Nhật Hiên: Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong suốt 50 năm qua

TS Nguyễn Đình Thắng. Hình trên FB Nguyen Dinh Thang.

50 năm kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975, Việt Nam bây giờ đã có những bước thay đổi rõ rệt về kinh tế, đời sống người dân đa phần không còn cơ cực như thời kỳ kinh tế bao cấp, Việt Nam cũng mở cửa nhộn nhịp hợp tác giao thương với thế giới…Nhưng mặt khác, Việt Nam vẫn là một quốc gia độc tài độc đảng, kiểm soát người dân với bàn tay sắt và có một thành tích tệ hại về nhân quyền.

Người viết bài này, Nhật Hiên, đã có một cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Đình Thắng xung quanh các vấn đề về nhân quyền của Việt Nam trong mấy chục năm qua.

TS Nguyễn Đình Thắng là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của BPSOS, một tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất của người Mỹ gốc Việt, hoạt động tại hàng chục địa điểm ở Hoa Kỳ và ba quốc gia châu Á trong lĩnh vực nhân quyền cho Việt Nam

***

*Thưa TS Nguyễn Đình Thắng, là người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực nhân quyền, ông có nhận xét thế nào về tình trạng nhân quyền của Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua, có thay đổi không và thay đổi ra sao?

 Nhìn tổng thể, so với cách đây 10, 12 năm thì có thay đổi đáng kể trong cách nhà nước đối xử với các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc — bớt thô bạo, tinh vi hơn. Nhà nước bớt đàn áp công khai mang tính cách khủng bố hàng loạt như từng xảy ra đối với các tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Phật Giáo Khmer Krom, Công Giáo, Tin Lành Thượng bản địa, Tin Lành Hmong. 

Họ đổi chiêu sang ném đá giấu tay, dùng các “trợ cụ” là các tổ chức nguỵ tôn giáo do nhà nước dựng lên, nuôi dưỡng và điều khiển. Có một dạo họ còn dùng chiêu “quần chúng tự phát” như Hội Cờ Đỏ. Chỉ khi nào ném đá giấu tay không hiệu quả, nhà nước mới lộ diện đàn áp như vụ đàn áp thẳng tay đối với người Thượng theo đạo Tin Lành sau vụ nổ súng ngày 11 tháng 6, 2023 ở Đắk Lắk.

Sự thay đổi không xuất phát từ thiện chí mà chỉ để che mắt thế giới nhằm thu lợi cho chế độ. Vì nhu cầu hội nhập quốc tế, nhà nước Việt Nam đã ký nhiều công ước LHQ về nhân quyền, thậm chí ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Họ không thực tâm thực thi các điều ước nhân quyền, kể cả những điều ước đã được nội luật hóa vào khung luật quốc gia. Nhưng do họ đã ký kết, đó là cơ hội để chúng tôi vận động quốc tế áp lực họ thực thi. 

Phái đoàn của BPSOS cùng một số thành viên của Ủy ban LHQ về quyền người khuyết tật trước cuộc rà soát Việt Nam, Geneva, Thụy Sĩ, ngày 06/03/2025 

*Tổ chức BPSOS của ông tập trung khá nhiều vào vấn đề tự do tôn giáo của Việt Nam, ông có thể cho biết tại sao?

Có 3 lý do. 

Thứ nhất, chính xác thì phải gọi là quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, nhưng thường được gọi tắt là tự do tôn giáo hay niềm tin. Được quy định trong Điều 18 của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát và cũng là Điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, quyền này rất bao quát. Nếu không có tự do biểu đạt, tự do hội họp ôn hòa, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do ấn loát, v.v. thì cũng không có quyền tự do tôn giáo hay niềm tin. Do đó, tranh đấu cho quyền này thì tự động sẽ khai mở các quyền tự do khác.

Thứ hai, quyền tự do này ảnh hưởng mọi người dân ở trong nước. Ai cũng có nhu cầu tự do tư tưởng, tự do lương tâm hoặc tự tôn giáo. Do đó, sự thăng tiến về quyền này sẽ đem lại phúc lợi hầu như cho toàn dân.

