Uyên Nguyên: Bóng Màu Lay Lắt

Hội họa! hội họa đến từ đâu? Câu hỏi vang lên như một tiếng vọng xuyên qua tầng tầng lớp lớp của thời gian, mang theo bụi bặm của lịch sử và bóng hình của những bức tranh đã khô màu từ hàng thế kỷ. Không phải là câu hỏi triết lý để rồi buông rơi trong gió. Mà là câu hỏi thực, sắc, và thiết yếu. Khi một dân tộc bắt đầu quên mất đường nét của chính mình, cũng là lúc màu sắc không còn điểm tựa. Và có lẽ, chưa bao giờ hội họa Việt Nam cần được gọi tên một cách nghiêm cẩn như lúc này – giữa bối cảnh thế hệ vàng son của một thế giới hội họa đã dần đi vào bóng tối sinh tử, giữa khi lưu vong trở thành một chương sử lặng im nhưng chưa từng được định danh đúng nghĩa.

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Họa sĩ Đinh Cường qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Trường Chinh. Họa sĩ Rừng / nhà văn Kinh Dương Vương. Họa sĩ Bé Ký qua nét vẽ của họa sĩ Đỗ Duy Ngọc. Họa sĩ Hồ Thành Đức. Họa sĩ Nghiêu Đề, E-painting: họa sĩ Phan Nguyên. Họa sĩ Tạ Tỵ, chân dung tự họa. Họa sĩ Duy Thanh. Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, chân dung tự họa. Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Họa sĩ Trịnh Cung.
Hội họa không bắt đầu từ lý thuyết. Nó bắt đầu từ bản năng. Từ những đường vẽ đầu tiên trong hang Lascaux hơn ba vạn năm trước, con người đã dùng tay mình để nói điều mà lời nói không đủ sức truyền đạt. Vẽ không những là bắt chước thiên nhiên mà là hành động đầu tiên để ghi lại cõi mộng, cõi thiêng, cõi nhớ. Từ một dấu xước trên vách đá, đến các tượng Phật Bagan, các bức bích họa Phục Hưng, cho tới tấm toan đẫm lệ của Van Gogh hay vũ điệu màu sắc của Pollock…, hội họa luôn là nỗ lực tuyệt vọng để níu giữ một khoảnh khắc giữa hư vô. Nhưng ở nơi nào đó mang tên Việt Nam, hội họa không chỉ từng là niềm kiêu hãnh của những cá nhân nghệ sĩ mà còn là hơi thở của dân tộc, là tiếng thở dài của những cuộc chia ly, và là ngôn ngữ của lưu vong.
Câu chuyện của hội họa Việt Nam là một câu chuyện bị đứt đoạn. Khởi đi từ thời thuộc địa, nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam ra đời trong không gian Pháp hóa, nhưng không mất hẳn bản sắc dân tộc. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925 là khởi điểm cho một thế hệ họa sĩ đầu tiên, từ Nguyễn Phan Chánh, đến Lê Phổ, Lê Văn Đệ – những người đã kiến tạo một nền tảng cho hội họa Việt Nam hiện đại, dung hòa giữa kỹ thuật phương Tây và tâm thức phương Đông. Sau đó, đặc biệt từ những năm 1954-1975, miền Nam Việt Nam – với Sài Gòn làm trung tâm – trở thành vùng đất hội tụ của tự do sáng tạo, nơi các trường phái nghệ thuật phát triển song song, đối thoại và cả tranh luận. Nhiều tên tuổi họa sĩ như Lê Văn Đệ (1906 – 1966), Tạ Tỵ (1922 – 2004), Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ (1940-2024), Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em (1942 – 2021), Thái Tuấn (1918 – 2007), Nguyễn Siên (1920 – 1996), Văn Đen (1919 – 1988), Nguyễn Khoa Toàn (1899 – 1965), Duy Thanh (1931-2019), Ngọc Dũng (1931-2000), Nghiêu Đề (1935-2009), Nguyên Khai, Hồ Thành Đức (1940-2025), Nguyễn Phước, Nguyễn Đồng (1940-2025), Nguyễn Thị Hợp, Hiếu Đệ (1935-2029), Lưu Đình Khải (1910 – 1997), Nguyễn Sao (1915-2006), Ngy Cao Uyên, Trịnh Cung, Nguyễn Đình Thuần, Đinh Cường (1939 – 2016), Mai Chửng (1940 – 2023), Rừng (1941-2022)… đã viết nên một chương vàng rực rỡ. Hội họa miền Nam không đơn độc. Nó đối thoại với thế giới mà vẫn đậm hồn Việt, dẫu ở mức hình tượng, trừu tượng hay siêu thực.
Thế nhưng, biến cố 1975 đã cắt phăng dòng chảy ấy. Những họa sĩ tài năng bỗng thành người không nhà. Họ ra đi, mang theo trong hành trang là những bức tranh chưa khô, những giấc mơ chưa vẽ xong và cả một nền mỹ học bị đẩy vào bóng tối. Hội họa lưu vong bắt đầu – không trường lớp, không hỗ trợ, không khán giả. Chỉ còn người họa sĩ và bảng màu – như một lời thề không thành tiếng. Trong những căn phòng chật chội ở Mỹ, Pháp, Canada, Úc…, họ tiếp tục vẽ. Vẽ để sống, để nhớ, để định nghĩa lại sự tồn tại. Nhưng lịch sử nghệ thuật Việt Nam trong nước đã không nhắc nhiều đến họ. Và khi lần lượt ra đi – họ mang theo luôn một phần ký ức thị giác của dân tộc.
