Trương Nhân Tuấn: Trump giải quyết thế nào về hai hồ sơ Ukraine và Đài Loan
Ông Trump đã “thắng đẹp” cuộc bầu cử tổng thống nước Mỹ. Không ai bàn cãi, không ai dị nghị. Ông Trump đã xứng đáng thắng cử, vì ý chí bền bỉ và nhờ vào những biện pháp vận động mạnh mẽ hơn phe Dân chủ của bà Kamala Harris. Ông Trump sử dụng nhuần nhuyễn mọi biện pháp “phi chính thống” mà Luật nước Mỹ không cấm. “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần thì mọi người sẽ tin rằng đó là sự thật”. Nước Mỹ có bao giờ “yếu” mà phải “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”? Nước Mỹ và người dân Mỹ chưa bao giờ thua kém ai cả. GDP bình quân người Mỹ từ ngang hàng vài năm trước bây giờ lên gần gấp đôi GDP bình quân của dân Nhật và Châu Âu. Có bao giờ nước Mỹ không ở “trên hết” tất cả? Thời Tổng thống Biden kinh tế nước Mỹ phát triển mà các nước Châu Âu, Nhật… nằm mơ cũng không có. Nhưng dân Mỹ đã biểu lộ ý chí tin tưởng ông Trump thì mọi người nên chấp nhận sự thật này một cách “fair play”.
Vấn đề là làm thế nào ông Trump chấm dứt chiến tranh Nga xâm lược Ukraine trong vòng 24 giờ? Làm thế nào để buộc Đài Loan (và các quốc gia thuộc khối NATO) “trả tiền” để được Mỹ bảo vệ? Làm thế nào để áp thuế 60% lên hàng nhập từ Trung Quốc và từ 10% đến 20% lên hàng nhập từ các nước EU? Ông Trump và những người thân cận đã nói tới, nói lui những chuyện này để thuyết phục cử tri. Ông Trump và ê kíp có thực hiện được các hứa hẹn này hay không?
Bài này chỉ nói hai “hồ sơ” Ukraine và Đài loan.
1/ Hồ sơ Ukraine:
Đây là một cuộc chiến tranh đã được Đại hội đồng LHQ nhìn nhận là “cuộc chiến xâm lược”, qua một cuộc bỏ phiếu với đa số áp đảo. (Chiến tranh xâm lược là chiến tranh có mục tiêu bành trướng lãnh thổ và không có mục đích tự vệ). Putin đã bị Tòa Hình sự quốc tế buộc tội “vi phạm tội ác chiến tranh”. Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine sắp bước vào năm thứ ba. Ông Trump nói sẽ giải quyết chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ.
Trên nguyên tắc Mỹ và Anh phải có nghĩa vụ phải bảo vệ Ukraine, chiếu theo Memorandum Budapest 1994.
Năm 1990, sau khi Liên Xô giải tán, Ukraine tuyên bố độc lập. Thời điểm đó Ukraine sở hữu khoảng 5000 đầu đạn hạt nhân chiến lược lẫn chiến thuật.
Thỏa thuận bốn bên: Ukraine, Nga, Mỹ và Anh năm 1994 tại Budapest. Ukraine cam kết từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Đổi lại ba quốc gia Mỹ, Nga và Anh cam kết tôn trọng đường biên giới Ukraine và bảo vệ Ukraine nếu quốc gia này bị tấn công.
Vấn đề đặt ra là văn bản này có giá trị pháp lý ràng buộc hay không?
Theo tôi, khi Ukraine đã thực hiện các cam kết của mình thì văn bản đã có hiệu lực pháp lý ràng buộc. Vì vậy ta thấy, khi Nga xâm lược Ukraine, tức khắc LHQ ra nghị quyết lên án hành vi xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Mỹ và Anh là hai quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Các quốc gia EU thuộc NATO tiếp theo viện trợ kinh tế và vũ khí cho Ukraine. Vì hai lý do: 1/ an ninh Châu Âu bị đe dọa và 2/ các quốc gia thành viên NATO có nghĩa vụ yểm trợ Mỹ và Anh.
Mỹ và Anh buộc phải giúp vũ khí cho Ukraine, ngay cả phải đổ quân, vì đây là nghĩa vụ của Mỹ và Anh, chiếu theo nội dung Bản ghi nhớ Budapest 1994, nếu Ukraine bị xâm lược.
Việc Mỹ và các đồng minh NATO giới hạn viện trợ các vũ khí tiên tiến, như máy bay F16, đồng thời ra điều kiện Ukraine không được sử dụng vũ khí viện trợ tấn công qua lãnh thổ của Nga, vì lý do lo ngại cuộc chiến lan rộng.
