Trịnh Y Thư: Dưới những gốc nho biển

Tranh Nguyên Khai.

1.

Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc.

Cái chợ huyện thời trước chiến tranh là bãi đất trống, mùa nóng bụi đỏ mịt mù, mùa mưa bùn ngập quá mắt cá chân. Thời cải cách ruộng đất nó trở thành nơi đấu tố địa chủ. Thời chiến tranh là chỗ cán bộ tụ họp dân các làng xung quanh đến nghe thông tư, nghị quyết của nhà nước. Sau chiến tranh, dần dà mọc lên vài túp lều bạt rồi hàng quán không biết từ đâu tự động bò đến bày bát đũa, nồi niêu, thúng mủng la liệt, biến bãi đất thành một cái chợ vô tổ chức và vô cùng nhếch nhác. Bây giờ nó là cái chợ lớn nhất huyện nhưng sự vô tổ chức thì vẫn như cũ.

Hôm cô tự kết liễu đời mình, trước chợ có một vụ đâm chém nhau. Hai gã nông dân trong làng thù oán nhau chuyện gì đấy, chạm mặt nhau ngoài chợ và chỉ cần gã này chửi đổng gã kia một tiếng là nổ ngay vụ đấm đá kịch liệt và gã này rút dao đâm gã kia đến lòi ruột. Gã bị đâm giãy đành đạch vài cái đoạn tắt thở. Gã kia bỏ chạy. Có người kêu lên vài tiếng gì đó nhưng hầu hết chẳng ai buồn quan tâm, họ ngẩng đầu lên, vểnh hai tai như thể nghe ngóng xem có gì xảy ra nữa không, nhưng rồi ai nấy lại cắm cúi tiếp tục công việc đang bỏ dở. Chiếc xe công nông kéo lê đằng sau một đống cây mới đẵn hồi sáng xình xịch chạy với tốc độ sên bò. Vài chiếc xe đạp phóng vội qua, người trên xe ném cái nhìn như thắc mắc về đám người đứng lố nhố trước chợ. Một đám hiếu kỳ chừng hơn chục người xúm lại xem gã bị đâm nằm chết. Họ quan sát gã như quan sát một hiện vật trong viện bảo tàng. Bình thường có lẽ chẳng ai thèm nhìn gã vì gã xấu lắm. Xấu nhất là hàm răng vẩu. Bốn chiếc răng cửa hàm trên của gã dài quá khổ mọc chìa ra, cọc cạch khiến bộ mặt lưỡi cày của gã càng thêm méo mó, dị dạng. Người gã quắt queo như xác ướp và bây giờ gã nằm bất động dưới đất, mồm há rộng, trông như một cái xác ướp thật với tất cả sự kinh khiếp, ghê rợn của một xác ướp khô. Với cái chết gã nông dân xấu xí biến thành món vật lạ cho mọi người thưởng thức. Đám đông say sưa nhìn cái xác ướp ấn tượng nhất lịch sử văn minh loài người với cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm bởi, địt mẹ nó, may quá mình không phải là cái xác đó. Họ chẳng thấy xót thương cho gã tí nào. Mạng người rẻ hơn bèo nhất là mạng người ở vùng đất nghèo khổ này.

Bỗng một người bỏ đi, đám đông tự động giãn ra đoạn tản mát hết. Chẳng ai muốn bị công an quấy rầy. Trước khi bỏ đi có người tìm đâu được chiếc chiếu rách che cái xác. Nhưng chiếc chiếu bé quá lại rách bươm nên chỉ đủ che vừa kín đống ruột vàng khè lòi ra bầy nhầy trên vũng máu đỏ lòm chứ khuôn mặt kinh dị của gã vẫn ngửa lên trời như thách đố với ông Xanh. Cái xác nằm trơ trọi trên mặt đất bẩn thỉu cùng với rác rưởi, giấy vụn và lá khô. Ruồi nhặng bắt đầu đánh hơi mùi xác chết bay lại bu đen kín khuôn mặt gã. Hai ba con chó hoang gầy trơ xương cũng chạy lại đứng hít hít như tìm xem có cái gì ăn được không. Cảnh tượng hãi hùng như trong cuốn phim kinh dị. Lạ lùng nữa. Lạ lùng ở chỗ không ai thèm quan tâm đến một con người vừa nhắm mắt.

