Cù Mai Công: Văn phòng kiến trúc sư Hoa – Thâng – Nhạc và thời hoàng kim kiến trúc hiện đại miền Nam*
LGT: Trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, Sài Gòn, miền Nam dưới chế độ VNCH không chỉ phát triển rực rỡ về báo chí, văn chương, âm nhạc, hội họa…mà kiến trúc cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào với những công trình kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang phong cách riêng phù hợp với khí hậu nhiệt đới và có nét Á đông. Nhà báo Cù Mai Công (từng làm việc ở báo Mực Tím, Khăng Quàng Đỏ, Tuổi Trẻ) và là tác giả của nhiều cuốn sách như “Sài Gòn By Night – Những hồi chuông cảnh báo từ màn đêm” tập 1, 2, 3; “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” tập 1, 2, “Sài Gòn một thuở “Dân Ông Tạ đó!” Tập 1, 2, 3…đã có loạt bài giới thiệu về một vài trong số những khuôn mặt kiến trúc sư tài hoa thời đó và các công trình của họ…
***
- “Kỳ quan” Caravelle từ văn phòng kiến trúc bậc nhất Sài Gòn trước 1975
“Kỳ quan” là từ mà hai tác giả Trần Nhật Vy – Nguyễn Văn Nhật dùng khi nói về khách sạn Caravelle (19 – 23 Công trường Lam Sơn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) cuối thập niên 1950, trên báo Tuổi Trẻ ngày 11-2-2016.
Đó không phải là một nhận định tùy hứng, không có cơ sở. Trước năm 1959, khu vực trung tâm Đô thành Sài Gòn vẫn là trung tâm kiến trúc thời thuộc Pháp với hàng trăm dinh thự, biệt thự, khách sạn, nhà cửa… lớn, đẹp cho tới tận hôm nay, với đủ kiểu dáng kiến trúc thời Pháp thuộc: Baroque, Art Nouveau, Art Deco, Beaux art, Gothic, Hy Lạp, Cổ điển, Tân cổ điển…
Caravelle: cánh buồm, một từ dễ đọc, dễ nhớ và gợi thanh âm ngọt ngào, có nguồn cảm hứng từ chiếc thuyền buồm hạng nhẹ, chạy nhanh của người Jamaica xưa mà người Pháp gọi là là caravelle. Con thuyền ấy giương buồm, khám phá và chinh phục đại dương, tìm kiếm cơ hội giao thương, thám hiểm chân trời mới; điều mà bây giờ chúng ra hay nói là “ra biển lớn”.
Đó cùng là tên một loại máy bay phản lực mới của Hãng hàng không Air France, một trong những pháp nhân hùn vốn xây dựng khách sạn: Công ty Catinat Foncier (Pháp), Hãng hàng không Air France, Phái bộ ngoại giao Úc, Giáo hội Công giáo Sài Gòn.
Đêm trước Giáng sinh 1959, một khối nhà “lạ”, cao sừng sững, đến lúc đó là cao nhất Sài Gòn mọc lên, không giống bất kỳ một kiến trúc nào xung quanh nó: Nhà hát lớn Thành phố bên cạnh nó, khách sạn Continental bốn tầng (cao nhất Sài Gòn lúc mới ra đời) đối diện nó…: khách sạn Caravelle cao mười tầng (tính cả tầng trệt, tầng thượng).
Khách sạn này “lạ” đến mức vài năm sau vẫn là tranh luận, như một cuộc hội thảo phong cảnh đô thị dành cho các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch tại Sở Quy hoạch và Phát triển đô thị Sài Gòn; tranh luận giữa kiến trúc cổ điển thời Pháp thuộc và kiến trúc hiện đại phá vỡ cảnh quan đô thị vùng trung tâm Sài Gòn.
Cuộc tranh luận này âm ỉ từ khi Caravelle đang xây dựng và bùng lên ba năm sau, khi tháng 7-1962, tờ Times of Vietnam thông tin: Tập đoàn khách sạn Hilton ký với nhóm chủ đầu tư khách sạn Caravelle về việc mở rộng khách sạn Caravelle lên 350 phòng và sẽ có hồ bơi trên sân thượng (thực tế không thành do tình hình chính trị lúc ấy không ổn).
Caravelle được xây dựng trên nền khuôn viên 775 m2 của một công trình kiến trúc khá nổi tiếng thời Pháp thuộc, rất hài hòa với các khối xây dựng xung quanh như Nhà hát lớn: tiệm Grand Cafe de la Terrasse ba tầng; chức năng khá giống khách sạn Continental đối diện nó với tầng trệt bán cà phê với bàn ghế rải ra vỉa hè như Continental, hai tầng trên là phòng ở và văn phòng cho thuê. Theo Niên giám Đông Dương 1909, Grand Café de la Terrace ở số 130 đường Catinat. Bên đường băng qua nhà hát lớn là khách sạn Continental số 132.
Khách sạn Caravelle xây dựng xong gồm cả hai chức năng đó: vừa là quán cà phê, vừa là khách sạn. Nhưng tiệm cà phê tầng trệt được đưa lên tầng thượng để tận dụng ưu thế cao nhất Sài Gòn lúc đó của nó: ngắm cảnh quan toàn bộ vùng trung tâm Sài Gòn và sông Sài Gòn phía xa xa. Thay cho quán cà phê, một phần tầng trệt được Hãng Air France dùng làm văn phòng giao dịch, bán vé máy bay của hãng.
Khách hàng của khu cà phê tầng thượng cũng khá đặc biệt: chủ yếu là các nhà báo trong và ngoài nước, trí thức, chính trị gia… Một số khách hàng này sau hình thành “Nhóm Caravelle” (gồm 18 người – “Nhóm nhân sĩ tự do tiến bộ”) có lúc ra hẳn Tuyên cáo Caravelle (ngày 26-4-1960) đòi Tổng thống Ngô Ðình Diệm cải tổ chính trị để mở rộng dân chủ; ít nhiều rung chuyển chính trường miền Nam. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963 bắt đầu từ những cuộc bàn luận ở khách sạn Caravelle.
Toàn bộ khối công trình Caravelle nhẹ nhõm hẳn so với các công trình thời Pháp thuộc. Nó mang nét kiến trúc hiện đại, táo bạo của Sài Gòn, miền Nam lúc đó. Nhưng lại rất Việt, như những ngôi nhà Việt xưa: thanh thoát, có khoảng đệm nhiệt độ trước các phòng, bớt nắng mà không cản gió…
Khách sạn Caravelle vừa ra đời đã ít nhiều lấn át vị thế của khách sạn Majestic Saigon xa hoa, lộng lẫy gần đó của siêu đại gia Hui Bon Hoa xây từ thời Pháp, nhìn ra sông Sài Gòn. Giá một đêm ở Caravelle 17 USD (giá vàng chính thức lúc này là 35 USD/ounce). Toà Ðại sứ Úc, New Zealand lấy trọn tầng 7 làm trụ sở, nơi ở ngoại giao đoàn. Sau đó, một số hãng tin lớn của Mỹ (CBS, ABC và New York Times, Washington Post…) cũng đặt văn phòng ở đây.
Khách sạn chính thức do kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa của Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc thiết kế. Thoạt đầu, trước đó, một kiến trúc sư Pháp cũng tham gia thiết kế khách sạn với kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, nhưng sau đó ông ta đã về nước.
Caravelle có điện thoại từng phòng; có hệ thống thang máy vận chuyển hàng hóa; có hệ thống máy lạnh với trung tâm điều hành đầu tiên của Sài Gòn (và máy phát điện dự phòng Berliet hiện đại bậc nhất lúc ấy. Trước đó, Sài Gòn đã có khách sạn gắn máy lạnh một số phòng, nhưng chưa có hệ thống trung tâm).
