn chân tay…
Miên hình dung lại cặp mắt mịt mờ của cặp vợ chồng người thợ đẽo đá khi nhìn chiếc băng-ca phủ kín chăn được khiêng vào nhà. Và gương mặt Hiền lúc lật tấm chăn lên:
Dẫu sao ta cũng còn may…
Cây giá nến đã được đặt lên nóc tủ đựng ly tách. Năm ngọn nến chiếu sáng. Ba gian nhà vẫn lặng như nấm mồ. Miên vặn vẹo hai bàn tay, mặt cúi xuống. Hai bàn tay chị cọ xát mãi không ấm lên được. Gió cũng ngưng lặng ngoài vườn. Sự im lặng như chất nước thủy ngân. Không chỉ riêng Miên đám người xung quanh cũng đờ đẫn. Mãi sau, người đàn ông ngồi bên trong Miên mới đứng lên:
– Anh Bôn này…
Sơ-mi trắng, quần màu cỏ úa. Chiếc cặp da đen dựng sau lưng, sát tay ghế. Miên nhận ra ông chủ tịch xã, nhưng gương mặt mờ nhạt bồng bềnh. Ông ta khác hẳn mọi ngày:
– Anh Bôn này, hãy nghỉ ngơi cho lại sức rồi sẽ định đoạt mọi chuyện. Như tôi đã nói, sau khi nhận giấy báo tử hai năm chị Miên mới lấy chồng. Như thế cũng đã trọn tình trọn nghĩa. Vợ anh không có lỗi.
Một người đàn bà thấp bé đen đủi ngồi trên bỗng vụt đứng lên:
– Vậy ông chủ tịch nói em tôi có lỗi hay sao?
Miên nhận ra Tá, chính kẻ đã than khóc, hờ gọi lên bổng xuống trầm như hát. Chính cái giọng eo éo kia mà chị đã từng biết một lần trong quá vãng và đã lãng quên. Thấp bé hơn Bôn nhưng cùng sắc da nâu, cùng kiểu mày chữ nhất, lúc này Tá đang giương vây xù lông vẻ như sẵn sàng xả thân để bênh vực em trai, kẻ nối dõi dòng họ Vũ. Chủ tịch xã vốn hiền lành nhưng cứng cựa, ông ta đưa mắt liếc nhìn người đàn bà nhem nhuốc kia với cái nhìn của kẻ bề trên, phẩy cánh tay như để đón lời nói của chị ta không thể chạm vào tấm áo trắng tinh vừa giặt:
– Chị Miên không có lỗi. Anh Bôn cũng không có lỗi. Kẻ duy nhất có lỗi là chiến tranh.
Nói xong, ông quay lại đám đông:
– Bà con ta đến đây thăm anh Bôn như thế là đủ. Xin mọi người ai về nhà nấy để chủ nhân được nghỉ ngơi, trò chuyện. Về phương diện chính quyền xã sẽ thực thi chính sách với anh Bôn như với mọi quân nhân phục viên khác. Hy vọng bà con sẽ giúp đỡ anh Bôn đúng theo tinh thần: Lá lành đùm lá rách và uống nước nhớ nguồn.
Ðám người nghe rõ nhưng chưa quay đi. Họ nấn ná chờ màn cuối. Màn cuối đã diễn ra đúng tinh thần họ chờ đợi, đúng với truyền thống đã lưu cữu trong trí nhớ trong suy tưởng trong cảm thụ của họ: Chủ tịch xã quay lại phía người vợ, nói với giọng nghiêm trang trịnh trọng vừa xa xôi vừa đầy hàm ý:
– Chính quyền cũng như đảng ủy xã không can thiệp vào chuyện riêng tư của bất cứ công dân nào. Chị và anh Hoan đều là những người lương thiện, chấp hành đúng mọi pháp luật của nhà nước. Nay, do tình cảnh éo le chị phải đứng trước sự lựa chọn. Chỉ có chị mới có quyền quyết định cuộc đời của mình. Chúng tôi hy vọng chị sẽ biết suy xét trước khi đi tới quyết định cuối cùng. Như chị đã thấy, anh Bôn là người trực tiếp góp xương máu, cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước. Chúng ta có được cuộc sống thanh bình thịnh vượng, đất nước được độc lập tự chủ là nhờ sự đóng góp của những chiến sĩ như anh Bôn.
Dứt lời, ông xách chiếc cặp đen, bước ra.
Ðám đông lục tục đi theo.
Bôn đăm đắm nhìn Miên. Ánh lửa nến soi ngọn lửa khao khát đang cháy trong mắt anh.
Miên bất giác run sợ khi không còn ai ngồi bên chị. Chị cúi xuống nhưng vẫn nhận biết ngọn lửa dục vọng đang cháy trong mắt anh. Không dám thú nhận nhưng một tiếng thì thầm mách bảo chị rằng anh vẫn chỉ là một hồn ma, hoặc một thứ gì đó tương tự như thế. Một hồn ma biết uống nước trà biết thèm khát đàn bà. Sự ghê rợn luồn lách trong da thịt chị.
Bôn ngượng nghịu lên tiếng:
– Miên vẫn… vẫn khỏe chứ?
Miên ấp ứng đáp.
– Vẫn… Dạ, vẫn…
Hai người lại lặng yên. Người đàn ông run run hỏi:
– Miên, em có… nhớ tôi?
– Dạ…
Người đàn bà bối rối, vừa không dám nói dối vừa không thể nói thật. Ánh khát thèm long lanh trong hai hố mắt anh càng khiến chị kinh hãi hơn. Vài phút lặng lẽ trôi qua. Rồi, cầm lòng không đậu người đàn ông vươn mình chồm qua mặt bàn vồ lấy gương mặt người đàn bà trước đây mười bốn năm đã là vợ anh:
– Miên… Anh nhớ em… Anh yêu em…
Miên co rúm người lại. Chị không dám thẳng tay đẩy gương mặt Bôn đang chồm tới, đành né sang một bên. Nhưng chị đã ngửi thấy hơi thở nóng hổi của anh phả trên da, hơi thở rừng rực như hơi thở kẻ đang lên cơn sốt, lạ hoắc và rất nặng mùi. Chị ghê sợ khi nghĩ rằng ngày mai ngày mốt, tuần sau, tháng sau, năm sau, và mãi mãi chị sẽ phải chung sống với anh, người đàn ông đã trở thành bóng ma trong tim chị, người đàn ông có hơi thở không thể nào chịu đựng…
Không, không…
Bôn thu mình ngồi, lặng lẽ.
Miên không nhìn anh nhưng chị biết anh sẽ ngồi đó, kiên nhẫn, lì lợm, ngày nọ qua tháng kia dai dẳng hơn tất thảy những dai dẳng của cõi đời. Linh tính bảo chị rằng đối với kẻ từng là một hồn ma, cuộc đời dương thế sáng giá hơn trăm lần và họ sẽ chiếm đoạt nó bằng mọi giá. Chị không còn lối thoát. Người đàn ông đen đủi kia sẽ đòi bằng được điều anh ta muốn. Mọi người sẽ đứng về phía anh ta. Dù chủ tịch xã tuyên bố trước đám đông rằng chị có quyền lựa chọn phần đời phía trước của mình nhưng đó chỉ là những lời cho phải phép. Sau những lời lẽ đó, họ bỏ phiếu cho Bôn. Họ thương Bôn. Người lính. Kẻ lưu lạc. Kẻ bị đọa đầy. Kẻ đã hiến tuổi trẻ cho dân tộc, trong một cuộc chiến tranh vô tiền khoáng hậu. Bôn, người thua thiệt. Kẻ đã đánh mất một phần đời giờ quay lại đòi phần đời còn sót…
Họ có lý của họ. Chị biết vậy. Bởi chị cũng thương Bôn. Nhưng vì sao mọi người không nghĩ tới cái lý của chị? Chị đã yêu Hoan. Cuộc sống của chị, cả tâm hồn lẫn thân xác đều đã gắn bó đã hòa nhập với người đàn ông mới… Chị không còn yêu Bôn nữa. Mối tình le lói thời con gái chưa kịp nở đã tàn trụi đã rữa nát với thời gian. Làm sao một người đàn bà đang sống cuộc sống nơi dương thế có thể còn ôm ấp, và sẻ chia giường chiếu với một thây ma đã rữa nát dưới mồ?
Miên biết không ai thèm để tâm tới những gì chị nghĩ. Không ai trả lời chị.
Người đàn bà gục mặt xuống, khóc như đứa bé bị đuổi khỏi nhà.
