Phạm Hảo: Tháng Tư Của Tôi

Tôi dựng cái chổi vào bức tường đá, đưa mắt nhìn quanh cái sân gạch đỏ đã lấm tấm rêu xanh vì mới trải qua hai mùa Thu Đông ướt át. Rải rác còn khá nhiều những cành khô nhỏ rơi xuống vì cơn gió to chiều qua, nghĩ  cũng phải cần thêm hơn một tiếng đồng hồ nữa thì khoảng sân này mới sạch hẳn được, tôi quyết định dừng tay nghỉ mệt một lúc để ăn cơm trưa. Ngày thường thì tôi ăn trưa muộn lắm, nhưng hôm nay có niêu cá trứng kho khô và nồi xôi nếp chờ trong bếp, sáng nay vừa đi bộ về là tôi đã bắc niêu cá ướp sẵn trước khi ra khỏi nhà, rồi cẩn thận đứng trong bếp hơn 30 phút o bế niêu cá đang kho, mắt không rời nó một giây một phút nào, vì sơ hở ra là cá sẽ bị cháy. Trước khi tắt bếp tôi còn cẩn thận rưới lên mặt cá một muỗng lớn tóp mỡ. Trong lúc làm vườn, hình ảnh cá kho và xôi nếp cứ lởn vởn trong đầu.  

Từ trong bếp đi xuống vườn sau, định đặt đĩa xôi và chén cá kho trên cái bàn nhỏ, rồi sẽ ngồi trên cái ghế cạnh đó để ăn, thì mắt chợt thấy chậu hoa mộc qua chi chít những nụ màu trắng, tôi vội bỏ cơm bỏ cá đó, đi đến cây hoa ngắm nghiá, vuốt ve lá cánh một lát. Nhìn những cái nụ tròn như những hạt ngọc trắng đục thấm hơi ấm của mùa Xuân nứt ra từ những cành trơ không một cái lá, lòng thấy phơi phới, sẵn trớn tôi bước luôn đến ba chậu màu hồng và màu đỏ bên cạnh xem mấy chậu này đã có tí mầm hy vọng nào chưa, rồi đi thẳng đến dãy hoa trà mi. Tôi sững sờ ngửa cổ lên nhìn những cái nụ xanh  o bằng đầu ngón tay cái,  từ những cái nụ này đã nhú ra vài nét chấm phá màu đỏ hay màu hồng, tôi biết vài tuần nữa thì mấy cây trà mi này sẽ thi nhau nở hoa tưng bừng. Trước khi ngồi xuống thưởng thức món xôi nếp với cá kho, tôi còn lướt qua rặng mẫu đơn, cả sáu cây không còn chiếc lá nào, nhưng những đọt lá non màu nâu nhạt đã bắt đâù xuất hiện ở đầu cành, loại mẫu đơn này người Mỹ gọi là tree peonies, nó không chết theo mùa Đông như loại mẫu đơn củ,  mẫu đơn củ lá và  cành chết rụi khi trời lạnh, củ thì nằm nghỉ dưới đất, chờ mùa Xuân đất ấm thì mạnh mẽ vươn lên. Loại tree peonies này có cành mạnh mẽ đứng thẳng, cao từ một mét đến hai mét, mùa Đông lá rụng hết nhưng cành vẫn trơ trơ, chờ đất trời ấm áp thì lá hoa sẽ xuất hiện ở ngọn, hoa của loại này đẹp một cách nhu mì nhưng quý phái chứ không lồ lộ phô trương sự rực rỡ như hoa của những cây mẫu đơn củ.

Thấm mệt và bụng cũng đã cồn cào, tôi ngồi xuống, rót một chén trà nóng, uống một ngụm rồi với tay lấy điã xôi với những hạt nếp nở tròn mềm mại  óng ả, khều một chút cá kho lẫn tóp mỡ vào đĩa xôi. Chén cá kho trông thật gợi cảm với những con cá bụng căng ăm ắp những trứng là trứng, cá có mầu mã não vì thấm đủ nước màu, muối, mắm, đường và mỡ từ thịt ba chỉ, giờ phút này có ai đổi đĩa xôi này với một tô phở, tô mì Quảng, tô bún bò hay một đĩa cơm tấm bì thì tôi nhất định sẽ không đổi.  

Mỗi lần ăn món xôi trắng với cá kho khô là tôi lại nhớ đến chị Khuê, sau 1975 chồng chị đi tù, chị ở nhà xoay sở nuôi ba đứa con bằng cách bán món xôi trắng với cá cơm kho khô tuyệt ngon ở chợ Đầm Nha Trang, tôi ăn xôi của chị ròng rã ba năm từ sau 1975 đến lúc rời Nha Trang vào cuối năm 1978. Chị Khuê là bạn thân với chị Thảo tôi, hai chị cùng học chung với nhau và chơi thân từ Đệ Thất lên đến Đệ Nhị, chị là con gái Huế, xinh đẹp dịu dàng, học xong trung học là thành hôn với một anh sĩ quan Hải quân, anh chị có ba đứa con trai, anh thăng chức mau, làm lớn lắm, đến năm 1975 không hiểu xui xẻo làm sao mà không thoát nổi, đành đi vào tù, bất lực để lại vợ đẹp con ngoan bơ vơ nheo nhóc khổ sở.

