Nguyễn Văn Tuấn: Tháng Tư hồi tưởng: ‘Những ngày xưa thân ái’

Mỗi năm, cứ tới tháng Tư là tôi muốn viết về ký ức thời xưa, thời mà giới trẻ ngày nay ít biết tới. 

Năm nay, đánh dấu nửa thế kỷ kể từ khi những ‘thuyền nhân’ như tôi đặt chân định cư nơi đất Úc và các nước phương Tây. Tôi ngoảnh nhìn chặng đường đầy sóng gió đã qua.

Tôi sanh ra trong một gia đình nông dân tại một làng quê thuộc tỉnh Kiên Giang. Ba và má tôi đều là người gốc Bình Định. Ba tôi theo đoàn quân kháng chiến chống Pháp vào Nam, và trong một trận chiến, ba tôi bị thương nặng và cưa mất một cánh tay. Trở về đời sống dân sự, ba tôi làm nghề nông. 

Ông ngoại tôi từ Phù Mỹ di cư vào Kiên Giang trong những năm đầu thế kỉ 20, thành hôn với bà ngoại, và sanh ra 3 gái và 1 trai; má tôi là người con thứ hai. Thật ra, ông ngoại tôi còn mang theo một người cháu vào Nam, và chúng tôi xem cậu như là anh hai của má tôi. Bên ông ngoại tôi cũng là một đại gia đình ngoài Trung. Trong đại gia đình đó, có hai ông cậu là sĩ quan cấp tá của Quân đội nhân dân, mà mãi đến cuối thập niên 1990 mới nối kết lại ‘nhánh’ trong Nam. 

Không rõ ba má tôi thành hôn năm nào, nhưng chị Hai tôi ra đời vào năm 1948 và mất vì bệnh khi chưa tròn 2 tuổi. Tôi là người con thứ tư trong gia đình. 

Dòng họ bên bà ngoại tôi trong Nam là một đại gia đình, đa số định cư trong làng mà có lẽ ông cố tôi đã khai khẩn từ những năm cuối thế kỷ 19. Bà cố tôi, người gốc Hoa, thọ hơn 100 tuổi. Tôi không biết ông cố vì khi sanh ra thì ông đã qua đời. Tính từ đời bà cố, đại gia đình lên đến gần 1000 thành viên, chiếm gần 1/5 dân số trong làng. Đa số đại gia đình tôi làm nghề nông, và sống thuận hoà với nhau. Riêng ba má tôi rất nổi tiếng trong làng, một phần là vì ba tôi chỉ một tay mà làm nên cơ nghiệp, còn má tôi nổi tiếng vì tánh hay giúp người. Ba má tôi sẵn sàng lấy một mảnh đất cho người ngoài gia đình xây nhà ở tạm cả chục năm. 

Ba tôi có rất nhiều bạn bè, nhưng người thân nhứt là bác Ba Tể, người gốc Thái Bình nhưng di cư vào Nam từ năm 1945. Tôi hay ghé nhà Bác Tể ở Tân Hiệp. Bác ấy hay kể rằng trong thời Ba tôi bị chánh quyền Ngô Đình Diệm giam cầm (do nghi ngờ ‘Việt Cộng cài cắm’), ông bèn chèo xuồng từ Kinh 7 (huyện Tân Hiệp) xuống và quăng bao gạo trên sân nhà trong đêm tối để không ai chú ý. Bác Ba Tể tôi có ý chí sắt đá về hoà bình, nên ông đặt tên con lần lượt là: Quyết (gái), Chiến (trai), Sinh (trai), Bình (gái), Tồn (trai), Tiến (trai). Mấy năm sau bác lại sinh thêm 2 đứa con, và bác có vẻ ‘bí’ tên, nên đặt thêm là: anh Yên, chị Lành. Quyết Chiến Sinh Bình Tồn Tiền Yên Lành. Đó là những người tôi xem như anh chị của tôi.