Thứ ba, tranh đấu cho tự do tôn giáo hay niềm tin được sự hậu thuẫn quốc tế, nhất là các quốc gia dân chủ cường thịnh mà nhà nước Việt Nam phải cầu cạnh về kinh tế, mậu dịch, viện trợ. Chúng tôi không chỉ nương vào mà còn góp phần dấy lên phong trào quốc tế cho tự do tôn giáo hay niềm tin. Nhờ vậy mà tình trạng đàn áp tôn giáo hay niềm tin ở Việt Nam ngày càng được quốc tế quan tâm.  

Đoàn vận động người Việt tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, thủ đô Hoa Kỳ ngày 28/06/2022

*Tình trạng, cách thức, thủ đoạn đàn áp tôn giáo ở Việt Nam nhau ra sao và theo thời gian thì tình trạng này như thế nào, thưa ông?

Các chế độ độc tài thường liên kết với một tôn giáo độc tôn, thường là quốc giáo, để nắm và củng cố quyền thống trị, như Phật Giáo ở Miến Điện, như Hồi Giáo Sunni ở Pakistan, Hồi Giáo Shia ở Iran, tôn giáo Hindu ở Ấn Độ… Họ triệt hạ hoặc kềm chế các tôn giáo khác.

Còn chế độ độc tài cộng sản, dù ở Việt Nam hoặc ở bất kỳ nơi nào, đều xem mọi tôn giáo là kẻ thù, vì 2 lẽ. Thứ nhất, về ý thức hệ thì người có một tôn giáo luôn luôn đặt tín lý của họ trên tín điều cộng sản. Thứ hai, về thực tiễn thì tôn giáo giúp các tín hữu đến và gắn bó với nhau, điều tối kỵ cho bất kỳ chế độ độc tài nào. Khi một nhóm người ngồi lại với nhau thì họ trở thành nhân tố cho sự thay đổi sau này.

Vì nhu cầu sinh tồn, chế độ cộng sản ở Việt Nam bắt buộc phải hội nhập quốc tế. Và để hội nhập quốc tế, họ phải tỏ ra khoan dung đối với tôn giáo ở bề ngoài nhưng bên trong thì bằng mọi cách khống chế và kiểm soát. Họ thực hiện điều này qua ba biện pháp. 

Thứ nhất là đánh tráo. Năm 1981, họ xóa sổ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và thay thế bằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, hoàn toàn do nhà nước dựng lên và điều khiển. Tương tự, năm 1983 nhà nước xóa sổ Hội Thánh Cao Đài gốc và năm 1997 dựng lên một Chi Phái Cao Đài đóng vai Hội Thánh. Phật Giáo Hòa Hảo cũng thế; Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH hiện nay tuy cùng tên nhưng không phải là Ban Trị Sự Trung Ương nguyên thủy. 

Thứ hai là khuynh loát. Ví dụ nổi bật là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc. Tuy không phải do nhà nước dựng lên nhưng họ chấp nhận trở thành công cụ đàn áp tôn giáo cho nhà nước sử dụng để đổi lấy một số nới lỏng, thuận lợi. 

Cuối cùng là thâm nhập. Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo là trường hợp điển hình. Nó không thuộc Giáo Hội Công Giáo nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn vì có thành viên trà trộn vào hàng giáo sĩ và giáo dân ở mọi tầng lớp để thực thi chính sách của đảng và nhà nước.

*Nạn buôn người cũng là một trong những vấn đề lớn của Việt Nam. Ông có thể cho độc giả bức tranh toàn cảnh về nạn buôn người ở Việt Nam trong nhiều năm qua?

Song song với quyền tự do tôn giáo hay niềm tin, BPSOS chọn quyền lao động là lĩnh vực sách lược thứ hai để tạo sự thay đổi bền vững cho Việt Nam. Và chúng tôi tập trung trước hết vào nạn buôn lao động,  vì 2 lý do.

Thứ nhất, nạn buôn người nghiêm trọng và tràn lan trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước. Nhiều quan chức và cơ quan nhà nước thu lợi từ đó. Phần lớn kiều hối hàng năm Việt Nam thu về không phải từ cộng đồng người Việt tị nạn mà là từ những người lao động ở khắp năm châu. Nhà nước bằng mọi giá bảo vệ nguồn thu nhập này, không chỉ cho quốc gia mà còn để bỏ túi riêng. Họ tuyệt đối không thừa nhận có tình trạng buôn lao động trong chương trình xuất khẩu lao động. Công an thay vì điều tra kẻ buôn người thì lại đe dọa nạn nhân nào lên tiếng cầu cứu hoặc đòi công lý. Một số nạn nhân đã phải đi tị nạn. Có thể nói, chính một số cơ quan và quan chức nhà nước là kẻ buôn người dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động. 

