Trùng Dương: Từ lộc trời tới tai họa: ‘Killers of the Flower Moon’
Từ lộc trời tới tai họa: Thủ phủ Pawhuska của bộ lạc Osage ở Oklahoma, năm 1906, trái. Phải, mỏ dầu hỏa tìm thấy trong lòng đất trại tập trung (reservation) đã biến dân da đỏ Osage thành những người giầu nhất thế giới vào đầu thập niên 1920. Từ đấy là tai họa dồn dập tới. (Ảnh Osage Nation Museum)
Vào đầu thập niên 2010, nhà báo và tác giả David Gann nuôi dự tính viết về lịch sử hình thành của cơ quan FBI. Khi đọc về sự kiện nhờ thành công trong vụ điều tra Osage mà cơ quan FBI từ một sở điều tra khiêm tốn đã được nâng cấp thành cơ quan liên bang có quy chế tự trị với nhiều thẩm quyền và nhân sự cùng vật lực hơn, Gann sinh tò mò về bộ lạc da đỏ này. Ông muốn biết thêm chi tiết về bộ lạc Osage cũng như tìm xem hậu duệ của họ còn nhớ và nghĩ gì về những việc đã xẩy ra gần một thế kỷ trước, thoạt đầu để thỏa mãn óc tò mò và sau là thêm chứng liệu cho dự án sách, vẫn với trọng tâm về sự hình thành của cơ quan FBI.
Giang sơn của bộ lạc Osage (còn gọi là Osage Nation và, theo luật định, nằm trong nước Mỹ song được hưởng quy chế tự trị và có luật lệ riêng) nguyên là một vùng đất trải rộng chiếm gần hết vùng trung nước Mỹ. Tới đầu thập niên 1870, chính phủ Mỹ thời ấy cưỡng chế đất đai cho người da trắng tới định cư và buộc họ dời vùng đất của tổ tiên đến định cư tại một vùng đất coi như vô dụng ở mạn đông bắc tiểu bang Oklahoma, đúng ra là một thứ trại tập trung. Đây là chuyện không chỉ xẩy ra cho bộ lạc Osage mà cho hầu hết các bộ lạc da đỏ hồi ấy. Trẻ con thì bị lùa vô các trường nội trú bắt học tiếng Anh, cấm nói tiếng bộ lạc, cải sang đạo Thiên Chúa, theo một chính sách diệ chủng văn hóa. Bộ lạc Osage là một trong số ít của hàng trăm bộ lạc mua lại đất tập trung bằng tiền (bị buộc) bán rẻ đất của tổ tiên họ ở Kansas cho những người định cư da trắng; do đấy, họ có toàn quyền pháp định trên phần đất mới, gọi là Osage Nation này.
Mặc dù mảnh đất mới khô cằn không trồng trọt gì được, song nó lại nằm trên chốc những túi dầu hỏa quý báu bắt đầu xuất hiện vào năm 1894. Chẳng mấy chốc dân bộ lạc Osage trở thành người giầu nhất thế giới nhờ tiền cho thuê mỏ trả cho bộ lạc và được chia ra cho mỗi đầu người, gọi là headright, và bản quyền tính trên tiền lời (royalties on the profits) bán dầu hỏa khai thác được. Theo một thống kê vào năm 1923, dân Osage nhận được tổng cộng 30 triệu Mỹ kim tiền bản quyền dầu hỏa, tương đương với khoảng 540 triệu Mỹ kim bây giờ. Nhiều người sống trong những ngôi nhà lớn khang trang, trang hoàng toàn đồ sang và mắc tiền, có người giúp việc nhà và tài xế riêng (phần nhiều là da trắng). Đến hãng bán kim hoàn Tiffany cũng tới thiết lập một cửa hàng tại trạm buôn bán ở Osage.
Vì bản quyền dầu hỏa, tức headright, theo luật bộ lạc, không thể đem ra mua bán trao đổi, mà chỉ có thể truyền lại cho người thân trong gia đình, người ngoài chỉ có thể hưởng qua hôn nhân hay trở thành một giám hộ pháp định (legal guardian). Do đấy, những cuộc hôn nhân giữa người da trắng và người bộ lạc ở mạn bắc tiểu bang Oklahoma bỗng gia tăng đáng kể trong thời kỳ này.
