Hạ Quyên: An nhiên tự tại trong nhà tù

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nguyên phụ tá Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh (Ảnh: Uyên Nguyên)

Tin buồn: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, luôn tranh đầu cho nền Dân Chủ tự do của Vệt Nam, đã ra đi chiều ngày thứ tư, 14 tháng 5, 2025 tại Quận Cam, California –trong niềm thương tiếc lớn lao của gia đình và bè bạn.

Xin đăng một bài về Giáo sư, viết khi ông mới qua Mỹ, 1998, như một lời phân ưu với chị Thức và các cháu.

Thương tiếc vô cùng, người bạn cố tri rất dễ mến của chúng tôi từ 1964 tới nay…

***

        Trước khi tới gặp Người Tù Lương Tâm của cả thế giới – Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, tôi không bao giờ tưởng tượng ông lại minh mẫn và an nhiên tự tại như vậy sau khi đã bị giam giữ tổng cộng tới 19 năm trong nhà tù Cộng Sản. Tay bắt mặt mừng, nụ cười Đoàn Viết Hoạt vẫn hồn nhiên cới mở như lần sau cùng tôi gặp, cách đây hơn hai mươi lăm năm; giọng nói vẫn ấm áp, chân thành. Tuy áp huyết rất cao, mắt rất mờ vì chưa có kính cho đúng độ (ông cận thị rất nặng, mắt kính chưa được phép thay từ tám năm nay dù thân nhân đã nhiều lần yêu cầu). Bệnh sạn thận vẫn hành ông, nhưng Đoàn Viết Hoạt làm chúng tôi kinh ngạc và vui mừng. Trong mấy ngày ở bên gia đình ông, chúng tôi thấy ông vẫn sinh hoạt rất bình thường, không có vẻ gì khác, ngoài thái độ trầm tĩnh hơn nhiều so với thời trên ba mươi tuổi. Gần hai thập niên bị giam giữ trong nhà tù Cộng Sản, hình như ông không bị hề hấn gì bao nhiêu. Ông cho biết, chính nhờ tập Thiền, tập Yoga và thể dục đều đặn mà ông giữ được thân an, tâm lạc trong bấy nhiêu năm tù tội. Mỗi ngày, cho tới khi được thả, trừ những ngày bị cùm trong xà lim, ông đều đi đi lại lại cho đủ 2 cây số, trong không gian hạn chế 4mx4m của phòng giam, hay trong cái sân 4mx6m.

Nổi tiếng khắp thế giới là Người Tù Lương Tâm của nhân loại, Đoàn Viết Hoạt đã được trả tự do cùng với Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế và các Hòa thượng Quảng Độ, Thượng tọa Trí Siêu, Tuệ Sĩ, các ông Đồng Tuy, Lý Tống, Trần Mạnh Quỳnh, v.v… nhân khi chính phủ Cộng Sản ân xá cho 5000 tù thường phạm. 

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam đưa thẳng Đoàn Viết Hoạt ra máy bay, buộc ông rời khỏi Việt Nam. Đó là điều kiện ông phải chấp nhận để được ra khỏi nhà tù. Khi máy bay cất cánh, nhìn xuống quê hương qua ô cửa kính, ông bật khóc như một em nhỏ bị xa mẹ khiến cho một anh phóng viên đài AFP ngồi cạnh chỉ biết vỗ vai ông an ủi một cách ngậm ngùi. Người phóng viên người Canada này đã mua được vé ngồi cạnh ngay người tù mới được thả, suốt dọc đường chăm sóc ông thật ân cần. Năm ngoái, một phóng viên người Pháp cũng đã thuê xe vào tới tận trại Thanh Cẩm để quay phim và tìm tin tức về Đoàn viết Hoạt.

Cuối tháng 7/98 vợ ông là bà Trần thị Thức về tận trại tù Thanh Cẩm thăm ông sau khi Cộng Sản Việt Nam nhượng bộ vì chính quyền Hoa Kỳ tích cực can thiệp. Suốt tháng 8, ông Hoạt bị “làm việc” liên tiếp với các nhân viên cao cấp bộ Nội Vụ. Họ vô trại giam để thuyết phục, để giả vờ “hỏi ý kiến” và tranh luận một lần nữa với Đoàn Viết Hoạt – nhưng thật tình mục đích của họ là muốn dò dẫm và cuối cùng tìm cách dụ dỗ, ép buộc ông ký vào một “Đơn Xin Đặc Xá”.