Một buổi sáng khoảng giữa tháng Bảy năm 1975, đang đi tà tà ở chợ Đầm, tôi chợt thấy chị, đang bưng một cái thúng nhỏ, thời gian đó khi thấy chị lết bết lam lũ như vậy tôi chẳng ngạc nhiên, vì ai ở lại Việt Nam chẳng lết bết lam lũ, có ai dám quần là áo lượt nữa đâu? Tôi hỏi chị bán gì vậy, chị đặt thúng dưới bậc thềm, mở miếng lá chuối lên, đó là nửa thúng xôi nếp và một niêu cá cơm kho khô, trên mặt cá là một lớp tóp mỡ bóng láng và vài quả ớt đỏ au, nhìn xôi và cá của chị ai mà đã no bụng rồi cũng vẫn muốn ăn. Tôi mua một gói, ăn vài miếng rồi khen ngon quá thì chị nói là O Nụ làm mới khéo như vậy, chị chỉ biết mang đi bán, vì O Nụ nói ráng đi bán để nhà nước lúc đó họ thấy mình có làm việc thì họ mới không bắt gia đình đi kinh tế mới, hơn nữa O Nụ lớn tuổi chân đau không thể bưng thúng xôi đi lang thang cả nửa ngày được. Trước đây tôi đã gặp O Nụ, O nấu ăn ngon lắm, bánh cốm và bánh xu xê của O làm thì ai may mắn được ăn một lần sẽ phải nhớ và thèm suốt đời, O là người vú nuôi chị Khuê từ lúc nhỏ, lớn lên chị đi lấy chồng, đẻ con O vẫn đi theo chị và gia đình, giúp chị đến giờ này. Tôi hỏi chị sao không nghe chị rao lên cho người ta biết món gì mà mua thì chị nói chị đã cố thử rao vài lần, ở nhà O Nụ cũng có tập  cho chị rao nữa nhưng mỗi lần muốn cất tiếng rao thì cổ chị bị nghẹn lại và nước mắt trào ra, chị chỉ muốn oà lên khóc, không cách nào làm được nên chị phải chịu khó bưng thúng xôi đi chào mời những bạn hàng trong chợ, mấy ngày đầu thì ế, nay thì đã có nhiều khách quen. Nghe chị nói muốn rao xôi mà cất tiếng không ra vì tủi thân, nước mắt tôi cũng ràn rụa từ lúc nào, tôi vội nắm chặt tay chị, nói : “Chị em mình phải cố lên mà sống chị ơi, có ai mà không khốn đốn bây giờ, đâu riêng gì mình”. Chị ngậm ngùi mím môi gật đầu.

Tôi tuy lúc đó thấy cuộc đời mình là quá khổ sở rồi, nhưng so ra thì còn may hơn chị Khuê và nhiều người khác, vì nhà cầm quyền ngoài Bắc vào không thể cáng đáng nổi những bệnh viện, những cơ xưởng tân tiến của miền Nam nếu không có bác sĩ y tá, kỹ sư và các chuyên viên kỹ thuật, nên dù không muốn họ vẫn phải từ từ cho những người này đang ở trong tù lần lượt trở về làm việc, nhà tôi cũng được cho về sau mấy tháng trong tù và sau khi đã viết mấy trăm tờ kiểm điểm để họ biết là “ không có tội với nhân dân”, nhưng căn nhà chúng tôi đang ở phải chia ra làm hai, nửa kia cho một gia đình cán bộ nhà nước ở, chị vợ là đảng viên, không nói ra nhưng ai cũng sự sắp xếp này là để họ theo dõi chúng tôi.

Từ đó thỉnh thoảng lúc đang ăn cơm chiều thì chị hàng xóm qua thăm bất ngờ, khi thì mượn cái nạo dừa,  khi thì mượn chai dầu Nhị Thiên Đường, khi thì rủ tôi tối đi họp tổ phụ nữ, vài lần đầu không đề phòng nhưng sau đó tôi đã biết tại sao chị hay ghé chơi lúc chúng tôi đang ăn cơm, là để xem bữa cơm của chúng tôi có dấu hiệu gì của những người còn dấu được của sau mấy lần đổi tiền của Nhà Nước không, như là còn có đĩa thịt heo quay, đĩa giò chả…, tôi đã biết nên khi nghe tiếng gõ cửa là tôi dấu ngày đĩa thịt vào ngăn tủ,  phủ vội cái áo trên đĩa, lúc đó trên bàn chỉ có đĩa ca´kho và đĩa rau muống lụộc, chén nước mắm, chị ta về rồi thì tôi kéo đĩa thịt ra, nhà tôi thở dài và vợ chồng chua xót nhìn nhau.

Tôi biết đang bị họ canh chừng, đi chợ tôi rất cẩn thận, khi nào mua thịt quay giò chả tôi cũng dấu dưới đáy giỏ, rồi đến cá, trên cùng là bó rau muống, bầu, mướp. Buổi chiều khi nào muốn dắt con ra ngoài ăn tiệm, trước khi khỏi cửa khi nào tôi cũng phải dặn con là nếu ai hỏi đi đâu đó thì con nói không biết. Thời đó khi nào trong nhà tôi cũng có sẵn một cái ba lô, trong đó có hai bộ quần áo cũ, mấy cái kim có xỏ chỉ sẵn và một ít bánh lạt, và ít thuốc nhức đầu đau bụng, dầu gió phòng khi giữa đêm công an đến xét nhà dắt nhà tôi đi, chung quanh tôi lúc đó việc công an khám nhà và bắt người đi bất cứ lúc nào là xảy hàng ngày, vì thế có mấy chục lượng vàng lúc nào tôi cũng mang theo trong người bằng cách may trong áo lót và quần lót, quần áo lúc đó tôi phải chọn những bộ rộng rãi. Lúc nào ngày cũng như đêm chúng tôi sống trong sự đề phòng, hồi hộp, lo sợ, đó thật sự là một cuộc sống căng thẳng và không có ngày mai.

