Trần Văn Khởi: Dầu hỏa VNCH: Đi vào một lịch sử không hề mơ ướcTrần Văn Khởi:

Sau nhiều năm thăm dò sơ khởi ngoài khơi, chương trình tìm dầu của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã thực sự lăn bánh trên phi đạo với việc ban hành Luật Dầu Hỏa cuối năm 1970. Khi giao cho tôi phụ trách chương trình, Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc đã chia sẻ với tôi viễn ảnh phát triển bền vững do khai thác dầu hỏa dẫn đầu, cùng với những cải tổ cơ cấu căn bản, đưa tới một nền kinh tế thị trường tiến bộ và cởi mở trong tương lai. Trong hơn bốn năm kế tiếp, chương trình đã được xúc tiến mạnh mẽ, đưa tới khoan sáu giếng ngoài khơi, tìm được hai mỏ và một vết dầu triển vọng. Rồi bước ngoặc lịch sử 30 tháng Tư đã làm sụp đổ chế độ cộng hòa, kết thúc giấc mơ lấy dầu hỏa thay viện trợ Mỹ để phát triển miền Nam.

Chính phủ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) tiếp thu ngay chương trình tìm dầu. Mấy năm đầu thì tiến độ công tác rất chập chững, một phần vì bị cấm vận không được tiếp cận kỹ thuật dầu khí tây phương, một phần vì, như sau này tự nhận định, “quan điểm tự lực trong công tác thăm dò và khai thác dầu khí ở ngoài biển chưa có tính khả thi về vốn, cán bộ và công nghệ.” Mấy năm sau, ngành dầu khí đã trưởng thành nhanh chóng dựa trên khám phá mới ở mỏ Bạch Hổ và hàng loạt mỏ dầu mới ngoài khơi miền Nam. Đến nay, sau 40 năm khai thác, công trình dầu khí đã mang lại cả trăm tỉ Mỹ kim cho Việt Nam, chưa kể đến những hệ quả kích động dây chuyền trong sinh hoạt kinh tế.

Nhiều tài liệu và biểu hiện trong mấy năm gần đây cho thấy CSVN đã đối xử sòng phẳng với những bước sơ khởi trong thời VNCH, đánh giá cao nhiều công tác ban đầu, và khi viết lịch sử đã đưa dầu hỏa VNCH vào lịch sử dầu khí Việt Nam. Nhưng đó không phải là lịch sử nhiều người hằng mơ ước trước 75.

Loạt bài ở báo Tuổi Trẻ

Trong nhiều ngày cuối tháng Tư năm 2018, báo Tuổi Trẻ đã đăng một loạt bài về Mỏ Dầu Bạch Hổ, trình bầy rất chi tiết những bước VNCH đã thành tựu trước đây, và đã đưa ra nhiều nhận định tương đối khách quan, có phần khen ngợi. Bài báo đã:

* mở đầu bằng xác nhận ngay “Bạch Hổ, mỏ dầu chủ lực quyết định thành-bại của ngành dầu khí Việt Nam, được tìm thấy từ trước 30-4-1975;”

* ghi nhận lần lượt các công trình nghiên cứu ngoài biển đầu tiên từ năm 1967, ban hành Luật Dầu Hỏa cuối năm 1970; một tháng sau thành lập Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, đi học bài với CONOCO mà báo gọi là “đi đêm”; công bố đầu tháng 6-1971 lịch trình đấu thầu quốc tế để cấp quyến tìm kiếm và khai thác dầu hỏa; nhận bản trả lời vấn-đề-lục (TVK: questionnaire) của 18 công ty; rồi một lần nữa thông báo gọi thầu dầu hỏa ngày 24-3-1973, đưa tới ký hợp đồng cho tám lô, được 16.6 triệu USD tiền hoa hồng chữ ký; rồi đầu tháng 2-1974  tổ chức thêm một cuộc gọi thầu thứ hai, với điều kiện khắt khe hơn, các lô rộng chỉ bằng nửa các lô kỳ trước, thâu thêm được 29.1 triệu USD tiền hoa hồng chữ ký, mà các công ty trả chỉ để được phép đi tìm dầu;

* mô tả chi tiết công việc của 6 nhân viên ở Văn Phòng Dầu Hỏa (TVK:  hai thư ký là Bà Trước và ông Sỹ; 4 chuyên viên là Võ Anh Tuấn, Nguyễn Văn Vĩnh, Phí Lê Sơn, và tôi), “đánh máy, chữa lỗi từng trang stencil mờ cả mắt, quay ronéo trên giấy trắng cỡ 21x33cm, in bìa, đục lỗ, đóng thành tập;”

