Truyện Trịnh Y thư: Ký ức của loài bò sát (Phân đoạn 14-15)
14.
Mười chín tuổi, tôi trở thành một dân quân du kích. Tôi được phát một khẩu súng và một băng đạn. Tôi cũng được tập bắn súng, nhưng mỗi lần tập chỉ được bắn ba phát vì không có nhiều đạn. Khẩu súng là vật bất ly thân, mặc dù công việc của tôi mỗi ngày là trồng ngô sắn, và đi mua lương thực như thịt cá về cho nhà bếp. Có hôm vào rừng đẵn những cây nứa to về làm lán, mỗi lán có ba, bốn du kích hay bộ đội trú ngụ. Lán của tôi do chính tay tôi cùng với năm anh du kích khác dựng, nên tôi làm kỹ lắm, trước cửa tôi còn trồng mấy bụi hoa rừng màu tim tím dễ thương.
Hình như có một tiểu đoàn bộ đội trú quân trong cánh rừng này, họ không tập trung ở một nơi mà tản mác ra khắp các buôn bản xung quanh. Họ di chuyển luôn luôn để tránh bị phát hiện. Hành tung của họ bí mật đến nỗi mặc dù vào sống chung trong một khu rừng cả năm, sáu tháng rồi mà tôi vẫn không biết họ ở đâu, làm gì mỗi ngày. Tôi nghe các anh du kích khác kháo nhau rằng châm ngôn của họ là “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.” Khó nhất trong châm ngôn ba điều này là nấu ăn không tỏa khói. Họ có một phương pháp đào lỗ, khoét rãnh dưới đất làm lò nấu ăn, gọi là bếp Hoàng Cầm, chắc là do một anh nuôi nào đó tên Hoàng Cầm sáng chế. Cái bếp làm rất khéo, phải chọn vị trí theo hướng gió để không phải quạt ở cửa bếp, phủ trên miệng rãnh có những cành cây nhỏ đặt ngang. Công dụng của nó là khói từ củi lửa tỏa ra theo các rãnh, tản mác bay lên không trung thành những làn khói nhẹ rồi mau chóng tan biến chứ không thành cột. Nhờ thế, máy bay thám thính của địch trên cao không biết dưới đất có một đoàn quân đang trú đóng.
Thi thoảng gặp một anh bộ đội nào đó, tôi làm quen, nói chuyện vãn. Trong số, tôi thân nhất với anh Sơn. Anh gốc Nam Định, trước ở Liên khu Tư, Thanh Hóa, không hiểu sao bây giờ lại được biên chế về phục vụ trong tiểu đoàn này ở đây. Tính tình anh khá ấm áp, nét mặt tình cảm. Khi quen nhau lâu hơn, có lần tâm sự với tôi, anh nói người yêu anh ở Nam Định không chờ anh về mà đã lấy chồng khác. Tôi đoán có lẽ vì thế anh đâm ra buồn bã và xin về đây chiến đấu cho vơi bớt nỗi buồn. Nhưng chúng tôi không có thời gian nhiều cho những chuyện tình cảm vu vơ. Nhiều hôm tôi thấy anh vắng mặt cả tháng trời. Hỏi ra mới biết anh vừa trở về sau một vụ “nhổ” đồn Tây. Anh kể tôi nghe về vụ công đồn, giọng anh buồn bã chứ chẳng hào hứng như anh bộ đội hôm ghé lớp học của tôi kể về trận Sông Lô. Anh nói mỗi lần đi “nhổ” đồn Tây, anh lại mất một số bạn, và không biết bao giờ đến phiên anh. Nhưng ngay sau đó anh tự an ủi, “Chiến tranh, đạn tránh mình chứ mình làm sao tránh được đạn. Số mình chết thì sẽ chết thôi.”