Lúc đó tôi có quá nhiều thì giờ, vì có những việc lúc trước bận rộn làm suốt ngày như đi tắm biển, đi phố mua quần áo đi tiệm sách, đi ăn tiệm với bạn bè …  giờ này bãi biển vắng người, ai mà còn lòng dạ nào mà đi bơi, đi nhảy sóng, mà cũng không dám mặc quần áo tắm nhởn nhơ nữa vì có thể bị kết tội đồi truỵ, những cửa hàng buôn ngoài phố thì đều đóng cửa, thành phố Nha Trang tả tơi, vắng vẻ và xa lạ, xa lạ vì nhìn qua nhìn lại thì người quen đâu mất hết, bù lại là những người từ ngoài Bắc, quần áo na ná giống nhau, màu sắc thì ảm đạm buồn bã, đàn bà thì phần đông có tóc dài, cặp lại gọn gàng ở đằng sau, mặt mũi lợt lạt không son phấn, nhìn là thấy ngay sự thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu. Trông cảnh này tôi lại nhớ ngay một cảnh trong một phim chiếu về thành phố Trùng Khánh sau khi quân đội của Tưởng Giới Thạch rút đi, nhường thành phố này cho lính của Mao Trạch Đông.

Nha Trang trước kia có trên 10 tiệm sách, tôi ngoài cái thú đi chợ, đi ăn quà, đi tắm biển… còn có cái thú xem sách, buổi chiều tôi hay ra tiệm sách la cà trong đó cả nửa tiếng đồng hồ, rồi mua sách và tạp chí về đọc, sách xuất bản thời đó rất dồi dào, hình như tuần nào cũng có sách mới ra.. Sau đợt chính phủ mới tịch thu thì sách báo thời cũ biến mất hết. Tôi  có nhiều sách, cũng đã định gọi xích lô mang sách ra phường nộp, nhưng tôi thương sách và tiếc sách, tôi làm liều dấu đi những quyển mà tôi nghĩ là nhà nước có phát giác thì cũng nhẹ tội, đó là những bộ truyện Tàu như Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Kim  Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, và ít sách dịch như Chiến Tranh Và Hoà Bình, Câu Chuyện Của Giòng Sông, Đôi Bạn Chân TÌnh, Ngàn Cánh Hạc, Người Đàn Bà Trong Cồn Cát… tổng cộng hơn 30 quyển, mớ sách này tôi dấu trong một cái hòm nhỏ, để ở  góc cuối  nhà kho, trên cùng tôi để những thứ quần áo bấy giờ không mặc được nữa như áo dài, áo đầm, áo tắm, phía trên lại cố ý để lỉnh kỉnh đủ mọi thứ. Vụ dấu sách này chỉ có một mình tôi biết, tôi không dám nói với ai, kể cả nhà tôi, sợ nhà tôi đã căng thẳng sợ hãi quá rồi, biết tôi làm như vậy thì nhà tôi chỉ có nước đau tim ngã lăn cảđùng ra, không thì cũng có ngày phát điên lên.

Thành ra những năm 1975, 1976, 1977 là những năm tôi sống trong một tâm trạng sợ hãi, chán nản, và vô vọng và rảnh rỗi, vì xin đi làm mấy lần không được, lý do bị từ chối:Vợ Ngụy, họ nói rõ ràng như vậy, không cần lịch sự dấu diếm gì cà. 

Mỗi ngày sau khi chồng tôi còm cõi đạp xe đi làm cách nhà mấy chục cây số, đưa con gái đến trường mẫu giáo xong, con vợ Ngụy là tôi đạp xe trên những con đường giờ đã vắng hoe ở Nha Trang, mong gặp người quen nào còn sót lại, rồi về ghé chợ mua bó rau mớ cá về lo cơm nước. Căn nhà sau khi đã chia cho cặp vợ chồng cán bộ cả ngày, tôi không phải đụng chạm với ai cho đến chiều vì cả hai anh chị này đi làm, hai đứa con trai thì đi học, lúc tôi lên cơn nghiện sách thì vào nhà kho đốt nến lên, đứng ngay cạnh cái hòm sách, đọc ngấu nghiến khoảng chục trang, mắt thì đọc, nhưng tai lắng nghe xem có ai về bất thình lình không, đó là thú vui quá mạo hiểm của tôi. Sau này có vài rạp xi nê mở cửa chiếu những phim của Nga, Lổ Ma Ni, Ba Lan, vừa tò mò và vừa ham chơi tôi bắt đầu lân la đi xem phim vào buổi sáng, rạp lúc nào cũng chỉ loe hoe vài người, dù giá vé vào cửa rẻ như cho, tôi xem được nhiều phim rất hay như phim Con Hủi tiếng Ba Lan là Tredowata, phim này tôi xem mấy lần, và cũng khóc hết mấy lần. Rồi phim Chiến Tranh và Hòa Bình của Nga, theo tôi thi các tài tử đóng hay, có hồn hơn Chiến Tranh và Hoà BÌnh của Mỹ với Audrey Hepburn, Henry Fonda và Mel Ferrer, nhưng có một điều rất dở là thay vì miền Nam phim ngoại quốc có phụ đề Việt Ngữ, phim ngoại quốc của miền Bắc họ quá chậm tiến, cho một người đọc, gọi là  thuyết minh nên trong phim Chiến Tranh và Hoà Bình của Nga nàng Natasha, hai chàng Pierre và Andre cùng chỉ nói một giọng đàn bà vì người thuyết minh là đàn bà,  mới đầu tôi rất khó chịu về vụ này, nhưng rồi  tôi nghĩ, “ Có còn hơn không” . Có một phim Lỗ Ma Ni tôi không nhớ tên, tôi đi xem mấy lần vì trong phim có chơi bản Yesterday của The Beatles, vì sau một năm lỗ tai bị hành hạ, bị nghe nhạc ngoài Bắc từ cái loa ở cái cột điện trước cửa nhà , nay vớ được phim này tôi đi xem tới xem lui, chỉ để tìm lại chút dư âm ngày cũ.  Giờ 50 năm rồi tôi vẫn còn nhớ những phim Cộng Sản rất hay đó, cộng thêm những phim đã không ra hồn  mà lại có những cái tên được dịch một cách ngớ ngẩn đáng sợ như: Không Có Gì Mà Làm Ầm Ĩ Lên,  Bảy Người Từ Trên Trời Rơi Xuống, Người Phụ Nữ Ngọt Ngào… Đến giữa năm 1977, Mỹ và Việt Nam chưa cho liên lạc nhưng gia đình tôi tôi đã tìm cách gửi tiền và những gói quà qua bên Pháp cho một người quen, rồi từ đó họ lại gửi về Việt Nam, nên tiền bạc chúng tôi không thiếu nhưng tiêu tiền thì phải giấu diếm, lúc nào cũng phải ra vẻ nghèo nàn, sắp chết đói đến nơi.

