Trần Thị Lan Anh: Thầy Minh Tuệ, Nạn Nhân Của Mạng Xã Hội

Tăng đoàn Minh Tuệ ở Mã Lai, tháng 3/2025. Ảnh: Minh Ý

Chúng ta đang đối diện với sự tiến bộ vượt bực về kỹ thuật trong khi về mặt con người, ở nội tâm, hoàn toàn chưa có sự tiến bộ cao, đủ để biết ứng phó với hoàn cảnh của kỹ thuật hiện tại.

Khi cái Tâm không tốt thì sử dụng khoa học kỹ thuật là một nguy hiểm. Nguy hiểm cho chính bản thân và nguy hiểm cho những người khác. Đã có bao nhiêu người là nạn nhân của thông tin giả và cái giả đó được chia sẻ trên mạng xã hội? Khổ nổi là cái giả lưu truyền lẹ lắm và được nhiều người tin. Trong khi cái thật, chẳng ai muốn chia sẻ và cũng không muốn tin bởi sự thật thì luôn luôn đau đớn khi cái sự thật đó không như ý mình muốn.

Sự kiện sư Minh Tuệ là thí dụ điển hình của nạn nhân mạng xã hội. Điều này có ai nhìn thấy và nhận diện chính bản thân mình đã tạo ra trở ngại cho vị sư trong việc thực hiện chuyện tu tập của ông?

Khất thực là một nhánh tu của Phật giáo. Điều này không phải chỉ mới xảy ra mà từ lâu lắm rồi. Ngày xưa, khi nhìn các vị sư đi khất thực, người ta chỉ nhìn và đôi khi đem vài món ăn, thức uống cho vị sư. Chẳng có ai sắp hàng theo vị sư bởi hãy tưởng tượng nếu 100, 1000 người theo vị sư thì sẽ tạo ra chuyện gì?

Nếu ở một nước dân chủ thì sẽ tạo ra cản trở lưu thông khi nhóm người đó đi qua một đoạn giao thông nào đấy. Chưa kể chuyện vệ sinh cá nhân, nơi nào có thể chứa con số người như thế?

Nếu ở một nước độc tài như cộng sản Việt Nam thì sẽ tạo sự chú ý của chính quyền bởi sư Minh Tuệ đi ngược lại chủ trương của hội Phật giáo quốc doanh, bộ phận tuyên truyền tôn giáo của đảng. Một nhà sư chân chính sẽ không bao giờ, không bao giờ nằm trong hội Phật giáo quốc doanh của đảng.

Bộ máy cầm quyền, đặc biệt là cộng sản Việt Nam, rất sợ ảnh hưởng của một cá nhân với số đông. Cho nên không có gì ngạc nhiên sự ảnh hưởng của sư Minh Tuệ, với nhiều người nói đến, nhắc đến, chia sẻ trên mạng xã hội và cuối cùng đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tham dự để ngăn cản sự ảnh hưởng đó. Những người chia sẻ, theo dõi hình ảnh sư Minh Tuệ có nghĩ rằng chính bản thân mình đã sách nhiễu sự tu hành của vị sư?

Là người Phật tử, nếu là Phật tử chân chính, chỉ nhìn hình ảnh của sư Minh Tuệ để từ đó, tự bản thân mình chọn thái độ sống đơn giản, tu tại gia, cố gắng gạt bỏ những Tham-Sân-Si để tâm được tĩnh lặng hầu giúp ích mặt tinh thần được khỏe mạnh trước hình ảnh xã hội sống nặng về vật chất.

Phật tử nào bắt chước và đi theo đoàn của vị sư thì đó không phải là Phật tử chân chính, hiểu rõ tu là gì, ra sao. Tư tưởng Phật giáo cho rằng Phật tại Tâm. Phật không phải là hình ảnh đến chùa mỗi ngày, mỗi tuần; không phải là theo thầy để thực hiện chuyện giải thoát về mặt tinh thần cho bản thân; không phải là đến những ngôi chùa lớn để gặp thầy, cúng chùa. Tất cả những hình ảnh trên là hình thức, giả danh.

Đi tu và dưỡng tâm mà vẫn bám theo hình thức, giả danh thì đó không phải là đi tu hay dưỡng tâm. Hình thức giả danh đó đang thịnh hành tại Việt Nam với cái tên hội Phật giáo của quốc doanh, xây chùa thật to để lấy tiền từ những người Phật tử mà không nhìn rõ ai là sư thật, ai là sư giả.

Hình ảnh ông Báu thâu lại hoặc trực tiếp phát tuyến của chuyến đi của thầy Minh Tuệ là hình ảnh đi ngược lại giáo lý nhà Phật. Những người theo dõi từng clip của ông Báu, chia sẻ clip của ông Báu khắp mạng xã hội, bàn tán những vấn đề đưa ra trong clip, họ đã góp tay với ông Báu để sách nhiễu sự tu hành của vị sư.

Mục đích của ông Báu làm chuyện thâu lại chuyến đi là gì không nói ở đây mà chỉ nhìn vấn đề ở khía cạnh Tu Tâm Dưỡng Tính, ở khía cạnh tư tưởng Phật giáo nhằm chấm dứt tình trạng sách nhiễu sự tu hành của sư Minh Tuệ. Ngày xưa những người tu khất thực, vì không có mạng xã hội, nên họ đi mà không ai sắp hàng theo họ bởi mọi người thời đó, tôn trọng sự tu của những vị sư khất thực. Thời nay, sự tôn trọng, tự trọng của con người xem ra không còn nữa. Từ đó họ tạo ra hành động sách nhiễu mà họ nghĩ là họ quan tâm, theo thầy để tu tập.

Chẳng lẽ dân trí ở thời đại hôm nay, trước sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, lại lùi bước so với dân trí ngày xưa?

Trần Thị Lan Anh

Tháng 2.2025