Tôi chưa được dự một trận đánh nào. Dân quân như tôi chỉ đi theo thu dọn chiến trường chứ ít khi tham gia chiến trận lớn, ngoài những lần đi tuần, phục kích những đám lính Tây đi lẻ tẻ hay dò thám động tĩnh vùng Tây đóng. Cho đến một hôm, anh đội trưởng đội du kích bảo bọn tôi chuẩn bị vũ khí đạn dược sáng sớm mai lên đường. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi, hai tiểu đội du kích, mất hơn ba tiếng đồng hồ trèo đèo lội suối mới đến một khu rừng khác rậm rạp hơn. Giữa cánh rừng bạt ngàn, giữa trưa không thấy ánh mặt trời, tôi thấy một ngôi nhà lớn và nhiều lán làm bằng nứa rải rác xung quanh. Trên đường đi vào có nhiều trạm canh được ngụy trang bằng lá cây rừng, người ở trong bất ngờ nhảy xổ ra lúc nào không biết, chặn đường hỏi mật khẩu, súng trường lăm lăm trên tay. Tôi đoán đây là bản doanh của tiểu đoàn.
Đến nơi, chúng tôi được lệnh nghỉ ngơi, đem lương khô ra ăn. Tôi ngồi dưới một gốc cây to, vén quần lên bắt hết vắt, đỉa trên ống chân, đùi, mới giở món ăn của mình đựng trong một ống tre. Tôi hồi hộp không biết Xụ Phụn Phèn làm món gì cho tôi ăn. Hóa ra là mèn mén. Biết sáng nay tôi ra trận, cô dậy từ lúc gà chưa gáy để nấu món này cho tôi đem theo, đủ ăn ít nhất ba ngày. Đưa vội ống tre cho tôi nhét vào ba-lô, cô quay mặt chạy đi ngay, không nói một lời, nhưng tôi vẫn kịp thấy hai dòng nước mắt của cô giàn giụa chảy xuống hai bên má. Xụ Phụn Phèn là cô gái H’Mông mới mười lăm tuổi nhưng yêu tôi lắm. Da dẻ cô trắng hồng chứ không đen đủi như nhiều cô H’Mông khác. Khuôn mặt cô trong sáng, đôi mắt nâu, hai làn môi mỏng lúc nào cũng thắm đỏ, và khi cô trút bỏ chiếc áo thổ cẩm màu đen, nằm dài trên thảm cỏ mượt mà bên bờ suối thì trước mắt tôi hiện ra một bông hoa rừng tuyệt đẹp, chờ đợi tôi cúi xuống chiêm ngưỡng và chiếm đoạt. Cô dạy tôi nói tiếng H’Mông và nấu những món ăn của dân tộc cô cho tôi ăn, tôi thích nhất món mèn mén này. Nó được xem là món ăn chính của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc bởi được chế biến từ ngô, một thứ nông phẩm sẵn có, trồng ở miền núi cao dễ hơn là lúa gạo. Mèn mén có thể để dành ăn trong ngày hoặc vài ngày khi đi nương, đi rừng. Làm món ăn này, người phụ nữ dân tộc phải mất khá nhiều thời gian để chế biến cho được mẻ mèn mén vừa dẻo vừa thơm. Tôi vừa ăn vừa nghĩ đến Xụ Phụn Phèn, tôi hình dung cô trong chiếc váy thổ cẩm màu đen, đầu chít khăn, lưng đeo lù kở, đang đi trên những con đường mòn dốc thoai thoải giữa một vùng thiên nhiên bao la xanh thẳm. Tôi nhớ cô quá mất thôi.