Với kinh nghiệm sống 19 năm trong nhà tù, Đoàn Viết Hoạt đã phải đấu trí liên tục với những người cán bộ này, giữ vững ý định chỉ “đi chữa bệnh và đoàn tụ gia đình”. Ông nhắc lại với cc cán bộ: “tôi không chấp nhận tòa án xử tôi, không chấp nhận bản án vô lý phi pháp, vì tôi tranh đấu đòi dân chủ, hợp với những điều ngay trong hiến pháp các ông đã viết….tại sao không có tội gì tôi lại phải xin Đặc Xá? “.

Tuần này qua tuần khác, qua bao lần tranh luận, Đoàn Viết Hoạt vẫn khăng khăng giữ ý định của mình. Ông cũng lý luận để cán bộ Cộng Sản thấy là họ đã kỳ thị, đã đối xử bất công với người miền Nam: “So tôi với các ông đảng viên Cộng Sản như các ông Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, v.v. thì các ông kia chống đảng Cộng Sản bằng những lời lẽ dữ dội hơn nhiều, cớ sao họ không phải ra tòa hoặc chỉ bị xử tù 1 năm, còn tôi thì bị tù 15 năm?…” Đối đáp, dọa nạt và lý luận nhiều buổi cũng không lay chuyển nổi Đoàn Viết Hoạt, mấy người của chính quyền Cộng Sản cuối cùng đành chịu thua cái lỳ của ông vì dù bị đe dọa sẽ tiếp tục ở tù lâu nữa, ông vẫn nhất định không ký Đơn Xin Đặc Xá, mà chỉ chịu viết đơn xin “đi chữa bệnh và đoàn tụ gia đình”. 

Cho tới cuối tháng 8, ngày 26, bộ Chính Trị Cộng Sản mới quyết định thả ông, tống xuất ra phi trường qua Mỹ ngay ngày 2/9. Họ vô trại giam chụp hình làm hộ chiếu, và hai ngày sau đưa ông ra Hà-Nội, giam giữ trong khách sạn trong khi làm thủ tục trả tự do cho ông.

Đoàn Viết Hoạt cho biết, ngày 28/8, khi trưởng trại giam vô bảo ông thu dọn đồ đạc chuyển đi nơi khác, họ vẫn không cho ông biết sẽ đi đâu. Ông phải mang theo tất cả nào soong nồi, nào mì gói, quần áo tù, chăn mền… .Ông hoài nghi, vẫn không chắc mình có được thả hay không, cho tới lúc vô ở khách sạn tại Hà-Nội, được đối xử “khác hẳn ngày thường”. Trước khi rời Việt Nam để qua Thái Lan rồi sang Mỹ, ông chỉ được Cộng Sản chấp thuận hai điều : gặp mấy người em (từ Saigon bay gấp ra) và được đi nhìn qua thành phố một vòng (trong xe hơi). Các em ông cấp tốc bay ra Hà Nội, mang quần áo cho ông, chỉ kịp gặp để ông thay quần áo rồi tiễn ông ra phi trường.