2.

Bây giờ cô đi trên con đường đất đỏ dọc theo bờ sông. Nước sông đỏ lờ lợ chảy nhẹ, thao thiết. Sương sớm trên mặt sông chưa tan hết, vẫn lù mù dưới ánh dương quang sáng bạc. Cô thấy người đàn ông già lập cập từng bước chậm chạp xuống mép sông giăng vó. Ông mặc chiếc quần vải cộc, ngực áo phanh trần lộ nửa tấm thân đen đủi dày dạn gió sương, xương quai xanh lồi lõm trên ức. Ông giăng vó thành bốn góc thành thạo như thể công việc này quá dễ dàng đối với ông, như thể từ lúc còn là cậu trai mười bốn mười lăm tuổi trong làng mỗi ngày ông chỉ làm công việc duy nhất là giăng vó bắt cá. Giăng xong, ông đứng đó, mặt nước mấp mé dưới chân đất, người im phăng phắc như pho tượng, tay cầm sào vó.

Cô nhìn ông không chớp mắt. Hiện ra trong trí cô, ông là hiện thân của cuộc sống nơi đây. Nó chẳng giống tí nào với cuộc sống cô hằng tưởng tượng, và mặc dù đã một năm trời trôi qua từ ngày cô theo gã bác sĩ bộ đội về sống trên mảnh đất này, cô vẫn thấy cô không hề dính dáng gì đến nó, cô vẫn là kẻ đứng ngoài, cô vẫn dửng dưng với tất cả những sinh hoạt của nó, kể cả những sinh hoạt mà người ta gán ghép lên nó những hình dung từ văn hoa. Tất cả đối với cô chỉ là những trò thô lậu bỉ ổi, mà mục đích là che giấu những hành vi đê tiện, xấu xa đối với nhau. Người nhà quê lúc nào ngoài mặt cũng thưa bẩm lễ độ, nhưng sau lưng họ chửi nhau bằng những lời lẽ tục tằn, dơ dáy nhất ngôn ngữ loài người có thể nghĩ ra. Từ gã đảng ủy bộ mặt lúc nào cũng nghiêm trang, ăn nói từ tốn, dáng người bệ vệ, cho đến thằng bé con năm tuổi, tóc cứng như chổi xể, mặt mũi lem lấm, tinh ranh như con cáo. Tất cả như sắm một vai trò nào đó trong tiết kịch vớ vẩn do Thượng đế ném xuống trần gian mà không hề có một kịch bản nào cho các diễn viên. Có thật đây là đời sống con người hay chẳng qua chỉ là những diễn biến của những cỗ máy được sắp sẵn theo một quy trình nhất định nào đó, và những thứ gọi là sinh vật nằm trong đó chẳng hề sở hữu một đời sống đích thực nào.

Cô đứng đó cách người đàn ông giăng vó chừng mười thước, cô nhìn ông như nhìn một sinh vật lạ nhất trên đời. Ông bất giác quay lại, thấy cô, ông nở nụ cuời để lộ hàm răng vàng xỉn. “Bà bác sĩ ạ, mới sớm tinh mơ mà bà đi đâu thế?” Ông nói to, giọng thân thiện.

Cô không thể bảo ông cô đang đi tìm cái chết.

Cô nói gì đó với người đàn ông rồi quay lưng tiếp tục đi về hướng Cống Liệp. Người đàn ông cũng không nói gì thêm, ông ta quay lại với công việc cầm sào vó, thân hình vẫn im như pho tượng. Từ chỗ này ra đến Cống Liệp khoảng cách nếu đi dọc theo bờ sông thì có lẽ đến hơn ba cây, bởi thế cô đi đường tắt bằng cách trèo qua ngọn đồi dốc thoai thoải. Chân đồi toàn cỏ lác không một bóng cây nhưng lên đến đỉnh đồi cô đã trông thấy biển. Đại dương phía xa xa toàn màu xanh đen, ngọt ngào, êm ái. Cô như muốn được nó cuốn hút vào, vỗ về, ấp ủ. Cô đi xuống đồi, cách bờ biển chừng trăm thước thì dừng lại, tại đây có những gốc nho biển cao chừng bẩy tám mét, thân cây vặn vẹo, mọc trên cát thành đám. Cô tìm một gốc cây rồi ngồi bệt xuống cát, hình như đúng ngay nơi gã bác sĩ bộ đội hay đưa cô ra ngắm cảnh hoàng hôn dạo cô mới về đây.

