Phạm Tường Vân: Hòa giải không phải là một lệnh trên máy tính
Tôi đánh giá cao bài phát biểu mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm hòa hợp hòa giải dân tộc của Tổng Bí thư Tô Lâm, để khép lại quá khứ, hướng đến một tương lai thịnh vượng, hùng cường. Kể cũng hơi muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không bao giờ.
Tôi sinh ra lớn lên ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng tôi khác bạn bè và gia đình mình rất nhiều bởi 30 năm sống giữa lòng Sài Gòn. Công việc và khát khao giải mã những điều chưa biết đã cho tôi cơ may được xúc chạm với phần tinh hoa nhất của thành phố này.
Tôi nhớ ngày đầu đặt chân tới đây, đó là mùa hè năm 1994, trên đường từ ga xe lửa về tới nhà người họ hàng, người chở tôi dừng lại để ghé vào một cửa hàng sách cũ. Tôi vô cùng choáng ngợp khi tìm thấy những bộ sách hiếm hoi về văn chương, triết học phương Tây đã được dịch sang tiếng Việt từ thập niên 60-70, những tác giả mà giới được xem là sành sỏi nhất thủ đô thời đó có khi còn chưa nghe tới tên gọi. Những cuốn sách, những lời đề tựa nắn nót của người mua dành cho chủ nhân cuốn sách khiến tôi hình dung ra một Sài Gòn cực kỳ hoa lệ trên phương diện tinh thần.
Sách giáo khoa miền Nam trước 1975 cho tôi thấy một nền giáo dục rất chú trọng giá trị con người. Và ứng xử hàng ngày trên đường phố cũng khiến tôi giật mình, nhận ra sự chao chát, đanh đá của người Hà Nội thời tôi sống thật khác xa thời tiền chiến mà những người Hà Nội 1954 di cư mang theo và được gìn giữ, bảo nhậm. Tôi là ai nếu không sớm nhận ra và trân quý điều này?

Bạn bè từ miền Bắc vào Saigon sống cùng tôi ít ngày, chắc cũng sẽ khó hiểu khi thấy tôi luôn nhẹ nhàng, rón rén với tất cả những người tình cờ gặp, dù là bà bán hàng trong chợ, anh bán chè khuya, nhân viên ngân hàng, chị lao công, anh bảo vệ… Bên cạnh việc cảm nhận sự tử tế và ý thức tự trọng, sự ý tứ, ít láo nháo bon chen nơi họ, tôi còn biết không ít người có xuất thân từ gia đình trí thức khá giả sa cơ do biến động thời cuộc, nên từ đáy lòng, tôi luôn sợ vô tình làm tổn thương họ.
Là một người có cơ hội trầm mình trong lịch sử đau thương của cả hai miền, tôi hiểu rằng hòa giải không phải là một câu lệnh trên máy tính. Hòa giải chưa bao giờ là dễ nhưng nếu muốn bắt đầu nhất thiết phải từ đáy lòng. Trước hết là dũng cảm từ bỏ những tập quán cũ trong tư duy và hành xử khiến nỗi đau thêm sâu cả từ hai phía.
Bản thân tôi cũng từng phải rời khỏi nhiều cuộc vui, thẳng thừng cắt đứt nhiều mối quan hệ thân thiết chỉ vì không muốn phải nghe thêm những lời vô tri từ bên thắng cuộc. Tôi cũng lặng lẽ rút lui, bỏ cuộc bởi không đủ năng lượng để hóa giải cho sự cay đắng, phẫn uất của bên còn lại.
Tôi luôn ráng noi theo đức hạnh của các bậc thầy từ ái mà mình hữu duyên được theo học, nhưng sau bao năm tôi vẫn thấy mình là một người bình phàm với rất nhiều giới hạn. Bởi vậy tôi càng thấy đòi hỏi những người từng mất mát đau thương hành xử như bồ tát là bất khả thi.
Nhưng tôi lại thiết tha mong mỏi bạn bè bên thắng cuộc – những người không trực tiếp tham gia chiến tranh nhưng sau 50 năm vẫn say men biết rằng họ chưa biết đủ và mở rộng trái tim ra thêm một khẩu độ, để tôn trọng cả nỗi đau của phía bên đối diện. Những nỗi đau thực sự nay vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình, ở dạng sang chấn tâm lý xuyên thế hệ. Con trai tôi – người chỉ cho tôi thấy rõ hơn điều đó từ biến cố đầy bi kịch của gia đình bên nội đã an ủi tôi rằng: biết rằng mình chưa biết cũng là bước đầu thoát khỏi vô tri.
Con người có cảm xúc nên không thể nào ngay lập tức hô biến quá khứ hướng tới tương lai. Nhưng tôi hết lòng hy vọng vào nỗ lực hiểu biết lẫn nhau từ hai phía. Để làm điều đó, thiết nghĩ, trước tiên, bên thắng cuộc nên gỡ chiếc đai vô địch cùng chiếc khiên ngạo nghễ.
Như thế, máu xương của cha ông ngàn năm gìn giữ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ mới không uổng phí.