Do tinh thần kỳ thị và khinh thường đối với người dân bản xứ vốn thấm đẫm trong lịch sử từ thời lập quốc của Mỹ, vào năm 1921, chính quyền liên bang ra luật đòi dân Osage phải minh chứng được là họ đủ khả năng kiểm soát lấy tiền bạc của mình, nếu không phải có một người giám hộ tiền bạc của họ. Luật này mở cửa cho bọn luật sư da trắng tràn vào kiếm việc và kiếm ăn. Người Osage trở thành những kẻ tuy là chủ tiền bạc của mình nhưng tiêu gì cũng phải được người giám hộ của họ đồng ý sau khi vặn hỏi lý do, và có khi cả bị từ chối.
Những trang sử đen tối
Suốt nửa đầu thập niên 1920, những vụ ám sát và nhiều cái chết bí ẩn của dân Osage trở thành chuyện cơm bữa, gây khủng hoảng hoang mang trong cộng đồng bộ lạc Osage. Họ xin giới hữu trách địa phương điều tra nhưng, do hối lộ và tham nhũng ở cửa quyền, không dẫn tới đâu. Họ mướn thám tử tư để diều tra – việc thông thường vào thời kỳ này do sự thiếu tin tưởng nơi giới hữu trách địa phương và cả ở cấp tiểu bang–, nhưng thám tử cũng lần lượt biến mất không để lại vết tích, có nghi vấn là bị thủ tiêu. Ngay cả vài người da trắng bạn của người bộ lạc nhận giúp đỡ đưa vụ việc ra ánh sáng cũng biến mất và tình nghi bị thủ tiêu.
Cuối cùng, sau nhiều vụ ám sát bị ém nhẹm không được giới hữu trách quan tâm điều tra, hội đồng lãnh đạo bộ lạc cử người đi Washington DC kêu cứu tới chính phủ liên bang. Giám đốc J. Edgar Hoover của sở điều tra liên bang (tiền thân của FBI) bèn cử Tom White, một Texas ranger có khả năng, trong sạch, ngay thẳng, tới Osage để điều tra. Sau một thời gian, với khả năng chuyên nghiệp và sự trì chí, ông phanh phui ra kẻ cầm đầu và các đồng lõa là hai chú cháu William King Hale và Earnest Burkhart, trong âm mưu ám sát 24 dân bộ lạc và cả vài người da trắng có liên hệ với các nạn nhân và sẵn sàng giúp tìm sự thật diễn ra trong khoảng năm năm.
Sau phiên tòa xử kết tội và bỏ tù các tội phạm, nhờ thành tích này, sở điều tra liên bang được nâng cấp thành cơ quan Federal Bureau of Investigation với nhiều quyền lực và nhân vật lực hơn, và ông Hoover trở thành giám đốc đầu tiên của FBI. Hồ sơ vụ án nổi tiếng khắp nước và cả thế giới này sau đó được xếp vào văn khố quốc gia đặt tại Fort Worth, Texas, mốc meo trong quên lãng. Sách sử Mỹ không hề đề cập gì tới cuộc khủng bố kinh hoàng do lòng tham và kỳ thị chủng tộc này. Cũng như ít ai biết tới vụ tàn sát phá hủy toàn thể thị trấn Tulsa phát đạt, cũng tại Oklahoma, vốn được mệnh danh là Wall Street của người da đen, vào năm 1921, như một răn đe cho người da đen.
Đó là những trang sử của dân da mầu đã bị chôn kín, ít ai biết tới, coi như không hề xẩy ra, không tồn tại. Cho tới gần đây.
Từ sách …
Vào năm 2012, nhà báo David Gann viếng Pawhuska, thủ đô của Osage với dân số 3,600. Nơi đầu tiên ông ghé là viện bảo tàng Osage Nation Museum. Trò chuyện với bà giám đốc Kathryn Red Corn, ông được biết cộng đồng Osage đang chuẩn bị dựng sân khấu cho buổi lễ hội vũ truyền thống. Tại buổi sinh hoạt này, Gann có dịp tiếp xúc với cháu của nhân vật chính Mollie Burkhart trong vụ mưu sát Osage. Margie Burkhart, cháu của Mollie, người phụ nữ sống sót từ những vụ mưu sát để chiếm đoạt bản quyền dầu hỏa, kể cho Gann nghe những biến cố tiếp theo sau khi các thủ phạm, trong đó có cả ông ngoại Ernest của cô, bị đưa ra tòa, bị kết án và bỏ tù, cái chết của họ, sự xuống dốc của thương vụ dầu hỏa khiến đời sống của dân bộ lạc cũng trở nên khó khăn, và nhiều nghi vấn vụ việc khác vẫn chưa được giải quyết. Margie đưa khách đi thăm viếng quanh vùng, cả nghĩa trang nơi có mộ phần của bà ngoại và các nạn nhân bị mưu sát khác, và cả những nơi đã xẩy ra các vụ án mạng.