***
Chương 2
Khoảng tám giờ tối dì Huyên sang. Bà nói dáo dác từ giữa sân:
– Sao hai người ngồi im như bụt mọc thế? Chẳng cơm nước gì à?
Nói rồi bà bước lên bậc tam cấp. Bôn hỏi:
– Dì đi đâu lâu thế?
Bà nói:
– Tôi phải đưa thằng bé đi chơi. Nó quen chơi rong, ngồi nhà không yên.
Nói rồi bà mở cửa gian buồng bên trái, đối diện với phòng ngủ của Miên, nơi bà thường ngủ trưa với cu Hạnh. Vừa đẩy cánh cửa bà vừa lẩm bẩm:
– Quái lạ, không biết cây đèn để đâu?
Lục sục trong đó một lát bà lại quay ra, tay cầm cây đèn pin:
Phải thắp đèn lên. Cả sân lẫn bếp tối mò. Chút nữa tôi trượt chân ở cổng.
Nói đoạn bà bấm cây đèn pin, xuống bếp. Ánh đèn pin quét qua quét lại loang loáng trên khoảng sân rải rác lá úa. Vườn nhà rộng, đủ loại cây, lá rụng quanh năm. Vài phút sau, hai ngọn đèn được bật sáng. Dì Huyên đặt một ngọn trên bờ tường hoa, và ngọn kia treo nơi cửa bếp. Xong xuôi, bà gọi:
– Này Miên, muốn sao cũng phải nấu cơm, đừng bỏ bữa.
Miên lên tiếng:
– Dạ.
Bà nói tiếp:
– Cu Hạnh ngủ rồi… Hay đêm nay để nó ngủ lại với dì?
Không, không được.
Miên bật đứng dậy tức khắc:
– Ðể cháu sang đón nó.
Dì Huyên nói:
– Không cần… Giờ cháu hãy rửa mặt cho tỉnh, nấu cơm đãi anh Bôn. Chẳng gì, cũng là người đi xa mới về… Khi nào cơm nước xong, dì sẽ cõng thằng bé sang. Tôi cầm cây đèn pin đây rồi. Không sợ ngã.
Bà nói thong thả, khô và gọn như lấy dùi gõ từng nhịp xuống mõ. Nói xong bà quay lưng đi. Ánh đèn ve vẩy theo tay bà ra lối ngõ. Miên đứng dậy, rút chiếc khăn mặt phơi trên sợi dây căng trước hiên, đi ra bể nước. Chị múc vào chiếc thau đồng, vục mặt vào thau nước lạnh vừa rửa mặt vừa tiếp tục khóc. Hơi thở chị làm sủi từng tràng bong bóng trong chậu nước. Người đàn bà vục mặt vào thau nước lạnh hồi lâu chờ cơn khóc nguôi mới lau khô mặt quay lên nhà. Tới trước Bôn, chị hỏi:
– Anh muốn ăn cơm hay ăn cháo?
Giọng chị khô lạnh và bình thản như mười bốn năm qua chỉ là giấc mộng trôi vèo, như chị vẫn thường hỏi anh như vậy vào lúc chiều buông:
– Anh muốn ăn cơm hay đi đường mệt, cần phải ăn cháo?
Bôn ấp úng. Dường như không hiểu Miên nói gì. Dường như cái câu nói thường nhật kia anh đã chờ đợi mười bốn năm qua xẹt tới như tia sét ngang tai khiến anh choáng váng:
– Anh muốn… muốn…
Anh lắp bắp, ngẩng nhìn chị:
Tùy… tùy Miên, ăn chi cũng được…
Nếu Miên nhìn vào mắt anh lúc ấy, chị sẽ thấy bao nhiêu âu yếm dâng đầy. Sẽ thấy trong ánh mắt anh không chỉ tình yêu mà còn sự tòng phục không chỉ lời van nài mà còn sự quỵ lụy không chỉ cơn khát thèm mà còn sự hoảng loạn của nỗi cô đơn trường niên tất thảy những thứ tình cảm pha trộn đó, chị sẽ nhận ra ánh lửa của mùa hè mười bốn năm trước đang tỏa rọi. Thời gian không làm ngọn lửa ấy tàn phai mà thổi bùng lên đám cháy rực rỡ của một trời phượng đỏ.
Nhưng Miên không nhìn anh. Không mảy may dừng ánh mắt lại trên gương mặt trên thân hình thậm chí cả khoảng không gian bao bọc anh. Chị chờ Bôn buông vài tiếng, liền quay đi rất nhanh. Chị xuống bếp lấy gạo vo gạo soàn soạt nơi bể nước. Chị nổi lửa đặt nồi cơm. Nồi cơm cạn, chị gạt than đoạn đi tới chuồng gà. Mở cửa chuồng, thò tay khoắng một nhát tóm gọn bất cứ con vật xấu số nào lọt tầm tay. Gài chốt cửa chuồng gà, trói chân con gà bằng một đoạn dây gai, một chân chặn cả chân lẫn cánh con vật khốn khổ, một tay nắm cổ nó, tay kia vặt lông, và sau đó cắt tiết. Con gà chỉ dãy được hai giây là chết hẳn. Miên lấy phích nước sôi lớn đổ ra chậu làm lông gà. Khi gà làm xong, chị vớt vài củ măng ngâm trong vại ra thái. Tay đưa dao đều đặn, ngọt xớt không sai một ly. Những miếng măng mỏng tăm tắp rơi xuống rổ. Thái xong, chị hất măng vào chiếc xoong nhôm, đổ nước đặt lên bếp luộc. Lửa lại bùng lên, bọt của sôi xèo xèo, ánh lửa phản chiếu trong đôi mắt thủy tinh của chị. Cặp mắt đông cứng, giá buốt. Chúng nhìn vào cõi nào đó bên ngoài thế giới chị đang tồn tại.
Trên nhà, Bôn ngồi im nhìn vợ. Mọi cử chỉ của chị khiến anh sợ hãi. Tất thảy đều chính xác, dứt khoát, thành thục… Nhưng tất thảy là cử chỉ của cái xác không hồn. Miên vừa đổ nồi măng xuống chiếc rổ tre. Làn hơi bốc lên vây phủ gương mặt chị. Khi hơi nước tan đi, Bôn lại thấy những bắp thịt đông cứng nơi cằm, trên hai gò má Miên. Gương mặt chị như đẽo bằng đá, không mảy may rung động:
Miên, em đã hoàn toàn quên tôi, em đã quên khoảnh khắc em trở thành cô dâu và tôi trở thành chú rể. Với tôi, nó thiêng liêng biết bao. Tôi đã ghi nó trong trí não tôi suốt mười bốn năm dài. Còn em, chắc em không muốn nhớ… Lẽ nào em đã quên cái đêm đầu tiên… Ðêm ấy, những con bướm trắng lao xuống cây đèn đặt trong góc căn phòng, và sáng hôm sau chính em lấy chổi vun xác chúng lại…
Bôn thấy sợ hãi, thấy chônh chênh. Làm sao anh dám hôn lên cặp môi mím chặt kia, hôn lên gương mặt đông cứng như nước đá. Anh rót một chén trà, uống cạn, chất nước nóng làm hồi lại các mạch máu tê cứng trong tim anh, đem cho anh chút can đảm…
Có thể Miên đã quên và cũng có thể Miên chưa quên nhưng không muốn quay lại nhìn quá khứ… Mười bốn năm đâu phải quãng thời gian ngắn ngủi… Miên đã chung sống với một người đàn ông khác và họ đã có đứa con trai. Ðàn bà vốn sợ đổi thay. Họ không muốn xáo trộn cuộc sống… Ta phải chờ đợi… Phải học cách chờ đợi. Thời gian sẽ làm tình yêu cũ sống lại… Phải biết chờ. Rồi những mầm cỏ tranh sẽ nảy mầm khi mùa Xuân tới, qua mọi lớp than tro… Tiểu đội trưởng bảo ta nhiều lần: “Chiến tranh, thằng nào lì đòn thằng ấy thắng. Cuộc đời cũng như trận mạc, thằng nào lì đòn thằng ấy thắng”.
Ý nghĩ sau chót khiến anh trở lại bình tĩnh. Anh rót thêm chén trà nữa và lại uống cạn. Ngoài sân, tiếng nước xối ào ào. Miên rửa mớ măng luộc trước khi nấu. Anh thấy chị xóc rổ măng vài lần cho ráo nước rồi mang vào bếp. Lần này, ánh lửa rọi thẳng vào mặt người đàn bà khiến anh nghẹt thở. Niềm lạc quan anh vừa lấy được bỗng tan biến. Gương mặt thạch cao của Miên đã gợi cho anh hình ảnh một bãi mìn: Bãi đất trống trơn, cồn ụ lô nhô, bờ cỏ vụn xen những hàng dây thép gai nghiêng ngả và những hố bom cỏ chưa kịp phủ dầy… Bãi mìn. Vùng đất hoang. Anh có thể nào cư trú?