Trong thời gian 4 năm chót, ông Hoạt bị nhốt riêng biệt tại nhà tù Thanh Cẩm, trong rừng sâu vùng Thanh Hóa. Khi thấy Đoàn Viết Hoạt bị áp huyết rất cao, sợ ông bị đứt mạch máu não (stroke) bất tử, trưởng trại tù Thanh Cẩm đã phải cho một tù nhân khác vào phòng ở chung với ông để canh chừng, có chuyện gì thì kêu cấp cứu ngay. Ông cho biết, vì áp lực rất mạnh của thế giới bên ngoài nên chính quyền Cộng Sản mới “lo, sợ ông chết trong tù thì mang tiếng nặng” mà làm vậy. Vợ ông, bà Trần Thị Thức, được cộng đồng người Việt khắp nơi hỗ trợ, đã lên tiếng tại quốc hội nhiều nước (Mỹ/Pháp/Nhật/Gia Nã Đại …). Các hội Văn bút của nhiều quốc gia nhận ông làm hội viên danh dự để đòi Cộng Sản trả tự do cho ông. Nhiều tổ chức quốc tế phát giải thưởng cho Người Tù Lương Tâm Đoàn Viết Hoạt…. nên kể từ mấy tháng dầu năm 1998, Cộng Sản đã phải đổi thái độ với ông. Nhất là sau lần bà Thức qua Nhật lãnh giải “Ngòi Bút Vàng” cho chồng. Bà được gặp riêng Hoàng Thái Tử và Công Nương Nhật Bản. Họ cũng đã rơi lệ khi nghe bà Thức đọc diễn văn nhận giải thay chồng. Sau đó, chính phủ Nhật liên tiếp can thiệp với nhà cầm quyền CSVN, trực tiếp đòi họ phải thả Đoàn Viết Hoạt, cùng với đòi hỏi của nhiều đoàn thể văn hóa cùng sức ép của các chính phủ khác. Nhật Bản đang là quốc gia tài trợ và đầu tư rất nhiều tại Việt Nam.

Theo phán đoán của ông Hoạt, sở dĩ Cộng Sản cho phép bà Thức về thăm ông kỳ vừa qua, vì họ đã quyết định phải thả ông cùng với mấy người khác, nhưng lại không muốn cho ông ở Việt Nam một ngày nào. “Chắc họ mong vợ tôi sẽ khuyên tôi qua Mỹ đoàn tụ gia đình, để họ có thể đưa tôi từ nhà tù ra thẳng máy bay như vậy…” Cách đây mấy năm Cộng Sản đã thả Luật Sư Đoàn thanh Liêm theo cách đó. Bà Thức cho biết, khi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp để bà được về thăm ông Hoạt, vô tới trại giam bà mới biết ông bị áp huyết rất cao, phải có người ở cùng phòng kèm bên suốt ngày. Bay nửa vòng trái đất về tới Hà-Nội, bà Thức thuê xe vô nhà tù ngay, nhưng bà phải ngồi chờ nửa ngày để làm cho xong thủ tục của trại giam. Trong lúc chờ đợi đó, bà rất hồi hộp, lo lắng, “không biết ổng đã bị tai biến mạch máu não lần nào chưa? Liệu có còn đi đứng được hay đã bị tê liệt, phải ngồi xe lăn rồi….?”. Sau nhiều giờ đấu lý gay go với ban quản trại, bà Thức mới được gặp chồng trong nửa giờ thay vì 15 phút như họ định cho phép lúc đầu. Suốt cuộc gặp gỡ, có 5 người công an ngồi kế bên hai ông bà để nghe và kiểm soát. Bà Thức bị hạn chế, không được nói bất cứ câu nào về chính trị, thông tin, ngoài chuyện gia đình con cái, nếu không sẽ bị trục xuất ngay. Nhìn chồng mặt đỏ khác thường vì áp huyết quá cao, bà năn nỉ ông “hãy xin đi chữa bệnh một thời gian cho khỏe đã”.

Đoàn Viết Hoạt cho biết thêm, khi bà Ngoại trưởng Mỹ đích thân đưa các lá thư của bà và các con ông Hoạt, yêu cầu ngoại trưởng Việt Nam chuyển thơ của vợ con cho ông hồi đầu năm 1998, ông đã tiếp nhận được lời nhắn của cháu út, và quyết định qua Mỹ từ đó. Trong lá thư, cháu Thiếu Khanh viết: “Bố đang chèo thuyền ngược giòng sông…nay người ta xây đập, bố không thể đi tiếp được nữa, thì liệu bố có nên lên bờ, vác thuyền đi bộ tới khúc sông trên rồi chèo tiếp, hay bố cứ gác mái chờ hoài…cho tới chết?”.

Kể lại thời gian ở Thanh Cẩm, Đoàn Viết Hoạt cho biết suốt 4 năm, ông chỉ được gặp thân nhân mỗi năm một lần, mỗi lần ít phút. 