Dù vậy, thiết kế ban đầu của nó là cấu trúc vỏ kép để giảm nóng: tường phòng lùi sau lan can ban công; ngoài ban công là hệ thống lam gió treo trên các dầm sàn.
Người thiết kế Caravelle là kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, con một điền chủ trung lưu ở Trà Ôn, Vĩnh Long, nhưng ông sanh ngày 1-1-1916 ở Cần Thơ. Thuở nhỏ, ông học trường Pétrus Ký ở Sài Gòn trước khi vào học trường Mỹ Thuật Hà Nội dưới hướng dẫn của giáo sư Arthur Kruze. Ông Kruze là một vị thầy – linh hồn khoa Kiến trúc Trường Mỹ Thuật Đông Dương, sau là Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Vị giáo sư tài năng, tác giả nhiều công trình tiền hiện đại Art Deco ở Hà Nội, Sài Gòn (hiện vẫn còn) này luôn yêu cầu sinh viên mình phân tích từng phương án thiết kế và phản đối suy nghĩ, quan điểm của nhiều người Pháp lẫn Việt đương thời: không tin bản sắc truyền thống kiến trúc, nhà cửa… dân tộc Việt có thể áp dụng trong kiến trúc hiện đại.
Nguyễn Văn Hoa là một sinh viên giỏi, được giáo sư Kruze rất tin tưởng. Đến mức sau khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, hiệu trưởng Trường Mỹ Thuật Hà Nội Kruze khi chuyển trường vào Đà Lạt, đã đưa sinh viên Hoa làm một thành viên của Văn phòng kiến trúc sư Kruze – Nguyễn Văn Hoa ở ở số 10 đường Glaieuls (nay là đường Nguyễn Viết Xuân), Đà Lạt. Đây vốn là nhà ba vợ của ông Hoa. Gia đình ông Hoa thuê nhà ở số 3, đối diện văn phòng.
Tại đây, Văn phòng kiến trúc sư Kruze – Nguyễn Văn Hoa đã thiết kế một số công trình: nhà săn bắn ở Ban Mê Thuột, trang trí du thuyền Hương Giang… của Hoàng đế Bảo Đại, phi cảng Liên Khàng (Liên Khương), vài biệt thự…
Tuy nhiên, vùng đất này lúc ấy khá hoang sơ, ít dân, không nhiều nhà cửa… , rõ ràng khó thỏa chí hai thầy trò. Năm 1953, Văn phòng kiến trúc sư Kruze – Nguyễn Văn Hoa chuyển về Sài Gòn, ở số 4 Garcerie (nay là số 12 Phạm Ngọc Thạch: Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ – Mực Tím… thuộc báo Tuổi Trẻ). Đây là ngôi biệt thự kiểu cổ điển Pháp mà kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa mới mua.
Năm 1954, sau chiến tranh Việt Pháp và Hiệp định Geneve, nhiều người Pháp về nước. Kiến trúc sư Kruze cũng vĩnh biệt Việt Nam, hồi cố hương khi Nguyễn Văn Hoa đã là một kiến trúc sư vững vàng. Ông Hoa lập Văn phòng kiến trúc Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng. Sau đó nhận thêm một kiến trúc sư tốt nghiệp ở Pháp trở về năm 1958 là Nguyễn Quang Nhạc (trước 1975, kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc và Phạm Văn Thâng từng là khoa trưởng, tức hiệu trưởng, khoa Kiến trúc, Viện đại học Sài Gòn). Ông Thâng và ông Nhạc vốn học chung khoá (1943) ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội; sau lại học chung Trường Quốc gia Mỹ Thuật Paris (Pháp). Tốt nghiệp, ông Thâng về Việt Nam, ông Nhạc làm ở Pháp một thời gian. Có lúc, kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng nổi tiếng cũng là thành viên của văn phòng này.
Rất nhanh chóng, cho đến năm 1975, Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc đã trở thành văn phòng kiến trúc lớn nhất, nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt sau khi hoàn thành khách sạn Caravelle.
Theo nhận xét mới nhất (năm 2017) của Viện Kiến trúc, thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, “vào khoảng các năm 1950 và đầu các năm 1960, nhóm kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc nổi tiếng với hàng loạt công trình theo xu hướng hiện đại như khách sạn Caravelle, xưởng dệt Vinatexco, nhà máy giấy Cogido ở Biên Hòa, ngân hàng Việt Nam Thương Tín… Văn phòng kiến trúc uy tín bậc nhất Sài Gòn này được xem là mẫu mực về một công ty thiết kế kiến trúc có hệ thống tổ chức tốt đã đảm nhận xây dựng nhiều công trình quy mô lớn ở Sài Gòn và khắp miền Nam trước 1975”.



***
2. Những công trình của Hoa – Thâng – Nhạc thời hoàng kim kiến trúc hiện đại miền Nam
Thật ra trước khi “kỳ quan” khách sạn Caravelle có mặt (tháng 12-1959), kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa thuộc Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc năm 1958 đã cho ra mắt một thiết kế rất đẹp: tòa nhà Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia (BNCI) ở số 36 Tôn Thất Đạm, quận 1.
Tòa cao ốc hiện đại này có vẻ còn “lạ” hơn Caravelle khi thiết kế lam gió (brise – soleil) với các thanh bê tông mảnh, nhẹ, dựng thẳng đứng bên ngoài và dọc mặt tiền nhà trước tầng 1, 2. Đó là cấu trúc hai lớp hiện đại phổ biến thập niên 1950, 1960 ở miền Nam. Hệ thống lam gió ở sàn mái trên cùng cũng chặn hiệu quả nắng trưa Sài Gòn. Tầng trệt và cả khu vực dọc cửa chính tòa nhà cũng lui vô trong như mái đình, hàng hiên Việt xưa. Tòa nhà này cho tới nay vẫn là dáng vẻ rất hiện đại. Ai vô đều thấy nó rất mát.
Giữa thập niên 1960, kiến trúc sư Phạm Văn Thâng thuộc Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc cũng thiết kế tòa nhà SEAMEO (35 Lê Thánh Tôn, quận 1) với các dầm ngang, lam dọc ở mặt tiền tòa nhà và cửa sổ lùi vô trong để giảm nắng ngăn mưa.
Thiết kế lam đứng, lam ngang tạo cho mặt tiền công trình có cấu trúc hai lớp, vỏ kép này là phong cách hiện đại ở hàng triệu ngôi nhà, công trình xây dựng ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975. Đâu đâu cũng có. Đó là sự khác biệt cơ bản giữa hệ thống kiến trúc miền Nam và miền Bắc trước 1975.
Thiết kế hiện đại nhưng rất Việt này cực kỳ phong phú, đa dạng và phải có nhiều chuyên đề, tập sách của các nhà chuyên môn, kiến trúc sư. Ở đây, chỉ xin nói gọn: tất cả đều nằm một mục đích giảm nắng nhưng gió vẫn qua lại bình thường; phù hợp với thời tiết mưa tạt nắng gắt ở miền Nam cũng như nắng – gió Sài Gòn.
Có nhiều phong cách kiến trúc hiện đại ở miền Nam giai đoạn 1945-1975: Art deco, lam gió, vỏ kép, hai lớp, trừu tượng, biểu hiện, ngắt/chia khoang, phá cách… Nhưng phổ biến có hai cách thể hiện cụ thể. Một, tạo cả một bức tường bông gió trước công trình; hai, dùng những thanh bê tông mỏng, nhẹ (lam đứng, lam ngang) che chắn một phần công trình. Cả hai cách đều đã tạo ra những kiến trúc tuyệt đẹp, ít nhất ở Sài Gòn, trước 1975.
