Trọng Thành: Thấy gì từ cuộc họp lần thứ ba 30 nước tình nguyện “vì hòa bình bền vững” cho Ukraina (tại Pháp)?
Cuộc họp lãnh đạo 30 nước “tình nguyện vì Ukraina” diễn ra tại Paris hôm nay, 27/03/2025. Đây là lần họp thứ ba. Lần đầu diễn ra tại Pháp hôm 11/03, lần thứ 2 tại Anh. Pháp và Anh là hai nước điều phối nhóm các quốc gia tình nguyện. Mỹ không tham gia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tối hôm qua tại Elysée. Một số nét chính trong nội dung cuộc họp báo giữa hai nguyên thủ, chúng tôi đã đưa tin vắn tắt hôm qua.


Nguồn: www.president.gov.ua
Đây là lần đầu tiên tổng thống Zelensky trở lại thủ đô nước Pháp kể từ chuyến thăm nhân mở cửa trở lại nhà thờ Đức Bà đầu tháng 12/2024. Lần đó đã diễn ra cuộc gặp tay ba Macron – Trump – Zelensky tại phủ tổng thống Pháp. Lần này, lãnh đạo Ukraina đến Paris trong bối cảnh căng thẳng đặc biệt, tuy có cơ hội hé mở cho hoà bình: các nỗ lực thúc đẩy hoà bình theo chủ trương của tổng thống Mỹ đang vấp phải thái độ cự tuyệt khôn khéo của phía Nga. Đề xuất 30 ngày ngừng bắn Mỹ – Ukraina không được Nga ủng hộ. Sau cuộc họp thứ hai ở Ả Rập Xê Út, 25/03, điện Kremlin đặt điều kiện ngừng bắn ở Biển Đen phải đi kèm với việc các đồng minh của Ukraina giảm nhẹ trừng phạt. Nga vẫn tiếp tục lấn tới trên chiến trường, và không hề từ bỏ các đòi hỏi “tuyệt đối” đổi lấy chấm dứt chiến tranh (như buộc Ukraina nhượng hẳn các vùng lãnh thổ đã chiếm, trung lập hoá Ukraina, phi quân sự hoá Ukraina….).
***
PHÁP – ANH ĐỒNG PHỤ TRÁCH XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI UKRAINA
Trong cuộc họp báo để thông báo về kết quả cuộc họp gần 30 quốc tình nguyện, tổng thống Pháp cho biết một số nét mới. Đặc biệt đáng chú ý có việc Pháp và Anh sẽ đồng phụ tránh việc đóng góp cùng với Ukraina trong việc xây dựng quân đội Ukraina, quy mô, phương tiện…
Đây là hành động đáp trả trực tiếp yêu sách của Nga là đòi hỏi Ukraina phải giảm tối đa lực lượng vũ trang. Chủ trương của các nước “tình nguyện vì Ukraina” là Ukraina phải có đủ lực lượng quốc phòng để tự vệ, sẵn sàng chống lại mưu toan xâm lược của Nga một lần nữa.
***
LỰC LƯỢNG “RĂN ĐE” BẢO VỆ HOÀ BÌNH SẼ BỐ TRÍ TẠI UKRAINA
Về lực lượng “bảo vệ hoà bình”, tổng thống Pháp cho biết rõ: sẽ có một số quốc gia trong nhóm các nước tình nguyện triển khai binh lực tại “một số địa điểm chiến lược, do phía Ukraina xác định” để bảo đảm hoà bình được tôn trọng, trong trường hợp Ukraina đạt được thoả thuận đình chiến, và hoà bình với Nga. Đây là lực lượng ở tuyến sau, không trực tiếp tham chiến, nếu chiến tranh nổ ra. Triển khai lực lượng nước ngoài tại Ukraina vốn là điều Matxcơva không chấp nhận, và coi như một lực lượng tham chiến.
Về điểm này, tổng thống Pháp một lần nữa bác bỏ quan điểm của điện Kremlin. Lực lượng “bảo vệ hoà bình” nói trên còn gọi là lực lượng “răn đe” có khả năng giáng trả quân xâm lược, khác hẳn với lực lượng giám sát hoà bình (thường được biết đến với lực lượng mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc), cũng được Pháp và nhiều bên khác vận động thành lập.