Không, không, không… ta không được để những ý nghĩ u ám tấn công. Có thể đó là di chứng của những cơn trầm uất năm xưa, khi ta sống giữa rừng hoang, cũng có thể là di chứng bệnh gan và sốt rét. Khi máu cạn, tim sẽ lạnh theo và tâm hồn trở nên tăm tối. Ta trở về quê hương, vượt qua bao năm tháng chết chóc đói và bệnh… Ta phải tìm lại hạnh phúc đã mất, ta phải tìm nó với bất cứ giá nào…
Bôn nhớ lại những lần làm lễ xuất quân. Ðám lính cũng như các sĩ quan đều giơ tay tuyên thệ dưới cờ: Quyết thắng. Tiếng hô của họ âm vang rừng già, không còn là tiếng người nữa mà giống lời sấm truyền của một vị thần linh hiển…
Hồi ức về các buổi lễ xuất quân khiến Bôn nao nức. Anh thề với chính mình, tựa hồ làm một cái lễ xuất quân đơn lẻ cho riêng anh, chính anh: Anh thề tìm lại những gì đã mất.
Ngoài ngõ có tiếng chân bước. Rồi dì Huyên nói vọng ở đầu sân:
– Nào, cơm nước xong chưa, tôi cõng thằng bé sang đây.
Miên đáp vọng dưới bếp lên:
– Con đang giở tay chặt gà, dì đặt cháu vào giường cho nó ngủ.
Bà già cõng thằng bé trên lưng, cẩn trọng quét ánh đèn pin lên từng bậc tam cấp trước khi bước. Ðứa bé vẫn ngủ ngon lành đầu ngoẹo trên vai bà hai tay buông thõng. Ánh nến soi làn da trắng nõn như mỡ đông, như vỏ trứng gà.
Nó có màu da của Miên, cũng có thể màu da cha nó, cái người đã là chồng Miên hơn bảy năm nay. Kẻ may mắn ấy hẳn có làn da trắng, chẳng giống như da mình…
Bất giác Bôn giơ cánh tay lên soi dưới nến. Da anh vốn đen. Thời anh trẻ, nó là màu đen ròn ánh hồng máu huyết và sinh lực. Năm tháng qua đói khát và những cơn sốt rét đã hút vơi máu trong huyết mạch, pha vào làn da anh sắc chì ảm đạm khiến nó xỉn đi, như mảnh vải thâm cũ ải.
Dì Huyên đã cõng đứa bé vào buồng. Nó ú ớ vài tiếng:
– Mẹ… Mẹ… Miên… iên…
Rồi lặng im. Hẳn nó đã ngủ lại. Khoảnh khắc sau, dì Huyên bước ra. Bà hỏi:
– Sao anh còn ngồi đấy? Không đi tắm cho sạch bụi đường?
– Cháu chờ Miên?
– Chờ đợi làm gì cho rách chuyện? Người nào việc nấy chứ? À mà tôi quên mất, phải đun cho anh nồi nước lá tẩy trần. Ðó là phép các cụ đã dạy…
Nói đoạn bà tong tả đi xuống bếp:
– Còn gì để tôi làm nốt, đun cho anh Bôn nồi nước lá.
– Chỉ còn việc dọn mâm thôi.
– Ðược, đưa đĩa thịt cho tôi. Thái lá chanh rồi hả, rắc lên đây. Ðể tôi lấy đĩa muối tiêu đã…
Bóng hai người đàn bà đi đi lại lại trong khuôn cửa bếp. Bếp ở đây còn cao hơn những nóc nhà bình thường. Chắc hẳn đồ vật trong đó sang trọng như những phòng ăn và bếp nấu ở các thành phố anh từng thấy.
Bà già lại cất tiếng hỏi:
– Hai người ăn cơm ở đây chứ?
– Không.
Tiếng Miên đáp tức thì:
– Ăn trên nhà khách. Dì cứ để đấy lát nữa con bưng lên.
– Thôi được.
Dì Huyên đáp và trở lại nhà trên. Bà thay những ngọn nến sắp tàn, đoạn ngồi xuống ghế, đối diện với Bôn:
– Anh cứ uống trà mãi mà không thấy cồn ruột hay sao? Thôi, để bụng ăn cơm.
Bôn đang đưa chén trà lên môi vội ngừng tay hạ xuống. Quả thật, anh đã liên tục uống trà từ sáng tới giờ như cái máy. Bối rối trước những lời lẽ thân tình của bà, anh lúng búng hỏi:
– Dì vẫn mạnh khỏe chứ ạ?
– Khỏe, tôi vẫn khỏe…
Bà đáp. Bôn chợt nhớ từ lúc bước vào ngôi nhà này tới giờ anh đã lặp lại lời hỏi thăm lạt lẽo đó bốn lần. Thực ra, giữa những gương mặt ít ỏi sót lại trong trí nhớ của anh, không có bà, mặc dù bà là đại diện nhà gái duy nhất trong lễ cưới của họ. Bà là người gần gũi duy nhất với Miên ở xóm Núi. Theo quan niệm thông thường, gia đình Bôn tuy nghèo nhưng vẫn là dân gốc sở tại. Miên là người ngụ cư, sau khi bố mẹ chết dì Huyên đã đón mấy chị em cô tới đây. Một lát bối rối, Bôn chợt nhớ dì Huyên vốn có nghề nuôi tằm, anh hỏi:
– Dì vẫn nuôi tằm ạ?
– Phải, khắp vùng này chỉ còn bà Xuyến thôn Hạ và tôi nuôi tằm kéo tơ. Chẳng bán được cho ai, chúng tôi đem tơ xuống huyện thuê người dệt. Ðược tấm nào chúng tôi may áo quần tấm nấy, thế cũng sung sướng hơn người.
Ðúng như bà nói, bà mặc bộ quần áo thuần tơ nhiên vàng óng, chẳng giống chút nào những sơn dân lam lũ quanh năm mặc quần áo đen ở nơi đây.
Bà già này đài các thật. Dường như số bà luôn may mắn. Khi ta ăn hỏi Miên, bà đã tỏ ra lạnh nhạt vì gia cảnh của ta bần hàn. Giờ đây, so với bà hẳn ta còn bần hàn hơn nữa… Nhưng cần phải lấy lòng mụ già này, ấy là người có ảnh hưởng rất lớn với Miên.
Dì Huyên đưa mắt nhìn Bôn, cái nhìn bình thản nhưng không che đậy vẻ dò xét:
– Ngày nay đông người quá không tiện hỏi. Vậy anh đã được lệnh phục viên?
– Ðúng ạ
– Sao hồi trước gửi giấy báo tử? Vẫn cùng một bàn giấy làm ra hay sao?
– Dạ. Cũng vẫn quân đoàn nơi đơn vị cháu trực thuộc. Hồi trước, cháu bị lạc, kẹt mất hơn sáu năm trên đất Lào. Sau giải phóng mới tìm cách liên lạc với đơn vị cũ…
– Tôi hiểu. Xưa các cụ kể có ông quan đi xứ, lạc vào đảo khỉ lấy khỉ làm vợ, đẻ được hai mặt con mới có thuyền ghé ngang đón về quê… Vậy anh làm đến chức nào trước khi xuất ngũ?
– Dạ… cháu kém tiến bộ, chỉ mới tới hàm thượng sĩ thôi.
Ngập ngừng một chút anh nói thêm:
– Cháu bị thiệt hơn sáu năm kẹt ở xứ người… Rồi lại mất hơn một năm đơn vị điều tra mới xác minh được lý lịch…
– A… a…
Bà già cất tiếng kêu bâng quơ, không hỏi gì thêm nữa. Cũng vừa lúc Miên bưng mâm cơm lên:
– Anh ăn cơm hay chờ tắm?
– Tùy Miên… Tôi thế nào… cũng được…
Dì Huyên bảo:
– Hãy bỏ mâm cơm ở đó. Tắm sạch bụi đường ăn cơm mới ngon.