Để qua mắt quốc tế, một mặt nhà nước bịt tin về buôn người trong xuất khẩu lao động, mặt khác họ phô trương việc phòng chống dạng buôn người cá lẻ, như buôn trẻ em và phụ nữ vào các ổ mãi dâm. Họ cho phép một vài tổ chức của Hoa Kỳ hoặc Úc hoạt động chống buôn người ở Việt Nam nhưng cấm tiệt không được đụng đến nạn buôn người trong xuất khẩu lao động.

Thứ hai, nạn nhân bị buôn lao động ở ngoài Việt Nam cho nên chúng tôi có thể tiếp cận để giải cứu, thường với sự hậu thuẫn của quốc tế và chính quyền quốc gia sở tại nơi nạn nhân bị bóc lột. Trong 17 năm qua, BPSOS đã giải cứu được hơn 5 nghìn nạn nhân ở 32 quốc gia và liên tục tạo áp lực quốc tế lên Việt Nam về tình trạng buôn lao động dưới chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước. 

*Trong suốt mấy chục năm, những câu chuyện nào về người vượt biển, nạn nhân bị đàn áp tôn giáo, nạn nhân buôn người, tù nhân lương tâm… mà số phận của họ ám ảnh ông nhất? Ông có thể kể ra một vài ví dụ?

Đó là những em gái vị thành niên bị đưa xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út rồi mất tích, có em bị hành hạ đến chết. Chúng tôi truy ra được đường dây buôn người có sự tham gia của 2 giới chức ngoại giao ở Tòa Đại Sứ Việt Nam. Vì vậy mà năm 2022, Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Hạng 3, nghĩa là hạng tệ nhất, về buôn người. Nhưng rồi sau đó Hoa Kỳ lại cất nhắc Việt Nam ra khỏi Hạng 3 dù Việt Nam chỉ hứa hẹn nhưng thực tế chẳng cải thiện gì.

Một sự kiện bất ngờ làm tôi nhớ mãi. Đó là năm 2012 – 2013, BPSOS, với sự hợp tác của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, can thiệp cho các đồng bào bị đưa lậu sang Nga để làm  việc trong các “xưởng may đen”. Các xưởng may này hoạt động ở tầng hầm của thủ đô Moskow, có người 3 năm không được lên mặt đất. Các xưởng may đen này, chuyên may các mặt hàng nhái, phần lớn do các cựu sĩ quan công an Việt Nam lập ra và có đường dây đưa nạn nhân từ Việt Nam vào Nga. Họ mua sạch cảnh sát địa phương; nạn nhân nào trốn ra lập tức bị bắt và giao lại cho tổ chức buôn người. Nạn nhân bị hành hạ, tra tấn, và dọa bị giết. 

Chúng tôi nộp hồ sơ và lên tiếng với chính quyền Nga nhiều lần nhưng đều bị làm ngơ dù có sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên cuối năm 2014, bất chợt cảnh sát liên bang Nga phá vỡ toàn bộ hệ thống “xưởng may đen” quanh thủ đô Moscow và giải cứu 6 nghìn người Việt. Đông đến nỗi họ phải dựng cả một doanh trại cho các nạn nhân tạm trú. Nguyên nhân là các hãng sản xuất hàng hiệu quốc tế dọa tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sochi, Nga, nếu không giải quyết tình trạng hàng nhái. Vì lợi ích kinh tế, chính phủ Liên Bang Nga đã truy quét các xưởng may đen của người Việt ở Moscow. 

