Đinh Quang Anh Thái: Một ngày Duy Dân, một đời Duy Dân

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là một người làm cách mạng.

Cuốn Hồi Ký của ông là hồi ký của một người làm cách mạng.

Ông là cán bộ Duy Dân Cách Mạng Đảng, dấn thân vào con đường làm cách mạng do kế thừa tinh thần và tấm gương của thân phụ ông là cụ Lang Nhân.

Đảng Duy Dân do ông Thái Dịch Lý Đông A sáng lập và là Bí Thư Trưởng của đảng. Cụ Lang Nhân hơn ông Lý Đông A 16 tuổi, và vì tâm phục-khẩu phục người bí thư trưởng nên tận tụy với lý tưởng Duy Dân cho tới cuối đời.

Giáo sư Hoạt, đi Mỹ du học năm 1967 do học bổng của Văn Hóa Á Châu cấp cho Đại học Vạn Hạnh chứ không chỉ đích danh cho cá nhân nào. Lúc bấy giờ, Giáo sư Hoạt là bí thư của Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh. Theo lời ông kể lúc ở chung phòng giam 10BC trại giam T30 Chí Hòa năm 1979, Thượng tọa Thích Minh Châu muốn cho ông đi du học để khi về sẽ giữ trọng trách cải tổ Viện Đại học Vạn Hạnh. Nhưng ông nói, “con là bí thư của thầy, thầy ưu ái cho con đi thì không công bằng với người khác, nên con xin thầy thông báo ai muốn đi thì nộp đơn.”

Trong hai người nộp đơn, ông Hoạt và một nữ sinh viên của trường, bài thi của ông được chấm điểm cao hơn nên ông được sang Mỹ học và trở về Việt Nam năm 1971 với văn bằng tiến sĩ ngành Quản trị Đại học. Ông được bổ nhiệm là Phụ tá Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh. 30 Tháng Tư 1975, nhiều bạn thúc giục ông ra đi nhưng Giáo sư Hoạt chọn ở lại. Ông nói với những bạn đồng tù, ông quyết định ở lại vì hai lý do: Về mặt tình cảm, ông không thể bỏ thân phụ ông ở lại một mình; và ông phải ở lại để cùng với những anh em đồng chí hướng mưu tìm đường thoát cho dân tộc khỏi sự cai trị của cộng sản.

Giáo sư Hoạt bị bắt lần thứ nhất tại nhà lúc 5 giờ sáng ngày 29 tháng 8 năm 1976. Tội trang ghi trong lệnh bắt là “phản cách mạng” và bị tù 12 năm không xét xử.

Những năm tháng chung phòng tù với Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nhiều bạn tù được ông giảng cho nghe về Chủ thuyết Duy Dân.

Thành thật mà nói, không dễ để hiểu được những điều ông Hoạt muốn trao truyền. Nào là “Trinh, Bình, Hòa…”; nào là “Trinh trên sắc tính”, “Bình trên nhu yếu tính”, “Hòa trên tự vệ tính”; rồi “thai giáo”, “tĩnh viên”, “chuẩn động viên”, “động viên”, “phục viên”, v.v.

Một số bạn tù thuộc lớp trẻ nói, “chịu thua, bí hiểm quá, không hiểu nổi.” Vị giáo sư “cả đời Duy Dân” Đoàn Viết Hoạt nói, ông Lý Đông A viết Chủ thuyết Duy Dân vào năm 1943, lúc đó tiếng Việt, về mặt triết học còn thiếu nhiều, thành ra phải dùng chữ Hán để sáng tác, nên có thể không thích hợp với ngôn ngữ của thời đại bây giờ. Và ông cam kết, nếu sống sót ra khỏi nhà tù, ông sẽ dành trọn thời gian viết về Chủ thuyết Duy Dân bằng ngôn ngữ dễ hiểu để truyền bá rộng rãi hơn.

Trong tù, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt từ lúc thức cho đến lúc ngủ, không giây phút nào không là người cán bộ “cả đời Duy Dân.” Ông kín đáo trao truyền lý tưởng ông đeo đuổi từ thời thành niên cho bạn tù nào muốn tìm hiểu, học hỏi.

Giáo Hoạt ra tù lần đầu tiên vào đầu năm 1988. Ông tiếp tục hoạt động và năm 1990, cùng với những người đồng chí hướng, bí mật in và phát tán tờ Diễn Đàn Tự Do.