Những năm tôi còn học tiểu học, cứ lần nào tôi có bằng tưởng thưởng thì tôi được theo má xuống chợ và được cho ăn bánh tằm bì, ngon ơi là ngon! Mà, tôi có nhiều bằng tưởng thưởng lắm, vì hồi đó, nói cho ngay, tôi học không đến nỗi tệ. Thời đó, tôi còn nhớ hoài, cứ mỗi lần đi chợ thì có khi không may mắn gặp phải thầy Phát (thầy là hiệu trưởng trường tiểu học xã, rất uy nghi) thì tôi tìm cách trốn, vì sợ gặp thầy là thế nào cũng bị ‘hỏi thăm’. Mỗi khi thấy má tôi nói chuyện gì với Thầy Phát là tôi tìm cách … đi ra xa, nhưng cũng không trốn khỏi Thầy. Thật ra thì Thầy chẳng có gì khó khăn, tất cả chỉ vì tôi sợ Thầy quá mà thôi. 

Thời đó, thầy Phát dạy môn ‘Công dân giáo dục’. Cứ mỗi lần vào lớp học, câu đầu tiên Thầy nhắc là phải kính trọng ông bà ba má. Câu nói như là tụng kinh đó nhắc nhở tụi tôi phải biết kính yêu ba má, không được vô lễ với người lớn. Tôi nhớ năm đi thi đệ thất, thầy tôi nói như đinh đóng cột và pha chút đe dọa: Đứa nào thi rớt thì đừng có nhìn mặt thầy! Thời đó học trò quê như tôi phải lều chõng để ra thị xã Rạch Giá để thi. 

Sau 1975, thầy Phát, cũng như đa số giáo viên khác, không được dạy học nữa.

Tôi lớn lên trong một làng quê tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. ‘Tiêu biểu’ ở đây hiểu theo nghĩa có những dòng sông hiền hoà, những cánh đồng xanh tươi bất tận, và cây trái xum xuê. Dòng sông ở quê tôi đúng là một nguồn sống cho dân làng. Thời đó, sông có nhiều cá tôm lắm, nhiều đến nổi dân làng bắt cá làm nước mắm hoặc làm khô dự trữ cho mùa sau. Ngay cả những cái mương sau nhà tôi cũng có đầy cá. Cứ mỗi lần có khách tới nhà, chúng tôi chỉ đơn giản ra mấy cái mương bắt cá rồi hái rau trong vườn, và thế là có một bữa ăn thịnh soạn cho khách.

Miền Tây ngày ấy, trong ký ức tôi, là một vùng đất thanh bình. Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi chiều cuối tuần đạp xe từ Rạch Giá về làng, quãng đường chừng 25 cây số, lướt qua những cánh đồng lúa vàng rực dưới nắng từ Rạch Sỏi đến Minh Lương và Chắc Kha. Hình ảnh bà con gặt lúa, tiếng cười nói hòa cùng gió, như vẽ nên một bức tranh quê sống động. Cảnh ấy, lạ thay, lại giống hệt những giai điệu trong Khúc Ca Ngày Mùa của nhạc sĩ Lam Phương – cũng là một người con Kiên Giang, dường như đã gởi cả hồn quê vào từng nốt nhạc:

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát

Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác

Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời

[…]

Nầy anh em ơi! Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh

Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi

Khoan hò khoan tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài.

Thời đó, hàng xóm sống bên nhau một cách chan hoà. Hàng xóm tôi có những gia đình người Khmer, mà tôi đoán là tổ tiên của họ đã định cư ở đây nhiều thế kỷ trước. Họ là những người hàng xóm tử tế và có tinh thần tương trợ. Người Khmer hay giã lúa nếp để làm cốm dẹp. Mà, người ta thường hay giã lúa vào lúc ban đêm, nên bên cạnh ngọn lửa, cái cảnh ba bốn người giã lúa nhịp nhàng y như Nhạc sĩ Lam Phương viết:

Giã cho thật đều giã cho thật nhanh

Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi

Khoan hò khoan

Tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài. 

