Triển Lãm Nghệ Thuật “Trải Nghiệm Môi Trường Và Con Người – Những Câu Chuyện Hồi Sinh” của nữ họa sĩ Ann Phong.

Từ ngày 6/5 đến ngày 3/6 tại Street Space Gallery thuộc tòa nhà Santora (Santora Building), 205 N. Broadway, Santa Ana, California, đang diễn ra cuộc triển lãm tranh với chủ đề “Environment & Human Experiences – The Revival Narratives” (“Trải Nghiệm Môi Trường Và Con Người – Những Câu Chuyện Hồi Sinh”) của nữ họa sĩ Ann Phong, với sự hỗ trợ của Khoa Nghệ thuật Đại học Santa Ana, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và Việt Báo Foundation.

Cuộc triển lãm sẽ giới thiệu 27 tác phẩm nghệ thuật “mixed media” (chất liệu hỗn hợp) của nữ họa sĩ. Giám tuyển là Minh Phạm.

Vài dòng ngắn gọn về nữ họa sĩ Ann Phong:

Ann Phong từng tham dự nhiều cuộc triển lãm tại Hoa Kỳ và quốc tế như Towers Art Center (Los Angeles, California), Laguna Art Museum (Laguna Beach, California), Kitakyushu Municipal Museum of Art (Kitakyushu, Nhật Bản), Center Art Gallery (Vancouver, Canada), Gandong Art Center (Seoul, Nam Hàn), và Andaman Museum (Bangkok, Thái Lan). Bà từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) từ năm 2009 đến 2018. Bà hiện dạy Mỹ Thuật tại Đại học Cal Poly Pomona. 

Họa sĩ Ann Phong với prof Phillip Marquez, SAC Gallery Director (ở giữa) và Minh Phạm (ngoài cùng bên trái)

Vài dòng ngắn gọn về giám tuyển Minh Phạm:

Minh Phạm hiện là sinh viên Nghệ Thuật, Nhiếp Ảnh Và Âm Nhạc tại Santa Ana College.

Minh bắt đầu tham gia sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam vào Tết Nguyên Đán năm 2011. Minh là thiện nguyện viên cho Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California trong các vai trò như Điều phối viên quan hệ công chúng, Trưởng Ban Quảng Bá, Cố Vấn Ban Quảng Bá, Trưởng Nhóm Dịch Thuật tại Hôi Tết Sinh Viên. Anh cũng tham gia sinh hoạt với Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) trong vai trò Trưởng Ban Quan Hệ Truyền Thông cho Viet Film Fest. 

Nữ họa sĩ Ann Phong.

Từ Sài Gòn, nhà thơ, nhà phê bình hội họa Lý Đợi viết về họa sĩ Ann Phong:

Lý Đợi: Ann Phong – Hòa nhập & Ngoái nhìn lại

Theo nhiều nghiên cứu xã hội học cho thấy: những người rời Việt Nam khi đã đủ tuổi thành niên thì thường khó hòa nhập vào xứ sở mới ở hai khía cạnh: 1) nghệ thuật; 2) ẩm thực.

Ann Phong sinh năm 1957 tại Sài Gòn, định cư Nam Cali từ đầu thập niên 1980, có lẽ thuộc số rất-rất ít có khả năng hòa nhập sâu vào đời sống Mỹ.

Chị tốt nghiệp cao học mỹ thuật tại Đại học Cal State Fullerton năm 1995. Là giáo sư giảng dạy về nghệ thuật tại Cal Poly Pomona trong mấy mươi năm qua. Chị là Chủ tịch Hội đồng VAALA (Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ) từ năm 2009 đến 2018.

Ann Phong đã thực hiện khoảng 15 triển lãm cá nhân và tham gia hơn 150 cuộc triển nhóm tại Mỹ, Nhật, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…

Mê vẽ tranh từ nhỏ. Nhưng khi mới đến Mỹ, chị theo học về nha khoa trong một thời gian, tỏ ra rất có năng khiếu với ngành này. Sau một tai nạn xe hơi khá nặng, lúc nằm điều trị, giấc mơ hội họa và tự do sáng tạo của chị lại trỗi dậy.

Năm 1993, lúc học cao học mỹ thuật tại California, khi đang hòa nhập vào đời sống nghệ thuật Mỹ khá suôn sẻ, Ann Phong lại muốn tìm về cộng đồng người Việt. Để tái trả lời câu hỏi ta là ai và từ đâu đến.