Năm 1989, khối Cộng Sản Đông Âu tan rã; kế tiếp là Cộng Sản Liên Xô xụp đổ. Trong bối cảnh đó, một số anh em tại Nam California cho ra đời tờ báo Người Dân, không nhận quảng cáo, bằng tiền túi của mỗi người, in và gửi bằng bưu điện tới nhiều độc giả khắp các tiểu bang nhằm vận động mọi người góp phần vào triển vọng thay đổi chế độ độc đảng tại quê nhà.

Nhà báo Lê Thiện Tùng là một trong những người có mặt đầu tiên của tờ Người Dân. Một hôm, anh Tùng giao cho Người Dân một cuốn băng cassette thâu giọng một người đàn ông đọc một bài nhận định, phân tách tình hình Việt Nam và đưa ra những phương hướng đấu tranh chống chế độ đương quyền.

Người Dân đánh máy nguyên văn nội dung cuốn băng, in nhiều ngàn bản với tựa đề “Thư Quốc Nội”, phổ biến rộng rãi tại Mỹ.

Sau này, lúc gặp lại Giáo sư Hoạt tại Bangkok-Thái Lan vào Tháng Chín năm 1998, ông kể: Một người bạn trẻ tên là Nguyễn Xuân Phước giới thiệu với ông một người Ấn Độ, đại diện một tổ chức giáo dục Singapore sang Việt Nam làm việc. Người Ấn Độ đó hỏi ông Hoạt có gì muốn chuyển ra ngoại quốc không vì ông ta có visa ngoại giao nên không bị xét. Giáo sư Hoạt đã nhờ ông Ấn Độ này cầm cuốn băng Toàn Dân Vận Động Cho Dân Chủ để chuyển ra ngoài và tờ Người Dân đã in toàn bộ nội dung với tựa đề Thư Quốc Nội.

Cán bộ “một đời Duy Dân” Đoàn Viết Hoạt bị bắt lần thứ nhì tháng 11 năm 1990. Lệnh bắt qui chụp ông tội “tuyên truyền chống chế độ”.

Thế là cán bộ “một đời Duy Dân” lại tiếp tục ăn cơm tù và tiếp tục rao giảng Duy Dân cho những người đồng cảnh ngộ.

Giáo sư Hoạt ra tù lần thứ nhì năm 1998.

Trong Hồi Ký, Giáo sư Hoạt cho biết, chiều ngày 31 tháng 8 năm 1998, ông được được đưa vào một căn buồng khách khá sang trọng. Hai ba người công an đã ngồi chờ sẵn. Có cả một người Mỹ là nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ. Người Mỹ đưa cho ông một cuốn sổ thông hành đã được làm sẵn, rồi nói, “Mai ông sẽ lên đường sang Mỹ đoàn tụ với gia đình.” Sáng hôm sau, một công an vào buồng giam gọi Giáo sư Hoạt ra và đọc cho nghe lệnh «đặc xá» trước khi đưa ra phi trường để tống xuất đi Mỹ. Vốn vẫn từ chối ra khỏi nước, vẫn muốn ở lại trong nước để tiếp tục vận động cho tự do dân chủ và nhân quyền, giáo sư Hoạt yêu cầu tay công an cho ông lệnh «đặc xá» này để làm kỷ niệm – nghĩ rằng có thể dùng lệnh này để ra khỏi trại giam và ở lại Việt Nam nhưng tay công an từ chối.

Giáo sư Hoạt được đưa ra phi trường Nội Bài. Một ký giả người Canada là Frederik Balfour làm việc cho hãng thông tấn AFP đã tìm cách biết được chuyến bay của ông, mua vé đi chung chuyến bay, để là ký giả đầu tiên phỏng vấn ông. Ngay trên máy bay, ông Frederik Balfour phỏng vấn Giáo sư Hoạt về đời sống trong tù, về những suy nghĩ của ông đối với cộng sản và về những dự tính của ông trong những ngày sắp tới. Tới Bangkok, ông Frederick Balfour đưa Giáo sư Hoạt tới tận buồng khách sạn và tối hôm đó, nhà báo này mời ông ăn cơm với cùng với một ký giả của báo Time. Câu chuyện xoay quanh các trại tù ở Việt Nam, và tình hình Việt Nam.

