Triển lãm mới của họa sĩ Bùi Chát: Bước xuống cầu thang & Tìm

Từ ngày 21 – 29/4/2023 tại tại May ArtSpace. 36/70 Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, đã diễn ra cuộc triển lãm có tên “Bước xuống cầu thang & Tìm” của họa sĩ, nhà thơ Bùi Chát.

Về họa sĩ Bùi Chát: (họa sĩ tự dạy) như chính anh tự nhận:

Theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi cử nhân luật

Cựu thi sĩ, đã xuất bản 7 tập thơ, đồng thời là người làm xuất bản

Bắt đầu cầm cọ lai rai vào đầu những năm 2000, nhưng phải bỏ dở nhiều lần trước khi theo hẳn hội họa vào năm 2019

Vẽ sấp xỉ 1000 bức tranh, nhưng phần lớn đốt hoặc xóa bỏ sau một thời gian xem lại, hiện chỉ còn giữ trên dưới 300

Triển lãm cá nhân:

Improvisation (7/2022)

Những tình huống mới (12/2022) 

32 tranh cùng khổ chín lăm mét ba (3/2023)

Bước xuống cầu thang & Tìm (4/2023)

Họa sĩ Bùi Chát tại nơi triển lãm.

***

Mặc Nhiên: Bước xuống cầu thang & Tìm – một triển lãm thành công của Bùi Chát

Bùi Chát khai mạc triển lãm mới nhất vào lúc 18g chủ nhật 23/04/2023 tại May artspace 36/70 Nguyễn Gia Trí, Binh Thanh, Tp HCM.

Kể từ lần xuất hiện đầu tiên trong hội họa với Improvisation vào tháng 7/2022, Bước xuống cầu thang & Tìm là triển lãm thứ 4 của Bùi Chát trong vòng chưa tới một năm.

Tuy mật độ xuất hiện các triển lãm được xem là khá dày đặc nhưng mỗi lần trưng bày là mỗi lần thấy Bùi Chát là một nghệ sĩ khác, không giống như những nghệ sĩ của những lần trưng bày trước. Có lẽ Bùi Chát luôn tìm cách để làm mới mình và luôn biết cách làm khác đi để không giống ai và cũng không giống mình.

Về mặt hội họa, Bước xuống cầu thang & Tìm có thể xem là một thành công mới của Bùi Chát cả ở phong cách lẫn kỹ thuật. Sự chuyển động tự do không gò bó của màu sắc, cộng với bút pháp linh hoạt trong từng tác phẩm tạo nên cảm tưởng mỗi tác phẩm là một thể nghiệm, một cuộc phiêu lưu không lặp lại của tác giả

Triển lãm Bước xuống cầu thang & Tìm được kết cấu thành 2 phần:

– Một là tác phẩm sắp đặt có tên Bước xuống cầu thang, tạo nên bởi hơn 1500 cuốn sách, bắt đầu từ cửa một thư viện cũ nằm trên lầu (hiện là văn phòng của một công ty kiến trúc), chạy dài đổ xuống cầu thang rồi chảy ra hai hướng: một ra phía ngoài đường, hướng kia vào phòng triển lãm.

Tác phẩm được gợi hứng từ bức tranh Khỏa thân bước xuống cầu thang (Nude Descending a Staircase, No.2) của Marcel Duchamp, cũng như từ ngày sách Việt Nam 21/3 và ngày sách thế giới 23/04

– Phần còn lại là Tìm, gồm 33 bức tranh sơn dầu được sáng tác từ 2019 đến 2023, với nhiều kích thước, phong cách, cũng như thể nghiệm khác nhau.

Ở phần hội họa này, tác giả không thông qua việc thực hành để đi tìm bản thể của chính mình hoặc tìm ý nghĩa của nghệ thuật. Tác giả tự giả định, chính xác hơn là tự xem mình là một công chúng thưởng ngoạn, việc tìm đến nghệ thuật của một người thưởng ngoạn bao giờ cũng li kì hấp dẫn và tràn đầy ý nghĩa cho chính họ, đó cũng có thể là lý do để họ viết nên câu chuyện của mình.