Gần 1500 ngày sống một mình trong phòng giam kiên cố, không có lấy một mẩu giấy, cái bút; không có báo chí, radio hay bất kỳ cuốn truyện, sách nào (kể cả truyện Kiều họ cũng không cho phép đọc vì sợ có mật mã trong đó!), Đoàn Viết Hoạt chỉ sống với cái Thân và Tâm của chính mình. 

Mỗi ngày ông chỉ nhìn thấy người đưa cơm nước vô cho ông, họa hoằn lắm hắn mới mở miệng nói! Ngoài khi bị hỏi cung, ông không được tiếp xúc với ai, với bất kỳ sinh vật nào. Có lần cứu một con chào mào bị thương bay lọt vào phòng, bầu bạn với con chim vài ngày, ông cũng bị mất nó vì người cai tù đuổi cho chim phải bay đi! Theo ông: Những con người không có chút lòng nhân đó có lẽ đã sống mà khổ sở hơn tù nhân nhiều, dù chỗ ở và thức ăn của họ thì trăm phần đầy đủ hơn.

Với cái Tâm sân si, hẹp hòi và đố kỵ, họ phải tìm niềm vui trong việc hành hạ người khác!

Rừng sâu núi thẳm của xứ Thanh Hóa chỉ vọng tới tai ông những tiếng gầm gừ khi trời mưa gió bão bùng. Ông thật sự phải biết “Sống Một Mình” với 4 bức tường của phòng giam và 4 bức tường khác rất cao bít quanh cái sân xi-măng phía ngoài. Tuy có thể bước ra cái sân nhỏ bên ngoài để thấy trời mây cao tít mù khơi, nhưng chút không gian ông được hưởng đó chỉ là nơi hứng mặt trời gay gắt, không có một chút bóng mát của cây xanh. Cái nóng khủng khiếp của mùa hè nhiều lần đã làm cháy cả mấy ngọn rau ông trồng trong luống đất bên rìa sân. Những cây rau cải hay vài cây hoa nhỏ trong sân, là những sinh vật duy nhất nuôi dưỡng Đoàn Viết Hoạt trong 4 năm biệt giam đó. Vợ ông đã gửi vô cho ông một số hạt rau và hoa để ông tự trồng, vừa có chất tươi ăn, vừa có chút màu sắc sinh động để ngắm nhìn giải trí.

Nhìn vào sự tăng trưởng của hoa lá, ông thấy sự sống màu nhiệm còn hiện diện! Những hơi thở và cử chỉ có ý thức của chính ông là Sự Sống mà không ai có thể chiếm đoạt hay kiềm chế, thay đổi được. Những cảm nghĩ và tư tưởng tự do trong đầu ông ngày đêm nuôi dưỡng và giúp ông thêm năng lực phấn đấu, sống an nhiên tự tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt của phòng biệt giam.

Đoàn Viết Hoạt cho biết Cộng Sản không thể đụng tới chứ đừng nói tước đoạt được Hạnh Phúc và Tự Do trong tâm ông.

“Nếu tôi không có Thiền và Yoga. thì tôi đã chết từ lâu…Tôi rất mang ơn vị Thầy đã dạy tôi Duy Thức trong trường Cao Đẳng Phật Học Nam Việt từ những năm 1964-1965. Chính những bài học này đã giúp tôi nhiều nhất khi sống trong tù, để tôi không bị loạn trí hay mát giây (insane). Tôi biết cách chăm sóc tiềm thức tôi để không bị những cảm thọ buồn khổ, bi quan chúng nắm lấy tâm mình. Tôi thiền tập trong mọi sinh hoạt, đôi khi cũng trì niệm Phật khi thấy mình yếu lòng tin hay nản chí. Áp dụng Duy Thức vào việc nhìn ngắm tâm mình, cũng giống như trong mình có một vị thầy, một nhà trị liệu tâm lý, sẵn lòng giúp mình giải tỏa được những phiền não để có thể sống với thực tại trần trụi của nhà tù. Hầu như rất ít khi tôi mất ngủ hay ngủ không yên giấc, ăn cơm trong tù, tôi vẫn thấy ngon miệng. Khi trở về với hơi thở, khi sinh hoạt với cái tâm tỉnh thức, tôi có thể vui sống được cả cái không khí nóng bức hay lạnh giá khi nằm trên cái bệ xi-măng tức là giường ngủ trong đó.

