Truyện ngắn Phạm Hòa Hiệp: Bà mẹ Nga-câu chuyện của người thầy dạy gôn

Từ khi chiến sự ở Châu Âu bùng nổ, tôi tự nhủ mình thay vì dành thời gian trước màn hình đọc những tin tức ngày càng bi thảm thì nên tìm đến sân vũ cầu, quần vợt và cả sân gôn.

Chiều hôm ấy, tôi hẹn một người bạn đã chơi gôn lâu năm, định nhờ bạn tập tành đôi chút. Lái xe đến sân gôn ở ngoại ô thành phố trước giờ hẹn, nhìn thảm cỏ xanh mướt, lòng cảm thấy thật dễ chịu, thật bình an. New Zealand đã vào đầu thu, trời không còn nắng gắt, những cơn gió nhè nhẹ, hứa hẹn một buổi đánh gôn tuyệt vời. Nhưng rồi tin nhắn đến, bạn xin lỗi không đến được, bạn phát hiện mới bị nhiễm Covid. Vì thấy buổi chiều quá đẹp, tôi không muốn về, một mình đẩy xe vào sân. Khi tôi phát quả banh đầu tiên, bay vào bụi cây, thì một người đàn ông trạc tuổi tôi tiến đến:

“Hình như anh mới chơi, anh nhặt tee lên đi kẻo quên. Nếu không phiền, để tôi chỉ cho anh một vài tip nhá.”

Người đàn ông khá cao, có khuôn mặt dễ nhìn, giọng trầm buồn, tự giới thiệu mình tên là Huy.

Cả buổi chiều hôm đó, Huy tập cho tôi những tư thế căn bản nhất, để làm sao phát trái banh bay thẳng, cao hơn, dù chưa bay xa được…

Ngoài những hướng dẫn về cách đánh gôn, Huy có vẻ không muốn nói chuyện nhiều. Nhưng qua những câu xã giao, tôi biết Huy là một doanh nhân, cũng là người Việt và cũng đến định cư ở xứ này cách đây không lâu, hiện đang sinh sống ở một thành phố khác.

Vì Huy lưu lại thành phố này một tuần và có thời gian, tôi nhờ Huy tập tiếp những ngày sau đó. Càng trò chuyện, tôi càng cảm thấy mến Huy, một người khá nhạy cảm, cũng có vẻ đọc rất nhiều, và ít khi phán xét, Huy cũng trò chuyện cởi mở hơn. Hôm qua, Huy có vẻ buồn hơn ngày thường, sau giờ tập, tôi mời Huy vào một quán bar trong thành phố. Sau khi đã uống cạn vài ly, tôi biết được câu chuyện cảm động của Huy và một cô bạn người Nga lai Việt.

***

Trong buổi hội thảo dành cho doanh nhân ở Hội An vào một mùa hè trước đại dịch, Huy làm quen với một phụ nữ trạc 40. Tên Việt nàng là Hạnh, Huy vẫn nhớ rõ tên Nga nàng là Tatiana. Hạnh có cha là người Nga, mẹ Việt, nàng sinh ra và lớn lên ở Mátxcơva (Moskva). Lúc 18 tuổi, Hạnh nổi loạn, giận gia đình, đặc biệt giận ông bố nghiện rượu và có tình nhân, nên nàng rời nước Nga và về quê hương của mẹ học đại học. Lúc mới sang Việt Nam, tiếng Việt của nàng chưa giỏi, nhưng sau 4 năm ở Sài gòn, nàng nói tiếng Việt không khác gì người Việt, với giọng miền Trung, nhưng chêm những từ lóng thường dùng ở Sài gòn thập niên 80-90 như “kết mô đen, “phê lắm”… Sau khi học xong cử nhân kinh tế, nàng quay lại Nga, lấy chồng, là một đại gia người Nga trong ngành may mặc. Hạnh cũng ở trong ngành thời trang, và từng làm người mẫu. Khi gặp Huy, công việc kinh doanh của Hạnh rất thuận lợi, với hàng chục cửa hàng thời trang ở khắp Việt Nam, và ở Đức. Công việc của nàng là đi đi về về giữa Nga, Việt Nam và Đức.