Miên lặng lẽ quay ra không ngó vào mặt Bôn. Anh cúi gằm mặt xuống nhận biết rõ rệt nỗi nhục xuyên qua lưỡi dao nhọn qua tim mình. Nhưng anh cắn răng, nuốt nước bọt. Thân thể nồng ấm của người đàn bà đang chuyển động. Chị càng rời xa anh, mùi hương nhục cảm càng theo gió bay lại, đậm đặc hơn, rạo rực hơn. Như chị là một loài công, loài trĩ lạ kì. Những con con công, con trĩ truyền hơi hám dục tình lên sắc lông rực rỡ. Còn chị, chị truyền dòng điện mê hồn vào không gian vây quanh, biến nó thành một từ trường nhiễm đầy mùi da thịt của chị, hơi thở của chị, cả mùi chua thoang thoảng của mồ hôi đọng sau gáy và trong hai kẽ nách. Miên đã xuống hết bậc tam cấp, ra sân, nhưng những luồng sóng nhục cảm đầy nữ tính trộn mùi thơm của nhành hương nhu gài nơi búi tóc chị làm không gian đặc sánh ngây ngất:
… Cô ấy không thèm ngó vào mặt ta, dù một lần… Cô ấy đã trở thành người xa lạ, hoàn toàn xa lạ…
Người chồng đau đớn thú nhận, nhưng ngay khoảnh khắc ấy anh cũng hiểu rằng giờ đây anh còn đam mê, thèm muốn và ngưỡng vọng Miên hơn trăm lần cô gái mảnh mai anh đã cưới mười bốn năm về trước:
Em không thèm nhìn tôi một lần. Sao em ác thế? Chẳng lẽ tôi đã thay hình đổi dạng tới mức em không còn nhận ra chút bóng dáng nào của người đã từng là chồng em? Không, dù năm tháng đã qua nhưng tôi vẫn nguyên thân xác cũ, nguyên vẹn chân tay, không vết thương mặt, không bị lửa na pan đốt da cũng không xém thuốc đạn – thứ vết thương bắt con người mang suốt đời những mảnh da sần sùi, lỗ chỗ hạt đen… Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội, còn nguyên dạ dày lẫn gan, lách, chỉ một vết thương phần mềm giờ sẹo đã mờ. Nước da tôi có xấu đi nhưng đâu đến nỗi thành quỷ khiến em phải sợ hãi? Vậy vì lý do nào em ngoảnh mặt đi?.
Người chồng cất tiếng hỏi, rồi anh tự đáp lời:
Cô ấy đã quên ta, trái tim cô ấy đã chứa đầy hình ảnh người đàn ông khác. Còn ta, ta vẫn mang cô ấy đi theo suốt gần ấy năm ròng… Ngu muội. Bất công…
Những lời giải đáp cất lên rất sẽ sàng, yếu ớt, và Bôn làm như không nghe thấy. Ðối với anh đó là khung cảnh ghê rợn anh không dám mở to mắt nhìn, là chiếc rương lớn giam giữ nguy hiểm và tai họa anh không dám mở…
Miên vào bếp. Chị bưng một xoong lớn đặt lên bếp. Hẳn đó là nồi nước lá tẩy trần của anh. Nồi đó ước phải nặng hơn trái đạn B40. Cánh tay người đàn bà trắng ngần nhưng rất khỏe. Lúc này Bôn mới nhận ra Miên cao lớn, đẫy đà hơn ngày họ cưới nhau nhiều. Cặp mông tròn đầy, nây nẩy theo bước đi khiến lớp lụa quần sóng sánh. Ðôi vú qua thì sinh nở căng đầy dưới tấm áo màu lam. Khoảng da cổ hở ra trắng nõn nà, trắng hơn hết thảy những người đàn bà từng gặp trong các thành phố phương Nam: Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Phan Rang, Phan Thiết… Người đàn bà dưới chân giải Trường Sơn, nơi gió Lào táp lửa se xém cỏ cây lẫn da thịt, vậy mà Miên trắng lạ lùng. Nhất là khi ánh lửa rọi vào tấm áo lam, cát lụa bắt sáng hắt vào khoảng da cổ Miên thứ màu sắc ngon lành khiến họng anh tắc lại:… Em đẹp hơn xưa nhiều. Em đã sống qua bao nhiêu giờ phút trong tay người đàn ông đó? Ðã bao nhiêu lần anh ta hôn lên cần cổ trắng ngần kia? Một, hai, ba, bốn, năm trăm hay tới cả nghìn lần? Hơn bảy năm, hơn hai ngàn năm trăm ngày đêm. Mỗi đêm họ hôn nhau bao nhiêu lần và trong khoảng thời gian ấy họ đã làm tình bao nhiêu lượt?
Bôn lại nuốt nước bọt. Cơn ghen làm anh xây xẩm mặt mày. Anh tưởng tượng cảnh ái ân giữa Miên với người ấy. Sau đó tự sỉ nhục mình. Rồi sự tò mò đau đớn kia lại cắm ngập móng vuốt của nó vào tim anh. Và anh nhổ những chiếc móng sắc nhọn đó ra, ròng ròng máu chảy:
Sao ta ghen tuông nhỏ nhen nhục nhã? Ta đã từng chung chạ với những người đàn bà xa lạ dọc đường chiến tranh. Ta cũng đã sống cuộc sống chồng vợ với người đàn bà ở bản Kheo trên đất Lào ngót sáu năm trời… Ta không có quyền ghen với Miên… Miên không có lỗi và ta cũng không có lỗi.
Nhưng sau những dàn xếp với bản thân, trái tim anh vẫn bật lên lời than van, ấm ức:
Nhưng em, người vợ của tôi, sao em nỡ nhạt tình đến thế? Không lẽ em đã đánh mất hoàn toàn trí nhớ, không lẽ em đã quên cái đêm đầu tiên của chúng ta… Quên ngọn đèn và lũ thiêu thân vờn quanh ánh lửa?
Tâm hồn anh rên rỉ, bởi với anh, đó là đêm thiêng liêng nhất đời người. Cái đêm lấp đầy anh, đêm ám ảnh anh suốt quãng thời gian xa cách…
Ðêm ấy trăng hạ tuần lên muộn. Hầu như không có trăng. Tối mù. Ðám cưới tan, ai xách đèn về nhà nấy. Ông chủ hôn hô hào lũ thiếu niên thu dọn những tấm bạt che, những bình hoa giấy, đoạn dẫn họ về trụ sở thôn ăn cháo. Buổi sớm phường săn ngả được con nai đem cho ông một đùi. Ông có ý dành đãi bọn trai làng đã phụ giúp đám cưới của Bôn và Miên. Khi ông kéo lũ trai đi rồi, người chị ruột của Bôn cũng gọi lũ con vào buồng ngủ. Chị ta tắt đèn. Căn nhà chợt tối om. Lúc đó, Bôn đang ôm chặt Miên, mê mẩn:
– Miên, Miên ơi, Miên ơi…
Anh tiếp tục gọi dù Miên không đáp lời, thân thể cô cứng ngắc và hai tay bấu chặt vào tay anh cũng cứng ngắc. Bôn phải gọi lượt thứ ba, và trùm tấm thân nóng rãy của anh lên cô Miên mới bật kêu:
– Ðừng… Ðừng. Em sợ.
Anh dừng lại:
– Em sợ gì?
– Em sợ… Em không quen ngủ trong bóng tối… Em sợ ma…
– Nhưng em đã là vợ anh… Em không ngủ với dì Huyên mà ngủ với anh. Chẳng có gì đáng sợ…
– Không… Không thể được. Dì Huyên vẫn quen để đèn đêm… Em sợ bóng tối.
Bôn ngẫm nghĩ một giây:
– Thôi được.
Anh mò mẫm tụt xuống giường, mò mẫm quơ đôi dép rồi tìm cây đèn châm. Khi anh quẹt lửa, tiếng người chị từ buồng bên vọng sang:
– Thắp đèn làm chi cho tốn dầu?
– Mặc tôi.
– Ðồ dở hơi, đêm động phòng còn khêu lửa…
Bôn không đáp, anh đặt cây đèn vào góc khuất, lại lấy cuốn vở che thêm. Như thế, ánh sáng không thể rọi thẳng vào chiếc giường hợp hôn của họ.
– Nào, đã hết sợ chưa?
Anh thì thào.
– Ðược rồi.
Miên đáp và thở một hơi dài nhẹ nhõm.