Chiều chưa xuống mà sương lam đã phủ kín mờ mịt không gian. Đoàn ngựa thồ của toán bộ đội hậu cần vừa về đến nơi, họ khuân xuống những bao tải to tướng. Một chặp sau, mọi người được mời ra ăn tối. Bàn ghế làm bằng những thân cây rừng ghép lại. Mọi người cầm đũa tre, khi ăn, một đầu gắp thức ăn, xong trở đầu đũa và cơm vào miệng. Thức ăn để trên những tàu lá chuối, không có canh, thịt toàn là thịt trâu, và rau củ vài loại. Bát cơm, ai có thì dùng, còn không, phải dùng ca uống nước thay thế. Xung quanh tôi, toàn màu rêu áo trấn thủ, vì khí trời đã rét buốt. Đông lắm, có lẽ cả tiểu đoàn tập kết tại đây trước giờ công đồn. Ăn xong, mọi người ai nấy cầm bát đũa dơ ra suối rửa, con suối nhỏ cách đấy không xa. Có một toán bộ đội đi thu dọn rác rến đem chôn dưới một cái hố lớn. Có cả kẹo lạc và trà nóng đem ra cho mọi người thưởng thức.
Buổi tối là giờ học tập, nghe hiệu triệu từ các cấp chỉ huy, và sau cùng là chương trình văn nghệ hát những bài hùng ca. Tất cả chui vào căn nhà lớn, chen chúc nhau ngồi xếp bằng dưới sàn. Học tập và hiệu triệu thì tôi chẳng thấy hứng thú gì mấy, toàn những điều đã nghe cả trăm lần, nhưng chương trình văn nghệ phong phú và hấp dẫn lắm, có cả màn kịch do ban kịch của tiểu đoàn trình diễn. Có sân khấu đàng hoàng, dù chỉ là cái bục cao chưa tới đầu gối. Vở kịch tuyên truyền, kích động lòng căm thù giặc Tây, nhưng diễn viên khá xuất sắc nhất là vai nữ. Trong các bài hùng ca, tôi thích nhất bài Xuất quân của ông Phạm Duy. Chẳng biết lúc này ông đang ở đâu, nghe nói ông đi cùng khắp đất nước hát cho bộ đội nghe, thậm chí Bình Trị Thiên ông cũng đã vào. “Ngày bao hùng binh tiến lên. Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến…” Nghe cả trăm cái miệng cùng há to hát, có tiếng đàn ghi-ta của hai anh bộ đội thì thùng đệm theo, tôi có cảm giác máu trong người chảy mạnh.
Lúc học tập và nghe hiệu triệu, các đơn vị ngồi riêng ra, nhưng lúc văn nghệ thì mọi người tìm bạn ngồi với nhau, vừa hát vừa nói chuyện vãn rôm rả. Anh Sơn cũng có mặt. Ban chiều tôi nhác trông thấy anh ngoài rừng, nhưng không tiện lại hỏi han. Lúc ngồi xem kịch nghe hát, anh lại chỗ tôi ngồi, rút bao Bastos mời tôi, anh bảo bao thuốc lá là chiến lợi phẩm trong trận “nhổ” đồn Tây cách đây hai tháng. Anh thích nói chuyện với tôi, có lẽ vì thấy tôi chịu khó lắng nghe chuyện người khác. Mộng ước của anh là sau này trở thành nhà văn, nên lúc nào anh cũng giữ một cuốn sổ tay nhỏ trong ba-lô, ngồi đâu là rút sổ ra hí hoáy viết. Những kinh nghiệm sống này sẽ không bao giờ tìm lại được, anh bảo tôi. Chỉ cần sau này viết lại những gì mình trải nghiệm trong cuộc chiến tranh này là đã quá dư thừa cho những tác phẩm hay. Nhưng làm sao viết được những tác phẩm hay? Kinh nghiệm bản thân chỉ cho mình chất liệu tốt chứ chưa chắc giúp mình cho ra đời một tác phẩm hay để đời. Anh bảo. Chỉ có cách đọc những danh tác quốc tế, và muốn thế phải có căn bản ngoại ngữ. Mình đọc họ không phải để xem họ viết cái gì. Cái gì, không quan hệ. Chuyện đời, bản chất con người, đâu đâu cũng như nhau, thời nào cũng vậy. Cái quan hệ là xem họ viết như thế nào. Làm văn là viết như thế nào chứ không phải viết cái gì… Có vẻ như anh sinh ra để viết văn chứ không phải đánh giặc.