Trong Hồi Ký, Giáo sư Hoạt viết: Sau bữa ăn với hai ký giả AFP và Time, tôi về đến buồng ngủ thì gặp Ðinh Quang Anh Thái vừa từ Mỹ qua. Tôi rủ Thái sang ngủ cùng buồng với tôi để anh em tha hồ trò chuyện. Từ ngày tôi từ khu BC chuyển sang khu FG ở Chí Hòa năm 1982 tới nay đã 16 năm rồi chúng tôi mới lại gặp nhau. Thái ra tù trước tôi và vượt biên sang Mỹ. Mười sáu năm xa cách nhưng chúng tôi như vẫn gần nhau, vì cả hai chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau cùng một giấc mơ, cùng một cố gắng.

Thấm thoát mà đã 24 năm, kể từ ngày đón Giáo sư Hoạt tại Bangkok. Mỗi người một tiểu bang, mỗi khi điện thoại thăm hai ông bà, hỏi hiền thê của ông là Giáo sư Trần Thị Thức, “chị ơi, ông anh của em ra sao rồi”, lần nào câu trả lời cũng kèm theo tiếng cười hồn nhiên, “ông anh của chú vẫn vậy, cả ngày lo việc Thắng Nghĩa, tới giờ cơm ngồi vào bàn, sau đó lại dính vào việc Duy Dân cho tới lúc đi ngủ!”

Thắng Nghĩa là một phần tư tưởng của Duy Dân. Và Giáo sư Hoạt từ ngày buộc phải “tự do trong lưu đầy” đã gầy dựng được mạng lưới cán bộ Thắng Nghĩa ở nhiều nơi.

Giáo sư Trần Thị Thức, hiền thê của Giáo sư Hoạt cũng du học ở Mỹ năm 1968, ngành Tâm Lý Thanh Thiếu Niên. Hai ông bà lấy nhau 1966 tại Sài Gòn, sau đó, bà sang Mỹ sau ông cùng với con trai đầu lòng, rồi cùng chồng con về lại quê nhà năm 1971. Hai cháu trai kế tiếp chào đời tại Sài Gòn.

Đầu tháng Ba 2022, thăm ông bà Giáo sư Hoạt-Thức tại Virginia. Bữa cơm trưa có hai vợ chồng Minh Tùng-Hồng Thục thuộc lớp tuổi 50. Suốt bữa cơm, ông Hoạt nói về Duy Dân với hai bạn trẻ mới quen. Ông Hoạt nói, tuần nào ông cũng sinh hoạt với một số anh em. Ông mời Tùng-Thục đến nhà ông “mỗi tuần để cùng trò chuyện, trao đổi.” Và như vậy chắc là Giáo sư Thức sẽ lại tiếp tục cặm cụi lo trà bánh, cơm nước cho chồng thù tiếp những bạn đồng chí hướng, y như cụ bà thân mẫu của Giáo sư Hoạt.

Còn nhớ căn nhà của hai cụ thân sinh Giáo sư Hoạt trên đường Trương Minh Giảng-Sài Gòn. Hầu như lúc nào ghé đến thăm Giáo sư Thức đang ở với bố mẹ chồng, cũng được cụ bà cho ăn cơm. Cụ bà nói, đã có thói quen từ ngày lấy cụ ông, là cứ sẵn nồi cơm, bát canh, để các đồng chí của cụ ông tạt ngang dùng bữa. Cụ bà bảo “cả những người không biết là ai, cứ đến là có cơm ăn.”

Có lần mời ông bà Giáo sư Hoạt dùng cơm ở California, xong bữa, ông Hoạt điềm nhiên rời bàn ăn ra phòng khách ngồi để tiếp tục đề tài Duy Dân đang dở dang với một số bằng hữu. Hỏi con trai út của ông bà Hoạt, rằng ở nhà, bố có giúp mẹ rửa chén-bát không, cháu cười bảo, không bao giờ, vì bố mải làm cách mạng nên mẹ quán xuyến hết.

Chia tay ông bà Hoạt, ra tới cửa, ông Hoạt còn nói vói theo cặp Tùng-Thục, nhớ nhé, mỗi tuần một lần nhé.

Đúng là mẫu người suốt đời làm cách mạng, tuổi ngoài 80 mà lửa vẫn cứ hừng hực cháy trong lòng.

Hướng Đạo sinh có tâm niệm: Một ngày Hướng Đạo, cả đời Hướng Đạo. Với Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Một ngày Duy Dân, cả đời Duy Dân.

Đinh Quang Anh Thái