Ở hướng bông gió, hiện nay vẫn còn khá nhiều những bức tường bông gió “khổng lồ” ở một số công trình lớn giữa Sài Gòn, không ai không từng nhìn ngắm và chiêm ngưỡng, trầm trồ: Dinh Độc Lập của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp) của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hanh – Lê Văn Lắm, Đại học Y Dược (217 Hồng Bàng, quận 5) của nhóm năm kiến trúc sư, trong đó có Ngô Viết Thụ, Đài phát thanh Sài Gòn (nay là Đài Phát thanh Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) và tòa nhà văn phòng số 9 Nguyễn Công Trứ, quận 1 của kiến trúc sư Lê Văn Lắm, Bệnh viện An Bình, tòa nhà 148 Cống Quỳnh, quận 1…
Ở hướng hai (lam đứng, lam ngang), có thể nói đây là thiết kế chính của hầu hết hàng trăm công trình xây dựng của Văn phòng Hoa – Thâng – Nhạc khắp Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn tới giờ vẫn còn khá nguyên vẹn và vẫn toát ra nét hiện đại dù đã trên dưới 60 năm. Và đây cũng là nét kiến trúc chủ yếu của vô số nhà cửa ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975.
Không thể kế hết những công trình kiến trúc của nhóm kiến trúc sư văn phòng này ở Sài Gòn lẫn các tỉnh. Ví dụ, ngoài những địa chỉ đã nêu ở trên, đó còn là:
– Hội Việt Mỹ, đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1
– Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, đại lộ Hàm Nghi, quận 1
– Nhà máy giấy Cogido, Biên Hoà
– Nhà máy Vinatefinco, Gò Vấp
– Nhà máy dệt Vinatexco, Gò Vấp
– Nhà bào chế thuốc Roussel, đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1
– Nhà bào chế thuốc OPV, đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1
– Nhà bào chế thuốc La Thành Trung (29 Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch, quận 3)
– Tòa Đại sứ Anh tại Sài Gòn, đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn, quận 1)
– Viện Đại học Cần Thơ
– Viện Đại học Duyên Hải, Nha Trang
– Viện Đại học Tiền Giang, Mỹ Tho
– Trường Hành chánh Quy Nhơn
– Trường Kỹ thuật Quy Nhơn
– Trường Kỹ thuật Đà Nẵng…
Ở hầu hết những thiết kế này, những thanh, tấm lam gió đều được “bào” rất mỏng, tạo vẻ thanh thoát cho toàn khối. Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng khi cộng tác với văn phòng này (Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc – Mãng cũng đã thiết kế khối nhà École Taberd (53 Nguyễn Du, nay là Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1). Khối nhà này, theo kiến trúc sư Mỹ Mel Schenck là “minh chứng mạnh mẽ cho kỹ thuật vỏ kép được phát triển bởi các kiến trúc sư Việt Nam”. Nhìn bên ngoài, không ai không thấy rõ vẻ đẹp hiện đại của những tấm lam gió mặt tiền công trình. Khối nhà này hướng đông bắc, chủ yếu nắng sáng nên hệ thông lam gió được bố trí từng mảng không đều, nhìn rất ấn tượng, nhẹ nhõm và gọn ghẽ.
Một loạt biệt thự tới giờ vẫn còn cũng từ bản vẽ của văn phòng này: biệt thự bác sĩ Nguyễn Văn Út (153 Pasteur, quận 3), biệt thự giám đốc Shell Oil (178 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu), biệt thự Chartered bank, biệt thự giám đốc Việt Nam Thương Tín (41 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), biệt thự ông Nguyễn Cao Thăng (174-176 Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ, quận 3), biệt thự chuẩn tướng – đô trưởng Đô thành Sài Gòn Đỗ Kiến Nhiễu, gần trường đua ngựa Phú Thọ), hai biệt thự của công ty Shell ở Đà Lạt…
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa trực tiếp thiết kế một loạt công trình: tòa nhà SUFO/Pittman (22 Lý Tự Trọng, quận 1 – nơi sau này có tấm ảnh di tản nổi tiếng chụp ngày 29-4-1975) có khả năng co dãn thiết kế tùy người sử dụng, chung cư nay ở số 12 đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1…
Điều thú vị là văn phòng này cũng mở rộng phạm vi hoạt động của mình tới tận… vùng Ông Tạ, Gia Định của tôi với thiết kế cư xá Việt Nam Thương Tín đối diện trường Ngô Sĩ Liên tôi học (nay là khu nhà số 9 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình), biệt thự bác sĩ Phạm Kim Tương (249 Võ Tánh, nay là Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), cạnh Bệnh viện Dã chiến số 3 (nay là Bảo tàng Lực lượng vũ trang Đông Nam bộ)…
Biệt thự của bác sĩ Phạm Kim Tương do kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa thiết kế. Dù vẫn dáng vẻ hiện đại nhưng khác biệt hoàn toàn với các biệt thự khác cũng do ông vẽ ra. Nhìn chung, cả biệt thự như một khối, nhưng ban công tầng hai (trên tầng trệt) lại như một thiết kế hoàn chỉnh, độc lập với tầng trệt. Thậm chí, các khung cửa hai tầng chiếu dọc xuống không khớp với nhau. Ô cửa kim loại tầng trệt thay lam gió cũng để đảm bảo an ninh…
Đó có thể nói là khả năng biến hóa với kiến trúc hiện đại trong các bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa. Nét biến hóa này cũng xuất hiện ở tòa nhà 147 Pasteur (trường Couvent des Oiseaux, nay là trường Lê Thị Hồng Gấm, quận 3): công trình năm tầng này không phải là lam đứng lam ngang mà bức vách ngoài là những mảng tường lớn chủ lực, ngăn hoàn toàn mưa nắng. Phần phụ mới là lam đứng lam ngang. Tuy nhiên cả khối nhà vẫn thanh thoát hơn nhiều kiến trúc hiện đại khác. Tòa nhà này có thể coi là một ví dụ tiêu biểu trong thiết kế hai lớp vỏ (vỏ kép) cho một khối nhà.
Nét biến hóa ấy của ông Hoa cũng có ở khách sạn Arc-En-Ciel (Thiên Hồng) trên đường Tản Đà, quận 5 với hệ thống bông gió che chắn mặt ngoài ba tầng trên tầng trệt. Bên trên là công sôn/mái hắt chạy dọc chiều ngang giảm nắng bớt mưa trên cửa sổ, tường bao các phòng và tạo phương vị ngang cân đối, vững chãi cho công trình…
“Góp sức nhiều trong việc sáng tạo một phong cách hiện đại ở phía Nam là nhóm Văn phòng kiến trúc của ba kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc, cùng với các kiến trúc sư Bùi Quang Hanh, Lê Văn Lắm, Trần Văn Tải, Huỳnh Kim Mãng, Tô Công Văn…” (Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Tất cả đều là những công trình kiến trúc hiện đại, sang trọng cho tới bây giờ, sau trên dưới 60 năm. Một hệ thống công trình kiến trúc miền Nam trước 1975 đồ sộ, rực rỡ thời hoàng kim.





***
3. Những bậc thầy kiến trúc hiện đại kiểu Sài Gòn
Mel Schenck, một kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ với hơn nửa thế kỷ làm nghề thú thật: “Tôi vô cùng ngạc nhiên về quy mô lẫn chất lượng của chúng tại Sài Gòn khi tôi ở đây những năm 1971 – 1972. Tôi cảm thấy như mình đang lạc vào thiên đường của kiến trúc”.
Điều độc đáo nhất với ông, những gì mà các kiến trúc sư miền Nam làm được trong thời vàng son của kiến trúc hiện đại Việt Nam, khoảng từ 1945 – 1975 là đã vận dụng các đặc điểm kiến trúc Việt xưa vào thời đại mới với những công nghệ, vật liệu mới. Ông ví dụ: “Các ngôi đình, một dạng hội trường cộng đồng ở Việt Nam, đều có hàng hiên ở phía trước, thì chính hàng hiên đã trở thành một chi tiết trong kiến trúc hiện đại Việt Nam nhưng được biến đổi theo nhiều cách khác nhau như ban công hay tường hai lớp cách nhiệt và tránh nắng cho mặt tường trong công trình”.
Tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhứt (nay là đường Lê Duẩn), về hình dáng, nó đã gây chú ý với các mảng bông gió khổng lồ bao kín cả tòa nhà. Kiến trúc sư Mỹ Adrian Wilson thiết kế tòa nhà này năm 1967, vừa an ninh vừa che nắng chắn mưa. Liệu nó có bị ảnh hưởng qua lại bởi các thiết kế mảng tường bông gió của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế trước nó: Dinh Độc Lập 1966, Đại học Y Dược 1966 trên đường Hồng Bàng, quận 5…?
Mảng tường bông gió khổng lồ như tấm giại, bức bình phong trước nhà của kiến trúc Việt có lẽ không chỉ dừng lại ở các tòa nhà, dinh thự. Trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, gần nhà tôi hiện nay, một ngôi nhà phố 5x20m cũng có nguyên một mảng tường bông gió bên hông nhà rộng hàng trăm mét vuông, xây dựng từ giữa thập niên 1960. Cũng mát tường phòng phía sau. Tuy nhiên, do diện tích nhà phố không lớn, mảng tường này chỉ có thể nằm bên hông, nhìn ra con hẻm; có vẻ chưa phát huy hết khả năng giảm nắng, chắn mưa của nó. Do mặt hông này nhìn chếch hướng tây nam, khi mưa lớn, mưa tạt ướt một phần hành lang đi lại sau mảng này.
Có lẽ vì vậy, hầu hết các nhà phố ở Sài Gòn – Gia Định và miền Nam trước 1975 chủ yếu sử dụng thiết kế hai lớp với lam đứng, lam ngang mỏng nhẹ ở măt tiền. Và đây là thế mạnh của Văn phòng Kiến trúc ở số 12 Duy Tân (nay là 12 Phạm Ngọc Thạch), cũng như từng thành viên của văn phòng: Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc. Trong đó, hai ông Thâng, Nhạc từng là khoa trưởng (hiệu trưởng) Kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn.
Việc kết hợp với hai vị thầy, giáo sư kiến trúc Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, theo “suy đoán” của ông Nguyễn Duy Tâm, con trai đầu của ông Hoa, “Có thể là ba tôi sau khi đã thực hiện một số dự án lớn với giáo sư Kruze, một số đã hoàn tất và một số còn đang trong quá trình thực hiện, như khách sạn Caravelle, toà nhà BGI, trụ sở BNCI…, ông muốn mở rộng thêm địa bàn hoạt động của văn phòng kiến trúc. Vì vậy ông kết hợp với các kiến trúc sư Thâng và Nhạc để sử dụng những kiến thức chuyên môn của hai người này về thiết kế đô thị, về xây dựng cơ sở giáo dục và khu dân cư, từ đó đa dạng hóa lãnh vực hoạt động của văn phòng kiến trúc. Ngoài ra ba tôi, một người tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Hà Nội, khi kết hợp với hai kiến trúc sư trẻ mới tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Paris về, có thể là muốn họ đem lại một luồng gió mới và những ý tưởng mới cho văn phòng kiến trúc”.
Bộ ba kiến trúc sư này thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại và am hiểu, thông thạo nhiều lĩnh vực: quy hoạch đô thị, kiến trúc công nghiệp, kiến trúc dân dụng. Ba vị này gắn kết đến mức có những thiết kế hình như đứng tên một người nhưng có thể của cả ba, qua trao đổi công việc. Một thể hiện tính cộng đồng (public) vốn không phải là thế mạnh khi làm việc chung của người Việt.
Trước đó, giữa thập niên 1950, kiến trúc sư, giáo sư Trần Văn Tải cũng từng là thành viên của Văn phòng Kiến trúc Kruze – Hoa – Tải. Ông Tải cũng tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Paris và là tác giả thiết kế tòa nhà Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (6 Alexandre de Rhodes, quận 1) với những hàng cột, lam gió ngang dọc bao các ô cửa sổ từ tầng trệt lên tầng 2, không chỉ giảm nắng trưa, bớt mưa chiều mà còn rút “ngắn” cảm giác chiều dài tòa nhà.
Giáo sư Trần Văn Tải là giám đốc đầu tiên của trường Kiến trúc Sài Gòn (1955-1967). Hai thành viên sau của văn phòng này là kiến trúc sư Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc cũng lần lượt là khoa trưởng Kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn cho đến 1975.
Kiến trúc sư, giáo sư khoa Kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn Huỳnh Kim Mãng, tác giả thiết kế Trường Lasan Taberd (nay là Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa) cũng có lúc là thành viên của văn phòng này; lúc đó, mang tên Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Hoa – Thâng – Nhạc – Mãng. Năm 1971, ông Mãng đoạt giải nhất cuộc thi “Đồ án chợ Sài Gòn (tức chợ Bến Thành – CMC chú thích) trong tương lai” với giải nhất 1,5 triệu đồng (tương đương 60 lượng vàng – giá vàng năm 1971 khoảng 24.000 đồng/lượng). Cuộc thi này không có giải nhì; chỉ có hai giải ba, mỗi giải 400.000 đồng và ba giải khuyến khích, 200.000 đồng/giải). Đồ án dự tính kinh phí 1,5 tỉ đồng (khoảng 60.000 lượng vàng lúc ấy) này không thực hiện được năm 1972 do dư luận chung vẫn luyến tiếc ngôi chợ cũ và chiến sự năm 1972 bùng nổ.
Đầu thập niên 1960, ông Hoa là một trong những kiến trúc sư miền Nam được dư luận và truyền thông biết đến nhiều nhất lúc đó. Năm 1961, thông qua ông Arthur Gardiner, bạn thân của gia đình ông, giám đốc USOM (nhiệm vụ hoạt động của Hoa Kỳ, tiền thân của USAID – Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ), chính phủ Mỹ mời ông sang Hoa Kỳ khảo sát nhiều kiến trúc Mỹ tiêu biểu từ bờ tây sang bờ đông Mỹ; từ San Francisco, Los Angeles, Grand Canyon, Chicago đến New York và Washington DC. Dịp này, ông cũng đã đến thành phố Mexico, Rio de Janeiro và Brasilia để có cái nhìn đầu tiên về các công trình của kiến trúc sư Brazil nổi tiếng Oscar Niemeyer.
Năm 1962, theo tác giả Lê Văn Tâm & Dalatarchi, “kiến trúc sư Hoa – Thâng – Nhạc nằm trong danh sách mười ba kiến trúc sư nổi tiếng Việt Nam (tức miền Nam trước 1975 – CMC chú thích) được Văn phòng Tổng thống Phủ mời góp ý kiến về việc vẽ lại mặt tiền Dinh Độc Lập đối với phương án ban đầu của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ”.
Ông Duy Tâm cũng theo nghề cha; tốt nghiệp Trường Quốc gia Mỹ thuật Paris (École des Beaux-Arts de Paris), ngành Kiến trúc năm 1966, tốt nghiệp Học viện Đô thị học thuộc Viện Đại học Paris năm 1968 và từng là kiến trúc sư ở Paris (Pháp), Mỹ.
Nếu đúng như “suy đoán” của ông Tâm, đây cũng thể hiện một tính cách phóng khoáng, sẵn sàng cộng tác, dung nạp của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, một người con Nam bộ, Sài Gòn. Và rất may mắn, các kiến trúc sư thành viên của văn phòng đều là dân Nam bộ, dân Sài Gòn. Thiết kế của họ đều mang đậm nét rộng rãi, thoáng đãng của nhà cửa và con người miền Tây, thiết kế nên những công trình, từ chung cư, cao ốc đến biệt thự đều thanh thoát về dáng vẻ.