Anh bảo tôi văn học Việt Nam mình còn non nớt lắm, nổi đình đám hơn cả là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhưng trong nhóm chẳng ai có tầm vóc quốc tế, ông Nhất Linh thì viết theo công thức luận đề xã hội, đọc chán phè phè, ông Thạch Lam thì chỉ có cái văn chương đèm đẹp. “Nếu viết văn, tôi sẽ viết như Dostoevsky.” Anh nói tiếp. “Minh đã đọc ông nhà văn người Nga này bao giờ chưa? Nếu chưa thì sau này có dịp nên tìm đọc. Văn chương của ông ấy khai thác tâm lý con người đến tột cùng ở bối cảnh chính trị, xã hội của nước Nga vào cuối thế kỷ mười chín, nhưng khi đọc ông, ta không thấy xa lạ…”
“Ông này đúng là dân Nam Định trăm phần trăm.” Nghe anh nói tôi nghĩ thầm trong bụng. Dân Nam Định hình như ai cũng là văn sĩ, thi sĩ, và chẳng bao giờ họ xem kẻ khác viết ra cái gì. Nhưng tối nay, trong bầu không khí say sưa phấn khích trước ngày ra trận, anh không bàn luận văn chương với tôi, anh choàng tay qua vai tôi thân mật rù rì chuyện trò, kể nhiều điều thú vị về các nhân vật quan trọng trong tiểu đoàn. Chẳng hạn như ông thiếu tá Lê Lân, chỉ huy trưởng tiểu đoàn.
“Ông này có mối thù không đội trời chung với Pháp vì cha ông ấy bị mật vụ Pháp giết.” Anh Sơn bảo tôi.
“Cha ông ấy bị giết trong trường hợp nào, hả anh?” Tôi hỏi lại anh.
“Thì lập hội kín chống Pháp, tổ chức ám sát sĩ quan Pháp ngay Hà Nội, bị mật vụ Pháp ghi tên vào sổ đen truy lùng. Mật vụ Pháp tìm bắt mấy lần không được, vì ông ta trốn lên Yên Bái này. Vợ con ở một nơi bí mật khác. Thế mà Phòng Nhì Pháp truy ra. Chúng nó bắn ông chết ngay trước cửa căn nhà trọ. Sau này có người bảo ông bị mật thám Pháp phăng ra vì có kẻ tố giác nơi ông ẩn nấp. Vì thế ông Lê Lân thù Pháp một, thù tay sai cho Pháp mười.”
Chuyện ông Lê Lân chưa hết, anh Sơn lại thì thào vào tai tôi:
“Minh thấy nhóm bộ đội có anh chàng tóc húi cua, răng hô như cải mả ngồi gần sân khấu không? Họ trong toán cảm tử đấy. Có ít nhất một anh ngày mai ôm bom ba càng.”
Tôi cũng đang thắc mắc về nhóm bộ đội này. Họ có chừng chục người, ngồi tách biệt hẳn với mọi người xung quanh, ngay cả lúc ăn cơm ngoài mé rừng, và không hề thấy họ mở miệng nói với ai câu nào. Họ cũng không vỗ tay hát theo những bài hùng ca. Họ dõi mắt nhìn lên sân khấu với những đôi mắt vô cảm như thể tâm tư họ để mãi đâu đâu. Nghe anh Sơn nói, tôi mới biết họ là những chiến sĩ trong đội quyết tử, và họ biết ngày mai họ sẽ chết. Tôi thấy mặt mày họ lạnh lẽo đến độ lạ lùng, không hiểu trong đầu họ lúc này đang nghĩ ngợi gì.