* đăng hình Ủy Ban Dầu Hỏa VNCH thăm viếng dàn khoan, và hình ông Vĩnh và tôi đi tham quan ở hTái Lan;

* đưa ra những thẩm lượng tích cực, có phần khen ngợi chương trình tìm dầu của VNCH trước đây:

    –  “ Lần đầu soạn thảo và chưa từng có trải nghiệm để chỉnh sửa nhưng đạo luật dầu hỏa VNCH được giới chuyên môn đánh giá khá chặt chẽ, chú trọng quyền lợi quốc gia;”

–  “Quan điểm của Chính Phủ VNCH là vừa làm vừa “học nghề’ của các công ty quốc tế. Nhưng ngay trong tình thế hạn chế đó, họ vẫn làm được nhiều việc hiệu quả, nhanh chóng, đặc biệt là tổ chức hai cuộc đấu thầu triệu đô thành công trên cả mong đợi;”

    –  “ Nhiều ý kiến chuyên môn khẳng định một năm nỗ lực của ngành dầu hỏa miền Nam Việt Nam bằng hành trình 10 năm của các quốc gia khác;”

    –  “ Theo TS Ngô Thường San, chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam, Chính Phủ VNCH trước năm 1975 đã có nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên dầu khí. Họ thực hiện đúng những tiến trình bài bản, từ việc ban hành đạo luật dầu hỏa để có nền tảng pháp lý, thành lập Ủy Ban Quốc Gia dầu hỏa điều hành công việc, và mời gọi các công ty quốc tế có năng lực mạnh tiến hành thăm dò khai thác. Chỉ với 6 mũi khoan đầu tiên mà đã tìm thấy hai giếng dầu có khả năng thương mại, một giếng có dấu vết, là sự thành công rất lớn. Tỉ lệ thành công này cao hơn cả tỉ lệ trung bình của ngành dầu khí thế giới.”

Bộ Lịch Sử Ngành Dầu Khí Việt Nam (đến năm 2010)

Phần lớn các chi tiết trong bài báo Tuổi Trẻ được lấy từ bộ Lịch Sử Ngành Dầu Khí Viêt Nam (đến năm 2010) do Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam soạn thảo, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia – Sự Thật, Hà Nội (2011), Đây là một sử liệu khổng lồ, có rất nhiều chi tiết, gồm 3 tập tổng công hơn 1700 trang. Hội Đồng Biên Soạn và Ban Biên Tập gồm toàn là những lãnh đạo dầu khí và các cấp chỉ huy kỹ thuật của CSVN suốt hàng chục năm qua. Bộ sử liệu cũng đã viết về các tổ chức và hoạt động của các đảng bộ đảng đoàn và tổ chức chính trị CS trong mọi cấp mọi ngành dầu khí. Bộ sử liệu này có thể tìm đọc được trên internet. 

Các chi tiết thời VNCH tương đối trung thực và khách quan, và việc soạn thảo đã có sự đóng góp ban đầu của ông Nguyễn văn Vĩnh (nguyên Cục Trưởng Dầu Hỏa) và trợ giúp của ông Phí Lê Sơn (nguyên Giám Đốc Kế Hoạch và Huấn Luyện). Cả hai ông Vĩnh và Sơn đã quyết định không di cư hồi tháng Tư 75 vì lý do gia đình. Như đa số nhân viên của Tổng Cục Dầu Hỏa và Khoáng Sản, hai ông đã ở lại làm việc với cơ quan tiếp quản CS được mấy năm cho đến khi tổ chức dầu khí dời đi Vũng Tàu để chuẩn bị hợp tác lâu dài với Sô Viết đầu thập niên 1980. Hai ông được mời hợp tác soạn thảo sử liệu sau khi đã thôi việc và rời ngành dầu khí hơn 20 năm.

Năm 2002, tôi có tự xuất bản cuốn “Dầu Hỏa Việt Nam 1970-1975: Những Ngày Còn Nhớ,” như là phúc trình của một chuyên viên. Cuốn sách không hề ra mắt, và chỉ in một lần. In xong, tôi có gởi biếu cho hai ông Vĩnh và Sơn ở Saigon và 5 cuốn cho Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam ở Hà Nội. Cuốn sách này có được liệt kê trong phần Tài Liệu Tham Khảo của bộ sử liệu, Tập III trang 584, và hiện nay có thể đọc được ở vietmessenger.com.

