Trần Hậu Tuấn ra mắt sách Nguyễn Tư Nghiêm
Tác giả: Trần Hậu Tuấn
Nhà xuất bản Thông Tấn ngày 23/06/2023, 231 trang, khổ 21 x 26 cm, song ngữ Việt – Anh
Nhân dịp ra mắt cuốn sách Nguyễn Tư Nghiêm, bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn trưng bày 199 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm gồm: 38 tranh phác thảo được vẽ pastel, mực và khắc gỗ, 150 tranh bột màu, 2 tranh sơn dầu, 8 tranh sơn mài và 1 sơn mài vẽ trên thớt gỗ. Triển lãm từ ngày 23.9 tới ngày 1.10.2023 tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1 quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh. *
Nguyễn Tư Nghiêm – tiếng thì thầm của cây đàn cổ
Nguyễn Tư Nghiêm – một mệnh đề đứng riêng
Nguyễn Tư Nghiêm – chuyện rồng tiên
Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như “một mệnh đề đứng riêng”, theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng – những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông… [1]
Chủ đề, đường nét và và bố cục trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm còn gợi lên không khí nghi lễ, gợi nhớ nghệ thuật thời tiền sử như những bức vẽ ở các hang động tại Lascaux (Pháp) hay Altamira (Tây Ban Nha). Dù ý nghĩa của những bức tranh ấy là gì, sinh hoạt săn bắn hàng ngày hay nghi lễ tín ngưỡng thì chúng cũng giúp người xưa phát triển khả năng tự thể hiện qua các họa tiết, mô tả những ý niệm về sự chuyển động, không gian, nhịp điệu… và là bước khởi đầu cho tôn giáo và nghệ thuật của nhân loại.
“Hội hoạ Việt Nam hiện đại sống trong nhiều tên tuổi lớn, nhưng dù đi theo con đường nào, nỗ lực phụng sự Cái Đẹp của những nghệ sĩ một đời tận tuỵ với nghề luôn làm trái tim chúng ta rung động. Nhà phê bình Jeffrey Hantover viết: “Nguyễn Tư Nghiêm lấy cảm hứng từ một mạch ngầm ẩn sâu, nghệ thuật của ông dễ khiến chúng ta bị nhầm lẫn bởi sự dị thường, sự tinh tế ẩn dưới vẻ đẹp thơ dại. …Chúng ta có thể nghe trong tác phẩm của ông ‘tiếng thì thầm của một cây đàn cổ'”. Và âm vọng của cây đàn ấy, giờ đây, vẫn như một ám ảnh lâu bền với những người yêu nghệ thuật Việt – xuyên qua không gian và thời gian.”
Khi thưởng thức các tác phẩm như “Mười hai con giáp”… chúng ta có nhất thiết phải kèm theo những “vũ trụ học phương Đông”, “âm dương ngũ hành” hay “thiên can địa chi”…? Hãy để các tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm, dù là “Con nghé quả thực” hay “Mười hai con giáp”, ở dạng tinh khiết nhất của nghệ thuật tạo hình. Bởi bản thân nghệ thuật của các hoạ sĩ bậc thầy có vũ trụ học riêng của nó, có nguồn suối tâm linh sâu thẳm riêng của nó mà không phải vay mượn từ những diễn giải ngôn từ. Nếu không thế thì hội hoạ để làm gì khi phải ‘phiên dịch’ nó bằng một một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ hội hoạ?