Lúc nghe Hạnh thuyết trình, Huy cảm thấy cuốn hút, không chỉ là nội dung của bài trình bày, mà khuôn mặt nửa Á, nửa Âu, nét Á nhiều hơn Âu, và thân hình mảnh khảnh của Hạnh.

Sau hội thảo, Huy mời Hạnh uống cà phê, vì chàng muốn tìm hiểu thêm về việc đa dạng những phương thức thanh toán quốc tế với các dự án nhỏ mà Hạnh vừa trình bày. Những ngày sau đó, hai người trở nên thân thiết nhanh chóng. Cả hai đều là doanh nhân thành đạt, điều có những mối quan tâm chung, đều yêu thích văn học Nga… Điều đáng nói là cả hai đều đang bắt đầu giai đoạn của cuộc đời mà người ta gọi là midlife crisis, mà có người nói là khủng hoảng tuổi trung niên, khi những sự nghiệp đã thành công, khi những đứa con đã bắt đầu lớn, và cũng bắt đầu cảm thấy, như ngày càng xa cách với người bạn đời mình…

Họ tiếp tục găp gỡ, uống cà phê nhiều lần, chat với nhau cũng rất nhiều. Hai người nói với nhau công việc làm ăn, về mọi chuyện, chia sẻ về gia đình của nhau.

Có lần họ chát vào quá nửa đêm, Huy hỏi:

Hãy kể cho anh nghe thêm về gia đình em:

“À con trai em Oleg vừa tròn 15 tuổi, rất mê võ thuật. Tanya 14, thích đàn dương cầm. Chồng em, ông bận bịu suốt. Còn anh, gia đình anh sao?’

“À vợ anh cũng đi suốt, và anh cũng không được vui lắm”

Ôi, cái tình bạn của một người đàn ông và phụ nữ, mà cả hai đều có gia đình vào độ tuổi midlife! Cái tình bạn, xây dựng trên những nỗi niềm, những điều rất tương đồng nhau, luôn muốn đồng cảm, muốn chia sẻ, sự thân thiết có lý nhất nhưng cũng thật là vô lý! Cái tình bạn, tưởng chừng như tri kỉ, xem nhau như là soulmate để có thể trải lòng, lấp đầy những nỗi trống trải, những nỗi cô đơn, những góc khuất trong tâm hồn mỗi người, rồi an ủi nhau mà người ngoài cuộc khó ai hiểu nổi. Cái tình bạn mà luôn hiện rõ lằn ranh đỏ, bên này là bạn bè san sẻ, bên kia có thể là vực thẳm của những đam mê, dục vọng mà người đời luôn mau miệng lên án!

Nhấp một ngụm whisky, Huy kể tiếp: Cái tình bạn mà dù cuốn hút đến đâu cũng không thể giữ như hiện trạng như đang có, và luôn có nguy cơ sẽ phải chấm dứt bằng những lý trí, nếu không sẽ đi tiếp vào con đường cụt.

Sau những đêm chát với nhau hàng giờ liền, ước muốn thân thiết hơn với Hạnh cùng những ý nghĩ tôi lỗi, dày vò, một ngày nọ không cưỡng được, Huy nhắn mời Hạnh đến một nơi, một quán bar trong một khách sạn tuyệt đẹp cạnh bờ biển. Ban đầu Hạnh nói Hạnh sẽ đến, nhưng Huy đến bar chờ quá giờ hẹn nửa tiếng, rồi nhận được text:

“Em xin lỗi anh. Em thật tình rất mến anh, dù còn sớm để có thể gọi là yêu anh. Chắc cũng như em, anh có thể đã đọc hàng trăm câu chuyện, xem hàng chục cuốn phim, những chuyện như thế này đa phần kết thúc thật tồi tệ, và những nhân vật bộc lộ tất cả, những góc khuất của cuộc đời. Chúng ta có thể đi tiếp, em có thể đến với anh, và đêm nay, chắc chắn sẽ ở trong vòng tay anh. Em không muốn nghĩ tiếp nữa. Dù đúng, dù sai, nhưng điều chắc chắn là những nhân vật khác, nhất là những đứa con, như Minh và Lan của anh, như Oleg, Tanya của em sẽ chịu thiệt thòi nhất. Chúng nó không đáng bị như vậy. Nên anh nhá, mong anh hiểu, chúng ta mãi là những người bạn tốt dù ta có thể sẽ không bao giờ còn gặp nhau nữa, em mong anh hiểu”.