3.

Gã bác sĩ bộ đội yêu cô lắm. Không, gã si mê cô thì đúng hơn. Cô chỉ bắt đầu để ý gã sau khi nhận ra gã đến quán uống cà phê thường xuyên, ít nhất hai ba lần mỗi tuần, đôi khi mỗi ngày. Đó là cái quán cà phê vườn nằm trước ngôi biệt thự thuộc khu sang trọng của thành phố mà gia đình người chủ cũ đã bỏ chạy di tản sang Mỹ hôm 30 tháng Tư, người chủ hiện tại là một tay cán bộ nằm vùng có thế lực trong guồng máy cai trị của chế độ mới. Thành phố mới được tiếp quản, tình hình kinh tế còn lộn xộn lắm, nhưng bà vợ tay cán bộ có máu kinh doanh, bà lợi dụng thế lực của chồng biến khoảng vườn cây cối um tùm kín đáo trước biệt thự thành một quán cà phê. Lối đi trải sỏi trắng bà để nguyên, trên bãi cỏ xanh bà cho đặt những bộ bàn ghế thâm thấp bằng gỗ xinh xinh, mỗi bộ vừa đủ cho từ hai đến bốn người ngồi. Quầy cà phê đặt trên hiên nhà, ngoài cà phê nhà bếp còn nấu vài món ăn nhẹ cho khách.

Thoạt đầu bà thuê hai ba cô gái be bé xinh xinh phục vụ, nhưng bà để ý các cô không giỏi chiều khách. Khách của bà phần nhiều là cán bộ trung cấp hoặc bộ đội mới trong rừng ra. Hai hạng người này không cảm thấy thân mật với các cô còn trong lứa tuổi học trò chỉ đáng con cháu họ. Họ thích các cô không còn trẻ trung nhưng chưa già để họ ăn nói sàm sỡ, nhả nhớt mà không thấy ngượng mồm ngượng miệng. Bà chủ quán vợ tay cựu nằm vùng giỏi tâm lý đàn ông. Sau một thời gian quán ế ẩm vì khách tới một đôi lần rồi không bao giờ trở lại, bà sa thải hết các cô be bé xinh xinh để thay vào là một ê-kíp toàn các cô các bà lỡ vận, phần nhiều là vợ sĩ quan chế độ cũ đi cải tạo không biết ngày về. Các cô các bà này cách đây mười năm là hoa khôi các trường trung học, đại học thành phố, giờ thất thế họ phải lăn xả ra xã hội kiếm sống, kiếm bằng đủ cách, may mắn lắm mới có việc làm bưng cà phê, và dĩ nhiên kể cả “đi khách.”

Quán trở thành tụ điểm cho các cuộc tìm hoa của các thành phần có máu mặt trong chế độ mới. Bà chủ quán chẳng cần quảng cáo cho dịch vụ này của bà. Một đồn năm, năm đồn mười, mười đồn trăm, và một hôm tiền chui vào két của bà nhiều đến nỗi bà đếm không kịp.

Cô chẳng còn gì để giữ, chồng cô học tập cải tạo chết mất xác trên rừng, cô cần tiền nuôi con, và đó là cách dễ dàng nhất cho cô kiếm tiền. Gã bác sĩ bộ đội ngồi ở quán cà phê cả ba tháng trời, một hôm gã thu hết can đảm ấp úng hỏi cô lúc cô ra chào: “Cô… cô… cho tôi gặp riêng cô… được không?” Cô không trả lời gã. Lúc bưng tách cà phê ra, cô để trên khay một mảnh giấy nhỏ.