Quan tâm của tác giả trong triển lãm lần này tập trung vào mối quan hệ giữa tác phẩm và người thưởng ngoạn, và tùy thuộc vào mỗi tình huống mà vai trò chủ động trong quan hệ được hoán đổi từvị trí tác phẩm qua người thưởng ngoạn hoặc ngược lại.

Bùi Chát theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi cử nhân luật. Trước khi trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, Bùi Chát là một cựu thi sĩ, anh đã từng xuất bản 7 tập thơ, được đánh giá là nhà thơ chịu chơi và phá cách nhất của thế hệ anh, thơ Bùi Chát được dịch và giới thiệu qua một vài ngôn ngữ khác. Bùi Chát cũng được xem là một nhà hoạt động xuất bản lẫy lừng.

Sau nhiều lần phải bỏ dở con đường hội họa, Bùi Chát cầm cọ lại một cách chuyên tâm vào năm 2019, hiện Bùi Chát đang chủ trương một lối hội họa riêng gọi là Hội họa Tình huống.

Nói về trường phái hội họa nàyTiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy nhận xét:

Marguerite Duras nói: “Khi ta lôi từ trong mình ra cả một cuốn sách…”. Có thể nói tương tự như vậy về Hội họa tình huống của Bùi Chát rằng, tác giả đã lôi cả bức tranh ra khỏi mình, nhưng không định nghĩa cả mình lẫn bức tranh. Màu sắc cứ như đập thẳng lên toile một cách thiếu chủ ý, đúng như tác giả viết, đó là “một dạng hội họa không chủ đích”. Và tác giả đang ở trong thời kỳ đầy đam mê và bị thúc đẩy một cách mạnh mẽ bởi tính không chủ đích này.

……

Bùi Chát đã tự vạch cho mình một con đường riêng, một thử nghiệm về ý niệm ứng biến và tình huống. Và như ta thấy trong phần lập ngôn của họa sĩ: anh đang ở giai đoạn đầu tiên đầy đam mê của một người khám phá nghệ thuật và khám phá chính mình thông qua nghệ thuật.”

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho rằng: “Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng – đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa – và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách Lyrical Abstraction rất riêng…”

Họa sĩ Hà Hùng thì khẳng định: “Làm nghệ thuật quan trọng nhất là hướng đi phải phù hợp với thời đại, và đúng theo tâm cảm của mình. Về tổng thể thì Bùi Chát đã làm được điều này!”