Câu hỏi đặt ra lúc này: Hội họa Việt Nam hôm nay đang ở đâu? Và tại sao, trong khi thế giới vẫn ngày một nở rộ các dòng chảy nghệ thuật đương đại, chúng ta lại đang để lỡ đi một mảng linh hồn của văn hóa mình?
Câu trả lời không dễ dàng. Ở trong nước, hội họa Việt Nam hiện đại rơi vào tình trạng chênh vênh. Có tài năng. Có đột phá. Nhưng thiếu bản sắc và thiếu chiều sâu lịch sử. Rất ít họa sĩ trẻ ngày nay biết hoặc được học đúng nghĩa về hội họa miền Nam trước 1975, càng không nhiều người hiểu rõ về những tác phẩm hội họa lưu vong sau đó. Các trường đại học mỹ thuật bị đóng khung trong giáo trình lạc hậu. Các gallery thương mại hóa nghệ thuật tới mức tranh trở thành hàng hóa, chiều lòng thị trường nhiều hơn đào sâu vào ý niệm. Trào lưu nghệ thuật đương đại – với những dự án mang tính xã hội, trình diễn, sắp đặt – tuy đem lại không khí mới, nhưng đôi khi lại thiếu gốc rễ văn hóa. Tranh trừu tượng, tranh ý niệm, tranh đa phương tiện… rầm rộ, nhưng trong đó bao nhiêu phần là tiếng nói thực sự của Việt Nam, của hội họa Việt Nam?
Còn ở hải ngoại, sau gần nửa thế kỷ, lớp họa sĩ lưu vong đầu tiên gần như đã ra đi hết. Lớp thứ hai – nếu có – thì rất thưa thớt, và đa phần bị cuốn vào đời sống mưu sinh hoặc đơn chiếc, thiếu hệ thống và không đủ sức tạo tiếng vang lâu dài. Chúng ta chưa có một viện lưu trữ nghiêm túc, chưa có một bảo tàng đúng nghĩa, chưa có một dòng phê bình nghệ thuật hải ngoại độc lập và chuyên nghiệp. Những tác phẩm hội họa Việt Nam ở hải ngoại vì thế, hầu như vẫn chỉ sống lay lắt trong các bộ sưu tập cá nhân, hoặc bị quên lãng sau một vài triển lãm lưu động.
Thế nhưng, điều bi kịch nhất không nằm ở chỗ mất đi. Mà là mất đi trong lặng lẽ. Hiếm có những công trình lịch sử mỹ thuật nào đủ đầy và khách quan để ghi nhận vai trò của hội họa miền Nam và hội họa lưu vong như một phần thiết yếu của văn hóa thị giác Việt Nam. Cũng chưa có ai thực sự viết một bản đại tự sự mỹ thuật Việt Nam xuyên thời đại, vượt qua lằn ranh chính trị, địa lý và định kiến. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác – như Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí Campuchia – đã thực hiện được điều đó. Họ không để nghệ thuật của mình trôi dạt như bóng màu còn sót lại.
Hội họa Việt Nam, vì thế, đang đứng ở một giao lộ chênh vênh: Hoặc là dấn thân vào một cuộc phục dựng toàn diện để tái tạo căn tính thị giác của chính mìn, hoặc là tan rã trong vô thức tập thể. Chúng ta cần một phong trào phục hưng – không chỉ là phục hưng sáng tác, mà còn là phục hưng tư duy, phê bình, bảo tồn và giáo dục mỹ thuật. Cần một thế hệ mới biết tìm về lớp họa sĩ cũ không bằng cách bắt chước, mà bằng sự đối thoại. Cần sự hiện diện của những nhà sưu tầm có tầm nhìn. Cần những nhà viết sử dám khai phá vùng cấm. Cần những curator đủ bản lĩnh đưa nghệ thuật Việt ra thế giới không phải bằng bản sao, mà bằng chính linh hồn.
Bởi vì nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, sẽ không còn ai nhắc đến một thế hệ họa sĩ như đã nêu trên, như những đại diện tiêu biểu của một mỹ thuật Việt Nam từng ngang hàng với thời đại, chí đến như họa sĩ Cao Bá Minh, Ann Phong, Nguyễn Việt Hùng…, mỗi người mang một phong cách, một nét đặc thù riêng.
Và nếu cứ thế, thì những bức tranh kia, những vết màu kia – dù còn được trưng bày, dù vẫn lặng lẽ hiện diện trong các sưu tập quốc tế – cũng chỉ là bóng. Là ký ảnh rơi rớt, không còn có thể trở thành di sản sống.
Một nền hội họa không có nơi chốn trong ký ức tập thể, không có vị trí trong sách giáo khoa, không có lời gọi tên trên báo chí, sẽ dần rút lui khỏi dòng máu văn hóa của dân tộc. Và một dân tộc không có hình ảnh về chính mình, không thể mơ, không thể tưởng, không thể diễn đạt bằng màu, thì sớm muộn gì cũng trở thành bản sao mờ nhạt của kẻ khác.
Vậy nên, hội họa Việt Nam không phải là chuyện riêng của nghệ sĩ. Đó là chuyện của một nền văn hóa đang đi tìm chính nó. Là tấm gương phản chiếu nội tâm một dân tộc. Là câu trả lời cho câu hỏi: chúng ta còn nhìn thấy mình trong những màu sắc đã nhạt phai đó nữa không?
Bởi khi ký ức không còn hình ảnh, lịch sử chỉ còn là lời kể. Và hội họa – thay vì là chứng nhân – sẽ trở thành bóng màu còn lại, trôi dạt và mất hút trong lặng thinh.
Chốn Bụi, 27 tháng Ba, 2025
Uyên Nguyên