Trong dịp này, chị quen biết nhiều văn nghệ sĩ của thời Việt Nam Cộng Hòa, tham gia nhiều sinh hoạt văn hóa, sáng tạo cùng cộng đồng.

Đây cũng là giai đoạn chị gặp họa sĩ Nguyên Khai, anh mời chị triển lãm chung trong cộng đồng Việt. Sau đó, lúc có dịp, chị lại giúp giới thiệu tranh Nguyên Khai đến với cộng đồng Mỹ.

Sự hòa nhập và ngoái nhìn lại cộng đồng Việt không chỉ là thái độ sống, mà còn là bản sắc trong sáng tạo của Ann Phong.

Tranh của chị đậm chất tân biểu hiện (neo-expressionism), đậm chất thể nghiệm, với ngôn ngữ đa phương tiện. Đó là một kết hợp về vật liệu và chất liệu, một liên nối từ các trải nghiệm cá nhân về thuyền nhân, về biển cả cho đến các hiểm họa của loài người đối với môi sinh.

Sự yêu thích và am hiểu về acrylic đã giúp Ann Phong phô diễn được các tính chất đặc biệt của vật liệu này. Nhiều mảng màu trong như thủy mặc, màu nước, nhiều mảng màu dày như phù điêu…

Có lẽ vì Ann Phong vẽ chỉ để thỏa chí đam mê từ nhỏ, không áp lực chuyện bán tranh, nên việc theo đuổi các thể nghiệm về vật liệu và chất liệu rất thoải mái. Trở thành một cây cọ tự do.

***

Phỏng vấn nhanh nữ họa sĩ Ann Phong:

*Chị bước vào con đường hội họa như thế nào? Sở trường của chị là chất liệu gì, và thể loại gì?”

Họa sĩ Ann Phong:  

Tôi thích hội họa từ nhỏ, tự học vẽ. Từ lúc thành họa sĩ, sở trường tôi là Acrylic. Với Acrylic tôi có thể vẽ dày, tranh 3 chiều giống phù điêu, khi vẽ mỏng acrylic nhìn như màu nước”.

*Cơ duyên nào dẫn chị tới cuộc triển lãm này? Tại sao chị chọn chủ đề “Trải Nghiệm Môi Trường Và Con Người – Những Câu Chuyện Hồi Sinh”? Thông điệp mà chị muốn gửi gắm đến người xem qua cuộc triển lãm là gì?”

Họa sĩ Ann Phong:  

Tôi được quen em Minh Phạm từ sinh hoạt em làm cho Viet Film Fest trong năm đại dịch vừa qua. Minh Phạm trình một đề án tới gallery trường Santa Ana College cho em được tổ chức một cuộc triển lãm solo cho một họa sĩ người Mỹ gốc Việt đến mọi người. Và trường Santa Ana chấp nhận đề án của em. Vì Minh Phạm còn trẻ. Sau khi xem một số tranh của tôi, tôi khuyến khích Minh bằng cách để em quyết định đặt tựa đề cho cuộc triển lãm. Minh cũng viết press release gởi đến mọi người.

Có thể xem như nội dung ngắn gọn và thông điệp của cuộc triển lãm nằm trong press release như sau:

Buổi triển lãm “Environment & Human Experiences – The Revival Narratives” mời khách thưởng ngoạn suy ngẫm về thế giới nội tâm của chính họ và cách họ được định hình bởi môi trường bên ngoài. Với kỹ thuật sử dụng nhiều chất liệu đa dạng, họa sĩ Ann Phong tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống và gợi cảm, làm mờ đi ranh giới giữa con người và thiên nhiên. Hơn nữa, một số tác phẩm của Ann Phong được lấy cảm hứng từ di sản Việt Nam và mối quan tâm của bà đối với môi trường. Bà sử dụng hội họa để nâng cao nhận thức về tác động mà con người đang gây ra đối với hành tinh trái đất, và truyền cảm hứng cho mọi người để cùng nghĩ phương thức bảo vệ trái đất – ngôi nhà của nhân loại.

Họa sĩ Ann Phong nói thêm:

Có những tác phẩm được sáng tác trong trường hợp đặc biệt, như:

– “Typing One Key At A Time, Writer NhaCa Wrote Her Novel Masterpieces” Có một lần đọc được bài phỏng vấn của một ký giả Mỹ với nhà Văn Nhã Ca. Chị Nhã Ca nói xưa kia chị đánh máy cho các bài của chị, chị đánh bằng 1 cây viết chì gõ lên phím. Câu chuyện kể đó làm tôi thấy thích tú và tôi vẽ lên tác phẩm này.

