Viễn Dương: Chúng ta sẽ phải trả giá cho sự chuyển tiếp dân chủ muộn màng
Giới cầm quyền gia tộc Hunsen tại Campuchia đã xác nhận quyết tâm của mình với dự án kênh đào Phù Nam (Techo) vào tháng tám này, đặt Nam phần Việt Nam, vốn được nuôi dưỡng bởi con sông Mekong trước một bờ vực sụp đổ. Nếu dự án này được hoàn thành, có lẽ đó là một chiếc đinh đóng quan tài cuối cùng, chấm dứt mọi nỗ lực và hy vọng để cứu vãn tình trạng sụp đổ hệ sinh thái (ecological breakdown) của Nam phần Việt Nam.
Đây có lẽ là một sự kiện vô cùng quan trọng với đất nước Việt Nam. Nam phần Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng về kinh tế và an ninh lương thực, sự phồn thịnh của mảnh đất này trong lịch sử đã là một biểu tượng cho một đất nước Việt Nam mở rộng về lãnh thổ, không gian quốc gia và không gian văn hóa. Tuy nhiên, mọi vốn tài nguyên có thể sắp biến mất cùng với sự thay đổi của dòng sông Mekong, bức tử mọi hoạt động nông nghiệp, đánh bắt và sinh hoạt đã diễn ra hàng trăm năm trên mảnh đất này. Đây là một đe dọa có thực, lớn hơn bất cứ mối đe dọa an ninh nào đến từ một “thế lực thù địch” được chế độ cộng sản Việt Nam định nghĩa một cách mơ hồ để chỉ những người chống lại sự cầm quyền của chế độ. Tệ hơn là chính quyền Hunsen cũng từng được được lập lên và nuôi dưỡng bởi chế độ cộng sản Việt Nam, với mọi đảm bảo rằng Campuchia vẫn sẽ là một nhà nước độc tài, có khuynh hướng “chống lại các giá trị phương Tây”.
Kênh đào Funan sẽ được xây dựng với ba đập và một loại các hệ thống cầu và cống ngăn mặn, kéo dài tới 180 km với chiều rộng 100m, sâu 5.4 m và có thể giúp tàu nặng tới 3,000 tấn có thể trung chuyển. Dự án này sẽ được Trung Quốc tài trợ với kinh phí 1.7 tỷ đồng theo hình thức BOT và hoàn thành trong 4 năm. Một quyết định chớp nhoáng sẽ được khởi công trong tháng 8 và cũng chẳng có một công báo chính thức nào về đánh giá tác động môi trường và xã hội trong quá trình khởi công cũng như vận hành. Những hậu quả to lớn được biện minh bằng lập luận của chế độ cha con Hunsen – Manet rằng đây là một quyết định để giúp Cambodia tự chủ về chủ quyền và kinh tế thay vì phụ thuộc vào nước ngoài (với dự tính sẽ giảm hàng hóa của Campuchia đi qua cảng Cái Mép). Có lẽ đằng sau những phát ngôn chính thức là một loạt những lập luận không chính thức mang tính dân tộc hẹp hòi và dân túy kích động sự thù hận giữa Campuchia và Việt Nam để biện minh cho việc xây cất công trình quốc gia này. Chúng ta sẽ không có một con số chính xác nào về việc chính quyền Campuchia sẽ vận hành dự án đó thế nào, lượng nước chảy về hạ nguồn sông Mekong khu vực Nam phần Việt Nam giảm bao nhiêu, sự suy kiệt về đa dạng sinh học, trữ lượng thủy hải sản ở mức độ nào. Nhưng có lẽ chúng ta không cần chờ một đánh giá tác động dối trá, được thêu dệt của chính quyền Campuchia; với mọi sự trực quan của giáo dục căn bản thì chúng ta đều biết rằng đó là một tác động rất lớn. Với một dòng sông đã bị chặn bởi 13 con đập dọc các dòng chính và hàng tăm con đập ở các dòng lớn nhỏ, kênh đào Funan là nhát dao chí mạng khai tử hệ sinh thái hạ nguồn sông Mekong.
Các chế độ độc tài để cầm quyền đã duy trì cho những quan điểm cũ kỹ và lạc hậu về khái niệm quốc gia, vấn đề dân tộc. Nếu thực sự quan tâm đến chủ quyền quốc gia, triều đại Hunsen đã chẳng bao giờ tiếp tay cho sự hình thành của những vùng đặc quyền kinh tế với những chính sách, luật pháp khác so với phần còn lại của đất nước và dần dần trở thành những tiểu thuộc địa/nhượng địa của các băng đảng và ông trùm Hoa Kiều, những người đang duy trì chế độ buôn bán người ngay chính tại một thế giới văn minh và hiện đại.