***
ĐẨY NHANH VIỆN TRỢ, DUY TRÌ TRỪNG PHẠT…
Tăng cường giải ngân các kế hoạch tài trợ cho quân đội Ukraina và duy trì trừng phạt kinh tế Nga là các thông điệp chính khác của hội nghị.
***
MỸ PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM KHI NGA VÔ TRÁCH NHIỆM, TRUNG QUỐC CẦN CÓ VAI TRÒ
Chính quyền Mỹ cần hành động có trách nhiệm và phù hợp với tình hình hiện nay, khi phía Nga cho đến nay khăng khăng từ chối “đề xuất ngừng bắn vô điều kiện” (do Mỹ và Ukraina đề xuất) là điều tổng thống Pháp nhấn mạnh trong cuộc họp báo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “có thể đóng vai trò rất tích cực” trong việc thúc đẩy hòa bình ở Ukraina, với “tiếng nói được Nga lắng nghe, với sáng kiến hòa bình mà ông cùng Brazil đưa ra vài tháng trước”, tổng thống Macron hy vọng rằng chủ tịch Tập có thể đóng vai trò rất tích cực trong việc giúp chúng ta xây dựng nền hòa bình vững chắc và lâu dài này”.
CÁC NƯỚC CHÂU ÂU “ĐOÀN KẾT HƠN HẲN”
Hội nghị hôm nay của các quốc gia tình nguyện vì hoà bình cho Ukraina là một thời điểm lịch sử. Tổng thống Macron hoan nghênh việc châu Âu “thoát khỏi tình trạng lép vế về địa chính trị” (sortie de l’état de minorité géopolitique) đối diện với nước Mỹ. Nước Mỹ tiếp tục là “đồng minh đáng tin cậy” của châu Âu, nhưng châu Âu phải tự bảo vệ các lợi ích của mình, đặc biệt về an ninh. Tổng thống Pháp ghi nhận hội nghị hôm nay cho thấy các nước châu Âu “đã đoàn kết hơn hẳn so với cách nay vài tuần”.
Vận hội và bảo vệ nền hoà bình bền vững dựa trên sức mạnh là quan điểm chủ đạo (la paix par la force). Khẩu hiệu chính tại Paris đón chào phái đoàn của tổng thống Zelensky là “XÂY DỰNG MỘT NỀN HOÀ BÌNH BỀN VỮNG CHO UKRAINA VÀ CHO CHÂU ÂU”. Vận mệnh Ukraina gắn chặt với vận mệnh châu Âu: “những gì đang được quyết định tại Ukraina liên quan đến an ninh của châu Âu những năm tới”, theo Macron.
***
BIẾN CHUYỂN LỊCH SỬ: NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN CỦA MỘT NỀN QUỐC PHÒNG CHÂU ÂU
Với các nỗ lực bảo vệ hoà bình tại Ukraina, những phối hợp giữa các quân đội châu Âu đang hình thành, và đây có thể là nền móng tương lai của một quân đội chung cho toàn châu Âu, dự án từng được nhen nhóm hơn 70 năm về trước, nhưng bị lỡ dở.
—–
MACRON nhấn mạnh: “Chúng ta rõ ràng đang ở một thời điểm then chốt”.
Tổng thống Pháp nhắc lại “các cuộc đàm phán đã bắt đầu” với vai trò tổng thống” Hoa Kỳ Donald Trump “và lòng dũng cảm của tổng thống Ukraina Zelensky.” “Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: cái đích cuối cùng là giành được hòa bình” và “đưa Ukraina vào vị thế tốt nhất có thể để đàm phán một nền hòa bình vững chắc và lâu dài”.
Tham khảo:
* En direct, guerre en Ukraine : Emmanuel Macron évoque la création d’une « force de réassurance » qui serait déployée en Ukraine en cas de paix, Le Monde
* DIRECT. Guerre en Ukraine : une levée des sanctions contre la Russie enverrait des « signaux très dangereux », avertit Zelensky, Le Parisien
Đọc thêm:
Liên minh các quốc gia tình nguyện bảo đảm an ninh cho Ukraina họp tại Paris, RFI