Nước Mỹ thay lãnh đạo, Trump lên làm tổng thống. Điều này không ảnh hưởng gì đến nội dung cam kết Budapest 1994. Tức là Mỹ, Anh và khối NATO có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine, chống lại Nga xâm lược.
Nhưng sự chỉ trích của Trump và những người thân cận, như con trai ông Trump và phó tổng thống J.D Vance, về ngân sách của Mỹ dành cho Ukraine là dấu hiệu của sự “bội ước”, điều mà xưa nay nước Mỹ chưa bao giờ làm.
Giải quyết chiến tranh không đơn thuần là cuộc ngừng bắn vô điều kiện, kiểu cúp viện trợ buộc Ukraine phải tuân thủ, như ý kiến của JD Vance.
Đây là một cuộc chiến “xâm lược”. Nga đem quân xâm chiếm lãnh thổ của Ukraine, vi phạm những điều ước nền tảng của Hiến chương LHQ. Đồng thời Putin, người chủ xướng cuộc xâm lược, đã bị Tòa Hình sự quốc tế ra linh truy nã vì bị kết tội “vi phạm tội ác chiến tranh”.
Kết thúc chiến tranh không thể là chuyện lặp lại kiểu “khi đồng minh tháo chạy” với mô hình VNCH 1975. Đó là buộc Ukraine và NATO phải đầu hàng Nga. Đó là chủ trương xóa bỏ nền tảng LHQ đồng thời khuyến khích nước lớn sử dụng luật rừng đối với nước nhỏ.
Mỹ và Anh có trách nhiệm về “nguyên trạng 1994” của Ukraine. Tức là một quốc gia Ukraine độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, với kho vũ khí hạt nhân gồm 5000 đầu đạn (chiến lược và chiến thuật).
Nếu Trump bội ước. Nga vẫn tiếp tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine. Theo tôi các quốc gia thuộc NATO và Ukraine sẽ không đầu hàng Nga. Cuộc chiến kéo dài và Ukraine dĩ nhiên có quyền chính đáng trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Ông Trump có thể kết thức chiến tranh trong vòng 24 giờ? “Nói cho sướng miệng” hay để lấy phiếu cử tri thì ai nói cũng được. Làm thì không dễ.
2/ Về Đài Loan:
Chính sách của Mỹ về Đài loan, từ 1971 đến nay là “giữ nguyên trạng hai bờ eo biển Formosa”. Mỹ có “luật” về quan hệ với Đài Loan(gọi là Taiwan Relations Act). Theo đó Mỹ bảo đảm bán vũ khí cho Đài Loan để tự vệ trước sự đe dọa của lục địa.
Nhiều lần trong các cuộc vận động tranh cử của mình, ông Trump yêu sách Đài Loan “phải trả tiền” để được bảo vệ. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek vào tháng 7, Trump nói rằng thật “ngu ngốc” khi Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan miễn phí.
Theo tôi ông Trump không thể buộc Đài Loan trả tiền để được Mỹ bảo vệ, như ông đã từng nói trong nhiệm kỳ trước với Nam Hàn và Nhật. Đơn giản vì Đài Loan và Mỹ không có kết ước hỗ tương về an ninh. Thậm chí Mỹ, theo tuyên bố Thượng hải 1972 (còn hiệu lực đến nay), không nhìn nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Mỹ không có đóng quân tại Đài Loan, như có đóng quân ở Nhật và Nam Hàn… Mỹ cũng không ký hiệp ước an ninh hỗ tương với Đài Loan, như đã ký với Nhật, Phi, Nam Hàn v.v… Đài Loan chỉ MUA vũ khí của Mỹ, kiểu “tiền trao cháo múc”. Thậm chí Đài Loan phải trả tiền cao giá nhiều lần (vụ lùm hỏa tiễn Patriot), để được mua hàng của Mỹ (mà Mỹ không bán).
Không có gì ràng buộc lẫn nhau thì chuyện đòi tiền để được bảo vệ là chuyện của dân giang hồ, của những tay anh chị.
Theo John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ứng cử viên đảng Cộng hòa, Donald Trump đắc cử tổng thống có thể đồng nghĩa với việc “Đài Loan có khả năng bị hủy hoại”.
J. Bolton kể: “Nhiều lần trong Phòng Bầu dục… ông ấy lấy một trong những chiếc bút Sharpie của mình ra và chỉ vào đầu bút và nói, ‘Bạn thấy không? Đó là Đài Loan.’ Sau đó, ông ấy chỉ vào bàn làm việc và nói, ‘Đó là Trung Quốc.’”…
Khi được hỏi ông kết luận gì từ điều này, Bolton trả lời: “Đài Loan có khả năng bị hủy diệt”.
