Trần Quí Phiệt: Tại sao tôi viết*
Con người có thể sống còn trước tai ương khủng khiếp và tôi cũng không ngoại lệ. Việc mất Huế và sự thất lạc gia đinh tôi trong lúc chạy loạn nhận chìm tôi vào hố thẳm của tuyệt vọng và chán chường trong một thời gian và khiến tôi nẩy sinh ý muốn chết. Sau hai năm cảm thấy như không còn sống, một cách thực mầu nhiệm tôi tự làm tôi hồi sinh bằng cách sống với hoài niệm và mơ tưởng về một quá khứ êm đềm và mộng ảo về một tương lai không có thực, thay vì điên loạn hay tìm giải thoát trong cái chết. Nhưng việc đi tìm qúa khứ của tôi không khởi sự cho đến lúc tôi trở về Việt Nam lần đầu để thăm viếng ngắn ngủi và lần thứ hai để giảng dạy trong chương trình Fulbright. Ý nghĩ đi tìm quá khứ không đến với tôi một cách đột ngột, nhưng thai nghén nhiều năm, bắt đầu với sự ưa thích kỳ lạ, có thể nói là mê say, Marcel Proust.
Vào những năm năm đầu của thập niên 1980 một ít năm sau khi mất miền Nam, tôi nẩy sinh ý thích sưu tập tác phẩm của Proust và nghiên cứu về nhà văn nầy tôi có dịp đọc thấy. Chỉ khi về lại Việt Nam, thoáng nhìn thấy quá khứ, và không thể tránh khỏi quá khứ tôi mới cảm thấy tôi thương nhớ và muốn sống lại những năm tháng qua. Phải mất khoảng hai mươi năm tôi mới cụ thể hóa được điều mong ước vô thức của tôi và biết tại sao tôi đã (và cả bây giờ) ưa thích Proust đến thế. Như đã giải thích, văn chương đã trở thành sự cứu rỗi thực sự của tôi từ khi hy vọng hồi hương bị dập tan. Đọc Faulkner làm tôi chìm xuống hố sâu của chán nản đã làm xơ cứng ý thức của tôi về những năm khó khăn nhất sau 1975 nhưng kỳ lạ thay đã làm tôi sống còn. Suy nghĩ về Proust và cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của những lý luận khúc chiết và bàn bạc mênh mang về thời gian đã mất làm vơi nỗi buồn lưu vong, ngay cả đem cho tôi niềm vui, niềm vui của đau thương. Nếu không đọc Proust, tôi đã không tìm quá khứ như tôi đã làm. Tôi đã không thưởng thức được niềm vui, mặc dù ngắn ngủi, thoáng thấy thiên đường. Khi dấn thân vào đi tìm quá khứ, tôi có thể hiểu tốt hơn ý nghĩa và giá trị của khổ đau trong hiện tại, cũng như hạnh phúc của thời thơ ấu tôi đã coi thường vì khờ dại.
Bây giờ tôi muốn viết về cuộc đi tìm nay đã chấm dứt. Viết về kinh nghiệm của mình tức là sống lại nó. Viết giúp cho quá khứ được hồi phục bởi vì viết bắt buộc chúng ta nhớ lại những gì đã trãi qua. Trong trường hợp của tôi viết là một tiến trình liên tục của tưởng nhớ⸺viết tiếp tục đào xới vùng tối tăm của vô thức tôi không nhận thấy khi khai quật nó. Thật khó mà khêu gợi quá khứ đầy đủ, đừng nói gì đào xới một quá khứ nằm quá lâu trong vực thẳm của Thời gian; trong khi quá khứ phục hồi đem lại niềm vui, nó quá ngắn ngủi so với hiện tại kéo dài đầy khổ đau của tôi. Nhưng chữ viết mãnh liệt hơn bất cứ thể văn sáng tạo nào trong việc mô tả thời gian đã mất bởi vì không những chữ viết làm sống lại thời gian đã mất đó mà còn giữ được hình ảnh của nó trong trí óc ta để thưởng thức về sau. Với những chữ phơi bày trên những trang giấy của cuốn sách chúng ta có thể tâm sự với quá khứ, nghe tiếng vang của nó, thấy đặc điểm của nó, cảm thấy sự hiện hữu của nó, tất cả những việc này tùy theo ý thích và thời gian rãnh rỗi của ta.