Về nạn nhân của chính sách đàn áp tôn giáo thì in sâu trong trí nhớ của tôi là cảnh người chị của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hứu Tấn đến Quốc Hội Hoa Kỳ lên tiếng cho em mình bị cắt cổ chết trong đồn công an ngày 3 tháng 5, 2017. Hôm ấy có buổi điều trần do Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Christopher Smith chủ tọa và tôi là một trong số nhân chứng phát biểu. Sau buổi điều trần, tôi giới thiệu người chị với Dân Biểu Smith. Cô ấy quá xúc động, ngồi thụp xuống xin Dân Biểu Smith cứu mạng cho các thân nhân còn sống sót ở Việt Nam. Dân Biểu Smith vừa nắm tay chị kéo đứng dậy vừa nói khẽ: “Làm ơn, xin đừng làm thế.” Cũng không lay chuyển được chị, Ông bèn quỳ xuống theo. Tôi cũng quỳ xuống. Thế là cả 3 chúng tôi ở trong tư thế quỳ. Dân Biểu Smith an ủi người chị rồi quay qua nói nhân viên hợp tác với BPSOS để giải cứu cho thân nhân của anh Tấn ở Việt Nam. Vài năm sau, tất cả những ai bị nguy hiểm đều đã đến định cư Hoa Kỳ.

DB Smith, Ts. Thắng và người chị của Nguyễn Hữu Tấn, ngày 25/03/2017 (nguồn: video của RFA)

*Thưa TS, ở Việt Nam, theo ông thấy, những thành phần xã hội nào là chịu thiệt thòi nhất và có số lượng nạn nhân cao nhất?

Các cộng đồng sắc tộc và bản địa. Một cổ nhiều tròng, họ bị chính quyền khống chế về tôn giáo, bị ngăn cản việc bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ, bị cướp đất, bị phân biệt đối xử… theo chính sách. Các cộng đồng này không chỉ có văn hóa riêng mà còn có tôn giáo đặc thù như rất đông người Hmong và người Thượng theo Tin Lành, người Khmer Krom theo Phật Giáo tiểu thừa, người Chăm theo Hồi Giáo hoặc tôn giáo Bani… Nhà nước bằng mọi cách áp đặt sự kiểm soát lên niềm tin tôn giáo và nếp sống văn hóa của các cộng đồng này.

Điển hình là các đồng bào Khmer Krom. Họ theo Phật Giáo tiểu thừa và có giáo hội riêng. Các chùa của họ là nơi bảo tồn văn hóa và dạy ngôn ngữ Khmer cho lớp trẻ. Nhà nước sáp nhập giáo hội của họ vào dưới Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, một tổ chức ngụy tôn giáo do đảng và nhà nước cộng sản dựng lên năm 1981 để vừa làm “trợ cụ” đàn áp tôn giáo vừa đánh lận quốc tế là Phật Giáo được tự do hoạt động. Các vị sư và Phật tử Khmer Krom lên tiếng phản đối bị bắt hàng loạt. Điều trái khoáy là một số vị sư Khmer Krom tuyên bố rằng họ không thuộc giáo hội của nhà nước thì bị chính giáo hội này lột áo tu, rồi bị công an bắt giam và bị kết án tù. 

Đồng bào Chăm cũng thế. Các di sản tôn giáo và văn hóa của họ bị nhà nước tịch thu rồi biến thành nơi bán vé cho du khách thưởng lãm. Còn người Chăm thì không được tiếp cận để sinh hoạt văn hóa và tôn giáo của chính họ.  

Cho đến nay, nhà nước Việt Nam vẫn không công nhận ở Việt Nam có người bản địa mà chỉ xem họ là sắc tộc thiểu số. Quyền của người bản địa gắn liền với đất đai của tổ tiên. Nếu công nhận người bản địa thì không được cướp đất và di dời họ ra chỗ khác – dưới thời ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, hàng chục nghìn người Thượng bản địa bị di dời để chính phủ giao đất cho các công ty của China khai thác bô-xít.  

Các đồng bào sắc tộc và bản địa còn bị cán bộ địa phương lạm quyền hoặc những cá nhân cậy thế chèn ép, bóc lột. Do học lực thấp, kiến thức hẹp về luật pháp, sự giao tiếp trong xã hội bị hạn chế, họ không biết xoay xở ra sao, cầu cứu nơi đâu. Do họ sống ở vùng xa, rất khó để quốc tế tiếp cận và can thiệp. 

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến quyền và lợi ích của các đồng bào sắc tộc và bản địa.