Một buổi trưa vào giữa năm 1978, vợ chồng tôi nhận được một tờ điện tín, nội dung như sau: Ba hấp hối, anh chị và cháu về gấp. Chiều đó chồng tôi đến nhà ông Sếp xin phép và sáng hôm sau vợ chồng tôi mang cháu bé về Sài Gòn. Đến nơi thì vừa chập choạng tối, vào nhà ông nội cháu đã ngồi chờ sẵn, đưa chúng tôi một tờ hộ khẩu trong đó là một gia đình người vợ, chồng và một đứa con gái nhưng tên trong tờ hộ khẩu không phải tên chúng tôi mà là tên của một gia đình người Tàu, rồi cụ đưa một mớ vàng, và nói là  nửa tiếng nữa sẽ có người đến đón, chúng tôi sẽ đi theo họ xuống Bạc Liêu để đi bán chính thức, thời đó Nhà Nước cho người Tàu ào ạt  được rời  khỏi Việt Nam, nếu ai có vàng thì có cơ hội thoát khỏi..

Chúng tôi chỉ kịp rửa mặt mũi qua loa và ăn tí cơm thì có người ghé nhà đón đi, người này đưa chúng tôi  đến khu vực ngoai ô Chợ Lớn, nằm  trên đường xuống miền Tây, ông ta  giao chúng tôi cho một người tài xế lái xe vận tải chuyên môn chở heo từ tỉnh về Sài Gòn. Người tài xế này nhét vợ chồng tôi và cháu gái trên nóc thùng xe chiều cao chỉ đủ một người lớn ngồi lom khom, dặn chúng tôi là trên đường đi xe sẽ phải đi qua mấy trạm kiểm soát, họ sẽ báo cho biết và nhớ lúc đó đừng làm ồn, ráng giữ im lặng, xuống đến Bạc Liêu là an toàn. Ngồi trên cái chiếu ẩm mốc trên nóc xe chở heo, mùi phân heo bốc lên làm chúng tôi nhức đầu đến buồn nôn vì dưới sàn vẫn còn hai ba  con heo, chắc là giao không hết và vài thùng cần xế chứa những gì tôi không biết, vợ chồng con cái chúng tôi nắm chặt tay nhau, tôi không biết nhà tôi nghĩ gì lúc đó nhưng riêng tôi thì thấy quá lo lắng, không biết số phận gia đình mình sẽ đi về đâu. 

 Chúng tôi xuống đến Bạc Liêu bình an vô sự, tưởng là sẽ được đưa ra tàu và ra khơi ngay. Nhưng đời đâu có dễ dàng như vậy, người dẫn đường đưa chúng tôi đến gặp chủ tàu và ông này báo một tin sét đánh là tất cả những chuyến đi bán chính thức đã phải ngừng lại hết, không biết đến bao giờ mới bắt đầu cho tiếp tục, có thể là một tuần, một tháng, hay vài tháng nữa. Chúng tôi bủn rủn tay chân muốn ngất xỉu tại chỗ, vì không còn đường về lại Nha Trang, họ nói là sẽ thu xếp cho chúng tôi ở trọ đâu đó trong chợ Bạc Liêu và họ sẽ liên lạc với chúng tôi mỗi ngày, và hứa hẹn là khi nào có chuyến chúng tôi sẽ là người đầu tiên trong danh sách khi ông ta nhìn thấy mặt mũi nhà tôi tái nhợt không còn một chút máu.