Bôn cúi xuống mở chiếc nút đầu tiên nơi cổ Miên. Lúc ấy, cô đang ngoảnh mặt nhìn ngọn đèn nói:
Ở đây nhiều bướm đêm hơn nhà em… Xem kìa, lũ bướm đã xoay kín bóng đèn…
Nhưng Bôn không nghe hết lời Miên nói, anh đã mở hết hàng cúc áo, anh lột tấm vải vô tích sự ấy đi, và anh quên hết mọi thứ trên đời…
Ðêm ấy, ngọn lửa đèn thiêu chết bao nhiêu con bướm trắng dại khờ, Bôn không rõ. Anh đã làm tình thâu đêm tới lúc trời rạng sáng. Khi nhìn rõ vòm lá soan đung đưa trên vòm trời, trắng đục, anh bước xuống tắt đèn, rồi sau đó hai người mê mệt ngủ…
Nếu không có chiến tranh và chúng ta lại tiếp tục cuộc sống lứa đôi. Tôi và em, vẫn mặn nồng như xưa, hơn xưa… Bây giờ, cần phải có thời gian để khôi phục lại…
Ngày ấy, tình yêu tuổi mười bảy và sức lực của gã trai làm tình mà không đếm nổi lượt làm tình… Dĩ vãng ngắn ngủi xa xôi. Quá xa xôi. Thời đó những cuộc kết hôn của lính trẻ trước ngày ra trận thường vội vã và họ cũng vội vã tận hưởng ái tình với vòng quay của những con thiêu thân quanh lửa… Bôn biết vậy. Nhưng dẫu sao những đêm si cuồng ngắn ngủi đó đã in dấu quá sâu đậm trong tâm hồn anh, chối bỏ tất cả những gì làm thương tổn chúng. Anh đã mang những đêm say đắm ấy suốt bao năm ròng. Anh tin chúng tồn tại mãi mãi… Mãi mãi…
… Ngày xưa, có một vị tướng già đã trải gần hết cuộc đời ngoài trận mạc. Khi đất nước thanh bình, nhà vua hỏi ông muốn phong tước hầu hay muốn đất đai. Vị tướng già từ chối tước hầu. Vị vua thắc mắc: Vì sao khanh đổi bổng lộc chốn đỉnh chung lấy thân phận một viên chúa đất? Ông liền đáp: Thần cần đất bởi đất nuôi người. Thần muốn có ba chục đứa con. Ðất bệ hạ ban sẽ được cắt thành ba mươi mảnh, dựng ba mươi ngôi nhà. Sau này, ba mươi đứa con thần sẽ theo gương cha chúng mà làm. Hai trăm năm sau dòng họ của thần sẽ cai quản cả xứ… Vua cười ngất và bảo: Nay râu khanh đã dài tới rốn mà còn ước đẻ ba mươi đứa con trai… Khanh có phép thần nào vậy? Vị tướng nghiêm trang đáp: Lũ con thần bị nhốt trong bụng cha chúng suốt mấy chục năm qua đang nôn nóng chờ đợi, giờ chỉ cần chọn ngày lành tháng tốt cho chúng qua cửa… Quả nhiên, vị tướng già đã sinh đủ ba mươi đứa con trai mới chịu nhắm mắt giã biệt cõi đời… Câu chuyện này tiểu đội trưởng thường kể… Miên ơi. Tôi không phải là tướng, tôi chỉ là một thượng sĩ quèn nhưng vẫn đủ sức cho em ba bốn đứa con trai… Chỉ cần em quay mặt lại…
Miên vẫn đứng trước nồi lá tẩy trần. Nước bắt đầu sôi, hơi phun phì phì nơi mép xoong. Mùi hương nhu, lá sả, cỏ thơm tỏa ngát lừng.
Dì Huyên lên tiếng:
– Kìa, anh chuẩn bị mà đi tắm.
Bôn giật mình. Trong lúc anh đắm chìm vào cơn suy tưởng, bà già vẫn ngồi nhâm nhi uống nước trà và hẳn không ngừng quan sát anh. Không chờ anh đáp, bà nói tiếp:
– Nước thơm rồi, anh đi mà tắm… Tôi về ngủ đây.
– Cháu chào dì.
Bà vung vẩy cây đèn pin, xuống sân. Từ dưới bếp, Miên vùng chạy ra:
– Dì, dì ơi… Dì ngủ lại với cháu…
– Thôi, để dì về…
Và rất nhanh, bóng bà chìm trong đêm tối.
Bôn thầm hớn hở: Giờ chỉ còn Miên với anh trong ngôi nhà này và như thế, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Mùi thơm hăng ngái của nồi nước lá làm không gian như nóng sực lên, tựa mùi tóc đàn bà trộn lẫn mùi giường chiếu gối chăn, mùi những đêm xuân và những cánh hoa ngọc lan héo dần trong túi áo…
Nước được rồi. Anh đi tắm.
Miên đã bưng nồi nước vào phòng tắm. Chị đặt thêm cây đèn rồi lên nhà trên vào buồng. Bôn nghe tiếng then cài cửa buồng và con chốt vang lên khô khốc. Một cảm giác nửa hẫng hụt nửa buồn tủi len vào tâm hồn anh. Nhưng anh cúi xuống chiếc ba-lô dưới chân, rút ra bộ quần áo thu đông còn khá mới, cùng chiếc quần đùi phin trắng vừa mua trên sân ga Nha Trang, rồi đi xuống phòng tắm.
Cây đèn rọi sáng căn phòng rộng chừng sáu thước vuông, quét vôi trắng.
Rộng gần bằng gian buồng của ta ngày xưa, nhưng cao hơn và có trần…
Bôn nghĩ. Anh ngửa mặt nhìn trần nhà phẳng lì quét vôi trắng lốp, không vết ố nhỏ hoặc màng nhện chăng. Sạch và sang trọng quá. Trước đây khi cưới Miên, anh đã đón chị về gian buồng tồi tàn của mình. Cha mẹ anh để lại ba gian nhà gạch xây mộc, tường không trát vữa, trên lợp lá gồi. Một tấm liếp tre dán giấy báo cũ ngăn đôi giang sơn. Ngày cưới Miên, đám trai làng dán đầy những chữ Hỉ bằng giấy đỏ và những đôi chim câu lên tấm liếp ấy.
So với gian buồng cũ phòng tắm của em sang trọng hơn nhiều. Em đã sống một cuộc sống khác xưa. Cuộc sống ấy tôi biết không bao giờ chạm tới?
Ý nghĩ đó khiến Bôn bủn rủn chân tay… Gian buồng cũ, cái thiên đường nhỏ bé của riêng anh chỉ rộng hơn phòng tắm này chút ít, kê vừa chiếc giường đôi với chiếc kệ gỗ trên đó chất chồng những thúng đựng bắp đựng lạc, đựng ớt khô. Góc buồng là chum gạo. Trên nắp chum, đặt chiếc giỏ mây của Miên, nơi cất giữ tư trang của người đàn bà trẻ. Bôn vẫn thường lục lọi chiếc giỏ mây đó, xem những tấm mù soa thêu, sổ tay Miên chép bài hát và dán ảnh. Có một lọn tóc của Sương, em gái Miên. Con quay gỗ của An, em trai út. Mấy chiếc cặp tóc và vài sợi len đỏ… Căn buồng nghèo nàn, tường gồ ghề gạch vữa ấy từng là thế giới thần tiên của anh. Vào thời khắc yêu đương, vệt nắng lọt qua khe cửa hay ánh trăng rọi từ lỗ thủng mái gianh đều là ánh sáng thiên đường… Giờ đây, trong căn phòng tắm sạch sẽ thơm tho này, anh hồi nhớ cảnh cũ, nhớ những hình cắt lòe loẹt dán trên lớp giấy báo ố vàng, nhớ cái màn cuốn như vó tôm trên chiếc giường gỗ mộc, trên đó bụi, mủn lá rụng, màng nhện xác thiêu thân cũng những con cuốn chiếu đọng đầy….
Liệu ta có đủ can đảm đưa Miên về sống lại trong gian buồng cũ hay chăng?