Cuộc đàn áp thô bạo người Hmong theo đạo Tin Lành ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ngày 03/05/2011

*Thái Lan là điểm đến của rất nhiều nạn nhân Việt Nam bị đàn áp tôn giáo, người bất đồng chính kiến…vì ở đây có văn phòng của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tỵ nạn (UNHCR). Ông có thể nói về tình trạng người tỵ nạn Việt Nam tại đây trong những năm qua, họ gồm những thành phần nào, hoàn cảnh chung ra sao, khoảng mấy ngàn người và số lượng người được đưa đi định cư ở quốc gia thứ ba cho tới nay được khoảng bao nhiêu người, thưa ông?

Năm 1996, các trại tạm dung cho thuyền nhân ở Thái Lan và trong khu vực Đông Nam Á cũng như ở Hồng Kông đều đóng cửa. Chương lịch sử thuyền nhân vượt biển tìm tự do khép lại. Chuyện tị nạn Việt Nam tưởng chừng chấm dứt. Nhưng chẳng bao lâu sau, người Việt lại ra đi tị nạn. Năm 2001, 2004, 2008… nhiều đợt đồng bào Thượng bản địa phải chạy sang Campuchia và rồi Thái Lan lánh nạn sau khi công an đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình ôn hòa của họ nhằm đòi tự do tôn giáo và yêu cầu nhà nước ngưng cướp đất. Từ năm 2007, nhiều nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cũng bắt đầu chạy sang Thái Lan khi ông Nguyễn Tấn Dũng ra tay đàn áp khốc liệt. Cũng trong đợt này, nhiều nhà sư và Phật tử Khmer Krom chạy sang Campuchia và Thái Lan. Năm 2010 thì có vụ đàn áp thô bạo toàn thể Giáo Xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng – hơn130 giáo dân lũ lượt chạy sang Thái Lan lánh nạn. Rồi năm 2011, hàng trăm người Hmong theo đạo Tin Lành chạy sang Thái Lan sau khi cuộc cầu nguyện ôn hòa của 5 nghìn người Hmong ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bị công an, dưới sự chỉ đạo của Thứ Trưởng Công An Tô Lâm, đàn áp đẫm máu. Và đến nay hầu như tuần nào cũng có ít nhiều người Việt chạy sang Thái Lan để tìm sự bảo vệ của Cao Ủy Tị Nạn LHQ.

Không ai có con số chính xác bao nhiêu người từ Việt Nam đã đến Thái Lan lánh nạn trong hơn 20 năm qua. Chúng tôi chỉ có con số những đồng bào mà chúng tôi giúp đỡ, can thiệp, là khoảng 4 nghìn. Năm 2008 và 2009, tôi hướng dẫn nhiều đoàn luật sư đến Thái Lan để giúp một số đồng bào lập hồ sơ xin tị nạn.  Năm 2010, chúng tôi mở văn phòng thường trực vì con số người tị nạn Việt Nam đã tăng lên thành nhiều trăm. Hiện nay, văn phòng này là một trong 2 cơ quan duy nhất hỗ trợ pháp lý cho người tị nạn nói chung ở Thái Lan. Cơ quan kia, rất tiếc, gần đây bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ Hoa Kỳ cắt ngân khoản nên giảm hoạt động đáng kể. BPSOS không xin cấp khoản của bất kỳ chính phủ nào mà thuần túy trông cậy vào sự đóng góp của các nhà hảo tâm nên vẫn còn duy trì được hoạt động. Tuy nhiên, gánh nặng đè lên chúng tôi tăng lên đáng kể khi tổ chức kia giảm hoạt động.

Từ năm 2010 đến 2015, BPSOS can thiệp pháp lý cho khoảng 2 nghìn đồng bào xin tị nạn với tỉ lệ thành công khá cao: khoảng 1,500 người được xét tư cách tị nạn và trong số đó khoảng 800 người đã đi định cư ở một quốc gia thứ ba. Năm 2016 chúng tôi thành lập văn phòng Center for Asylum Protection (CAP) để hợp thức hóa và tăng cường sự trợ giúp pháp lý cho người xin tị nạn.