Cái mầu nhiệm của chữ viết được chứng minh trong Đi tìm thời gian đã mất của Proust. Trong một thời gian dài cuốn tiểu thuyết này đem lại sự an ủi và bình yên cho tâm hồn tôi, lý do tôi đi tìm quá khứ và là một kiểu mẫu lý tưởng cho tác phẩm dự định của tôi. Từ lúc bắt đầu tìm quá khứ tôi đã nuôi ý nghĩ viết một cuốn sách theo chiều hướng như tiểu thuyết của Proust. Nhưng áp dụng khuôn mẫu của Proust là điều hầu như không thể thực hiện được. Chẳng hạn, tôi còn có thể nghe trong ký ức sâu thẳm—và trong tưởng tượng và giấc mộng của tôi—từ miền đất và thời gian xa mờ của tôi những giọt mưa rơi tí tách trên cửa sổ vào một đêm đông ở nhà tôi ở Quảng Bình; những giọt mưa ấy dường như nói với tôi, làm tôi đau đớn, làm tôi nhớ nhà, thế nhưng tôi không biết làm sao mô tả chúng và những cảm nghĩ của tôi về chúng thật đầy đủ. Tôi cũng không hiểu tại sao những sự vật như thế, có vẻ vô nghĩa đối với tôi vào lúc bấy giờ, lại mang riêng một sự huyền bí và một linh hồn với một cơ cấu toàn vẹn về cấu trúc, nhạc tính và cảm xúc tính cho đến khi tôi đọc Proust. Nghe tiếng mưa, như Proust đã mô tả một cách tỉ mỉ, giống như nghe một bản giao hưởng. Giống như cơn mưa tôi nghe trong quá khứ, mọi thứ ở trong đời thuộc về tôi có một ý nghĩa quan trọng, một đời sống, một mục đích, rất đầy đủ, rất phong phú, nhưng rất khó nắm bắt tôi không tài nào mô tả được.
Mặc những khó khăn như thế tôi vẫn phải viết cuốn sách của tôi về cuộc đi tìm này. Tôi không thể cưỡng lại ý muốn ấy nổi. Tôi cần phải đem ra từ cõi tiềm thức của tôi cái tôi đã chôn chặt đáy lòng một quãng thời gian quá dài—những giấc mơ tan vỡ, những nỗi buồn và niềm ân hận. Viết ra hết về tôi là sự giải thoát cho chính tôi bởi vì nỗi khắc khoải bị dồn nén phải được nói nên lời và phải được nghe. Viết cũng sẽ giúp tôi khỏi quên những người chết và những kẻ vắng mặt bằng cách nhắc nhở tôi rằng họ vần còn tồn tại và quan trọng đối với tôi. Viết bảo vệ những người của tôi khỏi bị lãng quên, chống lại sự tàn bạo của thời gian đe dọa nhận chìm họ vào chốn hư vô, vào chỗ diệt vong. Bị quần chúng khép vào tội phải im lặng muôn đời, những người chết sẽ không được tưởng nhớ nếu chúng ta không kể chuyện về họ. Bởi vì đời họ và đời tôi quyện vào nhau, kể chuyện đời họ tức là kể chuyện đời tôi. Viết đối với tôi là một tiến trình phức tạp biểu lộ lòng biết ơn, mặc cảm tội lỗi và đau buồn. Nó không phải chỉ đơn giản nhớ thương khuôn mặt buồn rầu của cha tôi vào một ngày u ám cuối tháng tám năm 1972 khi tôi từ giã Cha (và thấy Cha lần sau cùng) để lên đường sang Mỹ du học, nhưng nhớ thương còn liên quan đến nhiều chuyện khác, giống như dệt một câu chuyện nhiều lớp về cuộc đời của Cha—phấn đấu nuôi tôi và hai em tôi, nỗi đau khổ và buồn rầu không sao nói được chỉ được biểu lộ trong những bài thơ buồn Cha ngâm để ru chúng tôi ngủ, những bài viết súc tích nhưng đầy đau thương về mẹ của Cha (bà nội của chúng tôi), một góa phụ trẻ, cái chết sớm của bà khiến cha tôi và em của cha tôi thành cô nhi quá sớm trong đời. Chuyện của cha tôi cũng ảnh hưởng đến tuổi thơ, tráng niên và tuổi già của tôi. Tôi nghe cha ngâm Đường thi khi nằm trong lòng Cha, và bây giờ vẫn còn nghe với nỗi u buồn không nguôi của tôi. Cũng như thế, hôm nay ở Dalat, nơi tôi sinh ra, năm mươi năm sau từ khi Như Cẩm qua đời em bỗng sống dậy trong tôi. Thời gian ngừng lại, và tôi là cậu bé bảy tuổi chơi đùa với đứa em gái hai tuổi của cậu. Rồi nhẹ nhàng cảnh tuổi thơ chuyển sang Đồng Hới lúc tôi đến tìm Trang từ giã nàng để vào Nam. Tôi thấy sự xúc động trong mắt Trang. Hình bóng ám ảnh của nàng theo tôi vào Huế. Có nhiều người khác từ quê nhà quá cố hay vắng mặt tôi đã mang theo với tôi trong cõi sâu thẳm của cõi vô thức của tôi từ lúc tôi trở thành kẻ lưu đày, bỗng nhiên họ hiện lên bể mặt cõi hữu thức của tôi, tham dự vào đời tôi, đòi hỏi sự quan tâm của tôi. Chúng ta không thể nhớ họ bằng cách chỉ nói về họ. Chúng ta phải viết về họ. Chúng ta và họ không thể tìm dược bình yên cho đến khi chúng ta cắt nghĩa họ sống, đau khổ và chết cho chúng ta như thế nào.