Man Nhiên

***

Cường Nguyễn: Cảm nghĩ khi xem triển lãm tranh Bước xuống cầu thang & Tìm

Đây là lần thứ ba tôi đến sự kiện tranh của hoạ sĩ Bùi Chát. Bước vào triển lãm Những tình huống mới tôi cảm thấy bối rối trước nét cọ và màu sắc hoang dại, phản quy cách có thể sẽ gây sự phẫn nộ cùng cực cho những ai đam mê nghệ thuật thị giác thuần khiết [visual art]. Nhưng tôi trấn an bản thân vì nghĩ rằng nếu xem tranh chỉ vì thoả mãn đôi mắt thì thôi về nhờ AI còn có lý hơn. Sự kiện 32 tranh cùng khổ chín lăm mét ba đẩy sự hoang mang này lên trạng thái căng não khi tôi trải nghiệm sự mâu thuẫn giữa hai hành động của tác giả. Anh gợi mời người xem nhận xét về ý nghĩa của tác phẩm. Nhưng đâu đó lại kèm thêm lời nhắn nhủ: “làm ơn đừng thắc mắc/băn khoăn/tò mò/ về những câu chuyện,” bởi lẽ “hội hoạ tình huống không hướng tới lý tưởng hay thông điệp gì… một dạng hội hoạ không có chủ đích.” Anh nhờ tôi cho ý kiến về tranh nhưng lại không cho tôi cơ hội để tự hỏi tôi thật sự hiểu gì về tranh?!… như vậy là chơi khó tôi rồi đấy?!, tôi thầm nghĩ. Những cảm xúc trái ngược thôi thúc tôi đến buổi triển lãm thứ tư[1]Bước xuống cầu thang & Tìm. Hiện tượng đập ngay vào mắt tôi là tác phẩm Bước xuống cầu thang được tạo bởi hơn 1500 cuốn sách cũ nằm hỗn độn chảy dài xuống cầu thang ra hai hướng: ra đường và vào phòng triển lãm Tìm. Bước xuống cầu thang lấy nguồn cảm hứng từ tác phẩm Khoả thân bước xuống cầu thang của Marcel Duchamp, tiên phong lừng danhcủa phong trào mỹ học Dadaism những thập niên đầu cuả thế kỉ 20. Tuy nhiên, tác phẩm chỉ dựa trên khái niệm cầu thang như bệ phóng tinh thần cho một triết lý mỹ học riêng.

Anh đã kết hợp Tìm & Bước xuống cầu thang để đưa ra một lời giải đáp cho sự chuyển đổi từ làm thơ sang vẽ. Nếu vắng bóng Tìm, Bước xuống cầu thang dẫn “ra đường,” tuyệt lộ nơi mà “ý chí tự do” của anh cảm giác gò bó. Ai tinh ý sẽ thấy đường xuống cầu thang càng ngày càng hẹp đi lại dẫn đến Tìm, như một xa lộ mới nơi ý chí vượt ra khỏi giới hạn những con chữ vốn ràng buộc con người vào những khuôn mẫu biểu đạt. Thật khó chịu khi đặt bút viết thơ với cái đầu rỗng. Thật bất công cho độc giả khi đọc thơ hoàn toàn không có thông điệp gì. Nhưng điều đó lại hiếm thấy trong hội hoạ & âm nhạc. Như triết gia Đức Schopenhauer từng nói, đỉnh điểm của sự thụ hưởng mỹ học về cái đẹp chỉ tới khi ý chí tự do người nhìn lẫn nghệ sĩ không giam nó vào sự biểu đạt thuần tuý. Trong khoảnh khắc ấy ta quên hết cái ta của ngày hôm qua: ta là ta của hiện tại đang dấn thân vào tình huống bất biến của thế giới.

Nếu thiếu Bước xuống cầu thang và sách, ta sẽ không thấy tính kế thừa tư tưởng Bùi Chát từ trào lưu mỹ học ở miền nam hậu Đổi mới, ẩn mình dưới nhiều cái tên như nghệ thuật “phản kháng,” “hậu hiện đại,” hay “phản quy cách.” Ở vị trí ngoại vi Bùi Chát cùng với Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Lý Đợi, nhóm Mở Miệng, và Khoan Cắt Bê Tông” đã đánh thẳng vào trung tâm cái nghệ thuật “Phải Đạo.” Họ đã dùng thứ có sẵn, từ ngữ dụng tục, và tính giễu nhại lột trần sự giả tạo của khái niệm Chân-Thiện-Mỹ trong văn hoá Việt rốt cuộc cũng chỉ diễn đạt mỹ miều cho cái “mục đích tối hậu” tầm thường mà ai ai cũng đánh đồng với hạnh phúc. Tôi đã tìm được câu trả lời thoả mãn cho riêng mình. Nếu tác giả gọi đây là Hội hoạ Tình huống, tôi xin mạn phép gọi mỹ học tiền hình dung [prefigurative aesthetics]. Tác giả hình dung thử những bước cọ kế tiếp trước tình huống mới nhưng không hề có mục đích tối hậu cho tác phẩm.

Cường Nguyễn