Qua cuộc viếng thăm này và những chuyến kế tiếp, Gann có dịp tiếp xúc với nhiều người trong cộng đồng Osage, thấm nhuần không khí văn hóa đầy mầu sắc của bộ lạc. Sau đó, ông trở lại văn khố quốc gia ở Fort Worth tiếp tục nghiên cứu thêm hồ sơ của FBI về vụ án mạng Osage. Những tham quan, tiếp xúc, phỏng vấn, nghiên cứu hàng núi hồ sơ tài liệu kéo dài trong năm năm, dẫn đến sự ra đời của cuốn “Killers of the Flower Moon – The Osage Murders and the Birth of the FBI” (Những Kẻ Sát nhân Mùa Hoa Trăng–Vụ Thảm sát Bộ lạc Osage và sự Ra đời của FBI”)
Cuốn phóng sự điều tra về thời kỳ kinh hoàng của bộ lạc Osage gồm ba phần, chia làm 26 chương và trên 350 trang. Phần đầu gồm bẩy chương, qua góc nhìn của nhân vật chính là Mollie Burkhart, dựa vào những hoài niệm của cô cháu Margie về bà ngoại, mặc dù cô chỉ nghe mẹ kể lại, và hồ sơ về vụ án lưu trữ tại Văn khố Quốc gia tại Forthworth, Texas. Trong phần này, Gann kể về các vụ án mạng liên tiếp xẩy ra từ sau cái chết bí ẩn của người chị của Mollie là Anna Brown. Anna bị bắn sau gáy vào một đêm ngồi uống rượu bên suối, nhưng không tìm ra thủ phạm vì giới hữu trách địa phương do đã nhận hối lộ ếm đi bằng chứng, một việc thông thường trong thời này, bên cạnh thái độ kỳ thị coi mạng sống của dân bộ lạc (cũng như các giống dân da mầu khác thời đó) là không đáng kể. Bằng lối kể chuyện bình dị, tác giả vẽ lại lịch sử của quốc gia bộ lạc Osage bị xua đuổi ra khỏi vùng đất của tổ tiên trôi giạt tới mảnh đất tưởng là khô cằn, song các mỏ dầu hỏa đã giúp họ đổi ngược tình thế kinh tế, đồng thời cũng đã mang lại không biết bao nhiêu thảm họa. Ngay ở đoạn mở đầu, như một bài thơ bằng văn xuôi, tác giả đồng thời cho thấy nguồn gốc của tựa sách:
“Vào mỗi tháng Tư, hàng triệu bông hoa nhỏ trải rộng trên những ngọn đồi blackjack và thảo nguyên rộng lớn trong lãnh thổ Osage ở Oklahoma. Có đủ loại hoa dại nhỏ bé muôn mầu sắc. Nhà văn John Joseph Mathews của Osage nói là như thể các vị thần thánh đã để lại những bông hoa tí hon muôn mầu ấy—’gods had left confetti.’ Đến tháng Năm, khi chó sói đồng cỏ hú dưới một vầng trăng lớn dị thường, những cây cỏ lớn hơn, như hoa nhện và hoa Susan mắt đen, bắt đầu bò qua những bông hoa nhỏ như confetti này, lấy đi ánh sáng và nước của chúng. Cổ của những bông hoa nhỏ này bị đè gãy và cánh hoa của chúng rơi rớt bay đi, và chẳng bao lâu sau chúng bị chôn vùi dưới lòng đất. Đây là lý do tại sao người bộ lạc Osage gọi tháng Năm là thời gian của mặt trăng giết hoa.” (“Killers of the Flower Moon”, ấn bản Vintage Books, trang 5)
Ngay trong đoạn mở đầu vừa thơ mộng vừa đe dọa này, tác giả đã như báo trước những bất hạnh của dân Osage ví như những cánh confetti mong manh đủ mầu tưởng là may mà hóa ra thành tai vạ, bị những cây cỏ lớn hơn, như hoa nhện và hoa Susan mắt đen, bò đè lên, lấy đi ánh sáng và nước của chúng.