Đúng giờ hẹn gã tìm đến địa chỉ căn nhà. Đó là một khu xóm tồi tàn nằm ở miệt Khánh Hội quận Tư thành phố. Căn nhà nằm cuối xóm, ngồi ngay ngạch cửa là một thằng bé trạc mười tuổi. Vừa thấy gã, nó vội vàng đứng lên, gật đầu chào, nhường chỗ cho gã lách vào nhà. Gã chưa khuất vào trong thì nó đã ngồi lại xuống ngạch cửa, mắt nhìn ra đầu xóm, như thể công việc này quá quen thuộc đối với nó. Gã bước vào, bên trong nhà ánh sáng lù mù vàng chạch từ một ngọn đèn dầu lạc leo lét cho thấy một gian phòng đủ thứ đồ đạc cũ kỹ ngổn ngang, và một chiếc giường nhỏ kê nơi góc. Vén mùng ra là một người đàn bà già nua gầy guộc. Gã khựng lại, định mở miệng xin lỗi thối lui thì bà già đã nói: “Mời thầy Hai vô lối đó.” Bà chỉ về hướng có cửa vào phòng trong. Sau ba giây đồng hồ lưỡng lự, gã tiến về phía cửa, vén bức màn trúc hình con công con phượng, bước vào. Gã thấy cô ngồi trên một chiếc giường con. Thấy gã, cô nằm xuống nhường chỗ ngoài mép giường cho gã. Gã lại ngồi lên giường bên cạnh cô. Gã phải ngồi gượng nhẹ lắm vì tiếng cót két của chiếc giường cũ ọp ẹp cứ kêu lên liên hồi. Gã rút trong túi ra một xấp giấy bạc còn thơm mùi tiền mới nhét dưới gối cô nằm. Cô bảo gã:

“Anh đi tắt đèn.”

“Không, tôi thích để đèn.” Giọng gã từ tốn, êm nhu.

Cô đưa tay lên lần cởi khuy áo nhưng gã giơ tay cản lại. Cô nhìn gã ra vẻ thắc mắc, gã bảo cô:

“Cô cứ để nguyên quần áo. Tôi chỉ ngồi đây ngắm cô thôi.”

Cô không nói gì nữa, thấy hơi lạ về trò chơi này của gã bác sĩ bộ đội, nhưng cô từng gặp những gã làng chơi có sở thích tình dục kỳ quặc, thậm chí quái đản, nên cô chẳng lấy gì làm kinh ngạc, cô nằm yên cho gã ngắm mình. Gã ngồi ngang đùi cô, từ vị trí đó, gã có thể ngắm mặt cô rồi đến bộ ngực vun tròn, và xuống dần hạ thể nơi cặp đùi đàn bà săn chắc hiện rõ dưới lớp vải mỏng của chiếc quần tây màu đen. Gã ngồi nhìn cô như thế cả nửa giờ đồng hồ, hai người không nói gì với nhau. Cô nhắm mắt lại, lim dim, như tránh cặp mắt u buồn của gã. Cái nhìn của gã không phải để tìm kiếm hưng phấn nhục cảm. Nó chẳng biểu hiện tí gì lòng say đắm ngây dại của người đàn ông bình thường trước thân thể một người nữ đang nằm chờ đợi mình đi vào. Nhưng nói nó vô cảm phẳng lì cũng không đúng. Nó xa vắng buồn bã đến lạ lùng như có điều gì u uẩn chất chứa nhiều năm tháng trong tâm tư. Cô phải công nhận gã có đôi mắt đẹp, hiếm thấy ở một người đàn ông. Đen sâu, long lanh như hai hạt nhãn. Da mặt gã trắng xanh như tất cả những anh bộ đội mới ở trong rừng ra, nhưng đó là khuôn mặt của một người hiểu biết và nhạy cảm. Khó đoán gã bao nhiêu tuổi, có thể ngoài ba mươi, nhưng có lẽ gần bốn mươi, thân hình gã dong dỏng cao, dáng đi nhanh nhẹn, quả quyết.

Sau nửa tiếng đồng hồ nhìn ngắm cô, mà cô hoàn toàn không hiểu gã đang nghĩ gì, hai hạt nhãn bỗng khép lại như cố nén một tiếng thở dài. Gã đột ngột đứng dậy, thốt một tiếng chào nhỏ rồi hấp tấp bỏ đi như chạy trốn.

Gã yêu cô. Từ đó cho đến hết đời, gã không yêu ai khác.

4.