Anh nghĩ. Và không còn dám nghĩ tiếp. Óc não anh quay đảo. Một cơn gió đẩy cánh cửa gỗ khiến anh hoảng hồn. Anh vội quay lại gài chốt cửa. Cánh cửa gỗ gụ đánh véc-ni bóng nhẫy khiến phòng tắm này mang dầy nét thôn dã. Nếu ở thành phố, hẳn người ta đã dùng cửa nhôm hoặc nhựa sáng màu. Nhưng đây là miền thôn dã, và dân giàu có ưa dùng đồ gỗ. Phần còn lại, hoàn toàn giống các phòng tắm sang trọng trong khu nhà ban chỉ huy quân đoàn ở: Thay vì sợi dây sát tường để vắt quần áo là hai hàng giá móc bằng thép không rỉ. Thay vì chum nước đặt góc buồng là một vòi nước lớn bằng đồng gắn hẳn vào tường, ăn thông ra bể chứa nước lớn phía sau. Một thau men mới tinh và chiếc khăn mặt còn nguyên nước hồ chưa giặt. Trên bức tường đối diện với nơi gắn vòi nước, treo tấm gương hình bầu dục, phía dưới gắn một hộp gỗ dài đựng bàn chải, thuốc đánh răng và vài bánh xà-phòng thơm. Bôn treo quần áo lên móc, chợt nhìn thấy một chiếc quần đùi. Tim anh thót nảy lên:
Chắc chắn đây là quần của người ấy…
Miên vô tình không thu cất. Nghe nói anh ta xuống thuyền đã vài hôm, đưa tiêu vào Ðà Nẵng bán. Chiếc quần đùi bằng hàng len màu xám viền sọc đỏ. Nó hút lấy mắt Bôn. Bởi anh đã trót treo chiếc quần đùi vải phim của mình bên cạnh. Sự khác biệt giữa hai đồ vật tố cáo một cuộc so đo không ngang sức, một tỉ thí bất ngờ không định trước mà trong cuộc tỉ thí ấy thắng bại đã được ấn định từ khi các đấu thủ chưa kịp ra đòn.
Bôn đứng lặng, trân trân nhìn chiếc quần đùi của tình địch như con bệnh tâm thần rồi khoảng khắc sau, không nén được lòng anh giơ tay kéo nó xuống. Lớp vải dệt mềm mại chạm vào da anh những đường chỉ may khéo léo đập vào mắt anh. Bôn thọc hai bàn tay vào hai ống quần, giằng rộng ra xem kích cỡ người mặc. Anh biết hai bắp đùi người đàn ông này rất lớn. Bộ mông anh ta ít nhất cũng to gấp ba lần bộ mông teo tóp rúm ró của anh. Và cùng với bộ mông và cặp đùi ấy anh hình dung đến bộ phận truyền giống của đối thủ:
Khốn nạn, khốn nạn thật… Tại sao mình lại làm cái trò khốn nạn này cơ chứ?
Anh chửi rủa mình. Nhưng óc não anh lại hiện về khung cảnh những phiên chợ xưa, khi anh còn bé tẻo teo. Trong các phiên chợ ấy, người ta mua trâu bò, heo giống, chó mèo giống… Khách thò tay nắn bóp hạ bộ con vật, xem hai hạt tinh hoàn của nó cân hay lệch, mềm hay rắn, nây tròn hay méo lép… Rồi họ xoạc gang tay đo chiều dài dương vật…
Khốn nạn, khốn nạn, khốn nạn, cớ sao mình lại nhớ đến những cảnh chết tiệt ấy?
Bôn đau đớn nghĩ rằng chính anh vừa so đo, nắm bóp kiểm soát mình như khách mua kiểm soát một con vật làm giống: Thôi đi thôi ngay cái trò đê tiện ấy đi.
Nhưng anh không thôi ngay được. Treo chiếc quần đùi của người đàn ông vắng mặt lên móc, anh vẫn phải đưa mắt liếc qua chiếc quần đùi phin trắng của mình. Nó là thứ đồ rẻ tiền người ta vẫn bày bán trên các vỉa hè bụi bặm, dưới chân khách bộ hành. Nó được cắt bằng những nhát kéo xiên xẹo vụng về, thứ vải phin qua một mùa là rách, những đường chỉ láo liên mũi dài tới hai ly. Thôi đi, thôi đi, thôi đi…
Bôn quát lên như để trấn áp một con vật đau đớn tủi hổ hèn nhát nào đó vừa trỗi dậy trong lòng, hòng kéo anh xuống vực thẳm của thất bại. Anh mở vung nồi nước lá. Làn hơi xông thẳng vào mặt anh bỏng rát. Nhưng cảm giác đó lại khiến anh tỉnh táo và làm vơi nhẹ tâm hồn. Anh giơ cao hai cánh tay, nhắm mắt để hơi nước trùm phủ toàn thân, luồn qua hai nách, mùi thơm của hương nhu lá sả cúc tần xoa dịu trái tim đau đớn của anh thấm đẫm thịt da anh tẩy rửa đi mọi đắng cay mệt nhọc….
***
Chương 3
Trăng càng đêm càng ngời trên các vòm cây.
Sau mưa, những phiến lá trơn bóng như những mảnh gương nhỏ bằng đồng. Chúng phản chiếu ánh trăng nhân lên hàng vạn đốm lửa xanh rắc lổ đổ khắp nơi khiến vườn đêm xao động. Miên chăm chăm nhìn vườn cây ngoài khuôn cửa. Bóng lá lẫn ánh trăng nô rỡn tạo nên những hình thù kỳ bí. Một lũ đom đóm đuổi nhau, chui luồn qua kẽ lá. Những viền sáng bất chợt hắt lên khi ngọn gió thổi qua… Vườn của chị, nhưng chưa lần nào chị để mắt tới một cách kỹ lưỡng. Ðêm nay là lần đầu. Bởi chị sắp lìa xa.
Miên biết chị sắp phải rời ngôi nhà thênh thang này, vườn cây thênh thang này trở về gian nhà cũ nát của Bôn, nơi mười bốn năm qua chị chưa một lần ghé mắt. Gia sản của Bôn chỉ có vậy và một khi quay lại sống với anh chị phải chấp thuận cái phần hẩm hiu số phận đã dành cho mình. Lúc đun nồi nước tẩy trần cho Bôn, chị nhìn những tàn than tung bay trên ngọn lửa tự hỏi mình một trăm lần vì sao đã quyết định quay lại sống với người chồng cũ. Một trăm lần, câu trả lời bật lên tức khắc, không đắn đo không ngập ngừng: Ta phải quay về, không có con đường nào khác.
Ý nghĩ đó đã bật ra ngay sau lời tuyên bố của ông chủ tịch. Ông xách cặp quay ra sân, tấm lưng ông bỗng biến thành bản cáo thị, trên đó chạy chi chít những dòng chữ đen xì. Những con chữ tựa hồ những chiếc móc sắt nối vào nhau. Và bên dưới in hình con triện. Con triện ấy tròn hay vuông, Miên không định nổi. Chị chỉ biết rằng tấm cáo thị kia đã chỉ định phần đời phía trước của chị. Và con triện kia là dấu hiệu của quyền uy, của mệnh lệnh không ai được phép cưỡng.
Ðã mấy lần trái tim ương bướng của chị lên tiếng:
Rõ ràng tấm cáo thị đó là do trí tưởng tượng đặt bày. Chẳng ai ra lệnh cho ta. Cũng chẳng ai có quyền xui khiến ta rời bỏ cuộc sống ấm êm này. Cuộc hôn nhân giữa Hoan và ta được cả trời lẫn người chấp nhận…
Lần nào cũng có tiếng đáp tức thì:
Cuộc hôn nhân thứ nhất cũng được trời và người chấp nhận. Thêm nữa, trời đã tạo ra sự dở dang trời sẽ lại lấp đầy. Người được cuộc sẽ là kẻ từ mặt trận quay về. Cứ nhìn vào mắt đám đông vây quanh ta là thấy…
Ngồi trước bếp lửa nhưng Miên lạnh toát. Mồ hôi thoát đầy hai bả vai chảy theo rãnh lưng. Chị ngỡ mình bị nhấn chìm dưới dòng nước. Không con thuyền lai vãng. Không mảnh ván trôi. Trong cơn tuyệt vọng ấy trái tim nhỏ bé của chị vẫn nhắc chị rằng chị đã thuộc về người chồng thứ hai, cả tâm hồn cùng thân xác, rằng chị sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc nếu rời bỏ anh, rằng anh là người đàn ông tài ba và cao thượng, may mắn lắm chị mới gặp được anh trên cõi đời và lìa xa anh là hành động điên rồ hay ngu xuẩn… Miên biết những gì trái tim chị mách bảo đều là sự thật. Nhưng trái tim chị quá nhỏ bé. Nhỏ bé và lẻ loi. Nó đơn độc, dai dẳng tuyệt vọng trong cái góc cỏn con của cõi đời. Phần còn lại, không gian bao la kia thuộc về những kẻ khác. Trên phần đất mênh mông ấy, trùng điệp người. Ức triệu người. Những người lính xếp thành đội ngũ rùng rùng chuyển động dưới lớp lá ngụy trang. Những tổ tiên xa xưa của chị, người quần vải áo lĩnh người váy sồi áo đũi, người xách ô kẻ vấn khăn… đi thành đám như trẩy hội. Giữa hai đám người ấy là những kẻ cùng thời: chủ tịch xã bận sơ-mi trắng, bí thư đảng ủy vận áo sọc bỏ ngoài quần lính bạc màu, lũ trẻ choai choai mặc áo dệt kim in hoa lòe loẹt. Ðám đàn bà xóm Núi vẫn mặc bộ đồ đồng màu như thường nhật. Và tất thảy đều hướng cặp mắt soi mói về phía chị:
Thế nào, chị không bỏ rơi người anh em của chúng tôi chứ? Chúng tôi đi giết giặc. Tuổi xuân của chúng tôi mòn mỏi, máu chúng tôi đổ xuống, thân xác chúng tôi vùi dưới đất và khắp mọi miền cỏ cây xanh tốt nhờ thịt xương chúng tôi rữa nát trong đất đen… Những kẻ may mắn quay về không lẽ bị chính người thân ruồng rẫy?