Phần thứ hai của cuốn sách gồm các chương 8 tới 21 tập trung vào cuộc điều tra các vụ án mạng mà báo chí hồi ấy mệnh danh là “Osage Reign of Terror” (Mạng lưới kinh hoàng bao phủ Osage), tập trung vào cuộc điều tra của Tom White do sở điều tra liên bang, tiền thân của FBI, cử xuống sau khi bộ lạc Osage, không còn trông chờ gì nữa ở giới hữu trách địa phương cũng như tiểu bang, gửi người lên thủ đô Washington cầu cứu. Trong phần này, ta có dịp biết về tiểu sử của điều tra viên White và theo chân ông cùng các nhân viên điều tra đi tìm bằng chứng của các vụ ám sát tại Osage, các phương pháp điều tra đã được xử dụng, và lần lượt phanh phui ra các giây mơ rễ má của những vụ án mạng mà đầu mối là lòng tham và mưu mô làm thế nào để thanh toán những người bộ lạc Osage có bản quyền dầu hỏa, hoặc qua hôn nhân hay giám hộ luật định, để đoạt lấy bản quyền này. Như trường hợp của Mollie kết hôn với Ernest Burkhart. Mollie không những có bản quyền dầu hỏa của riêng mình, mà còn thừa hưởng bản quyền của mẹ là Lizzie (chết vì bệnh) và các chị em gái Minnie (chết lần mòn vì bị chồng da trắng Bill Smith đầu độc), Anna và Reta (chết vì bị mưu sát). Chính Mollie cũng đang chết dần mòn vì bị người chồng da trắng Ernest mà mình yêu thương tin cậy đầu độc bằng việc trộn độc dược vào thuốc insulin Mollie cần vì chứng bệnh tiểu đường; song cuối cùng được nhân viên của Tom White tới mang đi nhà thương cứu thoát.
Trong các chương cuối cùng, từ 22 tới 26, độc giả có dịp theo chân tác giả “Flower Moon” trở lại Pawhuska và tiếp tục khám phá ra thêm, ngoài trên 20 vụ án đã được sở liên bang điều tra và lập hồ sơ vào đầu thập niên 1920, tác giả Gann còn tìm ra một số vụ việc xẩy ra trước và cả sau vụ án xử đầu sỏ William Hale và đồng lõa Ernest Burkhart. Ước tính, theo Gann, có lẽ có hàng trăm vụ án mạng để sang đoạt bản quyền dầu hoả không hề được điều tra nhưng hậu duệ của họ nghe biết qua truyền khẩu và lưu giữ được ít bằng chứng, không đủ để mở cuộc điều tra vì các nhân chứng đều đã qua đời. Tất cả chỉ vì lòng tham muốn chiếm đoạt bản quyền dầu hỏa của dân bộ lạc Osage. (Xem diễn biến toàn vụ án “The Osage Reign of Terror” tại https://famous-trials.com/osage-home/2376-the-osage-reign-of-terror-murder-trials-a-chronology)
Cuốn “Killers of the Flower Moon” phát hành năm 2017, đã đứng đầu bảng New York Times Best Sellers suốt 98 tuần lễ, và đã trở lại vị trí số 1 trong tuần lễ khi phim ra mắt vào cuối tháng 10 vừa qua. Ngay sau khi sách phát hành, nhiều hãng phim xin mua bản quyền phim tới độ bản quyền phim phải đem bán đấu giá. Kết quả là hãng Paramount mua được tác quyền phim với giá 5 triệu Mỹ kim, và hãng Apple Original Films tài trợ công trình thực hiện phim với 200 triệu Mỹ kim. Đạo diễn Martin Scorsese được mời đảm nhận phần thực hiện với hai tài tử sáng giá đã từng làm việc với ông qua nhiều phim, Robert de Niro và Leonardo DiCaprio.
“Điều tôi quan tâm là chuyện [của bộ lạc Osage] được giao phó cho người cùng chia sẻ cùng một cam kết nghiêm chỉnh đối với câu chuyện này như tôi đã có,” tác giả Gann kể trong một cuộc phỏng vấn với báo chí. Ông cũng cho biết không tham dự gì vào việc thực hiện phim. Nhưng ông cũng đã tới tham quan phim trường và cho biết “rất cảm kích trước mức độ quan tâm và chi tiết tái dàn dựng khung cảnh trung thực làm sống lại câu chuyện lịch sử quan trọng này.”