Tối đó chúng tôi được dẫn đến một căn nhà cạnh bờ sông. Căn nhà xây kiểu một nửa trên đất liền, một nửa là nhà sàn, bà chủ nhà là một bà cụ người Bạc Liêu trông phúc hậu, bà có một cô con gái ngoài 20 tuổi tên là Liên, chúng tôi theo cô Liên gọi Bà là Bà Vú. Mẹ con Bà Vú thật thà chất phác và rất ân cần, kiểu nói chuyện tỏ ra tội nghiệp cho hoàn cảnh của chúng tôi. Họ cho chúng tôi ở trong một căn phòng nhỏ hình dạng như một cái chái bếp không có đồ đạc gì ngoài một tấm chiếu cói, mấy cái gối và một cái chăn mỏng, nhìn qua những cái khe hở của sàn gỗ thì thấy nước lập lờ như muốn tràn lên sàn.  Bà Vú nói chúng tôi chịu khó ở cực vậy đi và  không phải trả tiền bạc gì cả, ở đến khi nào có chuyến tàu thì đi thôi. Sáng hôm sau tôi nhà tôi theo con trai ông chủ tàu ra xem chiếc tàu sẽ đưa chúng tôi đi, còn tôi thì dắt con đi mua vài thứ  trong chợ, vì sáng sớm cô Liên đã mang vào trong phòng cái bếp nấu than, và mấy cái nồi niêu xoong chảo để cho tôi mượn.

Ở được một tuần, rồi một tháng, rồi mấy tháng vẫn không có tin tức gì, nhà tôi trở thành bạn của anh con trai ông chủ tàu, ngày nào cũng theo anh ta ra bến, lên tàu tán gẫu nói chuyện đời cho qua ngày đoạn tháng. Tôi thì chỉ biết dắt con đi vòng vòng chơi trong chợ. Một hôm tôi đến một hàng tạp hoá, họ bán nhiều khung thêu và chỉ thêu rất đẹp, tôi muốn tìm chút tiêu khiển, mua khung thêu và chỉ về thêu áo cho con gái. Áo thêu xong con bé mặc ra khoe cô Liên, cô này xuýt xoa khen đẹp. Tôi hỏi cô Liên có muốn tôi thêu áo cho cô không, cô chịu, đưa áo để tôi thêu  ngay,  thế là tôi ngồi cặm cụi rút chỉ, vẽ hình lên hai bên ngực áo của chiếc áo may kiểu cổ Tàu, màu xanh đậm. Tôi thêu rất chăm chỉ, chỉ  hơn hai ngày là xong chiếc áo, cô Liên mặc lên có vẻ thích thú lắm, cô hỏi tôi có thêu cho cô thêm một cái nữa không, tôi nói mấy cái nữa cũng được.. Sau khi cô Liên mặc đến cái áo màu rượu chát tôi thêu xong cô mặc nó đi bán, đến chiều về cô nói có hai người quen  muốn đặt tôi thêu áo cho họ, mừng quá tôi không do dự  bằng lòng ngay. Tôi tính trong đầu là nếu thêu xong một chiếc áo gia đình tôi đủ ăn hai ngày, tính từ ăn sáng có hủ tiếu, bún mắm, trưa chiều hai bữa cơm  có canh chua thịt kho và tối còn đủ tiền để vợ chồng con cái dắt nhau đi ăn chí mã phù, bánh cống…Các cụ mình ngày xưa có câu “trời sinh voi sinh cỏ” là đúng lắm, vì mấy hôm nay vợ chồng tôi đã lo lắng bàn tính với nhau phải tìm cách gì làm ra tiền chứ số tiền mang theo đã hết một nửa, còn vàng thì không khi nào dám đụng đến, vì không biết lúc nào họ cho đi, túng tiền mà mang vàng ra tiêu,  hết rồi thì không cách nào mua lại được.

Nhà cô Liên ở ngay chợ nên những cô chủ bà chủ của những sạp bán đã thấy áo thêu của cô Liên rồi thì cô nào bà nào cũng haò hứng muốn một cái, tôi thêu áo thuê cho hết cô này đến bà kia không ngừng tay, nhiều khi không có thì giờ nấu cơm. Đến dịp Tết thì áo đặt nhiều, buổi tối tôi ngồi thêu phải nhờ đến chồng con tôi phụ xỏ chỉ mới kịp, ví dụ như màu của chiếc lá tôi cần đến bốn màu tôi để chỉ sẵn ở đó, màu trắng là số Một, màu xanh lạt là số Hai, màu xanh đậm hơn là số Ba và màu đậm nhất là số Bốn, tôi sắp cần màu nào nhiều thì cứ xướng số của màu đó lên, nhờ vậy mà tôi thêu nhanh cấp kỳ, kịp giao tất cả những cái áo trước ngày Tết. 

Ở  Bạc Liêu phần đông dân số là người Triều Châu, dưới đó họ gọi nôm na là người Tiều, lúc đó mặc dù có nhiều chuyến tàu bán chính thức đã ra đi nhưng vẫn còn đầy rẫy những gia đình khá giả buôn bán lớn hồi xưa như những tiệm thuốc Tây, tiệm vàng, chủ tiệm buôn lớn còn kẹt lại, những nhà này có các cô tiểu thư trẻ trung xinh đẹp. Có một cô trong số các cô tiểu thư này là cô Nhi ngỏ ý muốn học thêu, cô nói nếu tôi bằng lòng cô sẽ tìm thêm khoảng năm đến mười cô nữa để học luôn. Thế là từ đó mỗi ngày hai giờ chiều tôi đi bộ từ nhà Bà Vú ở chợ đến căn biệt thự của nhà cô Nhi bắt đầu lớp thêu. Lớp học bắt đầu chỉ có sáu cô, rồi tăng dần lên mỗi ngày tôi được đến hơn mười cô học trò, các cô này mỗi chiều ngồi chăm chỉ say mê thêu thùa. Ngoài tiền học phí ra, thỉnh thoảng tôi cũng được các cô mang cho những món bánh trái ngon và lạ của xứ Bạc Liêu, bánh thì có món khoai môn ngào đường, bánh in nhân đậu xanh hoặc nhân khoai môn to bằng cái đĩa bàn, mùa nhãn tôi được các cô cho nhãn hạt tiêu lạ và ngon tuyệt, quả nhãn nhỏ hơn ngón tay út, và hột nhãn thì chỉ nhỏ bằng cái hạt tiêu. Học trò tôi có cô thì rất khéo tay và thông minh, dạy một thì biết đến hai, ba.. Có cô thì rất vụng về, nhìn cô cầm kim thì biết ngay, cái tay lóng ngóng, đâm một mũi kim phải mất mấy lần, cô nào cũng kiên nhẫn  theo tôi đến hơn một năm, cho đến khi tôi bỏ lớp thêu đi vượt biên. Chúng tôi không chờ những chuyến đi bán chính thức được nữa mà phải đánh liều tìm cách trốn đi bằng những cái tàu nhỏ chỉ chứa được mấy chục người. Đi kiểu này thì chúng tôi chỉ phải trả số vàng bằng 1/3 số vàng đi bán chính thức nhưng vô vàn nguy hiểm, cái sự chui vào tù hay cái chết như đang chờ sẵn.