Một năm sau khi chồng cô đi học tập cải tạo và chết mất xác trên rừng trong lúc lao động, cô phải trả lại căn nhà thuê của hai người. Đồ đạc trong nhà, thậm chí chiếc nhẫn cưới, theo nhau ra chợ trời. Cô đành ôm đứa con gái mới một tuổi chưa biết đi, cùng một ít quần áo về nhà người anh chồng tạm trú qua ngày. Hai mẹ con ôm nhau ngủ trên căn gác xép ban ngày nóng như lò thiêu, ban đêm gió thổi lùng bùng, vật vã. Nhưng cô biết cô ở đây không lâu vì bà vợ ông anh chồng xem cô như một thứ cùi hủi, nhất là từ khi biết cô có quan hệ với gã bác sĩ bộ đội. Và bà quyết định đuổi cô ra khỏi nhà sau khi nghe ai đó mách lại với bà rằng trước khi cặp anh bác sĩ bộ đội, cô từng “đi khách” hằng đêm sau giờ làm việc ở quán cà phê. Bà không muốn cô làm gương xấu cho hai đứa con gái vị thành niên của bà. Quan trọng hơn, bà không muốn người quen chòm xóm xấu miệng nói trong nhà bà có chứa một con đĩ.

Người anh chồng chờ lúc nhà vắng người, nói chuyện riêng với cô, Đúng ra, bà dắt hai đứa con ra khỏi nhà sau khi dặn dò chồng những điều cần nói. Ông mời cô ra phòng khách nói chuyện.

“Chẳng giấu gì thím, tôi bây giờ không có quyền hạn gì cả trong căn nhà này. Thím thấy đó, tôi là kẻ ăn bám trong gia đình, mọi việc trong nhà ngoài ngõ bây giờ là do bà ấy xoay xở và quyết định. Chú nó chẳng may mất sớm, tôi thì thế cô, ngay cái nghề gõ đầu trẻ bao năm, tôi cũng không giữ được. Nhà mình vô phúc. Thôi thì thím cứ ra đi, tôi chẳng giúp đỡ thím được, nhưng con bé con thím, cứ để nó lại đây chúng tôi nuôi, năm nay nó cũng lên ba rồi, thím ra ngoài đi làm có đồng nào gửi về, chúng tôi lo cho nó ăn học, khi nào thím khá giả hơn về đón nó đi chứ bây giờ thím thân một mình không nhà không cửa như thế này đem nó theo, sao tiện.”

Ông còn nói nhiều nữa và cô hiểu. “… Thím thân một mình không nhà không cửa như thế này” chỉ có nghĩa là cô nay trong tay người đàn ông này, mai người đàn ông khác, đem con còn bé đi theo thì làm sao “tiện” được. Cô nói với người anh chồng qua hai hàng nước mắt giàn giụa trên má:

“Thân em thì coi như bỏ đi rồi, nhưng con em thì làm sao em yên tâm bỏ nó lại đây được.” Sự tủi nhục cay đắng khiến cô không nói gì được nữa. Cô chỉ biết khóc. Cô có cảm giác như mình lâm vào bước đường cùng.

“Tôi đã nói chuyện trước với nhà tôi, bà ấy cũng đồng ý như thế. Chúng tôi thấy đó là giải pháp tốt nhất cho thím.” Người anh chồng nói tiếp.

Lúc đó trong thoáng chốc cô cũng nghĩ như ông anh chồng. Thật ra ông là người tốt. Nhưng bỏ con lại không người săn sóc khi nó còn quá bé thơ, lòng cô đau xót lắm. Làm sao cô chịu đựng nổi? Làm sao cô sống được với nỗi nhớ thương con?

Sau một lúc suy nghĩ, cô bảo người anh chồng:

“Thôi được, em sẽ để con em lại cho anh chị nuôi hộ trong thời gian nhiều lắm là sáu tháng. Chỉ sáu tháng, thu xếp được chỗ ở là em về ngay đón nó đi… Em đội ơn anh chị đã cứu vớt mẹ con em thời gian hai năm qua.”

“Thím đừng nói chuyện ân nghĩa. Tôi áy náy lắm vì không giúp thím được gì hơn.”