… tới phim ‘Killers of the Flower Moon’
Vào khoảng hai năm sau khi khởi công và đã hoàn tất phần kịch bản cho phim “Killers of the Flower Moon”, tạm dịch là Những Tên Sát Nhân Mùa Hoa Trăng, nhà làm phim lừng danh quốc tế Martin Scorsese, 80 tuổi, vóc dáng nhỏ bé nhưng vẫn đầy năng lực sáng tạo, chợt nhận ra chủ đề của truyện phim dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả David Gann, từ góc nhìn của nhân viên điều tra Tom White, có cái gì không ổn.
Không chỉ mình ông cảm thấy vậy, mà tài tử Leo DiCaprio (lúc ấy đang chuẩn bị để đóng vai Tom White của sở điều tra liên bang gửi xuống điều tra truy tìm bằng chứng về hàng chục vụ án mạng liên tiếp xẩy ra trong cộng đồng bộ lạc Osage ở Oklahoma vào đầu thập niên 1920) cũng cảm thấy truyện phim như “thiếu một linh hồn”. Cả tài tử lão luyện Robert de Niro (người sẽ đóng vai gã gian hùng William King Hale, chủ mưu của một chuỗi ám sát dân Osage để chiếm đoạt bản quyền dầu hỏa của họ) cũng cảm thấy dự án phim có vẻ đang đi vào vết xe mòn của loại phim đã được thực hiện nhiều đến sáo mòn, trong đó thường là vị anh hùng da trắng (white savior) nhẩy vào cứu vớt dân bộ lạc nạn nhân khỏi tay bọn gian hùng.
Song song, một cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo của cộng đồng Osage, trong đó họ tỏ ý quan ngại là phim sẽ không nói lên được quan tâm và nhất là văn hóa của họ, và sẽ lại giống như nhiều phim về các bộ lạc Da Đỏ, đặt họ vào vị trí nạn nhân và thụ động, hoặc chỉ là làm cảnh. Cuộc tiếp xúc này, có cả sự tham dự của cả dàn tài tử chính của phim, đã ảnh hưởng sâu xa tới suy tư của nhà đạo diễn. Hơn thế nữa, từ đó là một cộng tác chặt chẽ giữa nhà đạo diễn và bộ lạc Osage, nếu không nói là một tình thân nảy nở giữa họ.
Cùng với nhà viết truyện phim Eric Roth, Scorsese viết lại kịch bản, không quản ngại là kịch bản đã hoàn tất sau hai năm làm việc. Chủ đề vẫn là cuộc tàn sát dân bộ lạc Osage nạn nhân do lòng tham và sự kỳ thị da trắng đối với người bản xứ bộ lạc, song kịch bản mới đổi hẳn góc nhìn, từ nhân vật chính là nhân viên điều tra liên bang Tom White sang nhân vật Ernest Burkhart, người chồng da trắng của nhân vật chính gốc Osage, Mollie Burkhart. Ernest đã đồng lõa với người chú William King Hale âm mưu giết mẹ và các chị em Mollie để đoạt bản quyền dầu hỏa của họ. Và DiCaprio cũng chuyển sang đóng vai Ernest, còn tài tử Jesse Plemons đảm lãnh vai trò điều tra viên White.
Đối với đạo diễn Scorsese, đặc biệt trong một tác phẩm có thể là để đời này, và trước một câu chuyện có tính cách lịch sử và vô cùng nhậy cảm đối với dân bản xứ bộ lạc rút ra từ cuốn sách điều tra nổi tiếng của tác giả David Gann, và với nhận định sâu sắc của hai diễn viên chính, ông không ngần ngại dỡ bỏ toàn thể kịch bản đã hoàn tất, để đi lại từ đầu, trong hành trình đi tìm chân thiện mỹ qua nghệ thuật. Chẳng trách được sau khi phim ra mắt ở Đại hội Điện ảnh Cannes hồi giữa năm, khán giả đã đứng vỗ tay kéo dài tới gần 10 phút.
Việc Scorsese chuyển góc nhìn, và do đấy cả dòng chuyện, từ chủ đề là sự hình thành của cơ quan FBI với viên điều tra Tom White trong vai chính, sang nhân vật Ernerst Burkhart chồng của Mollie, và dòng chuyện do đấy tập trung vào cặp vợ chồng này, cũng nói lên tính nhậy cảm của một nhà làm phim lão luyện về một đề tài đầy nhân tính—tình yêu, lòng tín cậy và sự phản bội–, do đấy dễ khiến khán giả cảm thấy gần gũi, sẵn sàng cùng nhập vào câu chuyện với các nhân vật và các diễn biến của chuyện.