Từ 2016 đến nay, văn phòng này can thiệp cho khoảng 3000 người, phần lớn là đồng bào Việt Nam nhưng cũng có khoảng 20% là người China, người Campuchia, người Pakistan, người Nigeria… Tỉ lệ thành công của CAP khoảng 63%. Đến nay, tổng cộng khoảng 1900 người đã có quy chế tị nạn, trong đó khoảng 2/3 là người Việt. Trong số người Việt thì trên 500 người đã tái định cư ở một quốc gia thứ ba.

Nhu cầu của những đồng bào đến Thái Lan lánh nạn được chúng tôi phân loại theo ưu tiên về mức quan trọng gồm có: 

  1. Được bảo vệ an toàn: Sau khi trại Sikiew đóng cửa năm 1996, không còn trại tị nạn cho người Việt. Những ai sang lánh nạn ở Thái Lan sau này phải sống bất hợp pháp lẫn lộn với người dân Thái và có thể bị cảnh sát bắt bất kỳ lúc nào. Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát Thái bắt cóc một số người tị nạn để đưa về Việt Nam. Mới đây nhất là một người Hmong bị bắt cóc ngày 31 tháng 3, 2025; vài hôm sau, thân nhân ở Việt Nam được công an báo cho biết là người này đã về trong nước nhưng đến nay chưa dược gặp mặt. Trong đội ngũ luật sư của chúng tôi ở Thái Lan, có 2 luật sư người Thái chuyên trách can thiệp cho những trường hợp bị cảnh sát Thái bắt.  
  2. Được công nhận là tị nạn: Không kể số rất ít trường hợp ngoại lệ, chỉ những ai được Cao Ủy Tị Nạn LHQ công nhận tư cách tị nạn thì mới có cơ hội tái định cư đến một quốc gia thứ ba. Bằng không, họ phải sống bất hợp pháp vô hạn định ở Thái Lan.
  3. Sinh kế: Đây là thách đố rất lớn cho đồng bào. Vì bị xem là di dân bất hợp pháp, họ không thể tìm kiếm việc làm chính thức mà phải làm chui, thường là lao động chân tay. Một số chủ sử dụng lao động biết vậy nên quỵt tiền thù lao. Trong một số trường hợp, luật sư người Thái của chúng tôi dàn xếp để chủ phải trả tiền sòng phẳng nhưng không phải lúc nào cũng được.
  4. Y tế: Có 2 tổ chức cung cấp dịch vụ y tế căn bản. Nhưng nếu ngã bịnh hoặc cẩn giải phẫu thì người xin tị nạn phải tự bỏ tiền túi. Cả 2 tổ chức này cũng đang giảm dịch vụ vì cấp khoản của họ bị Hoa Kỳ cắt đi.
  5. Giáo dục: Trước đây, trẻ em tị nạn không được đi học. Khoảng năm 2011, một tình nguyện viên của BPSOS đã cùng với một số nhà hoạt động người Thái tranh đấu để các trường công lập nhận trẻ em tị nạn, nhưng chỉ đến hết trung học. Các em dù có giỏi cũng không thể đi xa hơn.
  6. Hoạt động: Nhiều người sau khi đã chạy thoát sang Thái Lan vẫn còn gắn bó với cộng đồng tôn giáo hoặc sắc tộc của họ ở Việt Nam. Chúng tôi có chương trình hướng dẫn, đào tạo họ về kỹ năng để có thể tiếp tục tranh đấu cho những người ở lại. 

*Được biết chính quyền Việt Nam cũng nhiều lần cho người sang khủng bố, bắt cóc người Việt tỵ nạn tại đây (như trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất, blogger Đường Văn Thái/Thái Văn Đường…) hoặc làm áp lực với chính phủ Thái Lan để dẫn độ họ về nước (như đang xảy ra với nhà hoạt động Y Quynh Bđap). Ông có thể nói thêm về điều này?

Vâng. Quốc tế không mấy ai nghĩ rằng chính phủ Thái Lan đàn áp tôn giáo vì quả thật họ không đàn áp tôn giáo của người dân Thái. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan lại hợp tác với các chế độ độc tài trong vùng để bắt bớ, bỏ tù và dẫn độ các nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo phải đến Thái Lan lánh nạn. 