Những người lính lên tiếng trước tiên. Bởi họ đi thành hàng trùng trùng điệp điệp, tiếng nói của họ được lặp đi lặp lại như chúng vọng qua ngàn vạn hang sâu:
Nào, người đàn bà xinh đẹp, hãy trả lời đi, chị không cắt phần hạnh phúc người đồng đội của chúng tôi chứ?
Người lính già ở hàng đầu tiên ngẩng lên nhìn Miên, mắt anh ta bắn thẳng vào mặt chị những tia lửa bỏng rát, giọng nói nửa như chòng ghẹo nửa như huấn lệnh.
Rồi nheo mắt thay cho một lời chào, anh ta tiếp tục bước, gương mặt lấp dưới vầng lá ngụy trang. Người thứ hai ngẩng lên nhắc lại câu hỏi cũ. Người thứ hai ngừng lời, tiếp đến người thứ ba. Rồi người thứ tư, thứ năm. Hai người tiếp theo lần này là hai người lính già râu ria tua tủa giọng nói dữ dằn vang ồm ồm như tiếng sấm khan… Ðoàn quân rùng rùng bước. Những người lính không ngớt lập đi lập lại câu hỏi. Cái điệp khúc ghê rợn không mệt mỏi ấy hòa nhịp quân hành xoáy vào óc não Miên. Miên bủn rủn chân tay. Những ánh mắt lạnh buốt của họ vừa cảnh cáo vừa hứa hẹn sự trừng phạt. Miên không thể cất lời, không thể bịt chặt lỗ tai, không thể né tránh ánh mắt gươm dao của những hồn ma oan nghiệt chưa từ bỏ lòng khát khao trần thế giờ đây trút lên vai chị tất cả cừu thù của những cơn nuối tiếc chưa nguôi. Họ vẫn rùng rùng bước đi trong cuộc hành quân bất tận. Lời họ nối nhau vang rền trong nhịp trống âm u tàn khốc, nhịp trống chờ đợi chị, kẻ tội phạm bước ra pháp trường.
Ngọn lửa bếp nhảy nhót trước mặt Miên. Chị nhìn thấy trong ngọn lửa ấy, hình ảnh của những ngọn lửa thiêu phạm nhân thời xưa cũ, và phía sau ngọn lửa trừng phạt đó, sừng sững những pháp đình xưa cũ, những pháp đình được dựng nên trong những hoàng hôn thời ly loạn và trong những Mùa Ðông đầu tiên của loài người, khi họ vừa biết nhóm lửa biết sống tụ thành đoàn trong các hang đá lớn.
Khi các đoàn quân xa khuất, đám người cổ xưa đủng đỉnh tiến đến. Khăn the áo lĩnh, váy chùng sát đất, êm nhẹ sẽ sàng. Ống tay áo rộng phất phơ của họ vẫy trong không gian những bóng sáng mờ ảo xen màu tím chết và màu đen, ánh mờ trắng giao thoa một rạng đông phôi thai với một đêm rừng tàn úa. Ðám người đó tiến đến gần chị, đường bệ uy nghi, thủng thẳng buông lời:
Thế nào, con suy tính kĩ chưa? Phận làm người phải biết quên thân vì nghĩa. Người đàn bà đoan trang trước tiên hãy học chữ nén lòng. Làm theo lẽ phải khó khăn lắm, nhưng cần biết theo lẽ phải. Trời đã sinh ra người đàn bà để làm cây cột cái đỡ mái nhà, truyền nhân tính và giáo lí cho thế hệ sau qua dòng sữa. Người đàn bà không biết đến đức hy sinh, lòng cao thượng, không giữ đức hạnh cho tôn nghiêm không thể làm tròn chức phận của mình.
Các bà già không nhau trầu, lặng lẽ nghe các ông già răn dạy, rồi họ kéo vạt áo tứ thân một cách nhẹ nhàng đường bệ quay lưng bước đi. Những ông già khô đét, mắt long lanh, giọng chậm rãi âm u, thả mỗi lời như thả một con chim sầu buồn băng giá. Nói xong, họ chống ô bước về góc trời mù sương phía đông. Lời họ nói, giống như những con chim u sầu đập cánh trong hang đá, khiến các vách đá truyền mãi những âm thanh huyền bí đầy quyền năng…
Ðoàn người cổ xưa trôi dạt như mây nơi chân trời, những mép quần vải trắng của các cụ ông xen mớ váy lĩnh đen nhức của các cụ bà tạo thành bức ảnh trắng đen chuyển động. Giờ tới lượt của những kẻ cùng thời. Họ ào tới vây quanh chị như sóng bủa vây từ bốn phía. Cả những kẻ gần gũi lẫn những người quen biết sơ sài. Mọi gương mặt, mọi ánh mắt bỗng dưng trở nên lạnh lùng, nghiệt ngã. Miên kinh hãi khi thấy những kẻ bình thường vẫn lui tới nhà chị, khi xin viên thuốc kháng sinh cho đứa con viêm phổi, khi xin mật ong cho bà mẹ ngậm ho, khi nhờ chị cho mượn chiếc máy bơm tưới nương, khi lân la vay tiền đi chợ… Những kẻ thường nhật tỏ ra thân tình hoặc quỵ lụy bỗng dưng có bộ mặt quan tòa. Dường như việc Bôn trở về đã cho phép họ thay đổi ngôi bậc. Giờ đây chị là người chịu sự phán quyết của họ, người đàn bà giàu sang nhất xóm Núi bỗng sa cơ, biến thành kẻ đứng trước vành móng ngựa của tòa án lương tâm:
Thế nào, chị đã hiểu phận sự của mình rồi chứ? Hay cuộc sống giàu sang đã khiến chị tối tăm mắt mũi, khiến chị quay lưng lại với người chồng thuở hàn vi? Ðừng quên rằng tất thảy mọi gia đình trên dải đất Việt Nam đều có người ra trận, số phận của Bôn cũng là số phận chung của những người trai đã hy sinh tuổi trẻ nơi trận mạc, đã lãnh phần thua thiệt cho kẻ khác an hưởng thanh bình. Trong nỗi mất mát của anh ấy có một phần đau khổ của thân nhân chúng tôi. Chúng tôi đứng về phía Bôn.
Phải, họ không nói ra lời chi cũng biết họ đứng về phía Bôn. Tất cả. Ðám người quây lấy chị vòng trong vòng ngoài, từ ngõ đến sân, từ sân vào trong nhà… Tất cả nhìn chị hau háu. Ánh mắt họ giống những mũi tên bịt sắt chọc thủng lớp da mặt chị, khoan xoáy vào thớ thịt. Miên chợt nhớ lần nào đó, chị quan sát con chó săn của ông già hàng xóm rình mồi suốt buổi sáng. Lần ấy chị xiết bao kinh ngạc, và chị đã thán phục sự kiên trì quyết liệt của con vật. Giờ đây, chị thấy ánh mắt nó giống hệt ánh mắt của những kẻ đang vây quanh mình. Cũng những tia sáng bắn tóe lên, háo hức, chăm chú, không lơi lỏng một giây, cũng vẻ bồn chồn dai dẳng, sự tàn nhẫn và khoái cảm đợi chờ… Niềm khoái cảm của những kẻ chăng lưới, chờ con mồi sa bẫy…
Sẽ không còn con đường nào khác.