Trái, bốn chị em Mollie gốc Osage, cùng kết hôn với người da trắng và cùng bị mưu sát vì bản quyền dầu hỏa của họ. Mollie, do tài tử Lily Gladstone đóng, thứ hai từ trái trong hình, là người duy nhất trong bốn chị em sống sót. Phải, Mollie với chồng lúc chưa cưới, Ernest Burkhart do Leo DeCaprio đóng, làm tài xế cho Mollie. (Ảnh quảng cáo cho phim “Killers of the Flower Moon”)
Bên cạnh các diễn xuất xuất thần của dàn tài tử chính, tiện đây tôi cũng muốn chia sẻ chút cảm nghĩ về nhân vật Tom White do tài tử Jesse Plemons đóng. Dù là vai phụ, so với hai vai chính của De Niro và DiCaprio, nhưng diễn xuất vững vàng điềm đạm của Plemons (cũng như vai trò anh thủ trong phim “The Power of the Dog”), tạo nơi khán giả một cảm giác an toàn, rằng mọi sự rồi sẽ được giải quyết êm thắm theo luật định (như trong phim “Flower Moon”), hay lẽ tự nhiên của thế giới loài người vốn nhân chi sơ tính bản thiện (như trong “The Power of the Dog”). Đó là một sự hiện diện có tính cách an ủi, vỗ về trong bối cảnh đầy bất ổn. Cũng có thể tôi đã mang cái tâm trạng của thời đại đầy bất ổn mình đang sống vào phim đây, chăng?
Nhà phê bình điện ảnh Manohla Dargis của tờ New York Times đã mệnh danh cho phim là “một đại tác phẩm bất ổn” (an unsettling masterpiece), do chỗ phim bao gồm mọi thể loại–tình cảm, lịch sử, hành động, thám tử, cao bồi, và cả căng thẳng kinh dị–song đã được đạo diễn Scorsese đan bện vào nhau một cách tài tình, không chút khó khăn. Nhiều người đã liệt phim vào hàng phim kinh điển (classic movie). Và không thiếu dự đoán phim sẽ chiếm đa số giải Oscar năm tới.
Cảnh nhà ga xe lửa Fairfax, thị trấn dẫn vào Osage Nation, cách thủ phủ Pawhuska ở đông nam 28 miles, được tái dựng hoàn toàn trên đất bộ lạc cho giống thời thập niên 1920 cho phim “Killers of the Flower Moon”. (Ảnh trích trailer quảng cáo phim)
Phim được dàn dựng ngay tại thị trấn Pawhuska, Oklahoma, không phải trong phim trường. Những cửa tiệm ta thấy trong phim không phải chỉ là mặt tiền mà thôi mà là nguyên những căn phố hiện còn tồn tại mà chủ nhân cho đoàn quay phim thuê để làm phim. Đoàn quay phim mướn cả một khu phố chính của thị trấn này, trải đất như đường xá hồi đó khi chưa trải nhựa, trang bị với xe ngựa kéo bên cạnh những chiếc T-Mobile thịnh hành thời đó. Đạo diễn Scorsese đã chăm chút dàn dựng từng cảnh trí, trang phục của các nhân vật, đặc biệt của các vai nữ (khiến tạp chí Vogue và Elle không ngớt lời ca ngợi), sao cho trung thực với văn hóa bộ lạc Osage, đồng thời sát với thực tế của bối cảnh thời đại của thập niên 1920 trong chuyện, với sự cố vấn của chính các nhân sĩ và chuyên gia gốc Osage, bên cạnh một dàn diễn viên extras gồm nhiều người gốc bộ lạc bên cạnh các cư dân của thành phố Fairfax.
Đạo diễn Scorsese còn đòi hỏi các nhân vật chính học các câu đối thoại bằng ngôn ngữ bộ lạc. Khó mà biết De Niro, DeCaprio hay Lily Gladstone (nữ tài tử đóng vài Mollie) có phát âm đúng không, nhưng việc đó cho thấy nỗ lực và sự tận tụy của ê kíp làm phim. Các tài tử cũng đã tiếp xúc với dân bộ lạc để tìm hiểu và thấm đượm văn hóa và cung cách sống của họ. Nổi bật hơn cả có lẽ phải kể tới nữ diễn viên Lily Gladstone trong vai Mollie, đã lột tả được phong cách kín đáo trang trọng của một phụ nữ Osage mà ngôn ngữ diễn tả sắc bén nhất là ánh mắt nhìn.
