Vũ Đức Khanh: Điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn – Thể chế và sự lựa chọn lịch sử
Khi một dân tộc bước đến ngưỡng của chuyển mình, câu hỏi lớn nhất không phải là “có thể hay không?” mà là “có dám hay không?” – và quan trọng hơn cả là: “có ai đủ bản lĩnh để dẫn đường?”.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 21/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra ba điểm nghẽn lớn nhất của đất nước hiện nay: thể chế, hạ tầng và con người – trong đó “thể chế là điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn”.
Đây không chỉ là lời cảnh tỉnh mà còn là tín hiệu đầu tiên cho thấy nội bộ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đang buộc phải nhìn thẳng vào sự thật: không thể tiếp tục trì hoãn cải cách.
Trong bối cảnh ấy, việc đề xuất một học thuyết phát triển Việt Nam thế kỷ XXI trở nên cấp thiết – không chỉ để dẫn dắt quốc gia vượt qua khủng hoảng tiềm tàng, mà còn để định hình một tương lai tự do, dân chủ và thịnh vượng trên nền tảng bền vững.
I. Từ nhận diện điểm nghẽn đến thiết lập lộ trình
Nếu thể chế là điểm nghẽn gốc, thì đổi mới thể chế phải là điểm khởi đầu.
Nhưng cải cách thể chế không đơn thuần là sửa đổi luật pháp hay tinh giản bộ máy hành chính.
Đó là một công cuộc chuyển hóa tổng thể từ phương thức cầm quyền sang phương thức kiến tạo.
Nó đòi hỏi một sự thay đổi triệt để trong tư duy về quyền lực, trách nhiệm và mục tiêu của nhà nước.
Lộ trình 2025–2035 mà chúng tôi đề xuất, rút ngắn hơn so với mọi mô hình phát triển trước đây của Đông Á, là một cuộc chạy nước rút lịch sử.
Trong đó, giai đoạn 2025–2030 là thời khắc then chốt: hoặc Việt Nam thành công đặt nền móng cho một nhà nước pháp quyền hiện đại, hoặc cơ hội vàng này sẽ trôi qua trong tay những người không đủ tầm và không đủ tâm.
II. Tại sao thể chế lại là điểm nghẽn gốc?
Vì mọi chính sách, mọi công cuộc hiện đại hóa – dù là phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, hay xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao – đều phải đi qua cỗ máy vận hành quyền lực quốc gia.
Nếu cỗ máy ấy tắc nghẽn, méo mó, hoặc vận hành theo logic thân hữu và đặc quyền, thì mọi cải cách đều chỉ là “vá víu”.
Thể chế ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng: từ mô hình phân chia quyền lực, phương thức lựa chọn lãnh đạo, đến tính minh bạch, khả năng kiểm soát quyền lực và sự tham gia thực chất của người dân vào quá trình ra quyết định.
Một thể chế không có cơ chế phản biện độc lập, không có trách nhiệm giải trình, không có pháp quyền đúng nghĩa, thì dù có đội ngũ cán bộ giỏi và hạ tầng hiện đại đến đâu, vẫn sẽ rơi vào vòng xoáy của tha hóa và trì trệ.
III. Sự lựa chọn lịch sử của ông Tô Lâm và thế hệ lãnh đạo hiện nay
Tô Lâm, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Công an – biểu tượng cho sức mạnh cưỡng chế nhà nước – giờ đây nắm giữ quyền lực cao nhất trong Đảng.
Trong tay ông là cả hệ thống quyền lực, nhưng cũng là gánh nặng của kỳ vọng và áp lực từ lịch sử.
Nếu chỉ dừng lại ở việc “siết lại kỷ cương”, chống tham nhũng hay chỉnh đốn nội bộ, thì ông sẽ không vượt qua được cái bóng của những người tiền nhiệm.
Nhưng nếu dám đặt lại nền tảng thể chế – nghĩa là cải tổ phương thức cầm quyền theo hướng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường đầy đủ, và xã hội dân sự năng động – thì ông có thể trở thành một lãnh tụ cải cách lịch sử, sánh vai với những nhà kiến tạo thể chế của thế giới hiện đại.
Để làm được điều đó, ông không thể đi một mình.
Ông cần một tập hợp những con người có tầm nhìn vượt thời đại, dám nói, dám nghĩ và dám hành động.
Quan trọng hơn, ông cần đối thoại – không chỉ trong nội bộ Đảng, mà cả với giới trí thức, xã hội dân sự, và các lực lượng đang hình thành bên ngoài hệ thống chính thống.
IV. Thể chế mới – sẽ trông như thế nào?
Học thuyết phát triển mà chúng tôi đề xuất không bắt đầu bằng việc sao chép mô hình phương Tây, mà xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của Việt Nam: làm thế nào để duy trì ổn định chính trị trong khi mở rộng không gian tự do, đảm bảo hiệu quả nhà nước trong khi tạo điều kiện cho đổi mới và phản biện xã hội?
Một thể chế mới cho Việt Nam cần có ba trụ cột:
1. Nhà nước pháp quyền thực sự – với tam quyền phân lập mềm, hệ thống tư pháp độc lập, và quyền lực được kiểm soát bằng luật pháp chứ không bằng ý chí cá nhân hay “tập thể cấp cao”.
2. Xã hội dân sự mạnh mẽ – nơi các tổ chức độc lập được thừa nhận, truyền thông tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, và người dân có thể tham gia vào các quyết định liên quan đến đời sống của họ.
3. Kinh tế thị trường đầy đủ – không phải thị trường có định hướng XHCN mơ hồ, mà là một thị trường dựa trên cạnh tranh công bằng, quyền tài sản được bảo vệ, và doanh nghiệp được tôn trọng như trụ cột phát triển quốc gia.
V. Vai trò của giới tinh hoa cải cách
Không có cuộc chuyển hóa nào thành công nếu không có tầng lớp tinh hoa dẫn đường.
Trong 10 năm tới, Việt Nam cần hình thành một nhóm tinh hoa cải cách – gồm lãnh đạo dám đổi mới, trí thức dám phản biện, doanh nhân dám đầu tư vào tương lai, và công dân dám lên tiếng.
Chính nhóm tinh hoa này sẽ là cầu nối giữa nhà nước hiện tại và tương lai dân chủ, giữa lợi ích ngắn hạn và chiến lược dài hạn, giữa những người cầm quyền và đại khối nhân dân.
VI. Một lựa chọn sinh tử
Việt Nam không thể bước vào thế kỷ XXI với tư duy của thế kỷ XX.
Càng không thể bước vào tương lai bằng một thể chế vốn được thiết kế để cầm cự, kiểm soát và duy trì đặc quyền.
Lịch sử không chờ đợi. Cơ hội không lặp lại.
Nếu ông Tô Lâm và thế hệ lãnh đạo hiện nay không nắm bắt thời cơ để đặt nền móng cho một thể chế mới, thì họ sẽ bị lịch sử vượt qua – như biết bao lãnh đạo từng tưởng rằng mình bất khả chiến bại.
Nhưng nếu dám chọn đổi mới thực sự, thì không chỉ họ – mà cả dân tộc này – sẽ bước sang một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà tự do không còn là khẩu hiệu, dân chủ không còn là nỗi sợ hãi, và thịnh vượng không còn là giấc mơ xa vời.
Vũ Đức Khanh

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.