 “Mùa hè, mỗi lúc trời mưa là một hạnh phúc lớn, tôi tắm mưa như thời còn nhỏ. Tôi cũng nhắn gia đình gửi cho một cái áo mưa quân đội (poncho), buộc túm lại làm mái hứng nước mưa vào cái bể họ xây trong sân. Vậy là tới mùa mưa, tôi tha hồ dùng nước mưa, vừa trong vừa ngọt. Hầu như tôi giữ được sự bình thản, cho dù họ cố tình hành hạ tinh thần tôi bằng đủ cách.

Đoàn Viết Hoạt cho biết tại Thanh Cẩm, hàng ngày ông thường hát và nói tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh một mình “cho khỏi quên tiếng nói, nhất là để cho tai mình được nghe tiếng người!”. Có lần cai ngục chế riễu ông: “Tối anh ra sân hát phải không? Chắc anh có giọng hay lắm nên trưởng ban văn nghệ dưới kia đang xin cho anh được gia nhập họ để hát đó!”. Hoạt kể lại, coi đó là một trong những chuyên vui của ông trong nhà tù. Ông cũng kể tới kinh nghiệm “chế và mặc máy lạnh cá nhân” vào người cho đỡ nóng vì nhiệt độ quá cao: “Trời nóng hừng hực, phòng giam thấp và kín, ngoài sân thì nắng chói chang….tôi phải xé cái quần làm hai mảnh, nhúng nước rồi mặc lên người cho dễ chịu hơn. Chừng hơn nửa giờ sau, nước bốc hơi, quần áo khô bớt, tôi lột ra nhúng nước rồi đắp lại….Cứ như vậy cho tới khi mặt trời đã lặn về tây. Tôi riễu mấy anh cai tù, gọi mấy miếng vải đó là “máy lạnh cá nhân”.

Phòng giam kế bên Đoàn Viết Hoạt bị để trống vì chính quyền Cộng Sản muốn cô lập ông hoàn toàn, không thể tiếp xúc được với các tù nhân khác. Sau 15 năm lăm giam giữ ông tại nhiều nhà giam khác nhau, dù có nhốt trong kiên giam, Đoàn Viết Hoạt cũng vẫn tìm cách liên lạc được với thế giới bên ngoài, qua trung gian một số tù nhân cùng trại. Ông vẫn chuyển được bài viết ra (thời gian đầu) và ông vẫn truyền đạt được nhiều tư tưởng tự do dân chủ cho những người cùng bị giam giữ….Vì vậy, lần chuyển trại chót, chính quyền đã nghĩ ra được thượng sách: mang Đoàn Viết Hoạt vào khu biệt giam trong trại tù Thanh Cẩm tận miền Bắc Trung Việt. Giam ông ở một mình trong căn phòng vẫn dùng để giam nhiều người, cách hẳn các phòng khác để ông không thể gõ vào tường mà thông tin với ai được nữa. 

        “- Ấy thế mà…Ông kể tiếp – tôi vẫn có cách.

         – Cách gì?

         – Tôi sẽ không nói ra đâu, vì mấy chú trong đó sẽ bị khổ thôi. Nhìn qua khe cửa, tôi chứng kiến cảnh nhiều tù nhân bị đánh đập dã man vô cớ, nên tôi viết một lá thư tố cáo, được một anh tù thường phạm nhờ thân nhân chuyển ra ngoài.