Làng quê nhỏ nơi tôi lớn lên đúng nghĩa là một chốn thanh bình. Những chuyện tiêu cực như trộm cắp ghe xuồng hay gây gổ, giờ đây chẳng hiếm, nhưng ngày ấy hầu như chẳng ai nghe tới. Dưới bóng tre làng, cuộc sống trôi qua êm đềm, chỉ có tiếng chim và gió đồng.

Một cánh đồng ở quê tôi. Hình này chụp ở Tân Hiệp, Kiên Giang.

Dù sống nơi thôn dã, ba má tôi luôn đặt việc học lên hàng đầu. Nhà tôi có một tủ sách. Sách truyện Tàu do ba tôi sưu tầm, sách Tự Lực Văn Đoàn do anh Hai sưu tầm. Tôi lớn lên với cái tủ sách này. Nhưng sau 1975, ba tôi đốt hết vì sợ chánh quyền mới quy chụp linh tinh. 

Trước năm 1975, nhà tôi chẳng phải nghèo khó, nhưng cũng không thuộc hàng giàu sang. Ba má tần tảo làm lụng, gom góp từng ngày, dần dà sở hữu những mảnh đất trải từ Châu Thành đến Tân Hiệp. Nhà còn có ba chiếc máy cày nhập từ Pháp, Mỹ – niềm tự hào của cả xóm. Tôi vẫn nhớ chiếc máy cày John Deere màu xanh lá cây, ba hùn vốn với một người cậu mua, mà sau này tôi mới hay giá nó tương đương cả ngàn cây vàng thời bấy giờ. Chính những “người bạn sắt” đó đã giúp anh em tôi được học ở những ngôi trường danh tiếng tận tỉnh lỵ, thành phố. 

Tuy nhiên, không khí chiến tranh đã bắt đầu ùa về vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Làng của tôi được xếp vào vùng ‘xôi đậu’, có nghĩa là vùng tranh chấp giữa một bên là Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) và một bên là du kích (còn gọi là ‘Việt Cộng’). Ban ngày thì lính VNCH (còn gọi là phe ‘Quốc Gia’) kiểm soát, còn ban đêm thì du kích về làng để lấy thực phẩm và thuốc men. Ai cũng biết gia đình nào có người theo Việt Cộng, nhưng chẳng ai nói ra và ai cũng đối xử trong tình thân. Ngay cả trong đại gia đình tôi cũng có người đi lính, nhưng cũng có người theo du kích. 

Dù là vùng xôi đậu, nhưng tôi chưa thấy bất cứ giao tranh ác liệt giữa hai bên. Thỉnh thoảng, phía sau ruộng nhà tôi có những đợt hành quân của lính VNCH, nhưng không có bắn súng. Ở dưới sông, có những giang thuyền tuần tra, nhưng cũng không có xung đột võ trang nào. Nhớ nhứt là những người lính Mỹ da trắng đỏ nhảy xuống sông tắm. Tôi cũng thấy vài du kích về làng lúc ban đêm, có khi họ xin tiền và vật dụng y tế. Họ tỏ ra là những người thân thiện. Thỉnh thoảng, một người thân của gia đình nhờ ba tôi mua thuốc men để bác ấy giao cho du kích ở làng trên, nơi mà ba má tôi có nhiều ruộng và máy cày hoạt động.

Những người du kích tôi gặp tỏ ra thân thiện, nhưng dân làng có vẻ sợ họ vì những hành tung bí mật hay lời đồn tiêu cực. Vài buổi sáng đi học tôi thấy xác người trôi sông và được dân làng hay lính địa phương vớt lên và an táng. Họ không cho học trò chúng tôi tới gần, nhưng tôi vẫn lén xem và thấy nhiều thi thể bị đập vỡ đầu. Người ta nói đó là những người bị du kích ở làng bên cáo buộc là ‘Việt gian’ và xử tử bằng búa rồi quăng xuống sông. Nhưng cũng có tin đồn rằng họ là những du kích bị lính VNCH bắn chết và quăng xuống sông. Sau này tôi đã từng thấy một cây búa như thế trong một viện bảo tàng ở tỉnh Bến Tre. Những cái chết như thế làm dân làng khiếp sợ.