Nhưng trong quản trị một đất nước hiện đại, có những thực thể mà không một quốc gia nào độc quyền sở hữu (transboundary entity) mà dòng sông Mekong là một ví dụ. Có những cộng đồng và dọc theo dòng chảy có thể bị chia cắt bởi biên giới quốc gia, nhưng cần được nhìn nhận là một cộng đồng văn hóa chung. Họ có thể cùng sắc tộc như cộng đồng người Choang-Tày/Thái giữa biên giới Việt Trung, người Thượng ở hai phần Đông-Tây dãy trường Sơn, hay người Khmer ở Nam phần Việt Nam. Họ cũng có thể không cùng chung sắc tộc nhưng chia sẻ chung một không gian kinh tế, văn hóa, và xã hội như một tập thể các cộng đồng dọc theo dòng sông Mekong. Các chế độ độc tài với những tư tưởng quốc gia lạc hậu thưởng cổ võ cho những hành động ích kỷ, chiếm đoạt tài nguyên và chia rẽ những cộng đồng đa văn hóa xuyên quốc gia, và tệ hơn là gây ra những rủi ro về viễn cảnh xung đột, chiến tranh trong khu vực.
Có lẽ nếu ở trong một bối cảnh dân chủ, người ta sẽ mang những giá trị tiến bộ và một tinh thần quốc gia cởi mở để nói chuyện với nhau. Người ta dễ dàng chấp nhận rằng dựa trên những gắn kết về văn hóa và địa lý không thể tách rời, những di sản chung mà tất cả đều phải có trách nhiệm giữ gìn, việc mổ xẻ giòng sông Mekong (rationing), và xây các đập chặn dòng (damming) là một hành động vô cùng đáng xấu hổ và lên án. Mọi quyết định lớn liên quan đến dòng sông Mekong phải do những cộng đồng, bản sắc gắn liền với dòng sông đó được tham vấn và quyết định; không phải do những chế độ độc tài đại diện cho một thứ quyền lợi dân tộc mơ hồ mà thực tế là những vọng tưởng, đặc quyền cố hữu của họ.
Chế độ cộng sản Việt Nam không ít lần đã bày tỏ quan ngại và phản đối với việc làm của chế độ Campuchia. Tuy nhiên, phải đặt vấn đề thế nào với một chế độ độc tài không coi trọng mọi lý lẽ và đạo đức căn bản? Chế độ phụ hệ gia đình Hunsen đang là một “thế lực thù địch” của dân tộc Việt Nam, và một điều vừa hài hước vừa cay đắng đây là một chế độ do chính đảng cộng sản Việt Nam với một đảm bảo là chế độ đó lấy lập trường ‘chống Tây phương”. Và bây giờ éo le là chế độ cộng sản Việt Nam đã phải cố gắng thuyết phục Campuchia bằng cách viện dẫn những nguyên tắc, phương pháp ứng xử, luật chơi mang đậm giá trị “phương Tây” để thuyết phục Campuchia từ bỏ dự án này.
Một quốc gia có thể sụp đổ vì một lý do không thể hiển nhiên hơn, vì môi trường (ecological services) của quốc gia đó không còn nữa. Đó là một viễn cảnh của một sự hỗn loạn, và bất ổn. Quyết tâm lớn nhất của một quốc gia trong thời đại tới là bảo vệ môi trường và phục hồi lại một phần môi trường bị phá hủy do sự phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch. Điều đó cần một chính sách quốc gia, những nỗ lực chung trong khu vực và cấp toàn cầu, và quan trọng nhất là những thể chế dân chủ. Chế độ cộng sản Việt Nam đang đứng trước một vấn đề họ không giải quyết được. Họ chìm trong những cuộc đấu đá nội bộ vô duyên làm lãng phí thời gian mà chúng ta cần phải dùng để chuyển tiếp sang dân chủ một cách khẩn cấp, và có những hành động khẩn cấp. Trí thức Việt Nam sẽ ở đâu và đóng góp một phần nào trước thảm họa này. Chúng ta đã từng là tập thể của con người đã không dấn thân đấu tranh vì sợ mất một vài thứ để rồi mất tất cả. Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt, dấn thân để đưa đất nước vào quỹ đạo để chuyển tiếp đi lên dân chủ, hoặc đứng nhìn đất nước trượt dài vào những thảm họa đã được lên dây cót.
Viễn Dương (12/06/2024)