Năm 2009, Thái Lan bắt và trục xuất 5 vị sư Khmer Krom đến từ Việt Nam; họ trục xuất sang Campuchia để rồi cảnh sát Campuchia giải giao cho công an Việt Nam. May mắn, các vị sư này được một tổ chức nhân quyền đem đi trốn rồi giúp quay lại Thái Lan vài tuần sau đó. Chúng tôi lập tức can thiệp với CUTN/LHQ để công nhận tư cách tị nạn và tái định cư họ đến các quốc gia Bắc Âu. Năm 2016, Thái Lan cưỡng bức hồi hương hơn 300 người Hmong Lào theo đạo Tin Lành về Lào dù tất cả đểu có quy chế tị nạn của CUTN/LHQ. Qua sự vận động của chúng tôi, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp đặc biệt và Thái Lan đồng ý cho số người này âm thầm quay lại Thái Lan để tái định cư Hoa Kỳ. Năm 2023, hơn 60 người Hoa theo đạo Tin Lành bị cảnh sát Thái Lan đưa ra phi trường để giao trả cho China. Chúng tôi phối hợp với tổ chức China Aid để chặn kịp thời. Sau đó, Hoa Kỳ nhận định cư tất cả số người này.

Riêng người Việt thì người ta nói đến 2 vụ bị bắt cóc: Ông Trương Duy Nhất và Ông Đường Văn Thái. Thực ra, còn có những trường hợp khác nữa. Như Ông Dương Văn Quân người Hmong theo Công Giáo bị bắt cóc đưa về  Việt Nam cuối năm 2013. Ông Quân bị tra tấn, ép cung, rồi bỏ tù khổ sai 5 năm. Sau khi ra tù, ông ấy chạy sang lại được Thái Lan. Cuối năm ngoái gia đình Ông Quân đã tái định cư ở Hoa Kỳ. Gần đây nhất là trường hợp Ông Dương Văn Thái, người Hmong theo đạo Tin Lành, bị bắt cóc ngày 31 tháng 3. Gia đình ở Việt Nam được công an cho biết là đã đưa về Việt Nam nhưng chưa cho gặp mặt.

Sau khi cảnh sát Thái Lan bắt và bỏ tù Ông Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Bộ Nội Vụ Việt Nam, chúng tôi khởi động cuộc vận động để chỉ ra cho quốc tế thấy rằng Thái Lan là công cụ đàn áp tôn giáo hộ cho các chế độ độc tài lân bang. Chúng tôi đã gom nhóm 48 người Duy Ngô Nhĩ vào với hồ sơ Y Quynh Bdap để vận động chung, đòi tự do cho họ. Tháng 3 vừa qua, khi chính phủ Thái Lan cưỡng bức hồi hương 43 người Duy Ngô Nhĩ về China, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio lập tức ban lệnh chế tài tất cả các quan chức Thái Lan chịu trách nhiệm. Hy vọng họ học bài học này. Chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc vận động cho 5 người Duy Ngô Nhĩ còn lại cùng với Ông Y Quynh Bdap trong bối cảnh chính phủ Thái Lan vừa tham gia Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Gặp gỡ các giáo dân từ Giáo Xứ Cồn Dầu vừa đến Thái Lan lành nạn, Bangkok, Thái Lan, ngày 04/07/2010

*Trong những năm gần đây, một phần do Việt Nam mở cửa có quan hệ làm ăn, đối tác với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, phần khác do tình hình thế giới đã thay đổi theo xu hướng quan tâm đến những vấn đề nội bộ của từng quốc gia nhiều hơn, ông nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng nhân quyền của Việt Nam cũng như mức độ hiệu quả trong nỗ lực công việc của các tổ chức XHDS nói chung và BPSOS nói riêng? Và các tổ chức XHDS phải làm gì?

Trong sách lược của chúng tôi, người Việt, ở trong nước và ở hải ngoại, mới là tác nhân chính cho sự thay đổi xã hội, thể chế, đất nước Việt Nam. Còn tình hình thế giới chỉ là yếu tố ngoại tại dù quan trọng. Khi lực và thế tổng hợp trong-ngoài của người dân đủ mạnh và vững thì sẽ khai thác được các yếu tố ngoại tại nhằm đẩy nhanh hơn cuộc thay đổi. 