Nhưng tôi biết bom ba càng là gì. Tôi từng thấy nó lúc Trung đoàn Thủ đô chặn đánh quân Pháp ở Hà Nội. Nó là một thứ vũ khí chống tăng cảm tử, có dạng hình phễu, bộ phận kích nổ là ba chiếc càng sắt nhú ra từ đầu bom, vì thế người ta gọi nó là bom ba càng. Quả bom được lắp vào một thanh gậy gỗ dài hơn một thước. Chiến sĩ đánh bom ôm thanh gậy với quả bom như cầm giáo lao vào hông tăng địch, bom nổ, lớp thép dày của chiếc tăng bị xuyên thủng, nhưng chiến sĩ cũng tan xác theo.
“Họ có được hưởng ân huệ sau cùng gì trước cái chết ngày mai không, anh?” Tôi hỏi anh Sơn một câu có vẻ hơi ngớ ngẩn.
“Có chứ. Minh đợi tí nữa sẽ biết.”
Mãi khuya mọi người mới lục tục đứng dậy ra khỏi ngôi nhà, chui vào lán đi ngủ. Tôi thấy một nhóm phụ nữ ăn mặc như dân quân đến nắm tay các anh cảm tử quân. Mỗi chị nắm tay một anh. Từng cặp, họ chui vào những gian buồng quây bằng nan trông như bồ lúa sát vách sau ngôi nhà. Và tôi hiểu.
15.
Chiều hôm sau mọi người ăn cơm sớm. Quanh bãi đất trống, tôi thấy vũ khí bày la liệt, có cả hai khẩu súng cối 60 ly dựng dưới gốc cây, vài khẩu đại liên, trung liên với những hòm đạn cũ kỹ, các loại súng nhẹ máng trên cành cây hoặc chụm ba lại thành giá súng dưới đất. Cơm nước xong, mọi người lại lục tục kéo vào ngôi nhà lớn. Sân khấu đêm qua bây giờ được di chuyển ra giữa nhà, trên đặt một sa bàn y hệt đồn Pháp. Mọi người vào ngồi xung quanh. Đợi ai nấy yên vị, ông Lê Lân đứng dậy, tay cầm một thanh que dài chỉ lên sa bàn nhắc lại nhiệm vụ của từng đơn vị. Đồn có bao nhiêu sĩ quan chỉ huy, bao nhiêu lính Pháp, bao nhiêu lính Partisan, bao nhiêu lính ta, lính Thổ, bao nhiêu súng nặng nhẹ, bao nhiêu xe, bao nhiêu lương thực, kho đạn để chỗ nào, tinh thần lính trong đồn ra sao, nhất nhất đều đã được nội tuyến báo cáo đầy đủ. Không khí thật trang nghiêm. Tôi nhìn nét mặt mọi người rắn đanh như sắt thép. Lúc này tôi mới có dịp nhìn rõ ông Lê Lân. Người ông tầm thước, khuôn mặt không có gì đặc biệt, nước da tái, hai môi dầy, thâm, nhưng cặp mắt như có tia điện quang chiếu lấp lánh, giọng nói gằn từng tiếng, sắc lạnh, nghe tàn nhẫn.
Trời sâm sẩm tối, mọi người được lệnh lên đường. Bộ đội vũ trang súng ống đạn dược đeo đầy trên người. Đội cảm tử cầm những ống bộc phá nội hóa dài, thang tre và kìm cắt dây thép gai. Tôi cũng khoác súng lên đi theo toán du kích do anh đội trưởng hướng dẫn. Chúng tôi, tay chống gậy tre, đi trong im lặng xuyên qua những cánh rừng thâm u rùng rợn giữa tiếng côn trùng rỉ rả. Đến gần nửa đêm thì có lệnh dừng lại, chia quân thành hai toán, một toán lên công đồn, toán kia bố trí chỗ phục kích viện binh địch. Chiến thuật công đồn đả viện này được các đồng chí Trung quốc dạy kỹ lắm. Tôi đi theo toán quân công đồn, tiếp tục đi nữa. Tiếng súng đại bác của Pháp từ trong đồn bắn đi ầm vang cả núi rừng, nhưng đấy chỉ là tiếng súng cầm canh thường lệ, bắn vu vơ. Đi cả tiếng đồng hồ nữa, tôi được lệnh nằm chờ sau mấy mô đất. Dưới ánh sao trời, tôi lờ mờ trông thấy cái đồn Pháp. Tiếng súng đại bác đã dứt, chỉ còn tiếng đêm của núi rừng yếu ớt, đứt quãng như đang thoi thóp chờ đợi cái gì hung bạo khiếp hãi sắp xảy ra. Không biết bộ đội nấp ở đâu, họ như bóng ma, mới thấy đó đã biến đâu mất tăm. Tôi thấy hồi hộp trong lòng. Chẳng gì khổ sở hơn khi phải chờ đợi ở những giây phút nặng nề nghẹt thở như vầy, nhưng tôi vẫn phải chờ.