“Màu của Nguyễn Tư Nghiêm là những màu không có tên gọi, chỉ có trong ca dao, văn chương cổ điển, trong những khúc nhạc từ xa xưa vọng về và nơi đình chùa đã được thời gian, gió mưa tắm tưới, nóng lạnh mài giũa: màu cánh sen, màu cổ vịt, màu hoa hiên, màu mỡ gà, màu bã trầu, màu nâu non, màu huyết dụ, màu cánh chả, màu vàng mơ, vàng chanh, tía và chàm” [2]. Một trong những điều làm nên sự khác biệt của Nguyễn Tư Nghiêm là chất liệu của các tác phẩm hội hoạ. Việc nhìn nhận không gian bột màu giấy dó như một sáng tạo đặc biệt chỉ có ở Nguyễn Tư Nghiêm rồi nâng nó lên thành một “hệ sinh thái”. Nguyễn Tư Nghiêm đã khai thác chất liệu này trong nghệ thuật dân gian Việt, âm hưởng của các dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, đưa vào không gian bột màu giấy dó, những hình thể khác, hoà sắc khác, cách biểu đạt khác, một ngôn ngữ tạo hình khác với ngôn ngữ của tranh dân gian Việt nam.” [2]
“Nguyễn Tư Nghiêm ước định, tổng hợp và tích hợp, tất cả vào trực cảm mạnh mẽ và sâu lắng của cá nhân, không biện luận. Còn có thể nói là phi hệ thống, cũng được. Nó bác bỏ cái bề ngoài nguyên vẹn, nhưng hời hợt, của sự vật mà hướng về cái hỗn độn, phức tạp bên trong.
“Vẽ thì ‘giống’ là cái sau, mà điểm cốt yếu là ở ‘khí vận’”.
“Di sản nghệ thuật mà Nguyễn Tư Nghiêm để lại trong lịch sử hội hoạ thực sự phong phú và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng hội hoạ. Hơn thế, di sản ấy còn tạo những hiệu ứng lý thuyết về cảm thụ và tạo tác, truyền thống và cách tân, triết lý và trực quan… trong thế giới tạo hình. Ở bất kỳ góc độ nhìn nhận nào, chúng ta cũng có thể rút ra những bài học thực tiễn về hành trình sáng tạo của một nghệ sĩ chân chính, về cung cách khổ luyện kỹ năng và tinh thần lao động miệt mài cho tới hơi thở cuối cùng của ông. Có nhiều cách để tiếp thu di sản tinh thần Nguyễn Tư Nghiêm và cũng có nhiều cách để lan toả những vòng sóng đồng tâm từ khối ánh sáng ấy trong đời sống nghệ thuật hôm nay, nhưng như nhà phê bình Nguyễn Quân trong ‘Lời dẫn’ một vựng tập Nguyễn Tư Nghiêm: “Sự khen chê, ca ngợi hay bình phẩm tự nó nằm ngoài hội họa. Sự phân tích lý giải để lập mô hình về đối tượng nghiên cứu là tranh tượng cũng tự nó đã nằm ngoài hội họa. Tuy nhiên, vẫn có thế giới – thường được hình dung là một không gian dựng sự sống, song thực ra chỉ có sự sống mới tạo ra cái không gian đó. Hội hoạ Việt Nam hiện đại đã sống một phần ở Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí… và sống một phần khác ở Nguyễn Tư Nghiêm.”[3]
Trần Hậu Tuấn – SG 9.2023
Trích trong cuốn sách NGUYỄN TƯ NGHIÊM – tác giả Trần Hậu Tuấn.
Nhà xuất bản Thông Tấn. tháng 6.2023
[1] Nguyễn Tư Nghiêm – Một mệnh đề đứng riêng, Nhà phê bình Thái Bá Vân
[2] Nguyễn Tư Nghiêm – Chuyện rồng tiên”, Nhà phê bình Nguyễn Quân
[3] Nguyễn Tư Nghiêm – Tiếng thì thầm của cây đàn cổ, Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn
***
Tiểu sử họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1919 – 2016)
Sinh năm 1919 Nam Đàn – Nghệ An.
Năm 1946 – tốt nghiệp Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, khóa XV (1941 – 1946).
Hoạt động nghệ thuật:
1957 – 1983 – là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I.
1984 – Triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội.
1992 – Kết hôn với bà Nguyễn Thu Giang, con gái nhà văn Nguyễn Tuân.
1994 – Xuất bản cuốn sách đầu tiên “Tranh Nguyễn Tư Nghiêm trong sưu tập Nguyễn Thu Giang”- Nhà xuất bản Mỹ thuật
1996 – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ nhất
2008 – Xuất bản cuốn sách thứ hai “Tranh Nguyễn Tư Nghiêm trong sưu tập Nguyễn Thu Giang”- Nhà xuất bản Mỹ thuật
2016 – Mất tại Hà Nội, ngày 15, tháng 6, hưởng thọ 98 tuổi.
***