Huy ngồi trong bar, đọc từng lời của Hạnh, nghĩ về nàng, gia đình nàng, và cha nàng. Huy hiểu, rất hiểu Hạnh, nàng đã làm một việc rất đúng, và rất đáng cảm phục. Nhưng những ngày sau đó trong chàng, dù không chút tự ái, vẫn thấy dâng tràn những nỗi niềm, những cảm giác đan xen khó tả, khi thì chấp nhận, và thấy cả hai đều may mắn vì dừng lại, nhưng khi thì nuối tiếc vô biên!

***

Năm sau Huy đem gia đình sang định cư ở nước ngoài, xa Việt Nam, xa Hội An, xa những chuyến công tác của Hạnh. Rồi tháng ngày trôi qua, dù xa cách, Huy vẫn thường nghĩ đến hội thảo Hội An năm nào, nhớ đến Hạnh, nhớ từng ánh mắt, từng câu nói, từng lời chát.

Những ngày chiến sự ở Ukraine, khi câu chuyện về nước Nga có ở khắp nơi trên mặt báo, Huy lại càng nhớ đến Hạnh. Huy nhớ có lần Hạnh nói, ông Putin chẳng lo gì cho dân, xã hội Nga chán lắm anh, công an luôn đòi tiền, công an Nga mà biết chữ “tiền” tiếng Việt luôn, những người bạn Việt làm ăn của em luôn than phiền vậy. Lần khác Hạnh nói, có thể em đem con đinh cư ở nước nào đó, em quen với xứ lạnh nên Canada là một trong những lựa chọn.

Rồi đến cái ngày mà phương Tây quyết đinh cắt nước Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đó là ngày Huy xót xa nhất cho Hạnh. Huy biết tất cả công việc làm ăn ở nước ngoài của Hạnh đều phụ thuộc vào SWIFT, giờ đây chắc chắn công việc kinh doanh của Hạnh, đã xây dựng hơn 15 năm nay tan thành mây khói. Những phân xưởng gia công quần áo để xuất khẩu của chồng nàng ở Nga cũng vậy.

Huy tìm Hạnh ở khắp nơi. Hạnh không có Facebook, chàng tìm qua những kênh khác, email nhiều lần, nhắn tin không được trả lời. Chàng cũng tìm lại số cũ của Hạnh ở Việt Nam, ở Nga, gọi điện cả hai số nhưng không có kết nối.

Huy chợt nhớ có lần Hạnh giới thiệu Huy với cô bạn thân của Hạnh ở Đức, để Huy có thể liên lạc hỏi thăm chuyện làm ăn cho một thương vụ xuất khẩu. Vẫn còn giữ số của Megel, Huy liên lạc ngay. Megel nói tiếng Anh không giỏi, pha nhiều tiếng Nga và tiếng Đức. Nhưng qua cuộc nói chuyện Huy cũng biết được, một tin, một tin rất buồn, còn buồn, còn bi thảm hơn cả vụ SWIFT ngàn lần. Cách đây vài năm Oleg con trai đầu của Hạnh, không biết vì sao không muốn học đại học, mà đăng lính. Cháu tử trận ngay ngày đầu tiên khi quân Nga tiến vào Ukraine ở mặt trận Donbas.

“Khi viên đạn xuyên vào một người lính, dù thuộc vào bên nào đi nữa, thực ra nó xuyên vào trái tim của một người Mẹ.”(Abraham Lincoln).

Và văng vẳng trong tai Huy lời của Hạnh năm nào:

“À con trai em Oleg vừa tròn 15 tuổi, rất mê võ thuật…”

“À chúng ta hãy sống, dù gì đi nữa, hãy vì những đứa con anh nhá!”

Phạm Hòa Hiệp