Đồn bót là một thất bại lớn trong chiến lược chống Việt Minh lúc bấy giờ của Pháp. Để đương đầu một đoàn quân lúc ẩn lúc hiện như bóng ma, Pháp cho quân mình chường mặt ra trong những đồn bót đặt khắp nơi, phơi bày như những bia tập bắn. Việt Minh nắm thế chủ động. Tuy không đủ quân xa, hoàn toàn không có phi cơ, nhưng họ muốn đi đâu, muốn đánh chỗ nào, lúc nào, tùy ý. Trong khi quân Pháp chết bẹp dí trong những pháo đài chẳng lấy gì làm kiên cố, thường lại không đúng chỗ hoặc không thể giữ được vì vị thế hiểm trở, tiếp tế và cứu viện khó khăn, như cái đồn bộ đội sắp “nhổ” đây. Nó nằm trơ trọi giữa một mỏm đất cao, từ đó dùng ống nhòm có thể dễ dàng quan sát quốc lộ chạy dài bên dưới, nhưng chẳng ai ngu dại vác súng đi ngờ ngờ trên quốc lộ cho bị phát hiện. Các tướng lĩnh Pháp, ông nào ông nấy đầy sao lấp lánh trên cầu vai binh phục – năm sao như Carpentier, Navarre, bốn sao như Valluy, Salan, ba sao như Alessandri, De Linarès – mà sao không nhớ nổi lời dạy của Napoléon: Les forts sont faits pour être pris!
Hơi lạnh của núi rừng bây giờ thấm vào người tôi, mặc dù tôi đã thủ chiếc áo dạ bên trong bộ quần áo vải dân quân màu đen bạc phếch. Hình như tôi thiếp đi thì phải. Lạnh thế mà vẫn ngủ được. Tôi chỉ choàng tỉnh khi nghe tiếng súng cối nổ phát đầu tiên và tiếng đạn xé gió rít trên không trung nghe rợn người, và tiếp theo là tiếng súng lớn nhỏ nổ dồn dập liên hồi. Khi hai quả hỏa châu tỏa sáng trước cổng đồn, tôi thấy bộ đội cầm súng vừa bắn vừa chạy lên. Họ dũng cảm lắm, súng bắn xuống như mưa mà vừa nghe tiếng “Xung phong!” là họ cúi rạp người chạy lên, không hề chần chừ. Đội cảm tử đã cắt đứt hàng rào thép gai vừa đủ chỗ cho một người lọt qua, nhưng hai khẩu đại liên từ sau lô cốt và mấy chục họng súng nhỏ khạc lửa ra dữ dội khiến hết lớp xung phong này đến lớp khác lao lên mà vẫn chưa dứt điểm được. Một lúc lâu sau, tiếng súng thưa dần, không thấy bộ đội xung phong nữa, tôi tưởng trận chiến đã kết thúc. Nhưng không. Chỉ mươi phút sau tiếng súng lại nổ giòn, lần này ở phía sau đồn chứ không phải phía trước. Một toán bộ đội cảm tử khác dùng thang tre trèo lên đột kích sau đồn, nơi phòng vệ yếu hơn. Vài bộ đội đã tràn vào sân đồn, hai khẩu đại liên quay mũi, và chỉ đợi có thế, hai anh bộ đội từ phía trước liều chết phóng lên ném tới tấp những ống bộc phá. Bộc phá nội hóa chỉ gây tiếng nổ mạnh chứ ít khi gây tử vong, nhưng đủ làm chấn động nghẹt thở quân địch