Có thể nói trong suốt thời gian thu hình, cả bộ lạc Osage cùng tham dự, mỗi người trong vài trò có thể của mình, từ extras, các vai phụ quan trọng hơn, tới cố vấn lịch sử, văn hóa, thời trang. Được biết nhiều thanh niên Osage yêu thích điện ảnh cũng còn có được cơ hội làm việc sau máy thu hình với ê-kíp làm phim. Chính vị lãnh đạo của cộng đồng Osage Geoffrey Standing Bear, xuất hiện bên cạnh ê-kíp đạo diễn tài tử của phim tại cuộc họp báo sau buổi ra mắt phim ở Đại hội Điện ảnh Cannes hồi giữa tháng 5, cũng nói là ông rất hài lòng với sự hình thành và mức độ trung thực của phim “Flower Moon”.
Phát biểu tại cuộc họp báo, vị lãnh đạo của Osage Nation nói rằng người dân của ông vẫn còn cảm thấy “đau đớn” cho đến bây giờ. Ê-kíp làm phim đã gây ấn tượng mạnh nơi ông, và ông rất cảm kích thấy các diễn viên đã làm việc chịu khó như thế nào, và công trình thực hiện phim đã nghiêm túc như thế nào đối dân Osage và theo ông, cả đối với dân bộ lạc khắp nơi nói chung. “[T]ôi có thể nói thay mặt cho Osage Nation rằng Scorsese và nhóm của ông ấy đã khôi phục niềm tin của chúng tôi,” ông nói. Ông còn nói thêm rằng nhiều người Osage trẻ tuổi làm việc đằng sau máy quay phim ở nhiều bộ phận khác nhau, và bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình về đạo đức làm việc của dàn diễn viên chuyên nghiệp.
Nhiều nhà phê bình gốc bản xứ cũng công nhận phim không phụ lòng mong đợi của dân bản xứ, dù họ không thuộc bộ lạc Osage. Nhà phê bình Elias Gold, gốc Navajo thuộc kênh Native Media Theory trên YouTube, kể là sau khi xem phim ông đã ra xe ngồi khóc một hồi lâu vì cảm động trước sự dàn dựng và mô tả trung thực văn hóa bộ lạc của phim. Ông nói đã từng thất vọng với những phim trước kia về dân bộ lạc vừa thiếu trung thực vừa có vẻ nhuốm mầu sắc kỳ thị và như trịch thượng nữa.
Nhà phê bình Vincent Schilling gốc Mohawk, chủ trang Web Native Viewpoint, có nhận định như sau: “Tôi đã xem vô số kể các phim cao bồi [Western] và phim lịch sử [period] với cổ trang. Phim [Flower Moon], mặc dù là dựa vào các vụ án mạng Osage hay ‘Trận kinh hoàng Osage’ xẩy ra vào thập niên 1920, nhưng người xem không cảm thấy là mình đang xem một phim lịch sử. Tôi cảm thấy như thể mình đang có mặt tại nơi ấy, trong thời khoảng lịch sử đã được diễn tả thật trung thực, như thể chính mắt mình đang chứng kiến các sự kiện, nghe những đối thoại thật. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một bộ phim đã nỗ lực thành thực để mô tả xác thực một sắc dân bộ lạc về phương diện ngôn ngữ Osage, các biểu tượng và truyền thống của họ.”
Trước khi soạn bài này, tôi đã đi xem lại phim lần thứ hai và một mình, để hoàn toàn với riêng mình suy nghiệm. Lần xem phim trước tôi bận rộn theo dõi câu chuyện trong khi trong đầu bận rộn so sánh với các diễn biến và vô số nhân vật được đề cập tới trong sách. Lại ba tiếng rưỡi đồng hồ ngồi giữa hai nam khán giả gốc da đen. Không một ai cựa quậy. Chỉ thỉnh thoảng vài cái cười ngắn hay tặc lưỡi trước một đôi câu đối thoại. Không thấy ai đứng dậy trong toàn rạp trong suốt mấy tiếng đồng hồ đó.
