Lê Học Lãnh Vân: Các câu hỏi từ Việt Nam về thương chiến Mỹ – Trung Quốc

Trái: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc tồi tệ mau với các biến chuyển từng ngày rất khó dự đoán. Do đụng trực tiếp tới hai nền kinh tế mạnh nhất nhì thế giới và có lợi ích đan xen nhau, điều này tạo nguy cơ gây thương tổn lớn cho hai quốc gia và rung lắc toàn thế giới. Cựu bộ trưởng bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, bà Janet Yellen nói: “Các mức thuế Hoa Kỳ áp trên Trung Quốc sẽ tác động mạnh tới Hoa Kỳ và toàn cầu. Không ai biết sự việc sẽ về đâu!”
Câu hỏi nhiều bài viết nêu lên là ông Trump có một chiến lược được vạch ra rõ ràng dựa trên số liệu tin cậy, lập luận mạch lạc và phương pháp làm việc được chứng minh hữu hiệu không? Ông có dự đoán trước những kịch bản của chính sách thuế quan của ông không? Nếu kịch bản không như ý, thậm chí thảm họa xảy ra thì ông sẽ làm gì? Đâu là lối thoát (exit strategies)?
Trong những ngày qua, ông đã áp mức thuế mà nhiều người cho là vô lý lên các quốc gia đối thủ lẫn đồng minh. Khi thấy Trung Quốc không chịu xuống nước, ông đã biến thế và áp mức thuế cao hơn lên Trung Quốc trong khi hoãn áp dụng mức thuế đã tuyên bố cho các quốc gia khác trong chín mươi ngày, một quyết định không theo bài bản nào. Theo những phát biểu của chính ông Trump, ông muốn làm Trung Quốc sợ hãi mà cầu cạnh ông!
Có thể lúc đầu Trung Quốc muốn tránh thương chiến với Hoa Kỳ. Nhưng từ hôm qua khi ông áp mức thuế 145% lên Trung Quốc, tình hình đã khác. Trung Quốc đã tỏ ý đối đầu trực tiếp. Điều này có thể do những lý do:
a) mức độ quá vô lý của thuế ông Trump,
b) Trung Quốc không biết phải chìu ý ông Trump tới đâu, và
c) tự ái dân tộc và tự ái nước lớn không cho Trung Quốc nhường nhịn quá mức.
Trung Quốc nay đã là siêu cường kinh tế và rất nhạy cảm với các ép buộc từ Hoa Kỳ. Trung Quốc đã huấn luyện người dân tinh thần tái xác lập vị trí từng rất vĩ đại của Trung Hoa. Với tinh thần đó, Trung Quốc đã đạt sự tăng trưởng thần kỳ, từ quốc gia nghèo đói thành đệ nhị siêu cường kinh tế với tổng GDP gấp bốn lần quốc gia đứng thứ ba! Một quốc gia như vậy không cam tâm chịu áp lực của Hoa Kỳ. Và, ông Tập Cận Bình không thể chịu áp lực của ông Trump. Sự hạ mình của ông Tập trước ông Trump hàm nghĩa nguy cơ ông bị nội bộ phản đối mạnh. Hơn nữa, trong con mắt ông Tập lão luyện, ông Trum là người như thế nào?
Ông Trump và ê-kíp hiểu thế nào về các lý do đàng sau quyết định chính trị của Trung Quốc?
Còn những khác biệt sâu sắc nữa về cách hoạt động: ông Tập giữ hình ảnh mình như nhà lãnh đạo tối cao, chỉ quyết định khi chuyên viên các cấp đã đàm phán và sắp xếp. Ông sẽ không khinh suất ngồi đối diện đàm phán với ông Trump trong một cuộc gặp do ông Trump sắp xếp, trong đó ông Tập không có vai trò chủ đạo và định hướng. Ông đề phòng trường hợp một Zelensky thứ hai!
Trước viễn cảnh cuộc chiến thương mại gia tăng cường độ ngoài vòng kiểm soát của ông Trump, ông Trump đang quay về các đồng minh lâu đời: Tây Âu, Canada… những người đã bị ông tạt nước lạnh vào mặt trong nhiệm kỳ đầu và mắng chửi, giơ cây gậy đòi đánh trong mấy tháng nay của nhiệm kỳ hai!
Có quá trễ chưa khi các đồng minh từng rất bền chặt ấy đã kết luận Hoa Kỳ không còn là đồng minh đáng tin cậy nữa?
Quá uổng cho tổng thống Hoa Kỳ! Thay vì là nhà lãnh đạo toàn bộ phương Tây gồm Hoa Kỳ, Canada, Mễ Tây Cơ, Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc, Úc hùng mạnh và văn minh được thế giới ngưỡng mộ và tin tưởng, giờ đây ông chỉ còn là lãnh đạo của Hoa Kỳ bị cô lập, nghi ngờ!
Thế giới so sánh ông Tập và ông Trump như thế nào?
Thế giới so sánh Trung Quốc và Hoa Kỳ như thế nào?
Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ về đâu?
Trong cơn bão thời cuộc quốc tế, Việt Nam trụ vào đâu? Áp dụng chính sách cây tre như thế nào? Việt Nam có chiến lược gì để vươn lên mạnh mẽ trong cơn bão?
Lê Học Lãnh Vân
Ngày 11 tháng 4 năm 2025