Chuyến này Bà Vú gửi gấm cô Liên đi theo chúng tôi. Vì đã nghe những vụ hải tặc Thái Lan cướp của, hãm hiếp đàn bà và trẻ em nên mấy ngày trước khi đi chúng tôi đưa con gái 7 tuổi ra tiệm hớt tóc, nhờ cạo đầu cháu, nói là cho mát, nhưng ý của chúng tôi là muốn cho cháu thấy giống một đứa con trai. Ngày đi đã đến, trưa hôm ấy có người đến đưa chúng tôi lên xuồng máy đi ra Vườn Nhãn ngoài biển Bạc Liêu, làm như là du ngoạn. Đến nơi họ dấu chúng tôi trong một căn phòng tối của một căn nhà cũ, cô Liên thì ở một nhóm khác, gia đình chúng tôi nằm ngồi trên một cái giường có giăng mùng kín mít giữa ban ngày, tôi thấy những con rệp bò lổn ngổn trên mùng, tôi rùng mình ớn lạnh nhưng chịu chết không dám hó hé, đến chiều họ mang cơm vào có món cá kèo nấu với rau muống, nhà tôi và con gái tôi vì đói quá nên ăn vài miếng, tôi thì không thể nào nuốt nổi ..

Trời vừa tối người dẫn đường đến ra hiệu cho chúng tôi theo họ, cứ nhắm mắt đi theo người này trong đêm đen như một hũ mực, đến một khu rừng đước sát biển, họ nói ngồi chờ ở đây khi có lệnh sẽ lội ra tàu. Chờ khoảng hai tiếng thì ông ta đến và bảo chủ tàu nói là họ phải chia đàn bà và trẻ em vào một nhóm, đàn ông sẽ vào một nhóm khác, như vậy có nghĩa là nhà tôi không được ngồi chờ chung một chỗ với hai mẹ con tôi. Tôi thì mấy ngày hôm nay đã quá căng thẳng, đến giờ phút này mà nhà tôi phải đi chỗ khác thì  tôi nghĩ cảnh này thì thà chết còn hơn, lúc này không biết ơn trên phù hộ hay sao mà tôi nghĩ ra một cách, tôi năn nỉ họ làm ơn để cho chúng tôi ngồi chung với nhau, rồi không hỏi nhà tôi, tôi rút ngay ra một lượng vàng đưa cho  người dẫn đường, ông ta cầm lấy ngay không do dự và đồng ý không chia chúng tôi ra, thoát nạn, vợ chồng con cái chúng tôi chỉ biết ôm chặt lấy nhau, cùng chung một ý nghĩ là chuyến đi này sẽ còn gặp nhiều trắc trở.

Vài tiếng đồng hồ sau thì người dẫn đường lại đến, ra hiệu cho chúng tôi  đi theo, chúng tôi líu díu dắt nhau, theo chân  người đó bước xuống biển, nhà tôi thì ẵm con gái,  lội khoảng 10 phút thì đến chỗ nước sâu, chúng tôi  bắt đầu cảm thấy đuối sức,  thấy nhà tôi không thể vừa ẵm con gái vừa bơi được, tôi cởi cái đồng hồ Seiko đưa cho người dẫn đường, cái đồng hồ kỷ niệm nhà tôi mua cho tôi hồi đi tu nghiệp bên Nhật, tôi ráng giữ đến giờ này. Ông ta đỡ lấy con gái tôi, rồi bỏ cháu trên vai, nhờ vậy chúng tôi ráng lết ra được đến thuyền. Leo lên được trên thuyền, đỡ lấy cháu từ tay người đàn ông, vào được dưới khoang  là tôi lịm luôn cho đến sáng hôm sau. Nếu không có tiếng một người đàn bà hết đi dọc trên sàn thuyền lại ghé đầu xuống hầm, vừa khóc vừa lập đi lập lại câu này : Anh với con đâu rồi, chồng con tôi đâu? Tôi nhìn lên thì thấy một chị khoảng tuổi tôi, bụng chị mang bầu đã khá to, chị vừa khóc vừa đi suốt con tàu tìm chồng con, lúc đó tôi nghe nhiều người trên thuyền nói chuyện là mình  đã thoát ra được ngoài hải phận của Việt Nam nhưng đêm qua có nhiều người bị kẹt lại. Tôi lạnh người xin mọi người cho tôi lên trên thuyền một chút, thuyền nhỏ nên vừa ra khỏi hầm là thấy nhà tôi đang nằm ở một góc, tôi lay nhà tôi dậy, nhà tôi ôm chầm lấy hai mẹ con tôi, rồi chỉ vào cái túi áo đang mặc, áo này có hai cái túi ở hai bên ngực, có dây kéo cho tôi biết là số vàng dấu trong hai cái túi này đêm qua trên thuyền ai đã trộm mất hết, tôi nói với nhà tôi mình còn đầy đủ thế này là may lắm rồi, có một chị kia lạc hết cả chồng con ở lại. 