Anh Hai: Ngọn Hải Đăng Của Tôi

Anh Hai tôi là một ngôi sao, một tấm gương về học hành trong đại gia đình. Anh là người đầu tiên trong làng đậu tú tài II và tốt nghiệp kỹ sư hoá học. Nói đúng ra, đại gia đình tôi còn có một ngôi sao khác và người đó là em họ tôi (nữ) cũng thi đậu tú tài toàn phần, nhưng nó không lên đại học. Thời đó, thập niên 1960, chỉ có 10-15% học sinh trung học thi đậu tú tài toàn phần mà thôi, và chỉ có 5-10% thí sinh dự thi tuyển được chọn vào học đại học. Có thể nói rằng hệ thống giáo dục thời đó thuộc loại ‘elite’, có nghĩa là chỉ chọn những người ưu tú và giỏi thật sự. Do đó, những người thi đậu đại học là một niềm vinh dự cho gia đình và cho cả làng xã. 

Anh Hai tôi cũng là người thầy. Ngày tôi lên trung học, tôi ở cùng nhà trọ với anh, và có thể nói đó là những ngày ‘khó khăn’ mà tôi khó quên được. Anh bắt tôi phải học, phải đọc sách nhiều. Bất cứ lúc nào anh ấy không thấy tôi cầm quyển sách là anh la rầy ngay: ‘Mày làm gì mà không đọc sách? Mày muốn đi hốt rác hả? Tôi đâu dám cãi. Tôi học không đến nỗi tệ, nhưng dưới mắt anh thì tôi lúc nào cũng chưa đạt yêu cầu. Nhưng đương nhiên, đó là một cách anh ấy đặt tiêu chuẩn cao hơn để tôi phải phấn đấu, chứ không cho tự mãn. Anh đặt ra những cái bậc cao hơn để tôi nhảy, chứ không hẳn là chê bai gì. 

Sau ngày 30/4/1975, anh Hai có thời gian làm việc kiểm nghiệm cho một công ty quốc doanh, nhưng chỉ một thời gian ngắn anh nghỉ việc. Không ai hỏi tại sao, nhưng tôi đoán chắc anh ấy không chịu nổi môi trường làm việc mới. Anh về quê sống với ngoại tôi. Khác với tôi và anh Ba là những người có thể làm nghề nông và cày cuốc, anh Hai chỉ quen với cuộc sống thị thành và không bao giờ đụng đến việc đồng áng. Có người gọi anh là ‘công tử’, vẫn còn xe Honda đi lại và ăn mặc ‘bảnh tỏn’ (thời đó hay bị gán cái nhãn ‘tiểu tư sản’). Ngoại tôi rất cưng anh Hai, nên anh ấy được đặc quyền đặc lợi trong ngôi nhà cũ kỹ đó. Anh hay lái xe Honda ra Rạch Giá cà phê cà pháo với bạn bè cùng cảnh ngộ và tôi cũng hay gặp anh ngoài đó. 

Những ngày anh la cà ở Rạch Giá là để tìm đường … vượt biên. Một hôm, anh chủ động tới gặp tôi và nói là anh sẽ đi vượt biên nay mai, rồi hỏi: ‘Mày đi hông?’ Tôi hơi sốc về câu hỏi. Thú thiệt là lúc đó tôi còn lý tưởng lắm và nghĩ đất nước rồi sẽ ok thôi, nên không nghĩ đến chuyện vượt biên.