-“The Vietnamese Lac Bird Crossed The Ocean” Những Con Chim Lạc Bay Vượt Trùng Dương, nay sống ở khắp nơi trên các lục địa.

-“There Was A Forest”. Ở những nước biết trân trọng môi trường, người ta đốn gỗ và sẽ trồng lại cây non. Mỗi lần đọc tin bên VN đốn gỗ (và đốn cả những cây gỗ quý) một cách tỉnh bơ, sao thấy đau xót cho dân thường, có những vùng phải sống trong lũ lụt hàng năm vì không có rừng để chặn nước!

-“The Heat In Mid 2020” sáng tác trong thời gian tại Hoa Kỳ khi dân thường quay được cảnh những cảnh sát đánh đập, siết cổ dân thường. Nhờ cái cell-phone mà dân chúng biết được nhiều hơn, nên có các cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi tại Mỹ trong mùa hè 2020.

-“But Where Are You Really From?” Một lần trò chuyện với con gái tôi về sự kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ, con tôi nói, ngay cả thế hệ trẻ cũng bị. Các em sinh tại Mỹ nên nói tiếng Anh như Mỹ. Vẫn có nhiều người coi các em như nhập cư từ nơi khác, khen các em: “Sao em nói tiếng Anh giỏi thế”. Những câu nói như thế đã làm các em trẻ suy nghĩ nhiểu.

*Tại sao chị chọn nghệ thuật “mixed media” (chất liệu hỗn hợp) cho cuộc triển lãm?

Họa sĩ Ann Phong:

Tôi đã sử dụng mixed media hơn 20 năm nay. Xưa tôi thích tác phẩm nghệ thuật 3 chiều, nhưng tôi không có chỗ để làm. Thay vì ngồi than vãn, tôi tự tìm đường đi khác, bằng cách vẽ 3 chiều.

*Nhà thơ Lý Đợi ở Sài Gòn có bài viết ngắn về chị: “Ann Phong-Hòa nhập & ngoái nhìn lại”, bản thân chị có cảm thấy mình đã hội nhập/ hòa nhập được với thế giới hội họa ở Mỹ chưa, người Mỹ đón nhận tranh của chị như thế nào qua những lần triển lãm?

Họa sĩ Ann Phong:

Tôi được đào tạo từ các trường đại học của Mỹ. Tôi nói tiếng Anh về nghệ thuật tạo hình như những họa sĩ Mỹ khác. Vâng, bản thân tôi cảm thấy mình đã hội nhập/ hòa nhập được với thế giới hội họa ở Mỹ. Nghệ thuật ở Mỹ rất đa dạng, và người thưởng lãm Mỹ cũng rất quen thuộc với sự đa dạng về màu da của các họa sĩ. Họ chấp nhận tôi như một họa sĩ Mỹ. Nhiều người thưởng ngọan rất thích thú và ngạc nhiên khi có dịp xem các tác phẩm của tôi. Tác phẩm tôi cũng được một số nhà phê bình nghệ thuật của Mỹ nhắc đến và đăng trên báo chí. Nước Mỹ lớn lắm, một số họa sĩ và người thưởng ngoạn biết đến tôi không đồng nghĩa là tất cả người Mỹ đến tôi. 

*Chị có theo dõi tình hình hội họa trong nước không? Chị có nhận xét gì hay ấn tượng gì với tranh của họa sĩ nào đó không?

Họa sĩ Ann Phong:

Nhờ Facebook và các social media khác, nay tôi có dịp làm quen rất nhiều họa sĩ Việt Nam. Nhưng sự tìm hiểu này có giới hạn. Tôi chỉ thấy tác phẩm qua hình chụp, nên không đủ sự hiểu biết để nhận xét phê bình.

*Cảm ơn họa sĩ Ann Phong.

Một số bức tranh trong cuộc triển lãm:

Fishes In Water.
Leftover From a Happy Birthday Party. 
Nature Living With Humans
Your Food Is Delivered. 
The Journey in the Dark.
Typing One Key At A Time, Writer NhaCa Wrote Her Novel Materpieces.
The Vietnamese Lac Bird Crossed The Ocean.
There Was A Forest,
The  Heat In Mid 2020.
But Where Are You Really From.