Dù biết ngọn ngành mọi diễn biến, tôi vẫn bị lôi cuốn vào phim, song phần lớn lần xem phim thứ hai này là dịp thưởng thức cách dàn dựng. Đạo diễn Scorsese, sinh ra và lớn lên trong cộng đồng gốc Ý luôn linh hoạt, tràn đầy năng lực ở New York, có khuynh hướng, khả năng và cả đam mê trong công trình dàn dựng một cảnh với các nhân vật phụ (extra) tuy đông đảo (tổng cộng khoảng 400 phụ diễn) song ai cũng trong trang phục của thời đại góp phần diễn xuất của mình một cách rất thực, không ai bị lạc lõng rơi rớt ra ngoài cảnh.
Có cảnh, như cuộc đua xe hơi–thứ xe T-Mobile xưa hiện là vật sưu tầm đắt giá, lẫn trong đó cả xe mà tôi nghĩ là sản xuất cho thị trường Anh, Nhật, Úc hay Ấn độ vì tay lái nằm bên phải, được gom vào cho đủ số xe cần–trên con phố chính hiện vẫn còn tồn tại và đã biến thành phim trường, được trải đất cho trung thực với hình ảnh của thị trấn Pawhuska, Oklahoma, vào thập niên 1920, với đám đông xem đua xe cũng chạy theo xe đua hô hoán cổ võ. Cảnh thật sôi động, có lẽ chỉ diễn ra trên màn ảnh trong vài chục giây, nhưng đã hẳn là được sắp xếp dàn dựng tập dợt rất lâu và công phu. Khán giả thoạt tưởng là sẽ được xem cuộc đua xe hơi, nhưng không, đấy chỉ là một hoạt cảnh trước khi ống kính thu hình đi theo một nhân vật của phim vào, hay bước ra, từ một cửa tiệm hay văn phòng nào đó trong khu phố, và tiếp tục câu chuyện của kịch bản.
Trên là vài cảnh trong phim dàn dựng ngay tại phố chính của thị trấn Pawhuska, Oklahoma, được hóa trang cho xác thực với thời thập niên 1920, như đường trải đất, các cửa tiệm trang hoàng với các bảng hiệu như thời đầu thập niên, với xe ngựa kéo, xe hơi kiểu xưa, và các phụ diễn trong phục sức của thời đại. (Ảnh quảng cáo cho phim “Killers of the Flower Moon”)
Cũng như cảnh nhà ga Fairfax dàn dựng công phu là thế. Đạo diễn Scorsese cho cẩu nguyên cái đầu xe lửa và các toa tầu thời xưa vào trong cảnh, để chỉ trình chiếu trong một, hai phút trên màn ảnh ở lúc vào phim. Hoặc ở cảnh hội hè cuối cùng hết sức ồn ào náo nhiệt cũng vậy, tới khi máy thu hình dẫn mắt khán giả tập trung vào nhân vật Ernest nhớn nhác trong đám đông đi tìm ông chú cho biết việc làm của họ đang bị sở điều tra liên bang hỏi thăm, cảnh hai chú cháu bàn cãi sôi nổi, rồi chuyển qua cảnh vài viên chức điều tra của liên bang đặt đó đây đang theo dõi hai chú cháu.
Nếu có dịp đi xem lại phim này, tôi cũng sẽ không ngần ngại để có dịp thưởng thức một công trình nghệ thuật tuyệt vời song vẫn không phụ lòng lịch sử và lòng người. Có người có lẽ sẽ lại kêu lên là phim, và cả sách, có tính “woke”, tạm dịch là “thức tỉnh” hay “cấp tiến” hay, một cách quá khích, là “thiên tả”, vì đưa ra một mảng lịch sử tiêu cực của Mỹ Quốc và dóng lên tiếng nói của giới thiểu số vốn lâu nay bị chèn ép, lãng quên.
Chẳng qua, theo tôi, việc xét lại lịch sử truy tìm sự thật chỉ là việc thường tình của một xã hội văn minh và đa chủng, đặc biệt xã hội Mỹ mà trong đó chúng ta là thành viên, và trong đó không nhóm dân chúng hay chủng tộc nào lại có thể bị gạt bỏ ra ngoài lề. Và mọi người, bất kể mầu da, gốc gác văn hóa, tôn giáo, chính kiến, đều đáng kể vậy.
Trùng Dương
[2023-11]