Bộ sử liệu không nhắc nhở gì đến các công tác về luật biển và thềm lục địa dưới thời VNCH. Hồi đó UBQGDH đã đưa đề mục luật biển vào ưu tiên hàng đầu và đã phân công Luật Sư Vương Văn Bắc phụ trách; Luật Sư Bắc là một luật sư tư nhân nổi tiếng, đã được đích danh mời vào UBQGDH, về sau làm Tổng Trưởng Ngoại Giao của VNCH. Tại Tổng Cục, tôi cũng đã dành phần lớn thời giờ để làm việc trong lãnh vực luật biển thềm lục địa.

Bộ sử liệu cũng không đề cập gì về hoạt động trong luật biển và thềm lục địa dưới thời CSCN. Trong các chức năng và nhiệm vụ cơ bản của Tập Đoàn Dầu Khí thì không thấy có gì về luật biển hay thềm lục địa.

Tên Giếng Dầu

Mười mỏ dầu lớn nhất ở Việt Nam hiện nay tên là: Bạch Hổ, Sư Tử Đen / Vàng / Trắng / Nâu, Đại Hùng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Lan Tây và Lan Đỏ. Hai mỏ Bạch Hổ và Đại Hùng được đặt tên trước tháng Tư 75; các mỏ khác đặt tên sau mà đại khái cũng theo phương thức cùng là hoa lá cây cỏ, thú vật trên bờ dưới biển ở Việt Nam. 

Hồi 1974 trước khi các công ty khởi sự khoan giếng, họ bàn với tôi cần đặt tên giếng dầu. Thay vì theo thông lệ quốc tế lúc đó đặt tên theo địa dư hay danh số của lô mà tôi thấy nhàm chán, tôi muốn tên sẽ có một cái gì gắn bó với Việt Nam. Tôi nghĩ ngay đến các vị anh hùng trong lịch sử; còn gì hay bằng mỏ dầu Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung.  Ngặt một điều là không có gì bảo đảm giếng sẽ khoan trúng dầu – xác suất trúng dầu khi khởi đầu chỉ là 1 trên 10, 10 giếng mới may ra trúng một mỏ, mà biết giếng nào trúng đây. Và lỡ giếng Trần Hưng Đạo bị “khô” thì quả là một điều phạm thượng tày trời. Tôi cũng nghĩ đến tên các thi hào văn nhân, thì cũng kẹt vậy: Nguyễn Du tội tình gì mà 300 năm sau có người khóc chỉ vì tên dính liền với một giếng khô ở thềm lục địa?

Rồi tôi nghĩ đến tên các tỉnh, các quận, sông núi ở các địa phương thì cũng kẹt vậy: mỏ dầu An Giang nghe elegant, nhưng một loạt giếng khô mang tên Quảng Trị, Nha Trang, Ngự Bình…thì cũng rất khó nghe cho đồng bào ngoài Trung. Rốt cục lại, tôi đã chọn tên hoa lá cây cỏ và thú vật trên bờ dưới biển, những tên gần gũi với Việt Nam mà nếu giếng đó có bị “khô” thì cũng không phiền lòng ai. Tên các giếng đầu tiên là Hồng, Dừa I, Dừa II, Mía, Bạch Hổ và Đại Hùng.

Sau 1975, tôi có để ý theo dõi tiến triển hoạt động dầu khí ở Việt Nam, đặc biệt là tên các giếng dầu mới, nhưng tin tức lúc đầu không có nhiều, một phần vì tiến độ chậm chạp, và phần lớn là vì CSVN mấy năm đầu thì như là một lỗ đen (black hole), ánh sáng không lọt ra ngoài được còn nói gì đến tin tức. Đến khoảng đầu thập niên 1980, tôi đọc thấy có tên ba giếng mới ở ngoài khơi là Cam, Vải Thiều, Đu Đủ; tôi rất ngạc nhiên. Rồi lại nghe một loạt giếng nữa mang tên Mãng Cầu, Cau, Phong Lan, tôi rất hài lòng.

Năm 1995, tôi gặp lại hai ông Vĩnh và Sơn khi tôi tham dự hội thảo dầu khí do PetroVietnam tổ chức ở Saigon. Tôi có hỏi ông Vĩnh sau này khi đặt tên giếng dầu thì làm sao. Ông Vĩnh nói ông đưa ra ý kiến với một số tên rồi anh em chọn, ai cũng thấy mọi chuyện tự nhiên, rồi cứ tiếp tục như trước. Có lần tôi nghĩ nếu hồi đó tôi đổi tên giếng qua thành những chữ thời thượng của VNCH như Tự Do, Công Lý, Vì Dân…thì biết đâu bản đồ thềm lục địa hôm nay đã tràn đầy những tên thời thượng CSVN như tên đường phố mới, thay vì những tên cây cỏ thú vật bình dân và quen thuộc trong đại chúng.

