Trần Mai Trung: Đối thoại và cái còng số 8
Cách đây vài năm, đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cho Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng đứng hai bên cái ghế Tổng bí thư. Trọng dự tính sẽ cho Huệ ngồi lên cái ghế đó, mấy năm sau sẽ đến phiên Thưởng. Đó là tính toán riêng của Trọng chứ ông ta không thèm biết nhân dân có đồng ý hay không. Lúc đó, Tô Lâm chỉ được đứng nhìn cái ghế từ xa.
Sử dụng quyền kiểm soát toàn diện xã hội của Bộ công an, của cái còng số 8, Tô Lâm làm cho Thủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cuối đầu từ chức, Chủ tịch Võ Văn Thưởng cuối đầu từ chức, trùm Quốc hội Vương Đình Huệ cuối đầu từ chức để khỏi bị cùm vào cái còng số 8. Tô Lâm đánh bại các phe nhóm trong đảng cộng sản Việt Nam và giành chức Tổng tịch.
Tô Lâm cũng vô hiệu hóa Bộ chính trị bằng cái Ban lãnh đạo chủ chốt mới thành lập, Lâm ngang nhiên qua mặt các điều lệ của đảng để đưa đàn em lên làm Bộ trưởng công an, vào Bộ chính trị, Ban bí thư.
Sau giai đoạn đấm đá tưng bừng, tuyên giáo công an tô vẽ Tô Lâm một hình ảnh hiền lành, vay mượn một chút tính nghệ thuật bên gia đình vợ 2. Trong buổi nói chuyện ngày 23/9/2024 tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ Quốc, trả lời câu hỏi về cách giải quyết bất đồng giữa hai bên, Lâm nói hãy lắng nghe nhau, nuôi dưỡng văn hóa đối thoại. Câu trả lời được cho điểm A+ vì chọn đối thoại để giải quyết bất đồng một cách ôn hòa chứ không dùng bạo lực.
Cuộc đời Tô Lâm gắn liền với nghề công an, từ lúc mới ra trường đến giữa năm 2024. Trong thời gian đó Lâm đã thấy nhiều bất đồng giữa đảng cộng sản và nhân dân Việt Nam. Tô Lâm đã ngồi xuống lắng nghe ý kiến người dân được mấy lần? Tô Lâm đã đối thoại với người dân nào để tránh dùng bạo lực?
Năm 2012, đảng cộng sản muốn lấy ruộng đất của nông dân ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, để làm dự án thương mại. Nhiều nông dân không đồng ý giao đất với giá đền bù quá thấp. Lúc đó, Tô Lâm là Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4/2012, Bộ Công an huy động hàng ngàn công an, cảnh sát đến cưỡng chế đất bằng bạo lực. Các hình ảnh ghi lại cho thấy công an đã đánh đập dã man nhiều nông dân trên mảnh đất của họ. Không thấy đối thoại để giải quyết bất đồng một cách ôn hòa.
Năm 1980, chính phủ ra quyết định lấy đất của xã Đồng Tâm, ngoại ô Hà Nội, cho quân đội xây sân bay quân sự. Sau một thời gian, sân bay không được xây dựng, Ủy ban xã Đồng Tâm đã làm thủ tục hợp pháp hóa các giao dịch đất đai của người dân địa phương. Mấy chục năm sau, đảng cộng sản muốn lấy số đất đó cho tập đoàn Viettel làm dự án nhưng người dân không đồng ý. Tháng 1/2020, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ra lệnh cho 3.000 công an, cảnh sát tấn công vào xã Đồng Tâm, Lâm ỷ có súng đạn nên đã giải quyết bất đồng với người dân bằng võ lực. Súng đạn nổ vang trời, cụ Lê Đình Kình hơn 80 tuổi bị công an giết chết trong nhà của cụ, 3 công an cũng bị chết gần đó. Không thấy đối thoại để giải quyết bất đồng một cách ôn hòa.
Ở mọi quốc gia, nhiều người có những suy nghĩ khác nhau trong cách xây dựng đất nước, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nhiều người Việt Nam muốn xây dựng đất nước giống như đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay, không thích con đường xã hội chủ nghĩa của một vài quốc gia có chế độ cộng sản. Họ phân tích cái hay, cái dở và trình bày một cách ôn hòa để người dân đánh giá. Theo như phát biểu của Tô Lâm tại Đại học Columbia thì đảng cộng sản nên đối thoại với những người có suy nghĩ khác biệt để giải quyết bất đồng một cách ôn hòa.