Tôi đã từng thấy bạn bè từ Sài Gòn về Rạch Giá tìm đường vượt biên. Ở chỗ làm, hễ không thấy ai đó vài ngày thì xác suất cao là người đó đã đi vượt biên. Có người đi thoát qua tận các nước trong vùng Đông Nam Á, rồi Mỹ và họ gởi thư về báo tin mừng. Nhưng cũng có không ít người bị bắt và giam trong các trại giam ở vùng U Minh Thượng. Những người bị giam một thời gian ngắn (vài tháng) rồi được thả ra, và họ lại tìm đường vượt biên vì không thể sống với xã hội mới. Tôi có những người bạn vượt biên và bị bắt đến 7 lần! Khi thấy tôi không trả lời, anh Hai nói ‘Vậy là mày hông đi?’ Nói rồi, anh giao cho tôi cái xe Honda và chiếc đồng hồ Seiko, nói là giữ đó và về nhà báo cho Ba Má biết rằng anh đã quyết định đi vượt biên. Chính vì chiếc xe Honda và đồng hồ này mà sau này tôi đồng nghiệp kiểm điểm ‘lên bờ xuống ruộng’ đến nỗi không còn chịu được nữa nên tôi cũng ra đi. Không ngờ hôm đó là lần cuối cùng anh em gặp nhau. 

Anh Hai tôi đi trên một cái tàu đánh cá mà ông chủ chẳng ai khác hơn là ông già vợ tương lai của anh. Ông là người có trên 30 năm kinh nghiệm đi biển, và từng tự hào là nhắm mắt cũng lái từ biển về tới bến tàu Rạch Giá. Chuyến đi chỉ có 20 người, và toàn là người trong gia đình bên vợ tương lai của anh Hai tôi. Tôi không biết chính xác ngày anh Hai tôi rời Việt Nam, chỉ biết là cuối năm 1980. 

Tất cả 20 người trên tàu đều mất tích. 

Mất tích trên biển thì chỉ có thể nói là tất cả đều qua đời. Nhưng không ai biết nguyên nhân của sự mất tích. Do tai nạn? Do bão táp? Do cướp biển? Không ai biết. Má tôi thậm chí còn mời ‘thầy’ về xem để biết anh Hai tôi qua đời vào ngày nào, nhưng tất cả đều vô vọng. Cứ mỗi lần nhắc đến anh Hai là Má tôi khóc. 

Sau này khi đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đi đăng tin tìm anh nhưng hoàn toàn vô vọng. Tôi tìm đến Hội Hồng Thập Tự, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức thiện nguyện, những người đi cùng thời gian để tìm tung tích, nhưng tất cả đều không có thông tin. 

Có lẽ anh Hai tôi đã vĩnh viễn nằm trong lòng biển cùng với hàng trăm ngàn người Việt Nam khác trong thập niên 1970-1980. 

Theo Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, trong thời gian 1975-1995, có chừng 800,000 người Việt vượt biên bằng đường biển và chừng 100,000 bằng đường bộ [1]. Đa số là xảy ra trong thời gian 1975-1985 vì đó là ‘cao trào’ của làn sóng vượt biển. Theo một nghiên cứu trên những thuyền nhân tới Thái Lan thì đa số (trên 50%) thuyền tới Thái Lan bị hải tặc Thái Lan tấn công. Vẫn theo Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 200,000 đến 400,000 người vượt biển bỏ mạng ngoài khơi (do hải tặc, bệnh tật, tai nạn, bão tố), trong số này có anh Hai tôi.

Đồng bằng sông Cửu Long, một mê cung xanh tươi của những cánh đồng lúa ngọc bích và những dòng sông nuôi sống hàng chục triệu người, đã ôm ấp tuổi thơ của tôi. Dòng chảy của nó tượng trưng không chỉ là sự trôi qua của thời gian, mà còn là hy vọng bền bỉ lan tỏa qua lịch sử gia đình chúng tôi, một di sản được khắc ghi trong tim tôi. Dòng sông Cửu Long, mãi mãi chảy trong mạch máu của tôi.

Nguyễn Văn Tuấn