trong tích tắc, và tại chiến trường một tích tắc là quá đủ cho một tràng đạn từ phía bên kia ghim lên thân xác mình. Lúc đó, hàng rào dây thép gai đã mở toang, chiếc cổng lớn cũng bị trung liên bắn sập, bộ đội túa lên như đàn ong vỡ tổ. Mãi lúc bấy giờ mới nghe anh đội trưởng du kích hô to “Anh em xung phong!” Tôi lồm cồm ngồi dậy ôm súng chạy lên đồn. Xung phong cái quái gì nữa, giống như đang tập trận giả thôi. Xác bộ đội nằm kín lối đi, người chết kẻ bị thương. Vài bó đuốc được đốt lên soi sáng cảnh chiến trường tan hoang, hãi hùng. Đội cứu thương đang làm phận sự. Cả cái đồn bốn, năm chục lính Pháp, lính Việt, lính Thổ, đầu bếp, lao công, không ai sống sót, người buông súng giơ tay đầu hàng cũng bị bắn, kẻ bị thương được bồi một phát ân huệ vào đầu. Không có tù binh.
Cáng tre được đem lên khiêng bộ đội tử trận và bị thương. Tôi thuộc toán này. Nhưng lúc tôi đến nơi, họ đã làm gần xong. Tôi được chỉ định khiêng chiến lợi phẩm gồm súng ống, đạn dược, thuốc men, thực phẩm, và cả thuốc lá. Chạy lục soát các phòng, tôi bỗng thấy mình lọt vào phòng của trưởng đồn, tôi đoán thế, vì phòng có giường nệm và bộ quân phục quan Ba còn vắt trên thành ghế. Đồ vật tung tóe dưới sàn, tôi thấy một khung ảnh. Tôi nhặt lên xem, mặc dù mặt kính đã vỡ, tôi vẫn thấy ảnh một thiếu phụ da trắng bế một cậu bé trai kháu khỉnh. Chắc là vợ con người trưởng đồn. Ông ta không kịp mặc quân phục, cầm súng ra chiến đấu và bây giờ chết bỏ xác ở đây. Vợ ông ta nghĩ gì khi nghe tin chồng mình tử trận ở cái chốn đèo heo hút gió này? Còn thằng con? Nó mất cha từ khi chưa biết nói, tương lai nó sẽ ra sao? Nhưng tôi không có thời gian nghĩ ngợi thêm vì có tiếng người lao xao ở phía trước. Tôi chạy ra, thấy thiếu tá Lê Lân đang đứng trước một xác chết còn mặc đồ ngủ kiểu nhà binh một mảnh liền từ cổ xuống chân bó sát người, chắc là xác người trưởng đồn mà tôi vừa xem ảnh vợ con ông ta. Dưới ánh đuốc, tôi thấy ông ta còn trẻ lắm, chắc không quá ba mươi, râu quai nón và tóc màu hung đỏ. Ông bị một tràng đạn ghim lên ngực, máu ướt đỏ bộ đồ ngủ màu trắng ngà. Đứng cạnh là anh Sơn. Mấy người bộ đội khác đứng vòng ngoài, tay hờm súng trong tư thế tác chiến. Tôi nghe ông Lê Lân quát bảo anh Sơn:
“Đồng chí Sơn! Tôi ra lệnh cho đồng chí cắt đầu thằng Tây này cho tôi. Tại sao đồng chí cãi lệnh tôi, hử?”
“Tôi không quen làm công việc này. Xin đồng chí chỉ định một đồng chí khác.” Anh Sơn gượng gạo trả lời.
