Vũ Đức Khanh: Trump ra đòn thuế quan, Hà Nội liệu có đang tự đẩy mình vào thế đối đầu?

Trump đang trình bày biểu đồ với mức thuế quan
đối ứng vào ngày 2 tháng 4 năm 2025, tại
Vườn Hồng, Tòa Bạch Ốc
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50
năm ngày 30/4/1975. Ảnh: Nhân Dân

Tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chiến thắng “Mỹ cút, ngụy nhào” như một lần nữa nhấn mạnh vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản. Nhưng trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp thuế lên đến 46% với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, câu hỏi đặt ra: phải chăng Hà Nội đã đánh giá sai thời cuộc?

Một cuộc Chiến Tranh Lạnh kiểu mới?

Ngày 30/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu dài 22 phút 29 giây tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày “giải phóng miền Nam” tại TP.HCM (Sài Gòn), thủ đô cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. 

Với giọng điệu cũ, không có gì bất thường so với truyền thống, nhưng nội dung và thời điểm lại mang tính cảnh báo cao. 

Giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị siết chặt “thuế quan” với Việt Nam, bài phát biểu đầy tính “chống Mỹ” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cùng với sự diễu hành của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa là một lời tuyên chiến ý thức hệ giữa hai bên.

Trump không phải là tổng thống mà giới lãnh đạo Hà Nội từng quen biết. 

Kể từ năm 1995, Việt Nam xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ bỏ qua yếu tố ý thức hệ, miễn là Hà Nội hợp tác trong việc kiềm chế Trung Quốc và mở cửa kinh tế. 

Giả định đó nay không còn hiệu lực.

Chính Peter Navarro, Cố vấn kinh tế của Donald Trump, mới đây đã thẳng thừng tuyên bố rằng Việt Nam là “chư hầu” (thuộc địa) của Trung Quốc!

Trump không quan tâm đến những thỏa hiệp kiểu cũ. Với ông, thâm hụt thương mại là phản bội. 

Chủ nghĩa cộng sản và những diễn ngôn chiến thắng kiểu “đánh cho Mỹ cút” không còn là chuyện quá khứ—đó là một sự sỉ nhục cá nhân.

Hệ quả là gì? Một gói thuế quan có thể lên tới 46% đang được chính quyền Trump soạn thảo kỹ càng, nhắm thẳng vào xương sống xuất khẩu của Việt Nam. 

Trong khi Hà Nội đang ăn mừng chiến thắng lịch sử, thì nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường Mỹ của họ có thể đang đứng trước một cú sốc chưa từng thấy.

Một cái nhìn cũ kỹ trong một thế giới mới

Bài phát biểu của Tô Lâm mang đầy màu sắc thời Chiến tranh Lạnh: từ luận điệu chống đế quốc, đề cao chủ nghĩa Marx–Lenin, đến sự ca tụng vai trò lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh. 

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã thay đổi. Việt Nam không còn là một quốc gia biệt lập, mà là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vị thế đó, những thông điệp mang tính thách thức đối với Washington không còn là chuyện “nội bộ.”

Lâu nay, Việt Nam chọn mô hình phát triển kép: độc quyền chính trị trong nước, hội nhập kinh tế quốc tế bên ngoài. 

Mô hình này chỉ thành công khi môi trường quốc tế chấp nhận cho họ “vừa ăn vừa chửi.” Nhưng Trump thì không chơi luật đó. Đơn giản, ông không phải là loại người như vậy!

Trump nhìn thế giới qua lăng kính của “chủ nghĩa dân tộc giao dịch”—nơi mọi mối quan hệ quốc tế được tính bằng lợi ích cụ thể. 

Khi ông nghe Tô Lâm nói “chúng ta đã đánh cho Mỹ cút,” ông không nghĩ đến lịch sử, mà nghĩ đến sự vô ơn. 

Và phản ứng của ông có thể sẽ là: đánh vào kinh tế, đánh vào dòng đầu tư, đánh vào thương mại.

Việt Nam không phải Trung Quốc, càng không phải Liên Xô. Không có thị trường nội địa lớn để bù đắp, không có khả năng tự chủ công nghệ. Nếu bị Trump trừng phạt mạnh tay, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tổn thương nặng nề, có thể kéo theo bất ổn xã hội.

Sai lầm chiến lược từ Hà Nội?

Có thể nói, ông Tô Lâm — một người cũng thực dụng như ông Trump — không muốn như thế, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam thủ cựu, thân Trung Quốc, đã đánh giá sai lầm tình hình. 

Họ tổ chức hoành tráng lễ kỷ niệm với mục tiêu củng cố tính chính danh trong nước, nhưng quên mất rằng thông điệp họ gửi ra thế giới cũng có giá trị không kém. 

Câu hỏi đặt ra là: Hà Nội đang nói với ai?

Họ vẫn tin rằng có thể “đu dây”—tận dụng vị thế địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ để giữ thế cân bằng. 

Nhưng trong thực tế chính trị Mỹ hiện nay, “đu dây” không còn là một chiến lược khôn ngoan. 

Với Trump, hoặc là bạn, hoặc là đối thủ. Không có vùng xám!

Nếu Hà Nội tiếp tục duy trì thái độ thách thức, từ diễn ngôn đến hành động như lách luật xuất khẩu cho Trung Quốc, Trump sẽ phản ứng. 

Và lần này, không phải bằng ngoại giao, mà bằng thuế quan, kiểm soát công nghệ, thậm chí hạn chế đầu tư.

Hà Nội đang bước vào một cuộc chơi mà họ không đặt luật. 

Và nếu họ không điều chỉnh kịp thời, “chiến thắng” của ngày 30/4 rất có thể sẽ là khởi đầu của một thất bại khác—trên mặt trận kinh tế lần này.

Vũ Đức Khanh