Tức là Trump chỉ nhìn Đài Loan bằng cặp mắt của một tài phiệt. Trung Quốc dĩ nhiên lớn hơn Đài Loan hàng trăm lần.
Điều Trump không biết, và có thể trong đầu ông không có khái niệm nào về cái gọi là “lợi ích chiến lược”.
Cái “nguyên trạng” ở hai bờ eo biển Formosa, hay sự phân chia quốc gia Cao Ly làm hai “nước” Nam Hàn và Bắc Hàn. Là cái cớ để quân Mỹ hiện diện trong khu vực. Về địa lý Trung Quốc bị “khóa” bởi chuỗi đảo (Nhật, Đài Loan, Phi, Indo, Mã lai…) Tàu ngầm cũng như các lực lượng hải quân của Trung Quốc không thể ra “biển xanh” mà không bị Mỹ phát hiện. Về khả năng “tự chủ chiến lược”, Trung Quốc vẫn còn lấn cấn vì Đài Loan, nói là lãnh thổ của Trung Quốc nhưng đảo quốc vẫn hiện diện như là một “quốc gia độc lập có chủ quyền” khiêu khích Bắc Kinh.
Sự hiện diện của lính Mỹ ở khu vực này vì vậy không phải để “bảo vệ” Đài Loan (hay bảo vệ Nam Hàn) như Trump đã nói (rất sai). Mỹ hiện diện ở khu vực nào đó, chỉ có mục đích duy nhứt, là bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Lợi ích của Mỹ không đơn thuần chỉ có lợi ích kinh tế. Lợi ích “chiến lược” của Mỹ còn quan trọng hơn lợi ích kinh tế nhiều lần.
Trump cũng tố cáo Đài Loa nlấy đi hoạt động kinh doanh chip bán dẫn của Hoa kỳ. Đài Loankhông phải là Trung Quốc lục địa “ăn cắp công nghệ của Mỹ”.
Sau khi bị Mỹ bỏ rơi tại LHQ (1971), Đài Loan chủ trương “tự lực tự cường” với mục tiêu tự chế tạo vũ khí để tự vệ trước đe dọa của lục địa. Chỉ đến năm 1979, nhờ kiều dân Đài Loan ở Mỹ vận động, Quốc hội Mỹ ra luật về “quan hệ với Đài Loan- Taiwan Relations Act”, theo đó Taiwan được quyền mua của vũ khí của Mỹ để tự vệ. Nhưng Mỹ chỉ bán cho Đài Loan những loại vũ khí cũ, hoặc không có khả năng tấn công vào lục địa.
Khoa học kỹ thuật của Đài Loan phát triển mạnh mẽ là nhờ vào chính sách “tự lực tự cường” 1971. Công nghệ bán dẫn của Đài Loan đứng đầu thế giới, là thành quả của chính sách này. Cho rằng Đài Loan lấy công nghệ hay lấy hoạt động kinh doanh của Mỹ là vô căn cứ.
Theo tôi, Đài Loan sẽ không bao giờ thỏa mãn yêu sách của Trump. Như sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng lên 10% hay sẽ phải trả tiền để được Mỹ bảo vệ. Đài Loan cũng sẽ không “chia sẻ” thành quả đến từ kỹ nghệ bán dẫn theo yêu sách của ông Trump. Bởi vì Đài Loan là một “nước” có nền dân chủ vững chắc. Không dễ gì phương cách “làm tiền” của Trump sẽ đem lại kết quả.
Không phải lúc nào dân Đài Loan cũng “theo” Mỹ.
Ta nên biết là khuynh hướng “thống nhứt với lục địa” của Quốc dân đảng chưa bao giờ bãi bỏ. Hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung hoa Quốc dân đảng có cùng mục tiêu là “thống nhứt tổ quốc”. Khác nhau là “cách thức”.
Nếu yêu sách của Trump quá lố bịch, tương tự một cú “hold up”, thì dân chúng Đài Loan sẽ ngả về hướng thống nhứt với lục địa, dồn phiếu bầu cho Quốc dân đảng. Lãnh đạo Quốc dân đảng sẽ tìm một phương hướng thống nhứt với lục địa, sao cho dân Đài Loan giữ được lối sống tự do của họ trong một khoản thời gian mà hai bên có thể chấp nhân được.
Tức là sự thiếu tầm nhìn của Trump có thể giúp Trung Quốc phá vỡ gọng kềm địa lý để vượt qua Mỹ, về công nghệ lẫn kinh tế.
Trương Nhân Tuấn.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.