Mới đây có tin tìm được một mỏ nhiều triển vọng ở ngoài khơi Quảng Trị, đặt tên là Kèn Bầu. Nghe cũng thú vị, thật là gắn bó với Việt Nam.

 Chuyên viên dầu khí CS

Trong buổi triển lãm dầu khí ở Saigon năm 1995, tôi đã có dịp trò chuyện xã giao với Tiến Sĩ Ngô Thường San, và qua danh thiếp trao đổi, với nhiều kỹ thuật gia cao cấp của PetroVietnam và một vài cố vấn dầu khí của chính phủ. Cuộc trao đổi rất là cởi mở giữa những người mới gặp nhau lần đầu. Tôi khen chuyên viên Việt Nam đã đưa dầu khí Việt Nam vào kỹ nghệ và kỹ thuật dầu khí quốc tế. Các viên chức PetroVietnam thì liên tiếp gởi nhắn tôi những lời thân thiện:

– “Nghe tên anh lâu bây giờ mới thấy mặt”

– “Tôi có biết chuyện hồi trước anh làm”

– “Anh về đây làm việc với tụi tôi đi”

– “Anh có rảnh thì mời anh đi thăm Bạch Hổ”

– “Anh có dịp ghé thăm cơ sở Vũng Tàu”

Tôi rất cảm kích những lời cởi mở và thân thiện này, mà phải đi Indonesia ngày hôm sau.

Trên đường bay về, và nhiều lần sau này, tôi đã nghĩ tới buổi trò chuyện đó, và lần nào tôi cũng nghĩ rằng thái độ vồn vã và ân cần của chuyên viên PetroVietNam đã phản ảnh phần lớn sự đánh giá thuận lợi của họ đối với các bước đầu cẩn thận và thành công của chương trình dầu hỏa VNCH trước 75.

Cách đây mấy năm, tôi có theo dõi vụ “ô nhục” (từ điển Anh-Việt Nguyễn Văn Khôn dịch chữ scandal) ở PetroVietnam, gây ra do vị chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí vốn không có gốc gác kỹ thuật chuyên nghiệp mà là một phó bí thư tỉnh ủy được đề bạt vào làm. Thấy tin một số chuyên gia dầu khí có thành tích kỹ thuật xuất sắc đã bị vướng vào vòng tù tội, tôi cũng rất áy náy cho các chuyên viên này.

Một lịch sử không mơ ước

Năm 1973, trong buổi tối trước ngày ký các hợp đồng đầu tìm dầu đầu tiên, tôi mang 32 tập hợp đồng (8 lô, mỗi lô 2 bản tiếng Việt 2 bản tiếng Anh) đến nhà Tổng Trưởng Phạm Kim Ngọc để ông ký tắt trên từng trang (hai chữ pn). Vừa uống trà sâm vừa ăn bánh ngọt, hai người vừa nói chuyện trong khi tay ông Ngọc cứ như máy ký nhanh trên cả mấy trăm trang. Tôi nhớ ông nói với tôi “Khi nào có dầu thì mình sẽ đi vào lịch sử.”

Đầu năm 1975, VNCH tìm thấy nhiều dầu ở mỏ Bạch Hổ, rồi chỉ mấy tháng sau là tan hàng đành phải bỏ lỡ. Các chuyên viên kỹ thuật của CSVN sau đó đã nỗ lực phát triển mạnh mẽ và thành công việc khai thác tài nguyên dầu khí ở ngoài khơi. Họ đã đưa sự nghiệp dầu khí vào lịch sử, và theo đó đã đưa dầu hỏa VNCH vào lịch sử.

Nhưng lịch sử này không phải là lịch sử trong viễn kiến của Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngoc, không nằm trong tầm nhìn của UBQGDH, và cũng không phải là lịch sử mà các chuyên viên dầu hỏa VNCH thời đó mỗi ngày hằng mơ tưởng.

Houston, tháng 11 năm 2022.

*Về tác giả Trần Văn Khởi: Nguyên Tổng Cục Trưởng Dầu Hỏa và Khoáng Sản của Việt Nam Cộng Hòa.