Trong sách lược đó, chúng tôi tập trung xây dựng nội lực cho các cộng đồng tôn giáo, các cộng đồng bản địa, các cộng đồng sắc tộc thiểu số. Họ đã sẵn gắn bó vì cùng văn hóa, cùng niềm tin, cùng cảnh ngộ. Họ đã từng đấu tranh, từng chấp nhận hy sinh. Bột đã có, chỉ cần gột nên hồ bằng cách giúp họ tăng nội lực qua sự đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật và pháp lý dài hạn.

Để đẩy nhanh sự trưởng thành của các cộng đồng này, chúng tôi dùng mô hình “kết nghĩa” song đôi giữa một nhóm ở ngoài với một cộng đồng ở trong nước. Nhóm ở ngoài có thể tiếp viện trực tiếp cho cộng đồng ở trong nước rất nhiều những gì có sẵn: kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tài chánh, mối quan hệ quốc tế, tiếng nói ở các diễn đàn khu vực và thế giời.

Như vậy, mỗi cộng đồng tôn giáo, bản địa, thiểu số đều trở thành một tổ chức XHDS thực thụ vừa có nội lực ngày càng củng cố vừa được kết nối ngày càng bền chặt với quốc tế.

Ông Dương Văn Quân và gia đình được thân hữu tiễn chân ở phi trường Bangkok, Thái Lan, ngày 18/12/2024

*Câu cuối cùng, thưa TS, ông có suy nghĩ gì sau mấy chục năm hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền trước cột mốc 50 năm chiến tranh kết thúc và Việt Nam dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng Cộng sản?

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy 3 điểu kỳ diệu trong lịch sử cận đại của nước nhà. Điều kỳ diệu thứ nhất là thể chế Việt Nam Cộng Hòa, chỉ vỏn vẹn 21 năm, nếu là đời người thì vừa chớm tuổi thành niên, mà đã tạo dựng được cả một nền giáo dục khai phóng, âm nhạc vượt thời gian, rồi kiến trúc, nhiếp ảnh, phim ảnh, điêu khắc, hội họa… có thể sánh vai thế giới; một nền dân chủ tuy chưa hoàn hảo nhưng vượt xa nhiều thể chế trên thế giới ngày nay; và quan trọng hơn cả là văn hóa tình người, là ý thức nhân bản, là phong cách lịch lãm. Tất cả trong hoàn cảnh phải tái định cư ngót một triệu đồng bào di cư từ Bắc và liền sau đó là cuộc chiến bảo vệ miền Nam tự do. Đó chằng phải là một kỳ tích trong lịch sử nhân loại sao?

Điều kỳ diệu thứ hai là, trong chỉ nửa thế kỷ sau chiến tranh mà 5 triệu người Việt, trong đó có những thuyền nhân vượt biển tìm tự do, có những cựu tù cải tạo phải bỏ xứ ra đi, có những người đi lao động trả nợ cho nhà nước, có những sinh viên du học… đã tạo dựng nên những cộng đồng phồn thịnh ở khắp năm châu, vừa đóng góp cho quốc gia sở tại về kinh tế,  chính trị, văn hóa, tài năng, và tinh thần quả cảm lại vừa đau đáu hướng về đồng bào và quê hương. Đó là kỳ tích thứ hai.

Điều kỳ diệu thứ ba, chưa xảy ra nhưng chắc chắn sẽ đến một ngày không xa. Đó là, chính lực lượng người Việt ở hải ngoại này sẽ cùng với đồng bào trong nước tạo nên sự thay đổi cho đất nước, sẽ xây dựng nền dân chủ bền vững, sẽ khôi phục nền văn hóa nhân bản tình người, sẽ phát triển quốc gia về mọi mặt để sánh vai ngang bằng với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Tôi đinh ninh như thế vì rõ ràng người Việt ở khắp năm châu không chỉ thành công cho riêng mình; dù đã xa nghìn trùng, dù đã biệt xứ nhiều chục năm, họ vẫn hướng về đồng bào kém may mắn và sẵn sàng đóng góp công, của để cứu giúp người gặp nạn dù ở đâu đó trên thế giới hoặc ngay ở quê hương.

Chế độ cộng sản hiện nay sẽ chỉ là một dấu phẩy trên dòng lịch sử nước nhà.  

*Xin cảm ơn TS Nguyễn Đình Thắng về cuộc trò chuyện này.

Nhật Hiên (thực hiện)