Tuy Đoàn Viết Hoạt bị biệt giam, các tù nhân thường phạm cho ông biết (bằng những cách bí mật chưa thể tiết lộ bây giờ,) các vụ đánh đập tù nhân bằng cán quốc, các vụ hăm dọa tù nhân bằng cách bắt đứng trong hố, lấp đất xuống chôn, chỉ để hở cái đầu trên mặt đất. Ông Hoạt đã viết tất cả các điều đó trong lá thư tố giác. Khi điều này tới tai chính phủ Hà Nội, thì họ cho người xuống thanh tra và cách chức viên Giám thị Trực trại, và cũng cho các người tù ăn cơm độn ít khoai, bắp hơn trước. “Nhưng từ đó, cánh cửa nhỏ thông từ sân phòng giam tôi với sân nhà tù bị bịt kín mít, không còn kẽ hở nào để tôi có thể nhìn thấy ai bên ngoài nữa. Lúc họ tới tiếp tế đồ ăn, họ cũng không cho tôi kịp ngó ra sân, đóng ập ngay cổng lại! “

Ông Hoạt cũng cho biết tù hình sự khắp các trại giam, có dịp họ vẫn cho ông biết tin tức bên ngoài, cả tin tức về việc tranh đấu của Việt kiều hải ngoại, và tin tức quốc tế nữa, vì họ lén nghe các đài phát thanh ngoại quốc. Ông cho rằng sức ép của các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã giúp rất nhiều cho những người bị giam cầm, nhất là tù nhân chính trị, để họ có hy vọng và tiếp tục sống còn. Ông biết cũng nhờ thế lực quốc tế nên ông không bị Cộng Sản ám hại hay hành hạ thể xác, họ chỉ có thể hỏi cung, dọa dẫm và tìm cách áp đảo tinh thần ông mà thôi.

Trong bản thông cáo đầu tiên gửi cho báo chí sau khi bước xuống phi trường Los Angeles ngày 4/9/98, giáo sư Đoàn Viết Hoạt viết:

       “Tôi xin gửi lời cảm ơn tới những Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế, các chính phủ và các Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại trong thời gian qua đã không ngừng quan tâm và can thiệp cho tôi.

Tôi kêu gọi dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại tiếp tục áp lực chính quyền Cộng Sản Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ

Sự giúp đỡ quốc tế cho Việt Nam sẽ đóng góp vào việc phát triển đất nước nếu thúc đẩy hình thành được một môi trường tinh thần và văn hóa tự do và cởi mở. Không có dân chủ, không có tư tưởng và tự do chính trị thì mọi giúp đỡ của quốc tế chỉ vô tình đóng góp vào việc làm mạnh thêm chế độ độc tài hiện nay ở Việt Nam.      

Trong khoảng mười năm nay, những thành quả văn hóa và tinh thần của cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong mọi từng lớp nhân dân trong nước, kể cả nhiều cán bộ đảng viên Cộng Sản. Những thành quả này cũng đang giúp hình thành mặt trận đối kháng tinh thần và văn hóa dù còn thầm lặng nhưng

mãnh liệt giữa toàn dân và ban lãnh đạo đảng CSVN. Tôi kêu gọi cộng đồng Việt Nam hãy đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động này trên một tầm mức cao hơn và hiệu quả hơn để giúp tăng cường sức mạnh của mặt trận này và giúp đưa nó từ thế thầm lặng tới thế đối đầu trực diện công khai với ban lãnh đạo đảng CSVN

Sau cùng, tôi nguyện sẽ tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Ngay khi nào tình hình cho phép, tôi sẽ trở lại việt nam để đóng góp vào phong trào quần chúng ở trong nước, vận động cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phồn vinh…..”

Tâm tư và lòng yêu nước của Đoàn Viết Hoạt được thể hiện trong những giòng thông báo đầu tiên này. Vợ con ông, đang vui đoàn tụ cùng người vắng mặt đã quá lâu, nhưng người nào cũng đã hoạt động ủng hộ lý tưởng tranh đấu cho dân chủ của ông hết mình. Hai cháu Đoàn Hưng Long và Đoàn Đỗ Huệ từng cởi trần trong khi trời lạnh âm 20oC, để có thể gây sự chú ý của báo giới Mỹ, trong một cuộc biểu tình phản đối phái đoàn Cộng Sản khi họ đang họp phía trong. Bà Thức cho biết “sẵn lòng đi theo chồng về Việt Nam để tiếp tục tranh đấu (bằng các phương tiện không bạo động) cho lý tưởng dân chủ ngay khi nào ông Hoạt khỏe mạnh trở lại, và hoàn cảnh cho phép”. 

Hạ Quyên