Lê Thọ Bình: Liệu có một “học thuyết Trump” đang định hình?

Có lẽ chưa từng có vị Tổng thống Mỹ nào khiến thế giới khó đoán như Donald Trump, người đang bước vào nhiệm kỳ thứ hai với một cơn lốc hoạt động ngoại giao dồn dập đến mức khiến giới quan sát phải sửng sốt.

Từ Trung Đông đến Đông Á, từ Nam Á đến Đông Âu, ông Trump liên tục xuất hiện trong vai trò người thương lượng, người hòa giải, người bãi bỏ trừng phạt, và thậm chí… người kiến tạo hòa bình.

Chỉ trong một tuần, hàng loạt động thái đối ngoại táo bạo được đưa ra: dỡ bỏ trừng phạt với Syria, điều mà ba đời tổng thống Mỹ trước không dám làm; nối lại đàm phán ngầm với Iran; yêu cầu Ukraine đàm phán hòa bình với Nga tại Ankara, gợi nhớ đến “Thỏa thuận Paris” trong Chiến tranh Việt Nam; thúc đẩy ngừng bắn ở Yemen, nối lại đàm phán Ấn – Pakistan…

Không có thông cáo nào dài dòng. Cũng không có chiến lược chính thức công bố. Chỉ có kết quả và sự bất ngờ.

Vậy phải chăng đây là biểu hiện của một “học thuyết Trump”- một hệ thống tư tưởng về chính sách đối ngoại đang dần định hình?

Thuật ngữ “học thuyết tổng thống” thường được dùng để chỉ những định hướng chiến lược nổi bật, xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của một đời tổng thống Mỹ.

Học thuyết Truman nhấn mạnh ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Học thuyết Nixon xoay quanh chiến lược chia để trị giữa Trung Quốc và Liên Xô. Học thuyết Obama đề cao can thiệp nhân đạo và đa phương chủ nghĩa mềm dẻo.

Trump thì khác. Nếu buộc phải định nghĩa, có lẽ “học thuyết Trump” chính là… không học thuyết. Đó là phong cách vận động hành lang trực tiếp, ưu tiên thỏa thuận hơn thể chế, kết quả hơn quy trình, và cá nhân hóa vai trò lãnh đạo đến mức tuyệt đối.

Trong mắt Trump, quan hệ quốc tế không vận hành theo các nguyên lý trừu tượng, mà giống như một thương vụ giữa những tay chơi đầy tham vọng, nơi ông ta tự tin là người mặc cả giỏi nhất.

Nhưng đằng sau vẻ ngoài ngẫu hứng và phi truyền thống đó, vẫn có một số nguyên lý ngầm ẩn đang lộ diện:

– Rút lui khỏi vai trò cảnh sát toàn cầu, nhưng không từ bỏ quyền chi phối cục diện toàn cầu. Mỹ sẽ không “chết thay đồng minh” như thời Chiến tranh Lạnh, nhưng sẽ can thiệp dưới hình thức người hòa giải, người chia bài – miễn là có lợi ích hoặc đòn bẩy đủ lớn.

– Thay thế chế độ trừng phạt bằng đàm phán linh hoạt, miễn là đối phương đáp ứng một số điều kiện có thể thương lượng được. Syria, Iran hay thậm chí Hamas đều được “đưa lên bàn” nếu Washington thấy có cửa thắng lợi.

– Tái định hình trật tự thế giới dựa trên quyền lực cá nhân hóa, nơi vai trò cá nhân của Tổng thống Mỹ quan trọng hơn các thiết chế như NATO, LHQ hay G7. Điều này lý giải vì sao Trump không cần một cơ chế đồng thuận để đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt.

– Chính sách đối ngoại gắn chặt với mục tiêu trong nước, nhất là thương mại và hình ảnh cử tri. Đàm phán với Trung Quốc không chỉ vì cán cân quyền lực ở châu Á, mà còn vì giá đậu tương, cổ phiếu và kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Tất nhiên, chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu những động thái hiện tại là nhất thời hay cấu thành một “học thuyết” mang tính lâu dài.

Nhưng rõ ràng, một điều đang diễn ra: thế giới không còn vận hành theo logic cũ của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Và Donald Trump, dù yêu hay ghét, đang là người viết lại quy tắc.

Liệu đây là khởi đầu của một trật tự mới? Hay chỉ là một khoảnh khắc “rối loạn có kiểm soát”?

Câu hỏi này có thể chưa thể trả lời ngay. Nhưng nếu có điều gì chắc chắn, thì đó là: “Tuần lễ Trump” vừa qua đã khiến cả thế giới phải… cập nhật bản đồ địa chính trị trong thời gian thực.

Một “học thuyết Trump”, tuy không chính thức, đang dần định hình. Không phải trên giấy trắng mực đen, mà bằng hành động, thỏa thuận, và những bất ngờ mang thương hiệu cá nhân.

Lê Thọ Bình