Chúng tôi biết là thuyền đang ở vùng vịnh Thái Lan, nơi này là chỗ hoành hành của hải tặc, tôi không ngừng niệm Phật, đến trưa thì máy tàu bị hỏng, nhà tôi nói thuyền nhỏ xíu như thế này mà chở hơn 70 người thì máy nào mà chịu nổi. Chủ thuyền và người lái thuyền  đang lúi húi cố gắng sửa thì có một chiếc tàu đánh cá của Thái Lan dừng lại, hỏi muốn giúp gì không, một lúc thì có mấy người ở tàu đánh cá Thái Lan nhảy xuống phòng máy của  thuyền chúng tôi, họ cột dây kéo thuyền  chúng tôi đi và cố gắng sửa thuyền. Họ lại cho cơm trắng và cá tươi chiên thật ngon, cho ăn xong họ dồn đàn bà và trẻ con vào một chỗ và hỏi chúng tôi có vàng và đô la không, đưa ra hết, ai cũng sợ có gì thì lấy ra đưa, vàng thì tôi mất hết rồi nhưng tôi còn 3 tờ 100 đô la Mỹ luồn trong gấu áo tôi lấy ra hết đưa họ.

Vơ vét xong một trận, họ vừa kéo thuyền chúng tôi đi, vừa sửa thuyền cho chúng tôi. Đêm đến, lúc chúng tôi đang ngủ gà ngủ gật trong cơn lo sợ thì nghe những tiếng la hét ồn ào, nhìn ra thì thấy cặp theo vào thuyền của chúng tôi và chiếc tàu đánh cá buổi sáng  là  một chiếc tàu đánh cá thật to, đèn đuốc sáng choang, tiếng chân chạy đi chạy lại rầm rập và tiếng người quát tháo bằng tiếng Thái ầm ĩ,  những người này trông đen đúa man rợ, tên nào cũng chỉ mặc một cái khố, trên người và trên mặt họ bôi những lớp kem chống nắng màu trắng loang lổ, phần đông dắt ở khố cái dao găm hay cái rìu nhỏ, tôi nghe mọi người truyền miếng với nhau là lần này mình gặp hải tặc rồi, cái tàu đánh cá đang sửa máy tàu cho mình tuy có lấy vàng bạc đô la của mình nhưng vẫn cho mình ăn và sửa thuyền cho, và nhất là không động gì đến đám đàn bà.

Đám người kinh khủng  này nhảy qua thuyền  chúng tôi lùa hết mọi người lên khoang thuyền, rồi họ bắt đầu lục lọi, họ giật áo lót của đàn bà, lục tìm những đồ quý họ nghĩ là dấu trong đó, họ xục xạo thân thể chúng tôi từ đầu đến chân, không bỏ sót một ngõ ngách nào, những chỗ những nơi mà họ nghĩ là kim cương vàng bạc được dấu ở đó, tiếng quát tháo của họ xen lẫn những tiếng thét kinh hoàng của đám nạn nhân chúng tôi, đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được.  Sau khi lục tìm đồ quý, chúng bắt 6 cô trẻ đẹp quá tàu chúng, trong đó có cô Liên, cô khóc lóc thảm thiết, tay chỉ nhà tôi, ra hiệu cho bọn hải tặc biết đó là chồng của cô, may sao chúng cũng nghe lời,  buông cô ra. Và sau đó tôi nghĩ như là có một phép lạ, họ thả hết những cô gái họ mới bắt lên tàu, sau này chúng tôi được biết là ông chủ tàu gặp chúng tôi đầu tiên là người Thái lai người Tàu, có chút lòng nhân đạo nên  ông ta đã điều đình phải trái gì với bọn hải tặc, cứu được mấy cô con gái đã bị bắt qua tàu của họ.

Qua một đêm kinh hoàng, mọi người trên thuyền ai cũng xác xơ, nét sợ hãi và tuyệt vọng hiện  rõ ràng trên mặt tất cả mọi người. Thuyền đã được sửa xong , tàu đánh cá chỉ đường cho chúng tôii đi theo một hướng mà theo họ thì gần những giàn khoan dầu ngoài biển nên vì vậy hải tặc cũng không có nhiều, chúng tôi có cơ hội được gặp tầu của các nước cứu có thể lết đến bờ biển Thái Lan hay bở biển Mã Lai. Thuyền đi thêm hai ngày trong yên tĩnh, nhưưg bây giờ mọi người trên thuyền phải đối phó với vấn đề thiếu thức ăn và nước uống, tôi không biết những người khác sao còn chúng tôi thì nước uống chỉ chuẩn bị cho ba ngày nay đã cạn, nhìn chung quanh tôi thấy nét tuyệt vọng đã hiện ra trên mặt mọi người. Con gái tôi thì đã mệt lả vì đói, tôi ôm con vỗ về, cố nói chuyện để cháu không bị hôn mê,  tôi cố gắng vỗ về con thì thầm là  mình qua được Mỹ bà Ngoại sẽ làm cơm tấm sườn có mỡ hành, thịt cốt lết, bì, trứng một đĩa thật to cho con ăn. Con bé tỉnh người ra được một tí rồi lại lịm đi, tôi năn nỉ xin được người chủ tàu một chút nước từ dưới đáy của cái thùng phuy sét rỉ, nước đã chuyển qua màu nâu lạt, tôi cho cháu nhấp từng chút để cầm hơi, còn lại vài muỗng thì để dành vì biết là lần sau sẽ không còn một giọt nước nào nữa để mà xin cho con uống.