Thực tế lại khác hẳn. Phải công nhận người cộng sản có can đảm nói hươu nói vượn những điều tốt đẹp mà họ sẽ không làm. Hình như họ xem thường danh dự cá nhân, đó cũng là một lý do kéo đạo đức xã hội đi xuống, không biết xấu hổ khi tham nhũng.
Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an năm 2016. Trong năm đó, Lâm cho công an đến gặp người bất đồng chính kiến Lưu Văn Vịnh, không phải để ngồi lắng nghe nhau và đối thoại, mà đến với cái còng số 8 và bắt ông Vịnh vào tù, sau đó kết tội 15 năm tù. Sang năm 2017, Lâm cho công an đến gặp ông Hoàng Đức Bình, ông Trương Minh Đức, không phải để ngồi lắng nghe nhau và đối thoại, mà đến với cái còng số 8 và bắt ông Bình, ông Đức vào tù, sau đó kết tội ông Bình 14 năm tù, ông Đức 12 năm tù.
Trong thời gian làm Bộ trưởng Công an, Tô Lâm đã bắt vào tù 300 người Việt Nam yêu nước và muốn tự do tôn giáo. Có những người được công luận biết đến như ông Phạm Chí Dũng, bà Cấn Thị Thêu, cô Phạm Đoan Trang. Có nhiều người ít được biết đến như ông Vương Văn Thả bị kết tội 12 năm tù, ông Y Pum Bya bị kết tội 14 năm tù, ông Đặng Ngọc Tấn bị kết tội 24 năm tù. 300 gia đình đang sống sum vầy thì Tô Lâm đến gây cảnh phân ly, vợ xa chồng, con cái xa cha mẹ.
Sau mấy chục năm độc quyền cai trị đất nước, đảng cộng sản khoe khoang có một xã hội ổn định nhưng vẫn duy trì đội quân công an, mật vụ lên đến 1 triệu người, bắt nhân dân đóng nhiều thuế, nhiều phí để nuôi đội quân đó. Thay vì giảm xuống một nửa để bớt gánh nặng cho nhân dân thì Tô Lâm vẽ ra hình ảnh công an bận rộn, đi lùng bắt những người không còn hoạt động và bày tỏ ý kiến chính trị mấy năm qua. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, thêm một số người bị bắt vào tù như ông Nguyễn Lân Thắng, ông Phan Tất Thành, thêm một số gia đình bị phân ly.
Công an không liên quan gì tới biến đổi khí hậu nhưng Tô Lâm cũng đi theo phái đoàn tham dự COP26 tại Anh Quốc vào tháng 11-2021 để ghé thăm cô con gái đang du học ở đó. Sau khi viếng mộ Karl Marx, ông tổ cộng sản người nước Đức đã chết ở nước Anh, người hô hào tranh đấu cho giai cấp vô sản, Tô Lâm đi ăn tại một nhà hàng đắt tiền của giới tư sản nhà giàu mà mỗi phần ăn lên đến hàng ngàn mỹ kim. Một video đã quay cảnh đầu bếp Thánh rắc muối Salt Bae biểu diễn rắc muối lên miếng thịt bò dát vàng và đút cho Tô Lâm ăn.
K-pop nổi tiếng thế giới, nhiều bạn trẻ đã bắt chước ca hát, nhún nhảy theo K-pop, không ai bị bắt vào tù. Ông Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng bắt chước Salt Bae khi rắc hành vào tô bún bò thì bị công an tìm đến và bắt vào tù. Một người nào đó đặt ra cái biệt hiệu Thánh rắc hành, nếu Tô Lâm căm giận thì đi tìm bắt người đặt ra cái tên đó. Ông Tuấn Lâm không nói gì khi rắc hành vào tô bún, không thể bắt ông Tuấn Lâm chịu trách nhiệm về các bình luận của những người khác.
Có người nói Tô Lâm cho bắt ông Bùi Tuấn Lâm vào tù vì tư thù nhỏ nhen. Có người nói không phải. Tô Lâm có thể dễ dàng chứng minh mình vô can trong việc này, ông ta đã “cưỡng bách ân xá” ông Trần Huỳnh Duy Thức thì cũng có quyền “cưỡng bách ân xá” ông Bùi Tuấn Lâm về sum họp với gia đình.
Nhìn hình ảnh của chế độ công an trị, nhìn tính cách của Tô Lâm và những việc ông ta đã làm trong thời gian qua thì thấy tương lai đất nước dưới sự lãnh đạo của Tổng tịch Tô Lâm không được sáng sủa, tương lai của các đảng viên cộng sản cũng không sáng sủa.
Trần Mai Trung
Tháng 10-2024