Số phận giơ tay bỏ phiếu cho Bôn. Chị sẽ chết nếu chống lại phán quyết của định mệnh. Phải quay lại với Bôn, sống cuộc sống vợ chồng chắp nối mối tình nguội lạnh phôi pha, mối tình giống như một hồn ma chỉ lai vãng quanh mộ chí:
Ngày xưa, ngày xưa ta đã sống cuộc sống vợ chồng với Bôn ra sao nhỉ? Ðã có một trưa hè oi nóng, đám con gái xóm Núi chòng ghẹo ta và Bôn tới…
Chị nhớ rặng phượng vĩ chạy theo bìa đồi, trên lối vào rừng. Rặng phượng trổ hoa suốt mùa hè, đỏ hung hãn một trời lửa đỏ. Hồi ấy Miên gầy bé yếu ớt. Một lần đi kiếm củi, đám bạn xô chị xuống khúc suối sâu rồi bỏ chạy. Cô nào cô nấy gánh gánh củi trên vai, vừa chạy vừa cười như nắc nẻ:
– Miên ơi, cố lội lên mai tao cho nắm bỏng rang.
– Miên ơi, bơi chó mà vào mai tao dạy bơi kiểu ếch…
Các bạn Miên không hiểu trò đùa tai ác của họ đã bẻ quặt đời chị sang lối rẽ không lường định. Miên vốn không biết bơi. Kẻ nào không biết bơi cũng sợ nước. Thuở nhỏ, cha chị thường dẫn chị tới con hồ Trăng Nguyền cách nơi họ ở vài quãng đồng. Ông dạy Miên bơi bằng đủ cách: Ném xuống nước, buộc dây bụng, cho chuồn chuồn cắn rốn, cột lưng vào thuyền… Miên vẫn không học nổi. Có lẽ năm bảy kiếp trước chị từng là loài thủy quái bị đầy ải ngàn năm dằng dặc dưới biển sâu nên khi trở thành người chị không còn muốn nhìn lại nơi tiền oan nghiệp chướng…
Bố Miên dạy mãi không xong, đành thở dài bảo mẹ chị:
– Con bé này hẳn sẽ sống trọn đời miền sơn cước.
Vài năm sau ông qua đời. Ðiều tiên cảm của ông đã thành sự thực Miên đưa các em về sống với dì Huyên nơi xóm Núi. Chị không ngờ rằng ngay nơi miền sơn cước chị cũng phải đối mặt với dòng nước, sự hiểm nguy và nỗi lo âu thường trực theo suốt cuộc đời những kẻ không biết bơi.
Lần ấy đám bạn Miên tưởng chị sẽ lóp ngóp lội vào bờ và hôm sau cả bọn được mẻ cười rũ rượi. Nhưng Miên đã trượt chân, sa xuống lòng suối. Khúc suối không quá sâu nhưng có rất nhiều tảng đá rêu phủ trơn nhầy. Từ tảng đá này trượt xuống tảng đá kia, càng trượt càng xa bờ và càng uống no bụng nước. Miên thu hết can đảm sờ soạng lối lên. Nhưng nước đã xộc lên sống mũi, óc chị choáng váng và mắt nảy hoa cà hoa cải… Chị không thể cất tiếng kêu bởi làn nước đã dềnh lên sống mũi. Chị ngỡ chị sắp sửa chìm xuống, chìm mãi mãi… Ðúng lúc ấy, Bôn gánh củi tới. Chàng trai nhảy thoăn thoắt qua bãi đá, lội xuống kéo Miên lên. Ðến bờ, một lúc lâu Miên mới hết cơn choáng váng. Bôn bảo chị cách nhảy lò cò nghiêng tai cho nước chảy ra, cách bịt mũi thở mạnh để tống hết nước còn đọng trong đường hô hấp, cách xoa nóng hai thái dương và sống mũi để tránh cơn cảm lạnh. Hai người ngồi ven suối đến non chiều Miên mới hoàn hồn. Lúc đó, Bôn cười:
– Ấy sợ quá hả?
– Sợ.
– Ðể mai tớ ghè cho lũ ranh một trận.
– Thôi.
– Tại sao?
– Tôi chẳng muốn mua thù chuốc oán…
Quần áo Miên đã se, chị bảo:
– Về đi.
Họ đứng lên. Mắt Bôn nhìn chằm chằm vào khoảng da cổ của chị:
– Ấy trắng gớm nhỉ?
– Trắng gì mà trắng?
– Trắng thật đấy, nõn như bông… Cả cổ tay cũng trắng như bông.
Tới đó, Bôn ngâm nga một câu ca dao quen thuộc:
Nói rồi anh nắm cổ tay
Ai nặn nên trắng, ai xây nên tròn.
– Ðằng ấy có bằng lòng cho tớ nắm cổ tay không?
Miên nóng bừng mặt, chị lặng thinh. Bôn đưa ánh mắt xuống, nơi cặp vú dậy thì của Miên phập phồng dưới làn áo ướt.
Cuộc tình của họ bắt đầu từ buổi chiều ấy. Những ngày sau đó ra sao chị không còn nhớ rõ… Họ đã hẹn nhau nhiều lần dưới gốc cây phượng vĩ cuối đồi. Con đường làng đầy cỏ leo, hai bên là đồi dứa. Lúc phượng nở cũng là mùa dứa chín. Lần nào Bôn cũng ngửi hít khoảng da cổ trắng nõn của Miên như con lợn háu ăn sục mũi vào máng cám. Anh giục cưới. Dì Huyên không thích Bôn nhưng cũng chấp thuận. Hai người bằng tuổi nhau nên Bôn bắt Miên thề sau đám cưới phải gọi Bôn là anh…
Ðám cưới thời chiến, giống nghĩa vụ hoặc món quà của dân làng tặng cho các chàng trai trước ngày anh ta ra trận…
“Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường…” Câu hát ấy cất leo lẻo trên miệng đám đàn bà con gái, dù còn son hay đã tới tuổi nạ dòng. Chủ hôn do ủy ban chỉ định. Nam thanh gồm các thiếu niên mười bốn, mười lăm. Nữ tú kéo từ tuổi mười bảy tới ba lăm, tất cả áo xống gọn gàng, đầu con trai chải mượt, tóc con gái gài hoa. Chú rể Bôn là chàng trai mười bảy tuổi duy nhất còn lại trong xã, sau đám cưới bốn mươi hai ngày anh sẽ tòng quân…
Rồi ta đã sống ra sao sau đám cưới sơ sài ấy? Ta chẳng còn nhớ. Ta đã rời căn buồng của Bôn ngay sau ngày anh ấy lên đường. Ta ghê sợ cảnh sống bê tha của Tá… Ngoài ra, không còn chút kỷ niệm nào. Trí nhớ ta mịt mù như khói đốt nương…
Miên lục vấn, truy tìm quá khứ. Nhưng ngoài lần bị xô xuống suối và màu hoa phượng đỏ, Bôn chẳng còn để lại trong tim chị tình cảm nào sâu đậm hơn. Kỷ niệm cũ quá mong manh, quá xa vời, tựa cây đa trên bến đò cũ. Bến đò ở tít thượng nguồn. Con thuyền đời chị xuôi theo dòng nước, qua sông, ra biển…
Người đàn bà vươn tay qua song cửa, vít một cành cam. Cành lá ướt sương, mát lạnh. Vườn cam này chị nhớ từng gốc được vạch vôi đánh số. Giống Bố Hạ đưa vào từ miền Bắc, giống Miến Ðiện gửi mua từ hải cảng miền Nam. Mồ hôi, tiền bạc, và ước mộng của vợ chồng chị. Như ngôi nhà, như nương tiêu, nương cà-phê, trải khắp các khu đồi chung quanh, như bể nước mưa sau bếp, như cái giếng khoan trong veo trong vắt, như rặng mẫu đơn và thạch thảo trước sân, như gốc dạ lan hương nơi góc vườn, và những cây mộc sát mé tường hoa bên trái… Tất thảy đều ghi nhận một cuộc sống chung mặn nồng, tất cả đều là dấu vết của tình ái lẫn hy vọng…
Vì sao, vì sao số phận du đẩy ta đến cảnh trớ trêu này? Ta chưa từng ác độc với ai, chẳng biết dối lừa, cũng không tham lam kiếm chác trên lưng người khác?
Miên rên rỉ. Biết rằng chẳng ai trả lời chị. Chị sắp phải từ bỏ cuộc sống ấm nồng này để bơi ngược dòng sông, tìm lại một bóng hình mờ ảo, tìm tro tàn của mối tình cũ, tìm gốc đa già trên bến nước mười bốn năm xưa. Chị biết chị sẽ chìm nghỉm dưới dòng sông ấy, nhưng vẫn phải liều thân nhảy xuống, phải cam chịu điều số phận đã đặt bày:
Có lẽ kiếp trước ta có nợ với Bôn, và kiếp này chưa trả hết…
nguồn: nguoi-viet.com