Với ý nghĩ trên tôi đã tìm ra lý do cho cuộc đi tìm và bình yên cho linh hồn tôi. Đó giản dị chỉ là khai quật quá khứ để thương và nhớ. Giống như người kể chuyện của Proust, tôi ý thức được rằng quá khứ hay Thiên đường ở trong tôi. Sau hơn ba ngàn trang sách trong đó Marcel nói về sự đi tìm của mình chàng khám phá rằng “tất cả những quá khứ trải dài vô tận . . . tôi đã mang trong người tôi” và “khoảnh khắc xa xôi ấy vẫn còn bám vào tôi và tôi có thể bắt nó, trở về với nó bằng cách chỉ cần xuống sâu trong tôi” (nhấn mạnh thêm vào). Đây là điều tôi đã trải qua và đã đạt được trong sự đi tìm của tôi. Một sự thật hiện ra trong đầu tôi. Bởi vì quá khứ của tôi tồn tại trong tôi (văn hào Faulkner nói rằng “quá khứ không bao giờ chết. Ngay cả quá khứ cũng không trôi qua”), điều đó không có nghĩa rằng quá khứ chỉ có thể phục sinh ở Việt Nam, nhưng tôi có thể sống lại với quá khứ ngay ở miền đất tôi lưu vong. Tôi nhớ khi sống ở Mỹ tôi cảm thấy chợt nao nao một nỗi buồn rầu khi vô tình chạm phải một cái gì quen thuộc nhưng gợi nhớ một cách đau đớn. Một tiếng sấm từ xa vang dội qua bầu trời sẽ nhanh chóng đưa tôi về làng quê của tổ tiên tôi ở Quảng Bình. Tự nhiên và ngay tức thì tôi sống lại sự hãi hùng ám ảnh tôi về một trận lụt đã cướp đi sinh mạng người anh của cha tôi và làm làng quê của cha hầu như hoang tàn. Tiếng chuông đổ từ một nhà thờ quận hạt tôi nghe trong buổi chiều ở Fairfax, bang Virginia khi tôi trên đường về nhà sau buổi dạy ở Đại học George Mason tôi cũng đã nghe quen trong một quá khứ xa xăm ở Dalat, Đồng Hới và những nơi khác ở Việt Nam. Ở Hoa Kỳ tôi thích nhất cảm giác khi tỉnh dậy trong tiếng mưa rơi trong một đêm hè. Mặc dù mưa từ trên trời rơi xuống, nhưng tôi nghe như dâng lên từ cõi sâu thẳm của lòng tôi. Tiếng mưa êm dịu như tiếng mưa thuở nào trong quá khứ thật xa xăm. Như vậy, có thể nói rằng chắc chắn tôi đã mang theo tôi những thứ đó cùng với hình ảnh và âm thanh của đất nước tôi khi tôi sang xứ Mỹ. Do đó, niềm đau của cái gọi là lưu vong gây ra bởi tôi chưa, như Proust khuyến cáo, xuống sâu trong tôi để nghe lại những âm thanh và thấy lại những hình ảnh đó. Tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu tại sao những âm thanh và hình ảnh đó sao quen thuộc với tôi đến thế và tại sao chúng làm ngân lên, dù ngắn ngủi, một tiếng kêu gợi nhớ trong tim tôi. Chỉ khi cuộc đi tìm chấm dứt tôi mới ý thức được rằng quá khứ hóa thân trong hiện tại, bởi vì nếu quá khứ không hiện hữu trong tôi tại sao quá khứ trông sao quen thuộc và sống động khi xuất hiện trên bè mặt cõi hữu thức của tôi?
Chắc chắn rằng tôi đã mang trong lòng tôi quá khứ ấy với những âm thanh và hình ảnh cùng với những sắc thái tế nhị của nó từ khi ý thức của tôi được hình thành. Proust viết rằng người kể chuyện Marcel “đang hiện hữu” khi chàng nghe lại tiếng chuông nhỏ kêu ở làng Combray, quê của chàng. Hiện hữu là ở quá khứ, là hồi sinh. Loại thời gian này ở trong tôi, diễn tiến qua những giai đoạn khác nhau của đời tôi, lại còn đi xa vào những năm dài không nhớ được trong một tiền kiếp mơ hồ nào đó. Đi tìm Thiên đường rất hấp dẫn và không bao giờ chấm dứt. Với đức tin mới tìm thấy tôi nguyện—và sẵn sàng—trở lại Hoa Kỳ sống trọn kiếp lưu đày tiếp tục cuộc hành trình đi tìm quá khứ dở dang của tôi.
Trần Quí Phiệt
*Dịch từ Hồi ký In Search of Lost Time: A Literary Memoir By A Vietnamese American Scholar (Mandorla Books, 2024). Sách do Amazon phát hành.