Theo ông Nguyễn Duy Tâm, “Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc hoạt động như bao văn phòng kiến trúc sư, luật sư, bác sĩ khác. Ba tôi dĩ nhiên là đối tác chính, nhưng mỗi thành viên có khách riêng, có dự án riêng của mình. Họ hoạt động hòa hợp với nhau và phong cách mỗi người không khác mấy so với những người kia. Ba tôi bỏ ra rất nhiều thời giờ trên bàn vẽ, một mình trong phòng làm việc hay cùng với các họa viên trong phòng vẽ lớn. Ông thích bàn bạc mọi chi tiết về xây cất, vì ba tôi tính rất cẩn thận, một người thích hoàn thiện”.
Có thể nói thiết kế hiện đại của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa rất táo bạo, mạnh mẽ: lam đứng, lam ngang thẳng tắp, khối nét đơn giản dựa trên những tỉ lệ vàng trong kiến trúc đã được khẳng định qua thời gian. Tính cách Nam bộ của ông cũng như các thành viên trong văn phòng còn là bỏ qua những trang trí rườm rà, phức tạp trong các kiến trúc trước đó.
Và đây cũng là nét kiến trúc nhà dân phổ biến ở miền Nam trước 1975 mà tới giờ chúng ta vẫn còn dễ dàng thấy trên mọi đường phố Sài Gòn – Gia Định.
***







4. Biệt thự kiểu Sài Gòn “độc nhất vô nhị trên thế giới” trên bàn vẽ Nguyễn Văn Hoa
Giữa thập niên 1960, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa – chủ Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Hoa – Thâng – Nhạc thiết kế một biệt thự của hãng xăng dầu Shell ở góc ngã tư Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo) – Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng). Biệt thự nhìn ra hướng Nam, ngả xíu hướng Tây nên góc hướng Tây có trồng một cây cản bớt nắng.
Tới giờ, sau trên dưới 60 năm, với những đường vẽ thẳng thớm, biệt thự không lớn nằm trong một khuôn viên đất cũng không rộng này hầu như vẫn nguyên vẹn vẻ sang trọng và rất hiện đại của nó sau lớp tường bao. Chỉ có cánh cổng thay mới rộng hơn vì sau 1975, đây là nhà công vụ. Biệt thự này này là nơi ông Đ.L.T. chọn ở khi làm bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, một vị chủ tịch nước khi xây lại ngôi nhà phố của mình cũng mượn tạm nơi đây ở vài tháng.
Cùng với hàng loạt biệt thự được xây dựng ở miền Nam từ đầu thập niên 1950 đến 1975, các kiến trúc sư Sài Gòn “đã thử nghiệm nhiều kỹ thuật kết cấu để tạo ra các thành phần kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới” (Mel Schenck – kiến trúc sư Mỹ). Những công trình này khác hoàn toàn với kiểu dáng lẫn nguyên vật liệu xây dựng các biệt thự thời Pháp thuộc mà rõ nhất là tường bao mỏng nhẹ với đa số dùng đá rửa trắng, xanh xám nhạt… tạo cảm giác dịu mát thay màu vôi vàng; đường nét thẳng; ban công chạy dọc tầng một thay lô gia… Một số biệt thự tạo điểm nhấn, đường nhấn dọc, ngang nhà với gạch mosaic xanh lam, gạch Ceram sứ hoặc đá rửa xanh xám đậm, vàng, đỏ…
Có thể nói không kiến trúc sư Sài Gòn nào trước 1975 không từng thiết kế biệt thự theo phong cách hiện đại, tạo ra hàng ngàn biệt thự khắp các quận vùng Sài Gòn – Gia Định tới giờ vẫn sừng sững vẻ đẹp sang trọng của nó. Như ngôi biệt thự góc Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) – Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, biệt thự 140 Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi) của kiến trúc sư Tô Công Văn…
Văn phòng Hoa – Thâng – Nhạc cũng vậy. Không chỉ ngôi biệt thự đơn giản nhưng đẹp và sang trọng một cách nền nã ở góc ngã tư Trương Minh Giảng – Lý Chính Thắng, ông Hoa còn tự tay thiết kế một loạt biệt thự khác dọc đường Trương Minh Giảng, Pasteur, Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ)… ở quận 1, 3; Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), quận Tân Bình…
Hầu hết những ngôi biệt thự này một trệt một lầu, mái bằng, ban công rộng, đường nét khỏe và thẳng tắp. Tùy theo vị trí nhà, hướng gió, hướng nắng, ông thiết kế có sự thay đổi khối kiến trúc, dáng nhà, lam gió…
Ở biệt thự cũng của hãng Shell, cũng trên đường Trương Minh Giảng, góc Tú Xương chẳng hạn, ngôi nhà này chếch hướng gió mùa, nắng quái Tây Nam nhưng bên ngoài có hàng cổ thụ. Ngôi biệt thự này dáng, khối chắc, khỏe với những mảng bê tông dày ở tầng một. Tầng trệt là hệ thống mái đua dày, dài hơn ở lối ra vào phòng khách.
Biệt thự bác sĩ Nguyễn Văn Út trên đường Pasteur hướng Đông Bắc, biệt thự giám đốc Việt Nam Thương Tín trên đường Nguyễn Đình Chiểu hướng Tây Bắc… không nhiều nắng gió. Ông Hoa tạo dáng nhà thanh mảnh, thoáng. Biệt thự bác sĩ Phạm Kim Tương trên đường Võ Tánh – gần ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), nhìn sang bên kia là Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trước nhà là bãi đất trống đậu máy bay trực thăng (nay là công viên Hoàng Văn Thụ), bên cạnh là Bệnh viện dã chiến số 3 của Mỹ (nay là Bảo tàng Lực lượng vũ trang Đông Nam bộ). Khu vực này xe nhà binh qua lại hàng ngày. Ngôi biệt thự lùi sâu vô bên trong đến 30 thước, thiết kế rất chắc chắn với các mảng tường rộng hai bên nhà. Khung cửa sắt tầng trệt thay cửa gỗ để đảm bảo an ninh và mảng vườn rất rộng trước nhà không trồng cây lớn, cản tầm quan sát bên ngoài…
Cũng những đường nét thẳng, từ xu thế xây dựng những ngôi nhà hiện đại lúc đó trên thế giới (như Ludwig Mies Van Der Rohe, Le Corbusier, Frank Lloyd Wright, Marcel Breuer…), phần đông những kiến trúc sư trẻ thập niên 1950, 1960, 1970 của Sài Gòn đều thiết kế nhà cửa kiểu hiện đại. Nhưng điều đáng ngưỡng mộ nhất là với họ, không có một kiểu dáng chung cho tất cả.
Một điểm dễ nhận ra trong các bản vẽ của Văn phòng kiến trúc Hoa – Thâng – Nhạc cũng như vô số nhà cửa, công trình xây dựng hiện đại ở miền Nam trước 1975 là rất hiếm thấy những đường cong (như trong kiến trúc truyền thống Việt lẫn Pháp, kể cả tân cổ điển, kể cả tiền hiện đại Arc Deco). Điều này có nói lên tính cách của dân Sài Gòn: trực tính, dứt khoát và rõ ràng; “cái nào ra cái đó” kiểu Nam bộ?
Du kiểu dáng ra sao, phong cách thiết kế nào, nội dung cực kỳ quan trọng trong thiết kế nhà cửa ở miền Nam trước 1975, của các kiến trúc sư Pháp trước đó và của ông bà ta ngàn đời nay: tìm cách giải quyết những cơn nắng chói chang lẫn mưa xối xả vùng nhiệt đới.
Kiến trúc sư Nguyễn Duy Tâm, con trai đầu của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cho biết: Thiết kế của cha mình “mỗi thứ đều ở đúng chỗ và có lợi ích riêng. Mặt tiền được xây dựng với nhiều lớp để bắt mắt hơn, tạo nên cảnh tranh tối tranh sáng, với những bông gió, những mái hiên, những tấm cản ánh mặt trời có công dụng che nắng, mưa. Vì vậy mặt tiền không bao giờ phẳng lì. Ông cũng dùng ô gạch Ceram bằng sứ để tăng thêm màu sắc”.