Trong lúc tưởng chừng như đã cận kề sự chết, thì tờ mờ tối hôm đó,  khi con thuyền đang lênh đênh trên biển cả mênh mông thì chợt một tiếng hét vui mừng của một cậu thanh niên là có tàu rất lớn đang tiến đến phía thuyền của mình. Mọi người đang ở trong tình trạng kiệt sức vội nhổm dậy nhìn theo hướng tay chỉ của cậu ta, và nhìn thấy con tàu to lớn sừng sững  đang đi về hướng mình, vài người đàn ông còn có sức vẫy những mảnh áo rách và hét to SOS liên hồi. Tàu lớn ngừng gần thuyền chúng tôi và họ bắc loa từ trên tàu nói chuyện với chúng tôi, người chủ thuyền nhờ nhà tôi ra nói chuyện, họ hỏi chúng tôi đi từ đâu trên tàu có bao nhiêu người, có ai chết không..Sau những câu hỏi như thế, họ cho biết là sẽ mang chúng tôi vào tỉnh Songkla của Thái Lan, ở đó chúng tôi sẽ được giúp đỡ, khỏi cần nói, tất cả mọi người trên thuyền ai cũng như được hồi sinh, hò reo ầm ĩ. Sau đó họ bắc thang giây thật dài và thận trọng cho hai người thuỷ thủ xuống thuyền mang trẻ con lên trước, rồi đến phụ nữ, và sau cùng là đàn ông. Vừa lên đến tàu lớn là chúng tôi được họ phun nước rửa ráy  từ đầu đến chân trước khi bước hẳn vào khoang tàu của họ. Có người trên tàu đến hỏi nhà tôi là trên tàu có trộm cắp gì không, tôi thấy nhà tôi lắc đầu, lúc đó tôi nghĩ là nhà tôi vui mừng đã thoát cảnh hiểm nghèo nên không muốn thêm rắc rối.

Họ cho chúng tôi uống sữa nóng, ăn bánh lạt và cho một góc để ngủ, nói là dưỡng sức đi, đáng mai là tàu sẽ đến đất liền, chúng tôi sẽ được đưa vào một trại tị nạn, họ chúc mừng chúng tôi đã hoàn tất một chuyến hải hành đầy cam go. Đêm đó trong lúc mơ màng nửa ngủ nửa thức, nhà tôi thấy có một bàn tay dúi vào tay anh một lượng vàng, sau đó anh đưa cho tôi, tôi hỏi ai đưa, anh nói không thấy rõ mặt, chỉ thấy một bàn tay dúi lượng vàng vào tay anh và anh cầm lấy, chúng tôi đoán là lượng vàng này từ người đã trộm hết số vàng của chúng tôi đêm đầu tiên trên thuyền nhỏ, đã đưa lại như cám ơn nhà tôi bỏ qua không khai ra vụ trộm đó.

Vợ chồng tôi, con gái Phạm Duy và cô thiện nguyện viên Susan Quash trong trại tỵ nạn Songkla Thái Lan

Sau vài tháng ở trại tỵ nạn SongKhla để làm thủ tục, gia đình tôi được đưa đến Trại Tị nạn Galang. Tháng Bảy năm 1980, chúng tôi đến Mỹ sum họp với  gia đình, chấm dứt  khoảng thời gian hơn  bốn năm nếm mùi Cộng Sản, trốn tránh dưới Bạc LIêu và một chuyến vượt biên kinh hoàng ngoài sự tưởng tượng của tôi. Những kỷ niệm buồn bã và khốn khổ của một thời lận đận đó đến giờ  cũng dần dần phai nhoà trong ký ức. Và tôi nghĩ ai cũng như ai, đến được bến bờ tự do rồi thì thảm họa sẽ phải chấm dứt, cho đến năm ngoái tôi đọc quyển sách có tên là : Aftershocks: The Tale of Two Victims xuất bản năm 1980, viết bởi nhà văn trẻ và phản chiến David Hayward Bain. Truyện viết về một ngày tháng Tư năm 1977 ở New York City,  cô bé người Việt Nam Lê Mỹ Hạnh 17 tuổi, con lớn nhất của một gia đình mới đến Mỹ được hai năm, bị một tên cựu chiến binh Mỹ trở về từ Việt Nam bắt cóc, hãm hiếp và giết chết, hắn ra tự thú ngay ngày hôm sau, ở tòa hắn khai là  khi trông thấy gia đình  người Việt Nam dọn nhà đến cùng của chung cư hắn đang ở, là hắn bị ảo tưởng nghĩ  họ là Việt Cộng, nên hắn phải bắt và giết cô bé này.  

Còn có nỗi đau thương nào sánh nổi với nỗi đau thương này không?  

Phạm Hảo

30/4/2025

Bài cùng chủ đề “Người Di Tản và Những Hồi Ức 1975-2025”:

*Dương Vân Nguyệt: Những năm tháng ở Saigon sau 1975

*Nguyễn Thao:  50 năm đã trôi qua, gia đình tôi là những người tỵ nạn may mắn hơn nhiều người khác*

*Thanh Hà CH: Những cuộc “thăm viếng không mời” lúc nửa đêm thay đổi số phận gia đình tôi*

*Thanh Hà CH: Đâu Rồi Saigon Của Tôi?