“Chúng ta không có thời gian. Đồng chí phải làm ngay. Đồng chí mà còn từ chối, tôi sẽ ghép đồng chí vào tội bất tuân lệnh thượng cấp, đồng chí sẽ phải chịu hình phạt kỷ luật.”
Anh Sơn miễn cưỡng ngồi thụp xuống bên xác người sĩ quan Pháp. Anh thò tay ra sau định tìm dao nhưng chắc chợt nhớ mình không có dao găm hay con dao lạc đâu mất rồi, anh ngần ngừ trong chốc lát rồi rút lưỡi lê từ đầu khẩu súng trường ra, dùng nó cứa cổ cái xác. Nhưng cái lưỡi lê dài cả nửa thước dùng để đâm, muốn cắt không dễ dàng, anh cứa đi cứa lại mãi mà chỉ có tí máu rướm ra, yết hầu của người trưởng đồn vẫn không đứt. Anh bèn chọc mạnh lưỡi lê vào một bên cổ đoạn dùng sức giật ngược ra. Máu ộc ra thành vũng dưới đất. Anh làm mấy lượt như thế mà cái đầu vẫn không đứt hẳn. Bây giờ dây nhợ lòng thòng đỏ loét, không biết là những thứ gì, từ trong cổ người trưởng đồn theo lưỡi lê xổ tung ra bầy nhầy như lũ giun sán. Loi nhoi lúc nhúc. Anh vẫn kiên nhẫn chọc vào giật ra từng mảnh nhỏ một. Cái cổ người trưởng đồn nát ngướu nhưng nó không chịu đứt lìa vì cột sống vẫn dính liền với đầu. Anh có vẻ lúng túng, chẳng biết phải làm sao. Cuối cùng anh trở ngược báng súng đập cho giập nát chỗ cột sống mới bứt được cái đầu ra khỏi thân mình. Anh túm tóc cái đầu lâu khủng khiếp đưa cho ông Lê Lân. Ông này cầm lên nhìn chòng chọc, mặt ông đanh lại, nhổ một bãi nước bọt vào mặt nó. Đoạn ông ra lệnh cho một anh bộ đội khác cắm nó vào một cây sào tre đem dựng trước cổng đồn. Tôi thấy anh Sơn cầm súng lên lảo đảo đi vài bước rồi ôm ngực nôn thốc nôn tháo. Một lúc lâu sau anh mới định thần lại được và theo đoàn người, hai người khiêng một cái cáng, dò dẫm từng bước đi xuống chân đồi, bỏ lại phía sau cái đồn đang bốc cháy với cái đầu lâu của người trưởng đồn lắc lư trên đầu ngọn sào. Nhìn theo. Những sợi dây lòng thòng từ cái cổ nát ngướu, chẳng biết là gì, dây thần kinh, động mạch, tĩnh mạch, đung đưa như lá phướn vẫy chào đoàn chiến binh, hẹn ngày tái ngộ.
Các sợi dây thần kinh trong người tôi hình như đều quá mức chịu đựng, nhưng không hiểu sao tôi đứng đó như trời trồng nhìn cho đến hết cái màn cắt đầu chỉ có thể diễn ra dưới địa ngục. Nó như cơn ác mộng. Không, có lẽ nó khủng khiếp hơn ác mộng, vì trong ác mộng, tuy ta chẳng trốn vào đâu được nhưng khi tỉnh giấc những hình ảnh đó phai nhạt dần rồi biến mất hẳn khỏi tâm trí ta. Còn sự thật tôi chứng kiến khiếp đảm hơn ác mộng vì chẳng hiểu sao nó bắt tôi đứng đó thu hết từng chi tiết vào ký ức, và nó vẫn bám chặt tôi, bắt tôi chịu đựng sự hành hạ của nó suốt đời.
Trịnh Y Thư
(Trích đoạn tiểu thuyết Đường về thủy phủ).