Cũng theo ông Tâm, “vì ba tôi cũng có học về công chính trước khi học kiến trúc nên ông thích thử nghiệm nhiều kỹ thuật xây cất khác nhau. Ông đã “phát minh” ra mái nhà có chứa 30cm nước để cách nhiệt, chống lại ánh nắng gay gắt của vùng nhiệt đới. Ông thực hành kỹ thuật này lần đầu tiên chính tại ngôi nhà số 18 Phùng Khắc Khoan, nơi chúng tôi ở, khi ông xây một cánh phía sau để làm nhà ở. Sau này, mái nhà có lớp nước được thay thế bởi một mặt bằng trồng cây cỏ (biệt thự Shell Oil), tiền thân của những mái nhà sinh thái ngày nay”.
Xin tạm kết nội dung này qua trao đổi gọn với kỹ sư xây dựng bên Mỹ, Nguyễn Duy Thanh, con trai út của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa.
CMC: Anh cho biết thêm về thiết kế giảm nóng bằng nước trên nóc cầu thang ở ngôi biệt thự 12 Duy Tân cũng như nhà cũ của già đình anh ở 18 Phùng Khắc Khoan.
Kỹ sư Nguyễn Duy Thanh: Chỗ nào nước đọng thì có nhiều muỗi (Hì hì…). Ông già phải thí nghiệm rất kỹ cách xây bê tông mà không bị nước thấm vô nhà. Và một vấn đề rất quan trọng: xây bê tông mà không bị thấm nước thời đó rất tốn tiền.
CMC: Kiến trúc của ba anh hiện đại một cách đơn giản, đúng chất miền Tây và Sài Gòn: đường nét đơn giản, thẳng, không cong quẹo. Tôi cũng hay nói vài học trò mình là kiến trúc sư: “Hiện đại xét cho cùng là cố vẽ sao cho nhà cửa, công trình xây dựng dễ làm vệ sinh, dễ bảo quản, dễ tu sửa”.
Kỹ sư Nguyễn Duy Thanh: Đúng vậy.







***
5. Giấc mơ dang dở
… Hơn 40 năm sinh hoạt, làm việc ở khu vực trung tâm Sài Gòn, không biết bao nhiêu lần tôi ngẩn ngơ và kinh ngạc trước vô vàn cao ốc, dinh thự, biệt thự, nhà dân… có kiến trúc hiện đại cho tới tận hôm nay. Nhưng tất cả lại rất Việt, thoát ly hoàn toàn với những công trình xây dựng thời thuộc Pháp.
Chỉ trong vòng 20 năm (1955 – 1975), số lượng công trình xây dựng giai đoạn “cột mốc thứ sáu” của Sài Gòn có lẽ gấp trăm lần 90 năm “cột mốc thứ năm” (1865-1955) thời Pháp thuộc. Những cột mốc này do nhà nghiên cứu Sài Gòn xưa Phúc Tiến, một bạn thân, chơi với tôi từ thuở thiếu niên cho tới nay, nhận định trong bài viết “Sài Gòn – TP.HCM 7 cột mốc lịch sử và phát triển” trên tập san Xưa Và Nay số 550 (tháng 4-2023), chuyên đề “Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 325 năm (1698 – 2023).
Ở “cột mốc thứ sáu” này với vị trí chính thức “đô thành”, theo anh, Sài Gòn “phát triển vũ bão”, “cơ sở hạ tầng và trình độ quản trị thành phố được mở rộng, bắt kịp các đô thị mới trỗi dậy ở châu Á sau chiến tranh”. Xin được nhấn mạnh ý của anh: châu Á chứ không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á.
Cơ sở hạ tầng, bao gồm kiến trúc Sài Gòn của nhiều kiến trúc sư Sài Gòn những năm đó là cả một khối lượng nghiên cứu lớn tầm cỡ quốc gia, chắc chắn quá sức, quá tầm và quá khả năng một người, một nhóm tác giả, trong đó có tôi. “Lực bất tòng tâm”.
“Với số lượng khổng lồ và chất lượng đỉnh cao của các công trình hiện đại được xây dựng trên khắp miền Nam Việt Nam sau Thế chiến II, đất nước này đã trở thành trung tâm kiến trúc hiện đại tuy chưa được công nhận trên thế giới” (Mel Schenck, kiến trúc sư Mỹ).
Tiếc thay, khối kiến trúc này tới giờ hầu như không được dạy trong các khoa, trường kiến trúc ở Việt Nam hiện nay. Dù vậy, ảnh hưởng của nó tới nay vẫn còn rất rõ nét, ít nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.
Như từ ban đầu, tôi chỉ xin khoanh lại ở Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Hoa – Thâng – Nhạc ở số 12 Duy Tân (nay là 12 Phạm Ngọc Thạch) bậc nhất Sài Gòn, miền Nam trước 1975. Trước đó, là Kruze – Hoa, rồi thêm Kruze – Hoa – Tải, sau có lúc là Hoa – Thâng – Nhạc – Mãng. Một điều thú vị: cả sáu vị kiến trúc bậc thầy này đều từng là giáo sư giảng dạy, giám đốc/khoa trưởng/hiệu trưởng ở những trường kiến trúc lớn nhất Việt Nam, miền Nam: Mỹ thuật Đông Dương/Hà Nội, khoa Kiến trúc thuộc Viện đại học Sài Gòn; cho ra bao thế hệ kiến trúc sư mang ảnh hưởng kiến trúc hiện đại của họ.
Ở đây, tôi xin nói thiết kế của khối kiến trúc ở ngay chính trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vốn là đồ án tốt nghiệp của sinh viên kiến trúc Trương Văn Long. Giáo sư Phạm Văn Thâng lúc đó là khoa trưởng/giám đốc (tức hiệu trưởng) khoa Kiến trúc Sài Gòn đã cùng học trò mình hoàn chỉnh, phát triển, xây dựng đồ án này vào năm 1972. Đó là một công trình kiến trúc tới giờ vẫn không hề lỗi thời với những lam gió cản mưa chắn nắng bằng bê tông đi ngang, sổ dọc toàn bộ mặt trước, sau công trình. Hệ thống lam này chia khoang khối kiến trúc và cách tường bao các phòng bằng một dãy hành lang qua lại, tạo ra kết cấu vỏ kép hiện đại và sang trọng cho tòa nhà.
Kiểu cách thiết kế lam dọc lam ngang, chia khoang ấy có lẽ tòa nhà 36 Tôn Thất Đạm (BNCI – 1958), trụ sở Việt Nam Thương Tín (nay là Vietinbank trên đường Hàm Nghị), tòa nhà SEAMEO (35 Lê Thánh Tôn, quận 1)… của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng… là một số những công trình kiến trúc dạng này phổ biến ở Sài Gòn – Gia Định trước 1975. Ở ngã ba Ông Tạ, Tân Bình xưa có tiệm bánh Quang Minh xây dựng từ giữa thập niên 1960 cũng mang dáng vẻ này. Thậm chí một chung cư ở Campuchia xây dựng trước 1975 cũng có lối thiết kế ấy, như “sinh đôi” với ngôi nhà ở ngã ba Ông Tạ. Cho tới tận hôm nay, trên các nẻo đường Sài Gòn, chúng ta vẫn thấy vô số những tòa nhà đã và đang xây dựng có lam dọc lam ngang, chỉ khác là khung sắt, cửa kính kín mít thay lam bê tông thoáng rộng.