“Vâng, em sẽ đi ngay tối nay.” Nước mắt cô có lẽ đã khô cạn, cô nói với giọng quả quyết.

Tối đó cô đón xe đi ra khỏi nhà trước khi bà vợ ông anh chồng về.

Tôi nghĩ lúc đó cô đã có quyết định sai lầm, một quyết định thiếu suy xét bởi một xung lực khó hiểu nào đó thúc đẩy. Cô có nhiều quyết định sai lầm trong cuộc đời cô, và quyết định bỏ đứa con lại nhà ông anh chồng là sai lầm lớn nhất. Vào thời điểm những năm hậu chiến, ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, cuộc sống ở mảnh đất tang thương đó đầy dẫy bất trắc, không có gì bảo đảm ngày mai dòng đời diễn ra đúng y như dự liệu của mình, mọi chuyện có thể xảy ra đột ngột, không hề dự báo trước, và cái nặng khôn kham của định mệnh sẵn sàng đè bẹp bất cứ kẻ nào.

Gia đình ông anh chồng có ý định vượt biên từ lâu. Họ có tên trong danh sách của chủ tầu, họ cũng đã đặt cọc vàng. Cô vừa đi được hơn tháng thì một hôm người nhà chủ tầu đến bí mật báo tin tối hôm đó có tầu. Mọi chuyện xong xuôi, êm thắm. Mua bãi, thực phẩm đầy đủ, chỉ chờ người ra đi. Cả nhà như lên cơn sốt. Làm gì với con bé cháu ba tuổi bây giờ! Mẹ nó đi đâu, không ai biết. A, lá thư cuối cùng cô viết cách đây ba tuần, trong đó cô có nói đến chuyện cô sắp có mối làm ăn kiểu buôn chuyến Bắc-Nam. Ông anh chồng lục tìm lá thư đoạn ông ôm con bé thuê tắc xi tìm đến địa chỉ căn nhà ghi trên phong bì. Mất cả giờ đồng hồ chạy xe mới tìm đến nơi, nhưng khi gõ cửa, một người đàn bà lạ xuất hiện, và sau khi hiểu ra mục đích đi tìm người của ông, bà ta bảo ông cô ở đây chỉ có hai đêm, sau đó không biết đi đâu, hình như cô vẫn chưa có chỗ ở nhất định. Ông anh chồng hỏi thăm thêm nhưng bà ta chỉ biết có bấy nhiêu. Thất vọng ngao ngán, ông đành ôm con bé thất thểu về nhà. Ngồi trên xe, nó khóc. Có lúc nó gào lên thảm thiết nhưng khi hết hơi thì tiếng khóc nó trở nên khản đặc và nấc lên từng hồi. Tiếng khóc của đứa con mất mẹ. Nó vẫn khóc như thế từ hôm cô bỏ đi.

Cô mất tất cả, và cuối cùng cô mất luôn đứa con.

Giả sử lúc bỏ đi cô nhất quyết ôm con theo, nếu thế, có thể nào cô sẽ không đi tìm cái chết khi cô rơi xuống tận cùng tuyệt vọng? Có thể đứa con bắt cô không được chết, cô còn trách nhiệm với nó chứ! Cô không được quyền chết. Tình mẫu tử thiêng liêng sẽ giúp cô tăng thêm sức mạnh để chống chỏi với nghịch cảnh. Đứa con giúp cô bớt trầm cảm vì có nó ít ra cô còn tìm thấy đôi ba niềm vui. Nghĩ thế thôi chứ tôi không biết nếu cô đem theo đứa bé con mình lúc đó thì cuộc sống cô có hạnh phúc hơn không, và cô có đi tìm cái chết vào buổi sáng sớm hôm cô ra chợ huyện tình cờ chứng kiến cảnh hai gã nông dân giết nhau không.

Tôi hoàn toàn không có câu trả lời, bởi chuyện gì xảy ra, xảy ra chỉ một lần. Ta sống chỉ một lần. Cuộc sống không phải ván cờ cho ta xóa đi làm lại nếu đang thua. Cuộc sống là ván cờ duy nhất, không bao giờ có lần thứ hai cho ta đi lại nước cờ sai.

– Trịnh Y Thư

(Trích đoạn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ”)