Cũng như vậy, mỗi lần đi ngang một nhà hàng của Mc Donald’s mới xây dựng vài năm nay; có thiết kế đơn giản nhưng đẹp và hiện đại ở bùng binh gần cầu Điện Biên Phủ, tôi lại nhớ đến kiểu cách những biệt thự trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur, Trần Quốc Thảo… mà kiến trúc Nguyễn Văn Hoa vẽ: đơn giản, vuông vức, thoáng rộng, không chi tiết thừa. Tôi hoàn toàn không có ý nói đó là sự sao chép. Có lẽ chỉ là ngẫu nhiên. Tôi chỉ muốn nói đến nét hiện đại vượt thời gian của những ngôi biệt thự xưa mà không hề cũ ấy.
Anh Nguyễn Duy Thanh, đứa con trai út được kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cưng, mỗi lần ông đi công trường, thường chở Duy Thanh theo. Hồi xây biệt thự giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), anh Duy Thanh theo ba tới đây nhiều lần, nghe ông nói về mục đích, công năng từng chi tiết thiết kế.
Anh bảo: “Với tôi, style (phong cách) hiện đại thì không bao giờ bị lỗi thời”.
“Ước mơ của ba anh về kiến trúc Sài Gòn, miền Nam khi mở văn phòng?” – tôi hỏi. Anh Duy Thanh, hiện là kỹ sư xây dựng bên Mỹ trả lời ngay: “Ba muốn giúp xây dựng quê hương, đất nước về lãnh vực kiến trúc: thiết kế cơ xưởng, nhà máy, trường học, bệnh viện, phi cảng, chung cư…”.
Thực tế các vị thầy kiến trúc của Văn phòng Hoa – Thâng – Nhạc đã thực hiện rất nhiều công trình hạ tầng ở miền Nam trước 1975: Phi cảng Liên Khàng (Liên Khương) – Đà Lạt, Phi cảng hành khách Tân Sơn Nhất, Viện đại học Cần Thơ, Tòa đại sứ Anh ở Sài Gòn, Viện đại học Duyên Hải – Nha Trang, Viện đại học Tiền Giang – Mỹ Tho, Trường Hành chánh Quy Nhơn, Trường Kỹ thuật Quy Nhơn, Trường Kỹ thuật Đà Nẵng…
Khi dời văn phòng từ Đà Lạt về Sài Gòn năm 1953, ít ai biết khi hai ông Kruze – Hoa mở văn phòng ở 12 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch), ngoài việc Sài Gòn lúc đó, công trình xây dựng mới nhiều gấp bội Đà Lạt còn có một lý do, theo anh Duy Thanh là tìm được một permanent location (địa điểm thường trú) ở khu vực đường Pasteur cho trường Cao đẳng Kiến trúc (tiền thân khoa Kiến trúc Viện đại học Sài Gòn, nay là Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh). Giáo sư, kiến trúc sư Arthur Kruze lúc ấy là giám đốc của trường. Mấy năm đầu, ông Hoa cũng là giáo sư dạy ở đó hai môn: toán học và vẽ perspective (phối cảnh).
… Ngày 24-4-1975, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cùng gia đình lên phi cơ rời Sài Gòn. “Bừng mắt dậy trên sạp tạm trú ở Guam, nghe đài BBC mới biết chuyến đi là vĩnh viễn”.
Hai kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thâng ở lại. Ở Guam, ông Hoa viết thư cho ông Nhạc: “Chúng mình đã ở hai thế giới khác biệt”. Lá thư nhắc tới những bản vẽ dang dở trong phòng Họa viên ở số 12 Duy Tân, hẹn ngày trở về. Lá thư không đến tay giáo sư Nhạc trong những ngày Sài Gòn rung chuyển. 17 năm sau, họ mới nhận được tin nhau qua những lá thơ tay đầy cảm xúc: “Công suốt đời gầy dựng từ con số 0 nay như dã tràng xe cát!…”.
Cá nhân tôi không nghĩ như vậy khi ngày ngày vẫn đi qua hàng loạt công trình thiết kế tới giờ vẫn rất hiện đại, theo kiểu Việt Nam, kiểu Sài Gòn của văn phòng kiến trúc bậc nhất miền Nam, Sài Gòn này. Và tôi càng thấm hơn khi từng làm việc ở văn phòng này, họp hành ở gian phòng xưa là phòng Họa viên suốt tám năm, trước khi nó bị phá bỏ toàn bộ để xây mới… Nhìn ngôi phòng Họa viên có thiết kế phần kính chiếm toàn bộ mảng tường nhìn ra ngoài, cửa sập, gắn máy lạnh… rất hiện đại ấy khó ai nghĩ nó được xây dựng từ cuối thập niên 1950.
Sau 1975, không rõ ai đã trồng một cây ngọc lan ở sân trước ngôi nhà vốn là Văn phòng Kiến trúc sư Hoa – Thâng – Nhạc. Khi cây đã có những mùa hoa thì bị đốn.
“Để xây nhà có người đã đốn mất cây ngọc lan.
Buổi tối đi qua anh chỉ còn tìm hương trong tâm tưởng
Họ sẽ chẳng còn nhớ gì khi ngôi nhà đã mọc lên tráng lệ
Họ sẽ quên như mùi hương chưa hề có bao giờ.
Nhưng anh đã có lần cùng em đi qua đó
Hoa đã có lần thổi hương vào mái tóc ngây thơ…
Bây giờ em đã xa xôi và đến phiên ngọc lan xuống đất.
Thôi, hoa cũ không còn thì còn lại chút hương xưa…”
(Đỗ Trung Quân 1986 – Tuyển tập Cỏ hoa cần gặp, 2004)







Thư và thơ ông Nguyễn Văn Hoa gởi ông Bùi Diễm (cựu tổng trưởng Phủ Thủ tướng, cựu đại sứ Việt Nam Cộng hòa) năm 2001 – Ảnh gia đình cung cấp
***
6. Sài Gòn tánh sao nhà vậy
Nhà hàng Mc Donald’s ở vòng xoay Điện Biên Phủ có thiết kế đơn giản, gọn, đường nét thẳng. Các mảng bê tông dầm sàn, tường bao trở thành điểm nhấn, ấn tượng cho công trình. Rõ ràng đây là một ngôi nhà và rất hiện đại, rất… Mỹ.
Mỗi lần qua đây, tôi đều nghĩ về những ngôi nhà xưa hơn nửa thế kỷ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur, Trần Quốc Thảo… của Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc bậc nhất Sài Gòn và miền Nam trước 1975.
Hai kiểu nhà giống nhau đến ngỡ ngàng: tất cả đều thẳng, gọn, bê tông dầm sàn trở thành điểm nhấn ngôi nhà; không mảnh thừa, càng không có những chi tiết rườm rà. Tôi hoàn toàn không nói đó là sự sao chép, nhưng có lẽ nó bắt đầu từ một cốt nền chung, chia tay hoàn toàn với các kiểu kiến trúc khác trước nó thời thuộc Pháp: Gothic, Hy Lạp, Cổ điển, Tân cổ điển….
Quan trọng và thiết thực hơn, cho tới giờ, đó vẫn là tiêu chí, hình ảnh của những công trình thật sự hiện đại và sinh thái. Do nó thoáng, nó nhẹ nhàng, thanh thoát. Như những ngôi nhà trên sông nước miền Tây. Như tánh tình rộng mở của dân miền Tây, của người Sài Gòn. Và của người Việt bao đời nay: những cột, dầm bê tông của ngôi nhà hiện đại Sài Gòn trước 1975 có khác gì nhà Việt xưa: cột kèo, dầm lồ lộ trước mắt mọi người.
Đã bao nhiêu lần tôi đã đi qua những ngôi nhà đậm nét Sài Gòn – Gia Định thập niên 1950, 1960, 1970 ấy. Chúng vẫn hiện đại cho tới nay. Đó là những nhà phố giờ vẫn còn đầy trên các đường phố mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhận ra: một, hai, ba…tầng, mái bằng, mặt tiền đá rửa hoặc đá mài, ban công rộng trước mỗi tầng và phía trên, trước nhà là lam đứng, lam ngang, bông gió đúc bê tông…
Dù kiểu dáng ra sao, phong cách thiết kế nào, yêu cầu cực kỳ quan trọng trong thiết kế nhà cửa ở miền Nam trước 1975, của các kiến trúc sư Pháp trước đó và của ông bà ta ngàn đời nay: giải quyết những cơn nắng chói chang lẫn mưa xối xả vùng nhiệt đới. Tôi hay tâm sự với một số học trò mình là kiến trúc sư trẻ: “Những ngôi nhà ấy gió vô được mà nắng mưa vào hạn chế. Cửa sổ, cửa ra vô lá sách cũng chỉ để làm công việc ấy. Nếu không sẽ là những tấm gỗ bít bùng như vô số cửa nhà trọ, phòng trọ lẫn nhà dân hiện nay”.
Hệ thống lam gió (brise soleil), khung sườn cơ bản của những ngôi nhà ấy đã ít nhiều làm được điều đó. Những thanh lam sổ dọc, chạy ngang mặt tiền mỏng nhẹ, thanh thoát như thế nào còn tùy theo hướng nhà, hướng nắng gió. Nó không dùng biện pháp cản nhiệt như những bức tường dày chịu lực, khối nhà nặng nề kiểu Pháp trước đó. Nó sống chung với nắng gió Sài Gòn, Nam bộ. Như mái hiên dài rộng đón gió, cản nắng chiếu thẳng tường nhà của nhà Việt xưa. Như tấm giại tre dựng trước mỗi nhà Việt. Tấm giại ấy có thể di động, thay đổi chức năng như yêu cầu của mọi thiết kế: tính co dãn trong kiến trúc mỗi căn nhà, mỗi phòng ở.
Ban công, hàng hiên nhà phố là một dạng hàng ba tạo khoảng đệm nhiệt độ, mưa gió phổ biến trước những ngôi nhà Sài Gòn – Gia Định xưa, nhất là trong các hẻm nhỏ. Ai người Sài Gòn xưa không nhớ cái hàng ba đầy kỷ niệm ấy, nhất là con nít: một khoảng không gian – ranh giới cuối cùng trong nhà và ngoài đường. Đó là nơi chúng có thể chơi đùa, tụ họp bạn bè, ngồi trên đó trò chuyện rôm rả. Đó cũng là nơi đón, tiễn khách của người lớn…
Nhà văn Phạm Công Luận, ở bài “Hoa trong tâm tưởng” đã nhắc về chiếc hàng ba Sài Gòn – Gia Định xưa ấy. Mà cũng đâu phải quá xưa, đến cuối thập niên 1980 nó vẫn còn khá nhiều. Hàng ba trong anh là “khoảng sân nhỏ trước mặt tiền nhà” “được bao bọc bởi vách tường xi măng”. Vách tường này thấp thôi, không cao nghễu nghện ba, bốn thước, tách biệt hẳn với nhịp sống bên ngoài như vô số vách tường nhà hiện nay. Hàng ba rộng mở với thiên nhiên, với nhịp sống. Nhà anh cũng có một hàng ba như vậy để anh ngủ trong đêm hè tháng Tư, thoang thoảng hương nguyệt quế để giấc ngủ trẻ thơ chìm trong “đêm thơm như một dòng sữa”…
Ban công trên các tầng của những ngôi nhà Sài Gòn ấy, như với nhà tôi, cũng là “hàng ba” của tuổi thơ tôi chơi đùa, treo đèn ngôi sao, đèn cá chép mỗi dịp Noel, Trung thu…và mắc võng ngủ những đêm hè. Đến nỗi xưa có người định nghĩa vui: mùa hè vì là mùa ngủ vỉa hè. Giấc ngủ “vỉa hè” ấy ở hàng ba, ở ban công của nhà cửa Sài Gòn – Gia Định thuở nào…
Những ngôi nhà đơn sơ mà hiện đại, mà sinh thái ấy, ngay từ năm 1972, kiến trúc sư Mel Schenck (Mỹ), tác giả tập “Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam” hơn 600 trang khi mới chứng kiến lần đầu đã ngỡ ngàng nghĩ ngay mình đã “vào thiên đường kiến trúc” hiện đại mà ngay ở Mỹ lúc ấy cũng không táo bạo và tràn ngập như ở Sài Gòn.
… Lâu nay, báo chí, truyền thông và mạng xã hội liên tục nói về những kiến trúc Pháp xưa ở Việt Nam, trong đó có Sài Gòn. Công tác bảo tồn di sản kiến trúc cũng tập trung vô mảng này. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng có một mảng kiến trúc rất hiện đại nhưng lại rất Việt Nam của Sài Gòn – Gia Định, từ dinh thự, công thự (trừ vài công trình lớn như Dinh Độc Lập, Thư viện Khoa học tổng hợp, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh…), biệt thự đến nhà dân, giai đoạn 1945-1954 hầu như bị quên lãng. Đến mức công trình nào bị đập bỏ xây mới cũng ít ai chú ý.
Sau đổi mới 1986, kinh tế phát triển, dân số đông đúc gấp mấy lần trước đó, nhà cửa, dinh thự, cao ốc… ở thành phố Hồ Chí Minh liên tục, thậm chí là ồ ạt xây mới; như bù lại cho hơn chục năm sau 1975 gần như rất ít công trình xây dựng.
Các công trình xây dựng mới theo đủ mọi phong cách, thay thế nhau liên tục. Thập niên 1990 là vô số ngôi nhà thiết kế giả cổ, rõ nhất là hình ảnh “con tiện” bằng xi măng đúc ở lô gia, ban công, hành lang, lan can ngoài trời… ở hàng loạt công trình. Chỉ là hình thức, nói như kiến trúc sư Hà Anh Tuấn, “bên trong vẫn là nhà phố”. Có cả những ngôi nhà hình dáng “củ hành” như thánh đường Hồi giáo mà báo chí, dư luận ghi nhận, phản ánh với sự kinh ngạc. Sau đó là những công trình “tân cổ điển” ở mức đơn giản nhất”: ban công bầu lát gạch men nâu đỏ, lan can inox, cửa kính ra vô tạo vòm cong…
Rồi những ngôi nhà kín mít như cái hộp, trổ vài cửa sổ kiểu xứ lạnh. Rồi những ban công nhà bị tận dụng một nửa để bung phòng ra ngoài, với lý do có vẻ hợp lý: ban công ít ai ra đó ngắm trời ngó đất… Họ quên mất ban công không chỉ là nơi đứng nhìn ra ngoài. Nó còn có hai chức năng quan trọng: khoảng đệm nhiệt độ cho ngôi nhà và bảo vệ tường nhà, cửa nhà trước nắng gió.
Vài năm gần đây, một loạt biệt thự ở thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế theo phong cách tân cổ điển: xa hoa, lộng lẫy – một phong cách kiến trúc vốn không còn được ưa chuộng ở Sài Gòn từ những năm 1945-1975. Có lẽ vì nó khác với cách sống của người Sài Gòn: đơn giản. Sự đơn giản bao giờ cũng mang đến sự bình yên. Một ngôi nhà, nơi chúng ta sống và tìm về, xét cho cùng là sự bình yên. Về mỹ học lẫn thiết kế hiện đại, cái đẹp luôn là cái đơn giản, sự giản dị, đến mức hiện nay có cả một trào lưu thiết kế, kiến trúc tối giản.
Những ngôi nhà Sài Gòn – Gia Định xưa ít nhiều đã làm được điều đó, chúng hiện đại mà sinh thái, mang lại cả một khung cảnh bình yên cho bao thế hệ Sài Gòn, tới giờ vẫn được nhắc đến với một trời yêu thương…



*Tựa do DĐTK đặt.